Home » » BÍ MẬT MỘT CHIẾN DỊCH PHẢN GIÁN - PHẦN 2

BÍ MẬT MỘT CHIẾN DỊCH PHẢN GIÁN - PHẦN 2

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012 | 22:23

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Các thế lực đế quốc xâm lược và tay sai thất bại thảm hại. Nhưng Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh vẫn không chịu nhìn nhận ra mà lại nảy ra một kế hoạch riêng. Đó chính là âm mưu tiến hành một cuộc “kháng chiến” để “giải phóng” miền Nam.
Lúc nhỏ Lê Quốc Túy được bố mẹ cho đi học tại Trường tiểu học Hồng Ngự, sau đó sang học tại An Giang. Học xong tiểu học, Túy lên Sài Gòn học trung học tại Trường Pétrus Ký. Năm 1950, thi đậu tú tài 1. Năm 1953, trượt tú tài 2.
Tháng 7/1953, Túy tình nguyện gia nhập không quân Pháp. Khoảng một năm sau Túy được đưa đi đào tạo lớp phi công ở căn cứ 707 tại Marrakech (Maroc). Lúc đó Maroc là thuộc địa của Pháp. Một năm sau, Túy được chuyển về học tại căn cứ 702 của không quân Pháp ở Avord thuộc tỉnh Bourges.
Tháng 2/1956, Lê Quốc Túy trở về Việt Nam và phục vụ tại Đệ nhất Phi đoàn Vận tải số 3 Tân Sơn Nhất. Tháng 5/1958, Túy giải ngũ và sau đó xin làm huấn luyện viên phi công cho Nha Hàng không dân sự. Vốn có bản tính thích tự do và chơi bời, Túy đã bị truy nã và bị truy tố trước Tòa án binh quân đội Sài Gòn về tội đào ngũ nhưng lại được tha bổng. Trong phiếu cá nhân của Túy khi giải ngũ đã bị chỉ huy đơn vị của y ghi: “Kém về kỷ luật, tầm thường về chuyên môn, ham thích đời sống của Pháp hơn là Việt Nam, cho giải ngũ sớm vì không cần thiết cho quân đội Việt Nam Cộng hòa”.
Cuối năm 1958, Lê Quốc Túy cùng vợ và hai con xuất cảnh sang Pháp. Đến tháng 7/1961, Lê Quốc Túy xin nhập quốc tịch Pháp và ở luôn bên đó. Sau đó Túy có học thêm đại học và tốt nghiệp kỹ sư hóa học tại Paris.
Khoảng cuối năm 1963, Túy sang Phnôm Pênh làm đại diện cho một cơ quan của Liên Hiệp Quốc. Đến năm 1966 thì trở lại Pháp. Trong thời gian ở Phnôm Pênh, Lê Quốc Túy đã có dịp gặp và làm quen với cha con Hồ Tấn Khoa, Bảo đạo Cao Đài Tây Ninh đang chạy nạn do chính quyền Ngô Đình Diệm o ép.
Từ đầu năm 1967, Túy làm giám đốc cho Hãng LUSTUCRU chuyên sản xuất bìa cáctông do Trần Văn Hữu làm chủ.
Đầu năm 1975, Túy về miền Nam Việt Nam hai lần: một lần đầu tháng 3 và một lần vào tháng 4 và sau đó bị kẹt lại vì miền Nam đã được giải phóng. Đến tháng 7/1975, ta cho Túy xuất cảnh trở lại Pháp vì y mang quốc tịch Pháp.
Còn Mai Văn Hạnh (bọn chúng thường gọi là Năm Hạnh hay chú Năm), sinh năm 1928, quê quán ở Hà Nội. Mai Văn Hạnh xuất thân trong một gia đình công chức thời Pháp thuộc. Lớn lên, Hạnh gia nhập lực lượng hải quân của quân đội Sài Gòn và đã được mang lon trung úy.
Mai Văn Hạnh là người có cá tính mạnh nhưng lại biết kiềm chế. Do bất mãn với chế độ Sài Gòn, Hạnh sang Pháp, lấy vợ Pháp, nhập quốc tịch Pháp và đi học nghề lái máy bay. Vợ của Mai Văn Hạnh là Mary Vone Dagorne nhưng đã ly dị vào năm 1976, kịp có với nhau 3 con: một trai, hai gái.
Sau khi học nghề lái máy bay, Mai Văn Hạnh làm phi công cho Hãng Hàng không AirFrance của Pháp trong nhiều năm. Hạnh quen biết Túy trong thời gian học lái máy bay tại Avoir. Năm 1972, lúc đang làm cho Hãng Hàng không AirFrance tại Algeria, trong một lần về thăm gia đình và ăn tết tại Paris, Mai Văn Hạnh đến chúc tết Trần Văn Hữu, cựu Thủ tướng chế độ Sài Gòn thời Bảo Đại làm “Quốc trưởng”.
Tại đây, Hạnh gặp lại Lê Quốc Túy sau 16 năm xa nhau. Lê Quốc Túy cho Hạnh biết là y đang làm việc cho nhóm Trần Văn Hữu với ý đồ tiến tới thành lập “Chính phủ hòa hợp, hòa giải dân tộc”. Năm 1973, Lê Quốc Túy sang Algeria tìm gặp Mai Văn Hạnh và mời Hạnh đến mùa hè 1974 sang Paris để đưa vợ chồng Trần Văn Hữu đi “du lịch” ở Nhật Bản. Hạnh đã nhận lời. Tuy nhiên, ý định của Trần Văn Hữu không thành. Mai Văn Hạnh biết điều đó nhưng vẫn ham làm chính trị và cộng tác với Trần Văn Hữu và Lê Quốc Túy trong một âm mưu đen tối.
Qua công tác khai thác hồ sơ, công tác trinh sát và khai thác một số tên ta đã bắt như Lê Chơn Tình, N.V.M… chúng ta đã nắm được âm mưu và quá trình hoạt động của chúng trong thời kỳ đầu năm 1975.
Khi cục diện của cuộc chiến tranh Việt Nam đầu năm 1975 xuất hiện một tình thế mà các lực lượng thân Pháp, trong đó có Trần Văn Hữu thấy có thể chen chân vào chính trường Sài Gòn, thậm chí nhảy ra cầm quyền. Lê Quốc Túy muốn tận dụng cơ hội này để kiếm một chức vụ trong chính quyền Sài Gòn và sau đó có thể thực hiện ý đồ leo lên đến chức vụ cao hơn. Vào ngày 5/3/1975, Lê Quốc Túy bay về Sài Gòn với bức thư của Trần Văn Hữu gửi cho Nguyễn Văn Thiệu. Bức thư đề ngày 28/2/1975 có đoạn:
“… Chưa đặng tiện về xứ, tôi giao cho bạn Lê Quốc Túy đặc phái đến trình với Tổng thống ý kiến của chúng tôi về phương cách đem lại hòa bình và hạnh phúc cho dân tộc. Tôi rất mong đây là một bước đầu để cùng nhau tiếp tục củng cố quyền lợi tối cao của nước nhà”.
Ý đồ thực của Trần Văn Hữu là lợi dụng quy định của Hiệp định Paris, ông ta vận động Nguyễn Văn Thiệu chọn phương án thành lập một chính quyền liên hiệp trong đó “lực lượng thứ ba” đóng vai trò chủ yếu. Theo cách giải thích của Túy thì “lực lượng thứ ba” không phải do Trần Ngọc Liễng ở Sài Gòn đứng đầu. Có lần Túy kể lại với đám tay chân rằng, vì Nguyễn Văn Thiệu dây dưa chứ nếu chấp nhận kế hoạch của Trần Văn Hữu thì y đã trở thành “phó tổng thống” rồi.
Về đến Sài Gòn, Túy tìm cách tới dinh Độc lập để xin gặp Nguyễn Văn Thiệu. Tuy nhiên, vào thời điểm này, Nguyễn Văn Thiệu vẫn chưa chịu rời bỏ chức vụ và đang cố bấu víu vào quan thầy Mỹ để tiếp tục duy trì quyền lực, chờ thời cơ phản công. Nguyễn Văn Thiệu tiếp Lê Quốc Túy một cách xã giao, không mặn mà gì.
Vài ngày sau, Lê Quốc Túy bay trở về Pháp báo cáo lại tình hình không mấy khả quan cho Trần Văn Hữu.
Trong khi đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền Nam-Bắc đang chuẩn bị cho một cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Trận đánh bất ngờ, táo bạo vào thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đã gây choáng váng cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Quân ngụy rút chạy khỏi Tây Nguyên…
Trước những tin tức nóng bỏng từ miền Nam Việt Nam, Trần Văn Hữu và Lê Quốc Túy ở Paris hết sức sốt ruột. Trần Văn Hữu vẫn còn hy vọng về một giải pháp tình thế là thành lập chính phủ liên hiệp như Hiệp định Paris và ông ta có thể về tham chính vào những năm tháng cuối đời của mình. Trần Văn Hữu gọi Lê Quốc Túy đến và lại giao cho Túy về Sài Gòn một lần nữa. Lần này, Trần Văn Hữu cũng viết một bức thư gửi cho Nguyễn Văn Thiệu. Nội dung bức thư như sau:
“Trước tình hình nghiêm trọng tôi đến yêu cầu Tổng thống giữ vững tinh thần, đối phó tận lực với hoàn cảnh khó khăn.
Phần chúng tôi, lúc này hơn lúc nào khác, chúng tôi tận tâm hoạt động đem cho nước nhà cả phương tiện lập lại hòa bình cho dân chúng.
Bạn Lê Quốc Túy sẽ trình Tổng thống chương trình của chúng tôi để xin ý kiến của Tổng thống.
Chúng tôi chắc rằng các nước bạn miền Nam sẽ giúp đỡ Tổng thống đem lại an ninh cho nước nhà…”.
Lần này về đến Sài Gòn, Lê Quốc Túy xin gặp Nguyễn Văn Thiệu ngay. Trong tình thế nguy cấp trên mặt trận, Nguyễn Văn Thiệu không còn bụng dạ nào nghĩ đến chuyện quốc gia đại sự nữa mà tìm kế thoát thân. Mặc dù Túy đã cố thuyết phục Thiệu ủng hộ giải pháp của Trần Văn Hữu đưa ra nhưng Thiệu khôn khéo từ chối. Điều này được thể hiện trong bức thư trả lời Trần Văn Hữu đề ngày 3/4/1975:
“Tôi rất cảm kích nhận được hai thư cụ gửi khích lệ tôi trong trách vụ lãnh đạo nhân dân miền Nam… Và cũng sau hai lần được ông T đặc phái viên của cụ trình bày rõ ràng lập trường của cụ và các nỗ lực mà cụ đã góp phần vào việc nước, tôi chân thành ngưỡng mộ lòng ái quốc của cụ…”.
Thấy Lê Quốc Túy không trở lại Paris và cũng không báo cáo tin tức gì, Trần Văn Hữu cho gọi Mai Văn Hạnh từ Maroc sang Paris và giao cho Hạnh nhiệm vụ về Sài Gòn thúc đẩy và giúp Túy thực hiện kế hoạch “cứu vãn tình thế”.
Về đến Sài Gòn, Mai Văn Hạnh liên lạc được với Lê Quốc Túy ngay và cùng đến ở với Túy tại khách sạn Palace trên đường Nguyễn Huệ. Túy cho Hạnh biết là kế hoạch bất thành vì Thiệu không ủng hộ phương án của Trần Văn Hữu. Không những kế hoạch cứu vãn tình thế của Trần Văn Hữu không thành mà chính Nguyễn Văn Thiệu cũng phải cuốn gói ra đi ít ngày sau đó.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của toàn quân và toàn dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Các thế lực đế quốc xâm lược và tay sai đã thất bại thảm hại.
Vào trưa ngày 30/4/1975, Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy vẫn ở Sài Gòn. Túy và Hạnh nghỉ tại khách sạn Palace, đứng trên ban công khách sạn, Mai Văn Hạnh nhìn xuống đường Nguyễn Huệ lòng xốn xang, nửa buồn, nửa chưng hửng. Và trong những ngày này, Túy và Hạnh giải khuây bằng nhảy nhót, uống rượu với các cô cave Sài Gòn là A.Đ. và C.T.
Nhưng Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh vẫn chưa nhận ra được thực tế mới của quê hương và nảy ra một kế hoạch riêng. Đó chính là âm mưu tiến hành một cuộc “kháng chiến” để “giải phóng” miền Nam. Trong thời gian bị kẹt lại ở Sài Gòn, Túy cho người quen gọi Lê Chơn Tình từ Châu Đốc lên bàn tính kế hoạch xây dựng căn cứ ở Bảy Núi, tính kế lâu dài. Đồng thời, Lê Quốc Túy cũng cho người bắt liên lạc với Hồ Tấn Khoa là Bảo đạo Cao Đài ở Tây Ninh, thống nhất quy ước liên lạc. Một bạn thân khác của Mai Văn Hạnh là Huỳnh Vĩnh Sanh ở Sài Gòn cũng được Túy, Hạnh mời đến để bàn tính âm mưu đen tối. Tất nhiên, em trai của Túy là Lê Quốc Quân cũng được Túy giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng ở trong nước, chờ ngày hành động…
Qua tài liệu khai thác, kết hợp với công tác trinh sát xác minh, cơ quan an ninh đã xác định: Lê Chơn Tình, nguyên thiếu tá, đã từng là dân biểu Hạ viện chính quyền Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Châu Đốc của chính quyền cũ. Bọn xâm nhập khai rằng Lê Chơn Tình được Túy phong cho là “chủ tịch” của “mặt trận…” ở “quốc nội”. Cậu Hai tức tên T.V.N., nguyên là đại úy chế độ cũ, đã học tập cải tạo về.
Sau khi móc nối, xây dựng được một số cơ sở ở nước ngoài, Túy và Hạnh thực hiện kế hoạch tuyển mộ lực lượng chủ yếu là người Việt vượt biên hiện đang phải sống trong các trại tị nạn mà chưa được phép đi sinh sống ở các nước thứ ba. Bắt chước theo một câu chuyện truyền thuyết trong lịch sử nước Pháp, Lê Quốc Túy có ý định chọn 100 thanh niên Việt Nam lưu vong tập hợp, huấn luyện thành những “hạt giống” đầu tiên của cái gọi là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do y lập ra để quay về “giải phóng Tổ quốc”.
Những “hạt giống” này Túy gọi là những “Kinh Kha” – nhân vật trong lịch sử của Trung Hoa. Để giữ bí mật tung tích và hoạt động của đám này, Lê Quốc Túy lấy chữ K. (viết tắt chữ cái đầu của từ Kinh Kha) làm “ám danh” và cộng thêm số thứ tự của từng tên gián điệp biệt kích. Số 100 tên đầu tiên của “tổ chức”, Túy đều đặt “ám danh”. Có lẽ Túy dành 8 “ám danh” đầu từ K01 đến K08 là cho những kẻ cầm đầu của tổ chức này; bởi vì chúng ta chỉ thấy các “ám danh” từ K09 trở đi. Lê Quốc Túy cũng mê tín nên không lấy các con số chẵn chục, tức là số “bù” thường bị những người mê tín coi là số “xui”, nghĩa là không may mắn, đặt cho những “Kinh Kha” của y.
Vào đầu năm 1980, Túy mở khóa huấn luyện đầu tiên gọi là “Minh Vương 1”. Khóa “Minh Vương 1” có 28 tên, kể cả Trần Văn Bá (K09) và Françoi Hân được Túy dụ từ Pháp đưa sang S. Thành phần của số “Kinh Kha” đầu tiên này của Túy phần lớn là số binh lính chế độ cũ trong đó có một số tên sĩ quan cấp úy. Cũng có một số học sinh, hoặc thanh niên nông thôn vì ham cuộc sống giàu sang ở nước ngoài mà vượt biên.
Vốn có tính độc đoán và liều lĩnh, Lê Quốc Túy vẫn nhất quyết tung toán “Minh Vương 1” về nước bằng đường bộ qua đất Campuchia và nhờ những tên Khmer Đỏ dẫn đường. Nhưng điều chủ yếu là Túy sợ mất mặt với một bộ phận trong giới cầm quyền nước sở tại, Khmer Đỏ và cả với các thế lực phản động quốc tế hậu thuẫn cho Túy lúc đó.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved