Thập kỷ mất mát, Bài 1: Thế giới học được gì từ mười năm thừa mứa?
Hiếu Tân
Bài đăng trên tạp chí SPIEGEL: “The Lost Decade” 28/12/2009- Tác giả: Dirk Kurbjuweit, Gabor Steingart và Merlind Theile gồm 7 bài .VCV sẽ giới thiệu mỗi ngày mỗi bài. Đây là những nhận định bạn không thể bỏ qua..
Thập niên đầu của thế kỷ 21 được đánh dấu bằng những khủng hoảng. Chiến binh Hồi giáo tấn công New York , hệ thống tài chính sụp đổ, khí hậu bị thảm họa đe dọa và nền dân chủ mất đi một vài vị thế của mình. Tất cả những cái ấy gộp lại đã báo hiệu sự thất bại của phương Tây, mặc dầu Internet là một tia hy vọng.
Philipp Blom là người biết một cái gì đó về sự khởi đầu của các thế kỷ. Ông ta ngồi trong quán cà phê Korb ở Vienna , nơi mà thời gian trôi chậm như thể đông cứng tại chỗ. Ông ngồi đó để so sánh sự khởi đầu của thế kỷ 21 với sự khởi đầu của thế kỷ 20.
Blom đã viết một cuốn sách tuyệt vời: “Những năm choáng váng” về Châu Âu những năm giữa 1900 và 1914, một thời kỳ mà ông miêu tả như là lên cơn thần kinh. Bước chân gấp gáp hơn, những phát minh mới, đặc biệt là ô tô và điện thoại, đã cô đặc và làm tăng tốc cuộc sống. Đối với nhiều người nó là sức áp đảo; và chứng suy nhược hay là suy kiệt thần kinh trở thành căn bệnh rối loạn của thời đại. Hôm nay chúng ta nói về sự “cháy rụi”
Mặt khác, Blom nói, nó là thời kỳ của những hy vọng và không tưởng. Người ta nhìn về tương lai phía trước, và nhìn về một thế giới sung túc hơn, công bằng hợp lý hơn. Thế rồi Đại Chiến nổ ra.
Blom nhìn thấy cả cái tương đồng và khác biệt giữa thời ấy và ngày nay. Vào đầu thế kỷ 21 cũng có những đợt sóng phát minh làm cô đặc và tăng tốc cuộc sống, ông nói, nhưng lần này công nghệ mới – Internet, và ở một mức độ lớn hơn, sự kết hợp Internet và điện thoại di động – cũng là động lực đằng sau những thay đổi.
Cái khác biệt theo Blom là đầu thế kỷ này không mang lại bất cứ hy vọng nào về tương lai. Blom thốt ra một câu chán nản “Chúng ta không muốn một tương lai, chúng ta chỉ muốn một hiện tại không kết thúc” Không phải vì cái hiện tại này quá hấp dẫn, ông nói, mà chỉ vì người ta sợ rằng mọi việc có thể sẽ còn tồi tệ hơn.
Vài ngày nữa là cái thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ ba sẽ kết thúc. Đó là một thập kỷ đã bắt đầu không phải bằng một sự chuyển tiếp êm đềm sang thời đại mới, mà bằng một tiếng sầm. Đó là một thập kỷ đầy những năm khủng hoảng: khủng hoảng 11/9, khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng tài chính và khủng hoảng của nền dân chủ. Gộp chung lại, chúng biểu hiện cuộc khủng hoảng chung của Phương Tây. Mọi sự khó mà có thể tồi tệ hơn trong vòng một thập kỷ.
Những hy vọng lớn
Thật trớ trêu, thập kỷ này lại bắt đầu với những hy vọng lớn. Giao thừa năm 1999 là một trong những bữa tiệc lớn nhất của mọi thời đại. Tiền bạc thừa thãi, vì “nền Kinh tế Mới” được đẩy bằng Internet hứa hẹn một thịnh vượng mới. Người Đức, cho đến lúc đó vẫn được coi là những nhà đầu tư thận trọng bỗng nhiên cũng ném tiền vào chứng khoán, điều này chứng tỏ họ là những người lạc quan.
Cuối năm 1999, Viện nghiên cứu Dư luận xã hội Allensbach thấy có 55 phần trăm người Đức có “hy vọng” về tương lai, trong khi chỉ có 14 phần trăm là “sợ hãi”.
Phương Tây mơ mộng, không chỉ về sự giầu có, mà còn về nền hòa bình vĩnh cửu. Người ta vẫn còn tin vào những lời của Francis Fukuyama, lúc đó là Phó Giám đốc ban tham mưu hoạch định chính sách Bộ Ngoại giao, người mà vào năm 1992 đã viết một câu nổi tiếng: “Điều mà có lẽ chúng ta đang chứng kiến không phải là sự chấm dứt Chiến tranh Lạnh, hay sự chuyển qua thời kỳ hậu chiến đặc biệt của lịch sử, mà là sự kết thúc của lịch sử hiểu theo nghĩa đen, đó là: điểm kết thúc của tiến trình tư tưởng của loài người, và sự phổ cập nền dân chủ tự do của Phương Tây như hình thức chính quyền cuối cùng của con người”
Nhưng thập kỷ mới chỉ vừa mới bắt đầu thì nền Kinh tế Mới đã sụp đổ và nhiều thị trường chứng khoán bỗng trở nên vô giá trị. Rồi ngày 11 tháng Chín năm 2001, hai chiếc máy bay bị bọn Hồi giáo cực đoan cướp lao vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York. Đó là cái kết của điểm kết thúc lịch sử.
Thập kỷ mới bây giờ trên đường trở thành thập kỷ mất mát: mất mát về hòa bình, về sự tạo ra của cải giàu có và dân chủ hóa. Cuối năm 2002, 31 phần trăm người Đức “hy vọng” về tương lai. Cuối năm 2008, con số này tăng lên, nhưng cũng chỉ đến 34 phần trăm.
Rút lui về một thế giới trẻ thơ
Bộ phim thành công nhất trên thế giới của thập kỷ là “Chúa tể của những chiếc nhẫn: Nhà vua trở về”. Harry Potter là nhân vật văn học thành công nhất. Cả hai là những câu chuyện trẻ em được cả người lớn thích thú. Chúng ta đang rút về một thế giới trẻ thơ, trong đó những vị anh hùng có sức lôi cuốn chiến thắng cái ác. Những câu chuyện thần tiên hiện đại là câu trả lời của chúng ta với cái thế giới khắc nghiệt này.
Trong thập kỷ đầu tiên cái ác không đến từ bọn yêu quái mà đến từ những anh bạn láng giềng của chúng ta, những kẻ không có ý định xấu. Những sự đầu tư vào thị trường chứng khoán của anh bạn láng giềng của chúng ta đã khơi lên cuộc khủng hoảng tài chính, những chiếc xe hơi SUV của họ góp phần vào cuộc khủng hoảng khí hậu, sự trốn tránh bầu cử của họ góp phần vào cuộc khủng hoảng của nền dân chủ. Và nay những virus của họ đang lan truyền cúm lợn. Trừ bọn khủng bố, những kẻ tội phạm của thập kỷ là những người vô hại.
Thật ra, có điều rõ ràng là mọi người đều là hàng xóm của những người khác. Không phải mãi đến đầu thế kỷ 21 người ta mới nhận ra toàn cầu hóa có nghĩa là gì. Ô nhiễm không khí ở Trung quốc là vấn đề của người Đức. Sự sụp đổ thị trường bất động sản ở Hoa kỳ có thể làm cho một công nhân trong ngành hóa chất ở Pháp mất việc làm. Trong hệ thống khí hậu và kinh tế, mọi sự ràng buộc lẫn nhau.
Tính ràng buộc lẫn nhau này nhất quán với cái cách mà truyền thông đã gắn kết con người lại với nhau. Điện thoại di động có mặt ở khắp nơi, internet cũng vậy. Đặc biệt là giới trẻ, bằng cách dùng Twitter và Skype, đã duy trì những mạng lưới bạn bè dày đặc khắp hoàn cầu. Google làm cho bất kỳ ai ở bất kỳ đâu đến được với hầu như toàn bộ kiến thức của loài người. Ngày nay con người có thể được thông tin về các sự kiện trên thế giới gần như tức thời. Và những kiến thức địa phương không còn là đặc quyền duy nhất của cư dân một nơi nào. Với sự giúp đỡ của GPS, Google Earth, và hệ thống định vị toàn cầu, bây giờ đi đến bất cứ nơi nào trên trái đất người ta cũng có thể cảm thấy như ở nhà.
Thế giới đã trở thành nhỏ bé trong thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Mọi người giờ đây là công dân toàn cầu, cho dù họ sống ở vùng nông thôn nước Đức hay tại thành phố New York . Mọi người có thể với đến mọi nơi bằng hầu như mọi thứ, bằng tin tức hoặc những bức thư tình, bằng hậu quả của những sản phẩm tài chính độc hại, bằng hậu quả của biến đổi khí hậu, hay bằng những quả bom giết người có nguồn gốc từ một góc xa xôi hẻo lánh của miền Waziristan .
Đây là thế giới vào cuối thập niên đầu của thế kỷ 21, một thập niên được đánh dấu bằng bốn cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và một sự phát triển công nghệ nuôi dưỡng niềm hy vọng.
Bản tiếng Anh: Christopher Sultan
Bản tiếng Việt: Hiếu Tân 100110