VŨ BẰNG – Người lữ hành đơn côi : Tựa VŨ BẰNG tòan tập
Triệu Xuân
Có người bạn thân, trong lúc đàm đạo văn chương, hỏi tôi: "Sắp sang thế kỷ 21 rồi, nếu chỉ được phép mang mười cuốn sách văn học vào thế kỷ mới, ông mang những cuốn nào?". Tôi trả lời ngay: "Một trong những cuốn tôi mang theo là Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng!".
Thương nhớ mười hai là một trong những áng văn bất hủ viết về đất nước quê hương. Phải là một con người nặng lòng yêu thương Tổ quốc, yêu thương quê hương, yêu thương Hà Nội hơn ai hết thì mới viết được một cuốn sách như thế! Nhưng như thế cũng chưa đủ. Phải là một con người chứa chất một niềm đau không thể giãi bày cùng ai, gánh chịu một nỗi cô đơn khủng khiếp lắm mới tuôn được ra ngòi bút mình những câu văn như có ma ám, từng dòng, từng dòng như bị một thế lực siêu nhiên vừa hành hạ, vừa chắp cánh cho tâm hồn, cho cõi lòng, để bao nhiêu tài hoa biến thành niềm thương nhớ thấu trời thấu đất!
Trước năm 1975, khi còn là phóng viên mặt trận ở chiến trường Trung Trung bộ, một cô giao liên từ Đà Nẵng mang lên căn cứ của Ban Tuyên huấn Khu Năm tặng tôi cuốn Thương nhớ mười hai. Tôi đọc và cảm nhận ngay ra một điều: Viết về Hà Nội, viết về đất nước quê hương, không ai có thể hơn Vũ Bằng. Bởi Vũ Bằng yêu Hà Nội, yêu đất nước quê hương khi mà ông đang sống ở Sài Gòn, cách Hà Nội chưa đầy hai giờ máy bay mà vời vợi ngàn trùng. Nỗi nhớ niềm yêu ấy là tuyệt vọng! Hơn thế nữa, bà Nguyễn Thị Quỳ, vợ hiền của ông, người đã góp phần quyết định làm nên một Vũ Bằng nhà văn, nhà báo, là nguồn cảm hứng văn chương của ông… đã quy Tiên ở ngoài Bắc mà ông không thể nào được nhìn vợ lần cuối, không được thắp cho vợ một nén nhang trên nấm mồ. Cuốn Thương nhớ mười hai được Vũ Bằng coi là một nén nhang khóc vợ. Nó hay, nó hút hồn người ta là vì thế! Chẳng thế mà lời đề trên đầu cuốn sách, tác giả viết: "Bắt đầu viết thì là thương. Viết đến tháng chín gạo mới chim ngói thì là nhớ. Thương không để đâu cho hết. Nhớ không biết mấy cho vừa… Thành kính dâng Quỳ cuốn sách thay cho nén nhang tưởng niệm".
Ai làm nên nỗi đau thương, nhớ nhung của Vũ Bằng?
Nhà văn Vũ Bằng tên thật Vũ Đăng Bằng, giòng họ túc nho Vũ Hồn, quê gốc đất Ngọc Cục, huyện Lương Ngọc, nay là Bình Giang, tỉnh Hải Dương, sinh năm 1914 tại Hà Nội, chết lúc 4g30 ngày 8-4-1984 tại Sài Gòn.
Một thời gian dài, Vũ Bằng và gia đình ông âm thầm chịu tiếng là nhà văn "dinh tê, về thành", nhà văn "quay lưng lại với Kháng chiến", là "di cư vào Nam theo giặc"! Có lẽ vì thế mà trong sách giáo khoa phổ thông cũng như ở bậc đại học, người ta không giảng dạy về Vũ Bằng.
Những năm 1932-1945, Vũ Bằng đã nâng đỡ, hướng nghiệp, dìu dắt rất nhiều nhà văn trẻ, sau này trở thành những nhà văn tên tuổi lẫy lừng. Những người am hiểu Vũ Bằng từ khi nhà văn vào Nam mà tôi đã gặp đều khẳng định: Vũ Bằng là một con người chân chính, một nhà văn yêu nước, có tấm lòng son sắt với Hà Nội. Khi ông lâm bệnh cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng, gia cảnh ông vô cùng túng thiếu. Đó là những năm cả nước thiếu lương thực, Vũ Bằng và vợ con ông (ông lấy người vợ thứ hai sau khi vào Nam vài năm) thường xuyên bị thiếu ăn. Ông Thượng Sỹ Nguyễn Đức Long (vừa qua đời năm 1998), người bạn thân với Vũ Bằng từ hồi còn ở Hà Nội - đã giúp tôi rất nhiều trong việc sưu tầm tư liệu về Vũ Bằng. Trong câu chuyện hồi đầu tháng 5-1992, ông Thượng Sỹ có nói đến một tờ Giấy xác nhận của một đơn vị tình báo quân đội rằng Vũ Bằng là cơ sở của một mạng lưới tình báo quân đội hoạt động tại Sài Gòn. Ông Thượng Sỹ nói: "Khoảng Tết năm 1976, Bằng có khoe với tôi chuyện đó với vẻ mặt rất buồn! Bằng nói: Đơn vị có tư giấy về Quận, nhưng dường như người ta bận nhiều việc quá cho nên chẳng thấy đả động gì!". Ông Thượng Sỹ nói tiếp: "Thời kỳ đó, người ta lũ lượt vượt biên tìm đất sống, tôi biết Bằng rất buồn vì thế sự, nên không thấy đả động đến chuyện đó nữa".
Tôi đã hỏi chuyện nhiều nhà văn, nhà báo hoạt động tại Sài Gòn, ai cũng bảo: "Ông Vũ Bằng là người của mình đấy!". Nhưng tôi hỏi chi tiết thì ai cũng lắc đầu: Không thể biết!
Về chuyện Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo, anh Vũ Hoàng Tuấn, con trai duy nhất của Vũ Bằng với bà Quỳ, có giao cho tôi nhiều tài liệu, trong đó nổi bật nhất là Giấy xác nhận của ông Trần Văn Hội, đại tá, nay về hưu ở Hà Nội, là cấp chỉ huy trực tiếp của Vũ Bằng. Giấy xác nhận này làm ngày 10-1-1976 và chính là cái giấy mà ông Thượng Sỹ đã từng nhắc đến với tôi hồi tháng 5-1992. Nội dung chính: "Tôi, Trần Văn Hội, cán bộ ở đơn vị 1752, Bộ Tổng tham mưu Quân đội NDVN, hoạt động tại thành phố Hồ Chí Minh từ 1954 đến 1969, phụ trách một bộ phận công tác nội thành, chứng nhận: Ông Vũ Bằng, Nhà văn, hiện cư ngụ tại số 476 đường Trịnh Minh Thế, Sài Gòn, quận 4 - là một cơ sở quan hệ công tác từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông vào miền Nam năm 1954 và tiếp tục liên lạc với tôi suốt trong thời gian tôi công tác tại Sài Gòn. Sau ngày hoàn toàn giải phóng, tổ chức đã giới thiệu ông với địa phương (thành phố Hồ Chí Minh) để ông có thể tiếp tục phục vụ được cho cách mạng… Ông có người con trai lớn ở Hà Nội là anh Vũ Hoàng Tuấn". Thủ trưởng của đơn vị 1752 là trung tá Nguyễn Đắc Thân đã ký xác nhận trên giấy này.
Anh Tuấn kể: "Những năm mới hòa bình, tôi đã nhiều lần mời bố tôi ra thăm Hà Nội, thắp nhang cho mẹ tôi. Bố nhìn tôi không nói gì, hỏi gặng mới nói: "Bố muốn về lắm! Nhưng anh biết đấy, bố về với tư cách gì?!".
Mang tâm trạng đó, không rõ Vũ Bằng, một người trọng sĩ diện, có chờ đợi tổ chức làm rõ danh phận hay không, chỉ biết ông qua đời trong túng thiếu, trong cô đơn…
Vũ Bằng chết, con ông đến một tòa soạn đăng cáo phó (mất tiền). Tòa soạn này đồng ý đăng nhưng nhất quyết không cho đăng hai chữ Nhà văn trước tên của Vũ Bằng! Thành thử nội dung tin buồn chỉ vẻn vẹn có vài chữ: "Ông Vũ Bằng sinh ngày… mất ngày…". Đám tang của ông thật vắng người đưa!
Khi Hội Nghiên cứu Giảng dạy Văn học thành phố Hồ Chí Minh tái bản cuốn Thương nhớ mười hai, người ta đã bỏ đi lời đề từ trên đầu sách: "Bắt đầu viết thì là thương…". Bỏ đi lời đề từ ấy, có khác nào không cho Vũ Bằng thắp nén hương khóc vợ ông?!
Năm 1992, tôi hợp tác với Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin để tái bản tác phẩm "Bốn mươi năm nói láo" - Một cuốn hồi ký rất có giá trị văn học, sử học về một giai đoạn văn chương, báo chí Việt Nam. Tôi làm việc này trước hết vì yêu quý Vũ Bằng là một nhà văn lớn, một người làm báo giỏi, thiết tha yêu nước thương nòi. Cuốn hồi ký nổi tiếng Bốn mươi năm nói láo ấy, khi phát hành được năm ngày thì… chỉ có một hai ý kiến thôi, không có văn bản gì, sách đã bị giam trong kho không được bán suốt từ năm 1993 đến nay! Hương hồn nhà văn Vũ Bằng nơi chín suối có biết chăng chuyện trớ trêu trên?
Có rất nhiều người yêu mến Vũ Bằng, đã bỏ công sức tìm hiểu lai lịch đời hoạt động cách mạng của Vũ Bằng. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy không phải Vũ Bằng "dinh tê, di cư, phản bội", mà là ông nhận nhiệm vụ hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ năm 1952. Đại tá Trần Văn Hội - thủ trưởng trực tiếp của Vũ Bằng, đang nghỉ hưu tại Hà Nội, đại tá Nguyễn Mạnh Khoát là thủ trưởng trực tiếp của ông Hội, đang nghỉ hưu tại 44A đường Cửu Long, Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh, là hai người đã từng chỉ huy, làm việc trực tiếp với nhà văn Vũ Bằng thời kỳ Vũ Bằng "di cư". Cả hai ông đều khẳng định Vũ Bằng là một tình báo viên, và đề nghị Nhà nước công nhận điều này!
Hiện có nhiều người còn sống xác nhận Vũ Bằng là người của Việt Minh ngay từ những năm 1944-1954, hoạt động trong tầng lớp trí thức văn nghệ sĩ. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, tức Nguyễn Văn Lang, nguyên cán bộ thành ủy Hà Nội, nguyên thành viên tổ công tác đặc biệt của Công an Hà Nội những năm 1944-1954, năm nay 78 tuổi, nghỉ hưu tại tổ 24 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, cùng hoạt động với Vũ Bằng, đã viết thư cho ông Trần Quốc Hương (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, chỉ huy mạng lưới tình báo, đã nghỉ hưu - người chỉ huy cấp cao của ông Lang, ông Bằng), đề nghị ông Hương cùng thúc đẩy tiến trình công nhận tư cách vẻ vang của Vũ Bằng và các bạn chiến đấu của Vũ Bằng.
Nhờ những nỗ lực của những người yêu mến Vũ Bằng, vấn đề Vũ Bằng đã được Hội Nhà văn Việt Nam cử người xác minh, dù quá muộn màng!
Tháng 3-2000, Cục Chính trị thuộc Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo. Hy vọng rằng ở nơi chín suối, hương hồn nhà văn Vũ Bằng sẽ thanh thản sau những năm dài tủi hận!
*
* *
Người đầu tiên phát hiện ra tài văn của Vũ Bằng là nhà văn, nhà báo Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, chủ bút tờ Đông Tây (Hoàng Tích Chu chủ trương), tòa soạn ở phố Nhà Thờ, Hà Nội. Đó là năm 1930, khi truyện Con ngựa già của Vũ Bằng được Lãng Nhân cho đăng trên mục Bút mới báo Đông Tây. Năm đó, Vũ Bằng đang học Lycée Albert Sarraut, trường Tây, trường trung học nổi tiếng Hà Nội. Một năm sau, Vũ Bằng 17 tuổi, ông xuất bản tác phẩm đầu tiên: Lọ văn. Sách gây tiếng vang lớn! (Thời đó sao mà lắm người tài khi tuổi 16-17 đến thế!). Từ đó cho đến khi ông qua đời trong cảnh túng đói tại Sài Gòn, (08-04-1984), hơn bốn chục năm cầm bút, Vũ Bằng đã để lại cho đời (nếu in thành sách) gần một trăm cuốn, trong đó có hàng ngàn trang sách văn học lấp lánh tài hoa và chứa chan lòng nhân ái. Thời kỳ sống tại Sài Gòn, Vũ Bằng sáng tác văn học ít, in ít, phần lớn thời gian ông dành cho hoạt động thâu lượm tin tức cho tình báo quân đội Nhân dân Việt Nam . Ngoài những tác phẩm nổi tiếng như Miếng ngon Hà Nội, Thương nhớ mười hai, Bốn mươi năm nói láo…, ông viết báo nhiều, rất nhiều. Có lẽ để che mắt mật thám, và cũng vì cơm áo, vợ con, ông viết cả loại sách giáo dục gia đình và giáo dục giới tính, ký tên Bs Hoàng Thị Trâm, Vũ Tường Khanh, Lê Tâm, do nhà Thế Giới xuất bản những năm 1956-1958, với những cuốn như: Hạnh phúc lứa đôi, Các cô dậy thì nên biết, Các cô gái lấy chồng nên biết, Các bà vợ nên biết, Các bà mẹ nên biết, Lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống, Thuận vợ thuận chồng… Chỉ riêng với ba bút danh kể trên, Vũ Bằng đã xuất bản khoảng 60 cuốn sách cho đến tháng 4-1960!
Những truyện, ký, tạp văn ông in rải rác trên các báo, từ sau năm 1954, nếu tập hợp lại cũng phải hơn chục cuốn sách. Ông Thượng Sỹ, tức nhà báo, nhà văn Nguyễn Đức Long, bạn thân của Vũ Bằng, năm 1992 có viết thư cho Triệu Xuân nói rằng ông Nguyễn Hùng Trương, người đời quen gọi là ông Khai Trí - chủ nhà sách Khai Trí1 - còn giữ mấy bản thảo văn học của Vũ Bằng, chưa in, đã trả tiền rồi. Lúc đó tôi có tìm ông Khai Trí, nhưng ông Khai Trí đang ở nước ngoài.
Trong tác phẩm Nhà văn hiện đại (NXB Tân Dân Hà Nội, 1942), nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Ngọc Phan đã viết về 78 nhà văn Việt Nam lúc đó. Trong 78 nhà văn ấy có Vũ Bằng. Vũ Bằng được Vũ Ngọc Phan xếp vào hàng Các tiểu thuyết gia, tại chương "Tiểu thuyết tả chân". Ở chương này có bốn nhà văn được Vũ Ngọc Phan đề cập là Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng, Nguyễn Đình Lạp và Tô Hoài. Nguyễn Công Hoan được dành 29 trang, Vũ Bằng 19 trang, Nguyễn Đình Lạp 6 trang và Tô Hoài 15 trang. Tuy ông Phan viết rất khắt khe, dè dặt về Vũ Bằng, nhưng chứng tỏ từ những năm 40 của thế kỷ này, Vũ Bằng đã thuộc lớp nhà văn có hạng. Năm đó, Vũ Bằng mới xuất bản mấy cuốn tiểu thuyết là: Một mình trong đêm tối, Truyện hai người, và tập Để cho chàng khỏi khổ.
Không ít nhà văn, nhà phê bình nghiên cứu văn học của nước ta kết luận rằng: Ngay từ những năm Ba mươi, Vũ Bằng là một trong những người có công lớn cách tân tiểu thuyết Việt Nam , hiện đại hóa nền văn xuôi Việt Nam !
Trong hồi ức của nhà văn Tô Hoài, ông đã viết về Vũ Bằng với sự trân trọng và khâm phục một văn nhân, nâng niu một tâm hồn, một nhân cách. Tô Hoài viết: "So sánh kỹ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Công Hoan càng thấy cái mới của Vũ Bằng. Mãi đến về sau này, Nguyễn Công Hoan vẫn tuân thủ nghiêm ngặt cách dựng nhân vật không lẫn lộn xen với tả cảnh; nhân vật nghĩ dứt rồi mới hành động; miêu tả nhân vật này nghĩ và làm xong mới miêu tả nhân vật khác… Vũ Bằng thì lẫn lộn, xuôi ngược như cuộc sống gắn nhau không tách ra được".
Tô Hoài kể: "Những năm ấy Nam Cao đương ở với tôi trên Nghĩa Đô. Chúng tôi mải mê đọc Vũ Bằng… Nếu nhà nghiên cứu văn học nào lưu tâm đến những truyện ngắn Vũ Bằng thời kỳ ấy với truyện ngắn của Nam Cao và những truyện ngắn Bụi ô tô, Một đêm sáng giăng suông… của tôi trên báo Hà Nội Tân văn có thể dễ dàng nhận thấy hai ngòi bút này hơi hướng Vũ Bằng. Chính chúng tôi vẫn thường thành tâm tự nhận xét ảnh hưởng ấy với anh Vũ Bằng… Những truyện ngắn đầu tiên của tôi in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy đều do nhà văn Ngọc Giao biên tập. Nhưng ảnh hưởng có tính nội dung và cả hình thức tôi lại được gợi ý nhiều ở Vũ Bằng…".
Nhiều nhà văn tài danh đã thường xuyên được Vũ Bằng giúp đỡ. Vũ Bằng có nhiều bạn văn thân thiết. Nguyễn Tuân là một trong những người chơi với ông. Chân dung Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… và hàng chục người khác, được Vũ Bằng khắc họa trong Bốn mươi năm nói láo, có thể nói là những chân dung hay nhất, sinh động nhất, thật nhất về các nhà văn này! Thời ấy, ở Hà Nội người ta thường nói đến Tam Vũ: đó là Vũ Bằng, Tam Lang Vũ Đình Chí và Vũ Trọng Phụng, bộ ba họ Vũ này rất thân thiết với nhau. Khi Vũ Trọng Phụng qua đời, vợ nhà văn mang bản thảo Kỹ nghệ lấy Tây đến nhà Vũ Bằng. Vũ Bằng ôm tập bản thảo mà khóc, nước mắt rơi lã chã trên bản thảo. Sau đó, Vũ Bằng giúp xuất bản tác phẩm này.
Vũ Bằng sống hết mình, ngông nghênh, có phần kiêu bạc theo mốt thời đó, nhưng lại rất chí tình, chí nghĩa với những nhà văn trẻ đang còn lẫm chẫm vào nghề. Ông không chỉ gợi ý, hướng dẫn nghề nghiệp mà còn lo cho họ lúc túng đói. Nhiều nhà văn thường qua lại ăn uống tại nhà Vũ Bằng mà người vợ hiền thảo là bà Nguyễn Thị Quỳ đẹp người đẹp nết đã hết lòng vì bạn của chồng. Ngay cả những người, do cạnh tranh của thị trường chữ nghĩa thời đó, Vũ Bằng đã từng lớn tiếng đả kích, thậm chí thóa mạ như Thạch Lam trong văn đoàn Tự Lực, nhưng khi nhận ra nhân cách sáng trong của Thạch Lam thì Vũ Bằng đã chủ động xin lỗi, kết thân và trở nên tri kỷ. Tháng 12-1971, nhân kỷ niệm ngày mất của Thạch Lam, tại Sài Gòn, Vũ Bằng đã viết một bài rất thành tâm, rất thống thiết, chí tình hướng về người bạn - nhà văn tài đức vẹn toàn Thạch Lam, nhưng xấu số, đã qua đời khi còn rất trẻ.
Nhà văn Lý Văn Sâm kể: Truyện ngắn đầu tay của ông là Cây nhị sông Phố được Vũ Bằng chọn đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy (1941). Sau đó, đọc những truyện ngắn khác, Vũ Bằng viết thư khuyên Lý Văn Sâm nên tập trung viết loại truyện đường rừng, vì mảng đó hợp với tạng của Lý Văn Sâm. Một lần vô Nam , Vũ Bằng tìm gặp Lý Văn Sâm, coi Sâm như người thân, mời Sâm đi ăn tiệm. Dọc đường, Vũ Bằng bảo xe dừng lại, vào một tiệm may bên đường mượn thêm ít tiền để đãi bạn và sau đó gửi cho bạn một chút làm quà lúc chia tay! Ông Sâm nói: "Lúc đó Vũ Bằng đã nổi tiếng, còn tôi mới vào nghề, vậy mà anh cư xử thân mật, trân trọng. Điều đó động viên tôi rất nhiều khi tôi mới bước những bước đầu vào nghề viết. Suốt đời tôi nhớ ơn Vũ Bằng!". Một nhà văn, một thư ký tòa soạn mà đối xử với cộng tác viên trẻ như vậy, thật đáng làm gương cho các nhà văn nhà báo thời nay!
Tôi có trong tay tấm ảnh của Lý Văn Sâm lúc đó khoảng 20 tuổi, với chữ ông Sâm đề tặng rất trân trọng nhà văn Vũ Bằng, ghi rõ số nhà Vũ Bằng ở thời đó: 11 - Hàng Da, Hà Nội, ký tên Sâm, chữ "s" không viết hoa. Tình cảm Vũ Bằng dành cho các bạn viết trẻ, và tình cảm, lòng biết ơn của các nhà văn dành cho Vũ Bằng, là sự khẳng định nhân cách, tâm hồn, tài năng Vũ Bằng sẽ luôn luôn sống mãi trong lòng bạn bè, trong lòng người đọc và trong suốt lịch sử văn học, báo chí Việt Nam .
Cha mẹ Vũ Bằng sinh sáu người con, ba trai ba gái. Cha mất sớm, Vũ Bằng ở với mẹ làm chủ một tiệm bán sách và giấy ở 115 Hàng Gai, Hà Nội. Đó là Nhà sách Quảng Thịnh, chuyên bán buôn các loại sách văn học, trong đó chủ yếu là truyện cổ tích (na ná như trung tâm phát hành sách bây giờ!). Người mẹ muốn Vũ Bằng du học Pháp để làm bác sĩ. Nhưng Vũ Bằng lại theo nghề báo chí, văn chương. Khi in được vài truyện ngắn và tiểu thuyết, Vũ Bằng ăn chơi vào loại khét tiếng. Khoảng năm 1934-1935, Vũ Bằng nghiện á phiện rất nặng suốt 5 năm. Nhờ người cô ruột và nhờ vợ là bà Quỳ thường xuyên săn sóc, khuyên nhủ, Vũ Bằng với bản lĩnh cao cường đã cai được, rồi viết cả một cuốn tự truyện mang tên Cai, đăng tải từng kỳ trên "Trung Bắc Chủ nhật" từ 1940, in thành sách xuất bản tại Hà Nội năm 1942. Sau này, nhà Thế Giới tái bản ở Sài Gòn đổi thành Phù Dung ơi, vĩnh biệt! Đó là một trong những tác phẩm có giá trị của Vũ Bằng.
Bà Nguyễn Thị Quỳ xinh đẹp và đảm đang, hơn Vũ Bằng bảy tuổi, đã có chồng. Sau khi có mấy mặt con thì bị chồng phụ rẫy. Bà Quỳ tái giá với Vũ Bằng. Đây chính là người vợ mà Vũ Bằng tri ân, thương nhớ suốt đời, là nguồn cảm hứng trong nhiều sáng tác của Vũ Bằng. Bà Quỳ và Vũ Bằng có một người con trai là Vũ Hoàng Tuấn, nhà giáo, sau chuyển từ Hà Nội vào dạy tại Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh. Nay ông Tuấn đã nghỉ hưu tại quận Phú Nhuận.
Năm 1952, nhận sứ mệnh đặc biệt, Vũ Bằng "dinh tê" về Hà Nội, năm 1954, di cư vào Nam, để lại vợ và đứa con trai yêu quý ở Hà Nội. Năm 1956, bà Quỳ được tổ chức bố trí vượt sông Bến Hải vào Huế, rồi Vũ Bằng từ Sài Gòn ra Huế đón vợ vào, ở nhờ nhà bạn là Thượng Sỹ hơn một tháng. Khi bà Quỳ trở ra Bắc, ông Trần Văn Hội là chỉ huy trực tiếp của Vũ Bằng đã gửi báo cáo tình hình Sài Gòn trong đế giày bà Quỳ. Bà Quỳ chuyển báo cáo an toàn tới Trung ương.
Sau khi bà Quỳ ra Bắc một vài năm, Vũ Bằng lấy bà Phấn, nhỏ hơn ông mười lăm tuổi - là một cô gái miệt vườn, quê miền châu thổ sông Cửu Long lên Sài Gòn làm ăn, thường nấu cơm cho Vũ Bằng. Họ có với nhau sáu người con: ba trai, ba gái, sống nghèo khó tại căn nhà nhỏ dưới chân cầu Tân Thuận. Sau 30-4-1975 , bà Phấn bán cà phê, gia cảnh nheo nhóc. Vũ Bằng chết trong cảnh bệnh tật và thiếu ăn, thiếu thuốc chữa bệnh.
Suốt những năm ở Sài Gòn, Vũ Bằng lao động (viết văn, viết báo, biên tập, làm thư ký tòa soạn…) không mệt mỏi để hoạt động tình báo, để che mắt địch và nuôi vợ con. Xin dẫn ra đây một đoạn trích trong cuốn Mười khuôn mặt văn nghệ của Tạ Tỵ , Nam Chi xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn:
… "Khi nhìn thẳng vào đời sống của Vũ Bằng dưới mái nhà nhỏ bé bên chân cầu Tân Thuận, tự nhiên trong lòng tôi thấy xót xa. Tôi biết rõ hoàn cảnh và trường hợp ra đời cuốn Bốn mươi năm nói láo. Nếu Vũ Bằng không cần tiền để trang trải hộ sinh cho vợ đẻ và trả nợ thì còn lâu độc giả mới được nghe Vũ Bằng "nói láo". Chính vì cần tiền nên cứ vào khoảng 3 giờ sáng, Vũ Bằng một mình một bóng vừa viết Bốn mươi năm nói láo, vừa ngồi hứng từng chậu nước đổ vào bể chứa cho vợ nấu cơm và giặt giũ. Trời vừa hửng sáng, mặc quần áo đi làm, mang theo bản thảo. Buổi trưa đến cây xăng Cống Bà Xếp ngồi giữa hơi xăng và đống dầu mỡ mà viết, vì về nhà con còn nhỏ, la hét um sùm không viết nổi. Có lúc nhà in giục gấp quá, Vũ Bằng viết luôn tại nhà in, được trang nào đưa sắp chữ ngay trang ấy. Nhiều khi Vũ Bằng viết ở ghế đá công viên, nghĩa là chỗ nào và lúc nào anh cũng viết được, vì chữ nghĩa đã có sẵn, chờ dịp trút xuống. Trong đời, tôi được biết có hai nhà văn viết bản thảo một mạch ít khi sửa chữa. Đó là Vũ Bằng và Đào Trinh Nhất…".
Năm 1993, tôi hợp tác với Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin tái bản Bốn mươi năm nói láo. Sách phát hành được năm ngày, được dư luận văn học và báo chí ở thành phố Hồ Chí Minh nhiệt liệt hoan nghênh. Sách ra đúng dịp kỷ niệm ngày Nhà báo Việt Nam 21-6 năm ấy, nhiều tờ báo trích đăng nhiều chương trong cuốn Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng. Bỗng nhiên… chỉ có một hai ý kiến thôi, không có văn bản gì, sách đã bị giam trong kho không được bán suốt từ năm 1993 đến nay! Ở nơi chín suối, nếu biết được sự thể này, liệu Vũ Bằng còn viết như đã viết câu cuối cùng của Bốn mươi năm nói láo: "Người mẹ nào sanh ra con lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế, nhưng Mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với Mẹ: Nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!"?
Tôi thì tôi tin rằng niềm say mê của một người như Vũ Bằng là bất tử!
Cả cuộc đời say mê văn chương, cả một đời yêu nước thương nòi, vậy mà Vũ Bằng phải chịu quá nhiều oan ức, khổ đau! Thương thay một kẻ lữ hành suốt đời đơn côi ngay trên đất nước quê hương mình!
Khi thực hiện Tuyển tập Vũ Bằng, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc sưu tầm tác phẩm của Vũ Bằng. Rất may là chúng tôi đã được sự giúp đỡ tận tình của nhiều nhà văn, nhà báo, nhiều người thân và bạn bè của cố nhà văn Vũ Bằng. Nhờ thế, Tuyển tập Vũ Bằng đã ra mắt bạn đọc. Nhân đây, chúng tôi chân thành cảm ơn các nhà văn, nhà báo, nhất là thân nhân của nhà văn Vũ Bằng, đã cung cấp tài liệu, giúp chúng tôi hoàn thành Tuyển tập này.
Là một nhà văn lớn, cũng như nhiều nhà văn lớn của Việt Nam , Vũ Bằng rất xứng đáng để được xuất bản Toàn tập. Còn rất nhiều truyện ngắn, truyện vừa, ký, phóng sự, phê bình văn học, sân khấu, điện ảnh… của Vũ Bằng in rải rác trên các báo từ những năm Ba mươi cho đến cuối những năm Bảy mươi mà chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm. Kính mong những người yêu mến Vũ Bằng, những người yêu thích văn học giúp chúng tôi tiếp tục sưu tầm tác phẩm của Vũ Bằng để một ngày không xa Toàn tập Vũ Bằng ra mắt bạn đọc!
Rút từ Tuyển tập Vũ Bằng, Tập I - Nhà xuất bản Văn học, năm 2000.