Khánh Phương (thực hiện) |
GS Trịnh Xuân Thuận nói chuyện với sinh viên
Đại học FPT hôm 8/12
Nhân dịp về
nước ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn Từ điển yêu thích bầu trời
và các vì sao của mình, và nói chuyện với sinh viên một số trường đại học
từ bắc vào nam về vật lý thiên văn, GS Trịnh Xuân
Thuận đã trả lời phỏng vấn củaTia
Sáng chung quanh những vấn đề gần gũi với ông.
- Trong các bài viết của Giáo sư, có thể thấy nổi bật hai vấn đề. Một, những gì nền khoa học của chúng ta có thể thực nghiệm và kiểm chứng chỉ là một phần rất nhỏ trong những bí ẩn mênh mông của vũ trụ. Như vậy, cá nhân ông có tin chắc vào những thành quả được công nhận trong thời điểm hiện tại của các nhà khoa học hay không?
- Tôi tin chắc chắn vào những thành tựu của các nhà khoa hiện nay. Vì đó không chỉ là kết quả nghiên cứu của một vài người, mà đã được kiểm chứng bằng nhiều phương tiện khoa học hiện đại, do nhiều người trên thế giới cùng thực hiện. Các vấn đề khoa học liên tục nảy sinh, và chúng ta phải tìm lời giải đáp, mà lời giải đáp sau sẽ bổ sung và chỉnh lý cho kết quả có trước. Khi Einstein phát minh ra thuyết tương đối, thì lý thuyết về trọng lực của Newton vẫn đúng, và Einstein vẫn công nhận công thức tính vận tốc ánh sáng, từ những nghiên cứu của Newton. Tuy nhiên một số định luật của Newton trở nên không còn đúng nữa. Theo tôi, chỉ có một cách ứng xử trước thế giới tự nhiên rộng lớn, vốn vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta, đó là làm sao để mọi người cùng cảm nhận được vẻ đẹp hài hòa, tuyệt diệu của tự nhiên, nơi mọi con người, bụi hoa hồng hay giọt nước đều có mối ràng buộc với nhau, và cùng nhau bảo vệ trái đất, chỗ trú ẩn duy nhất của chúng ta trong vũ trụ mênh mông. Chúng ta hãy tôn trọng tự nhiên bằng cách không ngừng làm đầy thêm hiểu biết của mình, bởi vì vũ trụ tồn tại trước hết là để cho một loài có khả năng nhận biết và thưởng thức nó, con người, hoặc không chỉ duy nhất con người, có khả năng đó.
- Đối thoại với thiền sư Matthieu Ricard, (sách Lượng tử và Hoa sen) ông thừa nhận sự khác biệt giữa quan niệm Phật giáo với vật lý thiên văn và lượng tử đương đại. Đó là Phật giáo nhìn sự tồn tại của vũ trụ trong dòng vận động vô thủy vô chung, còn khoa học coi vũ trụ có sự khởi thủy, có hiện tại và có một tương lai sẽ đến. Ông cũng thừa nhận sự hài hòa chặt chẽ và tinh tế vô cùng của vũ trụ theo những quy luật khoa học đã khám phá, không phải ngẫu nhiên, mà có quy luật tổ chức. Vậy đằng sau quy luật tổ chức này, liệu có một cơ cấu vận hành nào đó còn siêu việt hơn không?
- Tôi không thừa nhận có một cơ cấu vận hành siêu việt nào đó đằng sau quy luật tổ chức, kiểu như Chúa Trời hay Đấng tối cao. Quan niệm của tôi, quy luật tổ chức đó tồn tại là điều vốn dĩ, là bản tính diệu kỳ của sẵn có của tự nhiên.
- Albert Einstein cũng thừa nhận ý nghĩa khoa học của thế giới quan Phật giáo và cho rằng nó là triết học cổ đại duy nhất có khả năng đương đầu một cách chắc chắn với các vấn đề khoa học. Liệu có phải các nhà khoa học muốn tìm kiếm thêm một điểm tựa cho sự vững vàng trong những phát minh về vũ trụ, thông qua triết học cổ đại?
- Hoàn toàn không có việc khoa học muốn tìm thêm sự hỗ trợ bằng triết học cổ đại. Những điểm tương đồng giữa vật lý thiên văn, lượng tử với Phật giáo, chỉ là so sánh và liên hệ của một số nhà khoa học, với tư cách cá nhân. Ngay cả tôi cũng vậy. Còn sự dung hòa giữa quan niệm triết học cổ với khoa học, trong những ý tưởng đã từng đối kháng, tôi nghĩ hoàn toàn có thể. Sau khi thuyết Big Bang ra đời, các nhà khoa học tiếp tục đặt ra vấn đề có nhiều Big Bang đã xảy ra, nối tiếp nhau. Như vậy, rất gần gũi với quan niệm thế giới tồn tại không có khởi đầu và cũng không kết thúc của Phật giáo. Vấn đề là phải tìm cách chứng minh được nó.
- Theo quan niệm phương Đông, mỗi con người là một tiểu vũ trụ, tức là bao hàm những tính chất và trạng thái phổ rộng, cũng như tinh tế của vũ trụ “lớn”. Là nhà khoa học nghiên cứu vũ trụ, ông có phải tự mình “trở thành vũ trụ” với những vấn đề hiện tại của nó hay không?
- Tôi là con đẻ của các vì sao, và tất cả chúng ta đều như vậy. Tất cả những gì trong vũ trụ này (kể cả những đoá hồng, con người, cây cối, núi non, v.v…) đều được xác định bởi một loạt khoảng 15 hằng số vật lý (ví dụ như vận tốc ánh sáng, hằng số hấp dẫn, hằng số Planck, khối lượng của electron, điện tích của electron, v.v…) và những điều kiện sơ khởi (cụ thể như độ giãn nở ban đầu, tỷ trọng sơ khởi của vật chất, năng lượng, v.v…)
Những nhà vật lý đã xây dựng những vũ trụ ảo bằng cách thay đổi những hằng số vật lý và điều kiện sơ khởi này. Họ đã đi đến một kết luận khá sửng sốt: chỉ cần một thay đổi cực nhỏ trong những hằng số vật lý hay điều kiện sơ khởi, những tinh tú đã không thể hình thành, những nguyên tố nặng đã không được sản sinh và đời sống cũng như tri giác sẽ không bao giờ xuất hiện. Đại bộ phận của cái vũ trụ bao la này sẽ cằn cỗi vô sinh không có cả một con người nhìn ngắm nó. Sự hoà điệu này được biết là cực kỳ chuẩn xác. Tôi không thấy có khoảng cách nào giữa vũ trụ và bản thân.
- Theo Giáo sư, ngành vật lý thiên văn ở Việt Nam nên phát triển theo mô hình nào cho phù hợp hoàn cảnh hiện nay, khi ở các trường đại học còn chưa có cả kính thiên văn và thầy giáo giảng dạy môn này? Ông nhận định thế nào về hiệu quả của phòng thí nghiệm tia vũ trụ Auger do GS Pháp Pierre Darriulat làm cố vấn?
- Phòng thí nghiệm tia vũ trụ Auger ở Việt Nam hoạt động rất tốt, tôi biết rõ. Nó nghiên cứu vũ trụ bằng việc phân tích các tia, thay vì dùng kính thiên văn. Khảo sát các tia vũ trụ cũng cho kết quả về sự hình thành và chết đi của các thiên hà, ngôi sao. Đây là dự án viện trợ của Mỹ và Tây phương cho Việt Nam và một số nước khác. Tôi nghĩ, khoa học thiên văn của Việt Nam không thể trông chờ chỉ vào những dự án viện trợ. Nó là một trong những ngành khoa học cơ bản mà nhà nước cần có chiến lược đầu tư. Trước hết phải thành lập các phòng thí nghiệm quy mô vừa và nhỏ, có trang thiết bị đủ điều kiện cho nghiên cứu, và gửi các sinh viên xuất sắc đi đào tạo ở nước ngoài, các em phải sử dụng tốt tiếng Anh. Trong công việc, tôi chưa tiếp xúc với một giáo sư nào đến từ các nước ASEAN, như vậy có nghĩa là môn vật lý thiên văn ở các nước trong khu vực cũng chưa được phát triển.
- Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe, an lạc để tiếp tục con đường nghiên cứu vũ trụ cũng như con người.
Tôi nghĩ, Nhà nước ta nên có
chính sách chiến lược đào tạo và phát triển khoa học cơ bản. Trước hết, vì khoa
học cơ bản là xương sống của mọi ngành khoa học công nghệ và ứng dụng khác, mà
hiện giờ chưa được quan tâm thích đáng ở Việt Nam. Thứ hai, chỉ có nghiên cứu
khoa học cơ bản mới tạo ra được những bộ óc lớn, tạo ra tư duy khoa học cho mọi
vấn đề cần thiết để phát triển đất nước. Không thể phát triển và phồn vinh bằng
việc chỉ du nhập những giải pháp công nghệ lặt vặt, thực chất là đã lỗi thời, từ
các nước tiên tiến, đem về sử dụng. Đó là những thứ sẽ hủy hoại nguồn vốn và môi
trường nhiều nhất. GS Trịnh Xuân Thuận |