Home » » Cái Chết Bức Bối Của Một Nhà Thơ

Cái Chết Bức Bối Của Một Nhà Thơ

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012 | 06:10


Phạm Nga

Ta buồn bã khiêng mùa thu xuống núi
Mưa phùn bay nhè nhẹ ở ngoài trời
Ta cóng lạnh nhìn em cười nụ nhỏ
Đẹp vô cùng nhưng ngắn ngủi, tan, vơi…
THƯỢNG THUẬT
(Khiêng Mùa Thu Xuống Núi – tạp chí Văn, 1972)
                                                                                   
Có ai đó gọi tên tôi trên phố. Một phụ nữ lạ mặt nhìn tôi cười và có vẻ chờ đợi. Như tình trạng của tôi lúc này, chắc cái mặt ngớ ngẩn, tra lục trí nhớ nào trông cũng ít nhiều buồn cười. Hồi lâu thì tôi chịu thua, xin lỗi là  không thể định vị chị vào một quãng nào đó đã qua trong cuộc sống của mình. Thì ra, mấy chục năm trước, tôi và chị cùng làm việc ở một rạp chiếu bóng vùng Phú Nhuận. Hỏi thăm về những người cùng làm việc hồi đó, chợt chị nói: “Còn bác Sáu ở Bà Rịa, ổng còn khỏe không anh? Hay ổng cũng… rồi?”. Lần này thì tôi khá hơn, nhớ ra ngay đầu đuôi một sự việc đau lòng…

Nguyên hồi còn làm ở rạp chiếu bóng, biết tôi là sĩ quan chế độ cũ, có lần người phụ nữ này đã cho biết mình là con gái vị chánh án tỉnh cũ, và ông cũng đã học tập cải tạo về.  Sau đó, trong một dịp nghỉ phép, tôi bay về Bà Rịa, vô tận  miếng đất rẫy nghèo nàn của Châu ở Long Đất, báo ngay tin này cho bác Sáu Tí – ba Châu -  vì ngẫu nhiên bác vốn là một cảnh sát viên áo trắng canh gác tại toà án tỉnh Phước Tuy thời trước. Cái tin tôi tình cờ làm việc cùng chỗ với con gái vị chánh án đã khiến bác Sáu hết sức phấn chấn, vui vẻ. Bác bắt Châu chạy đi lấy thêm ba xị nữa rồi truy cứu tiếp nơi tôi những thông tin quá nghèo nàn về vị xếp cũ của bác. Có gì đâu, ông cảnh sát già đang sống lại cảm giác vinh quang của cái hồi được chuyển công tác, từ gác chợ về gác tòa án tỉnh.  Sau bao nhiêu đổi thay, mất mát  từ ngày 30/4, ông già thầm lặng đóng cửa với hiện tại, tiếp tục sống tự hào ngấm ngầm về một chút quá khứ ‘làm công chức’ một thời mà bà con ở quê thường gọi một cách kính trọng là có “ mần việc”, “làm việc”. Thật may mắn, cần một xác minh hùng hồn trên cõi đời hiện tại này thì vị cấp trên cao nhất vẫn còn đó. Bác Sáu bắt tôi vô một ly đầy rồi trợn mắt quả quyết : “Bây giờ mà gặp thì chắc chắn ông Đẫu nhớ tao liền hà!”.
“Để bữa nào lên Sàigòn một chuyến, con dẫn thằng Châu với Sáu tới nhà ông Đẫu thăm ổng…”. Người già ở miền Nam có cái tật rất dễ thương là khi gần gũi, ân cần, họ xưng trõng trơ với con cháu bằng thứ bậc tư, năm, sáu, bảy… gì đó, lướt nhẹ tưng qua vai vế  chú, bác, cậu, dượng… vốn ấn định người trên kẻ dưới, để giữa ông già và bọn trai trẻ thắm đẫm hơn nữa cái tình trìu mến, tin cậy. Vào lúc ấy thì nói nào ngay, cái thằng tôi khố-rách-áo-ôm chẳng có gì đáng cho bác Sáu bấu lấy mà cậy nhờ. Chỉ có chuyện rất nhỏ nhoi là tôi sẵn sàng ra đón bác ở bến xe miền Đông rồi đưa bác đến nhà người mà bác muốn gặp lại với tất cả lòng kính mến. Trở về Sàigòn, tôi lập tức kể chuyện về bác Sáu cùng niềm mong mỏi của bác với cô con gái vị chánh án. Rất thuận lợi vì liền sau đó, vị xếp cũ của bác Sáu đã nhắn qua con gái mình rằng ông rất vui khi được gặp lại một thuộc cấp còn nhớ tới ông.

Rồi cuộc sống khó khăn đã xô dạt, nhấn chìm đâu mất cuộc hẹn gặp giữa hai ông già. Vị chánh án qua đời, đang khi trông ngóng hồ sơ H.O. nghe nói còn nằm đâu đó ở Thái Lan. Biết được tin buồn này vào lúc đã nghỉ việc tại rạp chiếu bóng, tôi lại phải bám chặt lấy Sàigòn để kiếm sống nên rất chậm trễ trong bổn phận đưa tin về Bà Rịa. Rồi bác Sáu đau ốm liên miên, lặng lẽ qua đời trong niềm tuyệt vọng, không còn cơ hội lên Sàigòn, đến viếng mộ phần cấp trên của mình, như một cách vớt vát cho một ước nguyện nhỏ bé cuối đời bác.

Từ biệt chị đồng nghiệp cũ mà không có gì vui vẻ để trao đổi số phone, địa chỉ hay nói hẹn gặp lại, tôi trở về nhà với cõi lòng trĩu nặng quá khứ.  Châu, bạn tôi, chứng nhân hàng đầu, thân thuộc nhất của cuộc hẹn bất thành giữa hai ông già, cũng vừa mất năm ngoái.

Đã có gì đó thúc thủ, cam chịu, rất “số phận” về cái chết của hai người già. Hai món đồ chơi cũ mèm mà bàn tay vô tâm của Định Mạng đã lạnh lùng vứt vào xọt rác Hư Vô. Nhưng đến lượt Châu ra đi thì dù cũng chết do bệnh tật, lại có nhiều điều bức bối khiến gần như tôi không muốn tin là thật. Nói theo phim cổ trang Trung quốc thì là: “Tại hạ không cam tâm trước việc này!”.

Chúng tôi bạn nhau từ gần 50 năm trước ở Sài Gòn, lúc hai đứa cùng chơi  thi văn đoàn học trò. Tên nhóm là ‘Văn Nghệ Tim’ do Châu nặn óc nghĩ ra. Châu nghỉ học sớm, nhưng bù lại anh sớm có thơ và truyện ngắn đăng ở nhiều nhựt báo, tạp chí, trong đó có tạp chí Văn, tờ báo văn học - nghệ thuật danh giá nhất miền Nam. Đến tuổi lính thì Châu trở về quê, đăng vô cán bộ xây dựng nông thôn ở Vũng Tàu rồi làm biên tập viên trong tờ Nước Ta, cơ quan ngôn luận của lực lượng “áo đen”.

Châu vừa ham mê đá banh đủ để viết bài tường thuật bóng đá, vừa mê mãi làm thơ lục bát đủ để gởi cho nhiều tờ báo lớn nhỏ và… tán gái. Thật ra, máu văn nghệ  trong anh chàng lùn thấp và thường xuyên túng bấn này đã không đủ tạo cho anh một vẻ phong nhã, hào hoa trước mắt con gái. Nhưng không riêng gì vài cô gái trẻ, người lớn tuổi cũng dễ cảm mến Châu vì anh rất cởi mở, vui vẻ, ân cần với bất cứ ai, và còn có tánh thật thà đến buồn cười. Tôi cũng vui vẻ bỏ qua cho bạn mình về chuyện có chút nhuận bút nào khi tôi viết cho tờ Nước Ta thì coi như tiền… “chiến sĩ trận vong” – đúng hơn phải là “chận vong”. Châu cười hề hề khi ăn “chận” làm tiêu “vong” hết số nhuận bút, chỉ để chi trả những chầu café thuốc lá cho bạn bè, dĩ nhiên có cả tôi. Do tôi rủ vô làm thân hữu, Châu gởi thơ tình đăng trên tập san Nghiên Cứu Triết Học của nhóm chúng tôi ở đại học Văn Khoa Sài Gòn. Khi nhóm ra tờ tạp chí văn học - nghệ thuật ‘Tự Thức’, Châu vừa đang soạn vài bài thơ, chuẩn bị gởi thì biến cố lịch sử 30-4 đã diễn ra…

Con người lạc quan, chất phác ấy khó mà còn vô tư cười nói sau ngày 30/4. Học tập cải tạo xong, anh rời Vũng Tàu rút về xã An Ngãi, thuộc huyện Long Đất, Bà Rịa, xin một ít đất của người bà con đề làm rẫy kiếm sống. Muốn đến vạt đất khô cằn đó thì phải vượt qua 2 cây số đường mòn quanh co đi về phía chân núi Dinh Cố rất vắng người, cây dại um tùm. Ai xui xẻo bị rắn cắn dọc đường thì rất ngặt nghèo vì phải lết đi mấy trăm thước mới thấy một căn nhà lá. Vậy mà trong những năm 80- 90, hễ gặp lúc phiền muộn, bất đắc chí là từ Sài Gòn, tôi mò lên rẫy Châu ở ít bữa. Cứ gọi là đi hoang, đi bụi, hay đi thiền, tôi tìm đến một khung cảnh hoang sơ, vắng lặng, không điện, không nước máy, không nhà xí…

Lúc nào cũng là manh chiếu rách trải dưới tàng cây. Thứ rượu độc địa, rẻ mạt đựng trong bình toong nhà binh, vài miếng cóc, ổi… hay một con rắn vô phước nào đó. Châu làm thơ, tôi viết truyện. Rồi anh Hai Lúa đất An Ngãi làm gì có tiền để lên thành phố, tôi lại đem những bài lục bát của bạn về Sài Gòn và sau đó, thấy đăng trên mấy tờ báo tuổi trẻ, học trò, như tờ Áo Trắng chẳng hạn.

Cuộc sống của Châu chợt đổi khác khi run rủi, uỷ ban xã cần thư ký đánh máy. Tuyển được một nhân viên gần như là người có chữ nghĩa nhất xã, mấy cán bộ giao luôn con dấu của ủy ban cho Châu giữ. Anh có thêm hai nghề mới, một là làm đơn mướn giá “bèo” cho bà con nông dân, hai là nghề … nhậu. Nhậu cả giấc trưa lẫn giấc chiều tối, nhậu lòng vòng trong xã với tay cán bộ nấu rượu ở nhà hay với anh nông dân cần làm đơn nhưng chỉ trả bằng chầu nhậu. Nhậu đến té bờ té bụi nhưng nhà thơ /thư ký xã đã có hoàn cảnh, cơ hội để phất lên.

Những lá đơn liên quan đến đất đai, như: xin lại đất tập đoàn, xin quyền sử dụng đất, xin tách thửa, xin thừa kế.v.v…, luôn luôn đem lại lợi lộc cho cán bộ ký giấy và Châu ta cũng được chia cho ít nhiều. Đó là chưa kể vô số những lần cán bộ cho anh đi theo “bồi dưỡng” sau các vụ ký giấy, ở những nhà hàng, khách sạn, quán bia ôm, massage…  tận bên Vũng Tàu cho kín đáo. Nhưng xin bỏ qua cho cái vụ phong-lưu-ăn-ké đó, nhà thơ có vẻ ù lì, chậm chạp vậy chứ rất biết lo.

Nhờ thân cận, cùng cánh vui chơi với cán bộ, Châu đã lần hồi mở rộng vạt đất 200m2 do người bà con cho ngày nào, thành lô đất hơn 2000m2. Cùng là đất thuộc diện “tự khai khẩn, phát hoang từ đất rừng” như nhiều người khác trong xã, nhưng phải là đất của gia đình anh thư ký xã thì mới được dễ dàng, nhanh chóng cho hợp thức hóa chủ quyền và chủ đất Châu chỉ tốn một chầu nhậu thịnh soạn thôi. Lô đất nằm ngay bên con đường nhựa mới mở theo qui hoạch, thay thế cho con đường mòn xưa cũ. Có điện, có đường nhựa, xã An Ngãi đươc treo bảng là khu du lịch – thắng cảnh tôn giáo với chùa Thiên Thai, chùa Ngũ Đế… và đặc biệt một ngôi chùa mới tinh, nguy nga đồ sộ, do một Việt kiều bỏ tiền ra xây cất, gần đất của Châu. Khách du lịch đi chơi biển Long Hải ít khi quên ghé khu vực này để tham quan, hành hương. Xóm làng đông vui hơn, nhưng vui nhất là giá đất lên vùn vụt!

Rồi vừa do sự nhắc nhở của bạn bè, vừa do ý chí bản thân, Châu bắt đầu giảm bớt mấy vụ đi chơi ké với cán bộ ban đêm ở Vũng Tàu, chú ý giúp đỡ tiền bạc và việc làm cho em, cháu trong nhà. Và Châu lấy vợ. Chuyện anh chọn vợ là người Thiên Chúa giáo đã bị bà mẹ và các cô em gái sùng tín đạo Phật chống đối kịch liệt. Rốt cuộc, vì Châu nắm toàn bộ kinh tế gia đình nên từ việc cưới hỏi tại nhà thờ cho đến việc Châu học giáo lý để theo đạo đều suông sẻ, vui vẻ. Chỉ có một điều hơi kém vui một chút là khi cưới vợ, chú rễ đã 55 tuổi.

Vậy mà, mới hơn một năm không gặp nhau, tôi sững sờ khi vợ Châu báo cho biết mới đưa chồng lên Sài Gòn, vô bịnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Xơ gan và loét bao tử - những bệnh không mới lạ, độc đáo gì đối với những bợm nhậu. Vợ Châu cho biết, cả năm rồi anh thường cảm thấy khó chịu, đau râm rang ở bao tử. Nhiều khi đi cầu ra phân đen như dầu hắc. Thôi rồi, y học gọi đó là xuất huyết nội, máu đã rỉ rã chảy từ vết loét tự hồi nào! Bị vợ con thấy phân đen thì Châu nói đại rằng do nhậu tiết canh vịt hay ăn cháo huyết.  Xuất huyết bên trong khiến người ớn lạnh và đổ mồ hôi thì Châu cho đó là trúng mưa, nóng lạnh. Rồi sau khi uống bậy mấy viên thuốc cảm, thuốc đau bụng, mấy gói thuốc Nam cho dễ tiêu hóa, anh hể hả nói “ợ một cái là khỏe!” rồi nhậu tiếp! Đến lúc quá đau đớn, Châu mới chịu mò ra trạm y tế xã, rồi trung tâm y tế huyện. Bác sĩ ở đây nói đích danh bệnh loét bao tử, yêu cầu bệnh nhân phải bỏ rượu và kiêng mấy thức  ăn cay-chua-cứng. Châu bắt đầu uống thuốc trị loét nhưng quá khó kiêng cữ. Ngày nào mà không ‘đụng’ với mấy xếp và dân nhờ làm đơn, nghĩa là tránh rượu thì gặp bia và mồi nhậu phải cay, chua thì nhậu mớibắt. Cuối cùng là sau một trận ói có máu lẫn vào những sợi bún, Châu nằm liệt…

Nhìn Châu ốm o, già háp, hôn mê thiêm thiếp, truyền nước biển rồi truyền máu, tôi hiểu bạn mình đã quị ngã thật sự lần sau cuối chứ không phải như những lần trước, chỉ là quá xỉn mà lủi xe xuống mương.

Tôi chợt nhớ có lần bị tôi chữi về chuyện đi đêm ở Vũng Tàu, Châu cười hề hà: “Đâu có ngu mậy! Xỉn cách mấy tao cũng đòi ‘áo mưa’ và xỏ vô đàng hoàng…”, nhưng anh nói tiếp ngay: “Con nhỏ nó cười tao, nó nói em đây mới hai mươi tuổi, sống hưởng chưa được bao nhiêu đâu mà em còn mặc kệ SIDA, chết là trời kêu ai nấy dạ thôi. Còn bố già ơi, anh đã hưởng đủ thứ trên đời rồi, có chết SIDA thì cũng đáng rồi, lời quá rồi, còn sợ gì nữa mà hỏi… bao cao su?” Cô gái điếm có cái triết lý chịu chơi đêm đó đã được Châu - con người ham sống, ham vui – bo riêng cho năm chục ngàn, chắc do anh  cảm thấy thích thú có thêm bạn đồng điệu là cô gái điếm về kiểu suy nghĩ “ trời kêu ai nấy dạ!”. Còn tôi, sau này thì được một chút an ổn rằng thật may mắn, bạn mình đã không đến nổi phải gục ngã một cách chua xót, ô nhục bởi HIV/AIDS.

Xưa nay, hẳn là ở địa phương nào trong nước cũng có nhưng riêng ở các vùng quê Nam bộ, tôi đã phải chứng kiến hoặc ghi nhận được, rằng có quá nhiều trường hợp các ông  - từ dân nát rượu cho đến người hiền lành – bị dính bệnh nặng hay chết một cách  không-đáng-chết bởi những chứng bệnh nào phải là nan y, hết cách chữa, thuốc chữa nếu phát hiện sớm kịp thời. Tất cả thường chỉ vì sự dốt nát cùng sự trây lười, mơ hồ ỷ lại và kiểu trì trệ nước-tới-chân-mới-nhảy.
Về bệnh đục thủy tinh thể chẳng hạn. Thường xuyên làm việc ngoài nắng bụi, nhưng bảo phải dùng kính mát thì mấy ông sợ lướng vướng, sợ dễ làm mất và sợ tốn tiền. Cứ gọi lẫn lộn là “cườm khô” với “cườm nước”, rồi đến lúc đã bị những báo động như mờ mắt, ảo thị, chảy nước mắt sống, mọc mộng thịt… thì mấy ông cho đó là do tuổi già. Bác sĩ bảo đã đến lúc phải giải phẫu mắt, thay thủy tinh thể nhân tạo, mỗ một mắt xong phải chuẩn bị mỗ luôn mắt kia.v.v…, thì quí ông ngại mất công và tốn tiền, chỉ muốn chữa trị sơ sài. Đến lúc mù hẳn thì mấy ông có thấy được hậu quả gì nữa đâu? 

Còn chuyện uống rượu quá nhiều và thường xuyên, ăn uống thì thất thường – bợm nhậu “chỉ uống không ăn” thường bị suy dinh dưỡng y như con nít vậy – dẫn tới bệnh đau bao tử  khó chữa và bệnh xơ gan cổ trướng khó sống. Hình như ông bợm rượu nào cũng biết ít nhiều về những hậu quả và nguy cơ này, nhưng cứ lì lợm xem thường, đồng thời lười biếng sửa đổi lối sống để phòng tránh bệnh tật. 

Lại có thêm một thánh tử đạo cho cái tôn giáo “kệ, tới đâu thì tới!”, ấy là Châu. Học lực đệ nhị ban C, cộng thêm tánh ham đọc sách báo, tạp chí đủ loại, có thể cũng tạm đủ cho bạn tôi hiểu biết tối thiểu về các bệnh tật đe dọa dân nhậu. Nhưng phải chăng do nghèo khốn lâu năm cùng tâm lý sống biết-ngày-nào-hay-ngày-nấy cố hữu đã khiến anh mất ý thức về việc chăm sóc bản thân?

Điều khiến cho tôi bức xúc, đau xót nữa là, cũng giống như nhiều quí ông khác, Châu đã bệnh và chết trong lúc có tiền, thừa tiền để phòng bệnh và chữa bệnh. Khi bác Sáu Tí mất, anh đã bán một, hai trăm mét vuông để lo tang ma, mộ phần cho cha và sửa sang lại căn nhà cho mẹ anh. Vậy mà từ khi đã nhuốm bệnh, nếu không sẵn có tiền mặt  hay vài chỉ vàng để đi chữa trị ở Sài Gòn thì Châu cứ bán tiếp một, hai trăm mét vuông nữa,  đã hết 2000m2 đâu?  Giá đất có lên tới trời cũng đâu bằng giá trị của sức khoẻ và mạng sống, để đến nỗi chết tức tưởi trên số tài sản gần bạc tỷ?  Đó là chưa nói đến những thương tổn đã có về mặt tâm hồn. Châu đã mơ hồ gác qua một bên chữ Tâm thuần khiết, lãng mạn của nhà thơ một khi cứ để cho chữ Thực,  óc thực dụng của anh thư ký xã dẫn mình vào những tính toán, tranh thủ mớ đất đai, của cải, mưu cầu lợi lộc một cách thiếu trong sáng. Và đành phải nói là “hư hõng” khi nhà thơ có bản chất nhân hậu lại để mình bị cuốn theo kiểu ăn chơi, hưởng thụ vật dục. Trong căn nhà đơn sơ 4mx10m, Châu vẫn sống bình dị, chia sẻ những bữa cơm đạm bạc với người vợ gần 40 tuổi và đùa giỡn với đứa con trai chỉ mới 6 tuổi. Nhưng trong những quán bia ôm thì Châu lại đánh mất con người mình, a dua theo những gã đàn ông dốt nát, đầu óc rỗng tuếch, chỉ biết sống theo ham muốn bản năng.

Điều quí giá được thừa nhận là khi từ bỏ cõi đời, Châu cũng kịp để lại chút của cải cho vợ con, cho mẹ cùng các em mình. Anh được chôn trong mảnh đất nhà, bên cạnh phần mộ bác Sáu Tí, gần gốc cây mít mà trong một thời cùng khổ, chúng tôi đã chia xẽ những xị rượu chán chường, bất đắc chí… Tôi tin rằng khi đã về cõi vĩnh hằng, không hệ lụy đất đai, của cải, rượu chè… gì nữa, Châu sẽ “sống” chân phương trở lại bằng tâm hồn nguyên thủy tốt đẹp của mình – cái Tâm cao quí, đích thực của một nhà thơ./.

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved