Home » » BÍ MẬT MỘT CHIẾN DỊCH PHẢN GIÁN - PHẦN 3

BÍ MẬT MỘT CHIẾN DỊCH PHẢN GIÁN - PHẦN 3

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012 | 22:22

Chỉ trong vòng một ngày, ta tóm gọn toán gián điệp biệt kích xâm nhập đêm 15/5/1981. Toàn bộ toán “Minh Vương 2” sa lưới, riêng toán trưởng Nguyễn Văn Thanh bị bắn chết. Tiếp đó, lực lượng của ta tiến ra bờ biển thu giữ toàn bộ 3,5 tấn vũ khí. Đến khoảng 3 giờ chiều 17/5/1981 thì vớt được hết và đưa toàn bộ về đến Công an huyện.
Đ/c Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm và đ/c Nguyễn Phước Tân có mặt tại Cà Mau chỉ đạo kế hoạch CM-12
Ngày 27/1/1981, tại phòng họp lớn của Văn phòng Bộ Nội vụ ở phía Nam, có một cuộc họp rất quan trọng để bàn chủ trương, phương hướng, biện pháp đấu tranh và lề lối làm việc trong vụ án gián điệp biệt kích mới xảy ra. Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng dự họp nhưng giao nhiệm vụ chủ trì cho đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm.
Đồng chí Phạm Hùng đã từng là Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này là Phó chủ tịch HĐBT, Chủ tịch HĐBT – Thủ tướng), khi vào miền Nam công tác là Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng đồng chí Phạm Hùng đã nhạy cảm nhận thấy đây là một vụ án có tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia. Chính sự chỉ đạo sát sao và việc đồng chí trực tiếp vào TP HCM để chỉ đạo đấu tranh vụ án này đã góp phần quyết định bước mở đầu đúng hướng của kế hoạch đấu tranh.
Dự cuộc họp quan trọng này gồm các đồng chí lãnh đạo Công an TP HCM, Công an một số tỉnh ở Nam Bộ và một số Cục nghiệp vụ.
Không khí của cuộc họp rất khẩn trương. Đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm trình bày tóm tắt diễn biến chính của vụ án, rút ra âm mưu, tính chất hoạt động của địch và phát biểu ý kiến chỉ đạo về phương hướng đấu tranh với chủ trương nghiên cứu đánh lại địch.
Sau đó, đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng phát biểu ý kiến đánh giá những kết quả bước đầu và thông báo tình hình chính trị, an ninh và những yêu cầu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.
Nói về vụ lực lượng của Lê Quốc Túy – Mai Văn Hạnh xâm nhập Việt Nam, đồng chí Bộ trưởng nhận định:
- Đây là một toán biệt kích hoạt động táo bạo, có nhiệm vụ móc nối cơ sở, xây dựng căn cứ, gây tiếng vang chính trị. Vụ này rất nghiêm trọng, chúng xâm nhập vào nội địa ta bằng lực lượng vũ trang. Nếu trót lọt chúng sẽ còn những toán khác tiếp theo. Ta làm triệt để, ngăn được một toán đầu tiên mà còn phá được âm mưu của chúng. Tuy nhiên, ta cũng cần xem lại âm mưu và hoạt động tiếp theo của chúng.
Đồng chí Phạm Hùng nêu chủ trương của ta là: Đối phó phải toàn diện, trung ương phối hợp với địa phương, thống nhất hành động, truy quét và khai thác… Vụ này nằm trong âm mưu chung của địch, nên công tác đấu tranh của ta cũng phải thống nhất chỉ huy. Tất cả tin tức phải báo cáo về Bộ (tại TP HCM), không báo cáo nhiều nơi. Tất cả tài liệu báo cáo về Bộ phải tập trung vào anh Sáu Hoàng (đồng chí Cao Đăng Chiếm). Không được điện báo lung tung, không được dùng điện thoại. Tất cả tài liệu đều phải tập trung vào một đầu mối. Khi khai thác có những việc cần trao đổi, nếu khẩn trương lắm thì được phép trao đổi thẳng. Phải khẩn trương, không được làm theo lối hành chính.
Sau cuộc họp ngày 27/1/1981 do Bộ trưởng Phạm Hùng và Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm chủ trì, Công an các địa phương và các Cục nghiệp vụ ở phía Nam nhanh chóng triển khai chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Chỉ sau một thời gian ngắn, với tinh thần cảnh giác cao và được sự giúp đỡ của nhân dân các địa phương, chúng ta đã bắt gọn cả toán gián điệp biệt kích do tên Lê Hồng Dự cầm đầu xâm nhập.
Trên cơ sở kết quả khai thác bọn xâm nhập, tổng hợp các nguồn tin, lãnh đạo Bộ phán đoán địch sẽ tiếp tục tổ chức xâm nhập bằng đường biển. Vấn đề là chúng ta chưa biết đích xác địch sẽ xâm nhập vào thời gian nào, khu vực bờ biển tỉnh nào. Do đó, Công an các tỉnh ven biển từ Khánh Hòa đến Kiên Giang đều phải triển khai các phương án sẵn sàng đón bắt bọn xâm nhập.
Thế trận của ta được bố trí chặt chẽ, liên hoàn.
Lại nói về phía địch.
Sau khi tung toán “Minh Vương 1” xâm nhập Việt Nam không thành, Lê Quốc Túy quyết định tung toán “Minh Vương 2” xâm nhập Việt Nam bằng đường biển, tiếp tục thực hiện ý đồ tung quân vào rừng U Minh, xây dựng “căn cứ” và tăng cường hoạt động ở thành phố. Kế hoạch này hình thành trong đầu của Túy. Ý đồ của Lê Quốc Túy là sẽ đưa vào Việt Nam 10 tấn vũ khí và chiến cụ cùng với một toán quân nhằm mục đích trước mắt là thành lập “mật khu kháng chiến”. Để thực hiện kế hoạch có tên là “Chiến dịch Hồng Kông 1”, Lê Quốc Túy nhờ nước ngoài tạo điều kiện về chỗ neo đậu và cấp các thủ tục giấy tờ cho quân của Túy hoạt động.
Được T.V.V (K12) giới thiệu K64 là người Cà Mau, am hiểu vùng này và có thể lập kế hoạch xâm nhập được, cho nên Túy cho điều K64 từ “Mật cứ Tự Thắng” về trung tâm.
K64 là một người khá nhạy cảm, anh đoán được ý đồ của Túy và Hạnh là muốn đưa vũ khí và quân xâm nhập bằng đường biển nhưng chưa biết đưa vào vùng nào. Vì muốn thoát khỏi cái “án tử hình” treo lơ lửng do bị nghi là cộng sản, K64 chủ động gợi ý với Mai Văn Hạnh nên tổ chức xâm nhập vùng Cà Mau và nói thêm là muốn xâm nhập thì phải có người địa phương quen thuộc vùng này. Trong toán “Minh Vương 2” có hai người cùng quê với K64 là K59 và K61. Buổi chiều hôm đó, Mai Văn Hạnh cùng nhóm này bàn kế hoạch xâm nhập vùng biển.
Nhiệm vụ của toán “Minh Vương 2” là xây dựng cơ sở và phát triển lực lượng ở trong nước theo kế hoạch “Hồng Kông 1”. Chúng được giao những nhiệm vụ cụ thể là sau khi đã xâm nhập Việt Nam thì tổ chức tiếp nhận người và vũ khí từ nước ngoài chuyển về các chuyến sau, đưa khối lượng vũ khí đó về các địa bàn hoạt động. Toán này còn có nhiệm vụ tổ chức phá hoại, ám sát cán bộ ở các mục tiêu: trụ sở các cơ quan của đảng, chính quyền, công an, bộ đội, nhất là Tổng lãnh sự quán Liên Xô tại TP HCM, các cơ sở công nghiệp, điện, nước, kho xăng Nhà Bè, cầu cống, các trại cải tạo… Chúng dự kiến sẽ dùng tiền thuê bọn bụi đời, bọn tù được thả về, ngụy quân ngụy quyền cũ; giao vũ khí, mìn để bọn này làm những việc phá hoại
Toán “Minh Vương 2” do Nguyễn Văn Thanh mang ám danh “K44” làm toán trưởng. Hắn là một sĩ quan quân đội Sài Gòn trốn cải tạo. Chịu trách nhiệm “chỉ huy trưởng” toán “Minh Vương 2”, Thanh có nhiệm vụ liên lạc và giữ liên lạc với những “giới chức” trong nước, giới thiệu những “giới chức” đó với những “cán bộ” mà “trung ương” phái về. Ngoài ra, hắn còn được Túy giao những nhiệm vụ đặc biệt, những “tín vật”, ám hiệu để bắt liên lạc với các cơ sở của Túy ở Sài Gòn, kể cả nơi nhận tài liệu theo một đường dây chuyển ngân đen ở số nhà X đường Hoàng Phố, quận 8, TP HCM. Vai trò của tên Thanh rất quan trọng…
Ngày 12/5/1981, chiếc tàu của bọn Túy – Hạnh chở 16 tên gián điệp biệt kích khởi hành từ R đi xâm nhập Việt Nam. Cùng đi có một chiếc tàu hải quân nước ngoài hộ tống. Khi đến hải phận quốc tế, K12 chuyển sang tàu nước ngoài và quay trở về. Chúng dự định đổ bộ vào vàm sông Ông Đốc – vùng quê của K64.
Trong một phiên liên lạc, Lê Quốc Túy từ trung tâm ra lệnh cho Nguyễn Văn Thanh thủ tiêu HK121 và HK125 vì nghi là cộng sản. Tên Nguyễn Văn Thanh thi hành mệnh lệnh ngay và hất xác hai người này xuống biển. Sau đó, chúng cho tàu xâm nhập vùng biển Cà Mau.
Nhưng chúng không biết rằng, thế trận an ninh nhân dân của ta đã được triển khai.
* * *
Ngày 14/5/1981, Cơ quan trinh sát kỹ thuật phát hiện một tàu lạ ở hải phận Việt Nam và nhận định: bọn Lê Quốc Túy đã tổ chức xâm nhập bằng đường biển. Kết quả phát hiện có tính chất mở màn này lập tức được báo cáo lên Bộ Nội vụ và Ban chuyên án.
Lúc này đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng đang ở TP HCM. Đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm rất phấn khởi báo cáo với Bộ trưởng và nhanh chóng chỉ thị cho các lực lượng An ninh triển khai ở vùng biển Minh Hải – Kiên Giang. Nguồn tin kỹ thuật đã giúp Ban chuyên án không chỉ đạo dàn trải quân dọc biên giới nữa mà tập trung phía biển Kiên Giang – Cà Mau và khẳng định lần này chúng xâm nhập bằng đường biển.
Suốt dọc bờ biển từ Hà Tiên đến Cà Mau dài 350km đã được canh phòng chặt chẽ. Mạng lưới cảnh giác đã giăng kín.
* * *
Biệt kích bị bắt sau khi xâm nhập Việt Nam.
Đúng 21 giờ ngày 15/5/1981, chiếc tàu của bọn gián điệp biệt kích cập bờ biển khu vực Bãi Ghe gần vàm sông Ông Đốc (Minh Hải). Bọn gián điệp biệt kích được lệnh lên bờ. Chúng lục đục xuống tàu, lội bì bõm. Chúng nặng nề đi theo hướng tây, tính vượt đầm lầy vào U Minh.
Biệt kích bị bắt sau khi xâm nhập Việt Nam.
Trời đã dần dần sáng rõ. Thấy tình thế không ổn, Nguyễn Văn Thanh ra lệnh phân tán theo từng nhóm và hẹn nơi tập kết. Mạnh tên nào tên nấy tìm nơi ẩn nấp.
K64 đã tính toán một nước cờ mà chỉ riêng một mình anh biết, không hề nói cho ai. Anh quyết định sẽ ra đầu thú lập công chuộc tội và mong muốn được trở về với vợ con, gia đình. Và thế là K64 ra đầu thú tại Cơ quan Công an huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải. Trước Cơ quan An ninh, anh đã thành khẩn thú nhận mọi tội lỗi của mình và đồng bọn, khai rõ mục đích ý đồ của “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Nam Việt Nam…”.
Chỉ trong vòng một ngày sau, ta đã tóm gọn toán gián điệp biệt kích xâm nhập đêm 15/5/1981. Toàn bộ toán “Minh Vương 2” bị sa lưới, riêng toán trưởng Nguyễn Văn Thanh bị bắn chết.
Sau đó, lực lượng của ta tiếp tục ra bờ biển thu giữ toàn bộ 3,5 tấn vũ khí. Đến khoảng 3 giờ chiều 17/5/1981 thì vớt được hết và đưa toàn bộ về đến Công an huyện.
Vào đêm 16/5, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm gọi điện thoại cho đồng chí Nguyễn Phước Tân và yêu cầu đến nhà riêng ngay vào lúc nửa đêm. Đồng chí Cao Đăng Chiếm nói:
- Minh Hải vừa báo cáo có bọn xâm nhập. Đúng là của đám Túy – Hạnh, có mang theo vũ khí, điện đài. Có một số tên ra đầu thú. Ta đã bắt được tất cả. Tôi cử Hai Tân xuống Minh Hải thực hiện kế hoạch “tương kế tựu kế”, dùng địch đánh lại địch.
Đồng chí Cao Đăng Chiếm chỉ nói ngắn như vậy. Đồng chí Nguyễn Phước Tân hiểu đó là mệnh lệnh.
Khoảng 2 giờ sáng, đồng chí Nguyễn Phước Tân cùng đồng chí Thi Văn Tám, lúc đó là cán bộ của Tổ An ninh cùng đi. Nhận được chỉ thị của đồng chí Cao Đăng Chiếm, Cơ quan trinh sát kỹ thuật cũng cử cán bộ đi Minh Hải ngay sáng hôm đó.
Đồng chí Nguyễn Phước Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, năm 1986 được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là một cán bộ an ninh lão luyện, dày dạn kinh nghiệm đấu tranh với địch. Ông sinh năm 1930, quê ở Đồng Tháp. Tham gia hoạt động cách mạng từ thời thanh niên, ông được lãnh đạo An ninh khu Tây Nam bộ điều động về làm nhiệm vụ tổ chức và chỉ huy công tác điệp báo từ năm 1959.
Năm 1968, ông được Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam rút lên tổ chức và chỉ đạo một mạng lưới điệp báo an ninh ở ngay trung tâm Sài Gòn. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ sau tết Mậu Thân 1968, đồng chí Nguyễn Phước Tân là người chỉ huy trực tiếp của cố Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Ngọc, một cán bộ tình báo hoạt động trong lòng địch, sau này là Thiếu tướng Công an. Trong kế hoạch CM-12, đồng chí Nguyễn Phước Tân được lãnh đạo Bộ Nội vụ giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác đấu tranh với địch.
Ngày 22/5/1981 tại TP HCM, đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm chủ trì cuộc họp để quyết định kế hoạch này. Dự cuộc họp có các đồng chí Nguyễn Phước Tân, Lê Tiền và Hồ Khiết. Tại cuộc họp này, chuyên án CM-12 chính thức được quyết định mở màn. Hai chữ cái CM lấy hai chữ cái đầu của Cà Mau, còn 12 là ngày xuất phát của toán gián điệp biệt kích là 12/5/1981.
Ngày 23/5/1981, đồng chí Cao Đăng Chiếm xuống Cà Mau để chỉ đạo công việc. Địa điểm điện đài của “Tổ đặc biệt” được bố trí tại một căn nhà dành cho cán bộ công an của trại giam Rạch Ruộng. Căn nhà lá này nằm ở bìa trại. Một căn nhà khác được dành cho đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm làm việc và nghỉ ngơi cách đó chừng 10 mét (còn tiếp))
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved