Đạo nơi Khổng gần người, nhưng người không thấy.
Đạo nơi Lão khác xa nếp sống, khác xa bước đi của con người trong thực tế trước mắt, mặc dầu Đạo gắn liền với chân tính thâm sâu của con người.
Hai cách nói khác nhau nhưng đều gợi lên tương quan kỳ bí giữa Đạo và người.
Qua lịch sử tiếp cận hai luồng văn hóa nầy trong các cộng đồng dân tộc, trong những xã hội và chế độ chính trị khác nhau qua các triều đại, người ta chứng kiến rằng phần lớn dân chúng, và nhất là những lớp khoa bảng trường ốc học Đạo để làm quan, làm đạo sĩ, để tu tiên v.v. lại thường đồng hóa Đạo với một cái gì đó trong muôn ngàn vật thể mà con người định vị được, nên tân-nho và tân-lão (cũng có thể gọi là hủ nho và quái lão) đã :
- hoặc đồng hóa Đạo với lễ nghi, khuôn phép bên ngoài,
- hoặc với việc trốn đời tìm kiếm các phương thức ma thuật, phù phép.
Nếu Nho học thường được hiểu là một lối cai trị quân chủ với những lễ nghi khắt khe, rườm rà, thì Lão học thường được mơ hồ biết đến như một phương thuật thần thông, nặng phần mê tín.
Nhưng cũng như phần trình bày trên đây về ảnh hưởng của Nho học nơi văn hóa Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến tinh thần Đạo học thấm nhập vào cuộc sống hằng ngày và tâm thức của người dân Việt.
Sách Trung Dung, chương đầu, đã nhắc nhở rằng Đạo rất ẩn kín, quá sức hiểu biết của con người, nên ngay bậc quân tử cũng phải khiêm cung cẩn trọng. Đạo đó là điều mà mọi người phải thi hành, là nghĩa cuộc đời làm người, nhưng không ai, không tâm nào của con người bằng xương bằng thịt (= nhân tâm duy nguy), không một chủ thuyết, chế độ nào trong trần thế nay còn mai mất nầy được tự đồng hóa mình với Đạo cả. Mẫu mực thời Nghiêu Thuấn là “vườn Eden” của huyền thoại, là hình ảnh biểu tượng của tiếng nói lương tâm ẩn kín, là Đại Ký Ức.
Thực tế lịch sử đang xảy ra, và ngay cả thực tế của mỗi đời sống con người chúng ta, là thực tế xa Đạo. Tệ hại hơn nữa là vì con người lịch sử đã chuyển Đạo siêu việt thành dụng cụ cho ý muốn của”nhân tâm duy nguy”, tác oai tác quái làm nên những “đạo” giả tạo theo ý mình, rập khuôn theo quyền lợi, theo ý hệ của phe mình.. Thiên hạ loạn không phải vì không nói đến Đạo, nhưng nói quá nhiều về Đạo, và đạo đó lại là “thần tượng” mỗi người, mỗi thời theo lòng dục của mình khắc đẽo ra.
Trước thực trạng đó Lão Tử khẳng định có Đạo Thường, nhưng không ai là người làm ra được; có một Danh Thường, nhưng không ai nhân danh Đạo đó để nói hết ý nghĩa được.
Đạo mà con người có thể đi được, không phải Đạo Thường;
Danh mà con người gọi được, không phải Danh Thường. [1]
Cái gì có thể là “Thường” được, là mãi mãi tồn tại được trong thân phận có đó rồi mất đó nơi con người ở dương thế!
Vì thế, nơi dương gian nầy, điều mà con người cho rằng mình tự đủ sức định được là tốt, là xấu, thì tốt, xấu đó cũng tương đối, nghĩa là không có nền tảng nơi chân lý thường hằng.
Khi đọc những câu sau đây của sách Lão Tử, ta thấy một hình ảnh gần gũi với nghiệp làm người của Adam và Eva khi muốn tự mình phân biệt tốt xấu.
Nơi dương thế,
Những điều người ta cho là đẹp (và) lấy đó làm Đẹp,
nghĩ như thế là xấu rồi;
Những điều người ta cho là tốt (và) lấy đó là Tốt,
nghĩ như thế là không tốt rồi. [2]
Nên việc ưu tiên phải làm để trở nên người chân thật nơi dương thế là ngưng đừng “làm” nữa. (= vô vi):
Vậy nên người thánh, lấy “không làm” mà xử sự [3]
“Không làm” = “vô vi” đã được nhiều người hiểu là rút lui thế sự, không làm gì cả. Nhưng Lão Tử có nói vậy không?
Ở chương 48 sách Lão Tử viết:
Không làm mà không phải không làm,
Trị yên thiên hạ luôn theo đường lối không làm [4]
Lối nói ngược đời nầy gợi lên tình trạng đảo điên của Tháp Babel, khi lời nói là tương quan giữa người vơiù nhau đã bị lạm dụng, bị xuyên tạc do tình trạng không biết đến Đạo. Trước hết, “vi” là “làm” như con người đang làm theo hậu ý của mình. “Làm” ở đây là tự ý làm ra Đạo, do mình và cho mình.
Con người làm nên lịch sử mình với hậu ý là lịch sử đó làm nên bản tính mình. Đạo Thường đã bị phế bỏ vì cái làm nầy. Nên tiên khởi phải triệt hạ cái “làm tác quái như thế”. Ngôn ngữ Kitô giáo gọi “vô vi” nầy là “chết đi con người cũ”.
“Vô vi” là ngưng ý đồ “ta làm nên ta” để trở lại cái Thanh Tịnh, nguyên sơ lúc ban đầu của Đạo.
Trở về gốc gọi là Thanh Tịnh, ấy gọi là ‘Phục Mạng’
Phục mạng gọi là Thường
Biết Thường gọi là Minh
Không biết Đạo Thường mà mơ mộng hão huyền
thì gây hung bạo.
Biết Đạo Thường thì bao dung
Bao dung thì công bình
Công bình thì biết đạo vương
Đạo vương là đạo trời
Trời là Đạo... [5]
Nói cách khác, Khổng đề nghị nên làm điều phải làm đó là tiến về “thái hòa”, nghĩa là từng bước đem Đạo siêu việt vào đời. Còn Lão thì nói ngược lại, dứt điểm thoát ra khỏi “thế giới vô đạo do do mình làm ra” thì thấy ngay Đạo; và bấy giờ một cảnh vực của Đạo mở ra. “Làm” là làm với Đạo, đó là thái hòa.
Khổng cho rằng “Đạo = điều phải làm” ngay cả Nghiêu Thuấn cũng bất cập. Còn Lão thì lấy thánh nhân làm mẫu mực cho con đường “vô vi”, nhưng thánh nhân đó như là một kẻ xa xưa của một thế giới vườn Eden, còn sót lại nơi Đại ký ức.
Nên người thánh nhân,
Để thân ra sau, mà thân ở trước;
Để thân ra ngoài, mà thân đựơc còn.
Thánh nhân đó cũng là:
Đời xưa, người tốt thi hành Đạo... [6]
Nếu Khổng nhắc nhở cho kẻ kiến tạo hòa bình về “nghĩa” (nghĩa là tích cực làm cái phải làm trong khiêm tốn), thì Lão lưu ý cho kẻ kiến tạo hòa bình phải dừng chân; phải từ khước thực trạng mê lầm, cố chấp của xã hội; và phải hướng hành động của mình kết hợp với Đạo để sống một thế giới vị tha, quên mình.
Khổng cho thấy “hòa” thật sự không có nơi dương gian một cách trọn đầy, nhưng là nỗ lực con người từng bước xây đắp và hy vọng. Còn Lão thì nói đến một hòa bình trọn đầy khi con người theo đạo vô vi, nhưng đạo đó chỉ vang vọng như một Đại Ký Ức. Điều con người phải làm để hy vọng được cảnh Thái Hòa đó trước tiên là “hủy bỏ thế giới tăm tối trước mắt”. Cuộc sống con người và xã hội đang bịnh, việc đầu tiên là trị liệu.
Tự căn, không phải có hai Đạo nơi Khổng và Lão, nhưng trước thực trạng của con người, xã hội và lịch sử của nó, mỗi vị nhấn mạnh đến điều phải làm và điều phải bỏ để tiến gần đến Đạo.
Vì ảnh hưởng ưu thắng của Nho học trong bối cảnh điều hành xã hội, người ta thường nhắc đến Lão học và thuyết “vô vi” qua hình ảnh của kẻ cao ngạo, không tin Trời Đất, đạp bằng mọi giá trị luân thường, hoài nghi các giá trị tốt xấu, và còn tệ hơn nữa là ghép Lão học vào giới làm bùa, làm phép, mê tín dị đoan. Tiền kiến đó không những ở trong dân gian, nhưng ảnh hưởng cả giới thức giã. Trong cuốn ‘Việt Nam văn hóa sử cương’ của học giả Đào duy Anh, khi nói đến ảnh hưởng của Lão học trong cuộc sống người Việt, tác giả viết:
Những điều mê tín thuộc về đạo giáo vốn có từ đời cổ...
Ngài (Lão Tử) đã không tin trời cho nên mới nêu ra một cái gọi là ‘đạo’...[7]
Và “Đạo”, nguồn chân lý ẩn kín được hiểu như là biểu tượng của tâm thức tiêu cực triệt để, không tin có chân lý nào cả, đêm đen huyền hoặc của tình trạng mất trí, quên lãng trong men rượu.
Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy,
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười,
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời,
Tiêu khiển một vài chuông lếu láo...[8]
Những hiện tượng nổi bật đó như trái ngược với ảnh hưởng bàng bạc, tự nhiên của dân chúng. Dân chúng không mấy khi được đọc đến các tác phẩm như Lão Tử, Nam Hoa Kinh…, nhưng sống tinh thần thanh thản và rất thức tỉnh trước những giới hạn của những cái hay cái dở của xã hội, lịch sử. Tinh thần đó ngược lại với thái độ phản kháng, nóng nảy, bạo động và cố chấp. Nói cách khác, kiến tạo hòa bình trên trần thế qua Nho học và Lão học không phải là “xuất” hay “nhập” cứng nhắc một chiều, nhưng xuất và nhập theo thời của Đạo, là con đường chân thật để con người thực hiện Đạo ở đời, và đưa đời về với Đạo.
Điểm đáng lưu ý là hai học thuyết Nho Lão tiêu biểu cho tinh thần lạc quan, hay có thể nói là niềm hy vọng hầu như không giải thích được về thân phận con người trong tương quan với chân lý, trong nỗ lực kiến tạo hòa bình.
Trong Luận ngữ, Khổng Tử nói:
Điều nhân có ở xa đâu? Ta muốn nhân, hãy nghĩ là điều nhân đến rồi vậy![9]
Hẳn nhiên đây không có nghĩa là tùy ta muốn nhân mang ý nghĩa nào, là đó cũng thật sự là nhân. Nhưng sự thật sẵn sàng đến với con người, khi con người thành tâm tìm sự thật.
Tuy vậy, trong thiên hạ kẻ nói được “ngã dục nhân” cũng hiếm hoi, hơn thế nữa dường như «dục » nầy là từ Đạo mà đến chứ không do ý muốn riêng hay tài sức gì nơi cá nhân ấy !
Có lần Khổng Tử như muốn nói đến sứ mạng trời sai khiến[10]:
Khổng Tử nói: ‘Không ai hiểu cho ta cả!’
Từ Cống hỏi: ‘ Sao lại không có người hiểu thầy?’
Khổng Tử đáp: ‘ Ta không oán trời, không trách người,
Ta học nơi việc người để đạt đạo trời; biết ta chỉ có trời chăng? [11]
Lão Tử cũng nói tương tự như thế:
Lời ta dễ hiểu, dễ thực hành,
Thế mà thiên hạ không hiểu, không làm.
Lời ta có gốc, việc ta có chữ.
Thiên hạ không hiểu việc đó, nên không hiểu ta [12]
Ở đây, không có mặc khải rõ rệt như nơi lịch sử Israel về Một Thiên Chúa trao một sứ mạng cho một tiên tri, nhưng qua hai lời trích dẫn nầy, ta thấy Chân lý không thể gọi tên, Đạo không do con người làm ra luôn rộng mở cho kẻ khao khát và thực thi.
Hơn thế nữa, nơi Lão học không những Đạo đón người trở về mà còn miễn xá lỗi lầm quá khứ :
Noi theo Đạo, Đạo làm ta ở trong Đạo,
Ở trong Đạo, thì Đạo vui tiếp đó.
Người xưa sở dĩ quí Đạo ấy là tại sao?
Không ngày nào họ không cầu cho được,
Cho nên có tội cũng được miễn, hay sao? [13]
Người xưa (cổ chi) không phải là đã có một thời như thế trên cõi đời nầy, nhưng là thời phải đến của Đạo mà đời hiện tại của lịch sử che khuất. Thời xa xưa đó cũng là chỗ phải quay về, mà ngôn ngữ ngày nay gọi là cứu cánh của lịch sử, thời chung mãn của thân phận con người.
Lão Tử dùng lối nói, gần như lối nói của Do thái giáo và Kitô giáo: “Vô vi” là chết đi người cũ để thấy và sống trời mới đất mới của Đạo, cảnh thái hòa.
Đi ra cái sống, đi vào cái chết...
Ai biết cái đạo nhiếp sinh đó,
Đi đường không gặp thú dữ,
Vào trận không bị đao thương,
Tê không chỗ đâm
Cọp không chỗ vấu.
Đao không chỗ phạm. [14]
Ở chương 55 Lão Tử còn viết:
Kẻ sống sức mạnh của Đạo
Như con trẻ còn thơ
Đội tùy không cắn
Thú dử không ăn,
Ác điểu không xớt. [15]
Và lạ thay trước đó khoảng 100 năm, nơi đất Israel tiên tri Isaia cũng đầy Thánh Thần để nói với con người những lời về hòa bình tương tự:
Vì Ta (Giavê) đã gọi, nhưng các ngươi đã không nghe,
Ta nói nhưng các ngươi không lắng nghe,
Các ngươi đã làm điều Ta xem là ác,
Các ngươi tìm hoan lạc nơi việc Ta không ưa...
Ai ao ước được Chúa chúc lành dưới đất
thì cũng muốn được chúc lành bởi Thiên Chúa chân lý...
Vì tội lỗi xưa Ta sẽ quên và mắt Ta không còn nhìn đến.
Vì Ta sẽ tạo một trời mới và một đất mới,
và người ta không còn nhớ đến quá khứ nữa,
Không để tâm đến nó nữa...
Chó sói và chiên con sẽ gặm cỏ chung,
sư tử sẽ ăn rơm như bò và rắn sẽ ăn đất bụi.
(Isaia, 65, 12; 16-17; 25)
Chú Thích
[1] “Đạo khả đạo, phi Thường Đạo;
Danh khả Danh, phi Thường Danh.” (Lão Tử, Chương 1)
[2] “Thiên hạ, Giai tri mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ;
Giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ.” (Lão Tử, ch. II)
[3] “Thi dĩ thánh nhân, xử vô vi chi sự.” (Lão Tử, chương II)
[4] “Vô vi nhi vô bất vi,
Thủ thiên hạ thường dĩ vô sự.”
[5] “Quy căn viết Tịnh ; Thị vị viết Phục Mạng
Phục Mạng viết Thường ; Tri thường viết Minh,
Bất tri thường, vong tác hung;Tri thường Dung,
Dung nãi Công ; Công nãi Vương
Vương nãi Thiên ; Thiên nãi Đạo.” (Lão Tử, Chương 16)
[6] “Thị dĩ thánh nhân,
Hậu kỳ thân nhi thân tiên;
Ngoại kỳ thân nhi thân tồn.” (Lão Tử , ch. 7)
“Cổ chi thiện vi Đạo giã... ” (Lão Tử, ch. 65)
[7] Đào Duy Anh. Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Quan Hải Tùng Thư, 1983, tr. 24.
[8] Thơ của Cao Bá Quát, trích trong, Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển, Dương Quảng Hàm Trung Tâm Học Liệu, Bộc Quốc Gia Giáo Dục, 1968, tr. 139.
[9] Nhân viễn hồ tai ! Ngã dục nhân, tri nhân chí hỷ ! (Luận ngữ, Thuật nhi VII,29)
[10] Không khác gì Sorcrate nói đến thần ở trong lòng ông, buộc ông nói; cũng như các tiên tri trong Cựu Ước và sứ mạng truyền lịnh của Thiên Chúa cho dân
[11] Tử viết: ‘Mạc ngã tri dã phù!’
Từ Cống viết: ‘Hà vi kỳ mục tri tử dã!’
Tử viết: Bất oán thiên, bất vưu nhân, hạ học nhi thượng đạt; tri ngữ giã kỳ thiên hồ?” (Luận ngữ, Hiến vấn III, 37)
[12] “Ngô ngôn thậm dị tri, thậm dị hành.
Thiên hạ mặc năng tri, mặc năng hành.
Ngôn hữu tông, sự hữu quân.
Phù duy vô tri, thị dĩ bất ngã tri.” (Lão Tử Ch. 70)
[13] “Tùng sự ư Đạo giã ; Đạo giã đồng ư Đạo
Đồng ư đạo giã ; Đạo dực lạc đắc chi » ;
« Cố chi sở dĩ quí thử Đạo giã hà? Bất nhật dĩ cầu đắc.
Hữu tội dĩ miễn da? » (Lão Tử, .” chương 23)
[14] “Xuất sanh nhập tử...
Cái văn thiện nhiếp sinh giã ; Lục hành bất ngộ tỷ hổ
Nhập quân bất bị giáp binh ; Tỷ vô sở đầu kỳ giác,
Hổ vô sở thố kỳ trảo ; Binh vô sở dung kỳ nhẫn” (Lão Tử Ch. 50)
[15] “Hàm Đức chi hậu ; Tỷ ư xích tử ;Đội tùy bất thích ;Mảnh thú bất cứ ; Cược điểu bất bác.” ” (Lão Tử ch. 55)
|