Home » » Con sư tử một năm Quý Sửu-Nguyễn Tuân

Con sư tử một năm Quý Sửu-Nguyễn Tuân

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012 | 00:32

Con sư tử một năm Quý Sửu

Nguyễn Tuân

Họ là bốn người hình thù kỳ quái, ngồi bên một chậu tiết đánh đứng đỏ như son, trong một căn nhà lá ở Ô Đống Mác, một buổi sớm tết Trung nguyên.

Cái làng chơi sư tử giấy rằm tháng tám ở đất Bắc vào đời hai vua Thành Thái và Duy Tân vốn đã quen với bốn cái tên ngộ nghĩnh của bốn vị tay chơi này. ấy là Ngồ Béo, Vạng Sài Goòng, Trưởng Lỡ và Sường Sáu Ngón.

Nhân vào kỳ tết rằm tháng Bảy, Ngồ Béo cho họp mấy bạn đồng chí lại để dự định việc làm đầu sư tử và tổ chức đám rước vào ngày Trung Thu chỉ còn trong có một tháng nữa thôi.

Ngồ Béo là người không có học, tính ngỗ ngược, lực khỏe lắm và đã từng ghi tên tuổi mình vào xã hội hỗn loạn thời ấy bằng một huyền sử đem về từ một cái bãi lau sậy lịch sử đất Hưng Yên. ấy là người đồng thời nói thế và cũng chưa từng thấy Ngồ Béo cải chính một lần nào. Trong cái đời Ngồ Béo, nhất sinh, kẻ thất phu ấy chỉ lấy việc múa sư tử làm một điều khoái hoạt nhất. Đời sống của Ngồ Béo, cả một năm hình như chỉ có một ngày rằm tháng tám là đáng kể. Y đã nói rằng "Nếu đức Thánh Tản Viên có hạ sơn mà cho em một cuốn sách ước thì em chỉ ước rằng đời em ngày nào cũng được là một ngày tết Trung Thu. Tết Trung Thu, hợp thành đảng đi múa sư tử, đánh trống trận, bật hồng, cướp cỗ và đớp bánh nướng, thú lắm các chú ạ".

Ngồ Béo có một người vợ chuyên làm nghề bán thịt ở cửa ô. Thấy người đàn bà đồ tể ấy, chọc tiết lợn, cạo lông lợn và những lúc liếc lưỡi dao bầu vào cán cân sắt tiếng nghe rít rít mau mau như tiếng mảnh vỏ chai cạo ống giang, nhiều nhà hàng xóm lấy làm rờn rợn ở trong lòng mình, ở đằng sau gáy mình. Họ phỏng đoán trước đến những cuộc xô xát giữa vợ chồng Ngồ Béo. Có một lần, người chồng bạo thiên nghịch địa ấy, một buổi say rượu, đã muốn đem vợ ra để làm sinh vật tế cờ. Ngồ Béo bắt luôn con dao bầu sáng nhoáng của người vợ lăng loàn đang cầm ở tay vừa tuột xuống vì bàn tay nhầy nhụa những mỡ. Vợ Ngồ Béo tránh miếng đoản đao, thuận tay vớ được chai rượu, ghè mạnh đít chai vào thành giường cho mất hẳn cái cù lao ở trôn chai đi. Đường chai vỡ, lởm chởm những răng cưa sắc muột. Vợ Ngồ Béo cầm lăm lăm cái khí giới bằng thủy tinh mà chuôi là một cái cổ chai, thử thách chồng: "Mày tài giỏi thì cứ vào đây với bà". Cuộc đổ máu ấy không xẩy tới và sẽ không bao giờ xẩy đến nữa vì hai vợ chồng Ngồ Béo đã biết nhau là xứng đáng kết làm đôi bạn. Vợ chồng phục lẫn nhau đã đành mà ngay đến các "chú nó" cũng thường ca ngợi đến cái đức tính gan đởm của vợ Ngồ Béo.

Cái chậu tiết hãm kia là của vợ Ngồ Béo để lại cho chồng trước khi đội mẹt thịt nhà ta góp với cái nhầy nhờn của buổi chợ sớm tại cửa ô. Nàng đã bảo chồng:

- Hôm nay là ngày Tết, buổi chiều ai chả phải cúng và đón các cụ ở "dưới ấy" lên. Vậy nhà nên mời các chú ấy ăn uống vào buổi sáng. Tôi hãm tiết rồi đấy. Nhà mượn chú Trưởng Lỡ giúp cho một tay. Tôi phải đi bán thịt chợ Tết, chứ nếu được rỗi mà ở nhà thì phải biết, gái này mà đánh tiết canh thì cứ xâu lại mà treo.

Buổi sớm ấy, có bốn kẻ thất phu ngồi uống rượu với tiết canh ở cửa ô Đống Mác. Máu đông món nhắm có màu sắc một chậu huyết ăn thề. Gợi đến việc múa sư tử năm nay, Ngồ Béo nhắc lại chuyện năm trước và trách luôn Sường Sáu Ngón:

- Chú hỏng. Năm nay không cho chú chặn hậu nữa. Chặn hậu thế nào mà năm ngoái chú để cho bọn Bạch Mai nó cướp mất đầu sư tử, và để cho chú Trưởng Lỡ bị ba nhát xẻng chém vào trán.

Trưởng Lỡ xoạc miệng ra để nói to, làm răn rúm lại ba cái sẹo bóng phía trên lông mày.

- Mấy vết thương của em dạo ấy cũng chả có gì là đáng kể. Chơi dao thì phải có lúc đứt tay chứ. Có cái đáng phàn nàn là chúng ta đã đánh mất một cái đầu sư tử rất quý. Khởi thủy là tự tay anh Ba tôi làm ra nó. Đến đời chú tôi múa là được bốn năm. Tôi kế nghiệp vào, vừa vặn cộng lại được là chín năm. Giá năm ngoái không bị kẻ kia cướp qua tay, năm nay ta làm một cái lễ thập chu niên cho con sư tử của bọn mình thì vẻ vang biết mấy.

Sường Sáu Ngón muốn cho anh em đừng lôi mình ra mà trách móc nữa, bèn kiếm một câu chuyện làm quà với Ngồ Béo.

- Các anh đều biết lão Sập Vầy làm tài phú ở hiệu Đông Hưng Viên đấy chứ. Chú ấy muốn anh em mình năm nay lại lên múa ở hiệu chú. Hôm nọ gặp em trong ngõ Sầm Công, chú có bảo đã để dành riêng một quầy thịt lợn rừng sấy Quý Châu để làm riêng mấy cân bánh nướng treo giải sư tử cho anh em mình.

- ừ thì múa. Bánh nướng Đông Hưng Viên ngon có thể quên nguy hiểm được đấy. Năm nay anh lại cất công từ dưới này lên tận Hàng Buồm một chuyến nữa. Chả phải vì tham mấy miếng bánh, nhưng chính là để cho những đám khác chúng nó biết rằng đây mình bất chấp đến cả chúng nó vì chúng cứ tưởng rằng giang sơn nào là của riêng anh hùng ấy. Để rồi năm nay ta thử xem cái bọn thằng Thiềm Thừ Sắt ở ô Quan Chưởng có còn giữ độc quyền nữa thôi. Nó thường bảo phố Hàng Buồm là riêng của nó, đứa nào dám đem sư tử lên đến "giang sơn" nó mà múa thì nó cho một nhát xẻng và một manh chiếu bó xác.

- Sập Vầy lúc ấy thích anh lắm. Lão bảo anh múa hay lắm. Đến ngay bọn tùy tướng quân Cờ Đen đóng ở tỉnh Đoài, ngày xưa múa cũng chỉ hay đến thế thôi. Lão còn khen anh về cả cái tài ăn bánh nướng nữa. Mỗi cân bánh chỉ ăn có bốn miếng. Vừa múa vừa ăn. Đứng công kênh trên vai bốn năm người nối lên nhau làm cái thang đã chênh vênh rồi mà anh chỉ múa đầu sư tử đỡ có một tay, còn một tay thì thò từ trong mồm sư tử ra giật bánh giải mỗi cái vừa một miếng ngồm ngoàm.

Ngồ Béo cười khì khì một hồi, xong rồi bèn nhìn ra phía cửa mà kêu:

- Quái, sao cái tên Lương Con bây giờ chưa thấy mò tới nhỉ. Anh đã nhắc đi nhắc lại đến ba bốn lượt để hắn nhớ ngày mà xuống rồi kia mà.

- Lương Con nào? - Vạng Sài Goòng hỏi.

- à, một đàn em. Con một ông Đồ! Thế mới thú chứ. Có chú Vạng đây chưa biết đến hắn đấy nhỉ. Để anh kể chuyện cho mà nghe. Nguyên ông cụ đẻ ra chú Lương Con là một người đi thi mãi mà không đỗ. Ông bèn theo lũ cháu sang Hà Nội ở luôn ở Hàng Bạc với những người làng làm nghề vàng bạc. Chín phần mười những người Hàng Bạc là thuộc về phường Châu Khê tỉnh Hải Dương cả đấy chứ. Ông ta bây giờ ngồi viết chữ cho những người thợ chạm khắc vào vàng bạc và gần ngày Tết thì mang chậu mực và cây mực ra đình Hai Ông Tướng Hàng Bạc mà viết câu đối thuê. Một ông bố hiền lành như thế mà lại đẻ phải một ông con chỉ thích múa gậy và nhẩy đá bì cát. Lương Con hay xuống đây học võ, thụ nghiệp cụ Cử Miên, tập chuyên lắm nhé. Có y làm đàn em, năm nay làm đầu sư tử cũng đỡ được một khoản giấy bản. Y có khoe rằng Cụ Đồ Châu Khê có những mấy chục chồng sách nho tấn vào mấy cái níp sơn đỏ cứ chắc cứng lại. Chỗ ấy mà đem ra dùng thì có bồi đến một chục cái đầu sư tử đại mới hết được giấy bản... Năm nay có bồi, ta cho bồi độ mười lăm lượt giấy. Khí nặng một tí nhưng tha hồ cho xẻng cuốc chém xuống.

Gần tàn tiệc, Lương Con mới tới. Để trả lời một câu hỏi bằng mắt xếch của Ngồ Béo, chàng buồn rầu nói rất khẽ:

- Ngày mai mới có dịp đưa xuống được. Em rình cả đêm hôm qua, cả sớm nay mà vẫn không cậy được mấy cái níp sách.

Ngày mai, đúng hẹn, Lương Con đưa xuống nhà Ngồ Béo có đến hai bồ con sách chữ Nho.

Đã sẵn cái cốt gỗ đầu sư tử mượn từ đâu và đưa về từ bao giờ, bọn Ngồ Béo xoay trần ra bắt đầu bồi đầu sư tử để kịp chơi rằm tháng sau.

Họ tháo sách, để riêng ruột sách ra một tập và bìa phết cậy ra một tập. Họ bỏ bìa cậy ngâm vào những nồi nước và sau khi bìa đã sũng nước thì đem bỏ vào cối mà giã như giã giò. Những nắm bột giấy lẫn chất cậy nâu nâu ấy, họ dùng để đắp mũi, đắp gò má và mi mắt và sừng sư tử.

Người ta gỡ những tờ giấy bản ruột sách, căng phẳng ra và đắp lên cốt gỗ một lượt lại một lượt. Dưới sức thấm tẩm của lần hồ vữa, những chữ son, những chấm son chấm câu đã hết cả tươi thắm và xạm mãi mầu xuống. Hôm cái đầu sư tử thành hình đắp bồi thì cái mùi thơm của những cuốn sách chữ Nho của Ông Đồ Châu Khê đã là một cái mùi ung ủng như mùi gỗ ngâm nước bùn. Tháng bảy hay mưa dầm, khí trời lại nồm, mùi ung ủng ấy càng bốc mãi.

Đấy là cái kết quả mười năm đèn sách của Ông Đồ Châu Khê. Bao nhiêu công phu của Ông Đồ Châu Khê ngồi gẫy lưng chấm câu cho mấy bộ Kinh giờ chỉ còn là thế. Trong cái đầu sư tử giấy, có cả một bộ Kinh Thi, một bộ Kinh Thư, một Kinh Lễ, một Kinh Dịch, thêm một tập thơ của Ông Đồ những lúc than thân, những lúc than thời. Cái thời của Ông Đồ Châu Khê đã hết từ năm ngoái kia rồi, nghĩa là năm Nhâm Tý, Nhà nước mở một khoa thi cuối cùng cho người theo chữ Hán. Năm Nhâm Tý khoa thi cuối cùng, Ông Đồ Châu Khê cũng lại bay. Và năm nay là năm Quý Sửu, Ông Đồ ấy vẫn chỉ là một Ông Đồ ngồi ăn ốc trông giăng ở một cái gác tẩu mã phố Hàng Bạc, với một ông bạn già cũng lỗi giờ sinh như mình.

Đêm rằm tháng tám ấy, trước khi vào tiệc rượu thưởng giăng - có rượu cất hương sen Hồ Tây, có ốc gác mồ hóng bếp, có xôi vừng nén - Ông Đồ Châu Khê pha một ấm chè hạt, nước sôi đun bằng những mấu vầu chẻ lạt bẻ khuôn vàng còn thừa lại, tàn than trắng xốp như bông. Để thi vị hóa cảnh mình thanh bạch, Ông Đồ gọi chè hột là chè tùng viên - hột tùng! ắ và cái than hoa loài tre kia là than bạch tuyết. Ông nhìn trăng và tự nhủ rằng đem than bạch tuyết mà nấu chè tùng viên thì còn gì thơm ngon bằng. Phường Châu Khê, người Hàng Bạc, xưa nay vốn lại có tiếng là pha chè hạt rất ngon.

Ngoài đường phố có tiếng ồn ào của những đám rước sư tử diễu qua và tiếng trống, thanh la vọng mãi vào cái gác sâu này.

Ông Đồ Châu Khê, vẫn chưa biết là Lương Con, con mình đã rút mất mấy phần ruột sách quý của mình, bèn chỉ mấy cái sách sơn son cũ màu, nói với người bạn già bằng một giọng cảm khái:

- Chữ Nho bây giờ hết thời rồi. Sách thánh hiền bây giờ chỉ còn là đám giấy loại. Mỗi vụ Trung Thu, bọn làm đầu sư tử phá hại không biết bao nhiêu là sách của cổ nhân. Một cái hồi loạn Văn Thân, bọn ta đã bị cái nạn ấy rồi. Bao nhiêu sách giấy bản là đem ra làm áo giáp hết... Bác không tin lời tôi nói thì hôm nào thử lấy một mũi mác đâm xem có thể thấu qua được một cuốn Tính Lý này không. Hết làm áo giáp trấn thủ đỡ mũi nhọn đánh nhau lại đến làm cốt bồi đầu sư tử múa chơi, cái công tiền nhân đeo một cái bồ "Kính tích tự chỉ" sau lưng những lúc lượm giấy rơi ngoài đường, nghĩ mà lại tiếc quá bác ạ.

May mà tôi còn giữ lại được hết cả ở trong kia.

Cụ tự đắc, nhấp chén cười khà.

Cũng một đêm rằm ấy, vào cùng một cái giờ cảm khái của Ông Đồ Châu Khê, ở phố Hàng Buồm, có một đám múa sư tử to quá, đang đòi ăn giải thưởng.

Nhiều tay anh chị quen, búi tóc giấu trong một vuông nhiễu xanh trông như đức Thánh Quan, cũng nghỉ một buổi xe cao su con bọ ngựa; phụ vào đám rước Ngồ Béo để trợ lực lúc động dụng.

ở trước con sư tử do Ngồ Béo múa rất dịu dàng, Lương Con đánh côn, múa ngọc để dứ con thú càng quay cuồng nhiều. Trông Lương Con không ai ngờ đấy lại là con một ông Đồ. ở trán chàng có một cái sỉ mẩu gắn kính, ở ngực chàng có một cái thần hồng bằng nhiễu điều, ở bắp chân chàng có một đôi xà cạp vằn hổ rất ăn với đôi giày Tầu điểm một quả bông hỏa diệm sơn. Lương Con thỉnh thoảng lại cho bật hồng, ngậm một ngụm dầu tây phun vào búi giẻ cháy nơi đầu que sắt. Lửa bùng lên, soi sáng con sư tử, soi rõ vào mặt Lương Con mồ hôi chảy ròng ròng. Chàng hét, chàng lộn. Tiếng trống và thanh la lúc thưa lúc mau làm cho mọi người đều say với cái đầu sư tử râu bạc phơ phơ. Nhưng mọi người đều lấm lét nhìn nhau khi hai cái xe bò kia đã đun từ cuối đám rước lên đến gần chỗ múa. Một xe bò toàn chiếu cói. Một xe bò toàn xẻng bóng nhoáng. Và đuốc nứa. Và đuốc giẻ tẩm dầu.

Nhiều người nghĩ trước đến lúc hai đám du côn cướp đầu sư tử của nhau và chém nhau bằng xẻng và liệm tử thi nhau bằng chiếu, nhiều người tự hỏi xem có nên bỏ dở cuộc vui mà về ngay bây giờ hay không.

Trung Bắc Chủ nhật, số 29 (15-9-1940)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved