Home » » Chân Dung và Đối Thoại - Nguyễn Khắc Trường

Chân Dung và Đối Thoại - Nguyễn Khắc Trường

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012 | 21:17

Vào những đêm mưa phùn, gió bấc, ta thường được nghe các cụ già ở làng lầm rầm kể những câu chuyện li kì, rùng rợn về... ma. Cứ như lời các cụ thì ma sống trong đêm, còn người ngự ở cõi ngày.

Đó là hai thế giới âm dương hoàn toàn tách biệt. Nhưng rồi, ngay trong một ngày cũng có những khoảnh khắc chập chờn, tranh tối, tranh sáng, âm dương nhoè vào nhau, ấy là lúc gà gáy canh năm, bình minh chuẩn bị hé rạng, hoặc lúc mặt trời lặn và bóng đem nhá nhem bắt đâu buông xuống cõi dương thế. Lúc đó, người và ma rất dễ gặp nhau, có thể lẫn vào nhau...

Cũ rồi. Cũ lắm rồi? Đó là chuyện ở thời bao cấp? Giờ đổi mới tư duy. Nhiều trật tự cũng theo tư duy mới mà đảo lộn. Bây giờ, người lại hay đi đêm. Cứ theo tuyên bố của nhiều phiên tòa thì đến ngay cả giới quan trường, cũng khối kẻ đi đêm. Còn ma lại ngang nhiên sống giữa ban ngày. Gặp ma không khó lắm, cũng chẳng cần phải đợi lúc âm dương nhập nhoè tranh tối tranh sáng. Cứ vào nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, hay ở nhiều nơi sang trọng khác. Ma đầy trong ấy. Nhiều lắm. Đủ các loại hạng. Có khi người nói chuyện với ma, hoặc nghe ma nói mà cũng không biết!

- Ai đấy? Ai vừa nói đấy? A, chào ông! Tôi thấy ông quen quen... ồ quen lắm, ông bạn ạ! Hình như ta đã gặp nhau ở đâu rồi nhỉ?

- Tôi là một phần của ông, ở chính trong con người ông,..

- Thế thì ông là gan ruột hay tim phổi, dạ dày?

- Ta có thể bàn về mối quan hệ giữa bộ phận và toàn thể...

- Đó là một phạm trù thuộc về triết học. Tôi không quan tâm lắm đến cái mớ rắc rối có cái tên rất lạnh lùng và sang trọng là Triết học. Tôi muốn đàm đạo với ông về văn học kia...

- Sao vậy?

- Bộ xương tôi đang ớn lạnh. Chỉ có văn chương, cũng giống như rượu ngon, mới hâm tôi nóng lên. Hơn nứa, các người vẫn hay nói: Nhà văn này có ma lực. Nhả văn kia câu chữ như có ma. Nghĩa là các người đã lấy tôi làm cái thước đo độ hấp dẫn, vốn là một tiêu chí quan trọng vào bậc nhất của một tác phẩm văn chương, cũng như nhan sắc đàn bà huyền diệu của cái đám mỏ đỏ mắt xanh. Bởi thế mới có cuốn tiểu thuyết đặt tôi ngang với người, ở cả lượng và chất. Nghĩa là chúng ta đều bình đẳng và tương đương với nhau

- Cuốn nào vậy?

- Mảnh đất lắm người nhiều ma

- à ta nhớ rồi? (Bỗng thảng thốt) Trời! Hoá ra ông là...

Ma (Xuất hiện): Đừng sợ! Chúng ta từng đi song song bên nhau và tồn tại trong nhau. Đã thế, chúng ta lại còn sống chung trong một Mảnh đất có tên là Nguyễn Khắc Trường...

Người: à. Nguyễn Khắc Trường! (Trấn tĩnh trở lại) Lão là bạn vong niên của tôi...

Ma: Vậy Khắc Trường là người thế nào, nếu nhìn qua con mắt người?

Người: Thật thà, chất phác và tốt bụng. Hồi viết cuốn tiểu thuyết, lăo nghèo lắm. Cả gia tài chỉ có mỗi cái xe đạp Thống Nhất đã tróc sơn loang lổ. Bọn trẻ con trong làng Khương Hạ, nơi lão trú ngụ, gọi là xe ghẻ ruồi, Cái xe cứ long sòng sọc. Mọi bộ phận đều kêu, chỉ trừ có mỗi cái không kêu là cái,.. chuông!

Ma (cười): Đúng là hành trang của cõi dương gian?

Người: Bởi vì thế, ông biết không? Hồi mới du học ở nước ngoài về, tôi quyết định doạ lão. Tôi lượn qua mặt lão một đường cua ngoạn mục trên chiếc xe đạp Hoàn Kiếm mới khự, trông bóng loáng như phết mỡ. Ai ngờ, lão lại nhìn tôi bằng nửa con mắt rùa. Lão bảo: Bây giờ chẳng có ai đi im thin thít như thế. Đấy là cách đi của ma. Người đi phải vang động, phải nổ bành bành như súng liên thanh. Tôi ghé tai lão hỏi: Thế ông anh đã lên đến xứ người chưa, hay vẫn đang còn ở kiếp ma?, Lên rồi chứ? Lên từ rất lâu rồi?. Giọng Khắc Trường đầy vẻ mãn nguyện. Rồi lão chọc chọc một ngón tay sang phòng bên cạnh. Đó là cái chuồng xe. Một con cúp 81 đời chót đứng ngoẹo cổ, trông như một tiểu thư yểu điệu đang làm nũng người tình,

Ma: Bịa?

Người: Sao lại bịa! Đừng tưởng lão lù khù nhé!

Ma: Khắc Trường lên cõi người không phải vì cưỡi xe máy đâu. Khối kẻ đi bành bành, đi en ét, đi đến inh tai nhức óc trên phố phường kia nhưng đâu có phải người.

Người: Vậy lão lên cõi người bằng cách nào?

Ma: Cưỡi một cuốn sách. Đó chính là cuốn tiểu thuyết viết về chúng ta, tôi và ông, và... chính Nguyễn Khắc Trường.

Người: Ông thấy cuốn sách sao?

Ma: Một trong vài cuốn hay nhất Việt Nam. Vừa trước mắt, vừa lâu dài...

Người: Vậy có vấn đề trước mắt và lâu dài?

Ma: Đó là vấn đề lớn nhất của mọi tác phẩm văn học. Có cuốn được tung hô ầm ĩ nhưng nó đã chết trước khi dứt tiếng vỗ tay cuối cùng. Có cuốn lúc ra đời chẳng ai chú ý, hoặc có người lé mắt đến thì lại dè bỉu coi nó chẳng có gì quan trọng, nhưng nó lại là đỉnh cao nhất của thời ấy, thậm chí của mọi thời sau nữa.

Người: Tại sao lại có chuyện như vậy?

Ma: Vì người đánh giá đâu có chính xác. Họ nhìn không được siêu thoát vì vướng những súc thịt quá dày. Bởi thế trong một tác phẩm được đánh giá ở cõi người bao giờ cũng được cộng thêm, hoặc bị trừ đi một cái gì đó ở ngoài tác phẩm, có khi ở cả ngoài tác giả. Ma đâu có thế. Vì ma không nhìn bằng con mắt... giả.

Người: Xin nêu một ví dụ.

Ma: Ông Korolenco là nhà văn rất lớn ở nước Nga. Với ông ấy thì chẳng ai nghi ngờ tài năng và sự thẩm định. Vậy mà khi ngồi trước mặt Lev Tolstoi, lúc Tolstoi đã in toàn bộ tập tiểu thuyết trường thiên vĩ đại Chiến tranh và hoà bình, Korolenco vẫn than thở: Nước Nga không có nhà văn lớn?

Người: Thế còn ở ta? Những tiểu thuyết trường thiên lớn?

Ma: Tiểu thuyết trường thiên là thể loại văn học phát triển rầm rộ ở châu âu thế kỷ thứ 19. Đến nửa đầu thế kỷ 20, ở ta mới xuất hiện tiểu thuyết mà thực chất đó chỉ là mấy cái truyện vừa. Hình như truyện vừa hợp với ta hơn. Và chỉ ở thể loại này, ta mới có mấy cái hay. Ví như Tắt đèn của cụ Ngô Tất Tố. Tất nhiên trong cuốn truyện vừa rất xuất sắc này của cụ Tố, có một chỗ rất tệ hại. Ai lại dành nhiều công phu và tâm huyết như thế để viết về một bà mẹ đi bán con chuộc chồng và viết với tài nghệ, có khả năng chinh phục được bạn đọc trong vài chục năm nay, về một việc làm rất đỗi không bình thường. Ngay ở dưới âm phủ cũng chẳng có bà mẹ nào làm một việc quái đản như thế. Những chi tiết bán con chuộc chồng của cụ đến ma cũng không thể chấp nhận được. Người ta sẽ nhớ đến Fantine, nhân vật của Victor Hugo -một người đàn bà nghèo khổ, cơ cực, một dạng chị Dậu của nước Pháp. Để cứu đứa con tội nghiệp của mình, Fantine đã bán tóc, bán răng, bán tất cả những gì ở trên cơ thể mình. Người đàn bà ấy đẹp biết bao, cao thượng biết bao. Còn chị, Dậu tuyệt vời của ta lại mang luôn con đi bán cùng với ẹhó để lấy hai đồng bạc. Giá con không bằng giá chó. Mụ Nghị Quế còn bắt con bé ăn cơm thừa của chó trước mặt mẹ nó. Mụ quát: Mày ăn cơm chó nhà bà cũng không đáng đâu. Con chó nhà bà còn được mấy chục, con người như mày, bà chỉ mua có một đồng thôi đây. Rồi, lão Nghị còn làm một việc rất vô lý là đùng đùng đứng dậy, giơ bàn tay hộ pháp tát con bé một cái đánh đôp... , mà con bé có làm gì nên tội. Tôi nghĩ ở ngoài đời, không bà mẹ nào chịu nổi khi người ta hành hạ và sỉ nhục tàn nhẫn một cách vô lý con mình ngay trước mặt mình như vậy. Lẽ ra ở chỗ này, cụ phải dành một đoạn mô tả nội tâm, ấy là tâm trạng phẫn uất, nỗi day dứt nhọc nhằn, sự giằng xé tâm can, có thể có một phút chị nghi ngờ quyết định của mình, định thay đổi, vì tình mẫu tử bỗng trào lên... vân vân và vân vân... đằng này, cụ chỉ viết sơ sơ có một dòng mà lại thiên về ngoại hình: Chị Dậu chỉ gục đầu vào cột, nức nở khóc thầm. Và khi mụ Nghị vứt tọt mấy đồng chinh lẻ ra thềm, trả chị tiền chó và con, thì, trời ơi, ông có biết cụ Tố tả thế nào không? Chị Dậu lom khom cúi nhặt tiền, toan tính cửi ra đếm lại, đến mức Mụ Nghị xa xả mắng mới thôi. Mô tả thế, tôi chả hiểu cụ Tố nghĩ về chị Dậu thế nào? Thôi, phải tội với trời mẹ chịu. Cảnh nhà đã thế, mẹ đành dứt tình với con. Tức thì, chị chùi nước mắt và đi làm nhũng việc mà chị cho là đau đớn. Cứ xem nhiều phiên tòa xử ly hôn ở cõi dương gian, tôi chả thấy có người mẹ nào bằng lòng bỏ con. Họ có thể bỏ chồng, chứ không bỏ con, quyết giành đứa con cho bằng được, dù chẳng biết sẽ nuôi chúng bằng cách nào, và sau đó, nếu lấy chồng khác, họ sẽ phải khó xử ra làm sao với đức anh chàng khác máu tanh lòng ấy... Có người đã ở vậy suốt đời từ chối mọi quyến rũ chỉ vì một đứa con, ở đây, trong bản thân cụ Tố, nhà nho đã thắng nhà văn. Nhà nho đã lên tiếng thay cho nhà văn. Cụ Tố rất thành công trong việc tố cáo tội ác của giai cấp phong kiến, nhưng cụ lại quên mất tình mẫu tử. Cái đó xem ra còn lớn hơn nhiều. Hãy nghe chính lời của cái Tý mà cụ đã miêu tả khi nó phải chia tay với các em: U nhát định bán con đấy ư? U không cho con ở nhà nữa ư? Khốn nạ n thân con thế n ày! Trời ơi, ... Ngày mai con chơi với ai? Con ngủ với ai? Khoan, tôi chưa bàn đến việc, một ngôn ngữ như thế có phải của đứa bé gái bảy tuổi không? Tôi nghĩ: Chính cái Tý, qua ngòi bút cụ đã vô tình trách cứ cụ. Những năm còn thò lò mũi xanh, phiêu dạt ở cái xứ Người, tôi đã phải học đi học lại đoạn văn này của cụ ở các trường phổ thông, giờ vẫn còn nhớ và thấy có gì đó rất không ổn, không có lợi cho lũ trẻ về giáo dục gia đình, ông thử nghĩ xem, nếu tình huống ấy rơi vào ngòi bút Vũ Trọng Phụng, tôi chắc ông Phụng sẽ xử lý khác, và cục diện cuốn tiểu thuyết sẽ khác, ông Phụng, người đương thời với cụ Tố, còn thế. Trước cụ Tố hơn một trăm năm thì sao? Ông đã đọc Nguyễn Du chưa?

Người: Đọc rồi?

Ma: Hẳn ông biết cụ Nguyễn cung là nhà nho, nối dòng nho gia hẳn hoi, có bố và anh ruột đỗ đại khoa, lần lượt làm đến chức tể tướng, ắt phải bảo vệ rường cột của đạo Nho lắm lắm. Vậy mà cụ Nguyễn vẫn để cho chàng Kim, cũng một nhà nho, đỗ đại khoa, làm quan huyện, hết lòng bênh vực cô Kiều, khi cô nói Chữ trinh đáng giá ngàn vàng sau khi Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa suốt 15 năm: Cụ còn để cho chàng Kim muốn lấy cô Kiều Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa làm vợ, mà người đọc đều cho là phải. Mới hay, Nguyễn Du mới mẻ biết chừng nào. Nhìn ở góc độ này, cụ Nguyễn vẫn ở một tầm rất cao, vượt thời đại. Các nhà văn lớn đều thế. Dù tác phẩm ra đời ở thời trước vẫn phải can dự vào đời sống của chúng ta ngày hôm nay. Và tác phẩm của các nhà văn lớn hôm nay, viết về hôm nay, vẫn phải có mặt ở tương lai.. Những yếu tố dù là quan trọng về chính kiến, dân tộc quốc gia và cả thời đại, chỉ làm cho tác phẩm thêm phong phú, thêm giàu bản sắc, thêm nhiều tầng nghĩa, chứ quyết không phải là những yếu tố cản trở tác phẩm gia nhập vào cái muôn thuở của cõi Người, dù ở bất cứ nơi nào, ở bất cứ thời nào...

So với Tắt Đèn, cuốn Bỉ Vỏ của cụ Nguyên Hồng khá hơn về mặt tiểu thuyết. Đó cũng là cuốn hay nhất trong đời văn Nguyên Hồng. Nó hay mà không lớn. Những bi kịch đau lòng đáng giận, đáng thương của đám trộm cướp, đĩ điếm là phần sâu nặng, tâm huyết nhất của nhà văn, Cuốn sách cũng chỉ dừng lại ở đấy.

Người: Vậy còn tiểu thuyết trường thiên bốn tập Cửa biển?

Ma: Cửa biển thực sự là một tác phẩm lớn viết về nhân dân. Nhưng cũng như các người vẫn nói: Cuốn sách ấy không có ma lực. Nó cồng kềnh, rậm rạp và dài dòng quá. Đọc rất mệt. Nó lớn mà không hay. Có nhà phê bình nghiên cứu viết khá dài dòng về bộ Cửa biển, với bao nhiêu là lý luận rối rắm, nhưng tôi tin ông ta cũng không có đủ: dũng khí để đọc hết bộ sách. Tôi đọc không ít bài phê bình và nghĩ rằng, viết như thế thế chẳng cần đọc cuốn sách kia cũng có thể phán vanh vách về cuốn sách kia được. Rất nhiều các khái niệm. Tôi xin báo động với các ông: Tình trạng ấy nhan nhản ở các trang báo, ở các tập sách.

Người: Vậy còn các nhà văn khác, các cuốn sách khác? Vis như Vỡ bờ chẳng hạn. Đó là một tiểu thuyết lớn. Tiểu thuyết sử thi. Có thể xem Vỡ bờ như Chiến tranh và hoà bình của Việt Nam?

Ma: Hình như Nguyễn Đình Thi cũng có ý đồ như vậy. Bộ sách cũng mang tính hoành tráng. Bối cảnh của tiểu thuyết cũng được tạo dựng ở hai thành phố lớn và một tỉnh lẻ. Nhà văn cũng triển khai tiểu thuyết từ gia đình tới xã hội. Nhân vật cũng đi từng cặp đôi với tính cách, số phận trái ngược nhau. Những ông quý tộc thành phố nói chuyện với nhau cũng đá đưa mấy câu tiếng Pháp. Rồi chuyện chiến tranh, chuyện hoà bình đan xen. Rồi chuyện thành phố, chuyện nông thôn. Rồi những sự kiện chính trị trong nước, thế giới. Xét về bộ khung cuốn sách với quy mô của những vấn đề cần mô tả, nó chẳng khác gì Chiến tranh và hoà bình. Nó chỉ khác ở chỗ, nó không phải là một Chiến tranh và hoà bình mà thôi. Tập I có khá hơn. Tập II sơ lược, đuối dần. Nó xốp và nhiều trang minh hoạ quá lộ liễu. Còn không ít những cuốn sách khác được gọi là tiểu thuyết chỉ là sản phẩm của một thời, thậm chí hẹp hơn, là sản phẩm của một cơ chế. Khi hợp tác xã nông nghiệp chia ruộng đất cho từng gia đình, làm ăn cơ bản như thời chưa có hợp tác xã, những cuốn sách viết về nó có còn ma lực cho các thế hệ sau nữa không? Và như thế, toàn bộ sự nghiệp của ông Đào Vũ, ông Chu Văn và bà Nguyễn Thị Ngọc Tú sẽ được đưa lên cái cân bé tí đầy sóng gió này.

Người: Thì ra ông chỉ quan tâm đến tiểu thuyết?

Ma: Đó thực sự là cái móng của mọi nền văn học. Tất nhiên, nó chỉ là móng khi nó, lớn và hay.

Người: Xem ra, ông là một kẻ cực đoan, có nhà văn rất lớn nhưng chẳng viết một cuốn tiểu thuyết nào. Ví như A. Sêkhôp chẳng hạn. Còn ở ta là cụ Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân cũng rất lớn, ông là bậc thầy của nhiều bậc thầy. Có thể tìm thấy trong tác phẩm của ông một cốt cách phương Đông, một tầm cao văn hoá, một thú ẩm thực. Một tư cách người. Một nhà luyện chữ...

Ma: ấy là người đời đánh giá thế. Có người chẳng đọc Nguyễn Tuân, chỉ hong hóng nghe nhau rồi viết vào giấy dán ngay lên cột. Thực chất, Nguyễn Tuân là người thích đùa. Đối với Nguyễn Tuân thì cuộc đời là một cuộc chơi. Ông ham chơi và chơi cú nào cũng thắng. Trước hết là chơi điện ảnh, ông chỉ chơi trong tích tắc và lập tức cái tích tắc ấy hoá: thiên thu. Nghĩa là ông cụ trở thành diễn viên điện ảnh đầu tiên của Việt Nam, người khơi nguồn cho ngành nghệ thuật thứ bảy ở xứ sở này. Khi ở ta còn chưa có điện ảnh. Nguyễn Tuân đã là diễn viên rồi, và diễn viên tầm cỡ quốc tế. Cứ theo ông Tô Hoài trong cuốn hồi ức Cát bụi chân ai, thì Nguyễn Tuân chỉ mặc áo blu trắng, khiêng cái cáng thương, làm một chiếc bóng mờ, đi lướt qua ống kính trong khoảng... ba giây. Vậy mà để làm một cái bóng mờ điện ảnh ấy, Nguyễn Tuân đã phải lặn lội sang đến tận Hương Cảng. Sau này, ta mới được xem người khơi nguồn điện ảnh ấy đóng phim. Đó là phim Chị Dậu. Bộ phim được chuyển thể từ cuốn Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Nguyễn Tuân sắm vai chánh tổng. Hoá ra ông cụ đóng rất xoàng, Một chánh tổng không ra chánh tổng, rất gượng gạo, lập bập ngay ở những chi tiết ngoại hình là cưỡi ngựa và đi đứng. Hình như không phải Nguyễn Tuân đóng chánh tổng mà chính chánh tổng đã đóng... Nguyễn Tuân và đóng rất tồi. Nghĩa là nó không ra chánh tổng mà chỉ phảng phất Nguyễn Tuân. Đây là đoạn dở nhất trong bộ phim dựợc dàn dựng rất công phu, rất kĩ lưỡng, Nhưng tôi ngờ sau này, có khi cái phần hỏng này lại là đoạn có giá trị nhất của phim Chị Dậu. Vì nó cho ta thấy hình bóng thật của cụ Nguyễn Tuân. Các thế hệ sau, muốn ngắm cụ Nguyễn, lại phải đến gõ cửa Chị Dậu.

Người: Đừng mất thì giờ về phần diễn viên điện ảnh, ông cụ là nhà văn.

Ma: Thì ta bàn về văn của cụ vậy, ông vừa bảo cụ Nguyễn là nhà văn lớn, là người có văn hoá ẩm thực, đúng không? Quả ông cụ viết khá nhiều về các món ăn. Những phở, những giò, những chả. Nhưng đưa các món ăn lên thành những áng văn chương, thành văn hoá ẩm thực, trước tiên phải kể đến Vũ Bằng với Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội, Món lạ miền Nam. Đấy là những tập sách có thể được coi là những kiệt tác về ăn uống,

ở đó những mớn ăn không còn thuần tuý là chuyện thực phẩm, nhằm đáp ứng cho việc co bóp của cái dạ dày, mà cao hơn, nó là hồn vía của cả một vùng đất. Văn chương ăn uống của cụ Nguyễn chưa đạt tới độ ấy. Đôi khi ngay trong chuyện ăn uống này, ông cụ cũng lại đùa.

Người: Xin nêu một ví dụ?

Ma: Truyện Những chiếc ấm đất. Thôi, khỏi bàn chuyện ông cụ viết về việc chọn ấm uống trà. Cái ấm da lươn phải là cái ấm nặn đều, không bị chỗ dày, chỗ mỏng, nghĩa là đặt xuống nước phải nồi đều, không bị triềng, lạng. Cái đó chẳng có gì tinh vi và cao siêu cả. Những cuốn sách phổ thông, viết về kỹ nghệ uống trà của Nhật Bản, của Trung Quốc ta có thể gặp nhan nhản những đoạn như thế. Ông cụ kể về việc uống trà, về người hành khất tinh đến nỗi có một hạt trấu lẫn trong trà cũng phát hiện được. Cụ Sáu nghiện trà, mê trà pha nước giếng chùa, đến nỗi không thể bỏ quê đi đâu được vì không thể mang cái giếng đi theo. Thực ra, người sành trà, uống trà tinh, thường chọn nước mưa, và phải là trận mưa thứ hai, nghĩa là trong nước mưa không có bụi. Nước mưa ấy lại phải hứng giữa trời, không hứng qua cây, và phải hứng bằng chậu sành, chum sành, chứ không phải nồi đồng hay chậu nhôm. Nước có hơi nhôm, hơi đồng thì cũng không thể gọi là nước tinh khiết. ở đây ông già Sáu lại uống nước múc ở cái giếng đất, dù là giếng ở cổng chùa. Đoạn đường gánh nước từ chùa về nhà, cứ như lời văn cụ Nguyễn tả, phải qua con đường lầm cát bụi. Gió cuốn bụi như mây. Bụi thốc vào tận cổng chùa. Thế thì còn gì là nước để pha trà nứa. Khi người nhà cụ Sáu quẩy gánh nước về làng, sư cụ chùa Đồi Mài còn gọi lại, bảo bẻ mấy cành đào, bẻ cả lá đào thả vào nồi nước để về ông cụ uống cho mát. Ơ hay, uống trà là uống nước sôi pha vào trà, chứ có uống nước lã đâu mà cần nước mát hay không mát. Vả lại, đào là thứ cây độc. Đào trồng ở đâu, đến cỏ cũng không mọc được. Nhựa đào rất độc, người ta vẫn dùng để tắm ghẻ. Cái nồi nước thả đầy cành đào, lá đào mà cụ Nguyễn xui đùa kia, uống vào là gay đấy. Cứ tưởng ông cụ tinh vi nghề ẩm thực, nghe theo ông cụ thì có phen mất mạng như bỡn. Còn truyện Chém treo ngành, còn có tên khác là Bữa rượu máu, thì đến ma cũng không thể chịu nổi, ông cụ tả một cách nhấm nháp với đầy vẻ khoái cảm một lão đồ tể có tên là Bát Lê, ông ta có tài chém người điệu nghệ đến nỗi, chỉ chém một nhát, cái đầu đứt phăng, nhưng vẫn còn dính một tí da, treo trên một tí da, gọi là Chém treo ngành. Đưa việc chém người lên thành nghệ thuật và tả đường đao, mũi đao với vẻ khoái cảm như một dạng thưởng thức nghệ thuật thì chỉ ở cõi người mới có nhà phê bình viết bài tán dương, chứ ma thì con xin vái cụ! Ngay cả kẻ bị chém là lũ tà đạo, lũ cướp đường, tả thế cũng không ổn, huống hồ đó lại là quân khởi nghĩa, những người xả thân vì nghĩa cả. Nhà văn lớn, ai lại viết thế.

Người: Ông không hiểu Nguyễn Tuân rồi, ông đọc văn như thế thì không thể đọc Nguyễn Tuân được, Những năm 1960, 1970, có lần cụ, Nguyễn đã mắng một nhà phê nọ, rằng: Thằng ấy mà làm phê bình à? Thẩm văn kiểu gì mà thẩm ngu thế. Không biết cả một đoạn rất quan trọng người ta tả đằng sau, khi kết thúc truyện, ấy là một trận gió thổi rất mạnh. Trận gió xoắn, giật, hút cát bụi lên, xoay vòng quanh đám tử thi và đuổi theo các quan đang ra về. Chiếc mũ trên đầu quan công sứ bị cơn gió lốc dữ dội lật rơi xuống bãi cỏ lăn mấy vòng lông lốc. Đấy mới là tình cảm, là tư tưởng của tác giả.

Ma: Nhưng đó vẫn chỉ là một đoạn tả cảnh, và là tả ngoại hình. Mấy câu văn gió máy, mang đầy chất thơ ấy, làm sao xoá được cái ấn tượng ghê rợn mà truyện đã mang đến cho độc giả.

Người: Điều này, có lẽ phải tranh luận mới xong được?

Ma: Thời gian sẽ định đoạt tất thảy!

Người: Vậy Nguyễn Tuân còn lại những gì?

Ma: Còn chứ! Muốn nói gì thì Nguyễn Tuân cũng vẫn cứ là Nguyễn Tuân. Và đóng góp lớn nhất của ông cụ là ở thể loại ký. Ông cụ viết gì cũng thành ký. Đấy là một thể loại văn học cao cường mà bấy lâu nay, chúng ta biến nó thành một dạng báo chí sống sít, và như thế thì báo cũng chẳng ra báo mà văn cũng chẳng thành văn. Nguyễn Tuân bằng chính tài năng trác việt của mình, đã đưa nó trở lại văn học. Chỉ riêng kì tích ấy cũng đủ để ta ngả mũ kính vái cụ, đúc tượng cụ. Bây giờ chúng ta hãy trở về với Nguyễn Khắc Trường...

Người: Ông bảo Nguyễn Khắc Trường nên Người nhờ cuốn tiểu thuyết. Nên nhớ rằng, trước khi viết tiểu thuyết, lão đã là tác giả của ba tập truyện ngắn và truyện vừa. Khi Thác rừng, tập truyện đầu tiên của lão ra đời, nhà văn Xuân Thiều, một cây bút cũng vào hạng lão luyện đã có ngay một bài ca tụng trên tạp chí Văn nghệ quân đội. Rồi gặp ai, Xuân Thiều cũng hồ hới: Bợm lắm? Cha Thao Trường lù khù như thế mà viết rất bợm. Câu văn của nó chắc nịch như gạch không lỗ. Mình thật không ngờ...

Ma: Xuân Thiều không ngờ vì Khắc Trường là Thao Trường. Cái tên nghe sặc mùi tân binh và lính tráng. Trong con mắt Xuân Thiều. Thao Trường chỉ là anh lính văn còn đang ắc ê. Nhưng đọc lại thấy anh chẳng có gì là tân binh cả. Thế là ông ấy ngạc nhiên, thậm chí là kinh ngạc. Ta có thể gặp một trường hợp tương tự như thế ở ý Nhi. Đọc ý Nhi trước đây, người ta thấy chị viết suôn sẻ. Một dạng thơ sinh viên tổng hợp. Nó bàng bạc và nhàn nhạt như một thứ nước si-rô. Và người ta cứ nghĩ ý Nhi là một người nhàn nhạt. Đến lúc đọc Người đàn bà ngồi đan, mới hay chị chẳng đến nỗi nhạt như người ta tưởng. Có đôi bài khá sâu sắc, lại được viết bằng một bút pháp rất dung dị, nhiều khi bỏ vần, bút pháp Nguyễn Đình Thi. Và nếu so với thơ Nguyễn Đình Thi, nó cũng chẳng kém cạnh gì. Nghĩa là có thể trộn lẫn được, kể cả hổn lẫn xác. Và người ta lại ngạc nhiên, lại kinh ngạc. Lại thấy chị không tầm thường như người ta tưởng, Thao Trường cũng thế thôi. Cái truyện ngắn nào của anh đọc cũng thấy mến yêu. Câu văn anh khá đẹp. Truyện ngắn Thao Trường như cô gái quê. Trông nét nào cũng xinh. Nhưng nhắm mắt lại thì khó nhớ. Đấy là một dáng vẻ đã ổn định. Nó không hứa hẹn điều gì ở tương lai. Bởi thế, cuốn tiểu thuyết của anh ra đời mới là bất ngờ lớn.

Người: Nhưng tôi chẳng thấy có gì bất ngờ cả. Cuốn sách ấy ra đời là một sự tất yếu, Trong số các nhà văn quân đội về tập trung ở làng Khương Hạ khi vừa kết thúc chiến tranh, chuẩn bị theo học ở một trường đại học viết văn, tôi đặc biệt chú ý đén ba người, Đó là Lê Lựu, Xuân Đức và Thao Trường. Cả ba nhà văn này đều có thẩm mĩ văn chương rất chuẩn. Điều ấy, đối với một người viết là rất đỗi quan trọng. Người hiểu văn chương thì đi một bước cũng tiếp cận được văn chương, Người không hiểu văn chương thì càng đi càng xa cái đích mình cần đến. Tôi nhớ hồi ấy, các nhà văn hay đọc tác phẩm cho nhau nghe. Thường nghe xong một truyện, Lê Lựu có thể tóm được ngay vấn đề mà theo anh, nhà văn cần phải nhấn, cần phải khai thác một cách triệt để. Xuân Đức có thể bài binh bố trận lại ngay tức khắc khi tác giả viết cái truyện không thành. Còn Thao Trường thì chỉ im lặng, tủm tỉm cười. Nếu có nói, lão chỉ làm một câu cộc lốc: Được? Cái truyện được! Hoặc: Hỏng! Vứt bố nó đi. Cái truyện nhạt như nước lã, cô thế nào thành kẹo được!. Bạn viết rất tin lão. Coi lão như cái nhiệt kế văn. Lão lắc là họ vứt. Còn nói thì lão chẳng biết nói thế nào, Thao Trường là người không biết diễn giải!

Ma: Hồi chưa có cuốn tiểu thuyết, Khắc Trường tự thấy mình chỉ là con ong cái kiến.

Người: Đâu phải, Lúc bấy giờ đã có một loạt tiểu thuyết viết về nông thôn gây được tiếng vang lớn. Người ta hùa nhau khen. Khắc Trường chỉ im lặng. Lão biết sự thực không phải thế. Cả người viết và người đọc, chẳng có ai hiểu được nông dân. Nông dân không phải vậy. Trên bàn viết của lão, lão chỉ treo ảnh có hai người. Đó là M. Sô-lô-khôp và Nam Cao. Một Tây. Một Ta. Cả hai ông khốt này đều viết về nông dân và viết rất bợm, Khắc Trường coi như hai ông Tổ và lão lặng lẽ đặt lên bàn thờ, còn trong truyện thường ngày, lão hay nhắc đến Nguyễn Khải. Lão có vẻ phục Nguyễn Khải. Lê Lựu cũng coi Nguyễn Khải là một bậc thầy, Với hai ông nhà văn này, Nguyễn Khải thực sự là một khối bí ẩn. Gặp nhau, họ lại bàn chuyện thầy Khải. Lê Lựu từng bỏ ra cả một chuyến đi thực tế chẳng thực tế gì cả. Anh chỉ tự nguyện làm một thằng điếu đóm, phục dịch thầy Khải, chỉ cốt xem đại sư phụ Nguyễn Khải hành nghề ra sao, Và rồi, qua cả cuộc đi anh vẫn không hiểu ra làm sao cả, Nguyễn Khải có tài phù phép rất đặc biệt, Hình như chuyện gì ở dọc đường, qua con mắt ông cũng thành văn được, Còn Khắc Trường thì đinh ninh, trước khi đi thực tế, Nguyễn Khải đã thủ sẵn một cốt truyện rồi. Đi thực tế là ông lấy cảnh sắc, con người làm xi-măng, vôi vữa trát lên cái cốt sắt mà ông đã tạo dựng từ trước đó. Bởi thế, chuyến đi nào Nguyễn Khải cũng có sách và cuốn sách nào cũng gây được tiếng vang. Chỉ tiếc cái tên sách rất dở. Nguyễn Khải dường như không biết đặt tên cho những đứa con tinh thần của mình.

Ma: Vậy ra... chẳng có ai hiểu được Nguyễn Khải?

Người: Tại sao lại không hiểu? Họ là học trò Nguyễn Khải. Và ở khoản tầm sư học đạo này, các đồ đệ tỏ ra rất kính yêu vị bồ tát của mình. Họ còn tò mò tìm hiểu xem sư phụ yêu ai, trọng ai?

Ma: Vậy Nguyễn Khảí yêu ai?

Người: Ông ấy yêu Nam Cao và phục Vũ Trọng Phụng. Trong một lần trò chuyện với đám đồ đệ, Nguyễn Khải bảo, nếu phấn đấu, ông có thể làm được thằng Chí Phèo, chứ thằng Xuân Tóc Đỏ thì ông chịu, không thể nặn ra được.

Ma: Thực ra, cả hai thằng du thủ, du thực ấy, Nguyễn Khải đều không tới gần được, Không phải vì Nguyễn Khải kém Vũ Trọng Phụng và Nam Cao, mà cái chính là tạng ông không phải thế. Tuy nhiên, trong hai bậc thiên tài ấy, Nguyễn Khải phục Vũ Trọng Phụng và thấy gần gụi với ông hơn, bởi suy cho cùng, Vũ Trọng Phụng là một nhà báo. Không phải chỉ ở vấn đề phản ánh mà ngay cả ở từng câu văn. Câu văn Vũ Trọng Phụng cũng là câu văn báo. Vũ Trọng Phụng có thể viết: Đêm nay, trăng to và sáng. Hoặc Rặng tre xanh đầu mùa hè. Tô Hoài cho đó là những câu văn gầy. Thực chất, nó là văn thông tấn, báo chí.

Người: Chả lẽ Nguyễn Khải lại mê câu văn báo chí?

Ma: Vì cũng như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Khải là một nhà báo cờ gồng!

Người: Nói lạ. Lại phải tranh luận thôi!

Ma: Sao các người lại cứ thích tranh luận nhỉ. Tôi chẳng tranh luận làm gì. Thời gian cũng thế thôi, cứ im lặng mà làm ngã ngũ các giá trị. Xin các người cứ xem ông Nguyễn Khải đi thực tế sáng tác thì rõ, ông ấy hỏi rất tỉ mỉ, rồi ghi chép eũng rất tỉ mỉ. Đó là lối đi của anh làm báo. Phát hiện thấy có vấn đề gì hay, có thể viết được là ông bám luôn. Và như thế, có thể nói ngay rằng, trước khi đi thực tế, trong đầu Nguyễn Khải không có cái gì cả ông chẳng có khung, có cốt nào dựng sẵn hết, ông đi như một anh đánh giậm, được con cá nào xào con cá ấy. Mọi tác phẩm, của Nguyễn Khải đều đã có sẵn ở trong đời sống. Ông có biệt tài phát hiện vấn đề từ những câu chuyện hoàn toàn có thật. Sau nữa, là tài nghệ cắt tỉa, lắp ghép. Có cái truyện tự thân nó đã hay, Nguyễn Khải chẳng cần xào xáo gì, ông cứ chép nguyên xi và đề là truyện ngắn. Tôi đã thấy mấy truyện như thế. Nếu không có thời gian đi nghe ngóng, nhặt nhạnh ở thiên hạ, thì lôi mình ra viết. Ông viết về những người xung quanh, rồi viết cả về chuyện của những người ở trong nhà. Gặp gỡ cuối năm là chuyện của chính gia đình ông. Và đó là một kiệt tác của Nguyễn Khải. Chuyện chỉ xảy ra trong vài tiếng đồng hồ vào một đêm tất niên. Mấy người ở trong gia đình gặp mặt nhau. Họ là người trong một nhà, nhưng lại không cùng chính kiến. Có người là cộng sản. Có người làm việc cho chính quyền ngụy cũ. Vào cái thời khắc thay đổi, khi đất nước vừa giải phóng, họ gặp nhau cùng đón giao thừa. Câu chuyện diễn ra quanh bàn trà. Chuyện thời thế, chuyện chính trị, chuyện xã hội. Đủ mọi thứ chuyện từ gia đình đến quốc gia đại sự. Đối thoại rất sắc sảo. Tính cách từng nhân vật hiện lồ lộ. Đây là cái truyện Nguyễn Khải viết hay đến từng chữ. Rồi cũng như nhiều tác phẩm khác, ông cũng lại gắn cho nó một cái tên rất thật thà, rất lười nhác là Gặp gỡ cuối năm. Rồi Khắc Trường, rồi Lê Lựu lại kêu oai oái: Cái lão này chẳng biết đặt tên con gì cả, Tại sao lão không lấy tên là Giao thừa. Cái tên vừa hay, vừa đúng với nội dung truyện, lại vừa có tính văn chương nữa, Nhưng nếu đặt, thế thì đâu còn là Nguyễn Khải. Nguyễn Khải cứ phải Gặp gỡ cuối năm kia. Cũng, như trước đây, ông từng đặt tên cho các tác phẩm của mình: Tháng ba ở Tây Nguyên, Họ sống và chiến đấu, Hoà Vang, Chủ tịch huyện, Chuyện anh tổ trưởng máy kéo. Hoặc nghe như một cái xã luận: Tầm nhìn xa, Hãy đi xa hơn nữa. Đừng nghĩ Nguyễn Khải không biết đặt tên con mình, ông hiểu chúng hơn bất cứ ai, và ông gọi tên chúng thật chính xác, ấy là tên của những, bài báo. Và như thế, có thể nói Nguyễn Khải là một nhà văn thông tấn: Nói vậy? không phải là phủ nhận ông. Xin các người chớ có hiểu lầm. Tôi đặt ông vào đúng vị trí mà ông có. ở trường phái văn chương thông tấn này, một mình ông một vị trí độc tôn, không có ai sánh được, và cũng không có ai học được, ông là một thái cực của chính đồ đệ ông - Nguyễn Khắc Trường.

Người: Nghĩa là thế nào?

Ma: Ngay trong cách đi thực tế, Khắc Trường đi như đi cho vui. Lão chẳng ghi chép gì. Lão nghe tất cả mọi chuyện một cách lơ mơ. Nghe cũng nghe cho vui, ở Thanh Hoá bấy giờ có bao nhiêu chuyện. Bao mâu thuẫn giằng xé. Làng đang vỡ nham nhở. Khắc Trường lang thang với cánh cựu chiến binh, rồi nghe chuyện họ, chuyện làng. ở đó, Khắc Trường biết có một người phụ nứ rất đẹp, nhưng đa đoan lắm. Đó là hình bóng giúp lão hình thành nhân vật bà Son. Người ta rủ lão đến thăm người phụ nữ ấy. Nhưng lão không đi. Lão sợ bà Son thật sẽ làm hỏng mất bà Son văn chương mà, lão đang nhào nặn ở trong đầu. Rồi cốt truyện cứ hình thành dần. Lão khuân cái cốt ấy về quê lão, một vùng đất bán sơn địa ở Thái Nguyên. ở đó, lão thông thạo mọi ngóc ngách, thạo cả người, cả cảnh. Rồi lão đóng cửa hì hụi viết. Lão viết rất chậm. Cần mẫn như người thợ thủ công, lão tẩn mẩn đẽo gọt từng chữ, rồi lão cho vào cái lò bát quái, nhào luyện cùng với mồ hôi mình. Lão vừa viết, vừa le lé dòm kỹ từng con chữ đang thập thò ở đầu ngọn bút, thấy con chữ nào ánh lên màu mồ hôi lão, lão mới ươm ướm thả nó xuống mặt giấy. Bởi thế, văn Khắc Trường là thứ văn đẹp mà chắc, mang dấu ấn tác giả rất rõ, chí ít nó cũng không lẫn với ai.

Người: Nhưng Khắc Trường không kỹ lưỡng như ông nghĩ. Thực ra khi viết, Khắc Trường cũng chẳng hình dung được cái truyện nó ra làm sao. Chính lão đã nói ra miệng, và nói cả trên mặt báo: Lão viết như người đi trong sương mù! Vừa đi vừa vén màn sương đó, Khi lão chui ra khỏi màn sương thì cũng là lúc hết truyện.

Ma: Bịa! Đừng có tin nhà văn. Những nhà văn có tài, thường họ cứ hay đùa, ông Somerset Maugham, một nhà văn kiệt xuất của Anh, có lần cũng tỏ ra thật thà lắm, ông ấy bảo: Ông ấy không có tài văn đâu, ông ấy chỉ là nhà văn hạng ba, chuyên kể chuyện thông thường. Thế là người ta đưa ông ra khỏi lâu đài văn chương, loại ông ra khỏi sách giáo khoa văn học. Phải đến, hai mươi năm sau, Somerset Maugham mới trở lại đúng với vị trí của mình.

Người: Somerset Maugham là một kỳ tài trong loại truyện ngắn viết dài. Có một xu thế chung là truyện ngắn đang bị kéo dài, ra. Còn truyện ngắn ở ta thì sao? Nếu chỉ chọn một nhà văn...

Ma: Thì đó chính là Ma Văn Kháng. Ông là một nhà văn lớn, có lẽ tôi là người đầu tiên nói ra câu này và tin là mình không lầm. Ông có hai truyện vừa vào loại khá: Côi cút giữa cảnh đời và Mùa lá rụng trong vườn. Trọng Mùa lá rụng... Ông ấy rất tinh, rất lọc lõi khi chạm vào đám đàn bà, còn đàn ông thì dường như ông ấy không hiểu họ. Nhưng truyện ngắn của Ma Văn Kháng mới thật đặc sắc Trong số những nhà văn hiện nay, Ma Văn Kháng là người có nhiều truyện ngắn đạt đến tiêu chuẩn Nam Cao, ông rất chú trọng đến nhân vật và kết cấu.

Người: Kết cấu là một phương diện quan trọng vào bật nhất của tiểu thuyết. Riêng cái khoản này. Khắc Trường lại vụng. Kết cấu cuốn sách hỏng. Bởi thế mà cuốn tiểu thuyết xộc xệch, lỏng lẻo. Khắc Trường đưa các nhân vật đến dự một cuộc mít-tinh, đúng lúc lão phải bước lên bục Kính thưa, thì lão lại chuồn. Các nhân vật ngơ ngác nhìn nhau, chẳng hiểu ra sao, rồi tự giải tán. Hình như lão sợ một cái gì đó.

Ma: Sợ gì?

Người: Lão sợ gì thì chỉ có một mình lão biết. Và lão thấy mình đi trong sương mù...

Ma: Chẳng có sương mù nào ở trước mặt Khắc Trường cả, ông ta nhìn thông thống tới tận đích cuối con đường. Bên ngoài, tưởng xộc xệch, nhưng thực chất bên trong, ông ta bài binh bố trận rất tỉ mỉ. Không phải ngẫu nhiên, tiểu thuyết lại bắt đầu từ một mùa giáp hạt. Đối với nông dân, cái đói vẫn là vấn đề thời sự. Miếng ăn là ông giời. Cái làng có tiếng là bờ xôi, ruộng mật, hoá ra cũng đói vàng mắt. Từ cái đói ấy mà bao nhiêu cái ác sinh ra, Khắc Trường gọi cái ác là ma, ấy là theo quan niệm của ông ta, chứ nhân danh ma, tôi có thể nói ngay với các người rằng, ma không ác.

Người: Đấy không phải quan niệm riêng, của Khắc Trường. Tôi rất sợ những trang tả ma, ông có sợ không?

Ma: Tôi lại sợ những trang tả người. Quả là khủng khiếp. Con người thiên biến vạn hoá. Ma làm sao có khả năng thế. Khi họ làm ma thì ma cũng phải sợ. Họ truy bức nhau, trả thù nhau, trả thù đến mức đào cả mả bố nhau lên thì khiếp thật, Khắc Trường viết rất kĩ lưỡng. Mọi tình tiết đưa ra đều được chuẩn bị cẩn trọng và đẩy đến tận cùng, ông ta tả đám tang cụ cố Vũ Đình Đại rất tỉ mẩn, rất chi li, ấy là để chuẩn bị cho cái đám tang lão Quềnh, một người nông dân nghèo khổ, khi con ma keo kiệt xuất hiện ở người em ruột, ông lão bị chôn quấy chôn quá, chôn bó chiếu một cách rất thương tâm ở núi ông Bụt. Đoạn tả chuyện tình ái của lão Hàm cũng được ông ta gia công rất cẩn thận. Dưới con mắt ông ta, Hàm như con ngựa đực, và vốn là một thợ mộc, Hàm dùng hai ngón chân mình cặp chặt ngón chân vợ, rồi ghim xuống giường như bắt vít.

Người: Khi nghĩ được tình tiết này, Khắc Trường sướng lắm. Lão khoái trá kể với tôi. Rồi lão ngửa cái cổ rùa, cười hô hố. Tiếng cười nghe rất rợn. Tôi rùng mình quay lại. Mặt Khắc Trường nửa tối nửa sáng trong ánh nến hắt ra từ cái bàn nước. Con mắt lão sáng lấp lánh trong bóng tối. Quả thật, tôi không biết lão là người hay ma. Nhưng chắc chắn ý nghĩ ấy không phải là ý nghĩ ngườì. Chỉ có ma mới nghĩ thế...

Ma: Có một nhân vật đến ma cũng không nghĩ ra được. ấy là cô thống Biệu, một lão thầy cúng ở làng. Cả đời cô chỉ làm mỗi một việc trị ma, là người cai quản phần âm cho cả một vùng đất. Cô bảo đám thợ cày: Đừng tưởng đất này đã hết ma, Ma còn sinh đôi, sinh ba nữa cơ đấy?, Rồi cô nhớ hôm chia ruộng, chả ai chịu nhả miếng nào. Vợ chồng cũng thách nhau. Anh em ruột cũng đâm bổ vào nhau. Nhìn chẳng thấy người. Toàn là ma cả. Rồi ma dọạ người. Rồi người nát cả ma. Đến thế thì lão thầy cúng chịu rồi. Lão chỉ có khả năng trị được ma chết, chứ ma sống thì lão chịu. Bao nhiêu bùa ngải của lão đều hết phép. Khi con người đã hoá ma, và quyền lực nằm ở trong tay ma thì thật kinh khủng. Một người tốt bụng, đẹp đến như bà Son, cuối cùng cũng phải tìm đến cái chết để tự giải thoát. Và cả đến khi chết rồi, bà cũng đâu đã thoát. Những con ma sống còn lấy cả cái chết của bà làm vũ khí dồn đuổi nhau, sát phạt nhau. Đến thế thì chẳng thầy phù thuỷ nào trị được. Cô thống Biệu phải giải nghệ, phải liệng hết các bát hương xuống sông. Mỗi bát hương là một vị thần. Các ngài sinh ra từ đất thì bây giờ lại phải trở về với đất các ngài đi trước, rồi đồ đệ ngài theo sau, Cô thống Biệu trút hơi thở cuối cùng khi người ta đang chia đất, ma nổi đầy đồng. Toàn những con ma sống mà không bùa nào trị được.

Người: Có người bảo: Khi bà Son chết là hết chuyện. Lẽ ra Khắc Trường nên kết thúc cuốn tiểu thuyết ngay sau cái chết của bà Son.

Ma: Nếu thế, thì cái truyện chỉ là chuyện tình ái thông thường. Khắc Trường đâu có viết về chuyện ấy, ông ta quan tâm đến những vấn đề lớn hơn, cấp thiết hơn: Vấn đề ấy lại lặn vào cốt truyện, vào nhân vật và số phận nhân vật, Khắc Trường có nhiều đoạn tả cảnh rất đặc sắc. Như đoạn tả vầng trăng ma quái bơi trong sương mù ở trên lều lão Quềnh, đoạn cô Đào đi trong đêm giữa hai cánh lúa. Những con cào cào thấy động, bay táp vào mặt cô, với những cái chân ram ráp hôi nồng mùi cỏ non sau mưa. Nếu không am hiểu làng quê, Khắc Trường khó mà viết được những trang sinh động như vậy. Tất nhiên, đây chỉ là những chi tiết rất nhỏ, nhưng chính vì thế mà nó rất quan trọng. Có khi những chi tiết nhỏ, lại làm, nên tác phẩm lớn, nhà văn lớn

Người: Bởi thế, trong tình trạng khủng hoảng của tiểu thuyết hiện nay, Khắc Trường là cây bút được bạn đọc trông đợi.

Ma: Tôi thì chẳng chờ đợi gì ở ông ta cả, Khắc Trường không viết nữa.

Người: Nói lạ. Lão đang thai nghén một cuốn tiểu thuyết mới. Cuốn sách hấp dần lắm. Đầy bất ngờ. Chính lão kể với tôi...

Ma: Bịa đấy, ông ấy không viết nữa đâu!

Người: Tại sao ông nói thế?

Ma: Vì Khắc Trường rất lười. Thêm nữa, ông ấy quá thoả mãn với cuốn sách của mình. Khắc Trường đánh lên một tiếng trống. Tiếng trống nổ uỳnh như một phát súng cối. Thế rồi, thay cho việc đánh tiếp, ông ta quăng dùi và chui luôn vào ngõi chồm chỗm ở trong trống. Bây giờ thì trong tai ông ấy chỉ u u âm âm cái tiếng trống ông ấy đã đánh từ mười năm trước, ông ấy chẳng còn nghe thấy gì khác ngoài âm vang của chính mình...

Người: Ông chẳng hiểu gì Khắc Trường cả! Xin hãy bình tâm chờ đợi...

Ma: Vậy thì ông cứ ngồi mà chờ đợi, Còn tôi thì tôi đi ngay đây! (Lặn hút vào sương mù).

* *

Cuộc trò chuyện vẫn còn dang dở, nhưng đã được ghi lại chính xác. Tôi không nhớ rành rọt nó diễn ra ở đâu, trong thời gian nào. Hình như vào một đêm thượng tuần lãng đãng khói sương, bên hồ sen, trước một ngôi đình đã tàn úa ở một làng trung du. Chẳng hiểu vì lẽ gì, tôi đã ra đấy và... gặp ma. Chẳng có cái gì mà ma không biết. Tất nhiên, tôi chả dại mà tin tât cả những gì ma nói.

Nhưng ở đời, ngay một điều sai, ta hãy lắng nghe, sẽ nhận ra ở trong ấy có ít nhiều sự thật, mà sự thật thì bao giờ cũng quý, và... chẳng dễ lọt tai người. Hơn nữa, trong văn học cũng như trong khoa học, không bao giờ có tiếng nói cuối cùng. Nhưng thôi, băn khoăn về điều ấy mà làm gì.

THờI GIAN Sẽ ĐịNh đoạT HếT THảY. Riêng điều ấy thì tôi tin, ma đã nói rất đúng.

Hà Nội, tháng 7, 1998
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved