HỆ THỐNG LỊCH SỬ GIỐNG NGƯỜI
TRẦN ĐỨC THẢO (1917-1993)
I
Lênin nói: “Nhận thức của con người đào sâu các sự vật, hiện tượng, quá trình, v.v… từ hiện tượng đến bản chất và từ cái bản chất ít sâu đến cái bản chất sâu hơn… từ cái bản chất có thể gọi là hàng một đến cái bản chất hàng hai v.v… và đi sâu vô hạn (Bút ký triết học, tiếng Nga, tr. 203 và 227).
Vận dụng phương pháp luận của Lênin vào vấn đề hệ thống lịch sử giống người, chúng ta có thể nói rằng cái hệ thống giống người trong lịch sử bao hàm nhiều hàng. Giống như những tầng lớp địa chất học, hàng trên là mới nhất, hàng dưới là di sản của thời xa xưa. Cũng có chỗ khác với những tầng địa chất, là cái bản chất hàng dưới vẫn hoạt động thông qua hàng trên.
Nói hoạt động thông qua, thì có nghĩa rằng các hàng bản chất xây dựng lên nhau, thì bao giờ cũng liên hệ hỗ tác với nhau, không có vấn đề tách rời theo lối siêu hình. Con người là một hệ thống, thống nhất biện chứng nhiều phân hệ, tức là nhiều hàng bản chất riêng, liên hệ hỗ tác với nhau từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới, do đấy mà tất cả những cái riêng liên hệ với nhau như thế thì cấu thành cùng một cái chung cụ thể, cái hệ thống chung của con người. Như Lênin nói: “Cái riêng chỉ có thể tồn tại trong sự liên hệ đưa đến cái chung. Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng”. (Bút ký triết học, tr. 318).
Tức là trong con người, những hàng bản chất riêng (từ trên xuống dưới là: bản chất giai cấp, bản chất con người tiền giai cấp, bản chất sinh vật học, bản chất lý hóa) chỉ có thể tồn tại trong sự liên hệ hỗ tác toàn diện với nhau đưa đến cái chung cụ thể, là hệ thống con người. Và cái hệ thống chung này là con người cụ thể, cũng chỉ tồn tại trong và thông qua những hàng bản chất như thế liên hệ hỗ tác với nhau từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới. Đấy là quan điểm biện chứng duy vật lịch sử về con người và giống người, xuất phát từ lịch sử thiên nhiên lên lịch sử xã hội giống người, và tiểu sử mỗi con người cá nhân.
Vận dụng phương pháp biện chứng duy vật, để xem xét sự phát triển của thế giới, chúng ta thấy rằng từ hơn 3 tỷ năm nay, sự xuất hiện của sinh vật trên mặt đất có nghĩa rằng vật chất ở bậc lý-hóa đã tiến lên một bậc cao hơn, tức là bậc sinh học. - Trong sinh vật thì dĩ nhiên những quy luật lý hóa vẫn hoạt động nhưng chỉ hoạt động trong phạm vi những quá trình sinh sống. Như thế là chúng phải chịu sự thống trị của những quy luật cao hơn tức là quy luật sinh học.
Ăng-ghen nói: “Chủ nghĩa duy vật ở thế kỷ trước thì chủ yếu là có tính chất cơ học… Nó chỉ biết áp đặt cái mẫu hình cơ học vào những quá trình mà bản tính là hóa học và sinh học trong ấy những quy luật cơ học dĩ nhiên vẫn hoạt động, nhưng lại bị những quy luật khác cao hơn đẩy lùi về phía sau ở dưới (Hingtergrund), bình thường là ‘phía sau’ nhưng ở đây, đối lập với ‘những quy luật cao hơn’ thì có nghĩa là ‘phía sau ở dưới’.” (Ăng-ghen, Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức).
Cũng theo quan điểm biện chứng duy vật của Ăng-ghen ở đây, thì chúng ta có thể nói rằng trong con người dĩ nhiên những quy luật lý hóa sinh vẫn hoạt động, nhưng chúng lại bị những quy luật cao hơn, đặc thù của con người, tức là những quy luật liên hệ xã hội và tâm thần, đẩy lùi về phía dưới. Nói rằng những quy luật liên hệ xã hội và tâm thần là cao hơn những quy luật lý hóa sinh, thì có nghĩa rằng những quy luật lý hóa sinh là nền móng thiên nhiên của những quy luật xã hội và tâm thần.
Trong bài Về vấn đề xây dựng khoa tâm lý học Mác-Lênin (Tạp chí Cộng sản, 6/1989) và bài Biện chứng của ý thức (Đổi mới, 5/6/1989, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), tôi đã trình bày rằng lao động sản xuất và tiếng nói của đời sống thực tế ở thời khởi nguyên đã sinh ra hoạt động ý thức tâm thần. Như thế là thành hình con người đầu tiên với tư cách con người.
Cụ thể thì bản thân cái quá trình lao động sản xuất tự phát trong cái tập đoàn người đầu tiên, - homo habilis, - với cái nội dung biểu diễn và những âm chỉ hiệu tự phát của nó, thì đã có chức năng là một “tiếng nói của đời sống thực tế” (Mác, Hệ tư tưởng Đức, Dietz-Verlag, tr. 22). Cái “tiếng nói” khách quan này tự nó lại lặp lại trong đầu óc những người sản xuất, do đó mà trở thành một quá trình biểu hiện gọi nhau bên trong giữa cái hình ảnh thân thể bản thân với cái hình ảnh xã hội bên trong. Ở đây phải dùng tính từ xã hội, vì cái tập đoàn người đầu tiên, một khi đi vào sản xuất tự phát và tiếng nói của đời sống thực tế thì mặc nhiên đã bước đầu xây dựng cho mình tính chất xã hội.
Như thế là sinh ra một sự trao đổi biểu hiện gọi nhau bên trong đầu óc những người sản xuất. Những hình ảnh biểu hiện gọi nhau bên trong như thế thì phản chiếu lẫn nhau giữa cái hình ảnh thân thể bản thân với cái hình ảnh xã hội bên trong. Như thế là cái hình ảnh thân thể bản thân đương biểu hiện gọi nhau với cái hình ảnh xã hội bên trong, thì lại tự phản chiếu từ cái hình ảnh xã hội này, tức là nó có một hình ảnh phản chiếu của nó đi cùng với nó, với tư cách hình ảnh của hình ảnh. Tức là thông qua sự phản chiếu từ cái hình ảnh xã hội bên trong, thì cái hình ảnh thân thể bản thân đi đôi với cái hình ảnh phản chiếu của chính bản thân nó. Như thế là nó luôn luôn gấp đôi hình ảnh bản thân nó thành hai hình ảnh đối xứng với nhau, - và cả hai hình ảnh như thế đều là hình ảnh của hình ảnh của bản thân mình. Kết quả là hai hình ảnh đối xứng trao đổi biểu hiện gọi nhau. Điều ấy có nghĩa rằng cái hình ảnh thân thể bản thân luôn luôn biểu hiện tự gọi mình trong cái hình ảnh đối xứng của mình, và chính đấy là cái mình sinh thức: mình luôn luôn biểu hiện tự gọi mình theo hướng tiến tới tác động vào đối tượng bên ngoài của sự lao động xã hội.
Kết quả là mọi người, từ sự trao đổi bên trong giữa hình ảnh thân thể bản thân với cái hình ảnh xã hội bên trong thì lại tự mình biểu hiện gọi nhau với người khác trong cái tập đoàn xã hội nguyên thủy. Tức là mọi người tăng cường liên hệ tác động lẫn nhau từ cái mình sinh thức, phát triển khai thác, sử dụng môi trường thiên nhiên. Sự phát triển của những biểu hiện gọi nhau như thế làm cho những liên hệ tự phát tác động lẫn nhau giữa những người sản xuất, lại tự thiết định thành quan hệ xã hội sở hữu hóa thiên nhiên trong sự sản xuất, tức là quan hệ sản xuất xã hội. Mác nói: “Xã hội là gì dù hình thái của nó ra sao? Xã hội là sản phẩm của sự tác động lẫn nhau giữa những con người” (Thư gửi Annekov, 28/12/1846).
Sự phát sinh đời sống tâm thần từ sinh thức tiến lên thành hệ thống ý thức, xuất phát từ lao động sản xuất và tiếng nói của đời sống thực tế, tạo nên quan hệ sản xuất xã hội ở thời khởi nguyên, thì chính là nội dung cơ bản của sự phát sinh con người đầu tiên với tư cách con người 3 triệu năm trước đây. Lúc bấy giờ như thế là rõ ràng đã có một bước tiến nhảy vọt từ thấp lên cao, trung giới hóa một bậc mới, cao hơn hệ thống sinh vật. Cái bậc mới này phát triển thành hệ thống con người. Dĩ nhiên trong con người, những quy luật lý hóa sinh vẫn hoạt động và làm nền tảng cho sự vận động tâm thần. Cụ thể thì sự vận động thần kinh, là đoạn hữu hiệu nhất của sự vận động sinh vật, tạo nên, trên cơ sở sự lao động sản xuất tự phát và tiếng nói của đời sống thực tế, tức là quan hệ xã hội đầu tiên, sự trao đổi biểu hiện gọi nhau trong đầu óc giữa cái hình ảnh thân thể bản thân với cái hình ảnh xã hội bên trong. Những hình ảnh biểu hiện gọi nhau trong đầu óc như thế dĩ nhiên là hình ảnh thần kinh, tức là hình ảnh phản xạ. Chúng luôn luôn phản chiếu lên nhau, do đấy mà cái hình ảnh thân thể bản thân có cái hình ảnh của nó phản chiếu về nó và đi đôi với nó. Như thế là nó luôn luôn biểu hiện tự gọi mình trong cái hình ảnh đối xứng của mình, và đây là cái mình sinh thức ngang bằng với bản thân mình.
Những hình ảnh liên hệ hỗ tác với nhau như thế đều xuất thân là hình ảnh thần kinh (phản xạ) trên cơ sở xã hội, nhưng khi sự vận động liên hệ đạt tới cái mình sinh thức, thì nó có thêm một chất lượng mới là chất lượng sinh thức. Cái chất lượng này là mới ở chỗ cái hình ảnh thân thể bản thân lại vận động gấp đôi, đối diện với bản thân mình, tức là tự thấy mình như trong tấm gương: như thế là sinh thức.
Tức cái hình ảnh sinh thức là xuất phát từ sự vận động hình ảnh phản xạ trong sự trao đổi phản chiếu lẫn nhau giữa cái hình ảnh thân thể bản thân với cái hình ảnh xã hội bên trong. Do đấy thì từ gốc, nó là hình ảnh thần kinh trên cơ sở xã hội. Nhưng đồng thời nó lại tiến lên cao hơn, do nó gấp đôi bản thân mình, tức là tác động kích thích hai lần vỏ óc, làm cho vỏ óc sản xuất được nhiều năng lượng thần kinh hơn. Như thế là sinh ra một thặng dư năng lượng thần kinh, tức là năng lượng tâm thần (énergie psychique).
Đồng thời, trong sự trao đổi biểu hiện gọi nhau giữa các hình ảnh thân thể bản thân với cái hình ảnh xã hội bên trong, thì cái hình ảnh xã hội này tự chiếu vào cái mình sinh thức. Do đấy thì mình lại thấy mình đồng nhất với cái hình ảnh xã hội bên trong của mình. Tức là thông qua cái hình ảnh xã hội này, thì con người nguyên thủy thấy mình thống nhất với cái xã hội cộng đồng nguyên thủy hiện thực “có sự sinh tồn chủ quan-khách quan của mình trong ấy” (Mác). Đồng thời cũng thông qua cái hình ảnh bên trong của cái cộng đồng đương sản xuất, thì cái mình sinh thức lại thống nhất với cái hình ảnh bên trong của đối tượng lao động xã hội của mình. Như thế là do sự đồng nhất hóa giữa ba hình ảnh bên trong của sự vận động sinh thức trong kinh nghiệm sản xuất tập thể và tiếng nói của đời sống thực tế, thì con người nguyên thủy coi đối tượng lao động, tức là cái địa bàn đất đai, cùng với cái tập đoàn xã hội cộng đồng ngoài mình:
“Như cái gì thuộc về mình, cái gì của mình… như tiền đề tự nhiên của bản thân mình, giống như thân thể của bản thân mình kéo dài ra ngoài mình. Theo nghĩa chính xác, thì không phải là con người đứng bên ngoài mà cư xử với những điều kiện của sự sản xuất của nó như thế, mà chính là nó sinh tồn theo hai tư cách: một là chủ quan với tư cách bản thân nó, hai là khách quan trong đôi điều kiện tự nhiên ngoài nó của sự sinh tồn trong nó. Đôi điều kiện tự nhiên của sự sản xuất như thế là:
1. Sự sinh tồn của con người với tư cách thành viên của một cộng đồng;
2. Thái độ của con người đối với địa bàn đất đai, thông qua cộng đồng mà coi đất đai như là của mình, quyền sở hữu đất đai là chung, đồng thời có quyền sử dụng riêng cho cá nhân, hoặc chỉ có quả thực là được chia.
Quyền sở hữu nguyên thủy như thế thì có nghĩa là thuộc vào một… cộng đồng nguyên thủy, có sự sinh tồn chủ quan và khách quan của mình trong ấy, và thông qua thái độ của cái cộng đồng ấy coi đất đai như là cái thân thể vô cơ của mình, thì cá nhân cũng có thái độ với đất đai, coi địa bàn đất đai như tiền đề của cá tính của mình, như phương thức tồn tại của cá nhân mình” (Mác, Gründrisse, tr. 391-392).
Tóm lại, cái hình ảnh xã hội bên trong đồng nhất với cái mình sinh thức, thì lại nhập cả cái hình ảnh bên trong của địa bàn đất đai cộng đồng vào nội dung sinh thức, và như thế là cá nhân thấy cái tập đoàn xã hội cùng với cái địa bàn đất đai cộng đồng ngoài mình “như là cái gì thuộc về mình, cái gì của mình… như tiền đề tự nhiên của bản thân mình, giống như thân thể của bản thân mình kéo dài ra ngoài mình”. Chính đấy là cái quá trình sở hữu hóa địa bàn đất đai trong cái tập đoàn xã hội cộng sản nguyên thủy, luôn luôn tái diễn trong cái hình ảnh sinh thức, liên hệ cá nhân với xã hội và địa bàn thiên nhiên trong sự sản xuất nguyên thủy, tạo thành một hệ thống quan hệ sản xuất xã hội cộng đồng gồm lao động sản xuất tập thể, phân phối, hưởng thụ bình đẳng, thống nhất cá nhân với xã hội, con người với thiên nhiên trong phạm vi nhỏ bé của cái cộng đồng địa phương.
Sự hoạt động sinh thức, biểu hiện gọi nhau toàn diện từ bên trong, là cái kích thích tâm thần tổng hợp làm cho vỏ óc tăng năng suất mạnh mẽ và sinh ra một thặng dư thần kinh dồi dào. Cái thặng dư thần kinh này tạo điều kiện cho hoạt động tâm thần nhảy vọt lên một bậc mới cao hơn. Nội dung của bậc mới này là cái mình sinh thức, thống nhất với cái hình ảnh bên trong diễn nghĩa xã hội và thiên nhiên, thì mặc nhiên tự đặt mình trong viễn cảnh của cái hình ảnh sinh thức rộng rãi của một thế giới hữu thức. Cái thế giới hữu thức thành hình như thế thì chính là sự trung giới phủ định theo nghĩa biện chứng cái phương thức thực tại trước, tức là xóa bỏ sự thống trị của cái hệ thống phản xạ thần kinh, và thay thế nó bằng sự thống trị của cái hệ thống tâm thần, trong ấy sự vận động phản xạ thần kinh vẫn tiếp tục, nhưng bị đẩy lùi về phía dưới, và trở thành nền tảng của hoạt động sinh thức và hữu thức. Đời sống tâm thần phát triển trên cơ sở phản ánh sự phát triển của những quan hệ sản xuất xã hội, thì những sinh thức và hữu thức cũ bị vận động của cái hình thái tâm thần mới đẩy lùi về phía sau ở dưới thành tiềm thức và vô thức.
II
Trong bài Về nguồn gốc của con người, tôi đã trình bày rằng theo những dữ kiện của khoa tập tính học hiện đại, thì đời sống tập thể là một ưu điểm căn bản trong sự lựa chọn tự nhiên, do đấy mà những giống loài động vật tập đoàn đã phát triển những phản xạ liên đới, tương trợ, đoàn kết. Đến trình độ khỉ tinh tinh, thì cái bản năng cá thể động vật đã yếu đi nhiều, và những vấn đề va chạm, cãi nhau, tranh ăn, v.v… giảm bớt một cách rõ ràng. Đặc biệt cái ghen tuông sinh dục đã được hoàn toàn giải quyết. Jane Goodall đã quan sát 7 con tinh tinh đực đủ các tuổi đứng xung quanh một con cái đương ở thời kỳ động dục, và lần lượt giao hợp rất yên ổn.
Những tài liệu quan sát gần đây cho hay rằng những cử chỉ liên quan với sinh dục, như ôm nhau, hôn nhau, v.v… được dùng để hòa giải sau khi đánh nhau, hoặc để tránh một tình trạng quá căng thẳng, có thể đưa đến xung đột. Ví dụ như ở vườn thú Arhem (Hà Lan) nhóm khỉ tinh tinh sống ở đấy, khi thấy người nuôi mang bữa ăn đến, thì ôm, hôn nhau, và như thế là tạo nên một bầu không khí hữu nghị, ngừa trước không để xảy ra tình trạng tranh ăn. Khoa tập tính học hiện nay đã chứng minh khá đầy đủ rằng những tập đoàn động vật nói chung có xu hướng ôn hòa, tương trợ nội bộ. Nếu không thì chúng cũng không thể nào sống sót trong điều kiện đầy nguy hiểm của rừng rậm hay đồng cỏ hoang vụ (Xem La Recherche số 210, tháng 5-1989). Lên đến khỉ Nam Phi, thì cái xu hướng ấy đã phát triển tối đa.
Sự chuyển hóa từ con vật tập đoàn lên con người mà “bản chất là toàn diện những quan hệ xã hội” (Mác) là một bước tiến nhảy vọt từ xu hướng ôn hòa tương trợ lên quy tắc ôn hòa tương trợ.
Ở trình độ khỉ tinh tinh, vấn đề ghen tuông sinh dục đã được hoàn toàn giải quyết, thì chế độ sinh dục trong xã hội đầu tiên, Homo habilis, tất nhiên phải là chế độ quần hôn. Còn lại vấn đề giữ ôn hòa trong bữa ăn. Vấn đề này cũng đã được giải quyết tương đối, một phần nào ở trình độ khỉ Nam Phi, mà chúng ta có thể coi như ngang hàng với những tập đoàn khỉ tinh tinh được người nuôi dưỡng ngày nay. Nhưng để giải quyết hoàn toàn thì phải chia đều thức ăn.
Trong những bộ lạc săn bắt còn sống sót đến nay, tức là ở trình độ ngang với thời đồ đá giữa, lệ chia đều thức ăn là căn bản. Nói căn bản, chứ không phải là hoàn toàn, vì còn phải chú ý đến những liên hệ giữa các thị tộc, gia đình, các nhóm trong bộ lạc.
Nhưng ở thời khởi nguyên trong cái cộng đồng địa phương biệt lập, gồm vài chục người khéo cùng làm ăn, thì sự chia đều phải là hoàn toàn. Nó xuất phát từ cái cơ cấu tâm thần đầu tiên của con người, tức là cái mình sinh thức ngang bằng với bản thân mình, do đấy thì cũng ngang bằng với những thành viên khác của cộng đồng trong cái hình ảnh xã hội bên trong. Sở dĩ là vì cái hình ảnh xã hội bên trong tự chiếu vào cái mình sinh thức, và như thế là cái mình sinh thức cùng với những hình ảnh của các thành viên khác của cộng đồng phản chiếu lẫn nhau, do đấy thì tất cả đều là chừng ấy mình sinh thức ngang bằng với nhau.
Đấy là thực chất của sự xã hội hóa con người đầu tiên. Trong quá trình thực tế, thì nó đã có điều kiện thuận tiện ở chỗ cái bản năng sinh dục đã mất tính chất ghen tuông động vật, do đấy mà những cử chỉ liên quan với sinh dục mang một chức năng mới là xây dựng đoàn kết, ôn hòa. Chúng ta có thể giả thiết rằng khi đi vào bữa ăn, những Người khéo đã có tập quán ôm hôn nhau, giống như nhóm tinh tinh mà nhà tập tính học Frans de Waal đã chụp phim ở vườn thú Arnhem. Đây là một phương pháp đoàn kết xã hội, để chuẩn bị ăn chia ôn hòa.
Tất nhiên, để đảm bảo chia đều, thì phải có một người phụ trách có uy tín.
Theo học thuyết của hai nhà bác học Liên Xô, Wagner và Tikh, thì chế độ xã hội đầu tiên là mẫu quyền. Điều ấy có thể suy luận từ sự tiến hóa của những tập đoàn khỉ, trong ấy có hai đường lối. Đường lối đực là đường lối ngôi thứ thống trị. Đường lối cái là đường lối tương trợ, dân chủ, bình đẳng.
Những con đực chăm lo tranh quyền giành lợi với nhau chiếm ngôi thứ, bằng cách đánh nhau hoặc uy hiếp nhau, phô trương thế lực.
Trái lại, những con cái giúp đỡ lẫn nhau trong việc trông nom con nhỏ, bảo vệ con và bảo vệ lẫn nhau, nuôi con giúp nhau. Có quan hệ mật thiết và lâu dài giữa khỉ mẹ với con gái. Đến khi con gái cũng đẻ con, thì bà có thể cho cháu bú, để đỡ cho mẹ của nó. Giữa khỉ cái với nhau, cũng có ít nhiều ngôi thứ nhưng không rõ ràng và nặng nề như giữa khỉ đực. Cái xu hướng chung của nhóm khỉ cái trong tập đoàn là tranh thủ lối sống ôn hòa, dân chủ: đấy là đường lối cái.
Như thế thì khi cái tập đoàn người đầu tiên lên xã hội người đầu tiên nhờ lao động sản xuất tập thể, thì cái xu hướng ngôi thứ thống trị đã giảm đi, và cái xu hướng bình đẳng, dân chủ đã phát triển, do nhu cầu đoàn kết trong sản xuất. Tức là đường lối nữ ngày càng thắng thế. Những người đàn ông hay dùng bạo lực, để tranh giành ngôi thứ quyền lợi, thì càng ngày càng mất uy thế trước quần chúng lao động. Kết quả là phái nữ, do những bà mẹ có uy tín đứng đầu, đã thiết lập chế độ mẫu quyền trong cuộc Cách mạng đầu tiên của giống người, phủ định cái di sản tiêu cực của thời động vật (Nina Alexandrovna Tikh, Tiền sử của xã hội).
Chức năng quan trọng nhất của bà bảo mẫu là bảo quản thực phẩm, và chia đều trong bữa ăn.
Ở nước ta thời nguyên thủy đã để lại truyền thống thờ Bà Hỏa, tức là bà mẹ ngồi làm bếp và chia ăn công bằng bình đẳng cho cả nhà.
Chế độ mẫu quyền bảo đảm hoàn toàn cho những quan hệ quần hôn tiến hành một cách ôn hòa.
Mấy chục năm trước đây, một số tác giả (Youry Semeno,…) đã đặt vấn đề về những kết quả xã hội có thể sinh ra từ tình hình dân số ở thời đồ đá cũ.
Trên thực tế thì giả thuyết về tỷ số giữa nam với nữ ở thời ấy chỉ dựa vào một số rất ít xương thạch hóa. Số lượng này bây giờ có nhiều hơn gấp bội và cần phải chờ đợi những kết quả phân tích của các nhà chuyên môn. Hiện nay về vấn đề ấy chưa có một dữ kiện nào chắc chắn.
Sao chăng nữa, trong chế độ mẫu quyền, thì vấn đề tỷ số giữa nam với nữ không có gì quan trọng. Nếu có nhiều nam hơn nữ, thì cái kết quả chỉ là chính thức hóa quan hệ đa phu.
Trong thời gian gần đây, hãy còn một số bộ lạc đa phu, ví dụ như ở Bắc Ấn Độ, Nigeria v.v… Một người đàn bà có thể có vài ba chồng.
Tóm lại, trong suốt thời kỳ đồ đá cũ dưới, tức là suốt thời kỳ phát triển giống người từ Người khéo đến Người khôn, thì không có vấn đề đấu tranh trong nội bộ cái cộng đồng địa phương. Mâu thuẫn giữa cá nhân với xã hội là hoàn toàn thống nhất trong giới hạn vài chục người cùng làm cùng ăn, có quyền sinh dục tự do, tạo nên những đôi lứa tự nguyện nhất thời. Nếu trong các cộng đồng địa phương, số nam nhiều hơn số nữ thì hình thức hôn nhân đa phu là bình thường và tất yếu.
Tóm lại chế độ mẫu quyền bảo đảm sự yên ổn trong quan hệ sinh dục tự do cũng như trong bữa ăn chia đều.
Mặt khác đấu tranh xã hội phát triển giữa các tập đoàn cộng đồng địa phương độc lập đối với nhau. Đặc biệt với sự phát triển của sức sản xuất ở Người đứng thẳng - Homo erectus - chiến tranh giữa những cộng đồng trở nên ác liệt, do động cơ xã hội. Cái cộng đồng càng đoàn kết bao nhiêu trong nội bộ, thì nó lại càng chiến đấu hăng hái với người ngoài bấy nhiêu, do sự vận động tâm thần phát triển thì lại kích thích mạnh mẽ hệ thần kinh sản xuất một thặng dư năng lượng thần kinh ngày càng dồi dào.
Những liên hệ hợp tác giữa những cộng đồng láng giềng xuất hiện vào cuối thời đồ đá cũ dưới, rồi phát triển thành liên minh cộng đồng địa phương trong thời đồ đá cũ giữa. Có thể là lệ ngoại hôn đã được thiết lập từ ngày ấy trên cơ sở mẫu quyền.
Đến thời đồ đá cũ trên thì những quan hệ hợp tác trao đổi giữa những cộng đồng địa phương sinh ra những bộ lạc đầu tiên. Những mâu thuẫn đối kháng trước đây giữa những tập đoàn địa phương chuyển thành mâu thuẫn thống nhất bên trong bộ lạc. Tức là chúng được giải quyết trong nội bộ bộ lạc bằng những lệ trao đổi phức tạp, đổi công, đổi quả, trao đổi thanh niên đi ở rể.
Đồng thời lại xuất hiện mâu thuẫn xã hội và chiến tranh giữa các bộ lạc. Đến cuối thời đá mới, đầu thời kim khí, những cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc, liên bang, liên minh bộ lạc, trở nên ác liệt và đưa đến chế độ nô dịch cổ đại, tức là công xã nộp cống, phục dịch, nông nô và nô lệ.
Ở thời khởi nguyên, chế độ mẫu quyền đã phát triển trên cơ sở ưu thế của nghề hái lượm của nữ giới đối với nghề săn bắt sơ kỳ của nam giới. Với cái gậy đào và cái gậy đập thì hái lượm có năng suất cao và đều đặn trong suốt năm. Trái lại, nghề săn sơ kỳ là bấp bênh: ngày được ngày không, và cũng chưa có cách gì giữ thịt lâu dài. Thực vật thì có thể bảo quản được. Tức là những ngày săn bắt về không, thì phía nam cũng chỉ có thể trông vào dự trữ thực vật của các bà bảo mẫu. Tình hình này kéo dài dưới nhiều hình thức cho đến thời đồ đá cũ trên, giữ vững cơ sở kinh tế của chế độ mẫu quyền.
Với sự xuất hiện của Người khôn khôn, Homo sapiens sapiens, nghề săn đã có kết quả ngang với nghề hái lượm. Do đấy thì bước đầu phía nam đã tỏ ra bất mãn với chế độ mẫu quyền. Phía nữ đã đáp lại bằng một hệ tư tưởng đề cao vai trò của người đàn bà trong sinh đẻ. Thời đồ đá cũ trên đã để lại rất nhiều tượng đá khắc bà mẫu với những khí quan sinh đẻ phóng đại. Đặc biệt tấm khắc ở Laugerie-basse biểu diễn một người đàn bà có thai nằm giữa hai chân sau của một con tuần lộc đương phóng tinh vào bụng chửa của bà ấy. Như thế có nghĩa rằng đàn bà sinh đẻ, là do thụ tinh của tuần lộc, chứ không phải là của ông chồng. Hay nói một cách khác, chỉ có mẹ sinh ra con, chứ chồng thì chẳng có công gì hết. Đấy là một vũ khí tư tưởng nhằm trấn áp tinh thần phái nam, phái này đòi tham gia quyền hành ngang với thu hoạch đã trở nên dồi dào của nghề săn.
Cái giai thoại phủ định vai trò của người đàn ông trong sự lưu truyền giống nòi, là rất phổ biến trong những bộ lạc còn sống sót cho đến gần đây. Phái mẫu quyền đặt vấn đề: Ai sinh ra ai?”, và vạch rõ: “Chỉ có đàn bà sinh ra đàn ông, chứ có ai thấy đàn ông sinh ra đàn bà?”. Những tượng thần mẫu sinh thần con trai đã có nhiều ở Cận Đông trong thời đầu kim khí.
Khi bộ tộc Do Thái tiến lên nhà nước thần quyền, do phát triển nhanh chóng nghề thủ công và nghề buôn, phái đại thương đã áp đặt một chế độ phụ quyền rất nặng nề, và khủng bố tinh thần phái nữ bằng một giai thoại ngược lại: “Chính đàn ông sinh ra đàn bà!”. Bằng chứng là Thượng đế đã nặn ra thân hình Eva từ một xương sườn lấy của Adam.
Tính ghen tuông sinh dục đã hoàn toàn mất đi ở giai đoạn cuối của sự tiến hóa của phân bộ khỉ, thì nó cũng không thể nào trở lại trong những quan hệ đôi lứa tự do, mà khi có nhiều đàn ông thì thành lứa đa phu, của xã hội mẫu quyền suốt thời kỳ đồ đá cũ. Đến thời đồ đá giữa và đồ đá mới, thì đây đó đã có một số ít trường hợp chuyển sang phụ quyền. Nhưng tối đại đa số bộ lạc vẫn là mẫu quyền. Và những bộ lạc phụ quyền thời ấy vẫn còn giữ một di sản mẫu quyền quan trọng, đặc biệt quyền tự do sinh dục trong những giới hạn nhất định. Cái di sản này bị phủ định, theo nghĩa biện chứng, do sự phát triển của nghề nông ở giai đoạn tiểu nông gia đình, ít nhiều kết hợp với thủ công cá thể.
Kinh tế gia đình cá thể đòi hỏi nhất thiết người vợ phải thường trực giữ nhà, tức là trung thành với chồng. Người chồng làm việc nặng nhọc trên mảnh đất gia đình, bảo vệ tài sản tư hữu, thì tất nhiên có cương vị làm chủ. Từ đấy sinh ra chế độ gia đình cổ điển: một chồng một vợ - cũng có thể vài ba vợ, nhưng nhất thiết chỉ có một chồng và vợ phải trung thành với chồng, thì mới giữ được nhà.
Với những quan hệ hôn nhân cổ điển trong nền tiểu sản xuất như thế, thì sự ghen tuông sinh dục lại tái diễn, nhưng với nội dung tâm thần phát triển trên cơ sở xã hội và nền tảng sinh vật học của hệ thống con người cá nhân.
Tóm lại trong lịch sử xã hội giống người, đặc điểm của thời cộng sản nguyên thủy là sự đoàn kết nội bộ trong những tập đoàn nhỏ, mà hình thái phát triển tối đa là cái bộ lạc. Đồng thời giữa các cộng đồng độc lập với nhau thì chiến tranh là bình thường, xuất phát ngay từ những lực lượng xã hội người phát triển trong mỗi cộng đồng riêng biệt.
Do đấy mà cái di sản văn hóa của xã hội cộng sản nguyên thủy có hai mặt: mặt căn bản là những giá trị tích cực của nhận thức tình cảm, của đạo đức và thẩm mĩ xây dựng trong sự phát triển mở rộng của những sức sản xuất và quan hệ xã hội tiến lên từng bước từ Người khéo đến Người khôn và đi vào đời sống hướng lên văn minh. Mặt khác là những tượng hình đối kháng ác liệt xuất phát từ sự hạn chế tất yếu của cái hình thể xã hội ấy, làm cho nó hướng theo con đường đi tới nhường chỗ cho một hình thể xã hội cao hơn, tức là nhường chỗ cho một hình thể đầu tiên của xã hội văn minh thời cổ đại, là hình thể hàng hóa nô dịch.
III
Trẻ em nhi đồng vào năm thứ hai thì thực hiện được tiêu chuẩn hoạt động của khỉ tinh tinh, và đến 14 tháng thì bắt đầu chỉ trỏ, tức là đi vào trình độ tinh tinh đã được giáo dục, mà chúng ta có thể coi như ngang với khỉ Nam Phi, tức là ngang với trình độ tổ tiên trực tiếp của giống Người. Đến 15 tháng, đứa bé bắt đầu nói vài bốn từ và phát triển những chỉ hiệu nhằm tới sự vật vận động bên ngoài. Đấy là trình độ của Người khéo, tức là trình độ của tiếng nói của đời sống thực tế diễn lại trong trí óc thành biểu hiện gọi nhau bên trong giữa cái hình ảnh thân thể bản thân với cái hình ảnh xã hội bên trong, hướng tới tác động vào sự vật bên ngoài. Những biểu hiện gọi nhau bên trong như thế phát triển cái hình ảnh thân thể bản thân thành đôi hình ảnh đối xứng của cái mình gọi mình trong cái hình ảnh tự phản chiếu của mình. Những biểu hiện gọi nhau từ cái mình sinh thức như thế thì tập hợp thành những hình ảnh phát ra thành âm nghĩa hữu thức trong những từ đầu tiên.
Cái mình sinh thức tự biểu hiện rõ ràng vào 18 tháng, khi đứa bé nói: “Không!”. Tức là nó bác bỏ một hình ảnh làm mất thăng bằng giữa mình với bản thân mình. Ví dụ như sau khi nó được giáo dục vệ sinh, mà lại thấy cái chiếu ướt, nếu người ta hỏi có phải nó làm thế không, thì nó đáp lại: “Không!”. Như thế có hai mặt: một là phủ định sự vi phạm cái kỷ luật vệ sinh đã được học. Hai là xác nhận giá trị của cùng cái kỷ luật ấy trong cộng đồng gia đình, tức là hứa hẹn sau này sẽ không vi phạm nữa. Cái “không” như thế là sự tự khẳng định của cái mình sinh thức đối lập với cái gì từ bên ngoài làm lệch sự thăng bằng bên trong với bản thân mình. Đấy là bước mở đường cho tiến trình xây dựng cái hình ảnh hữu thức của thế giới khách quan, cái “thế giới của mình”.
Đến 19 tháng, đứa bé đi vào xây dựng cái hình ảnh thế giới như thế bằng cách kết hợp hai từ. Tức là:
1) Nó nói hai vật liên hệ với nhau, ví dụ: “Thỏ hòm” - con thỏ rơi đằng sau cái hòm.
2) Nó nói một vật đương vận động: “Mèo đi”.
3) Hoặc sự vận động đẩy một vật: “Đi mèo”.
Tức là đứa bé nhận thức (hoặc quyết định) sự liên hệ giữa cái này với cái kia, và hai mặt của sự liên hệ: một là cái này liên hệ (bằng tác động hay vận động). Hai là liên hệ với cái kia (bằng tác động hay vận động cái kia).
Ở đây đã bước đầu xuất hiện trong một phạm vi rất sơ khai nội dung của nguyên lý về sự liên hệ toàn diện giữa các sự vật đưa đến thế giới là cái hệ thống chung của toàn thể các sự vật. Nói một cách khác, đứa bé đã đi vào xây dựng cái hình ảnh hữu thức của thế giới khách quan, xuất phát từ cộng đồng gia đình và địa bàn thiên nhiên trước mắt.
Tức là nó xây dựng cái hình ảnh thế giới của mình. Do đấy thì cái mình sinh thức của nó cũng được củng cố thành mình hữu thức, mà nó tự gọi: “Bé”. Đấy là cái mình tự tin.
Đến khi cái mình tự tin ấy bị lay chuyển từ bên ngoài, mà khó lấy lại được sự thăng bằng với bản thân mình (“Chính mày đái dầm đấy mà!”) thì sự tự tin chuyển thành tự ái rồi tự ti, hoặc tự cao tự đại. Như khi đứa bé đổ lỗi cho ông nội (tự ti) hay con mèo (tự cao). Cũng có thể nó ôm bố hay mẹ, thì nó lấy lại được sự thăng bằng với bản thân mình, và cái mình tự tin phát triển thành tự trọng, tự hào.
Từ giữa năm thứ hai, nếu đứa bé bị xúc phạm tự ái nghiêm trọng, mà không có cách gì giải quyết thì có thể sinh ra một phản ứng tạo nên bệnh chán ăn (Aorexia). Thân hình đứa bé trở nên gầy còm mà cha mẹ, anh chị vẫn không nhận ra nguyên nhân là đã không kể gì đến cái nhân cách mới sinh nở của trẻ em. Có trường hợp bệnh nhân nhi đồng chết, vì không ăn được.
Dĩ nhiên nhu cầu ăn là xuất phát từ cái nền móng sinh vật của con người. Nhưng nó phải thông qua cái mình sinh thức, thì mới biểu hiện ra được thành hoạt động thích hợp. Nếu cái mình bị mất thăng bằng một cách quá nghiêm trọng, thì nó không thể phát ra đầy đủ những tiếng gọi sinh thức để kích thích vỏ óc và hệ thần kinh, và như thế là hoạt động phản xạ không có đủ năng lượng thần kinh, để thực hiện bình thường những chức năng của sự sống.
Con người là con vật duy nhất có thể tự sát. Ở đây đứa bé bị xúc phạm tự ái đến nỗi mà nó không nhận ra mình nữa trong cái hình ảnh sinh thức của bản thân mình, thì đã đi vào con đường tự sát.
Cũng theo nguyên lý về sự liên hệ hỗ tác lẫn nhau giữa thần kinh với tâm thần mà có thể giải thích vì sao những em bé bị bỏ rơi trong rừng và sống cô độc hoặc được một mẹ chó sói nuôi sống, rồi được phát hiện và đưa về xã hội, thì đến tuổi thanh niên và sau nữa cũng không bao giờ có hoạt động sinh dục. Sở dĩ như thế là vì hoạt động sinh dục đòi hỏi tiêu thụ một số năng lượng thần kinh dồi dào mà trong con người thì hệ thần kinh chỉ có thể sản xuất nhờ sự kích thích của tiếng gọi tâm thần xuất phát từ cái bản ngã, là hình thái phát triển của cái mình và cái tôi từ tuổi trẻ lên đến tuổi dậy thì.
Dĩ nhiên tiếng gọi sinh thức từ gốc của nó vẫn là vận động thần kinh, tức là vận động phản xạ. Nhưng ở đây cái vận động phản xạ mang một hình thái cao hơn, do nó tự nhân lên gấp đôi và gấp bội trong sự vận động phản chiếu lẫn nhau giữa cái hình ảnh thân thể bản thân với cái hình ảnh bên trong diễn nghĩa xã hội và địa bàn thiên nhiên. Giống như một người đứng giữa một hệ thống gương với những mặt cong ít nhiều khác nhau và phản chiến lẫn nhau, thì thấy mình trong một đám người mà những hình ảnh như thế có phần khác mình và khác nhau, nhưng nói chung là vẫn giống nhau như mình cả. Như thế là sinh ra một sự phấn khởi bên trong, do những biểu hiện gọi nhau hội âm trong cái mình sinh thức, kích thích vỏ óc và cả hệ thần kinh tăng cường sự sản xuất năng lượng thần kinh.
Tất nhiên sự vận động tự nhân lên của những hình ảnh sinh thức, do từ gốc của nó là vận động thần kinh, thì cũng tiêu phí một số năng lượng thần kinh nhất định. Nhưng sự tiêu phí như thế vẫn không là bao, so với số năng lượng thần kinh sản xuất thêm nhờ sự kích thích của những tiếng gọi sinh thức ấy và như thế là sinh ra một thặng dư năng lượng thần kinh. Cái thặng dư này lại trở lại đẩy mạnh sự vận động sinh thức, đồng thời nó cũng tăng cường sự hoạt động thân thể, làm cho con người phấn chấn. Cái thặng dư năng lượng thần kinh như thế chính là năng lượng tâm thần (énergie psychique).
Những em bé bị bỏ rơi trong rừng và sống sót cô đơn hoặc trong một đàn chó sói, thì hoàn toàn không biết nói, khi được phát hiện và đưa về xã hội tức là lúc bấy giờ chúng hoàn toàn không có đời sống tâm thần. Rồi chúng học nói rất khó khăn mà cũng không nói được nhưu người bình thường. Quan hệ xã hội mà chúng có thể tiếp thu được thì cũng rất đơn sơ và hạn chế. Sự vận động tâm thần thấp kém như thế không thể nào kích thích hệ thần kinh theo mức bình thường của con người. Do đấy mà đến tuổi thanh niên và cho đến hết đời, những đứa bé ấy không có đủ thặng dư năng lượng thần kinh cần thiết trong con người để hoạt động sinh dục.
Trẻ được nôi dưỡng bình thường trong gia đình, thì từ 15 đến 20 tháng, tức là ở tuổi ngang với Người khéo, thì nói được vài bốn từ cho đến vài chục từ kết hợp thành đôi, cùng với nhiều chỉ hiệu phong phú phác họa một hình ảnh hữu thức sơ bộ biểu hiện kêu gọi thế giới bên ngoài. Thế giới này, đứng đối lập với cái mình sinh thức, tự chỉ ra bằng tên gọi hữu thức của mình, như “Bé”.
Sự phát động tâm thần mới xuất hiện như thế thì kích thích vỏ óc và cả hệ thần kinh làm cho hệ thần kinh tăng năng suất, tạo nên được nhiều năng lượng thần kinh hơn, sinh ra một thặng dư năng lượng thần kinh tràn ngập. Như thế là phấn khích toàn diện thân thể, kể cả những bộ phận sinh dục chưa chín mùi. Do đấy mà trong một số trường hợp, ví dụ như khi đứa bé ngồi không một mình, không biết sử dụng cái thặng dư năng lượng thần kinh của nó ra sao, thì có thể đi đến những động tác sinh dục cục bộ, ngoại lệ có thể phát triển thành đồi bại. Điều ấy không xảy ra nếu không để đứa bé một mình.
Trong những xã hội tiền tư bản chủ nghĩa, trẻ em trong nhân dân có quan hệ tập thể ngay từ khi mới biết đi, thường xuyên chơi với trẻ hàng xóm láng giềng.
Trong xã hội nguyên thủy, các bàmẹ thay nhau cho bú và trong nom các con. Cái cộng đồng như thế là tạo nên quan hệ tập thể giữa các bà mẫu với đám trẻ con.
Vào 20 tháng, đứa bé đã biết hỏi tên của các sự vật: “cái gì?”, theo nghĩa: cái này là cái gì? Tức là nó đã có hình ảnh về hệ thống thế giới của mình, và sắp xếp mọi sự vật trong ấy theo tên của mỗi sự vật. Cái tên này nói lên cái khả năng tham khảo kinh nghiệm xã hội, mà đứa bé coi như của mình, tức là coi như xác nhận hệ thống thế giới của mình. Như thế là sự phát triển giáo dục tâm thần đã tiến nhảy vọt lên một bậc mới cao hơn, tức là bậc Người đứng thẳng (homo erectus).
Ở đây đứa bé phát triển những kết hợp hai từ thành ba hoặc bốn từ, và đến 24 tháng thì tổ chức cái hệ thống thế giới của mình bằng 3 đôi đề:
‘Có - Không’,
‘Được làm - Không được làm’,
‘Có thể có - Không thể có’.
Trên cơ sở như thế thì đầu năm lên ba, đứa bé xác định nội dung thế giới của mình bằng những câu ngữ pháp đơn giản, chưa có ngôi, như: ‘Mẹ đóng cửa’, ‘Bà ngồi ghế’, v.v…. Như thế là tiến nhảy vọt lên bậc Người khôn của thời đồ đá cũ giữa.
Trong năm lên ba đã xuất hiện ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai, dùng lẫn lộn với nhau: đứa bé chỉ bản thân nó và người đối thoại khi thì bằng ngôi thứ nhất, khi thì bằng ngôi thứ hai không phân biệt. Ngôn ngữ như thế đánh dấu trình độ phát triển quan hệ xã hội vào cuối thời đồ đá cũ giữa, với sự trao đổi giữa hai cộng đồng anh em liên minh thành một tiền bộ lạc.
Đến năm lên bốn thì đứa bé biết dùng đại từ ngôi: ‘tao, mày, nó’, tái diễn trình độ trao đổi quà giữa những thị tộc của một bộ lạc, là tổ chức xã hội của Người khôn khôn (Homo sapiens sapiens), người sáng tạo cái bộ công cụ rất phong phú của thời đồ đá cũ trên với những quan hệ bộ lạc là những quan hệ xã hội nguyên thủy phát triển nhất.
Truyền thống văn hóa giáo dục của thời nguyên thủy gồm những tượng hình đoàn kết, tích cực trong nội bộ xã hội cộng đồng nhỏ, đồng thời có những tượng hình đối kháng, ác liệt giữa những cộng đồng độc lập và đối lập với nhau. Cả hai mặt quan hệ xã hội như thế được truyền đạt cho mỗi thế hệ nhi đông, giáo dục cho trẻ em biết yêu, biết ghét, có thái độ thích hợp giữa ta, bạn và thù. Ta là nội bộ cộng đồng gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng. Con những người ngoài khả nghi hoặc làm hại thì coi như là thù, hoặc có thể là thù.
Nhưng trên thực tế thì cái cộng đồng gia đình ngày nay không có vai trò kinh tế như cái cộng đồng nguyên thủy, do đấy thì không phải là nó luôn luôn nhất quán đoàn kết như cái cộng đồng nguyên thủy. Tức là có thể có mâu thuẫn, cãi nhau, gườm nhau giữa cha với mẹ, anh với chị, người nhà với hàng xóm láng giềng. Thế là trẻ em có cảm tưởng như gia đình chia rẽ thành phe đối lập, xóm làng ghét nhau, v.v… Do những điều kiện trước mắt, đứa bé đi vào phe này hay phe kia, lẫn lộn ta, bạn và thù.
Từ đấy nội tâm đứa bé cũng sinh ra mâu thuẫn, chia rẽ, vừa yêu vừa ghét mọi người trong nhà, yêu bên này thì lại ghét bên kia. Nếu đứa bé lại có cảm tưởng như bị bỏ rơi thì nó dễ đi vào những cử chỉ tiêu cực, có khi hư hỏng.
Tóm lại những cảnh bất bình thường, tiêu cực trong sinh hoạt gia đình tạo nên tình trạng bất bình thường trong sự phát triển tâm thần của trẻ em, có khi phá vỡ sự thống nhất phản chiếu lẫn nhau giữa cái hình ảnh thân thể bản thân với cái hình ảnh xã hội bên trong, làm cho đứa bé không nhận ra mình trong cái hình ảnh sinh thức của bản thân mình. Đại khái như một người đứng giữa một hệ thống gương vừa lõm, vừa lồi quá đáng, thì đi vào tâm trạng bất bình thường vì không nhận ra mình trong cái rừng hình ảnh bóp méo của mình, có thể phản ứng lung tung, cuồng loạn. Trạng thái tâm thần như thế có thể lại những nét tiêu cực trong tính cách và nhân cách, khi đứa bé lớn lên.
*
* *
Những cuộc chiến tranh liên miên giữa các bộ lạc, liên bang và liên minh bộ lạc, đi đôi với sự phát triển buôn bán ở cuối thời đồ đá mới và đầu thời kim khí, đã trung giới hóa sự tiến nhảy vọt lên một bậc mới, cao hơn, của cái hệ thống lịch sử giống người. (…)
Mỗi giai đoạn lịch sử là xây dựng trên cơ sở di sản của xã hội cũ, trong ấy có những giá trị tiến bộ và cách mạng, đồng thời cũng có những hình thái tiêu cực. Nhưng cái mặt tiến bộ và cách mạng là căn bản, vì nó phát triển những thành tựu giá trị chân chính của hệ thống lịch sử giống người. Truyền thống lịch sử của giống người được giáo dục cho mỗi trẻ em từ tuổi nhi đồng lên tuổi thiếu nhi và thiếu niên. Do đấy mà mỗi thế hệ thanh niên đã có ít hay nhiều cái vốn văn hóa đã được tích lũy qua các thời đại trước, trong ấy cái mặt tích cực là căn bản và đã trở thành của chung của hệ thống giống người.
Cái hệ thống lịch sử giống người như thế là được xây dựng qua các thời đại từ thấp lên cao, từ cái nền tảng sinh vật lên thời đại ngày nay. (…) Như thế là ở mỗi thời đại cái hệ thống lịch sử giống người bao gồm những tầng lớp lịch sử xây dựng từ dưới lên trên, cũng như cái hệ thống con người cá nhân bao gồm những tầng lớp tâm thần được xây dựng lên trên nền tảng sinh vật của tuổi sơ sinh, qua các tuổi nhi đồng, thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên và cho đến tuổi đương thời.
Dĩ nhiên cái nền tảng sinh vật của hệ thống giống người là đứng trong cái hệ thống ấy, với tư cách là tầng lớp ở dưới, cũng như nó đứng trong hệ thống con người cá nhân cùng với tư cách như thế.
Trong mỗi hệ thống, tất cả là liên hệ hỗ tác từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới. Chính vì thế nên những nhu cầu sinh vật của con người là ngày càng cao và phức tạp hơn gấp bội so với con vật.
Xét trên hiện tượng bề mặt thì thấy rằng cái bản chất sinh vật là đứng trong con người. Nhưng đi sâu vào bên trong thì rõ ràng cái bản chất sinh vật chính là cái nền móng, tức là cái tầng lớp ở dưới, và nó biểu hiện lên bề mặt thông qua các tầng lớp xây dựng lên trên nó, tức là luôn liên hệ với những tầng lớp này.
Thành phố Hồ Chí Minh, 1-12-1989
Nguồn: http://viet-studies.info