Home » » Bài giảng minh triết việt ( phần 2)

Bài giảng minh triết việt ( phần 2)

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012 | 23:09



Chương II
Huyền thoại dựng nuớc
trong cuốn Lĩnh Nam Chích Quái
do Vũ Quỳnh hiệu chính *

I - Tầm quan trọng của công trình hiệu chính và sắp đặt lại cuốn Lĩnh NamChích Quái của Vũ Quỳnh

Theo Georges Gusdorf "Huyền thoại là một tư tưởng nhập thể; nếu phải tách huyền thoại ra khỏi kinh nghiệm sống, thì khó tránh được tình trạng làm thay đổi bản sắc của nó, bởi lẽ huyền thoại cống hiến ý nghĩa bên trong của kinh nghiệm sống nầy. Một huyền thoại được giải thích, hoặc được kể lại, thì đã mất đi yếu tố linh hoạt thiết yếu, và bấy giờ chỉ còn là cái bóng của chính nó thôi. Ngược lại, một nhận thức phản tỉnh thì được định hình rõ rệt theo thứ tự của việc trình bày bằng lời nói; nhận thức nầy hướng đến một cấu trúc nhằm giải thích một cách có hệ thống" 31.
Ta có thể nói:
- Cảm nhận những yếu tố nền tảng, bất di dịch hướng dẫn cuộc sống cộng đồng,
- biểu lộ những niềm tin, cảm hứng đó qua những ký hiệu tượng trưng lấy từ những hình ảnh, chất liệu của thiên nhiên và của các sự kiện lịch sử nổi bật,
- bằng ngôn ngữ thi ca kết dệt thành trăm ngàn mẩu chuyện được truyền miệng trong dân gian :
 đó là sự hình thành của vô số các câu truyện huyền thoại.
Nhưng nơi bất cứ xã hội, cộng đoàn nào của bộ tộc, hay của một số bộ tộc khác nhau được được tập họp thành một cộng đoàn mới, thường có những tài năng xuất chúng xuất hiện biết chọn lựa, sắp đặt, sửa chữa, tổng hợp lại những yếu tố rời rạc thành những mẩu chuyện có cấu trúc hoàn chỉnh hơn. Công việc tổng hợp nầy đi đôi với những kinh nghiệm sống chung của các nhóm, các bộ tộc khác nhau, của các lớp người vì lý do nầy, lý do khác đến cư ngụ...Qua từng ngàn năm liên lạc, sống chung ấy, một cộng đồng lớn hơn được hình thành, những mẩu chuyện của các huyền thoại khác nhau cũng được kết dệt thành một hay một số ít huyền thoại có tầm vóc phổ quát hơn. Qua nhiều thế kỷ, huyền thoại dựng nước của dân tộc ta được hình thành trong tiến trình phát triển linh động như thế. Các tác giả hay một tác giả (mà Lê Quý Đôn và một số học giả về sau ghi là Trần Thế Pháp) viết cuốn Lĩnh Nam Chích Quái vào cuối đời nhà Trần32 đã dựa vào một số huyền thoại có tính cách tổng hợp nầy.
Hẳn nhiên, khi viết thành văn, tác giả đã sắp xếp các yếu tố rời rạc thành một câu truyện có cấu trúc. Chưa nói đến những thêm thắt một số các chi tiết nhằm kết hợp các yếu tố khác nhau một cách linh động do tài năng văn chương riêng của mình, nguyên chỉ việc chọn lựa, sắp xếp các yếu tố sẵn có trong các mẩu truyện thành một bản văn mới, thì tác giả cũng đã thực hiện được công tác khởi đầu cho một lối nhận thức văn hoá có hệ thống...
Những cổ thư còn được bảo tồn cho chúng ta thấy qua đến đời Lê, nhận thức văn hoá có hệ thống nầy lại được qui hướng về hai lãnh vực khác nhau: Ngô Sĩ Liên đưa nó vào sử học, qua việc sao chép các truyện nầy vào phần Ngoại Kỷcủa bộ Đại Việt Sử Ký toàn thư. Còn Vũ Quỳnh lại hoàn chỉnh công trình còn chưa được hệ thống hoá đầy đủ của Trần Thế Pháp, bằng việc hiệu chính và sắp đặt lại các chương, các truyện trong cuốn Lĩnh Nam Chính Quái.
Trong địa hạt văn học thành văn, câu truyện huyền thoại dựng nước do Ngô Sĩ Liên đã đưa vào sử học lại được nhắc lại để kiểm thảo về phần xác thực của nội dung bản văn trong khuôn khổ hạn chế của bộ môn khoa học lịch sử. Nhưng nhìn huyền thoại dựng nước như những tiền đề căn bản, những cái rường, cái cột nâng  đỡ và tạo sự nhất quán linh động cho cuộc sống cộng đồng dân tộc, nói cách khác nhìn chúng như những giá trị văn hoá, thì hướng nhìn đó không được các bậc học giả đời sau lưu ý33. Nhưng nếu có những đứt đoạn, vắng bóng vết tích của huyền thoại dựng nước (bên ngoài ưu tư về khoa học lịch sử) trong văn học thành văn của các bậc thức giả từ hơn gần năm thế kỷ qua, thì ngược lại những nội dung của huyền thoại nầy liên tục chi phối và điều hành nếp suy tư, tình cảm và nếp sinh hoạt của dân chúng. Cho đến nay có thể nói, bên cạnh những cảm thức hồn nhiên của người Việt về gia sản tinh thần nầy, cuốn Lĩnh Nam Chích Quái được Vũ Quỳnh hiệu đính được xem là văn bản có cấu trúc hoàn chỉnh hơn cả để giúp ta truy cứu về văn hiến của dân tộc Việt Nam.
Giáo sư Lê Hữu Mục, đã nêu lên công việc hiệu chính và sắp đặt cuốn Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh, và đã dựa vào "nguyên tắc đứng đắn" của kẻ cầm bút để ghi lại những nhận xét sau đây :
"Đã đành bản của ta phỏng đoán là bản chính rất có thể không được bố cục một cách hợp lý như bản đã được Vũ Quỳnh sắp đặt lại; bản chính, nghĩa là bản mà Vũ Quỳnh chưa hiệu đính, chưa được chia thành quyển, và thứ tự của các truyện khác hẳn với thứ tự của các truyện trong bản của Vũ Quỳnh (...)
Bố cục nầy không được hợp lý vì không tôn trọng thứ tự thời gian (...) Vũ Quỳnh đã thấy những khuyết điểm nầy và đã sắp đặt theo như mục lục mà ta đọc ở sau bài tựa của tác phẩm nầy. Tuy vậy, việc làm của Vũ Quỳnh cũng không được đúng lắm; đáng lẽ ra ông phải tôn trọng bố cục của tác giả, và chỉ được phê bình những khuyết điểm của bố cục ấy một chỗ khác" 34 .
Về phần mình trong Lời Tựa của bản hiệu đính, Vũ Quỳnh chỉ nói thế nầy :
"Ngu đinh nầy xin xét lại đầu đuôi, cứ từ chuyện mà trình bày để suy minh thêm ý của tác giả..." 35
Việc mà Vũ Quỳnh gọi là xin xét lại đầu đuôi để suy minh thêm ý của tác giả có phải chỉ là sắp xếp lại theo thứ tự thời gian không ?
Một phần nào trong việc xếp đặt nầy đã thể hiện công việc đó. Nhưng cũng không hoàn toàn nhất thiết phải như thế; như truyện Núi Tản viên  (Sơn tinh và Thủy tinh) là câu truyện được ghi là vào thời kỳ đầu của họ Hùng Vương, lại được xếp là câu truyện thứ XV, tiếp theo câu truyện Man-Nương xảy ra dưới thời quan Thái thú Sĩ Nhiếp (truyện XIV). Như thế, việc "xét lại đầu đuôi" nầy hàm ngụ một ý hướng khác nữa và có lẽ ưu tiên hơn, đó là công việc hệ thống hoá xét về mặt tư tưởng.
Và nếu không vì thứ tự thời gian, thì phải chăng Vũ Quỳnh đã dựa vào hình thức văn chương như giáo sư Lê Hữu Mục trong lời tựa bản dịch đã áp dụng để phân tích cuốn Lĩnh Nam Chính Quái ?
Theo lối phân tích của giáo sư Lê Hữu Mục, Lĩnh Nam Chích Quái có những chuyện thần thoại (như Hồng Bàng, Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh, Phù Đổng thiên vương,Tản viên) , thứ đến là những truyện truyền thuyết (như truyện Trầu cau,Bánh dày - Bánh chưng...) và cuối cùng là những chuyện cổ tích (như  truyện Lý Ông Trọng, Từ  Đạo Hạnh và Minh Không...). Chúng ta tin rằng với sở học của Vũ Quỳnh, hẳn nhiên ông biết đến cách phân loại nầy, nhưng học giả họ Vũ đã không đặt nặng phần hình thức văn chương để sắp đặt lại thứ tự các câu truyện.
Việc sắp đặt lại thứ tự nầy, theo chính lối nói của Vũ Quỳnh "xét lại đầu đuôi và từ các chuyện mà trình bày để suy minh thêm ý của tác giả" đó là nỗ lực chuyển từ lối nhận thức huyền thoại (Muthos) qua nhận thức phản tỉnh, còn gọi là Minh Triết (Logos). Ta có thể nhắc lại lối diễn tả của Georges Gusdorf :
"Nhận thức phản tỉnh được hình thành theo thứ tự của việc trình bày bằng lời nói (discours); nhận thức đó hướng đến một cấu trúc nhằm giải thích một cách có hệ thống36.
Nhận thức nầy gồm việc tìm hiểu ý nghĩa bên trong của câu chuyện (suy minh theo ý của tác giả), chọn lựa, làm nổi bật các yếu tố mà tác giả cho là nền tảng và sắp xếp lại thành hệ thống, để có một nhận thức mạch lạc, rõ ràng dễ truyền đạt hơn. Cho đến nay chúng ta cũng chưa hiểu rõ tại sao Vũ Quỳnh lại không lấy sở học của mình về Nho học, để từ các nội dung văn hiến của huyền thoại nước ta xây dựng nên một tác phẩm minh triết theo cách trình bày của các kinh sách Trung Hoa! Nhưng dù thế nào đi nữa trong kho tàng văn học Việt Nam,Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu đính (đặc biệt ở quyển I), nếu không nói là một công trình duy nhất, thì cũng phải nhận đó là một tác phẩm có hệ thống hơn cả để diễn đạt một cách nhất quán phần nhi thượng học, nêu lên những yếu tố hướng dẫn nếp suy tư của cộng đồng người Việt.
Đọc toàn bộ các câu truyện của Lĩnh Nam Chích Quái mà Vũ Quỳnh xếp đặt lại, ta thấy  mười  truyện đầu làm thành quyển I như là những ký hiệu tượng trưng(symbole) về những nội dung có tính cách nền tảng, mẫu mực, làm thước đo cho sinh hoạt cộng đồng. Ở quyển I nầy, về hình thức văn chương, có những câu truyện được xếp loại là thần thoại như Hồng Bàng, Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh, Đổng Thiên vương, nhưng cũng có những câu truyện truyền thuyết như chuyện Trầu cau, Bánh chưng, Dưa hấu, Bạch trĩ.
Nếu sự nhất quán của các câu truyện không phải do sự xếp đặt theo hình thức văn chương, thì nó cũng không phải chiếu theo thứ tự thời gian để ghi lại một cách nào đó sự hình thành liên tục của cộng đồng dân tộc theo chiều kích lịch sử. Truyện thứ 10 - Bạch trĩ - chấm dứt quyển I được đem vào đây như nhằm giải thích lý do của cách sắp xếp các truyện và nêu lên tiêu chuẩn của sự nhất quán của các nội dung trong quyển đầu nầy. Khi Chu Công nêu lên các tập tục riêng của người dân trong xứ của Hùng Vương để chất vấn, thì sứ giả vua Hùng, sau khi nói đến phần hữu dụng của sinh hoạt, lại gợi lên ưu tư chính của việc ông đến vương quốc nhà Chu là để tìm thánh nhân.
Thánh nhân ở đây cũng là hiện thân của điều mà trong phần lời tựa Vũ Quỳnh đã nêu lên như là nội dung cốt lõi mà cuốn Lĩnh Nam Chính Quái muốn ghi lại :
"...nhiều kỳ trọng...rõ ràng ở lòng người,...thời việc có hệ ở cương thường, quan ở phong tục" 37.
Và việc sắp xếp nầy của Vũ Quỳnh ăn khớp với Đại Ký ức của người dân qua bao thế kỷ. Nếu có một truyện (Bạch Trĩ) ít được phổ biến trong dân gian đã được Vũ Quỳnh khai thác để giải thích hay dẫn nhập vào nguồn suối ngầm của các mẩu truyện có tính cách văn hiến, thì nguợc lại các mẩu truyện khác trong cuốn I luôn linh hoạt trong cuộc sống của người dân Việt Nam như đã học thuộc từ thuở nào.
Qua đến quyển nhì (11 truyện) và kế đến là quyển ba (19 truyện), khởi đầu từ truyện Lý Ông Trọng, ta thấy như có một đứt đoạn với quyển I. Những mẩu truyện cũng mang những hình thức văn chương khác nhau như ở quyển I, nhưng nội dung đa tạp của các câu truyện phản ảnh những tâm tình, sinh hoạt xã hội, những biến cố lịch sử, những thành tích cá nhân chiếu theo những giá trị đã gợi lên ở quyển I. Có thể nói cuốn 2 và 3 là phần hình - nhi - hạ - học hay còn gọi là phần dụng, mô tả cuộc sống phong phú chiếu theo các nguyên tượng (Archétype) hay phần thể được nêu lên ở phần đầu.
Đến đây ta có thể hiểu được tại sao Vũ Quỳnh lại không tôn trọng bố cục của bản gốc Lĩnh Nam Chính Quái. Và việc làm đó của ông, nói theo giáo sư Lê Hữu Mục "là không được đúng lắm" chiếu theo những nguyên tắc thông thường của một nhà nghiên cứu và sáng tác "thuần văn chương". Nhưng trên bình diện tư tưởng và triết học, công việc làm của Vũ Quỳnh phải được xem là một công trình tiên phong xây dựng nền Minh Triết Việt Nam.
Tiếc rằng, hướng phát triển của Minh Triết dân tộc đó gần như bị đứt đoạn trong dòng lịch sử, vì công trình tiên phong của Vũ Quỳnh bị quên lãng khi toàn bộ câu truyện hầu như chỉ còn được các bậc thức giả xem là một dấu tích phôi pha, thiếu chính xác của sinh hoạt xã hội thời sơ khai của cộng đồng dân tộc.
Vũ Quỳnh đặt vấn đề nguồn gốc có tính cách Minh triết, thuộc bản tính thâm sâu con người "linh ư vạn vật"; còn Ngô Sĩ Liên thì đã chuyển huyền thoại về "nguồn gốc" thâm sâu đó thành thời kỳ lịch sử sơ khai. Sự kiện nầy giải thích nổi bực nhọc của học giả Lê Văn Siêu khi đọc thấy những công trình nghiên cứu của các bậc thức giả như "chỉ lưu ý tới phần xác của nó lắm khi khô khan và trơ trẽn" 38. Và đồng thời dường như có một sự xa cách của tâm thức quần chúng nhập vào hồn dân tộc và cái nhìn tân thời của giới thức giả.

II - Chiều kích văn hoá siêu lịch sử của Lĩnh Nam Chích Quái
Như đã trình bày, ta thấy những phê bình, nghiên cứu về câu truyện dựng nước của dân tộc ta cho đến nay hầu như chỉ lưu ý đến yếu tố lịch sử. Và nếu không tìm ra được những yếu tố nào cụ thể, khách quan để xác minh được giá trị "lịch sử" có tính cách vật chất, hữu hình, thì các tác giả chuyển câu truyện nầy thành một loại "anh hùng ca" tức là một lối diễn tả tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền, hàm ngụ việc đối kháng với mối đe dọa trường kỳ của Phương Bắc, tức là nước Trung Hoa. Văn hoá dân tộc bây giờ như ngầm hiểu là một sự biện minh về lý lịch lịch sử, về chủ quyền chính trị.
Không thể chối cãi yếu tố quan trọng nầy trong tâm tư của những con người làm nên cộng đồng dân tộc; và vết tích của nó ghi lại rõ ràng trong những bản văn tiêu biểu được mỗi một người dân thuộc lòng và truyền tụng. Chẳng hạn bài thơ chữ Hán Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, bài Bình Ngô đại cáocủa Nguyễn Trãi. Trong Lĩnh Nam Chính Quái các mẩu chuyện hầu hết đều ghi dấu tâm tình nầy; nhưng nơi cuốn Lĩnh Nam Chích Quái ấy, từ hình thức văn chương đến nội dung của chúng, lại có một chiều kích siêu lịch sử được mở ra :
- Những tên gọi của các nhân vật: về hình thức ngôn ngữ là gốc tiếng Trung Hoa, nhưng hàm ngụ một ý nghĩa "minh triết" gắn liền với bản tính chung của nhân loại phổ quát, vượt lên trên các sắc thái chủng tộc, địa phương, thể chế. v.v..., nói cách khác là vượt lên biên cương lịch sử.
- Những tập tục: như ăn trầu, làm bánh, trồng dưa...trong muôn ngàn tập tục khác, không phải được nhắc lại để sao y nếp sinh hoạt xã hội, kinh tế..., nhưng được tác giả chọn làm thành chuyện truyền thuyết cưu mang một ký hiệu tượng trưng về các giá trị có tính cách nền tảng cho cuộc sống, mọi nơi và mọi lúc.
- Những xung đột giữa một công chúa Tiên Dung với cha là vua, một Mai An Tiêm với Hùng Vương, hẳn không phải là dấu chỉ về sự khác biệt của văn hóa Việt Nam và nếp phong kiến Tàu, dựa  trên bình diện đấu tranh giữa hai dân tộc. Và trong câu truyện Bánh chưng, tác giả không ngần ngại thâu hoá giá trị nền tảng Thiên - Địa - Nhân  làm Vương đạo.
- Rõ nét hơn cả là truyện Bạch Trĩ. Văn hoá được diễn tả cô đọng nơi mẫu mực"Thánh nhân". Một biểu tượng hùng hồn về một cảnh vực vượt biên giới địa lý, tập tục. Nói khác đi, yếu tính cốt lõi của văn hoá là cảm nhận cái "gốc" siêu-lịch sử, hoặc là một loại lịch sử toàn bính theo nghĩa chiều rộng của toàn nhân loại mọi thời, mọi nơi, và (theo nghĩa chiều sâu) là thực tế sâu kín nơi tâm hồn mọi người.
Trong ý hướng chỉ muốn nhìn và đánh giá những câu chuyện huyền thoại qua lăng kính của khoa học lịch sử, Nhượng Tống và không ít các bậc thức giả cho rằng việc kết hợp các mẩu chuyện hoang đường đa tạp của các bộ lạc khác nhau là một sự chắp nối "đầu cua tai ếch", nói cách khác là việc làm của kẻ thiếu trình độ văn hoá. Ông viết :
"Nói một cách khác, trong các sử cũ của ta không hề có chép chuyện Họ Hồng Bàng cùng vua Thục; hai chuyện đó là tự Ngô Sĩ Liên chắp nối "đầu cua, tai ếch" mà chế tạo nên" 39.
Và cũng theo học giả nầy, "cua" đó là Nho học và "ếch" đó là thần thoại người Mường 40.
Nhưng tự căn, Nhượng Tống quên rằng câu chuyện họ Hồng Bàng không phải viết ra để trình bày một câu chuyện lịch sử (Lĩnh Nam Chích Quái không phải là một bộ sử); và việc kết hợp nhiều tình tiết ghi lại nhiều dấu vết của kinh nghiệm sống về mặt văn hoá của nhiều bộ lạc khác nhau không phải là một việc làm giả tạo của một tác giả, nhưng là sự thể hiện một cuộc thâu hoá sinh động của nhiều người khác nhau kết hợp thành một cộng đồng. Công việc thâu hoá đã thực hiện được vì nguồn mạch nối kết không phải là việc cộng lại các yếu tố đa tạp thành một mớ "đầu cua, tai ếch" rời rạc, nhưng là một trực giác văn hoá về một "gốc" ẩn kín chung có sức nối kết lại những khác biệt của sinh hoạt xã hội, lịch sử bên ngoài.
Do đó, Lĩnh Nam Chích Quái là một sự phản tỉnh có ý thức về nguồn sinh lực chung linh hoạt trong tâm thức của mỗi người, mỗi bộ lạc; sự tiếp nhận và thực thi các giá trị tiềm ẩn của nguồn sinh lực chung đó đã dần dà chứng thực qua nhiều thế kỷ, đưa nhiều người, nhiều nhóm vượt thắng được những dị biệt bên ngoài để tạo thành một cộng đồng. Ý hướng của nó có tính cách siêu lịch sử nghĩa là nhằm xuyên qua những kinh nghiệm lịch sử để khai mở điều mà Karl Jaspers gọi là cảnh vực Bao-dung-thể (Englobant), một nền văn hiến, gồm những nội dung nền tảng, mẫu mực soi dọi, đánh giá, phê bình, hướng dẫn tư duy và hành động con người trong lịch sử. Những nội dung thiết yếu mà nó chuyên chở không phải là một lý thuyết đi trước sinh hoạt, hay là sản phẩm của sinh hoạt, nghĩa là đi sau theo khuôn khổ thời gian lịch sử. Nó là một thực thể sinh động ẩn kín, gượng gọi là bên trong, bên trên; một thực thể mà nhận thức sự vật bên ngoài không đủ sức định vị được. Nên những kẻ chỉ trụ vào kiến thức sự vật và lịch sử để thiết định chân lý thì đánh giá chúng là những ý tưởng mơ hồ, huyền hoặc hay là nhận thức còn phôi pha. Và những kẻ tin tưởng và cảm nhận giá trị tích cực của chúng, thì gọi một cách thi vị là thế giới của thần thánh hay linh thiêng (linh ư vạn vật).
Lĩnh Nam Chích Quái qua nhiều hình ảnh văn chương ghi lại nguồn sâu kín nầy :
- Tên Lộc - Tục là khởi nguồn dân tộc. Lộc là ơn nhận được mà không biết từ đâu đến, ngoài công lao của Tục, tức con người trần.
- Lang Liệu thì tiếp nhận bài học Vương Đạo nơi Bánh dày - Bánh chưng, từ lờithần nhân trong một giấc mộng; và khi thức dậy thì tự nghĩ :
"Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm".
- Công chúa Tiên Dung diễn tả mối tình vợ chồng vượt lên trên lễ nghi hình thức qua câu nói :
"Việc nầy từ trời tác hợp, việc gì mà từ chối ?"
- Mai An Tiêm diễn tả giá trị và yêu sách của cuộc sống con người không đóng khung nơi các hình thức, thể chế qua lời phát biểu xem ra ngạo mạn:
"Của cải nầy là vật tiền thân của ta, ta không trông chờ vào ơn chúa ».
"Trời đã sinh thì trời phải dưỡng, có lo gì?»
Trời, thần linh được nêu lên như một nguồn thực thể vượt lên những giới hạn của thời gian, không gian, lịch sử, nhưng lại gần gũi, cư ngụ nơi "bề sâu" của bản tính và sinh hoạt con người. Nên, Lạc Long Quân khi ẩn, khi hiện trong đời sống và lịch sử của dân chúng nhưng "Dân chúng lúc nào có việc cần thời kêu Lạc Long Quân : "Bố đi đàng nào, không đến mà cứu chúng ta ?thì Lạc Long Quân lập tức đến ngay, uy linh cảm ứng không ai có thể trắc lượng được".
Nếu Lĩnh Nam Chích Quái đã khai mở ra được biển cả tiếp nhận các ngòi, lạch, sông tuôn về, đã hít thở được "hồn" chung linh hoạt cuộc sống của các bộ tộc dị biệt để kết hợp thành một cộng đồng qua lịch sử thăng trầm của bao thế kỷ, thì cũng chính từ nơi nội dung thiết yếu mà nó cưu mang, ta sẽ hiểu được do đâu cộng đồng ấy tiếp tục vừa sáng tạo vừa thu thái một cách linh động các kho tàng văn hoá nhân loại trong tinh thần "vô chấp" và "vô ngại".

III - Vấn đề tài liệu và phương pháp lý giải
Không phải tất cả các câu truyện trong Lĩnh Nam Chích Quái 41 đều được Ngô Sĩ Liên đưa vào phần Ngoại Kỷ của bộ ĐVSKTT; nhưng những chuyện được chọn để đưa vào sử (họ Hồng Bàng, Đổng Thiên Vương, Bạch Trĩ, Sơn Tinh -Thủy Tinh) thì có những sửa đổi, hay bớt đi một vài yếu tố mà sử gia nầy  xem là dư thừa xét về mặt mô tả các sự kiện. Chẳng hạn nơi Lĩnh Nam Chích Quái Âu Cơ nguyên là vợ của Đế Lai, nhưng nơi văn bản của ĐVSKTT nàng nầy là con gái của Đế Lai; mẩu đối thoại rất kỳ thú giữa Chu Công và sứ giả Vua Hùng lại bị cắt bỏ.
Như vậy, Ngô Sĩ Liên có ghi lại trung thực các mẩu chuyện nầy trong bản gốc nào đó hay không? Hay ông đã sửa đổi hoặc cắt bỏ một số yếu tố của Lĩnh Nam Chích Quái mà Vũ Quỳnh dù có hiệu chính vẫn ghi chép lại đầy đủ? Tất cả vẫn còn là giả thiết. Nhưng có hai sự kiện rõ rệt đáng lưu ý phát xuất từ chính hai bản văn hiện hữu nầy :
- Ý hướng khai thác về sự kiện lịch sử nơi ĐVSKTT và ý hướng siêu lịch sử nơiLĩnh nam Chính Quái.
- Các tác giả về sau chỉ lưu ý bản văn của ĐVSKTT, và quên lãng ý hướng siêu lịch sử cũng như các yếu tố văn hoá trong Linh Nam Chích Quái.
Do đó trong nỗ lực đào sâu ý nghĩa của huyền thoại dựng nước, chúng tôi ưu tiên chọn bản văn của Lĩnh Nam Chích Quái.
Về mặt tài liệu, chính bản văn Lĩnh Nam Chích Quái cũng gợi lên những vấn đề khó khăn cho việc minh giải.
Hiện chúng ta có nhiều bản cổ văn của cuốn Lĩnh Nam Chích Quái. Nhưng chưa ai xác định được bản nào là bản chính. Mỗi một bản thường có những sửa chữa riêng vì người chép lại đánh giá bản cũ là chép sai. Chẳng hạn như việc làm gần đây của học giả Phạm Quỳnh mà giáo sư Lê Hữu Mục đã nêu lên trong lời nói đầu của bản dịch ra chữ quốc ngữ :
"Nhà học giả Phạm Quỳnh trong khi cho người sao lục những bản cổ văn thường sửa chữa lại những điểm mà ông cho là sai" 42.
Khó khăn hơn nữa, đó là bản văn Lĩnh Nam Chích Quái được viết bằng chữ Hán. Không phải vì sự khó khăn để hiểu ngôn ngữ nầy, nhưng chính là một lối viết bằng chữ Hán, theo một thứ văn riêng mà giáo sư  Lê Hữu Mục gọi là "văn lai". Về điểm nầy, giáo sư Lê Hữu Mục nhận xét như sau:
"Ta thấy ngay một khuyết điểm lớn của Lĩnh nam là đã viết bằng chữ Hán; tuy vậy, ta cũng nên biết rằng Hán văn của tác phẩm không phải là Hán văn thuần túy của Trung Hoa nữa mà là một thứ văn riêng, một thứ văn lai, tuy đôi chỗ còn tuân theo văn phạm cú pháp của Hán văn" 43.
Theo sự chân nhận của Vũ Quỳnh, ta biết rằng các câu truyện và một số tên tuổi trong đó đã được truyền miệng trước khi được kết dệt lại thành một câu truyện có cấu trúc. Do đó cùng một âm tiếng Việt có thể được hiểu và viết ra bằng Hán tự tùy theo nhận định và ý hướng riêng của tác giả. Đó là chưa nói đến một tiến trình sáng tạo khác: nơi câu truyện lúc ban đầu dân chúng đã có thể dùng một tên gọi có thực trong địa lý hay lịch sử mang một âm hoặc tiếng Trung Hoa hay ngay cả tiếng Việt thuần túy để gợi lên một nội dung khác có thể nhận ra qua một âm tương tự.
Nhà viết sử Phạm Văn Sơn (xem cuốn Việt Sử Toàn Thư) trong ý hướng tìm căn cơ câu truyện Hồng Bàng dựa vào địa lý, lịch sử đã viết :
"Bàn về danh hiệu của Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân ta không thể quyên chữ Kinh tức là đất Kinh và Dương là đất Dương, hai châu thuộc địa bàn của giống Giao Chỉ chúng ta. Với chữ Lạc Long Quân cũng vậy. Danh hiệu nầy chỉ có nghĩa là vua của giống Lạc Long cũng như Kinh Dương vương là vua miền Châu Kinh, Châu Dương Vân... Lạc Long Quân lấy Âu Cơ tức là nàng con gái đất Âu.
Chữ Âu lại gặp trong chữ Âu giang tên một con sông nước Việt (Chiết giang) ngày nay vẫn còn tên ấy. Nó nhắc chữ Âu Lạc, Âu Việt, Đông Âu, Tây Âu.. 44
 Nhưng hai học giả Nông Quốc Chấn và Phan Đăng Nhật trong khuôn khổ tra cứu dân tộc học thì lại phát biểu một cách khác:
"Đáng chú ý là mô típ chim thủy tổ. Người-chim đẻ ra trứng, trứng nở ra người, người đẻ ra chim, chim đẻ trứng, trứng lại nở ra người. ở truyện Mường, chim mẹ đó có tên là Ây. Có lẽ Ây đã biến âm thành Âu. Và mẹ Âu cơ có lẽ vốn là mẹ Ây. Mô típ chim tổ có thể liên quan đến tên "nước" Văn Lang. Bởi vì có lẽ từ chim Kláng hay Tráng (Mường), Klang (Bana, Mơ Nông), Kalang (Chàm) mà dần dần nẩy sinh tên gọi Văn Lang" 45.
Hai trích dẫn trên đây minh chứng là mỗi tác giả, mỗi khuynh hướng nghiên cứu đều có thể đưa ra những bằng chứng, sự kiện khác nhau để giải thích các tên gọi trong câu chuyện Hồng Bàng Thị.
Theo quan điểm chúng tôi, chúng tôi có một số nhận xét riêng liên quan đến ý hướng văn hoá hơn là lịch sử của câu truyện.
Đây là một câu chuyện huyền thoại và cũng như bao mẩu chuyện huyền thoại khác của các dân tộc, các tên gọi và các nội dung trong câu truyện thường hàm ngụ một ý nghĩa tượng trưng. Ưu tiên của ý nghĩa các tên gọi như Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế của huyền thoại Trung Hoa không phải xác minh một hay nhiều triều đại lịch sử có thật, nhưng là gợi lên khung vương Đạo Tam - Tài:  Thiên - Địa - Nhân. Như thế trong câu truyện họ Hồng Bàng, phải chăng các tên gọi, dù có hay không có vương vấn với các dấu tích lịch sử hay địa lý, đều ưu tiên được chọn lựa vì âm hưởng của ý nghĩa toàn bộ nhất quán về văn hoá của câu truyện! Là một mẩu chuyện của dân gian, thì âm hưởng ý nghĩa được dân gian cảm nhận qua các danh xưng cần được xem là có giá trị thiết yếu. Chẳng hạn nói Lạc ai cũng hiểu là vui, mà Âu ai cũng nhận ra đó là buồn, dù Âu-Lạc theo âm hưởng nầy được chép cách nào đi nữa nơi văn bản.
Thứ đến, ngay cả nếu truy cứu về lịch sử, thì chúng ta không khỏi ngạc nhiên là một dấu tích lịch sử quan trọng như vậy tại sao lại vắng bóng trong những sáng tác văn học của các thời đại đi trước đời nhà Trần!
Qua các chi tiết của các câu truyện trong Lĩnh Nam Chích Quái, ta thấy có những dấu vết của rất nhiều nguồn văn hoá, mà đặc biệt là phần hình - nhi - thượng của Nho học. Có những dấu vết địa lý trong câu chuyện Hồ Tinh (Hồ Tây), Đầm Nhất Dạ... cũng có những mẩu chuyện huyền thoại của các bộ lạc địa phương, lại cũng có những dấu tích của tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo cũng như nếp sinh hoạt riêng của người bản xứ...Nhưng xếp lại thành câu truyện có đầu đuôi, mạch lạc, ngay cả việc chọn lựa một số tên tuổi trong câu truyện để tạo một sự nhất quán về tư tưởng, là việc làm của một hay một số tác giả xuất chúng vào cuối đời Trần.
Sự kiện tổng hợp các yếu tố đa biệt, kết dệt thành những câu chuyện có cấu trúc chặt chẽ, và lần đầu tiên được viết ra thành văn tự vào cuối đời nhà Trần (cuối thế kỷ 14) và được hiệu chính lại một cách có hệ thống và hầu như hoàn chỉnh vào thế kỷ 15 dưới thời nhà Lê có tầm mức rất quan trọng.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đã tự phong là Đinh Tiên Hoàng và đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Đến đời nhà Lý năm 1054, quốc hiệu được đổi là Đại Việt. Và về phía Trung Hoa, năm 1164, trước thực tế lớn mạnh của dân tộc chúng ta, họ buộc lòng phải đổi phủ ra quốc và phong Lý Anh Tông làm An Nam quốc vương. Qua các thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần, gần bốn thế kỷ, xã hội của dân nước ta đã đạt được mức ổn cố và phát triển về mọi mặt. Đặc biệt về sinh hoạt văn hoá, dân gian đã biết và đã thấm nhập ba phương cách diễn đạt Đạo lý: Phật, Lão, Nho. Còn về phía triều đình, quan trường, một số tu sĩ Phật giáo cũng như những bậc thức giả sống rải rác đây đó trong dân gian thì đã có dịp học hỏi và đào sâu ý nghĩa của các sách, kinh của Tam giáo. Cuốn Đại Việt Sử Luợc (Khuyết danh)có lẽ được viết vào đời Lý đã ghi lại như sau:
Vào đời vua Lý Cao Tông, năm 1179 "Nhà vua cùng bà Thái hậu (Đỗ Thái hậu thân mẫu của vua -ND) xem con em các bậc tăng quan (thầy tu làm quan -ND) thi tụng kinh Bát nhã. Nhà vua lại ngự ở điện Phượng Minh để xem các Hoàng nam thi viết bài thi của người xưa và làm toán.
Đầu mùa Đông vua ngự ở điện Sùng Chương coi khoá thi Tam giáo. Các con em thi viết bài thơ xưa và làm các môn: thơ, phú, kinh nghĩa và toán" 46.
Nếu đời Lý đã đạt được mức đó, thì đến đời Trần, đời Lê nghĩa là hai đến ba thế kỷ sau, việc học hỏi các nguồn kinh điển Tam giáo lại phải phổ biến và sâu sắc hơn nữa.
Theo nhận định của giáo sư Lê Hữu Mục: "Năm 1329 Việt Điện U Linh Tập xuất hiện trong bầu không khí mới của Nho giáo vừa manh nha. Rồi sự quật khởi của nhà Minh, sự suy yếu của nhà Trần rõ rệt từ 1370 trở đi làm cho sự bành trướng của Nho học bị lâm vào một thời kỳ khủng hoảng từ 1370 đến 1400. Sự khủng hoảng về mặt ý thức hệ lấy Nho giáo làm căn bản bao giờ cũng đi đôi, ở Việt Nam, với một phong trào đối kháng chủ điểm dân tộc. Lĩnh Nam Chích Quái xuất hiện trong giai đoạn nầy" 47
Thực ra khi đọc bản văn của Lĩnh Nam Chích Quái, chúng ta thấy có một phần trọng yếu lấy lại tư tưởng Nho học, nhưng cũng có một phần bài bác việc ứng dụng thể chế phong kiến nhân danh Nho học. Lời nhận xét của giáo sư Lê Hữu Mục nhắc đến "ý thức hệ lấy Nho giáo làm căn bản"  "phong trào đối kháng chủ điểm dân tộc", đặt nổi sự kiện lịch sử, chính trị phải chăng đã hạn chế phần nào việc tìm hiểu sâu xa hơn về những lý do, sự kiện có tính cách văn hoá.
Sự tiếp nhận hồn nhiên những giá trị văn hoá của Tam giáo nơi quần chúng và ngay cả trong giới thức giả không phải chỉ là thể chế hình thức nghi lễ, tổ chức phong kiến của triều đình theo mẫu mực xã hội Trung Hoa. Qua thời gian, những yếu tố mà trực giác cộng đồng cảm nhận được như đã phát sinh từ một nguồn Đạo lý duy nhất của nhân loại nói chung vượt lên trên phương thức diễn đạt khác nhau, lại chan hoà vào những nội dung văn hoá của người bản xứ. Công việc thâu hoá về mặt văn hoá nầy được thực hiện một cách hồn nhiên, tạo thành một tổng hợp linh động, phong phú. Văn hoá gọi là dân tộc chính là toàn bộ tổng hợp linh động của các yếu tố đã được thâu hoá đó. Việc đối kháng về mặt thể chế ứng dụng các hình thức tổ chức, nghi lễ, nhân danh Nho học vào đời Trần, cũng như những phong trào văn học đã phá nếp xã hội quan liêu, phong kiến vào tiền bán thế kỷ 20 (như Tự Lực Văn Đoàn) không phải chỉ là những "phong trào đối kháng chủ điểm dân tộc". Lý do ưu thắng thúc đẩy việc sáng tác văn học vào cuối đời Trần cũng như gần đây vào tiền bán thế kỷ 20 là ưu tư văn hoá và nếp sống đạo nghĩa hay văn minh của xã hội.
Hơn nữa, không khí chung của các câu truyện, đặc biệt 10 truyện đầu của cuốnLĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính, là một khung cảnh của một xã hội ổn định, tự tin, không vướng mắc những tình cảm phê bác, đạp đổ.
Các nội dung câu truyện nhằm trình bày những yếu tố tích cực, cách trình bày lắm lúc lặp đi lặp lại một giá trị qua nhiều lối diễn tả, nhiều hình ảnh khác nhau(như câu truyện họ Hồng Bàng), giọng văn thanh thản : Tất cả phản ảnh một ý chí muốn đào sâu ý nghĩa minh triết hơn là đặt nổi ưu tư muốn biện minh hay đề cao tinh thần đối kháng.
Chúng ta hầu như chắc rằng kẻ kết dệt các yếu tố và sáng tác ra các câu truyện nầy phải là một hay nhiều thức giả vào đời Trần. Song song với các nỗ lực xây dựng nền sử học, với việc ghi chép lại những vị anh hùng các hào kiệt sáng suốt, ngay thẳng...đã làm điểm soi cho nhân dân, được nhân dân tôn vinh là thần (Việt Điện U Linh), thì cũng có những người ngoại hạng đã lấy sở học của mình để tìm hiểu, chọn lựa, sắp xếp các giá trị nền tảng điều hành toàn bộ nếp sinh hoạt của người dân, hệ thống hoá nền văn hiến dân tộc.
- Chiều kích văn hoá của Lĩnh Nam Chích Quái, - hình thức độc đáo vận dụng những chất liệu thi ca, những truyền thuyết truyền khẩu dân gian để hàm ngụ một cấu trúc tư tưởng nhất quán, mạch lạc, - sự kiện bản văn đó được hình thành rất trễ vào cuối đời nhà Trần, và được hiệu chính, sắp đặt lại vào đời Lê, đặc biệt vào triều đại Lê Thánh Tôn (cuộc sống xã hội ổn định, tâm tư con người thanh thản, văn học phát triển) : tất cả những yếu tố đó đòi hỏi một lối đặt vấn đề, áp dụng những phương pháp lý giải thích ứng hơn vượt lên khuôn khổ hạn chế của khoa sử học.
Trong ý hướng tìm hiểu nền minh triết của dân tộc Việt Nam qua bản văn Lĩnh Nam Chích Quái đã được Vũ Quỳnh hiệu chính và sắp đặt lại, chúng tôi tự hạn chế phần nghiên cứu của mình trong khuôn khổ của mười truyện đầu, tức là quyển I. Như đã trình bày ở phần trên, việc chọn lựa tài liệu hạn chế đó là kết quả của nhận định riêng của chúng tôi về giá trị có tính cách văn hiến, nghĩa là phần hình - nhi - thượngphần thể hàm ngụ trong quyển I. Nhận định nầy không những dựa trên việc đánh giá tầm quan trọng của chính nội dung các truyện, mà cũng tương ứng với sự sắp xếp của Vũ Quỳnh, đồng thời nó có được bảo chứng nơi tình cảm thân thuộc của tâm thức dân gian xem các truyện nầy như một gia sản được ghi khắc trong Đại ký ức dân tộc.



* Các bản văn của cuốn Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính còn bảo tồn được là những bản viết tay. Công việc nghiên cứu để xác minh xem bản nào gần với bản gốc hơn cả cho đến nay còn đang dang dở. Bản văn mà giáosư Lê Hữu Mục dịch và cho xuất bản ở Huế vào năm 1960 là bản chép tay doPhạm Quỳnh sữa chữa lại và thuê người viết (xem lời nói đầu của bản dịch do giáo sư  Lê Hữu Mục thực hiện) ; và chúng tôi cũng dựa vào đó để khởi đầu công việc giải minh.
31 Georges GusdorfLes origines des sciences humaines, Payot, Paris 1985, trang 24.

32 Khoảng từ 1370 đến 1400 theo quan điểm của giáo sư  Lê Hữu Mục, xemDẫn Nhập của bản dịch Lĩnh Nam Chính Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính.
33 Mãi cho đến giữa thế kỷ 20, mới có một số rất ít các nhà nghiên cứu đặt lại thành vấn đề trong đó có thể kể đến Lê Văn Siêu, Lương Kim Định, Vũ Đình Trác...
34 Lời tựa bản dịch, Sđd, tr. 10 - 11.
35 Sđd, tr. 37
36 Tlđd, tr. 24.

37 Sđd, tr. 38.
38 Xem Lê Văn Siêu - Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Nhóm Khởi Hành, Đức quốc, tái bản, 1990, tr. 23.
39 Bản dịch ĐVSKTTNgoại Kỷ, lời bàn kẻ dịch, trang 51.
40 Xem phần kế tiếp, tr. 53.

41 Trong bản chính - dù rất khó xác định bản nào là bản chính theo tài liệu hiện hữu, như lời chú thích của giáo sư Lê Hữu MụcSđd - chú thích 1 tr. 10 - cũng như trong bản được Vũ Quỳnh hiệu chính.
42 Sđd, lời nói đầu, tr.1.
43 Sđd, dẫn nhập, tr. 29.

44  Phạm Văn SơnVSTT, quyển  I, xb Sudasie tái bản, Paris, không đề năm, tr. 47.
45 Nông Quốc Chấn và Phan Đăng NhậtLịch Sử Văn Hoá Viêt Nam, tập 1, một nhóm tác giả, KHXH, Hà Nội xb, 1980, trang 79.

46 ĐVSL, bản dịch của Nguyễn Gia Tường, TPHCM, xb. 1993 tr. 221- 222.
47 Bản dịch LNCQ, lời dẫn nhập của người dịch, trang 34.


Nguyễn Đăng Trúc
Ngày đăng: 19.09.2011
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved