SGTT.VN - Tốt nghiệp kỹ sư ngành hoá dầu đại học Bách khoa Hà Nội năm 1999, tốt nghiệp thạc sĩ ngành công nghệ hoá học đại học quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) năm 2002, tốt nghiệp tiến sĩ ngành vật lý kỹ thuật đại học Công nghệ Vienna (Áo) 2006, từng làm việc tại đại học Liverpool (Anh) và nay là đại học Quốc gia Singapore (NUS)... nhưng anh vẫn không xem mình là một trí thức thành đạt, mà chỉ như một cây lúa đến kỳ thì trổ đòng.
Theo anh, vì sao hiện tượng đạo văn, giả dối và gian lận đang hoành hành khắp các lĩnh vực? Làm thế nào để có thể xây dựng một môi trường lành mạnh trong truyền thông khoa học, văn hoá khoa học, và công bố khoa học?
Người xưa nói “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Ngay cả nơi được coi là nghiêm chính nhất như môi trường khoa học, hiện tượng này phổ biến đến mức người ngoài giới cũng nhận ra để kêu ca. Do đó, ắt hẳn phải có một nguyên nhân chung. Đó có thể là gì khác ngoài sự chính trực, ngay thẳng, minh bạch trong môi trường khoa học đang thiếu hụt và bị chèn ép.
Vậy để xây dựng một môi trường khoa học lành mạnh, cần đảm bảo trước hết sự minh bạch rõ ràng, theo đúng những tiêu chuẩn của khoa học. Tức là phải dùng chính những quy tắc của khoa học, như minh bạch, khách quan, độc lập, có thể kiểm chứng và lặp lại được, để xây dựng một môi trường khoa học lành mạnh và nghiêm chính.
Vì sao những giá trị phổ quát một thời từng là chỗ dựa vững chắc cho văn hoá dân tộc nay lại bị thử thách dữ dội bởi cơn lốc hội nhập? Có một sự đứt gãy nào đó giữa các thế hệ đang kéo xa mỗi người ra khỏi những ràng buộc của nhân văn, của luân thường đạo lý?
Hội nhập không phải là nguyên nhân, mà sự thiếu minh bạch trong mọi khâu mọi việc mới là nguyên nhân chính. Bằng chứng là ở những nơi hội nhập rất sâu thì những giá trị phổ quát này lại được gìn giữ như bảo bối, còn những nơi bế quan toả cảng thì các nguỵ giá trị lại được dịp lên ngôi.
Còn đối với cá nhân, từ khi con người chuyển từ săn bắt hái lượm sang trồng trọt, và sau đó là vào sống trong đô thị, thì với tư cách là một phần tử của xã hội, đã mất đi rất nhiều khả năng tự quyết và tầm mức ảnh hưởng của mình trong các vận động xã hội lớn, như hội nhập hay toàn cầu hoá chẳng hạn. Cả xã hội như một hệ thống rùng rùng vận động, còn mỗi cá nhân chỉ là một phần tử nhỏ, bị làm nhoà đi. Trong trường hợp này, sức mạnh của một hệ thống và khả năng hội nhập của nó sẽ phụ thuộc phần nhiều vào chính cơ chế vận hành chứ không phải các phần tử riêng rẽ. Do đó, tôi nghĩ lực cản chính đến từ sự lạc hậu hoặc không tương thích của cơ chế vận hành xã hội trước hội nhập, mà mỗi cá nhân chỉ là một phần tử yếu ớt trong hệ thống này. Khi đưa một cá nhân riêng rẽ từ môi trường này sang môi trường khác, dù khác biệt nhiều đến bao nhiêu đi chăng nữa, thì thực tế cho thấy họ vẫn hội nhập được sau một thời gian. Lý do là dù ở đâu thì khả năng sinh học và nhu cầu cơ bản của con người cũng tương đối giống nhau. Còn với xã hội thì khác, để hội nhập cần rất nhiều thời gian, và không phải lúc nào cũng thành công. Do đó, đổ lỗi cho cá nhân là lực cản hội nhập mà không nói đến sức cản từ cơ chế vận hành của xã hội là một sự đánh tráo.
Đổ lỗi cho cá nhân là lực cản hội nhập mà không nói đến sức cản từ cơ chế vận hành của xã hội là một sự đánh tráo. |
Không có sự đứt gãy giữa các thế hệ, mà chỉ có sự đứt gãy giữa các thang giá trị. Vì nhiều lý do, các thế hệ đã được nuôi dưỡng trong các thang giá trị khác nhau, và sự thiếu minh bạch, thiếu tự do thảo luận đã làm cho các thang giá trị bị nhầm lẫn, gây ra cảm giác có một sự đứt gãy giữa các thế hệ.
Bàng bạc trong các bài viết của anh là sự băn khoăn, day dứt về vai trò của người trí thức. Vì sao trí thức thời nay còn yếm thế, chưa trở thành một lực lượng có thể làm thay đổi xã hội? Những ưu tư của anh về “trí thức cận thần”, “đất nước cận thần”?
So với thời săn bắt hái lượm và buổi đầu của văn minh nông nghiệp, con người trong xã hội hiện đại hoàn toàn bị tập thể chèn ép, đôi khi đến chết ngạt bởi sự áp đặt của hệ thống lên mỗi cá nhân. Trong số đó, trí thức bị chèn ép nhiều nhất, vì là người có khả năng nhất trong việc nhìn ra những yếu kém của hệ thống. Rất may là trong cuộc đối đầu không cân sức này, mỗi cá nhân, và hẹp hơn là người trí thức, có những vũ khí mà hệ thống không thể tước đoạt được, đó là tự do nội tại và những giá trị phổ quát như chân – thiện – mỹ.
Xã hội càng loạn lạc thì sự tự do và những giá trị phổ quát này càng cần được bảo vệ, vì chính là chúng chứ không gì khác, sẽ đưa xã hội trở lại trạng thái ổn định, lành mạnh mà các cá nhân đều mong đợi.
Theo cách hiểu đó, vai trò của trí thức chính là nuôi dưỡng và bảo vệ tự do và những giá trị phổ quát này, và sau đó là sử dụng chúng như những trung giới của quá trình đấu tranh biện chứng nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Sức mạnh cá nhân đã bị giảm thiểu rất nhiều trong xã hội hiện đại, người trí thức cũng không ngoại lệ. Và còn một lý do khác, ngoài tự do nội tại và những giá trị phổ quát thì người trí thức không còn gì khác. Trong cuộc đối đầu với các lực lượng vật chất, người trí thức trắng tay. Tình thế càng trở nên cam go khi người trí thức bỏ quên, thậm chí dè bỉu, vũ khí duy nhất của mình là tự do nội tại và những giá trị phổ quát, để hùa với những giá trị ảo mà hệ thống đang nuôi dưỡng, tất nhiên cũng mang danh những giá trị phổ quát như một sự đối chọi. Đó chính là lý do vì sao trí thức chưa trở thành lực lượng làm thay đổi xã hội.
“Trí thức cận thần”, có thể nói ngắn gọn là trí thức đã buông vũ khí, tức là buông tự do và buông những giá trị phổ quát, tức là buông bỏ đặc trưng của mình để hùa theo cường quyền vì lợi ích cá nhân. Ở mức độ cao hơn, “đất nước cận thần” cũng có thể được hiểu tương tự, là khi người lãnh đạo đất nước buông bỏ tự do, buông bỏ những giá trị phổ quát đã được thế giới công nhận và buông bỏ bản sắc dân tộc để hùa theo những lực lượng bên ngoài nhằm trục lợi cá nhân, tất nhiên là sau khi đã hợp pháp hoá về mặt hình thức.
Nghiên cứu kỹ về văn hoá đại dương, anh có thể cho biết chúng ta phải thay đổi gốc rễ từ ý thức hệ lạc hậu như thế nào, để vượt qua những giới hạn do chính mình đặt ra? Theo anh, vì sao chúng ta có quá ít những nhà nghiên cứu văn hoá đại dương?
Chúng ta có quá ít các nhà nghiên cứu về đại dương, trước hết là vì văn hoá của chúng ta quay lưng lại với đại dương. Sau đó là việc nghiên cứu về đại dương chưa được sự hỗ trợ của Nhà nước một cách đúng mức, và trong nhiều trường hợp còn bị hạn chế vì “nhạy cảm”.
Do ảnh hưởng của văn hoá lục địa Trung Quốc, và do những hạn chế về tiềm lực kinh tế – kỹ nghệ, nên dù ở cạnh biển, chúng ta không vươn ra để chinh phục biển lớn. Được đặt ở thế đối diện với biển, nhưng chúng ta lại tìm cách bám chặt đất và quay lưng ra biển. Điều này còn biểu hiện ở những lát cắt khác như là việc bám chặt một ý thức hệ cũ và từ chối hội nhập trong suốt một khoảng thời gian dài.
Vấn đề lớn nhất mà một người phải đối diện, không hẳn chỉ với mình tôi, đó là giữ được tự do và phẩm giá của mình trước sự chèn ép đến nghẹt thở của xã hội hiện đại. |
Làm thế nào để vươn ra biển lớn, để trở thành cường quốc biển? Trước hết phải vươn ra biển lớn ngay trong suy nghĩ, đầu óc của mình. Nếu đầu óc mình, tư duy mình cứ khư khư ôm lấy những giá trị lỗi thời, thì đôi chân làm sao sải dài, vươn xa được. Vì thế phải biết buông bỏ những rào cản để hội nhập, để có cơ hội trở thành cường quốc, chứ không ôm lấy rào cản dù có cảm giác an toàn.
Sau khi trở thành cường quốc biển ở trong đầu óc của mình rồi, thì việc vươn ra biển lớn, trở thành cường quốc biển chỉ là hệ quả tất yếu.
Điều thú vị có thể nhìn thấy là chính quá trình buông bỏ để vươn lên này giúp định hình bản sắc dân tộc, vì khi đó trường ảnh hưởng của văn hoá phương Bắc trong suốt hàng ngàn năm sẽ suy yếu và bị thay thế bởi những giá trị mới do chính bàn tay, khối óc của mình nhào nặn nên.
Tự nhận mình “như một cây lúa”, bước ngoặt nào giúp anh hoà nhập một cách tự tin vào môi trường khoa học thế giới?
Tôi từng ví mình như cây lúa, theo nghĩa đến kỳ thì làm đòng, trổ bông chứ không được lên kế hoạch trước là phải trở thành người như thế nào trong tương lai.
“Bước nhảy lớn nhất” mà tôi trải qua có lẽ là buông bỏ rất nhiều ràng buộc và định kiến để bước vào tự do nội tại của cá nhân, ý thức được sự hiện hữu của những giá trị phổ quát như là biểu hiện của sự tự do này ra thế giới bên ngoài. Mọi việc sau đó xảy đến rất tự nhiên. Cũng lại như cây lúa, đến kỳ thì làm đòng, trổ bông, chứ không có gì cưỡng ép hết.
Sự hoà nhập của một cá nhân bình thường vào những môi trường mới không phải là điều khó khăn, nếu cá nhân đó biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác.
Sự gặp gỡ giữa toán học, vật lý, triết học mang lại cho anh cảm quan như thế nào về con đường trước mặt? Có bao giờ anh gặp phải những thất bại trong sự nghiệp, cuộc sống?
Tôi nhận thấy có một sự thống nhất lạ kỳ giữa toán học, vật lý và triết học. Điều này cũng giống như tôi tin vào sự thống nhất về bản chất của bộ ba chân – thiện – mỹ, rằng chúng chỉ là những hiện hữu khác nhau của một tồn tại duy nhất.
Điều này tác động mạnh đến tôi với việc cảm nhận về con đường phía trước, rằng đó là con đường có ý nghĩa.
Thất bại trong cuộc sống thì bao giờ cũng có, ai cũng gặp qua, không ở dạng này thì dạng khác. Nhưng thực ra thất bại không kinh khủng như người ta nghĩ. Ngay cả cái chết, chưa hẳn đã là một thất bại. Khi đã biết được điều đó thì không còn lo sợ nữa. Và vượt qua hay không, khi đó chỉ còn là tương đối.
Vấn đề lớn nhất mà một trí thức trẻ thành đạt như anh phải đối diện và vẫn chưa tìm ra lời giải?
Tôi không dám nhận là một trí thức thành đạt. Tôi thích là một người bình thường, sống với tự do của mình, hướng đến những giá trị mình trân trọng. Vấn đề lớn nhất mà một người phải đối diện, không hẳn chỉ với mình tôi, đó là giữ được tự do và phẩm giá của mình trước sự chèn ép đến nghẹt thở của xã hội hiện đại.
Điều gì khiến anh buồn nhất khi nghĩ về giới trí thức trẻ hôm nay?
Tôi không buồn. Tôi tin ở họ, dù đang có những chao đảo về giá trị, nhưng tôi vẫn tin họ như tin bản thân tôi vậy.
THỰC HIỆN: KIM YẾN
CHÂN DUNG HỘI HOẠ: HOÀNG TƯỜNG
CHÂN DUNG HỘI HOẠ: HOÀNG TƯỜNG