Đôi nét Do Thái giáo
Nguyễn Ước
I. Lịch sử /II. Đức Mô-se /III. Triết học Do thái giáo
I. Lịch sử
Tôn giáo của người Do Thái, với tâm điểm là niềm tin vào Đức Giêhôva, đấng Thượng đế độc nhất, đấng tạo hóa siêu việt, đấng đã giải phóng dân tộc Israel khỏi những năm tháng câu thúc ở tại Ai Cập, qua *Mô-se, mạc khải cho họ lề luật (Torah) của ngài và chọn họ làm ánh sáng cho loài người; Kinh Thánh Híp-ri là nguồn chủ yếu của Do Thái giáo.
Kế đó là tầm quan trọng của sách Talmud bao gồm Mishnah (lề luật hóa Torah truyền khẩu) và một sưu tập lời chú giải bao quát của các thầy giảng thời sơ khai. Các ý kiến đa dạng về sau và bộ luật tiêu chuẩn của lề luật và nghi lễ (Halakhah) Do Thái được làm ra vào cuối thời Trung Cổ, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tư tưởng và thực hành Do Thái giáo.
Tuy bị phân tán thành những cộng đoàn đa dạng, hết thảy người Do Thái đều xem mình là thành viên của một cộng đồng có những nguồn gốc ăn sâu từ thời các tổ phụ. Quá khứ ấy tiếp tục sống trong những nghi lễ của nó, đồng thời có sở thích đặc trưng là tuyên xưng niềm tin và thái độ bằng nghi lễ hơn là bằng những học thuyết trừu tượng.
Gia đình là đơn vị căn bản của nghi lễ Do Thái giáo, dù hội đường (synagogue) càng ngày càng đóng vai trò quan trọng. Ngày Sabbath, bắt đầu lúc mặt trời lặn chiều thứ Sáu và kết thúc lúc mặt trời lặn chiều thứ Bảy, là tâm điểm của việc giữ đạo. Hội đường là trung tâm thờ phượng và học hỏi của cộng đồng. Đặc điểm chủ yếu của nó là cái “hòm” (ark) nhỏ, chứa đựng các cuộn sách viết tay bộ Ngũ Kinh (Pentateuch) gồm các sách Sáng thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số và Đệ nhị luật.
Thầy giảng (hay giáo sĩ, rabbi) chủ yếu là thầy giáo và là người hướng dẫn tâm linh. Quanh năm là chu kỳ lễ hội và chay tịnh. Lễ hội đầu tiên là Ngày đầu năm (Rosh Hashanah); ngày thiêng liêng nhất trong năm là Ngày Đền tội (Yom Kippur). Các lễ hội hằng năm khác gồm lễ Lều (Hanukkah) và lễ hội Vượt qua (Pesach) cử hành trong gia đình.
Do Thái giáo thời hiện đại cắm rễ trong Do Thái giáo có tính thầy giảng và có sự khác biệt trong phát triển mang tính lịch sử. Ngày nay, hầu hết người Do Thái là hậu duệ của Ashkenazim hoặc Sephardim và mỗi nhánh có những đặc trưng văn hóa khác nhau.
Cũng có vài chi nhánh tôn giáo của Do Thái giáo. Do Thái giáo chính thống (Orthodox) tìm cách bảo tồn Do Thái giáo cổ truyền. Do Thái giáo Cải cách (Reform) thể hiện nỗ lực thông giải Do Thái giáo dưới ánh sáng của học vấn và tri thức hiện đại – xa thêm nữa, có tiến trình của Do Thái giáo Cấp tiến (Liberal). Do Thái giáo Bảo thủ (Conservative) nỗ lực làm dịu phái chính thống bằng cách nhấn mạnh các thành tố lịch sử tích cực của truyền thống Do Thái.
Thành kiến bài Do Thái và các giai đoạn bách hại là đặc điểm của văn hóa Kitô giáo tại châu Âu và gia tăng theo với sự phất lên của chủ nghĩa dân tộc châu Âu, cực điểm của nó là Cuộc Đại tàn sát người Do Thái (Holocaust) của Đức Quốc xã. Tác động của nó thật vô lượng, thúc bách Phong trào phục quốc Do Thái (Zionist movement) phải tạo lập một quê hương Do Thái và là mấu chốt cho mọi quan hệ giữa những người Do Thái và không Do Thái hôm nay. Giờ đây, có hơn 14 triệu người Do Thái.
II. Đức Moses (k. tk 13 tr.C.N)
Thường đọc là Mô-se, người ban hành luật lệ Do Thái. Có lẽ ông chào đời tại Ai Cập. Moses là vị tiên tri đầu tiên trong các tiên tri Do Thái, và là thủ lãnh vào thế kỷ 13 trước C.N.đã dẫn dắt dân Israel thoát khỏi cảnh câu thúc tại Ai Cập, đi tới mấp mé vùng đất Canaan. Chuyện kể trong Kinh Thánh là nguồn thông tin về cuộc đời của Moses. Lúc mới sinh ra từ một phụ nữ Do Thái, ông được ơn thiêng liêng che chở để sống sót, làm con nuôi của một công chúa và được giáo dưỡng như một hoàng tử trong hoàng cung Ai Cập. Sau đó, vì bênh vực đồng bào mà ông phải bỏ hoàng cung, trốn tránh ra vùng hoang mạc làm người chăn cừu.
Theo sách Xuất hành 2-3, Moses nghe lời kêu gọi của Thiên Chúa từ một bụi gai đang bốc cháy, để lãnh đạo dân ngài đứng lên đòi hồi hương, ra khỏi Ai Cập và băng ngang sa mạc. Thượng đế công bố Lề luật qua của miệng Moses, không chỉ Mười giới răn và các bộ luật hình sự mà còn toàn bộ qui định về nghi lễ thờ phượng. Lúc ông đã già, khi dân Do Thái tới Jordan , sẵn sàng để vào Đất hứa, Thượng đế cho ông lên núi cao đứng ngắm toàn cảnh đất ấy, nhưng không được vào; ông qua đời và được chôn cất tại Moab .
Mọi chi tiết về cuộc sống và công nghiệp của Moses được kể lại trong các sách Xuất hành, Lê-vi, Dân số và Đệ nhị luật mà từ ba ngàn năm trước, đã xem ông là người biên soạn; ông cũng được qui cho là tác giả của sách Sáng thế. Do đó, năm cuốn ấy được gọi là Ngũ kinh của Moses. Lề luật mà ông công bố ấy được gọi là luật Moses, nền móng của Do Thái giáo mấy ngàn năm nay. Nhiều nhà phê bình hiện đại phủ định thẩm quyền tác giả của Moses trên Ngũ kinh.
III. Do Thái triết học
Giống với Kitô giáo và Hồi giáo, Do Thái giáo thể hiện một tổng hợp kết cấu giữa thuyết độc thần có tính Kinh thánh và tư tưởng triết học Hi Lạp.
Dù trong Kinh Thánh Híp-ri không có chỗ nào trình bày một triết học có tính hệ thống nhưng nó rất phong phú với những phản ánh về siêu hình học, vật lý học và đạo đức học. Những đề cập sớm sủa nhất của Hi Lạp về người Do Thái là mô tả họ như một nòi giống của các triết gia. Người Do Thái đáp ứng biệt nhãn ấy bằng cách viết lại Kinh Thánh bằng ngôn ngữ của tư tưởng Hi Lạp.
Về sau, các nhà tư tưởng Do Thái phản ứng trước sự phất lên của triết học Hồi giáo bằng cách viết (bằng tiếng A Rập) về mối quan hệ giữa tri thức lý tính và truyền thống đặt trên sự mạc khải. Các tác giả Do Thái viết bằng tiếng A Rập ở Tây Ban Nha như Avicebron (k.1020-k.1070) và Mimonaides (1138-1204) gây được ảnh hưởng không chỉ lên các nhóm Do Thái giáo và Hồi giáo mà còn lên nền triết học kinh viện Kitô giáo qua những bản dịch bằng tiếng La-tin.
Tới thế kỷ 17, tâm điểm sức hút của tư tưởng Do Thái di chuyển sang Tây Âu Kitô giáo và sau Thời Khai sáng thế kỷ 18 cùng với cuộc giải phóng chính trị sau đó trong khi nó vẫn còn bị chiếm lĩnh bởi các vấn đề xưa cũ liên quan tới mối quan hệ giữa mặc khải và lý trí. Có một đường thẳng dẫn từ các tác giả thời Trung cổ viết bằng tiếng A Rập tới *Spinoza và triết gia kiêm học giả Kinh Thánh Đức Mose Mendelssohn (1729-1786) và qua tới triết gia Đức *Hermann Cohen (1842-1918), người thành lập học thuyết tân Kant (neo-Kantianism), kẻ phát triển một tổng hợp có tính căn nguyên của Do Thái giáo với chủ nghĩa duy tâm.
Các nhà tư tưởng Do Thái có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20 là triết gia Do Thái-Ba Lan-Đức Leo Baeck (1873-1956) và triết gia Do Thái-Áo Martin Buber (1878-1965) và nhà thần học Do Thái-Đức Franz Rosenzweig (1886-1929), cả ba đều là đồ đệ của Cohen. Ngày nay, bên ngoài triết học có tính tôn giáo, thật khó phân biệt sự đóng góp chuyên biệt mang tính Do Thái trong tình trạng các triết gia Do Thái đang chia sẻ những tiền giả định và các phương pháp của triết học hiện đại trên một qui môn lớn./.