Home » » Vụ Án Thơ Cũ - Thơ Mới- P9

Vụ Án Thơ Cũ - Thơ Mới- P9

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012 | 00:44


Thiết Diện tỏ ác cảm đối với thơ mới 

Cùng một quan điểm như Tùng Lâm, Thiết Diện bày tỏ thái độ ác cảm của ông đối với thơ mới ở bài :" Quan niệm của tôi đối với thơ mới "
(V.H.T.S. số 8, tháng 8 năm 1935). Trong bài này Thiết Diện cực lực chê trách thơ mới, coi nó chỉ là thứ đồ rác rưởi, trò múa máy quay cuồng của bọn người ngu dốt, nào có khác gì bọn du đãng mặc áo rằn ri, bọn lẳng lơ đi giầy cao gót.
Theo ông đã gọi là thơ mới thì phải mới như thơ của Hồ Thích bên Tàu, chứ đàng này thơ mới Việt Nam, chỉ mới có mỗi một cái là bỏ niêm luật, còn tất cả đều cũ, đều xưa. Cái cũ và xưa ấy là cách dùng chữ, cách chọn đề tài, nhất là cái tinh thần từ chương, bạc nhược, thua trận, thiếu hẳn tinh thần bình dân, xa cái đại chúng vô sản lam lũ." Trong vũ trụ này, không có gì là không thay đổi ! Trái đất này vẫn xoay, thì tư tưởng người ta vẫn tiến ! Chúng tôi có lý nào không biết đến lẽ tuần tự tiến hoá mà lại đi nhận rằng thi phải ở trong khuôn mẫu chật hẹp của luật Đường và chỉ có thi nào ở trong khuôn mẫu ấy mới gọi là thi.
" Nhưng muốn làm một nhà thi chân chánh trong phái mới, thì ít ra cũng phải biết thi là gì đã, và cũng phải biết qua những luật Đường, làm được một bài thi cổ, dầu không hay cũng phải đúng với thi pháp. Như thế, nghĩa là tôi muốn nói nhà thi sĩ, phải có một cái khiếu về thi, phải có một cái học chắc chắn, chớ chẳng phải cóp nhặt năm bảy câu vô ý thức làm thành một bài vô nghĩa lý mà đã lên mặt thi hào đâu !
" Một ông bạn già của tôi thường hay nói :" Thời hư quỉ lộng, bọn ranh con thường hay cho mình hủ lậu, nhưng cái mới của chúng chỉ mới ở hình thức, mà mới một cách lố lăng theo cái kiểu áo rằn ri không khỏi đầu gối, và đôi giầy cao gót cao gần một tấc tây :
" Tôi hiểu ông bạn ấy lắm. Theo ông bạn, thì dầu mới dầu cũ, cũng đều có khuôn phép cả, nếu không thì 20 triệu người ý muốn của mỗi người !
" Chắc ai cũng biết bác sĩ Hồ Thích là người đề xướng ra thơ mới ở Tàu, trong cuốn " Thường thi tập " tiên sanh có đặt tám luật cho thơ mới, gọi là luật " Bát Bất " :
1)- Không dùng điển tích, 
2)- Không dùng chữ sáo, 
3)- Không buộc đối vế 
4)- Có thể dùng chữ tục, 
5)- Phải biết văn pháp, 
6)- Bỏ lối không đau mà rên, 
7)- Không buộc theo người xưa, 
8)- Phải nói có sự thật.

" Thơ mới của ta đã có luật gì chưa, hay là mạnh ai nấy đặt luật ?
" Ông bạn già yêu quí của tôi lại một phen chíp miệng thở dài :
" Than ôi ! Mấy ông làm " thơ mới " ở nước ta miệng còn hôi sửa thì đâu phải là Hồ Thích ở nước Tàu ! "
" Thơ phải kể cái hồn của nó đã rồi sẽ kể đến cái hình thức. Cái hồn chưa thoát khỏi sáo cũ, cũng còn nghe " Tiếng sáo Thiên Thai ", " Tiếng trúc tuyệt vời ", " Tiếng nhạn kêu sương " v.v...thì đổi cái hình thức phỏng có ích gì ? Đó cũng chẳng khác chi bắt một bà già mặc áo rằn ri, đi giầy cao gót. Độc giả thử tưởng tượng trong trí, coi có được không ?
" Tiếng nhạn ở đâu, kêu sương hồi nào ? và sao gọi là Tiếng sáo Thiên Thai ?
" Thế là ở trong những bài thi cũ, người ta còn dung thứ ; chớ đã tự xưng là " thơ mới " mà còn sáo hư như vậy, thì đâu phải là những " chiến sĩ chắc chắn " để đỡ gạt những mũi tên của những người đại biểu cho thơ cổ có cái tên như " Nguyễn Khắc Hiếu ", " Trần Tuấn Khải "... ?
" Tôi vẫn biết rằng văn chương thi phú chỉ là cái phản ảnh vật chất, trên chỗ vật chất đã có điều cải cách thì trên chỗ văn chương làm sao cũng không khỏi có điều biến dịch. Nhưng một nhà thi chân chánh, ngoài việc biểu lộ tư ý ra, còn phải làm một người hướng đạo cho quần chúng nữa.
" Nhà thi phải nhắm đến quyền lợi của quần chúng trước nhứt, chứ chẳng phải chỉ biết có mình mà không biết có ai. Vậy thì thi ca không phải chỉ dùng để biểu diễn cái tâm hồn của cá nhân mà đủ ; cái quan niệm của phái thi sĩ lối mới như thế nào ?
" Nếu có dịp " giải phẫu " những tác phẩm của họ ra, thì cũng chỉ thấy đầy cả sự yêu đương mơ mộng, vì họ chỉ biết phát biểu tâm hồn đau khổ của một giai cấp " thua trận ", không nữa thì họ cũng chỉ biết sùng bái một vài cử chỉ anh hùng, sự sùng bái ấy chỉ là cái óc nô lệ của thời đại phong kiến còn sót lại mà thôi.
" Thiệt nhắm ra chẳng bổ ích gì cho hạng bình dân nghèo khổ, vì đối với cái quan niệm trên ấy thì hạng người sau này vẫn không ham muốn thứ ái tình mơ mộng viễn vong của một số người phong lưu đài các và cũng không có tư tưởng giống với tư tưởng sùng bái anh hùng, yêu nhà yêu nước của số ít người kia, đời bây giờ biết bao nhiêu đứng vô danh anh hùng đã phơi thây giữa đám bình nguyên để mua cái tiếng anh hùng cho một mình Mussolini, Hitler, hay Tưởng Giới Thạch.
" Đời bây giờ, không có tư bản thì không có nhà, và anh lao động ở đâu sống đươc thì ở đó là quê hương, vậy thuyết yêu nước yêu nhà có còn đứng vững không ?
" Cái quan niệm của mấy ông " thi sĩ mới " đối với cuộc thiệt tế sanh hoạt tôi chẳng thấy có chút gì là mới cả, mới chăng là mới với các ông ở giai cấp tiểu tư sản chớ chẳng mới gì với giai cấp bình dân.
" Xét về phương diện vật chất, thì những bài thơ mới của một vài ông bạn thiếu niên thi sĩ mà ông Nguyễn Triệu Luật ngoài Bắc đã gọi là " một tụi văn sĩ non hứng lấy mà vung vẫy những áng văn xuôi không vần ", xem ra chưa có những niêm luật gì nhất định. Thế nghĩa là thơ mới có kỷ cương đáng ở riêng vào một học phái. Đọc phần nhiều những bài thơ mới bây giờ, người ta đều có cái cảm tưởng rằng nhà thi sĩ bỏ cái khó tìm cái dễ để mạnh ai nấy viết, mạnh ai nấy ngâm. Đó là chưa nói đến sự dùng chữ sai (như nàng Ly Tao là nghĩa lý gì !).
" Xét về phương diện tinh thần, thì những bài thơ mới ngày nay đó chỉ là cái tiếng nói của giai cấp tiểu tư sản, là một giai cấp bại trận không có sức phấn đấu hẳn hòi như cấp bình dân. Chính giai cấp sau này mới là nguyên động lực tiến hoá của xã hội.
" Mấy ông bạn trong làng " thi mới " nếu có cho tôi hủ tôi xin chịu, nhưng tôi không sợ mất lòng mấy ông mà dám nói lớn với anh em bình dân rằng :
" Cái phái thi mới ấy vừa xác, vừa hồn không có ích gì cho anh em, chị em chúng ta cả ! Hãy tẩy chay đi ! "
" Không tẩy chay cái tinh thần bạc nhược của giai cấp thua trận thì anh chị em ta sẽ gặp lắm điều trở ngại trên con đường tiến thủ của chúng ta.
" Chừng nào thi mới của các ông có một khuôn khổ " mới " nhứt định, và thứ nhứt, chừng nào thi mới có một tinh thần bình dân đặc biệt, không có cái lối ru ngủ, cái lối mơ mộng hão huyền và biết ca tụng sự phấn đấu của chúng tôi thì chừng ấy chúng tôi sẽ hoan nghinh ngay.
" Rồi đây chúng tôi sẽ lần lượt đem những bài thi mới mà một số người làm thi mới đã ca tụng để bình phẩm, chúng tôi sẽ chỉ cho tác giả các bài thi kia thấy rằng tinh thần và thể chất mình là cũ.
" Xin ai kia đừng trách rằng chúng tôi cay nghiệt với phái thi mới, mà biết cho chúng tôi chỉ muốn làm một người bạn " ngang bằng sổ thẳng " mà thôi.
" Chúng tôi không chê thi cổ là sáo, bởi vì mấy ông đã chê nó là sáo rồi ".
Hoàng Tân Dân chê thơ mới phản động
Mang nặng óc đảng phái, có khuynh hướng thiên tả, Hoàng Tân Dân, không công kích thơ mới vì thơ mới bỏ phép tắc cũ, mà chê thơ mới có thái độ phản động, phản cách mạng ở chỗ chỉ phục vụ cho tư bản, không đau mà rên, cho nên lúc nào cũng xướt mướt (V.H.T.S. số 9, tháng 9 năm 1935).

Đẩu Tiếp chê thơ mới
Sau cùng, Đẩu Tiếp, vào tháng 11 năm 1936 (V.H.T.S. số 26), lại lên tiếng " Nói chuyện về thi ". Trong bài này, Đẩu Tiếp kết án Phan Khôi rất nặng nề. Theo ông, chính vì ganh ghét Tản Đà hơn mình về thi mà Phan Khôi phải lập ra thơ mới để được thiên hạ biết đến tên tuổi mình. Và bọn thanh niên ngu dốt không làm nổi trò trống gì đã ùa chạy theo Phan Khôi. Thành thử bên thơ cũ gồm bao nhiêu thiên tài thì bên thơ mới gồm bấy nhiêu tụi nhãi con, ngu dốt, bất tài. Giới thuyết như vậy rồi, Đẩu Tiếp đưa ra các điểm mà người ta chê thơ cũ để lại bênh vực thơ cũ, từng điểm một, như việc dùng điển, dùng sáo ngữ, lặp lại tư tưởng của tiền nhân." Từ ngày ngọn cờ ba sắc đã dựng nên giữa cõi trời Nam, muốn hiểu biết ngôn ngữ của người Pháp để tiện ra hợp tác với họ, hòng giành lại trong muôn một, một ít quyền lợi của ông cha để lại, quốc dân ta đều đua nhau xu hướng về đường văn học. Chữ Hán, một thứ chữ trước kia người mình vì dùng quen đã lâu đời, đã hầu thành ra một thứ tiếng mẹ đẻ, từ đó theo cớ chuyển vận đã hầu lọt ra ngoài vòng đào thải. Nhân tài nước ta bây giờ tây học càng rộng, thì Hán học càng hẹp ; Hán học đã hẹp thì quốc văn phải kém, vì chữ hán mà có người đã gọi là chữ Hán Việt, nghĩa là chung của Tàu và Ta, vắng nó thì chữ An nam nói ra hầu không thành tiếng nữa.
" Tuy vậy mỗi khi đọc đến những tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ của các cụ Nguyễn Tiên Điền, Nguyễn Công Trứ, tâm hồn ta tự thấy rung động rồi đem lòng khao khát, thèm thuồng, nhưng cố làm cho được một bài thơ như người xưa thì ngồi bóp trán mãi cũng chẳng thấy ra được chữ gì, hoặc được thì lổ đổ vài chữ kết lại cũng chẳng thành câu ! Thẹn thuồng và tức giận, bọn thanh niên ta đổ ra ghen với cổ nhân hầm hầm, toan đạp đổ những xiềng xích trong lối thơ Đường.
" Đương lúc ấy, thì Phan Khôi và Nguyễn Khắc Hiếu hai ngài không biết tại sao lại có điều xích mích nhau, rồi nổi giận cãi nhau, mắng nhau, rồi ghét bỏ nhau !
" Tự nghĩ Nguyễn Khắc Hiếu là kẻ thù của mình, mà trên đàn thơ lúc nào mình cũng nhường hắn đứng trước, Phan Khôi bèn muốn rẽ ra một con đường khác, bụng bảo dạ rằng dẫu hắn có đi trên con đường ấy, thì ta cũng được đi trên con đường này, cũng như một bên làm tướng nước Nhựt, một bên làm tướng nước Xiêm, nghe nói hai bên làm tướng cả thì người đời cho là hai bên nghịch nhau, nào ai biết tài bên nào cao, trí bên nào thấp mà phân biệt trên dưới. Nghĩ thế rồi Chương Dân tiên sinh vung văng vác bút chạy ra một con đường mới " Đả đảo Đường luật, làm thơ theo lối mới ". Bọn thanh niên nói trên nghe được câu nói của Chương Dân tiên sanh liền hăm hở bắt hơi nối gót theo tiên sanh. Phái thơ Đường diễu cợt họ càng cay thì họ lại châm chích phái thơ Đường càng độc. Phái thơ Đường gồm những bậc lão thành hay thanh niên kiêm thông cả tân học cựu học, hay riêng giỏi về một món học thì cho họ là " một tụi văn sĩ non hứng lấy mà vùng vẫy một thứ văn không xuôi không vần ". Hoặc có người độc hơn thì lại thuật bài thơ cổ người ta vịnh con cóc để cười những kẻ làm thơ không ra thơ.
" Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra, 
Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, 
Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi !
" Rồi kêu bọn " thơ mới " mà cười rằng tôi tưởng thơ mới của các anh ra thế nào té ra cũng như thơ con cóc mà có người đã làm hơn trăm năm trước. Lời công kích có thú vị và cay độc quá. Tôi xin giả làm một nhà thơ mới đáp lại." Người làm bài thơ con cóc, là vì ngó thấy con cóc như vậy mới làm thơ, người không biết cóc thì biết gì mà bình phẩm thơ cóc ! Không, những nhà thơ mới gồm có những kẻ mới học tòm tèm được 3 chữ Pháp, không hề hiểu một giọt (ne comprendre goutte) về hán văn họ không thèm đáp lại một cách vu vơ như vậy đâu. Trái lại câu trả lời của họ có nhiều khi nghe ra cũng có phần xác thực lắm.
" Họ nói : các ông chỉ là những bọn nô lệ chịu trói buộc trong những luật pháp nghiêm khắc của thơ Đường.
" Nhưng họ quên rằng chính nhờ ở chỗ pháp luật nghiêm khắc đó mà thơ Đường rất dễ nhớ. Vì trong bài thơ đã hẹn trước rằng " chữ nào trắc chữ nào bằng ", nên khi ta đọc mà thấy sai thì tự nghĩ liền và đổi lại, tuy vậy ta cũng đừng nệ theo Đường luật lắm, chịu thất luật một đôi chỗ mà câu thơ thấy già hẳn lên ta cũng thấy vui lòng, nhưng chỉ khi nào bất đắc dĩ không dùng chữ ấy mà dùng chữ khác thay vào không thú bằng thì ta mới chịu dùng chữ ấy và cam tiếng thất luật vậy. Phái thơ mới lại chê : thơ Đường của các ông chỉ biết khóc trăng khóc gió. Thơ Đường luật cũng có nhiều bài khẳng khái lắm chứ. Các ngài hãy đọc thử lại những thơ văn cổ ngày nay quốc dân hãy còn truyền tụng mà xem. Người xưa dầu có nhiều khi họ than khóc thì trong tiếng than tiếng khóc của họ cũng nghe rất là giọng trượng phu. Tả một cảnh đang rơi châu đau ruột, như trong Chinh phụ ngâm, họ chỉ biết dùng ngòi bút vẽ ra một bức tranh khiến ta trông vào mà tự đau ruột rơi châu, chứ trong bài nào họ có hề dùng tới một chữ rơi châu đau ruột ? Các ngài không nhận rằng sầu là một cái bệnh chung của con nhà văn nhà thơ mà nở công kích kẻ đa sầu đa cảm ? Ấy thế mà các ngài chỉ biết làm những lối thơ phóng đãng là gì ? Các ngài thường " ôi " ! Thấy hoa bay các ngài cũng "ôi" ! Thấy lá rụng các ngài cũng ôi" ! Thậm chí có ngài viết " tôi đau đớn, ôi huyền diệu " ! Các ngài lại nói thơ Đường luật hay dùng những điển tích mơ hồ, như có người làm bài thơ " Vịnh Trương Lương " :
Mình dịu dàng như gái, 
Bao trời một lá gan ! 
Bốn trăm năm nghiệp Hán, 
Ba tấc uốn trong màn.
Vẫn biết ba tấc đây là ba tấc lưỡi, nhưng ba tấc lưỡi uốn trong màn, thì có thể khiến cho mọi người hiểu được không ? Cách dùng điển như vậy coi cũng mơ hồ lắm, nhưng đó là tay vụng chớ tay khéo thì nhiều khi họ dùng điển chẳng những đã rõ mà lại hay ; có một cách dùng điển mà tự lấy làm thú lắm khi họ dung hoà hai điểm lại một. Như nguyên trong sách Thuý Kinh của Tàu có nói : Giống cá Gáy hễ đến tháng ba thì đua nhau nhảy lên thác Long Môn (cách Trường Yên cao 900 dặm, con nào nhảy lên được thì hoá ra rồng, cho nên người đời hễ ai thi đậu thì người ta ví như cá Gáy nhảy lên được Long Môn, còn con cá Gáy nào mà không nhảy lên được thì phải vạch cả trán mà phải trở về chỗ cũ)." Nhân vậy rồi Lý Bạch có câu thơ nói người thi hỏng :
" Điểm ngạch bất thành long " vạch trán chẳng ra rồng ! thú vị biết là bao nhiêu, còn trong đám thi sĩ ta thì có người làm câu :" Lò đời thổi gió un mây... " thì ai cũng biết rằng là đời là một điển, gió mây là một điển, nhưng tác giả khéo biết dung hoà vào trong một câu " gió thổi un mây " ứng với lò đời cũng như câu thơ của Lý Bạch ra rồng ứng với vạch trán, điển tuy cũ mà tứ vẫn mới đó vậy. Dùng điển mà dùng được như vậy thì cũng đáng dùng lắm chứ, còn như không thêm được cái ý mới vào chỉ biết lập lại những tư tưởng cũ của người thì xem ra cũng nhạt. Ví dụ bậc thi bá đời Đường đã nói " xử thế nhược đại mộng " rồi ta lại lập lại : Trăm năm giấc mộng cười thân thế ; lời thơ tuy cứng nhưng phái thơ mới họ bảo dở đó kìa.
" Họ lại chê thơ Đường luật quen lập lại những tư tưởng của tiền nhân.
" Vẫn có thế nhưng cũng chỉ có những kẻ bất tài mới có thế thôi, chứ phàm người có tài năng họ cũng biết rằng trong mỗi bài thơ ít nhất cũng phải có một câu tứ mới. Đừng nói đến thơ nôm, nói ngay đến một số câu thơ chữ của người xưa cũng đủ thấy rồi. Khi trong bài " Đi chơi đêm với cụ Nguyễn Hàm Ninh ở núi Tuỳ Vân ", ngài Tùng Thiện Vương có câu :
Ngư xướng trời thanh ngoai, 
Chung minh thọ sắc trung. 
Chài reo ngoài tiếng sóng, 
Chuông điển giữa màu cây !
" Trong bài mừng được ân ban một chiếc thẻ ngà khắc Tứ Nguyễn Hàm Ninh nhập các, được ra vào tự do trong các, của cụ Nhâm Sơn có câu:
Cung nhật hồi xuyên ảnh, 
Giai hoa phật bội thanh.
Dịch :
Vầng nhật trên cung xây bóng vách, 
Cành hoa quanh lối gõ bài ngà,
" Mấy câu thơ đó ông Cao Bá Quát đã khuyên đặt cả mặt giấy chẳng phải đều có tứ mới sao ?" Phái thơ mới lại chê : các cụ ấy chỉ ngồi mà đẽo gọt từng chữ.
" Lạ chưa ! thơ đã gọi là một môn mỹ thuật thì dầu cho đẽo gọt chạm trỗ cũng là lẽ thường. Nhưng bao giờ câu thơ cũng được vẻ tự nhiên, nhà thơ vẫn dư biết thế ! Mở lời ra mà gặp liền được chữ đối xứng thì cụ Dương Bá Trạc cũng đối chơi :
Ta giã núi bụi hồng đeo đẳng, 
Núi xa ta mây trắng mịt mờ !
" bằng không, thì cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng chỉ cười một hơi mà thành ra bài thơ vậy.
Tớ đẻ tháng mười năm bính tí, 
Năm nay bính tí sáu mươi năm ! 
Kể vòng hoa giáp quanh đà khắp, 
Còn nợ non sông chết chửa cam v.v...
" Nhưng các bạn thơ mới lại nói rằng : Các ông có học chữ tàu mà làm thơ nôm thì chúng tôi học chữ tây lại không có quyền bắt chước thơ tây mà chế ra một điệu thơ riêng để chúng tôi ngâm vịnh ?" Đã bắt chước thì hễ ai có cái hay ta cũng có thể bắt chước được cả. Song thử hỏi lối thơ ta phỏng theo lối thơ tây, thì có thể ngâm nga được như lối thơ ta đã phỏng theo lối thơ Đường không ? Nói thế tất sẽ có người lấy làm lạ mà hỏi rằng vậy sao ta vẫn ngâm được thơ tây ? Vì ngâm thơ tây ta vẫn ngâm theo giọng tây, còn khi ngâm thứ thơ mới kia ta không thể ngâm theo giọng tây được, mà ngâm theo giọng ta thì nào có âm hưởng gì đâu. Đến như thơ Đường luật sở dĩ mình ngâm lên mà nó réo rắt như tiếng đờn nguyệt là vì hợp với tiếng ta đó vậy.
" Tóm lại, dầu chi ta cũng nên hoan nghinh lối thơ Đường luật, nếu có chê nó là khó thì cứ làm theo lối tứ tuyệt, lối song thất lục bát hay lối thượng lục hạ bát, cùng đi nữa thì những từ khúc.
" Thơ Thế Lữ, những bài xuất sắc cũng vẫn làm theo những điệu ấy, thế sao vẫn gọi là thơ mới ?
" À phải ! Ông Lê Tràng Kiều có nói : Vô luận thì làm theo điệu thơ gì có tứ mới thì đều gọi là thơ mới. Song tôi lại xin trừ ra lối thơ mà ta vẫn mô phỏng theo thơ tây một cách vô ý thức, vì ngoài một đôi người như Thế Lữ là vẫn có một chút tài, còn thì lối thơ lố lăng ấy chỉ tạo ra được những nhà thơ non như là Phúc Nhuận, ông Đỗ Phủ (ông Đỗ Phủ người Bắc chứ không phải cụ Đỗ Phủ người Tàu đâu !). Nhưng điều đó ta cũng chẳng cần lo, vì ông Phan Khôi thì đã ngỏ lời từ biệt lối thơ " không xuôi không vần " kia trên báo Trường An độ nọ, còn những đồ đệ của ông mỗi ngày mỗi vắng dần. Nhiều kẻ hô hào đào thải thơ Đường luật, ngày nay lại muốn trở về với nó. Đáng khen thay những kẻ biết rộng thấy xa, lâu nay vẫn dốc một lòng thờ phụng thơ Đường " (Văn Học tuần san, số 26, 1-11-1936). 
Tản Đà lần đầu tiên lên tiếng về thơ mới
Trong cuộc tranh luận thơ mới thơ cũ này, Tản Đà xem ra có căm tức lắm, nhưng Tản Đà khôn lắm, ít khi lâm trận đánh thẳng vào địch, dù địch đó là Phan Khôi. Trong mấy lần đụng độ với Phan Khôi, như vụ Nho Giáo, vụ Cái Cười Con Rồng Cháu Tiên..., Tản Đà đã hăng hái, quyết liệt, phũ phàng nữa là khác. Vậy mà trong vụ thơ cũ thơ mới, Tản Đà xem ra đứng ở ngoài. Bài Tản Đà đả kích thơ mới mạnh nhất có lẽ chỉ là một bài chửi mát, mà cũng chỉ là chửi mát Phan Khôi trong bài " Hài đàm của Tản Đà : Thơ mới " đăng ở Phụ Nữ Tân Văn số Xuân năm 1934. Tản Đà đem so sánh Phan Khôi với Lý Bạch cũng như so sánh một họ Quách nào đó phải chăng là Quách Tấn với Bá Nha để rồi kết luận : đàn của chàng Quách thỉ " ngớ ngẩn " còn thơ của chàng Phan thì " vẩn vơ "" Hài đàm của Tản Đà :
" Thơ mới
" Từ khi Lý Bạch chết, thiên hạ không chuộng thơ mà thơ kém hay : Bởi thế mới có Phan tiên sinh ra đời." Từ khi Bá Nha chết, thiên hạ không chuộng đờn, mà đờn kém hay : Bởi thế mới có Quách tiên sanh ra đời.
" Phan tiên sinh cải lương về nghề thơ, ở đời chưa gặp ai tri kỷ :
" Quách tiên sinh cải lương về nghề đờn, ở đời chưa gặp ai tri âm.
" Một hôm, kỳ ngộ duyên may, hai tiên sinh gặp gỡ.
" Trong một nhà ở phố Khâm Thiên, Phan đương nằm hút ở trên gác, bỗng nghe ở dưới gác có tiếng đờn gẩy, nhân lâu rất thấy khác thường ; tiếng đờn thực hay mà như không có cung bực do bụng hoài nghi, Phan tiên sinh bước xuống bực thang, ngó thử coi thấy người nẩy đờn đó chừng cũng là một du tử mà coi ra có vẻ cao nhân, nhân bước luôn xuống thang, làm quen nói chuyện chơi. Người đó là ai ? Tức là Quách tiên sinh vậy. Rồi đó, Quách tiên sinh nói chuyện đờn, Phan tiên sinh nói chuyện thơ.
Rồi Quách đờn một chập, Phan thơ một hồi.
Rồi Quách lại đờn ; Phan lại thơ.
Rồi Phan, Quách lại truyện thơ, truyện đờn.
" Cái thú gặp tri kỷ, khó bút mực nào vẽ cho hết. Chi chủ đó nguyên là một tay tài tình, văn thơ âm nhạc, đều có hiểu qua, nhân bàn quanh một cuộc cầm thi, cũng cảm tác một bài " Thơ Mới " :
Đờn là đờn 
Thơ là thơ 
Thơ thời có chữ, đờn có tơ. 
Nếu không phá cách vứt điệu luật, 
Khó cho thiên hạ đến bao giờ ! 
Bá Nha xa. 
Lý Bạch khuất. 
Thơ có họ Phan, đờn có họ Quách, 
Thơ có chữ 
Đờn có tơ : 
Đờn thời ngơ ngẩn, thơ vẩn vơ 
Tài tử văn nhân nhường rứa rứa, 
Bách huê ngao ngán bận đề thơ "
Sau bài nói kháy, chửi mát Phan Khôi và thơ mới trên Xuân Phụ Nữ Tân Văn, Tản Đà viết một thôi năm sáu bài về thơ mới đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy vào cuối năm 1934 :1)- Phong trào thơ mới muốn cùng ai trong bạn làng thơ (T.T.T.B. số 26 ngày 24-11-1934). 
2)- Cùng các bạn làng thơ (T.T.T.B. số 28) 
3)- Tính chất của thơ (T.T.T.B. số 30 và số 32) 
4)- Một chữ trong nghề thơ (T.T.T.B. số 40)

Bài " Phong trào thơ mới muốn cùng ai trong bạn làng thơ " là để thương xác với Lưu Trọng Lư về bài diễn thuyết ông đọc ở nhà Học hội Qui NHơn.
Với một tâm hồn cởi mở, và những lời lẽ rất ư là khiêm tốn, Tản Đà đã bày tỏ thái độ của ông đối với thơ mới, thơ cũ. Tản Đà cho rằng giữa lúc xảy ra vụ tranh chấp thơ cũ thơ mới thì Tản Đà không có mặt ở Hànội, cho nên không theo rõi được sự diễn biến của cuộc chiến. Phải chăng đây là thời kỳ Tản Đà đang buồn chán vì An nam tạp chí của ông bị chết lần thứ tám, tức là lần chót. Biến cố đau thương đó đã khiến Tản Đà tủi dỗi đời nên tự đặt mình ra bên ngoài xã hội :
" Mới đây một người bạn tôi gởi cho bài diễn thuyết của ông Lưu Trọng Lư đọc ở nhà Học hội Qui Nhơn, tôi đọc tới bài đó, tâm hồn xúc động, không thể lại lẳng lặng mà ngồi yên. Cứ như bài diễn văn của ông Lư, cảm tưởng và kiến giải, phần nhiều thiệt tôi lấy làm phải, có nhiều chỗ lại thấy rất là tinh.
" Song mà trong sự quan sát cũng còn có chỗ không tường xác ; cái kiến giải để hướng đạo cho quần chúng coi chưa đủ phát dương hiệu lệnh trên thi đàn. Bài tôi viết đây, không chuyên cùng ông Lưu Trọng Lư biện luận, cho nên không dẫn đến những chỗ mà tôi cho hơn kém ấy. Nay tôi chỉ cần muốn biện bạch trước độc giả, công chúng vì thấy có mấy lời trong bài diễn văn của ông Lư.
" Trong bài ông Lư nói, ngay một đoạn mở đầu rằng : " gần đây, trong văn học nước nhà thấy có một cái phong trào mạnh danh là " thơ mới". Cái phong trào ấy dư luận chia ra làm hai, phái hoan nghênh và phái phản đối. Tôi không cần nói, các ngài cũng dư hiểu rằng phái hoan nghênh là phái thanh niên tân học, phái phản đối là các cụ nho học. Hai bên đương sừng sộ nhau đương giằng co nhau ".
" Ông Lư đã nói, chắc là ông có thấy như thế, mà lâu nay tôi xa đất Hà Thành, thực tình trạng trong văn giới như sao, ít có tiếp đến tai mắt, riêng về phần tôi, thời như lời ông Lư nói đó, tôi quả không phục tình. "
Sau đó, gián tiếp Tản Đà muốn bảo rằng cái mà người ta gọi là thơ mới, Tản Đà vẫn làm, làm từ lâu, từ 20 năm nay mà chỉ khác là ông không gọi nó là thơ mới. Ông trích mấy bài thơ ông đã làm trên dưới hai chục năm :
" Cứ văn vận của tôi đã làm ra trong khoảng 20 năm nay, kể có không ít ; mà nay nếu có người hỏi tôi rằng : bài nào hay hơn hết ? Thời phải lấy một bài trong cuốn tiểu thuyết Giấc mộng con thứ hai, làm cho Dương Quí Phi, Tây Thi...ở Bồng Lai, bài ấy rằng :
Non xanh xanh 
Nước xanh xanh 
Nước non như vẽ bức tranh tình. 
Non nước tan tành 
Giọt lệ tràn năm canh.

*
Đêm năm canh 
Lụy năm canh 
Nỗi niềm non nước, 
Đó ai quên cho đành !

*
Quên sao đành ? 
Nhớ sao đành ? 
Bồng lai non nước xanh xanh ?
" Cuốn tiểu thuyết ấy viết ra, trong khi tôi giúp việc Đông Pháp thời báo của ông Diệp Văn Kỳ ở Nam, là khoảng năm 1926 cách đây đã 8 năm." Lại như bài " Cảm thu liễu thư  " của tôi, một đoạn tả cảnh ở đầu rằng :
" Từ vào thu đến nay 
Gió thu hiu hắt 
Sương thu lạnh 
Trăng thu bạch 
Khói thu xây thành 
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh 
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly. 
Nhạn về...
" Mấy câu đó, riêng tôi thật ngâm mãi không chán ; mà bài văn đó tới nay ở trong báo Saigon lại có người lại đem ra để phê bình, kể cái thời gian tôi viết ra thời vào khoảng năm 1921, trong lúc tôi làm việc cho báo Hữu Thanh, cách đây có 14 năm." Lại như những bài " Hoa rụng " in ra ở Khối tình con, lời văn rằng :
" Hoa ơi, hoa hỡi, hoa hời ! 
Đang ở trên cành bỗng chốc rơi ! 
Nhị mềm cành úa, 
Hương nhạt mầu phai 
Sống chưa bao lâu đã hết đời 
Thế mà hoa lại sướng hơn người. 
. . . .
" Bài này viết ra, kể cách nay có tới 20 năm." Những điệu văn thơ đó, thật tự tôi đặt ra, không theo niêm luật ở đâu hết, duy tôi không gọi nó là thơ mới mà thôi. "
Ngày 8-12-1934, Tản Đà viết bài " Cùng các bạn làng thơ " (An nam tạp chí số 28), bàn về ý nghĩa của thơ mà ông phân biệt làm nghĩa rộng, nghĩa hẹp.
Về nghĩa rộng của thơ, Tản Đà viết :
" Theo nghĩa rộng mà nói, thì thơ là lương năng của mọi người, cho nên không có hạng người nào đều có thể nên thơ. Như thế, phạm vi của thơ thật rất rộng, hàm người ta nói ra mà hơi có vần, đều là thơ, không thể cách phi hết. Những thơ đó, theo ý kiến của người quan sát, chỉ có thể nhận cho những câu nào, những bài nào là hay; mà không thể phán đoán bảo như những câu nào, những bài nào là dở ".
" Hiểu theo nghĩa rộng, thơ là thú tiêu khiển ai cũng có thể làm được. Nhưng hiểu theo nghĩa hẹp, thơ là " một thứkỹ thuật phải người có học mới biết làm, mới làm được ; ví như đánh đàn phải có cung bực, đánh cờ phải sạch nước cản, nếu không thì không là thơ ".
Đối với Tản Đà, thơ hiểu nghĩa hẹp là các lối thơ thất ngôn, ngũ ngôn, cổ phong, tứ tuyệt. Như vậy mà trong cuộc tranh luận thơ cũ thơ mới, chữ " thơ mới ", theo Tản Đà là một danh từ lạm dụng, hiểu sai nghĩa.
Sau khi bàn về danh nghĩa của thơ, Tản Đà dành hai số báo để bàn về " Tính chất của thơ " (TTTB số 30 và 32). Theo Tản Đà, thơ có hai tính chất : tài và tình. Tài là tài nghệ, tức là thuộc về nghĩa mỹ thuật ; tình là tình hoài, tức là thuộc về nghĩa lương năng " (TTTB số 30). Tản Đà đã dựa vào hai tính chất tài và tình để tìm ra cái đẹp trong các câu thơ cũ. Không nói rõ ra, nhưng cứ theo lối trình bầy, người ta cũng nhận ra rằng thơ mới thiếu hẳn tính chất " tài ", cho nên thơ, mới là thứ thơ lệch lạc, là thứ thơ không hoàn toàn.
Những tài liệu tôi trích trên đây chưa phải là tất cả các tài liệu liên quan đến cuộc tranh luận gay go giữa thơ mới và thơ cũ và có lẽ cũng chưa phải là những bài quyết liệt nhất. Chẳng hạn ba bài diễn thuyết nảy lửa của Nguyễn Văn Hanh bênh vực thơ cũ, của Thái Phỉ công kích Lê Tràng Kiều, của Tường Vân và Phi Vân tác giả tập " Những bông hoa trái mùa ".
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved