Home » » SÀI GÒN TẠP PÍN LÙ-P11

SÀI GÒN TẠP PÍN LÙ-P11

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012 | 00:34

43.: Tổng luận chuyện: bà V.A., Ba Trà

Tôi viết mấy chuyện nầy, cốt ý là để quên buồn, và cũng muốn bổ túc quyển “Sài Gòn năm xưa” và nếu còn sống thêm ít tuổi, không biết chừng tôi sẽ viết tiếp những gì tôi biết về cảnh cũ trong nầy.

Trong câu chuyện, tôi thường viết tên thật của những nhân vật tôi không sợ búa rìu dư luận, vì tôi cho rằng những nhân vật nào đã mất, tức đã vào sử, miễn khi viết đừng có ác ý là được, việc xảy ra sao, tôi biết được là cứ viết, nếu có sai lạc là ngoài ý muốn, tôi chỉ muốn sao những gì tôi ghi lại đây, không là “tiểu thuyết hoá” và chỉ là sự thật hay gần như thật, và chỉ có vậy thôi.

Tài liệu tôi đã dùng, là những bài vụn vặt cắt trong sách báo cũ may còn giữ được, nay tôi lấy ra đọc và viết lại, như đã nói, cho đỡ buồn, tỷ dụ:

1) Chuyện 1 về bà V.A., là chuyện tôi thuật lại theo một bộ của ông Trần Thiện Thành đã viết từ năm 1916, tôi từng ghi chép nay dọn lại cho suôn sẻ, và tôi gọi đó là loại “viết phỏng theo” Pháp gọi: “à la manière de...”. Trong tủ sách của tôi, có một quyển Pháp văn, nhan là T.S.V.P. (petites histoires de ous et de personne) của đôi tác giả viết chung J. W. Bienstock và Cumonsky (Editions Grès). T.S.V.P. nên đọc là Toumez s’il vous plait (mới lật qua chương khác) và petites histoires de tous et de personne, tôi hiểu là “chuyện nhỏ vặt của chung mọi người mà cũng không cả một ai”, tức là của bá tánh, của vô danh, tôi xin lấy đó làm nòng cốt miễn đừng đạo văn là được.

2) Đến chuyện 2, về cô Ba Trà, tôi vần nói thêm nhiều. Cô nầy khi trước từng thuật chuyện của cô cho tôi ghi lại, sau đó tôi hay cô đã giao cho ông Trần Tấn Quốc đăng trên báo TIẾNG CHUÔNG năm 1952, dưới bút hiệu Thanh Quyền, Thanh Huyền, khi hay tin nầy, tôi thôi ghi, và nay cách ba chục năm sau, trong khi sách báo cũ hiện ít ai tàng trữ, hai ông Trần Thiện Thành và Văn Sen, tôi không tin tức, riêng cố nhân Trần Tấn Quốc, tôi biết hiện dưỡng nhàn nơi quê nhà là Mộc Hoá, cũng vô phương, xuống tới đó mà xin phép, nếu ngày nào những gì tôi viết đây lọt dưới mắt xanh, tôi tưởng cố nhân cũng không làm khó cho tôi làm chi, vì biết đâu khi xuất bản tập nầy, tôi còn nào ở trên nầy mà tranh luận. Xin ba ông miễn nhớ, ngày nào tập nhỏ nầy chào đời, thì công trước tác ba ông chưa phải mất. Về đoạn nầy, tôi viết theo điệu narration văn kể chuyện, nói sao viết vậy, không đẽo gọt, không cốt ý làm văn.

Tiếp theo tập Bên lề sách cũ (en marge des vieux livres) tôi viết tập nầy “cho qua ngày tháng”, cũng là một cách tưởng niệm tác giả “Trước đèn xem chuyện Tây Minh” - (Viết từ 9-6-1982 đến 24-8-1982, tức 18-4 nhuận đến 6-7 năm Nhâm tuất).

Vân Đường Phủ

Vào khoảng 1915-1945 thời Pháp thuộc, ruộng miền Nam trúng mùa liên tiếp, trong xứ tiền bạc dồi dào, nhưng cái hoạ ngấm ngầm phát sanh từ đó, duy chưa hiện ra rõ rệt. Hoạ tôi nói đây là hoạ đất cát nhà cửa ruộng vườn của cải, phần lớn đều chuyển sang tay khác, không ai cầu không ai muốn nhưng không sao tránh được, và cũng không phải một sớm một chiều sanh ra.

Và ai cười ai bây giờ?

Thằng bo bo giữ của cười thằng con hư phá sản, hay thằng phá sản không có gì để kê khai đăng ký, cười lại thằng giàu, không dám ăn không dám xài, mà nay tiền của bi tịch thu, thân bị đi cải tạo con trai chạy trốn, con gái thôi việc trau chuốt phấn son, cháu nội ngoại phải quét đường làm lao công, “tụi bây còn dại khờ hơn tao mấy lần, thà bán đất cầm nhà mà nay khỏi phải bận tâm khai báo, lại thêm được tiếng “tiến hoá sớm”, phe họ bần họ cố nông”. Ai dại hơn ai?

Tại sao khoảng ấy, 1915-1945, con sanh ra phần đông đều hư: trai hư theo trai, chuộng gái chơi bời có sắc hơn vợ nhà, cha mẹ cho đi ăn học phương xa, không lo trau giồi kinh sử, rủi thời cha mất, chỉ trông có tiền để cho gái, cầm cố bán mau bán lẹ, chê làm ruộng cực nhọc muỗi mòng, quen ăn sung mặc sướng sống ở thị thành xem hát, đi ăn cơm nhà hàng, nay xuống ruộng bùn đỉa, ai mà chịu thấu?

Trong khi ấy, gái hư theo gái, có chút nhan sắc, chê lấy chồng quê là phí đời hưởng nhan, giữ chữ trinh chữ hạnh, suốt đời gánh nước mướn chai vai, thổi bếp nấu cơm đã mất đẹp vì khói xông xốn mắt, bửa củi chai tay, sao bì con A con B, xuống chợ làm nghề rước khách, đã khỏi nhọc nhằn, lại được lên xe xuống ngựa, v.v...

Nguyên do những cái hư hèn ấy, oan hay ưng, tôi đổ tội cho quan thầy thời 1915-1945 đó là quan cai trị Pháp bất tài. Họ qua đây chỉ lãnh lương cho cao, ở nhà chỗ rộng, trông mau mau đến tuổi về hưu, lùi về xứ thưởng thức đồng tiền thuộc địa biến thành hưu bổng, việc giáo hoá, tuyên truyền rùm beng, mấy ông quả có dạy chữ mới, dạy cách trí phổ thông, nhưng ấy là đào tạo mớ “bồi Tây” làm mọi cho mấy ông, còn phần đạo đức, vẫn chê Khổng Mạnh là lỗi thời và phổ biến văn minh Tây phương của mấy ông là dạy con nghịch ý cha, vợ tranh quyền với chồng. và nếu tranh cãi không lại thì đã có luật sư biện hộ giúp!

Mấy ông có đào kinh phá rừng thật, nhưng luật “khẩn đất” viết tiếng Pháp và dịch ra quốc ngữ, chỉ người biết chữ học trò trưởng các ông hiểu được, còn bọn củi lục làm ăn, khai hoang biến rừng thành ruộng vẫn quê kịch dốt nát, tưởng có công mở mang làng xã sau nầy sẽ làm chủ đất, dè đâu ruộng khai phá xong vừa phát, thì đã có thằng dân chợ đến trưng đơn khẩn hợp pháp, bằng khoán hợp lệ làm chứng rồi phổng tay trên quịt ruộng của dân nghèo, không làng xã quan tỉnh nào binh vực cho một lời, một tiếng cho mát dạ kẻ ngay nhưng thất thế vì dốt luật.

Tồi tóm tắt lại đây, vấn đề khai hoang.

1) Sau trận tranh giành Tây Sơn với nhà Nguyễn Phúc, miền Nam trải qua một thời loạn lạc không yên, dân thưa rừng rậm.

Người ngũ Quảng, người miền Đông, để tránh bắt lính làm xâu, nên kéo vô Nam, tìm rừng mà ở yên thân hơn. Vùng Sốc Trăng, Bạc Liêu đến năm 1860, còn quan Cơ-me cai trị, chưa thuộc bờ cõi cai trị của quan Việt.

Những dân tứ chiếng ấy, với cái tục tảo hôn, vả lại dân Việt có tiếng rất nhạy con, nên chẳng bao lâu miền Nam đổi ra mặt mới:

Lấy một tỷ dụ, cứ cái đà mươi tám, đôi mươi là dựng vợ gả chồng đến trễ lắm là tuổi hai mươi lăm, đã có con đầu lòng, “làm cha thằng xích tử” dễ như chơi.

Tuổi năm mươi đã thành ông nội ông ngoại, tuổi bảy mươi làm nên cố, lối 90 lên ông sơ, và nhà xưng “ngũ đại đồng đường” đếm lại chưa tới trăm năm.

Đông con mà con hư, nào có ích gì?

Chưa tới ba đời, nhà đổi chủ, của vườn sang tay khác, lỗi tại đâu?

Nhà giàu chỉ lo sắm ruộng cho nhiều.

Nhà nghèo mất ruộng, đêm khuya vợ chồng than thỉ với nhau, mấy con nghe được, oán tích nhiều đời, nên trai nghèo lo học và đọc nhiều sách mới, thành người cách mạng, gái thì nghĩ ra cách đục khoét tủ sắt nhà giàu bằng cách rủ rê con họ vào con đường ăn chơi đàn đúm, để bán ruộng cầm nhà, tung tiền cho gái, gái vãi tiền qua tay bác tài, chú bếp, khiến cơ đồ tư bản đổ sụp còn mau hơn trong giấc mộng huỳnh lương.

a) Bà V.A., như kể, còn sanh tiền, nay cư trú bên Pháp, xin miễn luận. Cỡ bà hoạt động là năm 1915, thì nay bà hơn tuổi tám mươi lăm. Xin bả thứ lỗi, chớ lớp bà còn quê, chỉ lấy Hạch, bị má ăn trên đầu, rồi bà trả thù cạo lại đầu khô hội đồng tỉnh nửa quê nửa chợ, cũng không chi đáng nói nhiều.

b) Cô Ba Trà, đã là vào thuở văn minh tân tiến, nhưng Trà ít học, chỉ có sắc mà còn thiếu nhiều điều kiện mới xứng hay chưa xứng danh từ “gái bao” (femme entretenue), nói cách khác chưa phải “điếm sang” và chỉ biết đập lột, khảo của, cô phát minh lối mới “lựa chồng” nhưng thiếu chữ “tình chung” và lọt vào tay ông toà, ông lục sự là mất danh thì có.

Về công tử, tôi không nghe có công tử miền Đông vì Biên Hoà, Bà Rịa, Thủ Dầu Một vẫn là xứ rừng, núi, những đồn điền cao su sau nầy là của Pháp, nên công tử không mọc nơi đất đỏ, đất đen, đất xám nầy.

Ở Tiền Giang có Bạch công tử một người.

Còn lại bao nhiêu công tử vẫn ở Hậu Giang, đen đúa thì xưng “Hắc công tử”, đều là con chủ điền giàu, đứa ăn cắp lúa bồ bán để tiêu pha, đứa thì bò đi kiếm gái rồi xưng “cậu Tám bò”, đứa nữa cha chết cố ruộng cho xã tri, lấy tiền mua một lần chín mười xe hiệu Wihpep để được danh cậu, rồi thảy đều lui vào bóng tối chết vô danh hay chỉ danh “con hư phá của của mẹ cha”. Nhục nhã thì có chớ danh thơm chỗ nào?

Thay lời tựa: Thay lời tựa

Hôm nay, 6-10-1983, mồng một tháng chín Quí Hợi, ba giờ chiều, đang nằm trên võng đọc sách, bỗng tôi chợt nghĩ và lật đật lên ngồi nào bàn máy, sắp giấy đánh thành mỗi trang ba bản, chưa biết, - nếu lỡ chừng, sẽ gọi là “mục, chương”, nếu viết được nhiều trên trăm trang, thì sẽ gọi hay đặt tên đó là như đã thấy, là: tập thứ ba của bộ Sài gòn năm xưa và sau nầy, nếu có dịp thuận tiện sẽ in thành sách, tiếp theo tập 1 mà có người đã lấy bản Sài gòn, phóng ảnh và in lậu bên Mỹ, bán tận Paris, và cũng là tiếp “tập 2” tôi đã viết xong dưới đây và chưa có dịp xuất bản, và không chừng chẳng có dịp nào xuất bản.

Ô hay! Tại sao trên mâm cơn người Việt, ta được bày hố lốn, nào canh ngon xen với một món “xào khô”, một đĩa ram mặn, xen với nào muối tiêu, nào xì dầu và không quên món chấm quốc tuý khi sang là nước mắm nhỉ Phú quốc, cũng gọi tắt “nước mắm hòn” hoặc nước mắm nhất hảo hạng Mũi Né, khi hèn, buổi xuống chưn, bất kỳ “ngang, ngửa”, nước mắm dư bữa ăn trước, nước muối tiêu có thêm chút đường, chút giấm, được chanh thì càng quí, xếp không trật tự, người ngồi vào mâm muốn gắp, muốn chấm món nào tuỳ sở thích rồi trái lại, trời đất ơi, khi tôi đang buồn, tôi viết, tôi chơi, trời đất ơi, kêu trời sao cho thấu, khi đọc, độc giả lại rầy tôi viết “thiếu khoa học và không sắp xếp cho ngăn nắp gọn gàng”.

Đã và ngẫu hứng, thưa quí liệt vị, xin làm phước cho tôi được có chút tự do. Và nói túng mà nghe dọn có trật tự như buổi ăn theo Tây: xúp đi trước, cá, gà rồi thịt đỏ thịt rừng, la sấm la sét, đến chừng chán, trật tự cách mấy rồi chán vẫn chán, và mấy ai đã đòi trật tự buổi nầy.

Trở lại câu chuyện viết lách, tỷ như viết “hồi ký”, “nhựt ký” làm vầy vô hà trật tự. Quí vị sẽ thấy: tôi vui đâu chúc đó, hứng khi nào, viết khi nấy viết xong, khi toan đóng lại thành tập, bỗng đổi ý tôi chừng ấy mới sắp lại, tàm tạm cho có chừng, và trật tự nỗi gì?

Một cái bánh ngon, là cái bánh nguyên, vừa mới ra lò, còn nóng hổi, “vừa thổi vừa ăn” tôi muốn nói tập 1; đến như tập 3 nầy, vì còn chút đường dư bột vụn, tôi o bế lại cho đỡ cơn đói lòng, quí vị thương tình, xin bớt hay đừng cố chấp.

Tôi thanh minh một lần nữa, khi soạn tập 1, tôi vẫn chưa đọc đủ các tài liệu đã xuất bản rồi, và sau đây, vừa mới đây, nhơn buồn, lấy sách cũ ra đọc, “bươi đống tro tàn” vụt thấy vài truyện hay hay, bèn chép ra đây, rõ là “xà bần, thập cẩm”, “Tạp pín lù”.

Muốn dùng muốn đọc muốn cho vào xọt giấy, đều được, chỉ xin chút cảm thông là đáng quí rồi và không khách sáo: đây xin muôn vàn tạ ơn lòng.



Cẩn tự.



( Sài gòn muôn vẻ, do tác giả CHUNG viết ra cảm tưởng của tập hồi ký của tác giả Vương Hồng Sển )



SÀI GÒN MUÔN VẺ

Chịu trách nhiệm xuất bản: Nguyễn Kiên

Chịu trách nhiệm bản thảo: Ngô Văn Phú

Sửa bản in: Nguyễn Xanh Vàng

Bìa: Nguyễn Đức Nhu

In 1000 cuốn tại Tuần báo Văn Nghệ TP. HCM. Giấy phép số 32/HNV ngày 18-12-1990 của Cục Xuất bản BVHTT-TT-DL. In xong và nộp lưu chiểu tháng 8-92. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 63 Nguyễn Du, Hà nội.

1. Văn minh: 1. Văn minh

Văn minh, theo tự điển dạy, là cái tia của đạo đức, phát hiện hoặc nơi chánh trị, nơi pháp luật, nơi học thuật, hay điển chương, v.v. gọi là văn minh (Đào Duy Anh). Phản đối với văn minh là dã man. Ai nói mình đã man, thì giận, xét lại là chưa khai hoá, thì giận chỗ nào? Ngày nay, xáo trộn, không nên ham nói chữ, không khéo sanh vạ. Người Pháp viết “la rangon de la civisation”, Đào Duy Anh dịch: “đại giá của văn minh”, cũng như “la rangon du progès”, tưởng cũng nên dịch: đại giá của sự tiến bộ, hoặc cái quả báo của sự tiến hành, nhưng cũng đừng dịch cao kỳ như vậy khó hiểu, và cứ nói nôm na: muốn tấn bộ phải trả giá cao.

- Cô gái quê muốn hưởng chút văn minh của thị thành, phải kỳ mài cho bớt lớp bùn, và bỏ tật sức dầu dừa, chưa chắc thấy văn minh, chỉ vừa sạch sạch nước “cản”, mà chưa chi tấm trinh đã rách!

1. Văn minh, đeo đồng hồ mắc tiền, giục lòng tham thằng bợm, biết đeo mà có biết truy nguyên, khi nói chữ, vướng hai chữ “khắc lậu” nghe như tục tĩu, chẳng qua: khắc lậu là cái đồ ngày xưa dùng để ghi thì giờ, tức lấy một cái bình đựng nước có xoi lỗ nhỏ để cho nước giọt dần dần, và xem chừng độ nước thì biết giờ. Khắc lậu canh tàn, khắc từng độ, lậu là giọt nước rĩ ra. (Dùng cát thay nước là sa lậu: sablier).

Sách thường nói văn minh phát nguyên khi tìm ra hơi nước làm sức mạnh, chuyển động được máy móc, làm cho tàu chạy, xe đi.

Một sách khác dạy rằng nguồn gốc văn minh, xưa hơn tìm ra hơi nước là sức mạnh, và phải kể lúc tìm ra đồng hồ để đo thì giờ, đo giờ chi vấy, để biết giờ tụng kinh thì kinh mới linh thính, linh thiêng, và người tìm ra cách đo giờ trước tiên, vốn là một người tu hành, đã từng xét và kinh nghiệm: xưa hơn nữa, lấy gà gáy làm báo tin, nhưng vẫn gà gáy sai, vì ngày có nhật thực hay nguyệt thực thì gà đi ngủ sớm! Cũng không tin được ánh sáng mặt trời, vì khi trời vân vũ chuyển mưa thì lấy đâu có ánh sáng mà tin với cậy!

2. Văn minh, khi máy hát nhập cảng vào Sài gòn lối 1910, tôi đã từng thấy máy hát xưa lúc đó có cái ống toà loa thật lớn thật choán chỗ, để làm cho tiếng kêu thêm lớn, có máy như máy đồng hồ, khi muốn hát, phải vặn dây thiều, rồi đặt trên mặt cái máy, ban sơ là một ống (như ống chỉ máy may) sau đối cái ống ấy thay bằng “đĩa”, người xứ ta mấy chục năm về trước đã có làm, sơ khởi là “đĩa hát của thầy Năm Tú ở Mỹ tho”, hát tuồng hát bội, tuồng giễu thuật chuyện trớ trêu chọc cười (tích thằng Lãnh bán heo, chuyện hai thằng hề lên cao lầu ăn mì “thổ thần”) đĩa hát Tây có hiệu “Pathé phono” (có trước thầy Năm Tú), xuống đến thâu vào đĩa tuồng Kim Vân Kiều, tuồng Trang tử cổ hồn (Trang Tử thử vợ) cũng của thầy Năm Tú, kế đến đĩa hiệu Asia. Máy hát cũng tân thời là hiệu Columbia, có hai dây thiều và hát được lâu và rõ tiếng hơn. Lúc ban đầu, nhà nào có máy hát là tối đại văn minh, mỗi lần cho máy hát, trong xóm bu lại nghe đứng chật cửa nhà, và người dân quê vẫn tin có con ma trong máy nên tiếng người nghe rõ rệt. Chẳng bao lâu, lối đầu chiến tranh binh Nhật đổ bộ Nam kỳ, tiếp theo có cuộc đảo chánh năm 1945 của Nhật, rồi tới chạy nạn tản cư, nhà cửa đều tiêu tan, máy và đĩa chẳng những không còn mà đã bị thay thế bằng máy transistor và bằng máy télévision, như nay đã biết, nói nữa là thừa.

3. Một triệu chứng của văn minh tôi được biết là cái tủ sắt tức là cái tủ đựng bạc làm toàn bằng sắt, hiệu tốt và bền chắc, đốt không cháy, ăn cướp phá không nôi (hay phá một cách rất khó) là tủ hiệu “Bavehel”, hiệu “Fichet”, hiệu “Le Gavlois”, những tủ này thay thế từ chiếc vò, cái hũ chôn tiền qua cái rương xe, hòm giường, rương sắt, nay thảy đều mới lạ đối với thanh niên tân thời, từng đọc sách vở cũ mà chưa có in hình như cuốn Petit Larousse của Pháp, (không kể trước đây ông Trương Vĩnh Ký có in một cuốn Pháp Việt Tự điển, và được in lại các hình vật y như trong Larousse đã kể, như sách nầy nay cũng ít nhà còn lưu trữ).

Tủ sắt giữ của một thời gian cho các nhà giàu đất Nam, nhưng giữ mà không biết làm cho tiền sanh đẻ ra tiền lãi, tiền lời, và theo luật đào thải, tủ sắt bị thay thế bằng ngân hàng, (tủ lui về nằm ở ngân hàng). Tiền gởi nhà băng, sanh lợi, khiến cho vào thời gần đây, đời Diệm đến đời Thiệu, tiền ký ngân hàng, sanh lợi đến 20 (hai chục phần trăm), có vài triệu phú gởi băng đến 100 triệu (100.000.000$), mỗi năm rút tiền lãi đến 20 triệu (20.000.000$), tưởng rằng vô tận, ngô đâu ngày 30-4-1975, của Tàu trả lại âm ty sạch sành sanh cả đám.

Tóm lại: chiếc đồng hồ, cái máy hát và cái kết bạc, ba món ấy vẫn là của nợ, nợ văn minh, tục luỵ cũng là đây, và “muốn cho sạch nợ, còn gì là duyên” (Kiều) hỡi Trời?

Văn minh có ích là chiếc xe đạp, thánh Gandhi còn khen, và chiếc xe đạp ngày nay có ích và quí hơn chiếc ô tô, nhưng phải coi chừng, xe đạp bị bợm dòm hành, xe xấu, chạy nghe cút kít, khổ xác khổ thân, nhưng bợm cũng không chừa, khổ ơi là khổ! Người Nam kỳ chơn lấm tay bùn, khi thấy chiếc bicyclette, có hai bánh, tự chạy ro ro, khoái trong lòng, tên là “cái xe máy”, máy đâu không thấy, chỉ thấy ngồi đạp êm ru, tưởng gọi xe u mê cũng tạm cho là được. Đến khi xe đạp có gắn máy tự động, gọi motocyclette, người Nam dịch là “xe máy dầu” nghe ẹ quá, và người Bắc gọi “xe mô tô” hay mô-tô, thì cũng ẹ như nhau. Bây giờ, gọi theo hiệu, xe Honda, nọ nọ, và xe ba bánh của Ý bày, gọi Lambretta, qua nước Nam, còn lại xe lam, vừa gọn, vừa không kén mặt, vừa làm giàu cho tiếng nước nhà: xe lam, xe buýt.

Văn minh còn nhiều nữa: cây viết máy, trên kia gọi bút máy, gọi stylo phứt cho rồi.

Có câu cũ rít: “có công mài sắt chầy ngày nên kim”, kim đây theo tôi hiểu, dùng máy bố tời, chớ kim nhỏ chột, hè hụi mà biết bao giờ thành công, chí có nước nhờ ngoại quốc chế tạo sẵn cho dùng, từ kim khâu, kim máy may cho hiệu Singer, và kim của bác sĩ, may ít mũi, lấy tiền bộn bộn. (còn nữa nhưng phải tiết kiệm giấy) (viết 18-10-83).

2. Thả cầm thi, lai rai nhắc chuyện cũ

Danh từ hay thành ngữ “Thả cầm thi. Thả kìm thơ” nầy, tôi nghe từ nhỏ, lúc chín, mười tuổi, hay mười hai, mười ba tuổi, do một nhạc sĩ có danh là ông Nguyễn Tùng Bá, người đất Sài gòn, xuống Sốc trăng, chuyên dạy đờn. Tôi nhớ ông, người dong dải, cao ráo, là người thứ nhứt, tôi thấy thường thường ăn mặc chải chuốt ít khi thấy ông bận đồ mát, và luôn luôn khăn đóng áo dài xuyến đen, miệng ngậm xi gà, hoặc hút thuốc vấn, thì có đót ống điếu hổ phách sang trọng, rất khác cô bác và cha mẹ chúng tôi tỉnh Sốc, quen áo cụt, đi giày hàm ếch, xập sệ, ăn trầu, nhà quê. Sau tôi rõ lại, ông là con trai của ông Nguyễn Liên Phong, trước có nhà ở đường Vassoigne, Tân Định, là tác giả tập “Điếu cổ hạ kim”, in năm 1915.

Trong tập thơ bát cú nầy, ông Nguyễn Liên Phong nhắc lại sự tích các nhà tiền nhơn trong xứ, có để lại chút công danh với đời, ông gọi điếu cổ, và phần thứ hai, ông tự xuống lục tỉnh, đến viếng từng nhà, từng chỗ, mấy nhà danh giá, tỷ như ông công chức (phủ, huyện, thầy thông, thầy ký), hoặc chủ điền chủ ruộng, hoặc bà goá phụ nào biết tiếp tục khai thác sự nghiệp của chồng để lại, ông biên chép tỉ mỉ tiểu sử, sau rốt bài, ông tặng một bài thơ tám câu và mục thứ hai ấy, ông gọi “hạ kim”, tôi để ý trọn tập, ông khen nhiều, chê ít, và theo tôi, ông Nguyễn Liên Phong nầy là người trước nhứt, lấy nghề biên soạn làm sanh nhai, và có lẽ ông đáng lả bực tiền bối, nếu không nói là một ký giả đi đầu trong trong phỏng vấn và viết lách trong Nam.

Tiếp theo, con ông là ông Nguyễn Tùng Bá, khi ôm một cây tỳ bà, khảy bài phụng cầu hoàng, du dương ngọt xớt, khi khác, ông ôm cây đờn kìm, ông dạy Ba tôi hay là dạy những người khác, tôi nhớ trong số có ông Nguyễn Tấn Vinh, ngoài gọi Xã Vinh là một nhà phong lưu tài tử thời ấy, làm chủ điền lớn ở làng Hoà Tú, dày công theo học đủ bài đủ bản với ông Bá, và sau rốt, nài được cây tỳ bà, thùng đàn bằng gỗ trắc đen bóng, mặt đàn bằng ngô đồng đã lên màu thâm cũ và tiếng nghe rất trong, ngày nay thất lạc đã lâu nhưng tôi còn tiếc mãi, - tôi nói xuýt lạc đề, ông Nguyễn Tùng Bá, sống bằng nghề dạy đờn và bán đờn, tôi không biết đờn ấy do nơi nào làm, tôi chỉ nhớ ông Bá bán giá rất nới, cứ mỗi cây, kìm như tranh, chỉ có năm đồng bạc nhưng phải nói bạc thời ấy mới thật là “đồng bạc lớn”, tương đương một đồng năm 1915 mua được nhiều đồ vật hơn một ngàn lần ngày nay, và ông Bá dạy đờn, cũng một giá ấy, năm đồng bạc thôi, giao khi nào người học hoà đàn với ông được và thuộc rành bản Tứ đại, ông mới nhận tiền dạy, mới nghe ai cũng ham vì rẻ, nhưng rốt lại học trò của ông học đờn xong thảy đều lắc đầu ngó nhau mà nín thở, chưa nghe ai học đờn với ông Bá mà khuyến dụ được nàng “Trác văn Quân cuốn gói theo Tư mã Tương Như” nào, nhưng vì lời giao kết phải nuôi thầy, chạy ăn chạy thuốc, mà ăn, ông Bá ăn uống rất sang, uống toàn rượu cognac Robin, hút thuốc toàn xi gà nguyên hộp hiệu La Havana, Cuba chính cống. Học cho trơn tru bản Tứ đại, đờn còn lộn lên lộn xuống, ít nào cũng một tháng tròn, xem lại lúa bồ đã nhót, thêm học trò chưa thạo đờn mà đã mang bịnh rượu vì mãi hàm chấm chút với thầy, lai rai uốn nắn tiếng “xừ”, tiếng “xang”, tiếng đờn càng thêm ngọt, bịnh ghiền trà rượu càng không dứt bỏ được. Ông Nguyễn Tùng Bá- châu lưu khắp thiên hạ, Hậu giang lục tỉnh, và chính ông, sau ông Phụng Hoàng San, tác giả bản dạy đàn tranh, xuất bản nhà in Phát Toán, tháng giêng năm 1910, và tập Bài ca mới, Bát tài tử do Nguyễn Tùng Bá sáng tác, Đinh Thái Sơn (nhà in Imprimerie de l’union của ông huyện hàm Nguyễn Văn Của làm chủ), xuất bản ngày 20-8-1915, cũng như theo tôi biết, trước kia, chi có ông Tôn Thọ Tường, và ông Phan Hiển Đạo từng ra Huế, ở lâu năm để học thi cử rồi đem nghề đờn về Miền Nam, theo tôi, chính ông Nguyễn Tùng Bá là một thầy đờn kỳ cựu, có công truyền bá điệu cầm ca xuống đất Hậu giang, để sanh ra điệu đờn ca, xuống đến Bạc Liêu, pha hợp với điệu hát Tiều của người lai Triều châu xứ nầy, đẻ ra nghề hát cải lương, cho hay xưa kia khinh thường và chê “xướng ca vô loài”, nhưng nay, các nghề cao cả như luật sư, quan toà đều bó gối, đêm đêm ngồi chung quanh máy ti vi, nếu dư dả có thừa, thì đã xi nê hay chiều ý con cháu, quên sự đời trong rạp với câu ca tiếng hát, xướng ca lên chưn hơn ông chưởng toà không còn truyền rao giấy tờ nào nữa mà hòng hành nghề thừa phát lại, và khi làm như vậy, là thả cầm thi rồi đó. Tôi quen tánh lẩn thẩn, nói không chịu đứt: “Thả cầm thi”, không khác câu “lang bợt kỳ hồ”. Đúng ta, nghĩa chánh “lang bạt kỳ hồ” là dựa tích con lang đạp cái bọc da nơi trước cổ, vì vậy là lúng túng không đi đâu được, nhưng có một ông thi sĩ Bắc phương lại dùng theo nghĩa đen, nghĩa bóng gió và hiểu nghĩa nghịch hẳn là “đi nơi nầy nơi khác, không nhứt định chỗ nào”. Đến phiên tôi, tài vẫn không, nhưng lại muốn lên mặt viết lách mà chơi, tôi nhớ thành ngữ Pháp có chữ “a bâtons rompus”, đúng nghĩa là nói không liên tiếp, nói lát gừng vậy như nay: tôi đang nói không liên tiếp, nói tầm xàm, cu cu chằng chằng, căng căng chù chù, nói lát gừng hay nhát gừng cũng một thứ, vậy xin độc giả hãy cho phép tôi dùng mấy chữ có sẵn: tôi lang bạt kỳ hồ tôi chơi, tôi thả cầm thi đây, và xin miễn chấp.

Từ đây, tôi bắt hết tập nầy, đọc qua cuốn khác, gặp đâu đọc đó và thấy gì nói nấy, nói cho đỡ buồn, nếu thiếu trật tự, cũng không hơi đâu mà trách. (7-10-1983).

Xin nhắc, nơi bài tựa, tôi viết đề ngày 6-10-1983. Tiếp theo, mở đầu, bài thứ 1 lại là những bài: thử tập dịch văn Pháp (viết ngày 12-9-83), bắt qua bài nói về Boni, viết gián đoạn 12 đến 15 tháng 9, xuống bài nói về xâu chuỗi ngọc của bà Thiers (viết 19-9-83), qua bài “sinh kế, sinh hoạt” (viết 3-10-83), đó rồi nối theo là bài viết ngày 22-9-83 lược thuật những gì đã đọc trong quyển Pháp văn “La Naissance et les premières années de Sai gon” của Jean Bouchot, ngài viết lộn lạo cái trước cái sau, đã trót thương, tôi cũng xin miễn chấp luôn, vì có như vậy mới đúng là lát gừng, không tiếp xuôi thẳng giọt”.

(7-10-1983)

Tái bút. Đây là những gì đọc và nhớ lại: Bên Pháp, đại văn hào Renan, thường viết bừa rồi gởi đi nhà in. Nhà in in xong gởi trả, chừng ấy mới sửa, gọt, một lần, hai lần, ba lần, như vậy, đến lần thứ năm, ấy mới đúng là văn của Renan. (Anatole France on pantouffes, trang 78) Đến lượt ông Anatole France (D) nầy, cũng thế tỷ dụ, ông lấy y câu nầy trong một từ điển, ông chép ra giấy: “La dame de Théroude était riche et de bonne renomnlée”. Đoạn ông chỉ trích và chỉnh lại: “Com me la dame de Thérolde était riche, on la disait de bonne renomnlée”. Gọt, giũa như vậy rồi, ông cười hề hề, tự bào chữa: “Mặc kệ mụ Théroude, chết đã ba mươi đời vương, mụ đã ra cát bụi, mà câu văn như vầy mới là sống động”. Ông lại nói: “Đừng sợ trùng tự cũng đừng ngại trùng ý. Lão đây nhại đi nhại lại hoài, có sao đâu. Cũng đừng tưởng đổi cho khỏi trùng là hay là giỏi. Biết đâu đó là ý của người ấy, mình chưa hiểu cạn, đã mong lên mặt làm thầy. Giỏi không là biết cắt xén, hoặc đổi chỗ, mà cây cảnh xem hay, câu văn xem gọn”.

Nhưng những gì Tây phương làm được, có khi ở bên nầy, không thể làm được là thường thấy. Bên nước người ta, có văn phạm, in sai, sách bán ai mua? Lại nữa: bản thảo như của Anatole France, bán rất được tiền. Trái lại bên mình bản thảo in xong, vụt bỏ, mụ xã lấy lót nồi, đứa con, nói lỡ nói luôn, nó dùng chùi đít! Người nào cỏ tánh kỹ, tiếc cất để đành. Đến việc in sách, làm sao sửa chữa, vì là in khoán. Năm xưa, tôi đã từng lãnh bản thảo nơi nhà in, cắp ca cắp cùm (đính chính lỗi chính tá, rồi trả morasse về nhà in, tưởng làm như vậy là trừ khử được mấy hạt đậu sượng, Ngờ đâu, qua bữa sau, đôi ba thằng nhỏ thợ sắp chữ, bù lu bù loa chờ tự hồi nào, vừa mở cửa, chúng nhào vô, vừa chặm nước mắt, vừa mếu máo: “Ông làm mất chén cơm của chúng con, chúng con làm khoán, ông sửa mãi, chủ nhà in chê và đuổi, chúng con mất sở làm...” Không phải nói đây để bào chữa cho chính tả viết sai là tội đã đành; đến như câu văn, thử hỏi lúc xưa, thù lao được bao nhiêu mà ra công gọt đẽo? Một lần nữa, văn của nước ngoài, mình không nên so sánh. Lại nữa, văn kể chuyện có khác, không cần dệt gấm thêu hoa, cứ nói cho thông thông cho nghe được là đủ rồi, nếu viết có mạch lại thì càng may, còn viết cho có khoa học, tầm chương trích cú, tôi xin nhường cho người khác. Vì chưa ai thấy, nên nói ra đây có lẽ ít ai tin, chớ những gì tôi viết, phần lớn, đều phun bắn từ trí óc lên ngay vào máy viết, nếu cho phép tôi xài tiếng Tây, thì là “premierjet”, nếu cho tôi múa búa xài nho, có lẽ đúng là “nhứt khái quán hạ”, tự ngòi bút lông viết ngay vào giấy, có khi lỡ dùng chữ không mấy vừa lòng, thì cũng cứ để vậy, uốn nắn cho xuôi câu là kể như xong, chớ tôi không quen đẽo gọt, vì cốt ý nói và khó tránh lặp đi lặp lại”, còn ý định đó là làm văn, thì tôi chưa nghĩ tới. (ngày 25-9-1933)

Sài gòn cận đại

Nhơn đọc và lấy tài liệu trong sách Pháp:

1) La Cochinchine Contemporaine của A. Bouiais et A. pallus (nhà in Challamel ainé, xuất bản năm 1884); và cũng đọc luôn một lượt ba quyển:

2) Histoire de l’ expedition de cochinchine của Léopold pallu de la barnère (sách nầy có hai bản, bản kỳ nhứt in năm 1861, tôi không có, và chỉ đọc bản in kỳ nhì, năm 1888( nhà in Berger levrault xuất bản); -

3) les premières Années de la cochinchine của Paulin Vial (challamelainé, Paris, 1874) gồm tập 1 và tập 11;

4) Nos premières Années au Tonkin cũng của Paual (Voiron xuất bản 1889).

Bốn cuốn tham khảo nầy, tôi đọc xen kẽ một lượt lộn lạo, cho nên về tài liệu trích lục, tôi không ghi rõ được và xin cáo lỗi).

3. Tiếp theo

Tóm tắt lại đó là mầu nhiệm của Hitler năm 1919 đê quỵt nợ chiến tranh cũ để lại. Năm 1919, Ernst Wagemann thuật, với số tiền 1 milion de mark, mua được 1 xưởng (fabrique); năm 1921, còn mua được một nhà trộng trộng (malsonnette); năm 1922, mua 1 ô tô, đầu năm 1923, mua được 1 bộ y phục, sau rốt còn mua một mớ giấy vụn. Một nhà khôi hài vẽ hình trên giấy, tượng trưng cho đồng mark của Đức, năm 1923, tháng aout, đồng mark cao bằng hòn Tuyết sơn (Mong Blanc), tháng septembre, còn dài bằng bề trực quả đất (diamètre de la terr cuối septembre, còn dài bằng kinh tuyến (méridien de la terre); qua cuối tháng octobre, còn dài bằng đường từ quả đất lên mặt trăng (distance de la terre à la lune), tháng novembre, bằng 1/5 đường trái đất cách mặt nhựt, vì tôi không phải nhà giỏi toán, nên xin độc giả tự tìm hiểu lấy. Tôi còn nhớ chuyện một nhà văn Đức viết xong một bản thảo đã giao cho nhà xuất ban, định bụng sẽ có đủ tiền mua một nhà nhỏ và còn dư tiền ăn trọn năm để sáng tác sách khác, bỗng vì thận trọng cau văn, láy bản tháo về nhà nào ngờ đêm ấy có lệnh đổi tiền, bạc mất giá trị, sáng ngày công phu viết lách còn lại không đủ mua miếng bít tết cơm xoàng (6-12-1983).

Câu chuyện tiếp, tóm tắt: ngày 4-3-1895, chàng công tử Boni cưới cô gái Mỹ tỷ phú Anna Gould, không phải duyên Tần nợ Tấn mà đúng là đem mảnh “hầu tước hết xu cạn túi” vá chắp với túi bạc no kềnh, tiền lời chắt mót vé tàu tiền ba ga (bagages) tàu hoả, tưởng rằng bền chặt trăm năm ngờ đâu sau mấy năm hương lửa êm đềm, sanh được hai con, bỗng một hôm nọ, chàng đi dạo mát về thì nhà, quên lửa, “dinh thự”, vắng hoe bóng hông, y như chuyện Tú Uyên mất nàng tiên từ trong bức tranh hiện ra và nay cũng biến mất trong tranh hay trong nơi nào đố ai biết rõ, vì mặc dầu con nhà tỷ phú, của tiền đếm ngàn triệu nầy qua ngàn triệu kia nhưng nàng tiên Anna Gould có mũi giống củ khoai lùi tro nhúng rượu vang (une pomme de terre vineuse), nàng Anna chịu không thấu cách ăn xài quá huy hoác, tựa như túi không đáy, của công tử bô trai Boni, nên đã cùng hai con huy hoàng lánh mặt, thà hát sớm bài “tẩu mã”, còn hơn ham nét sang của hầu tước Pháp mà bay túi tiền dành dụm Mỹ còn gì. Chàng tiêu pha làm sao: một buổi tiếp tân nọ, mời khách hai ngàn người, bọn hầu hạ phải mướn năm trăm người mới phỉ, đèn treo rọi đường cho xe chạy suốt mươi lăm cây số bề dài, nhạc tấu mướn hai trăm nhạc công, một đêm ăn lễ mừng hầu tước phu nhơn được hai mươi tuổi xuân, ấy xài ba trăm ngàn quan tiền vàng (300.000 francs-or), ngán quá nên “tẩu vi thượng sách”. Đêm về nhà mất vợ là đêm 26-1-1906, tính ra hai chục năm sắt cầm, tổng kết sáu chục triệu quan tiền mắc nợ, gần gần ba trăm triệu quan tiền giấy hiện kim, cái câu “Tôi đã lầm, nàng Anna Gold không đủ sức giàu cho tôi xài cho phỉ chí”, nàng đâu đáng mang lời trách vô lối ấy và đáng trách hay chăng là chàng công tử Boni gặp tiên thiên thai mà còn đòi trở về cảnh tục, trách mình phải hơn. Nhưng sự đời có như vậy mới thành giai thoại cho tôi viết, bốc thơm một phen cũng vừa.

(Lược thuật theo tin vặt đăng trong báo cũ “Đại hoạ báo” Illustration” đề ngàn 29-1l-1932 và viết từ 12 đến 15-9-1983)

Boni de Castellane, tuy thất thời, vợ cuốn gói theo trai, thêm thất thế, bị thằng già, anh em thúc bá, cuỗm con hiền thê mỏ vàng, tức giận mà không làm gì được, đôi đàng chẳng thà không cho gặp mặt và Boni vẫn là Boni. Chàng công tử công tôn sạt nghiệp, tuy đã hết phú quí hào hoa, nhưng phong nhã vẫn còn như xưa, sanh nhai bằng cách đứng trung gian, nói bắt mối là hèn, nhưng làm mối lái chưa phải là khất thực, bình nhựt anh nhà buôn đồ cổ nào có món quí, hoặc tân phú ông nào muốn có món đẹp cho rôm nhà rôm cửa, thì Boni giúp cho toại lòng. “Bình phong tuy đã rách nát mồng tơi”, nhưng cốt cách vẫn y như trước, thênh thang một chiếc gậy cán ngù vàng, Boni vẫn lên xe xuống ngựa, tuy xe ngựa ấy là xe ngựa mướn, sướng đời Boni. Nghèo sạch rách thơm, bốc hương cho đó.

Luật về cổ ngoạn, bảo vật, phép và cách thức sưu tập, giá trị của vài vật hi hữu hoặc vô giá và riêng bàn về xâu chuỗi “ngọc trân châu” của bà Adolphe Thiers, nguyên là Đức Giám đốc (nay gọi Tổng thống) nước Pháp, ông được cử giữ chức ấy từ năm 1871 vì có công giải quyết vấn đề trả nợ chiến tranh Pháp thua Đức quốc nhưng sau đó ông bị lật đổ ngày 24-5-1873 và mất năm 1877, (ông sanh năm 1797)

Dẫn. Trước tiên, tôi phải nói: Đại phàm, không ai sưu tập và tích tụ làm sưu tập phẩm (collection), những gì cao giá, mắc tiền, trừ phi là ông hoàng, bà chúa, do tổ phụ để lại, hoặc là tỷ phú, của tiền không biết làm gì cho hết, chớ thuở nay vật quí như hột xoàn, kim cương, trân châu, nếu mua sắm và để dành, thì chôn tiền, chết vốn, mất ý nghĩa hai chữ “sưu tập” nói nôm là “nuôi heo bổ ống”, phải biết và có công lượm mót để dành tỷ như tiền điếu, chén bát nhỏ nhặt, lâu ngày tụ thiểu thành đa, bỗng xâu tiền, bộ chén trở nên có giá trị thì ấy mới là người biết chơi và thành thạo đời, đúng nghĩa thành ngữ “sưu tập gia”. Nhưng vật bàn hôm nay là xâu chuỗi “trân châu” của bà A. Thiers di chúc để lại cho bảo tàng Pháp Le Louvre làm kỷ niệm và xâu chuỗi nầy có một lịch sử của nó, nên thuật lại đây làm bài học, dạy khôn.

Trọn xâu chuỗi gồm 145 hạt trân châu (perle), hạt lớn hơn cả trộng bằng đầu ngón trỏ người lớn, đo bề trực, được gần 1 cm, tròn trịa và cả xâu kết làm ba vòng hột từ bé cỡ 5 ly (5mm) bề ngang và cứ đều lần lần toả hào quang một màu toàn hồng hồng sáng chói, hột nào như hột nấy đều đặn tròn khéo như nhau cho đến hột chót, chủ chốt lớn một phân Tây bề ngang như đã nói, thật là xâu chuỗi hy hữu. (Theo chỗ tôi đã đọc và được biết, thì bên Trung quốc ngày xưa có hột trân châu của vua Kiền Long, lớn đến bằng hột gà và vua sai thợ khoét bộng làm “tỷ yên hồ” (tabatière) đựng thuốc hít, lưu truyền đến vua Đồng Trị mới thất lạc, còn về chuỗi đeo cổ, thì vua Khang Hi có để lại một xâu cho đến đời đích tôn là vua Gia Khánh, tưởng rằng “hy hữu, vô song”, có ngờ đâu rõ lại quyền thần là Hoà Thân (ông nầy giúp vua Quang Trung nhà Tây Sơn trong cuộc nghị hoà với Thanh triều trong sử), nhắc lại Hoà Thân có một xâu chuỗi lại to hơn đẹp hơn, dài hơn và quí hơn của vua Gia Khánh nhiều, tưởng đeo báu vật nó phù hộ cho sống lâu dài, té ra vì giàu hơn vua, nên Hoà Thân mắc tội và đã bị chém đầu thêm mất trọn của cải, vậy thử hỏi có ích chi, hòng muôn đeo ngọc quí?

Nói xuýt lạc đề, trở lại xâu trân châu của bà Thiers, tôi đọc một sách Pháp Histoire d’ amour de l’ histoire de France của Guy Breton Ediiols Noi ét Blanc thì nhớ mại thấy nói chính ông Thiers mỗi năm đến ngày sinh nhựt của phu nhơn thì mua tặng kỷ niệm vợ một hạt trân châu, nhưng nay đọc báo cũ Ilustration ngày 3-5-1924, thì sự tích xâu chuỗi có khác, tôi xin tóm tắt lại đây làm giai thoại nhàn đàm: Adolphe Thiers phu nhơn, tên tộc là Ellalie Eie Dosne, bà từ trần tại Paris ngày 11-12-1880, sau chồng ba năm, có di chúc để lại cho người em gái là cô Félicie Dosne (độc thân) được hưởng quyền dụng ích (usufruit) một xâu chuỗi trân châu gồm 106 hột kết làm ba xâu, trong ấy hai xâu đã thành tựu, còn xâu nhỏ vẫn lỡ chừng chưa toàn bích, sau đó cô Félicie châm thêm trân châu của riêng đủ 145 hột và ký tờ ngày 10 6-1881 nhượng quyền usufruit và trao xâu chuỗi cho quốc gia Pháp, đại diện là Viện bảo tàng Le Louvre làm chủ và tàng trữ và chưng bày cho công chúng xem báu vật của cố tổng thống Thiers và dòng họ Dosne di chúc dâng cho tổ quốc. Bà Thiers rằng các hạt trân chân nầy là của dành dụm bà mua lần hồi làm nhiều năm, nhưng mỗi hột tính giá độ bực trung là lối mươi ngàn quan mỗi trân châu, trừ ra hột tô nái thì bà mua vào năm 1878, tức trước ngày lâm chung độ chừng ba năm, và riêng hột ấy giá trên bạc triệu.

Đến năm gần đây, trước năm 1926, việc bảo tàng Le Louvre hội các đại diện của chính phủ và đại diện của hai gia đình Thiers và Dosne, và tất cả đề nghị nên phát mãi xâu chuỗi ấy, lấy tiền làm việc thiện, vẫn hữu ích hơn lưu truyền một món trang sức quá quí giá, chỉ tốn nhiều công gìn giữ và chỉ kliêu khích lòng tham của quân gian phị trộm cướp quốc tế. Uỷ ban chuyên môn ước tính giá xâu chuỗi là ba chục lần hơn giá tiền mua sắm năm xưa, nhưng khi tôi đọc quyến sách “Journal dun colectỉonneltr, marchald de tableaux của Ren Gimpel, nơi trương đề ngàv 28-5-1924, thấy ghi ngày đấu giá, thiên hạ ở Paris đi xem đông hơn hội chợ và xâu chuỗi bán được mười ba triệu (13 millions ) quan tiền, tính ra là bốn triệu tiền vàng (quatre millions or), và xâu chuỗi ấy năm 1878, định giá là ba trăm ngàn tiền (trois cent mille francs -or). Tác giả Relé Ginple kết luận lấy tiền bán xâu chuỗi dựng nhà dưỡng lão và cung cấp viện Le Louvre mua sắm vật khác vẫn hữu ích hơn nhiều. Ông Gimpel chỉ ân hận một điều là nay nước Pháp là nước thắng trận, mà vẫn phải “phát mãi đồ xưa vật quí” (nols avonsgagné la glerre mai devons liqtider nos richasse)

Để kết luận, thì tiền nhựt, ngày 12-5-1887, Pháp đã có một lần bán phát mãi 48 lô trân châu, bảo ngọc và kim cương của cựu hoàng gia Pháp để lại, và trước đó sáu năm thí vua Louis XVI lật đổ dòng vua, lập Dân quốc, thì Pháp đã bán nào lâu đài, ngọc xoàn, châu báu, và kẻ thừa hưởng của quí vẫn là Anh quốc tóc hoe hoe.

Chú thích:
(1) Về cây hévéas (cây cao su), theo “Le monde malais” của Charles Bchequain, trang 150 nói trước tiên ở Malaisie, bọn da trắng đem giống từ Ceylan qua trồng vào lối năm 1877 đến 1900 mới trồng ra rộng lớn, năm 1910 cây cho mủ nhiều các chủ đồn điền thu hoa lợi dồi dào công phát triển mạnh; từ năm 1910-1920, trận Âu châu đại chiến đến, các nước Âu Mỹ đòi hỏi cao su càng nhiều

4. Sài gòn sinh hoạt

Tôi trải đến nay bảy tám chục năm, tai nghe mắt thấy, từ lúc ấu thơ đầu còn chửa chóp, lối 1910, học trường tỉnh ở Sốc trăng, tại chợ, còn thấy đồng tiền điếu trào Pháp gọi sapèque, phải năm đồng điếu, cột bằng sợi dây lác, 5 điếu ăn một đồng xu (0$01), nhưng với một xu ấy, vẫn mua được một cái bánh xầy lót dạ, bánh nhưn đậu xanh, chiên mỡ heo, trên mặt có kèm một con tép vàng cháy ngọt bùi, tép nhỏ thì mỗi bánh có hai con tép, bánh ấy, ở Sốc trăng gọi “bánh xầy”, qua Châu đốc, Trì Tôn, gọi “bánh xà cón”, khi lên Chợ Lớn, Sài Gòn thì gọi bánh “giá” (nhân giá đậu xanh) hoặc “bánh tôm khô chiên”, vì bánh vẫn nhân đậu nguyên hột, và bánh nào như bánh nấy, chưn giá hay chưn đậu, vẫn có con tôm khô làm màu, thế cho con tép tươi ở nhà quê (Sóc trăng, Tri Tôn), ngày nay cái bánh tầm thường nhưng thơm ngon đặc biệt ấy, cách nay mấy tháng, xóm rạp hát Đất Hộ (Dakao), gần ciné Văn Hoa, đường Trần Quang Khải, có người bày bán, giá bốn đồng (hai ngàn bạc đời Thiệu), nhưng bán được vài tuần chưa được mấy tháng đã dẹp, vì bán không đủ lời đú sống, gạo đậu giá, dầu phộng để chiên (chớ không chiên mỡ vì cao giá!), thứ gì cũng mắc, thêm thuế tiền chỗ mỗi tháng mỗi tăng, nay còn lại hay chăng là trong câu hát Bảnh tôm khô chiên, dầu cha quảy chiên, nó là đồ bên Tàu, các chú đem qua”..., câu hát ấy hát theo điệu “Khổng Minh toạ lầu”, gánh thầy Năm Tú ở Mỹ Tho khởi xướng, buổi Cải lương vua phôi thai, và phải nơi miệng kép Ba Du trong vai “Mạnh Lương hạ nhạn”, tuồng Dương văn Quảng Bình Nam, mới thật là dí dỏm; đào Năm Phỉ còn nhà quê trân, kép Tư Út, Năm Châu còn thanh niên, trai trẻ, vừa mới bỏ trường, bỏ chữ nghĩa Tây u, để chọn nghề mới cải lương, cải cách, dễ hốt bạc. Những đồng điếu thời Tây ấy, lối năm 1919, 1920 không còn thấy nữa; và thời đó, giá sinh hoạt đã cất nhắc tăng lên một bực, nhưng bực ấy còn nhỏ chưa thấm vào đâu, và đồng vạc con Đầm (bạc nhà băng Đông Dương đúc hình con Đầm thay mặt cho “Mẫu quốc Pháp”) vẫn còn giá trị xứng đáng của nó. Tỷ dụ năm 1930-1932, Miền Nam kinh tế khủng hoảng, lúa xuống giá còn chưa tới hai đồng (2$00) một tạ (68 ki-lo), đi học bên Tây, đậu bằng tú tài Pháp, trở về, được bổ làm thơ ký chánh phủ (secrétaire du Gouvernement de la Cochinchine) miễn thi, nhưng lương tháng chỉ có hai mươi lăm đồng (25$00), và khoan vội nói 25 đồng là thấp, vì tính ra tương đương tám chỉ vàng ròng (30$ mỗi lạng), sánh với ngày nay, vàng sáu chục ngàn mỗi lượng (lối tháng 10 năm 1983), thì quá xá quả xa chớ không chơi. Cách nay không lâu, người dân thị thành quen bắt chước Ăng Lê và Tây tà, vẫn năm sáu bữa mới xách xe đi chợ mua thức ăn một lần, vì nhà sẵn tủ lạnh để chứa; nào gà, vịt, nào thịt tươi heo bò trừu, vân vân. Trước kia, dân Miền Nam quen mỗi ngày bà chủ nhà hay cô gái xách rổ đi chợ, thậm chí nhiều nhà lam lũ và gần chợ búa, vẫn đi chợ buổi sáng mua một vài thức ăn và buổi chiều sẽ lo mua buổi chiều, đi một ngày hai lượt như vậy, gọi “dễ trở bữa” và món ăn không nhứt định trước, chừng nào ra tới chợ, thấy món gì vừa mắt liệu chồng con ăn ngon miệng sẽ mua không vội vàng lại được món ăn cá thịt vẫn tươi, vì ba bốn chục năm trước Miền Nam chưa có tủ lạnh (frigidaire), những nhà sang trọng sống theo người Pháp, thì sắm tủ cây, thường đóng bằng gỗ giá ty có bọc kẽm kín, gọi “glacière” trong chứa nước đá cục, và tủ ấy mỗi ngày phải mỗi thay nước đá mới giữ được lạnh hoài hoài. Nhà ba tôi, củi lục lam lũ, má tôi đi chợ, sớm một cắc rưỡi bạc, chiều nào cũng bao nhiêu ấy, khi một cắc khi thì hai, nhưng vẫn vĩ vèo cá thịt, mùa tôm, ăn tôm càng còn nhảy soi sói, mùa có cá cháy, từ chợ Vàm Tấn đem vô, vẫn có cá cháy kho mắm, nước cá chan vào bún, lùa chén nầy qua chén kia quên thôi, thế mà có tốn hao bao nhiêu đâu: một đồng bạc, đi chợ được ba ngày, một gà mái tơ, đồng giá với vịt sen cổ lùn, tám chín cắc là cùng; gà trống thiến, mập lù và mỡ vàng khè, giá mỗi con một đồng hai bạc (1$20) đã là xa xỉ phẩm của mâm son nhà giàu, hay ngày cúng vía Ông mới thấy mặt; thịt bò, thịt ngỗng ít ai ăn vì chê là “ăn độc”...

Trong một cuốn sách Pháp nói về bối cảnh bên Trung Quốc hiện thời, có đưa ra một chi tiết xin ghi lại đây cho biết: “Chỉ sinh hoạt 100 (năm 1937) trở nên 75.000 (năm 1944), 625.210 (khoảng cuối 1946), và 10.340.000 (cuối 1948)” (pour ùn indice des prix de 100 fin 1937, ăn aboutit à lindice 75.000 en 1944, 625.210 en fin 1946, 10.340.000, fin 1948). Ngày trước, người dân còn tiền, đi chợ, phải gánh một gánh bạc giấy hai giỏ đầy mới đủ mua một bữa ăn, tỷ như một đôi giày cao su thứ Bata bên mình, phải đến mấy chục ngày đồng “yen” giấy, lúc đó tôi đọc báo vẫn cười và bán tín bán nghi, nay có lẽ đang trở nên sự thật bên nước mình rồi đó. Khi vui, ăn một cục muối vẫn thấy ngon lành, khi có việc lọ rầu, ngồi trên đống vàng vẫn mếu, không nói việc ẩm thực, người đem thiệp mời đám cưới, xưa người cha tên Nai, trên thiệp, thấy viết tên Mai, cho thêm xinh thêm đẹp, tôi nhớ lại tên mình xấu xí Sển nầy, Sển kia, xin chớ trách tôi vì sao không dự tiệc tân hôn hôm ấy. Phàm có tên thì gọi, có chữ thì đặt, không chữ nào nhục, tội gì phải cải đanh diệt tánh, biết chưa? Nay có ít câu về tô phở. Khi tôi từ Sốc Trang năm 1947, chạy lên trên nầy, tôi không được mục kích cảnh sống trên đất Sài gòn nầy, những năm tao loạn 1945-1946, và khi tôi có được một mụn con trai, lối những năm chung quanh 1950, vợ chồng tôi luôn và con ngồi xe xích lô máy từ chợ Bà Chiểu, xuống Sài Gòn, nếm ba tô phở đường Turc, rồi đưa nhau đi xem xi nê, rồi trở về nhà cũng bằng xích lô mà vẫn chưa xài hết một trăm bạc (100$00). Năm đó, tôi làm công nhựt nơi viện bảo tàng trong vườn bách thảo, lãnh lương công nhựt 2.745$ mỗi tháng, thế mà đủ chi dụng, thêm có dư mua sắm đồ cổ ngoạn theo sở thích. Tô phở đường Turc, anh Ba Bò bán mỗi tô 10$, gọi thêm một chén thịt- 5$ là ê hề, thịt cục nào cục nấy lớn bằng một tô thịt vụn ngày nay, đã thơm ngon thêm thật nới tiền, ngày nay còn nhớ và cúng nhớ luôn nhớ thịt anh Ba Bò bán rẻ vì lả thịt “của Chùa”, chùa nầy không phải chùa Phật mà vốn là “thịt sở Thuỷ binh của Pháp”, - người ta “chọt” và để nới giá cho anh Ba! Cùng một lúc ấy, từ 1950 cho đến trào ông Diệm, khi quán cóc trước cửa Thảo cầm viên chưa bị trục xuất để chỉnh trang vườn bách thảo và đô thành, lúc ấy nơi trước cứa vườn, mé bên Ba Son, có một quán nhỏ bán cà phê, người chủ quán, vì tai nạn chiến tranh, bị cắt mất một giò, nên co biệt danh là “quán thằng Cụt”. Cụt ta đi nạng chống và mỗi lần xê dịch vẫn nhảy cà thọt, còn mau lẹ hơn chim nắc nước, và Cụt sở trường pha cà phê rất đậm rất ngon, cà phê buổi sáng lên hơi nghi ngút, giá chỉ có một đồng rưỡi (1$50) một tách (không sữa), và ngày nay tôi thèm và tiếc nhứt, viết đến đây, đổ bọt oáp đầy họng, tôi thèm nhứt là ổ bánh mì có nhét fromage, giá năm đồng (5$00) mỗi ổ, đài cỡ một gang tay, bánh mập như ổ 20 bạc hiện thời (1983), cắt hai ra, Cụt nhét fromage gruyre tràn tới ngoài, chêm hai cọng hành lá xanh tươi, buổi ấy tôi còn răng, bánh giòn, fromage thơm thủm thủm (xin đừng chê hôi mà tội cho miếng sandwich au fromage của Cụt sở thú) ngày nay bánh giá đáng 50$ (25.000 cũ) không bì mà vẫn kiếm đố nơi nào có? Bánh ngon, răng còn, cắn miếng nào là nuốt ọt miếng nấy, ngày nay nhớ lại, fromage, bánh mì, thịt bò phở đường Turc, đều do Sở nhà binh Tây cung cấp theo điệu của Chùa”, thảo nào phở và fromage sandwich vừa ngon vừa rẻ. Ngày nào, bây giờ, còn phở để thưởng thức xin đừng tiếc tiền và đừng chê mắc, còn nếm phở được là còn sức khỏe, hơn một ngày nào đây, các quán phở dẹp lần, ngầu pín lù (phở dậu bò nấu nhừ) và phờ tái giá. Một tô phở tái, vừa ngon vừa bổ, viên thuốc có sâm nhung không đổi, và hoan hô phở Turc, phở chị Mai đường La Grandiere cũ, sau nầy hoan hô phở 79, phở Hoà ngang nhà thương thuốc chó, phở Tàu Bay, phở Huỳnh, phở Quỳnh ngã tư Phú Nhuận, và gần đây hơn hết, 15$ một tô “ăn được lắm”, là phở của vợ chồng anh quán đường Lê Quang Định, chợ Bà Chiểu của tôi.

Phở Hoà, ngang nhà thương Pasteur, có đến hai quán, Hoà lớn ngon hơn Hòa nhỏ, Hòa lớn có món vú bò, ngầu pín ngon đáo để. Lúc ấy chỉ có 15 đồng bạc cũ (ba đồng ngày nay) mỗi tô, ngon không hơn phở hai quán nơi ngã tư Phú Nhuận, Huỳnh có trước, Huỳnh và mấy cô con gái đứng dọn ăn, mỹ miều như mấy cành lai-dơn (glaieul) từ Đà Lạt di cư về đây, phở Huỳnh có hương vị nửa pha Tây, vì nước lèo là nước xúp, nửa pha Tàu, vì để nhiều hương liệu thơm tho.

Lại nhắc đến tô hủ tíu của chú Ba Tàu. Hỏi chú chệc Tiều (Triều Châu), chú sửa cục thuốc xỉa qua bên môi, và cắt nghĩa: Củi viết ra Hán tự lả “Quế”, “tíu” muốn dịch là “tiểu” hoặc “thiểu” (nhỏ) đều nghe không thông, nhưng không dám đảm bảo là chắc, và “củi tíu” là bánh bột cọng nhỏ, nấu theo điệu Tiều, gia vị tôm tươi, chả cá, gan heo, bao tử luộc ram lại gọi là “phá lấu”, chút ít thịt gà, thì gọi “củi tíu cá gà”, hoặc vài miếng thịt heo thì gọi “củi tíu thịt” nhưng đó là “củi tíu” Tiều, sau đó ta chế lại, và gọi “củi tíu Nam Vang” hoặc “củi tíu Mỹ Tho”, tuỳ nơi bày chế, và nay có thêm có “mì Quảng” (không nên lầm với tô “mì Quảng Đông” vì đây là mì bình dân do dân Ngũ Quảng của ta nhập cảng vào Sài gòn cũng gần đây thôi, và đã nhắc thì phải nói luôn, củi tíu Tiều, khi do tay bếp Quảng Đông nấu, thì đã thay hương vị và đổi luôn danh từ để gọi, hủ tíu, cắt nghĩa như trên, tức: “hủ” (nát ra, tỷ dụ tàu hủ = đậu hủ) “tíu” đã giải nghĩa rồi, và tô hủ tiếu Quảng Đông” chỉ thay thế chả cá bằng miếng bánh chiên tép tươi, và “hủ tíu”, theo ông bạn quá cố Lê Ngọc Trụ là “hủ mộc phấn thổ”, “hủ tíu” người Quảng Đông cũng gọi “phanh” và danh từ nầy, khi lọt về tay đồng bào Bắc Việt, “ngầu dục phanh” (ngưu nhục phấn), tao không thèm gọi như chúng mi nữa, và biến ra “ngưu nhục phở”, kêu tắt “phở” lại càng thêm gọn. Từ cái mùi “Ba Tàu” hủ tíu. ba xu xưa, một tô nhỏ, sáu xu (0$06) một tô trộng trộng, vừa có ít sợi mì vàng, ít sợi bún “phanh” (bột mục nát), bước một bước qua ranh Bắc Việt “phở” đã mất mùi “chắc” và vẫn thơm ngon béo bổ hơn “hủ tíu” Tàu nhiều, phở nấu và ăn với nước cốt thịt bò, vitamin giàu hơn, nhứt là cách nay mấy tháng, khi phở Huỳnh Phú Nhuận còn mở cửa, trời sáng lạnh lạnh, tô phở bay hơi nghi ngút, tay cầm đũa, vít miếng thịt mềm nhừ, hay miếng “mỡ gầu” vừa giòn, vừa dai, gion gion giòn giòn, chấm một chút tương cay, mắt liếc tay ngọc bưng tô cho bàn bên cạnh, tưởng đâu chừng mình đã theo Lưu Nguyễn lạc lối Thiên Thai, với mười bảy đồng hay hai chục đồng mà nếm tô phở Huỳnh buổi ấy, hơn Lưu Nguyễn bội phần vì hai chàng lạc lối cảnh ăn đào thiếu bổ!

Thứ hỏi tại sao các người bỏ chạy, qua Tây gặp nếu một khi kia có chiến tranh, sẽ bị dồn trú trại tạp trung (cam de concentration), bị phát “thẻ cấp phát từ giọt” (carte de ravitaillement. a còmptegoutte), bằng như qua Mỹ hay nơi khác, làm sao có phở ngon bì phở nơi quê nhà, nhiều khi thanh đạm mà thú vị hơn nếm cao lương mỹ vị mà nhớ nhà nhớ quê hương xứ sở. Hạnh phúc là đâu? Chẳng qua tuỳ nơi lòng mình, xây dựng cõi xa, sao bằng “an phận “tuỳ duyên”, người ta sao thì mình vậy, cũng có ngày ráo tạnh, tôi chỉ sợ và trách quán mì quán phở thiếu vệ sinh, tôi sợ bịnh lây, nhưng vẫn không sợ “trời mưa”, vì mưa thét cũng có khi dứt hột, nắng thét cũng có lúc dịu mát, và nói thêm nữa là thừa.

(Viết ngày 3-10-1983).

***

Nhớ lại chuyện cũ ngày nào lúc chạy loạn tại tỉnh Sốc Trăng, trời đã nhá nhem sắp tối, con sông mù mịt, hai bên bò toàn là rừng xanh, “khỉ ho cò gáy”, chiếc ghe cà vòm của anh chủ Lỹ (Trần Đắc Lợi), chở vợ chồng mình đi chung với dì Tư là thân mẫu anh chủ, chiếc ghe đang thả bình bồng khúc sông Lá Hanh Chắt Đốt, bỗng nghe mùi mỡ chiên có tỏi rán thơm phứt, ghe phăng lần tới trước thoạt thấy một chiếc xuồng nhỏ, một cô gái Miên trẻ bâng đang chiên trong chảo, miệng mời mọc: “diệc ra ràn, một đồng bạc ba con”, đã có vài ba chiếc ghe tỵ nạn như mình đậu đó từ hồi nào, sẵn bụng đói, ghé lại ăn thử, vừa rẻ vừa nóng, nó ngon làm sao, có thể nói “còn ngon hơn bồ câu ra ràn cao lâu Chợ Lớn”. Buổi ấy tuổi chưa đến bốn mươi, quên mất cả chuyện chạy loạn - của không vốn, chùm diệc con đẻ trên cây, gió làm rớt chim, cô gái lượm về, mỡ heo không làm gì cho hết, vì lúc ấy heo hoang, chúng hạ sát không cần biết chủ heo là ai, ăn bất ngờ mà ngon vô tận, quả đúng “cơn nguy hưởng lộc trời dành”. (3-10-83)

Sinh kế, sinh hoạt (tiếp theo)

Năm nay 1984, tôi được làm một việc hữu ích cho con cháu của tôi, là tôi đã lục và gom góp thảnh tập và giao cho một nhà đóng sách ở Xóm Gà (Gia Định), đóng lại thành một cuốn 22x15, dày cỡ 7 phân Tây, là những thơ tín của ba tôi và của tôi gởi cho nhau từ buổi tôi lên học trường Chasseloup (Sài gòn) cho đến những năm sáu nầy, tức từ năm 1919 cho đến là thư chót có thủ bút của cố phụ thân tôi đề ngày 5 janvier 1950, và từ sau đó, muốn nhắn tôi tin tức gì, thì ba tôi sai con hay người khác viết chớ không bổn thân viết nữa. Ngày nay, cách ngót năm sáu chục năm, lấy đọc lại mà khôn cầm giọt luỵ, đúng là quả báo, con trai tôi nay đối xử với tôi ra sao, thì tôi đã đối xử với ba tôi y hệt không khác và ngày nay tôi nghĩ lại biết thương cha mẹ thì cha mẹ đã không còn, và Báo, mầy, nếu đọc mấy hàng nầy có hiểu cho tao chăng.

Ba tôi và chính tôi đây, năm 1919, viết không đúng chính tả, và thơ để lại, vì vậy, lại thấy có vẻ tự nhiên và thêm làm cho tôi ngậm ngùi thêm hơn.

Một tỷ dụ nhỏ, nhắc lại giúp vui, là giá vàng thời ấy: Tháng 7-1919, ba tôi dắt tôi từ Sốc Trăng lên Sài gòn để xin vô học có trả tiền nơi trường Chasseloup, ba tôi có đem theo 3.000$ để vô Chợ lớn nơi tiệm vàng “Đồng Thạnh” lã hãng mua bán vàng lán nhứt, - vàng thật “y”, tức không pha, là bởi ham mua đủ số 50 lượng (mỗi lượng 37gr:50), để hãng giao vàng, mỗi lượng cán ra mỏng, cân đủ số đồng cân, gói lại hai lớp giấy, lớp trong giấy “hồng đơn” (đỏ), lớp ngoài giấy bạch (giấy dó) và năm chục lượng ấy, chứa trong một hộp gỗ bằng cây trắc, tôi nói dong dài, mà năm chục lượng vàng ấy, luôn và hộp đựng, giá mua chỉ có 60$x50 là ba ngàn bạc (3.000$) mà thôi. Có ngờ đâu vì ham cái hộp mà ba tôi mất vốn luôn và gia đình ba tôi cũng sa sút luôn từ thuở ấy, vì có ai dè trước được, từ ngày mua (độ tháng Juillet 1919) rồi vàng cứ tuột giá lần lần, và tuột rất mau, tỷ như, khi tôi lên Sài gòn học tập, tôi có bổn phận phải theo dõi giá vàng và gởi thơ về thông tin cho ba tôi biết, thì thơ ngày 22-9-1919 vàng Đông Thạnh, tại Chợ lớn, giá 33đ mỗi lượng, (hai hiệu vàng khác, thì hiệu Tường Thạnh giữ y giá 33$, còn hiệu Nam Sang (Nam Thạnh), chỉ có 28$20. Ba tôi coi theo thơ tôi mà bán vàng lại cho thân chủ đến đặt làm vàng, mỗi lượng tính thêm một đồng bạc (nếu vàng do thân chủ đem lại, thì thân chủ ấy mua ở tiệm khác, nhưng vẫn trả cho lò thợ bạc 0$50 mỗi lượng, và phần đông thân chủ ưng trả 1$ ngay nơi lò thợ bạc vì tin rằng như vậy thợ hay chủ lò lựa vàng tốt vàng y, làm ra món nữ trang cho mình). Nghĩ mà tội nghiệp cho ba tôi, ham cái hộp trắc, giá không tới 10$ mà lỗ lã mãi và vì không biết, không thông thạo về thương trường, không biết “nhồi vốn nuôi heo”, tiếp tục giữ y số vàng đã mua, thì tuy vẫn lỗ, nhưng giữ đủ số đồng cân, đàng nầy ba tôi vừa bán vừa chịu mất, và chẳng bao lâu số vốn cụt luôn, và vàng cứ sụt giá mãi, thậm chí, có một năm đó vàng thấp giá nhứt, đến cực điểm, thì mỗi lượng giá chỉ còn 19$50. Nhưng dầu vàng rẻ, mà không có ai mua, vì đó là những năm kinh tế khủng hoảng tột độ, lúa mỗi tạ (68 ki lô, tính luôn bao bố), giá lối 9 cắc bạc và mỗi lon gạo trắng lối 9 xu (lúc ấy 100$ giá trị hơn mấy ngàn đồng nay, áo quần rẻ mạt, mà dân lao động vẫn đói rách dài dài, tại điền dân ruộng sản xuất ra hột lúa mà vẫn không đủ cơm nuôi vợ nuôi con, vẫn trần truồng, vợ và chồng chia nhau chỉ có một cái quần, ai có việc đi ra chợ búa mua lấy mà mặc che thân, một cuốc xe kéo giá 5 xu, một bao thuốc vấn giá 1 cắc bạc (00$10) mà trong gói thêm có một đót ống điếu bằng trúc rất đẹp để dụ khách mua, và một thơ ký chánh ngạch, có bằng tú tài Pháp tuỳ thân, nhưng đồng lương mỗi tháng chỉ có 25$, vì chủ Tây, không dại, đã tính tiền lương ấy tương đương xấp xỉ với giá một lượng vàng hồi ấy, chớ không phải nhỏ! Một chị giang hồ đi khách, một đêm chỉ có ba miếng (3$) nếu là người đẹp ăn sương thỉnh thoảng, còn hạng gái nhà số, giá chỉ có hai cắc, ba cắc mà thôi, và có 20$ là đủ nuôi tháng một vợ nhỏ mơn mởn đào tơ dòn như bánh cốm.

Tôi năm nay gặp lại con tôi từ Hà Nội về đây ăn Tết, tôi than thở với con tôi ân cần đặn đừng ăn xài lớn, đừng đánh đôi đánh đọ ráng học và chăm chỉ học cho mau mau thành tài, và mỗi câu nói của tôi là văng ra bạc mới số ngàn nầy qua ngàn kia, tôi nói đó là “quả báo” vì năm xưa tôi đã bất hiếu với cha tôi, mỗi tháng ở trường Chasseloup đều gởi thơ về năn nỉ ỷ ôi, xin 8$ tiền ăn, 4$ tiền sắm đôi giày “các chú” Đất hộ Dakao đóng, và xin thêm 13$ để mua một đôi giày đế da sản xuất bên Pháp, gọi tắt là “da Tây”, giày có cuống bằng nỉ, gọi soulier tige - drap của hiệu Bắc Nguyễn Chí Hoà (thân phụ dược sĩ Nguyễn Chí Mai) đường Catinat, giày 13$ nầy để dành những ngày lễ ra trường đón mấy cô trường áo tím, nay trả lại, con tôi xin tiền sắm áo manteau, áo choàng mùa đông, xe đạp đem theo bốn tháng trước (tháng 9-1983), con tôi đem ra Bắc thì đã bán rồi.

- Sau đây, tôi sao lục lại lá thư ba tôi gởi cho tôi:

Sóc Trăng le 5 janvier 1950.

Ba có lãnh đặng số bạc 4.000$ của con gởi rồi, sau nầy ba cho con hay rằng: số là vợ chồng thằng Quan bị bắt, là tội con Bảy Lán. Trong khi bắt nửa đêm, xét đặng giấy tờ quan hệ cho nên nó buộc trong anh em Xã Lớn, trai cho tới gái, đều là Việt Minh hết, đều có liên lạc với trong khu hết cho nên bị nhốt trong khám tối hết, còn vụ bắt bờ nầy là tại có đứa phản, nó đem giấy tờ nộp cho sở lính kín hết, nửa đêm nó bắt ông chủ Tó, và cai tổng Xỉa, và lên chìa bắt ông Lục Can là người hôm trước có ghé nhà ba đó và bắt nhiều người nữa, còn thằng Quan, sáu ngày mới bị bắt, vụ nầy lấy làm rắc rối lắm, thế bào cũng bị giải toà tội nghiệp cho gia đình mình lắm, như ba đây, ăn cái tuổi nầy mà mắc cái nạn nầy, chắc không còn chịu thấu cùng không? Có con mà cũng như không. Trong đời không ai vô phước cho bằng ba đó thôi nói ít con cũng biết nhiều,: không hơi đâu mà kể cho hết. Nay thơ

Ký tên: Vương Kim Hưng.

(Trong bức thơ ngày 25-12-1949, về vụ em tôi bị Tây bắt, có câu nầy nơi sau thơ, nay xin ghi lại đây cho đủ: “... thằng Quan bị bắt luôn “hai vợ chồng, hôm qua nầy ba và Sáu Đực cậy cậu Hai Tường nói với “Xếp cà lăm” lo cho nó ba ngàn đồng đã đưa tới tay, biểu nó đừng đánh “khảo chi hết, bằng nó có quyền tha, thời cho thêm nữa, nguyên số bạc “nầy là của Huyện Bảy, con ông Phán Sáng ra cho mượn mà lo đó,”)

Việc đã rồi và đã nguội từ lâu, lẽ đáng không nhắc lại làm gì, nhưng đây là một lối tôi sám hối, rõ tôi không làm tròn phận sự làm con trong lúc ba tôi còn sanh tiền, tôi là con bất hiếu. Trước khi ba tôi mãn phần, tôi có trúng số được 100.000$ tôi chỉ dâng ba tôi được 10.000$, và khi ba tôi nhắm mắt, số tiền nầy còn dư được hơn 7.000$ đủ lo việc tống táng, và sau nãy tôi có được về nằm gần ba và má tôi nơi đất mộ ở Sốc Trăng chăng, việc ấy sau nầy sẽ hay, nay lo chi cho nhọc mắt người đọc. (8-2-84).
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved