Home » » Một thời và mãi mãi

Một thời và mãi mãi

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012 | 20:10


Một Thời và Mãi Mãi

Trong cái nóng bất thường của một Sài Gòn về đêm, cũng là ngày mà cụ Boris Yeltsin về với đất mẹ, tôi lục lại lọat bài viết cũ của anh Tequila về nước Nga và lại thả mình vào dòng suy nghĩ miên man. Có lẽ, những gì đẹp đẽ của đất nước Liên Xô trong quá khứ nay đã thuộc về hòai niệm. Nhưng tình yêu của tôi dành cho nước Nga thì vẫn thế, như một đức tin dẫu chênh vênh nhưng thánh thiện đến mù quáng.
Phải thừa nhận rằng, tuổi thơ tôi chẳng có mảy may nào thuộc về nước Nga cả. Bố mẹ tôi không từng học ở Liên Xô, cũng không thích nhạc Nga, và tôi cũng không lớn lên trong một thiên đường những sách của nhà xuất bản Cầu vồng, hay phim họat hình Hãy đợi đấy, bà Chúa Tuyết hay những bản tình ca bất hủ mà gần đây Trần Tiến tập hợp lại trong album “Khúc hát một thời tuổi trẻ” điểm phò cho chất lượng… Trái lại, tuổi thơ tôi gắn liền với thời kì Liên Xô sụp đổ và những ngày đầu sau đổi mới mà hệ lụy của một thời bao cấp đen tối vẫn còn sót lại trong kí ức tôi, lúc đó chỉ là một thằng bé nói chưa sõi nhưng đã biết hạnh phúc mỗi lần ngấu nghiến ăn sống gói mì giấy.
Thế đấy, tình yêu của tôi dành cho nước Nga không hề có một tì vết bị áp đặt. Nó chân thực (và có phần ảo tưởng – tình yêu mà, luôn là thế) như một puppy love.
Tôi sinh ra ở thành phố biển Vũng Tàu. Nó đẹp và thơ mộng, điều mà sau này khi rời xa tôi mới cảm nhận rõ, như nàng Natasha trong tiểu thuyết cổ điển của Tolstoi. Nơi tôi ở có một bộ phận không nhỏ người Nga sinh sống và làm việc trong ngành dầu khí từ những năm 80. Có một khu dành cho họ, mà người ta quen gọi là “khu năm tầng”, đơn giản vì những lô nhà chỉ năm tầng nằm san sát nhau. Ngòai ra còn có một bộ phận đông đảo cán bộ và công nhân người Việt làm trong ngành dầu khí, với đời sống tương đối khá giả hơn mặt bằng chung. Bạn bè tôi cũng có một số là con em trong ngành petro.
Ngày trước ở Vũng Tàu có một kênh truyền hình của Nga phát 24/24 dành phục vụ dân Nga, và đương nhiên bọn chúng tôi cũng được xem ké. Mặc dù không hiểu tiếng xì xà xì xồ nhưng bọn trẻ con rất khóai kênh Liên Xô vì chương trình quảng cáo phong phú, thỉnh thỏang còn được bonus phim họat hình. Người mẫu Nga thì khỏi phái nói, xinh mơn mởn và chuẩn nhất châu Âu (nhưng gái Nga ở Vũng Tàu thì thậm xấu và béo, không tính). Ngày đó bọn bạn tôi đồn nhau 12h đêm đài Liên Xô chiếu phim cấp ba. Tôi chỉ bắt gặp một lần duy nhất, nhưng vào lúc 10h, bên cạnh tên phim có chữ (R), chẳng hiểu là gì. Lên cấp II thì tôi có quen vài thằng bạn biết tiếng Nga, thế rồi cũng tập tõm học tí chút để hãnh diện với đời. Học đến tiếng Nga (cho pupil) quyển 2 thì bỏ. Bây giờ cũng chẳng nhớ quái gì, vì ngữ pháp tiếng Nga thì ôi thôi … very terrible!
Lên cấp III thì tôi bắt đầu yêu tự phát, chẳng ai soi đường, cũng chẳng ai cấm đóan. Tôi tự hào là một trong những thành viên đầu tiên của TTVNOL (từ thời Vương Vũ Thắng ?!), là thành viên của Box nước Nga với dòng tít “Một tâm hồn Nga”. Sau đó thì tôi bị lôi cuốn vào topic “Những bộ phim chiến tranh Liên Xô” và “Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Hồng quân Liên Xô” của bác danngoc. Tôi cũng giúp bác Dân dịch một số bài về chiến dịch Mãn Châu. Rồi tình yêu cứ thế đâm chồi nảy lộc. Tôi bắt đầu tìm sách viết về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ấy, trong đó Hồi kí Zhukov thì có đủ ba bộ Anh, Nga, Việt. Thực sự ra thì cũng chẳng đọc hết được ngần ấy sách, nhưng tình yêu mà, có khi chỉ cần nhìn người mình yêu cũng thấy thanh thản hạnh phúc rồi. Riêng văn học Nga Xô thì tôi đọc rải rác truyện ngắn Tsekhov, Aitmatov, Bunin, Pau… còn như sông Đông thì đuối, mỗi lần đọc là ngủ. Nhạc Nga thì trong blog cũ có post nhiều, những Nụ cười, Thời thanh niên sôi nổi, Chiều Mát, Đôi bờ…mỗi lần nghe là đời thêm phơi phới, cảm giác như đang yêu.
Mối tình đầu của tôi mộc mạc nhưng đằm thắm như vậy. Khi bé tôi từng mơ ước được học trường MGU (Lomonosov) danh tiếng, nhưng bây giờ tình hình khác xưa, mơ ước chắc khó trở thành hiện thực. Nhưng mà có nghĩa lý gì nhỉ? Chẳng phải như Xuân Diệu nói: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Giá mà tình yêu của tôi mãi dang dở, lỡ cỡ như thế, thì tôi sẽ mãi là thằng bé Vôva từng nổi tiếng trêu chọc cô giáo, nhưng mỗi lần nắm tay Natasha lại thẹn đỏ mặt không nói thành lời.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved