J.W.GỚT, G.W.PH. HÊGHEN, C.MÁC : Bàn Về Tính Dân Tộc Trong Văn Nghệ
Phạm Ngọc Hiền
Gớt, Hêghen, Mác là những nhà tư tưởng lớn của nhân loại. Cả ba ông đều là người Đức và đều dùng phương pháp biện chứng khi nghiên cứu các hiện tượng nghệ thuật. Những quan điểm mỹ học của họ có ảnh hưởng lớn đến nền lý luận, phê bình và sáng tác nghệ thuật của nhiều nước trên thế giới. Một trong những luận điểm quan trọng của họ là khẳng định vai trò to lớn của tính dân tộc trong văn nghệ.
J.W.Gớt (1749 - 1832), là một nhà thơ nổi tiếng người Đức, tác giả của các kiệt tác Fauxt, Nỗi đau chàng Vecte. Tể tướng Gớt còn là một nhà bác học am hiểu nhiều ngành khoa học tự nhiên và xã hội. Các quan điểm mỹ học của ông được thể hiện một phần qua các sáng tác thơ văn, một phần qua các công trình lý luận như: Laocôôn (1798). Về sự thật và dường như thật của tác phẩm nghệ thuật (1797-1798), về đối tượng của nghệ thuật tạo hình (1797), Nghiên cứu của Điđôrô về hội hoạ (1799) và các thư từ trao đổi với bạn bè,… Ông đề cập khá nhiều vấn đề nghệ thuật trong đó có vai trò của tính dân tộc. Gớt cho rằng, đặc tính của mỗi dân tộc chi phối đặc điểm nghệ thuật của dân tộc đó. Nói cách khác, dân tộc thế nào thì văn nghệ thế đó. “ Không một nghệ sĩ nào lẫn trường phái nào được quan sát một cách biệt lập, nó liên quan tới vùng đất nơi anh ta sống, với công chúng của dân tộc mình, với thế kỷ này”[4,tr 167]. Đó cũng là quan điểm chủ đạo của các nhà nghiên cứu, lý luận văn nghệ theo trường phái văn hoá-lịch sử sau này. Dùng phương pháp xã hội học văn học, ta có thể lý giải được nguyên nhân của nhiều hiện tượng nghệ thuật. Chẳng hạn, dân tộc Anh có sở trường về kịch nên đã chắp cánh cho Sếcxpia thành công rực rỡ. “Sự sáng tạo thơ ca của Sếcxpia là hội chợ hằng năm lớn, trường sinh, và ông phải cảm ơn tổ quốc ông về sự giàu có này” [4,tr 185] . Nhưng không phải dân tộc nào cũng có sở trường về kịch. “Văn học Irăng không có kịch. Liệu có thể xuất hiện một nhà thơ viết kịch chăng khi mà toàn bộ nền văn học của họ phải thích nghi với cái nhìn khác?” [4, tr108]. Theo ông, chế độ quân chủ độc tài của Irăng thời đó không khuyến khích trao đổi ngôn luận, mọi người đều thích sự yên ổn và “cũng không lắm điều về chính mình”. Cho nên thể loại kịch không có mà chỉ phổ biến những thể loại cần có sự hư cấu “bịa đặt” nhiều như các bài thơ dài và truyện cổ tích. Gớt cho rằng văn học dân gian có ảnh hưởng lớn đến văn học viết, là nền tảng vững chắc để xây dựng nền văn chương bác học. “ Nó xuất hiện càng tươi mới, càng có tính tự nhiên thì các thời đại tiếp theo sau nó phát triển càng thuận lợi hơn” [4, tr 131]. Ngay cả bản thân Gớt cũng ảnh hưởng khá nhiều văn học dân gian. Hêghen nhận xét rằng, những tác phẩm đầu tay của Gớt đạt đến vẻ đẹp tươi tắn nhờ được khơi nguồn từ dân ca: “Các tác phẩm thâm trầm và hồn nhiên nhất của ông vẫn là những ca khúc đầu tiên” (thời còn chịu nhiều ảnh hưởng của thơ ca dân gian). Gớt đã từng nêu lên câu hỏi : “ Bao giờ và ở đâu sẽ xuất hiện một tác gia dân tộc cổ điển?” Từ thực tế sáng tác của mình và sự đúc kết kinh nghiệm của nhiều nhà tư tưởng, Gớt đưa ra kết luận: một nghệ sĩ chỉ trở thành thiên tài dân tộc “khi tác giả đó tìm thấy trong lịch sử dân tộc mình những sự kiện lớn lao (….) khi anh ta không làm mất cá tính lớn lao trong tư tưởng của đồng bào mình và cái sâu sắc trong tình cảm của họ (….) khi anh ta tìm thấy dân tộc của mình ở trình độ cao của văn hoá” [4.tr 149]. Anh ta phải biết tiếp thu những thành quả và kinh nghiệm của những người đi trước, là học trò của họ nhưng “anh ta không cần trả tiền thầy giáo nặng nề rằng anh ta có khả năng để nhìn thấy trước, để sắp đặt và để hoàn thành một tác phẩm lớn trong những năm tháng tốt nhất của cuộc đời mình” [4, tr 150]. Như vậy, một thiên tài nghệ thuật không chỉ có năng khiếu bẩm sinh mà còn nhờ sự hỗ trợ của dân tộc mình. “ Thiên tài được quy định một phần nhờ ở tài năng bên trong và niềm tin riêng, một phần nhờ vào dân tộc và thời đại (…) Tác phẩm đã mang lại cho anh ta danh dự, làm cho đồng bào của anh ta vui mừng và đồng thời khuyến khích cho anh ta đi xa hơn” [4, tr 166]. Gớt rất đề cao vai trò của công chúng đối với nghệ thuật. “ Công chúng có ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật (….) chính nghệ sĩ là một bộ phận của công chúng (…..) Nghệ sĩ tự phản ánh mình trong dân tộc và thời đại của anh ta” [4,tr 98] . Quan điểm ấy còn được phát biểu gián tiếp qua vở kịch thơ Fauxt. Trong màn “ Giáo đầu ở nhà hát”, nhân vật giám đốc nhà hát đề nghị nhà thơ phải viết những tác phẩm bình thường, dễ hiểu để đáp ứng thị hiếu nhất thời của đông đảo khán giả. Nhà thơ phản đối và cho rằng, cần phải viết những tác phẩm cao siêu dành cho tương lai. Còn diễn viên thì về cơ bản đồng tình với nhà thơ nhưng cũng băn khoăn cùng với ông giám đốc “ ai lo giải trí cho khán giả đương thời”. Qua cuộc tranh luận đó, Gớt bộc lộ quan điểm: nhà thơ phải sáng tác để phục vụ đông đảo công chúng, đó là những khán giả chân chính và say mê nghệ thuật chứ không phải chỉ phục vụ cho một số ít người thuộc giai cấp quý tộc. “ Viết bi kịch Fauxt, Gớt hướng về nguồn cảm hứng dân tộc” (Phùng Văn Tửu) [1, tr 394]. Nhà phân tâm học C.G.Jung (1875-1961) xuất phát từ lý thuyết “siêu mẫu”, “vô thức tập thể” để giải thích ngọn nguồn dân tộc trong sáng tác của Gớt “Không phải Gớt tạo ra Fauxt mà là Fauxt tạo ra Gớt… Ở đây có một cái gì đó sống trong tâm hồn mỗi người Đức và Gớt đã giúp cho cái đó ra đời”. Nhưng quan điểm của Gớt không siêu hình như vậy, ông có cái nhìn biện chứng hơn. Sở dĩ một tác giả có được sự thành công là do biết bám vào gốc rễ dân tộc, được sự hỗ trợ của đồng nghiệp và công chúng ngay trong thời tác giả đang sống. “Thi ca Pháp cũng như văn học Pháp không khi nào tách khỏi cuộc sống và nhiệt huyết của toàn bộ tính cách dân tộc” (Đôi điều xa xôi về văn học thế giới-1829) [4,tr 171]. Trong khi khẳng định vai trò của dân tộc đối với tác phẩm, Gớt cũng thừa nhận sự ảnh hưởng của các dân tộc khác trong quá trình giao lưu văn hoá. Hêghen cho rằng, Gớt đã đưa những yếu tố phương Đông vào các tác phẩm “Thơ đi-van Đông phương-Tây phương”, “ Iphigiêni”. Nhưng ông chỉ mượn các yếu tố nước ngoài “làm cái khung cho các hình tượng”. Gớt cũng chủ trương một nền văn học thế giới. “ Ở thời đại chúng ta, văn học dân tộc không còn ý nghĩa gì nhiều, bây giờ là thời đại của văn học thế giới và mỗi chúng ta còn phải góp phần làm cho thời đại đó hình thành càng sớm càng tốt”. Nói như vậy không có nghĩa là ông kêu gọi xoá bỏ bản sắc văn học dân tộc. Thực ra là ông ngầm kêu gọi xoá bỏ tình trạng cát cứ của các lãnh chúa quý tộc Đức thời bấy giờ, đề nghị mở rộng giao lưu giữa các công quốc và thống nhất đất nước. Suy rộng ra cũng có nghĩa là ông kêu gọi giao lưu văn hoá toàn thế giới. Chủ trương đó có ảnh hưởng tốt đến xu hướng hội nhập văn hoá thế giới hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà nhân dịp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ASEM 5 năm 2004, chính phủ Việt Nam đã khánh thành Viện Gớt học tại Hà Nội. Đây cũng là một sự kiện ghi nhận những đóng góp lớn lao của Gớt đối với văn hoá các dân tộc trên thế giới.
G.W.Ph.Hêghen (1770-1831) là một triết gia lỗi lạc người Đức. Ông rất đam mê nghiên cứu nghệ thuật và để lại cho đời bộ “ Mỹ học” được coi là bộ sách đồ sộ nhất thế giới về chuyên ngành này. Trong đó, ông đề cập khá nhiều đến tính dân tộc trong văn nghệ. So với Gớt, ông có điều kiện nghiên cứu toàn diện và sâu sắc hơn về vấn đề này. Ông khẳng định, nghệ thuật có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc. “Nghệ thuật thực sự đã trở thành vị thầy cao nhất của các dân tộc”, “ Các dân tộc đã kí thác vào sáng tác nghệ thuật những chiêm ngưỡng nội tâm và những biểu tượng của mình. Nghệ thuật là cái chìa khoá để hiểu sự khôn ngoan sáng suốt và tôn giáo của họ”. Tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm của tinh thần dân tộc nên nhìn vào đó là biết được “ cách các dân tộc nhìn thế giới, nhìn cuộc đời”. Cũng như Gớt, ông cho rằng văn học dân gian thể hiện rõ nét nhất bản sắc văn hoá dân tộc. “Các bài hát dân gian là những bài có tính chất dân tộc nhất và gắn liền với những đặc điểm bẩm sinh dân tộc” [5, T1,tr 460] ông gọi sử thi là “ thánh thư của dân tộc” vì nó là bộ bách khoa toàn thư về đời sống dân tộc. Nó phản ánh những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc đó và sức mạnh của họ qua các nhân vật được coi là tinh hoa của cộng đồng. Sử thi thể hiện cách cảm, cách nghĩ của một dân tộc về thế giới, là tiếng nói của toàn thể cộng đồng, là niềm tự hào của cả dân tộc “Danh dự của mỗi dân tộc cần phải có Hômerơ của riêng mình”. Như vậy, hạt nhân cơ bản để làm nên giá trị sử thi là tính dân tộc “ Chính cái mặt dân tộc đã làm thành cốt lõi vững chắc trong nôị dung thơ sử thi của người Ấn Độ, Hy Lạp,….” [5, T2,Tr657]. Nhưng bên cạnh bản sắc dân tộc, sử thi cần phải chứa đựng những yếu tố chung cho cả loài người. “ Muốn cho một thơ sử thi dân tộc có thể làm cho tất cả các dân tộc và các thời đại cùng chú ý đến nó thì cái thế giới mà nó miêu tả không được chỉ là cái thế giới của một dân tộc riêng biệt”. Sử thi Hômerơ đã có được tiếng nói chung ở tất cả mọi dân tộc và thời đại, nhưng sử thi Ấn Độ không được phổ biến rộng rãi bằng vì nó quá loại biệt. "Không ai có thể chối cãi rằng Ramayana biểu hiện sinh động nhất tinh thần dân tộc của người Ấn Độ, đặc biệt là về mặt tôn giáo, nhưng tính cách của nhân dân Ấn Độ nói chung là hết sức loại biệt đến nỗi cái nhân tính thực sự và chân chính không sao phá vỡ được cái hàng rào của tính đặc thù này" [5, T2, tr 592]. Theo Hêghen, không phải dân tộc nào cũng sinh ra sử thi (hiểu theo nghĩa chính thức của từ này). "Người Trung Hoa không có sử thi dân tộc. Đó là vì tính chất của các quan niệm khái quát về vũ trụ và về nhân sinh, cũng như các ý niệm tôn giáo của họ là nôm na" [5,T2, tr 643]. Bởi vì ngay từ buổi đầu, triết học của họ " sinh ra không phải để mang một cách biểu hiện nghệ thuật". Cái tư duy của họ là nôm na, tức là tư lợi, đầy tính toán, mưu mẹo, cộng với những ràng buộc lễ giáo chặt chẽ…..Điều đó chỉ thích hợp cho những thể loại mang " chất văn xuôi" phức tạp của đời thường như truyện kể ngắn, tiểu thuyết,…. Ông cũng cho rằng, đất và người La Mã không thích hợp cho sử thi, mặc dù "người ta tìm mọi cách để biến lịch sử La Mã thành những sử thi dân tộc, người ta vẫn không sao tìm thấy ở trong thơ La Mã có một thánh thi sử thi giống như các trường ca của Hômerơ vậy” . Điều này làm cho chúng ta nhớ đến câu nói của Horace: “Trước kia, người Hy Lạp chỉ toàn tâm toàn ý theo đuổi danh dự, nên các vị thần của thơ ca mới thưởng tặng cho họ thiên tài và năng lực biểu đạt hoàn mỹ. Còn người La Mã chúng ta từ bé đã mải miết học gảy bàn tính, học giỏi cân, đo, đong, đếm,…..con tim đã nhuốm đầy lòng hám lợi như thế, làm sao chúng ta có thể ước mong viết ra thơ hay cho được” (Thi học). Như vậy là từ thời cổ đại, người ta đã thấy rõ sự ảnh hưởng của môi trường dân tộc đến tác phẩm nghệ thuật. Đóng góp của Hêghen là ông đã dày công so sánh rất tỉ mỉ sự giống và khác nhau của nhiều nền văn học trên thế giới để chứng minh rằng đất nào sinh cây ấy. “ Các thơ phương Đông, Italia, Tây Ban Nha, Anh, La Mã, Hy Lạp, Đức,…khác nhau về tinh thần, tình cảm, cách nhìn thế giới, cách biểu hiện,…”. Không chỉ dừng lại trong việc so sánh các nước của cùng một châu lục mà ông còn mở rộng so sánh đặc trưng của phương Đông và phương Tây. “ Ý thức phương Đông thấm nhuần chất thơ hơn ý thức phương Tây, trừ trường hợp người Hy Lạp”, “Ở các dân tộc phương Đông, thơ có tính chất cổ xưa hơn, bởi vì nó còn gần cái trực giác bản chất hơn và cái ý thức cá nhân bị hút nhiều hơn vào cái duy nhất và cái toàn thể” (Nếu hiểu thơ phương Đông bao gồm cả Trung Quốc thì ta sẽ thấy sự không nhất quán của Hêghen. Có lúc ông nói tư duy của người Trung Quốc cổ xưa là “nôm na”, nhưng có khi lại nói “ thấm đẫm chất thơ”). Ta hiểu ý của Hêghen là, ở phương Đông, ý thức cộng đồng rất đậm nét và tương đối ổn định qua thời gian, cộng với tư duy tổng hợp đã làm cho ý thức thơ ca phát triển. Còn ở phương Tây chỉ thấy cái cá biệt, phân tán, cô lập, thiếu sức mạnh chung. Nói cách khác là phương Tây đề cao cái tôi cá nhân hơn là ý thức cộng đồng, làm cho tính dân tộc trong văn học bị lu mờ hơn so với phương Đông. Không chỉ so sánh trong phạm vi văn học mà Hêghen còn so sánh nhiều thể loại khác nhau. “Các hình thức nghệ thuật khác nhau ít nhiều đều mang tính chất dân tộc gắn liền với mặt bẩm sinh của một dân tộc. Những người Italia chẳng hạn, có biệt tài về mặt ca khúc và âm nhạc gần như bẩm sinh. Trái lại, các dân tộc phương Bắc mặc dù đã có những thành tựu to lớn về mặt trau dồi âm nhạc và nhạc kịch nhưng ca khúc âm nhạc vẫn không thể hoàn toàn thích nghi với người phương Bắc cũng như đất Bắc không hợp với cây cam. Những người Hy Lạp có biệt tài lỗi lạc trong lĩnh vực sử thi và trước hết trong lĩnh vực điêu khắc. Trái lại, người La Mã không có nghệ thuật thực sự độc lập và cần phải chuyển cái nghệ thuật ấy từ Hy Lạp sang đất nước mình”[5,T1,tr 460].
Hêghen cũng cho rằng, sự giao lưu văn hoá và ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn học nghệ thuật là hiện tượng phổ biến và cần thiết cho sự phát triển chung của nhân loại: “Nghệ thuật không thể chỉ bó hẹp vào những cốt truyện có tính chất dân tộc. Các dân tộc khác nhau càng tiếp xúc với nhau nhiều thì nghệ thuật càng lấy những đối tượng miêu tả mọi dân tộc và các thế kỷ”. Nghệ sĩ có thể vay mượn cốt truyện từ các dân tộc khác nhưng phải biết tiếp thu một cách sáng tạo. “Khi trình diễn trên sân khấu những tác phẩm kịch nước ngoài, dân tộc nào cũng có quyền đòi hỏi một sự cải biên nhất định”. Mục đích của sự cải biên là để thoả mãn nhu cầu của công chúng nước mình. “Mọi dân tộc đều đòi hỏi tác phẩm nghệ thuật phải bộc lộ những nét dân tộc của mình vì họ muốn được nhìn thấy những bóng hình của họ trong tác phẩm và muốn được đắm mình trong bầu không khí quê hương”. Nhiều dân tộc ở châu Âu đã khai thác các đề tài trong thần thoại Hy Lạp nhưng phần lớn là không thành công vì “cái bản sắc dân tộc không được thể hiện nổi bật và đầy đủ”. Đó là bài học cho những ai sao chép nguyên xi nền văn hoá nước ngoài mà không tính đến thị hiếu của dân tộc mình. Một điểm đáng lưu ý nữa trong phương pháp luận của Hêghen là ông xem bản sắc dân tộc trong văn nghệ không phải là cái gì bất biến mà có thể thay đổi phần nào trong quá trình giao lưu và quá trình lịch sử. “Thơ còn khác về tính chất tuỳ theo những thời kỳ khác nhau(….) trong tính cách dân tộc này, cách tư duy cũng thay đổi theo thời đại”[5,T2,tr 491]. Có những thể loại được coi trọng trong suốt chiều dài lịch sử như thơ ca nhưng cũng có những thể loại thăng trầm theo thời gian do quan niệm thẩm mỹ mỗi thời khác nhau: “ Điêu khắc chỉ đạt đến đỉnh điểm ở các dân tộc thế giới cổ đại, ở người Hy Lạp và La Mã. Còn nhạc và hoạ thì đạt đến đỉnh điểm ở các dân tộc Thiên chúa giáo trong thế giới hiện đại” [5,T2,tr 490]. Bởi vậy khi nói một dân tộc có sở trường hay không về một lĩnh vực nào đó, ta hiểu rằng điều đó chỉ đúng trong quá khứ và hiện tại, còn tương lai có thể thay đổi. Bàn về vai trò của công chúng nghệ thuật, Hêghen cũng như Gớt và về sau nữa là C.Mác, đều cho rằng công chúng có vai trò quan trọng đối với việc định hướng sáng tác. “ Trước hết nghệ sĩ phải sáng tác cho nhân dân mình và cho thời đại mình. Nhân dân và thời đại có quyền đòi hỏi tác phẩm nghệ thuật phải gần gũi và dễ hiểu đối với nó”. [5,T1,tr 431] . Văn nghệ cần phải hướng tới đại chúng nhân dân lao động chứ không phải dành riêng cho tầng lớp quý tộc. “Nghệ thuật không phải cho một tập đoàn nhỏ bé sống thầm kín (…..) mà nói chung là để cho toàn thể nhân dân” [6, tr 91]. Tuy nhiên, bên cạnh đề cao vai trò của công chúng, Hêghen cũng nhắc nhở rằng, các nhà văn cần phải có cá tính độc đáo “ các tác phẩm thơ với những đặc thù về dân tộc và thời đại, đồng thời không quên rằng, sau các tác phẩm này còn có cá tính sáng tạo của nhà thơ”. Nhà văn có nhiệm vụ định hướng những giá trị văn hoá tốt đẹp cho nhân dân và sáng tạo ra các giá trị văn hoá mới để tác động sâu sắc tới đời sống tâm linh của dân tộc. “Các tác phẩm biểu hiện thế giới ấy vẫn cứ là một sản phẩm tự do của cá nhân. Về điểm này, một lần nữa, ta có thể lặp lại cái luân lý vĩ đại mà Hêrôđốt đã phát biểu: Chính Hômerơ và Hêriôđơ đã cấp cho người Hy Lạp các thần linh của họ” [5, T2, tr 578]. Qua toàn bộ các luận điểm trên, ta thấy Hêghen có cái nhìn khá toàn diện về tính dân tộc trong văn nghệ.
C.Mác (1818-1883) là một nhà triết học duy vật biện chứng lỗi lạc, có ảnh hưởng to lớn đến cục diện chính trị thế giới hơn một thế kỷ qua. Cũng như nhiều nhà triết học khác, ông rất quan tâm nghiên cứu văn học nghệ thuật để làm phong phú thêm kho tàng lý luận của mình. Mác yêu thích thơ của Gớt (cùng với thơ Esin, Sếcxpia). Ông cũng tán thành nhiều quan điểm văn nghệ của Gớt. Lúc còn thanh niên Mác rất ngưỡng mộ Hêghen và gia nhập nhóm “ Hêghen trẻ” nhưng sau đó đi theo con đường riêng. Ông đã kế thừa xuất sắc phương pháp biện chứng của Hêghen. Mác cho rằng, nghệ sĩ không phải là một con người đứng lên trên dân tộc hoặc đứng ngoài hoàn cảnh lịch sử. “ Bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng vốn có của một cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà tất cả các mối quan hệ xã hội” [2, tr 79]. Quá khứ dân tộc đã tạo nên những truyền thống bền vững và thấm đượm vào mỗi con người. Là một thành viên của dân tộc, nghệ sĩ phải có trách nhiệm phản ánh những bản sắc và sức mạnh của dân tộc và thời đại vào trong tác phẩm. Cũng như Gớt và Hêghen, Mác rất yêu thích dân ca và đánh giá cao văn nghệ dân gian. Vì nó được quần chúng tạo nên và thể hiện rõ nét nhất tâm hồn dân tộc. Mác ca ngợi hết lời sử thi Iliát và Ôđixê “ Trên một vài phương diện nào đó, vẫn được coi là tiêu chuẩn và những kiểu mẫu không thể bắt chước được”. Đó là hai kiệt tác ra đời vào thời kỳ chưa có sự phân chia giai cấp. Nó phản ánh lịch sử dân tộc và đánh giá mọi sự việc theo nhãn quan của cả dân tộc. Tiền đề cho hai tác phẩm này là những truyện kể dân gian được nhân dân ưa thích và phổ biến rộng rãi. Còn Hômerơ là nghệ nhân xuất sắc nhất trong các nghệ nhân, là người đại diện ưu tú của tinh thần dân tộc. Mác có ý chê các nhà văn tư sản bắt chước cách viết Hômerơ, vì cảm hứng anh hùng ca không thể phát huy được trong cái xã hội thiếu tính đoàn kết cộng đồng và quan hệ giữa người với người theo kiểu tiền trao cháo múc. Mác thừa nhận rằng, sự ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn học là chuyện bình thường nhưng khi tiếp thu các di sản nước ngoài, phải tính đến những điều kiện kinh tế- xã hội của từng nước. Trong “Tuyên ngôn Đảng cộng sản”, Mác và Ăngghen đã chỉ ra những bất hợp lý trong việc giới trí thức văn nghệ sĩ nước Đức tiếp nhận ồ ạt các sản phẩm văn hoá Pháp theo kiểu ăn tươi nuốt sống mà không để ý tới tình trạng khác nhau về cơ sở hạ tầng của hai nước: “ Các nhà triết học nửa mùa và những kẻ tài hoa ở Đức hăm hở đổ xô vào thứ văn học ấy, nhưng có điều, họ quên rằng, văn học Pháp được nhập khẩu vào Đức, song những điều kiện sinh hoạt của nước Pháp lại không đồng thời được đưa vào nước Đức” [2, tr 120]. Cũng như Gớt, Mác dự đoán sẽ có một nền văn học chung của toàn thế giới: “Những thành quả hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc, tính chất hẹp hòi và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa, và từ những nền văn học dân tộc và địa phương muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở một nền văn học chung của toàn thế giới” (Tuyên ngôn Đảng cộng sản) [2, tr 121-122]. Dự báo đó đã và đang trở thành hiện thực. Từ sau Cách mạng tháng Mười, đặc biệt là sau chiến tranh thế giới thứ II, lý luận nghệ thuật Mác-xít cùng với nền văn học sử thi trở nên phổ biến khắp thế giới và chiếm địa vị chủ đạo ở các nước xã hội chủ nghĩa. Và trong tương lai cũng vậy, khi xu thế hội nhập là tất yếu cùng với sự bùng nổ thông tin sẽ làm cho các nền văn hoá xích lại gần nhau hơn nữa. Tuy nhiên, trong văn hoá nhân loại, bên cạnh cái chung, sẽ còn có cái riêng “ muôn màu muôn vẻ” của các địa phương và dân tộc.
Nước Đức đã đóng góp cho văn hoá nhân loại nhiều nhà tư tưởng vĩ đại, trong đó có Gớt, Hêghen và Mác. Cả ba người đều là những nhà mỹ học biện chứng, đều coi trọng vai trò của dân tộc đối với văn nghệ và chủ trương một nền văn nghệ hướng tới phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân. Gớt thể hiện các quan điểm đó qua các sáng tác thơ văn và một số bài tiểu luận. Hêghen là người triển khai vấn đề này một cách toàn diện và sâu sắc trong một công trình lý luận nghệ thuật đồ sộ. Nhưng sở dĩ những lý thuyết về tính dân tộc trong văn nghệ của Gớt, Hêghen và một số nhà mỹ học khác được biến thành thực tiễn sinh động và phổ biến rộng khắp là nhờ ở công lao to lớn của Mác.
* Tài liệu tham khảo:
1. Đặng Anh Đào ( Chủ biên) – Văn học phương Tây – NXB Giáo dục 1997
2. Hà Minh Đức – C.Mác - Ph.Ăngghen - V.I. Lênin và một số vấn đề lý luận văn nghệ - NXB Chính trị quốc gia - 1995
3. S.Freud… Phân tâm học và văn hoá nghệ thuât - NXB Văn hoá thông tin - 2000.
4. J.W. Goethe - Về nghệ thuật và văn học, tuyển tập - NXB Văn học và Rice - 1995.
5. G.W.Hêghen - Mỹ học ( 2 tập ) - NXB Văn học - 1999.
6. Phương Lựu ( Chủ biên ) - Lý luận văn học - NXB Giáo dục - 1997.
Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/ |