Home » » Kể chuyện Đại hội Toán học thế giới

Kể chuyện Đại hội Toán học thế giới

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012 | 22:36

Kể chuyện Đại hội Toán học thế giới
Bế mạc Đại hội Toán học thế giới ngày 27/8, từ Ấn Độ, GS Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Viện phó Viện Toán học, đã có bài ghi nhanh về sự kiện này.

Đương kim chủ tịch IMU phát biểu và giới thiệu Chủ tịch mới. Ảnh: Nguyễn Việt Dũng
Ấn tượng

Gây chú ý nhất của mỗi kì Đại hội Toán học chính là việc công bố các giải thưởng, đặc biệt là
giải thưởng Fields.

Giải thưởng Nobel được trao lần đầu tiên từ năm 1901 cho 6 lĩnh vực: Vật lí, Hóa học, Y học, Văn học, Kinh tế và Hòa bình. Qua đúng 110 năm trao giải, đã có tất cả 806 giải Nobel được trao cho các nhà bác học và 23 giải Nobel trao cho các tổ chức. Rất tiếc Giải Nobel không được trao cho Toán học.

Ra đời muộn hơn 35 năm, Giải thưởng Fields mới chỉ được trao cho tổng cộng 52 nhà toán học trẻ có quốc tịch từ 15 nước trên thế giới (trước đây tôi có sai sót khi đưa tin trước 2009 chỉ có 11 nước). Tuyệt đại đa số những người được Giải thưởng Fields sau đó đều trở thành các nhà lãnh đạo Toán học, tức là những người định hướng cho sự phát triển Toán (chứ không nhất thiết giữ chức vụ chính quyền).

Giải thưởng Fields năm nay được trao cho4 người:
Lindenstrauss (Israel), Ngô Bảo Châu (Việt Nam – Pháp), Smirnov (Nga) và Villani (Pháp).

Gây chú ý nhất chính là hiện tượng Ngô Bảo Châu, người đầu tiên có quốc tịch từ các nước đang phát triển nhận giải thưởng này. Bởi vậy suốt kì Đại hội, anh là người bận bịu nhất trong số 4 người với vô số lần phỏng vấn (của nước ta, Pháp và các nước khác), chụp ảnh, kí tên, …

Gây chú ý thứ hai là việc lần thứ 6 liên tiếp (kể từ 1990) Nga có công dân của mình đạt Giải thưởng Fields, còn với Pháp là lần thứ 3 liên tiếp (kể từ 2002). Chú ý rằng Giải thưởng Fields chỉ được trao 4 năm một lần, mỗi lần không quá 4 người.

Gây chú ý thứ ba là trong số 4 nhà toán học được Fields, có 3 đã từng thi và đạt giải tại Kì thi vô địch Toán quốc tế IMO. Ngoài Ngô Bảo Châu hai lần vô địch tại các năm 1988 (điểm tuyệt đối) và 1989 (40/42 điểm), có Smirnov năm 1987 và 1988 (cả 2 lần đều đạt điểm tuyệt đối) và Lindenstrauss (huy chương đồng 1988). Mối liên hệ chặt chẽ giữa việc đạt giải IMO và thành đạt sau này của các nhà toán học đã được nhiều lần kiểm chứng qua các đợt trao Giải thưởng Fields. Thành công lần này lại là một sự khẳng định hùng hồn.

Nền Toán học nào mạnh nhất?
Giành được nhiều Giải thưởng Fields là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá sức mạnh của nền Toán học một nước. Nhìn vào phân bố của 6 nước đứng đầu: Mỹ (13 giải), Pháp (11), Nga – Liên Xô cũ (9), Anh (6), Nhật (3), Bỉ (2) có thể thấy điều đó khá đúng, nhất là với 5 vị trí đầu. Chỉ có trường hợp của Đức, tuy mới chỉ có 1 Fields, nhưng được xem là nước có nền Toán học mạnh, chắc chắn là hơn Bỉ.


Tuy nhiên, đánh giá chỉ dựa vào giải thưởng Fields không thật chính xác vì ba lí do: Một là, việc liệt kê là theo quốc tịch của người được giải, nên có thể chưa phản ánh đúng đóng góp của nền Toán học nước đó; Hai là: ít nước có người được giải, nên so sánh Toán học giữa các nước không được giải với các nước chỉ được 1-2 giải rất khó chính xác; Ba là: số người được giải không hẳn đã ở lại nước làm việc, và do đó chưa hẳn nước đó đã tận dụng được nhiều nhất cống hiến của họ. Thực tế cho thấy tuyệt đại đa số những người đạt Fields sau đó hoặc chuyển sang Mỹ làm việc hẳn, hoặc làm việc một thời gian dài.

Vì lí do trên, người ta rất chú ý tới phân bổ các báo cáo mời toàn thể và báo cáo mời tiểu ban theo địa chỉ đang làm việc của báo cáo viên. Một phần vì được mời làm báo cáo dù là ở tiểu ban là rất khó. Nếu kể cả Việt kiều, nước ta mới chỉ có 3 người có vinh dự này. Phần khác, số lượng nhà toán học có vinh sự này xấp xỉ 200 một kì đại hội, nên thống kê này phản ánh rõ hơn thực chất sức mạnh của một nền Toán học.
Tại Đại hội lần này, có tất cả 19 báo cáo mời toàn thể, thì Mỹ chiếm 11. Tiếp theo là Pháp: 2, Israel: 2. Còn lại là của Ấn Độ, Brasil, Nga và Trung Quốc: mỗi nước 1. Có tổng cộng 161 báo cáo mời tiểu ban từ 30 nước. Những nước có nhiều báo cáo nhất là: Mỹ: 55, Pháp: 18, Anh: 14, Đức: 8, Ấn Độ, Canađa, Israel, Thụy Sĩ: 6; Nhật, Trung Quốc: 5; Bỉ và Nga: 3. Sáu nước khác: mỗi nước 2, còn lại là 1.


Sử dụng số liệu trên, ta có thể thấy, tuy 3 kì đại hội liên tiếp gần đây, Mỹ không có ai được Fields, nhưng nền Toán học của họ là vô địch, vượt xa các nước khác. Nếu nói nền Toán học Mỹ gần bằng phần còn lại của thế giới cũng không quá sai. Vì vậy nước Mỹ là nơi phát minh ra máy tính, internet, mã khóa công khai, … cũng là điều không lạ.

Chính từ con số thống kê trên, mà mặc dù lần này có 2 công dân của mình đạt giải thưởng Fields (kể cả Ngô Bảo Châu) và một người được giải thưởng Gauss, trong buổi chào mừng các nhà toán học được giải hoặc có báo cáo mời của Pháp tại ICM-2010, Hội Toán học Pháp vẫn nhận định nền Toán học của họ chiếm vị trí thứ hai! Không nói ai cũng hiểu là sau Mỹ.

Toán học Việt Nam đứng ở đâu?


Chưa bao giờ có trường hay viện nghiên cứu nào của Việt Nam có nhà toán học của mình được mời làm báo cáo mời tiểu ban trở lên tại một kì đại hội. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ tuần trước, GS Ngô Bảo Châu có nói nếu Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán của ta được thành lập và đến ICM - 2018 có được 1-2 báo cáo mời tiểu ban thì quả là một thành công tuyệt vời.

Trong các nước Đông Nam Á, chỉ mới có Singapore có vinh dự này. Tại Đại hội lần này họ cũng có một báo cáo mời (Tiểu ban Giải tích số và Tính toán khoa học). Nước láng giềng chúng ta, Trung Quốc, đã nhiều lần có vinh dự đó. Lần này họ có 1 báo cáo mời toàn thể và 5 báo cáo mời tiểu ban. Một con số thật ấn tượng.
Hàn Quốc lên giới thiệu về ICM 2014. Bài nói được bắt đầu bằng thư của chủ tịch nước Hàn Quốc mời các nhà toán học đến dự. Ảnh: Nguyễn Việt Dũng

Nước có nền Toán học khởi điểm gần gần giống ta là Hàn Quốc, lần đầu tiên có báo cáo mời tiểu ban là ICM-2006 tại Madrid (2 báo cáo). Lần này họ có 1 báo cáo mời (Tiểu ban Tôpô, không kể tới một nhà nữ toán học Hàn Quốc còn khá trẻ đang làm ở Mỹ được mời làm báo cáo mời tiểu ban). Một số nước đang phát triển như: Chilê, Nam Phi, Uruguay, Uganda cũng có báo cáo mời tiểu ban.
Những con số nói trên, tuy không đưa ra một sự xếp hạng cụ thể, nhưng cũng có thể kết luận: Toán học nước ta còn quá kém! Việc GS Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields không hề làm thay đổi thứ hạng của Toán học Việt Nam. Bởi lẽ, việc đào tạo chuyên nghiệp của Anh chủ yếu nhờ nước Pháp.

Ai đó có thể tự hào Toán học nước ta còn hơn tất cả các nước Đông Nam Á (trừ Singapore). Nhưng đó đâu phải là cái đích ta cần hướng tới? Bởi vì phát triển Toán không phải là cuộc thi giành thứ hạng cao, mà mục đích cuối cùng của nó chính là để phục vụ phát triển khoa học và kinh tế - xã hội của nước nhà.

Bài học?

Việc GS Ngô Bảo Châu được trao giải Fields lần này là một niềm tự hào chính đáng. Nó chứng minh hùng hồn khả năng trí tuệ của người Việt Nam.

Nó chứng tỏ trong giáo dục phổ thông, mà cụ thể là hệ thống lớp chuyên Toán, đã có một cách đào tạo độc đáo để góp phần dẫn đến thành tựu đó. Đó là lí do tại sao rất nhiều nhà toán học nước ngoài đến chúc mừng thành viên đoàn Việt Nam.

Thành tựu đó không phải là một hiện tượng đơn lẻ, bởi vì ngoài Ngô Bảo Châu còn rất nhiều nhà toán học trưởng thành từ đó: Vũ Hà Văn, Lê Tự Quốc Thắng, Đinh Tiến Cường, Ngô Việt Trung , … (không dưới 50, nếu kể cả số đang ở nước ngoài).

Do vậy, tuy không nên và không thể dựa vào đó để ca ngợi nền giáo dục còn nhiều vấn đề của ta, nhưng phải bình tĩnh nghiên cứu xem cái gì ta đã làm tốt thì tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa. Có như vậy, chúng ta mới có cơ hội đào tạo được nhân tài cho đất nước.

Tuy giải thưởng Fields của Ngô Bảo Châu không làm thay đổi thứ hạng Toán học Việt Nam, nhưng nó tạo ra một thời cơ mới cho Toán học Việt Nam.
Với sự trợ giúp của anh cũng như nhiều nhà toán học Việt Nam khác đang làm việc ở nước ngoài, nhiều nhà toán học quốc tế sẵn sàng đến Việt Nam giúp đỡ. Họ đến vì lòng tốt, nhưng cũng với hy vọng sẽ tìm được học trò giỏi! Học sinh ta thêm niềm tin và nghị lực để dấn thân vào ngành Toán (và các ngành khoa học khác). Sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sẽ có cơ hội học với những người giỏi nhất, nghiên cứu những vấn đề thời sự nhất, …Tất cả những điều đó sẽ tạo nên một hợp lực mới để đẩy nhanh tốc độ phát triển.


Không thể nôn nóng trong phát triển khoa học. Nhưng bước tiến thần kì của Toán học Hàn Quốc trong 20 năm qua, thành tựu quá bất ngờ của GS Ngô Bảo Châu chỉ sau 20 năm xa Tổ quốc cho phép chúng ta kì vọng.

Vấn đề chỉ còn liệu Nhà nước ta có được những quyết sách kịp thời để tận dụng cơ hội này hay không mà thôi.
Theo Vietnamnet
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved