Home » » DẪN NHẬP TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG

DẪN NHẬP TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012 | 14:53

Dẫn nhập Triết học Đông phương

Nguyễn Ước

I. Làm triết học -II. Chủ đề của sách này-III. Trở lại định nghĩa triết học -IV. Những vấn đề sẽ xem xét
V. Vấn đề thuật ngữ -VI. Tính địa dư của ý tưởng -VII. Trước khi bắt đầu

I. Làm triết học

Triết học là cuộc tìm kiếm tri thức (knowledge) và minh triết (wisdom). Triết học tìm cách xác minh các nguyên lý khái quát (general principles) đang chi phối những am hiểu của chúng ta về thế giới và khảo sát ngôn ngữ chúng ta dùng để diễn tả chúng. Đôi khi, triết học có tính suy tưởng hoặc lý đoán (speculative), vượt ra ngoài phạm vi kinh nghiệm hữu hạn của con người để hình thành quan điểm tổng thể nào đó về thực tại. Đôi khi nó có tính phân tích (analytical), khảo sát tính luận lý (logic) của những phát biểu được chấp nhận không chút phê phán nhằm làm sáng tỏ nội hàm của chúng.
Ở cấp độ này, triết học là môn học hàn lâm (academic); nó được theo đuổi trong các trường đại học và trình bày trong những cuốn sách nặng ký mà có lẽ người ngoài học giới không khỏi cảm thấy ngần ngại khi đi sâu vào. Ở cấp độ khác, nó là hoạt động tự nhiên của hết thảy những ai có suy nghĩ. Khi bạn bắt đầu tự hỏi tại sao vũ trụ hiện hữu như đang hiện hữu, tại sao chúng ta xem sự này việc này là tốt lành đẹp đẽ và sự kia việc kia là xấu xa gớm ghiếc, hoặc xã hội nên tổ chức ra sao, ấy là lúc trên thực tế, bạn bắt đầu cất chân bước vào cõi triết học mênh mông và đầy kinh ngạc.

II. Chủ đề của Đại cương triết học Đông phương này

Tuy thế, với nhan đề Đại cương triết học Đông phương, chỉ đề cập tới những truyền thống tư tưởng và minh triết phát triển tại tiểu lục địa Ấn Độ và Viễn Đông.
a. Từ Ấn Độ, chúng ta có một gia tài tư tưởng, các hệ phái tâm linh, các thực hành tôn giáo và xã hội được hiểu một cách tổng thể là Ấn giáo. Bên cạnh đó là Kỳ Na giáo và các triết hệ Phật giáo; cả hai cùng phát triển trong văn hóa Ấn Độ nhưng đều phê phán Ấn giáo chính thống, do đó, được xem là những truyền thống riêng biệt.
b. Từ Viễn Đông, chúng ta có hai truyền thống cổ đại là Nho giáo và Đạo học, mà về sau chung hợp với Phật giáo làm thành một hỗn hợp tư tưởng Trung Hoa phong phú.
c. Kế đến, chúng ta có hai truyền thống mà lối tiếp cận rất khác với các truyền thống vừa kể, đó là Mật Tông, đặt cơ sở trên hành động có tính nghi lễ cùng việc sử dụng óc tưởng tượng đầy sáng tạo, và Thiền Tông với trực giác về thực tại vượt quá bên kia khái niệm.
Hết thảy những truyền thống vừa kể đều có chung một lịch sử trải dài từ ba ngàn năm trước, và cùng góp phần rất lớn lao không những cho các nền văn hóa Đông phương là nơi chúng phát triển mà còn cho toàn thể thế giới. Do đó, một cuốn sách với số trang tương đối ít như cuốn này, chỉ dám đề cập tới các vấn đề trung tâm và một số trọng điểm hàm chứa trong triết học Đông phương cùng phác họa các lối tiếp cận và những chung quyết chủ yếu của chúng.

III. Trở lại định nghĩa triết học

Trước đây, những người từng làm quen với triết học hiện đại Tây phương, và thậm chí rất nhiều tín hữu Đông phương của các tôn giáo độc thần như Kitô giáo hoặc đạo Islam (Hồi giáo), mà chúng tôi tạm thời xem họ như những kẻ có tư duy triết học theo lối Tây phương, thường bị sốc khi bắt đầu nhìn vào triết học Đông phương. Lý do vì trong truyền thống Tây phương người ta tìm mọi cách để xác định rốt ráo nội dung của triết học lẫn phương pháp làm triết học. Nhiều lãnh vực, một khi đã được xem là ngành của triết học, đều được phân chia rạch ròi theo các chủ đề tách biệt, thí dụ triết học tự nhiên được xếp loại thành “khoa học”.
Sự phân loại ấy đưa tới tình trạng triết học Tây phương ngày càng được nhìn như một môn học không có vấn đề mang tính chủ đề của chính nó. Công tác của triết học bị giới hạn trong việc áp dụng các tư tưởng lý tính vào các tiền giả định và các luận cứ được dùng trong những chủ đề khác, cùng việc phân tích ngôn ngữ được sử dụng và các luận cứ được trình bày.
Nói cách khác, trong thế kỷ 20 vừa qua, cách riêng tại các nước nói tiếng Anh như Hoa Kỳ, Anh, Canada, v.v. triết học ngày càng ít quan tâm tới bản tính của tự thân thực tại mà quan tâm nhiều hơn tới tính khả thi và giá trị thật sự của những phát biểu về thực tại. Thí dụ, nó không hỏi “Chân lý là gì?” mà hỏi “Có ngụ ý gì khi nói điều gì đó là chân lý?” Phần lớn triết học Tây phương không còn theo đuổi việc giữ đúng luật chơi mà chỉ đơn thuần phân tích cuốn sách qui định luật chơi.
Nhiều người cho rằng tại Tây phương ngày nay, trong lãnh vực triết học, hầu như “học” không đi đôi với “hành”. Người ta không kỳ vọng người thông thạo triết học về tâm thức là kẻ đang hoạt động trong một cơ sở phân tâm học, nhà triết học khoa học là kẻ đang đảm trách một cuộc nghiên cứu có tính nền tảng, hoặc nhà triết học tôn giáo phải là kẻ thực hành một tôn giáo đặc thù hay đang giảng dạy một pháp môn trầm tư quán tưởng. Đối với những môi trường hoạt động đó, các triết gia đứng cách xa một quãng. Họ không tìm kiếm chân lý bằng phương cách tự mình chứng nghiệm hoặc đích thân hành động; họ chỉ tìm cách xác minh các phát biểu.
Tuy thế, nhận xét ấy có lẽ chỉ đúng cho mấy trăm năm trở lại đây. Trong phần lớn lịch sử của mình, triết học Tây phương đã đặt trên cơ sở “học” và “hành” đi đôi với nhau. Mãi tới khi có sự nổi dậy của khoa học hiện đại, vào khoảng thế kỷ 17, triết học Tây phương mới chuyển giao phần lớn những gì trước đó nó xem là vấn đề mang tính chủ đề của chính nó cho các môn khoa học đang xuất hiện và nổi bật. Chỉ sau thời điểm đó, triết học mới có khuynh hướng tự hạn chế trong thế giới của ý nghĩa, và miễn cưỡng phát biểu về những gì trong thế giới được khoa học biết tới.
Rời Tây phương, chuyển mắt sang nhìn Đông phương, ta thấy tình thế khác hẳn. Ở đây, triết học không tự hạn chế trong các luận cứ lý tính, cũng không tự tách biệt với các phạm vi của cuộc sống qua những câu hỏi có tính nền tảng được đặt ra cho nó.
Ấn giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáo, Nho giáo, Đạo học: hết thảy các truyền thống ấy đều là các hệ thống xã hội và tôn giáo và đồng thời là triết học. Thiền tông thăm dò cõi tâm thức, đưa tới động thái hồn nhiên tự phát, và Mật tông đi vào những thao tác ẩn mật, đôi khi tìm kiếm trong đó cả ý nghĩa lẫn hiệu ứng của tính dục.
Những hệ thống vừa kể có những hệ quả thực tiễn và thể lý: chúng làm cuộc sống con người biến đổi. Nhưng chúng cũng là những hệ thống triết học, trong đó các lời giảng đạo đức, xã hội và tôn giáo đặt cơ sở trên các quan điểm nền tảng về bản chất của thực tại, và đồng thời cung cấp sự phô diễn chúng.
Như thế, Minh triết của Đông phương bao gồm triết học, tâm lý học, xã hội học và tôn giáo; tất cả quyện vào nhau thành một khối. Hoặc nói chính xác hơn, đó là một loại minh triết không đòi hỏi người ngoài phải nhìn sâu vào cái nguyên khối ấy, dùng óc phân tích để hạng mục hóa (categorize), chia thành từng ngăn và xếp thành từng loại theo lối Tây phương.
Sinh hoạt tính dục, trầm tư quán tưởng, nghi lễ, tác phong đứng đắn – tất cả các thứ đó đều có những nội hàm góp phần vào việc am hiểu bản tính của thế giới và của bản ngã; và do đó, cuộc tìm kiếm vào cái nhìn thấu suốt ấy nên được xem là “triết học” vốn được định nghĩa theo khái niệm của người phương Tây và quan điểm của tín đồ các tôn giáo độc thần. Tuy thế, sự pha trộn kỳ lạ các môn học ấy tại Đông phương cũng không tránh khỏi bị một số người, từ điểm nhìn theo kiểu Tây phương, thắc mắc tự hỏi rằng trong sự pha trộn ấy có bao nhiêu phần nên được xem là triết học.
Ngày nay, rõ ràng những thắc mắc thuộc loại ấy thể hiện một sự đơn giản hóa quá đáng, và dù gì đi nữa cũng chỉ áp dụng chủ yếu cho truyền thống triết học phân tích của Anh Mỹ chứ không cho truyền thống triết học lục địa châu Âu là nơi vốn có, một cách khái quát, lối tiếp cận rộng rãi hơn. Lý do khiến chúng tôi đề cập tới những thắc mắc ấy chẳng qua vì chúng tôi muốn người đọc lưu ý tới sự kiện rằng hiện vẫn có một số nhà trí thức chịu ảnh hưởng của Tây phương, miễn cưỡng chấp nhận việc đưa vào triết học một số vấn đề được triết học Đông phương hằng quan tâm.
Nói cách khác, Minh triết Đông phương – mà tiếng Sanskrit gọi là prajna: trí huệ, trí năng, bát nhã – không đơn giản là vấn đề luận lý hoặc suy tưởng, mà liên quan tới trải nghiệm và trực giác. Người ta có thể áp dụng prajna vào mọi khía cạnh của cuộc sống.
Nhưng như thế không có nghĩa rằng trong tư tưởng Đông phương hoàn toàn thiếu vắng các kỹ năng phân tích hoặc kỹ năng đánh giá chứng cớ kinh nghiệm, trái lại, nó có nhiều quan tâm tương đồng với triết học Tây phương. Sự khác biệt chủ yếu, nói một cách khái quát, là triết học Đông phương không tự nó tách biệt với các môn học khác, và đặc biệt, nó duy trì những nối kết với tôn giáo, tâm lý học và huyền học (mysticism).

IV. Những vấn đề sẽ xem xét

Trong nỗ lực đạt các mục đích đã được nêu ở Lời nói đầu, chúng tôi buộc lòng phải hạn chế những gì được xem là triết học Đông phương về các truyền thống và những tông phái dị biệt trong mỗi truyền thống, chỉ vì không thể thực hiện chủ đề này bằng cách bao gồm hết thảy các nền văn minh của Viễn Đông, Đông Nam Á và tiểu lục địa Ấn Độ. Chúng tôi dựa theo tiêu chuẩn dưới đây để tuyển lựa những vấn đề sẽ được xem xét.
Các câu hỏi tối hậu của triết học, và dù có tính phổ quát đi nữa, vẫn liên quan tới bản tính của thực tại hoặc của xã hội hoặc của con người. Thế nên, sẽ xem xét đến những ý tưởng có đề cập tới hay giải quyết một cách tóm lược các câu hỏi ấy, cho dù đáp án cá biệt có thể được hình thành khác hẳn với lối hình thành của Tây phương hay thần học độc thần. Chúng tôi sẽ cố gắng trình bày các triết hệ ấy theo những khía cạnh tương ứng có thể được về vũ trụ quan, nhân sinh quan, tri thức luận, đạo đức học, v.v.
Tuy thế, vẫn không có ngoại lệ. Tại Tây phương hiện chưa ngã ngũ vấn đề có nên đưa Thần đạo vào triết học Đông phương hay không. Nhiều triết gia lập luận rằng dù Thần đạo gây được ảnh hưởng lớn lao và có ý nghĩa quan trọng trong nền văn hóa Nhật Bản nhưng nó không là một học thuyết được triển khai một cách có hệ thống và mang tính triết học. Đúng hơn, nó chỉ là sự thừa nhận, có tính tôn giáo, các thần linh bản địa (kami) theo cách tự nó không có ý định trở thành một học thuyết phổ quát toàn cầu.
Vì thế, chúng tôi sẽ không đưa Thần đạo vào sách này dù nó có một số điểm tương tự với truyền thống tâm linh của người Việt trong tư duy và tận hiến cho ông bà tổ tiên cùng các anh hùng liệt sĩ của dân tộc. Còn nữa, chúng tôi cũng sẽ không xem xét đạo Sikh (Sikhism), một tôn giáo đặt nặng vấn đề thực hành trên căn bản phối hợp Ấn giáo và đạo Islam. Chúng tôi để dành hai tôn giáo ấy cho bộ sách trình bày về các tôn giáo.
Mặt khác, đối với những ai nhấn mạnh đến lý tính thì dường như còn một ngoại lệ nữa là Thiền tông. Trong cuốn sách này, bạn sẽ bắt gặp Thiền tông như một trong các truyền thống triết học tuy thực tế, nó ít quan tâm tới lập luận lý tính. Lý do vì Thiền tông giới thiệu các đặc tính của thực tại cùng chứng nghiệm của chúng ta về thực tại, và nó xứng đáng để có thể được xem xét và so sánh với những lối tiếp cận của các truyền thống khác.
Thêm một điểm quan trọng cần để ý là cuốn sách này sẽ khảo sát khá sâu những câu hỏi nền tảng được mỗi truyền thống triết học và tôn giáo trình bày, nhưng chỉ lướt quan phần lịch sử và chỉ mô tả nghi lễ tôn giáo hoặc lối sống đạo của tín đồ có tính tiêu biểu và ở mức tối thiểu mà chúng tôi cảm thấy tạm đủ để có thể minh họa cho cái nhìn thấu suốt và cơ bản nào đó.
Bởi thế, đôi khi bạn đọc có thể bắt gặp những tiểu đề giống nhau nhưng nội dung không tương xứng nhau, vì quả thật đây không là cuốn sách về các tôn giáo Đông phương. Chúng tôi sẽ đề cập tới các tôn giáo ấy một cách chuyên biệt và chi tiết hơn trong bộ sách Các tôn giáo trên thế giới.

V. Vấn đề thuật ngữ

Việc áp dụng các thuật ngữ Tây phương – theo lối nói “Tân học” hoặc thường dùng trong các sách giáo khoa của nước ta và trong lối nói đại chúng của người Việt – vào các quan điểm và khái niệm triết học Đông phương có thể dẫn tới sự am hiểu lệch lạc, thậm chí dễ bị hiểu lầm là xuyên tạc.
Thí dụ một từ ngữ của Ấn Độ dùng để chỉ một thực thể tuyệt đối – Brahman: Phạm Thiên – khi được diễn dịch là Thượng Đế thì có nguy cơ bị người tân học và tín hữu các tôn giáo độc thần cảm thấy hoang mang không hiểu tại sao Ấn giáo đã thờ phượng Thượng đế lại còn sùng bái các nam thần và nữ thần.
Thậm chí, diễn dịch Brahman thành Đấng Phạm Thiên với ý nghĩa như là đấng chủ tế sáng tạo muôn loài muôn vật cũng có thể làm người Phật giáo cảm thấy hoang mang. Vì theo Thích Minh Châu và Minh Chí trong Từ điển Phật học Việt Nam, đề mục Phạm Thiên Ngoại Đạo, thì đạo Phật chỉ xem Phạm Thiên là một loài trời cao cấp, cũng ở trong vòng sinh tử luân hồi, có sinh và già chết.
Khi bắt gặp một thuật ngữ liên quan tới một truyền thống triết học và tôn giáo, có lẽ điều tốt nhất ta nên dừng lại một chút để đặt nội dung của thuật ngữ ấy vào khái niệm đặc thù và ngữ cảnh tương ứng. Vì trong học thuyết, Brahman hay Thượng đế hay Đấng Phạm Thiên của Ấn giáo rất khác với Thượng đế của Tây phương, Thiên Chúa của Kitô giáo hoặc Allah của đạo Islam, Ngọc Hoàng Thượng đế theo lối nói Đạo giáo dân giả hoặc Thượng đế nếu người Phật giáo có đề cập.
Do đó, trong chừng mực thực tiễn, các thuật ngữ của từng truyền thống triết học Đông phương sẽ được giải thích trong liên quan tới ngữ cảnh của nó.
Thêm một vấn đề nữa là ngày nay, các độc giả của sách triết thường là thanh niên sinh viên, được giáo dục lâu năm trong truyền thống triết học duy vật chủ nghĩa có tính kinh viện, nên ở đây, chúng tôi cố gắng bám chặt điểm nhìn xuất phát từ triết học Tây phương, để các độc giả ấy có thể thuận tiện tiếp cận. Thế nhưng, vì sinh ở đông nam á, đôi lúc chúng tôi không khỏi rời vị trí bản địa ấy để nêu lên vài nhận xét từ điểm nhìn của một soạn giả người Việt khi kết thúc phần trình bày một chủ đề triết học.
Cũng có những điểm tương đồng rất thú vị giữa các ý tưởng và các lối tiếp cận của Đông phương và Tây phương. Mỗi khi bắt gặp chúng, chúng tôi sẽ đối chiếu ít nhiều với triết học Tây phương trong tiểu đề gọn lỏn “So với triết Tây”.
Thí dụ, triết gia cổ đại Hi Lạp Heraclitus – người tuyên bố rằng “chúng ta không thể hai lần bước xuống một dòng sông”, có quan điểm về bản tính “biến đổi liên tục” của thực tại, tương tự với quan điểm “vô thường” của Đức Phật. Điều đó không hàm ý rằng Heraclitus là một Phật tử không qui y, cũng không hàm ý có sự nối kết cụ thể hay bí truyền nào đó giữa hai vị sống ở “hai phương trời cách biệt” ấy, nhưng chỉ đơn giản là cả hai đều tìm cách thăm dò và giải thích cùng một hiện tượng.
Trong tiểu đề “So với triết Tây”, chúng tôi sẽ tránh giải thích chi tiết một vấn đề nào đó của triết học Tây phương được nhắc tới, vì e rằng sẽ dông dài và đi quá xa. Đôi khi, chúng tôi chỉ đề cập tới danh xưng của một nhà tư tưởng hoặc một luận cứ thôi. Bạn đọc nào muốn tìm hiểu sâu xa hơn, có thể tìm đọc thêm cuốn Đại cương triết học Tây phương hoặc cuốn Các chủ đề triết học, trong tủ sách Triết học Đại cương này, cũng như vô số tài liệu của các tác giả khác có thể có tại thư viện, nhà sách hay trên mạng internet.

VI. Tính địa dư của ý tưởng

Các ý tưởng không chỉ phát triển nhưng trong quá trình giao lưu của loài người, chúng còn xê dịch. Được chuyển tải bởi các thương nhân hoặc các nhà truyền giáo, chúng tìm cách tự áp dụng vào các nền văn hóa khác nhau tại những miền đất tách biệt nhau về mặt địa dư, và những triển khai sau đó của chúng phản ánh tình trạng địa dư cách trở ấy.
Nói chung, trong khi nghiên cứu tư tưởng Đông phương, chúng ta sẽ xem xét hai khu vực rất khác nhau về văn hóa và địa dư: Ấn Độ và Trung Hoa. Triết học và tôn giáo Ấn Độ (India), thường được gọi theo lối của các học giả Tây phương là Ấn giáo (Hinduism) và các nhánh mọc ra từ nó, trong đó có hai truyền thống là Phật giáo (Buddhism) và Kỳ Na giáo (Jainism) đều phản ánh văn hóa và thậm chí khí hậu của phần đất đó.
Tuy bạn không có khả năng bắt gặp các nhà tu khổ hạnh khỏa thân tại các khu vực xa xôi hẻo lánh của Ấn Độ nhưng bối cảnh của nó rất khác với tư tưởng của Nho giáo và Đạo học vốn là hai truyền thống triết học và tôn giáo phát sinh từ Trung Hoa, phản ánh tương ứng các khía cạnh xã hội và thị hiếu cá nhân trong đời sống tại đó.
Khi chuyển dịch từ nơi phát khởi ở Bắc Ấn để tới Trung Hoa rồi tới Nhật Bản và thậm chí Việt Nam, đặc tính của Phật giáo biến đổi, phản ánh các nền văn hóa khác biệt được tôn giáo ấy tìm thấy chính mình ở trong đó. Và trong tình huống khác biệt ấy, các yếu tố tiềm ẩn trong thực hành mang tính Ấn Độ có cơ hội thăng hoa; tiêu biểu cho hiện tượng ấy là Việt Nam, vùng đất Đông Dương (Indochina) giao lưu hai nền văn hóa Ấn Hoa.
Trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ quan tâm hàng đầu tới lối tiếp cận mà mỗi truyền thống triết học dùng và các ý tưởng nền tảng mà nó phát triển từ bên trong chúng, nhưng điều quan trọng là cần phải thừa nhận rằng những biến đổi trong xã hội, sự chuyển dịch của các ý tưởng từ miền đất này đến miền đất khác cùng với thời gian trôi qua, tất cả đều góp phần quan trọng trong kiểu mẫu biến đổi không ngừng của các ý tưởng. Và chúng tôi sẽ cố gắng chứng minh sự biến đổi ấy dựa trên cơ sở lý tính hết sức có thể được.
Ở đây, tất cả những gì chúng ta có thể hy vọng là thăm dò các đặc điểm chủ yếu của mỗi truyền thống triết học và từ đó, có khả năng gợi cho thấy bối cảnh văn hóa, địa dư và các phát triển của chúng.
VII. Trước khi bắt đầu
Tóm lại, chúng tôi sẽ:
1. Giải thích các thuật ngữ được sử dụng một cách cá biệt và tương ứng với mỗi truyền thống để tránh hoang mang. Riêng các thuật ngữ triết học Tây phương, vì không là đối tượng của cuốn sách này nên chúng tôi chỉ chua thêm tiếng Anh nếu cần, để bạn đọc tiện tra cứu nếu muốn.
2. Các thuật ngữ liên quan tới Ấn giáo, chúng tôi chua thêm bằng tiếng Sanskrit, theo lối phiên âm được dùng trong cuốn The Oxford Dictionary of World Religions của NXB Đại học Oxford University Press năm 1997, nhưng để tiện việc ấn loát, chúng tôi không để dấu trên mỗi chữ. Trong trường hợp một từ ngữ Hán Việt dùng để dịch không chuyển tải đủ nội dung của từ ngữ Sanskrit, vốn biến hóa theo ngữ cảnh và triết hệ, chúng tôi đành phải nhắc lại nguyên tiếng Sanskrit ấy.
3. Các thuật ngữ liên quan tới Phật giáo, chúng tôi cố gắng sử dụng những tiếng Hán Việt dễ hiểu và dành ưu tiên cho tiếng Nôm, dựa vào các từ điển Phật học đang có tại Việt Nam (thí dụ của Đoàn Trung Còn, Thích Minh Châu & Minh Chí, Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách, v.v.) Nếu cần, chúng tôi chỉ chua thêm tiếng Sanskrit theo cuốn đã dẫn của Đại học Oxford, và thỉnh thoảng có thề chua thêm tiếng Pali liên quan tới các thuật ngữ của truyền thống Phật giáo Nguyên thủy. Ngoài ra, chúng tôi sẽ cố vận dụng lối nói thông thường để chuyển nghĩa các từ ngữ Hán Việt thường được dùng trong kinh sách.

4. Để tiết kiệm số trang hầu có thể trình bày được nhiều hơn, chúng tôi cố tránh không ghi lại nguyên âm kinh văn Hán Việt có liên quan tới Nho giáo, Đạo học và Phật giáo. Chúng tôi chỉ ghi phần dịch ra tiếng Việt các câu ấy. Bạn đọc có thể tìm phần âm Hán Việt, có thể kèm theo chữ Nho trong những sách tham khảo chúng tôi liệt kê ở phần Thư mục.

5. Và chủ yếu hơn cả, mục đích của cuốn sách này là chỉ đưa ra những nét đại cương để dẫn nhập chứ không phải tổng hợp các ý tưởng phức tạp trong phạm vi bao la mà triết học, tôn giáo, xã hội học, tâm lý học quyện chặt vào nhau. Có nghĩa rằng chúng tôi chỉ cung cấp một tổng quan để khơi động trong độc giả sở thích nghiên cứu sâu xa hơn các truyền thống tư tưởng vô giá và những cái nhìn thấu suốt của triết học Đông phương. n

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved