Home » » GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN P1

GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN P1

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012 | 22:40

Chủ nghĩa tư bản đã cho ta một bằng chứng hùng hồn rằng, nhờ nó theo đuổi mô hình cạnh tranh, với hệ thống thể chế chính yếu của nó dựa trên tư hữu và những thoả ước xã hội tự nguyện, nó đã đạt được sự phát triển kinh tế phi thường chưa từng thấy. Ngay cả Karl Marx, trong bản Tuyên ngôn Cộng sản, đã tuyên bố rằng chủ nghĩa tư bản là một “guồng máy phát triển” vĩ đại. Dẫu vậy, hệ thống thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản vẫn tiếp tục bị đa số mọi người trên toàn thế giới xem là duy vật chất, thiếu đạo lý, và vì thế vô đạo đức. Quan điểm này đặc biệt thịnh hành trong phần lớn của tầng lớp được xem là trí thức.
Lịch sử cho thấy rằng những thể chế khác với chủ nghĩa tư bản đã đè bẹp tự do, lập ra những cơ chế chính trị chuyên chế, cắt giảm cơ hội và biến hiệu năng kinh tế thành trò hề; chính sách kế hoạch tập trung và cào bằng kinh tế đã khiến nhà nước can thiệp vào những chuyện riêng tư cũng như dẫn đến chế độ độc tài tàn ác. Đấy là những điều có lẽ không cần thiết phải nhắc lại. Dù vậy, những kẻ trung thành với chủ nghĩa xã hội thiên hữu lẫn thiên tả vẫn tin rằng liệu pháp chủ nghĩa xã hội một ngày nào đó sẽ đưa loài người đến đỉnh vinh quang.
Điều đáng nói là, ngày càng có nhiều trí thức tinh hoa của Mỹ, những người được biết đến qua những niềm tin của họ về “nền kinh tế hỗn hợp”, “chủ nghĩa trung đạo” hoặc “nền dân chủ về kinh tế”, xuất hiện sau tấm bình phong xã hội chủ nghĩa. Họ công nhận mình là những người theo chủ nghĩa xã hội hay ít ra bộc lộ xu hướng thiên về một cơ chế hỗn hợp thay vì thị trường tự do. Không kể những động cơ đằng sau, luận điểm của họ là chủ nghĩa tư bản từ bản chất đã không công bằng. Nếu không có một nền tảng đạo đức, như lời những kẻ chỉ trích, thì tư hữu và thị trường tự do sẽ không bao giờ được dung thứ.
Trong quá khứ, những người bảo vệ chủ nghĩa tư bản cạnh tranh cũng có lỗi như mọi người khác vì đã nuôi dưỡng quan điểm sai lầm này. Họ đã bỏ quá nhiều thời gian để ca ngợi thành quả tốt đẹp của chủ nghĩa tư bản, thị trường tự do, và những thông tin xã hội hữu ích tạo ra được từ các mức giá cả, lương bổng, lãi suất, lợi nhuận và thua lỗ. Chủ quan về tính hiệu quả của chủ nghĩa tư bản, những người ủng hộ nó đã không đầu tư đủ thời gian và tâm trí đến khía cạnh đạo đức của hệ thống này. Nếu đạo đức của chủ nghĩa tư bản không được chứng tỏ, hoặc bằng cách so sánh nó với những thể chế khác trong thực tế hoặc dựa trên những nguyên lý căn bản, thì khả năng sống còn của nước Mỹ tự do thật sự sẽ còn rất nhỏ.

Vấn Đề Đạo Đức của Chủ Nghĩa Tư Bản

Chủ quan về tính hiệu quả của chủ nghĩa tư bản, những người ủng hộ nó đã không đầu tư đủ thời gian và tâm trí đến khía cạnh đạo đức của hệ thống này. Nếu đạo đức của chủ nghĩa tư bản không được chứng tỏ, hoặc bằng cách so sánh nó với những thể chế khác trong thực tế hoặc dựa trên những nguyên lý căn bản, thì khả năng sống còn của nước Mỹ tự do thật sự sẽ còn rất nhỏ.
Thật ra, điều chính yếu nhất đáng để tranh biện cho nền kinh tế tự do không phải vì hiệu quả kinh tế phi thường của nó trong việc làm gia tăng của cải và phúc lợi kinh tế, mà đúng hơn là vì chủ nghĩa tư bản nhất quán với những nguyên tắc đạo đức căn bản của cuộc sống. Đây là điều chúng ta cần nắm rõ. Những nguyên tắc này bao gồm: tôn trọng giá trị và cá tính của mỗi cá nhân; không tìm cách điều khiển con người như những vật thể mà công nhận những quyền và giá trị của họ, và sử dụng phương cách thuyết phục và tự nguyện trao đổi hơn là ép buộc và vũ lực. Tóm lại, chủ nghĩa tư bản cạnh tranh phát triển dựa trên những nguyên tắc không xâm hại đến quyền tự do của con người.
Điều kiện những trao đổi trong hệ thống thị trường dựa trên tư hữu phải có tính tự nguyện đảm bảo rằng quyền tự chủ về tinh thần và vật chất của con người được bảo vệ khỏi sự tấn công bằng bạo lực của kẻ khác. Bạo lực không được chấp nhận trong quan hệ giữa người với người dưới thể chế tư bản chủ nghĩa. Tự do cá nhân, và do đó tự do kinh tế và chính trị, không phải là thứ “không can hệ gì đến đạo đức”, mà là một điều kiện cần thiết cho đạo đức. Sử dụng bạo lực để chống lại những cá nhân khác là một hành động khước từ yếu tố cơ bản nhất của quyền tự do, sự an toàn và tài sản của con người, và điều này đi ngược với nguyên tắc đạo đức. Đạo lý sống đòi hỏi con người phải được hành động và lựa chọn mà không bị đe doạ và cưỡng ép từ bên ngoài. Friedrich Hayek nhắc nhở chúng ta về những điều kiện căn bản cụ thể cho đạo lý sống: “Chỉ khi nào con người có quyền chọn lựa, và chịu trách nhiệm về sự chọn lựa của mình, thì họ mới có dịp để khẳng định những giá trị hiện hữu, để góp phần làm cho những giá trị đó tiếp tục thăng hoa, và để trở thành người có phẩm hạnh đạo đức.” Tính đạo đức của quyền lựa chọn ngầm giả định về quyền tự do nhất thiết phải có để thực thi những bổn phận của chúng ta.
Hệ thống thị trường tự do, nơi cho phép sự trao đổi tự nguyện và cùng có lợi, nhất quán với quyền tự do lựa chọn, và vì thế, tạo ra môi trường tốt nhất để hành đạo, theo đó việc theo đuổi tín ngưỡng cá nhân được tôn trọng. Hayek, khi cảnh báo chúng ta về những hệ quả xấu của hệ thống kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa, đã viết trong cuốn the Road to Serdom [Đường về nô lệ] rằng, chỉ:
… khi nào chúng ta chịu trách nhiệm cho những quyền lợi của chính mình … thì khi đó quyết định của chúng ta mới có giá trị đạo đức. Quyền tự do chấn chỉnh hành vi của mình trong một môi trường mà những hoàn cảnh vật chất bắt buộc chúng ta phải chọn lựa, và trách nhiệm trong việc điều chỉnh cuộc sống bản thân theo đúng lương tâm chúng ta, là môi trường duy nhất cho phép ý thức đạo đức được phát triển và cho phép những giá trị đạo đức được tái tạo hằng ngày bởi quyền được tự do quyết định của mỗi cá nhân. Bổn phận phải gánh chịu những hậu quả từ những quyết định của chính bản thân mình là tính chất cốt yếu của bất kỳ hệ thống luân lý hằng được biết đến nào.
Người ta liên tục khẳng định rằng những yếu tố duy vật chất của chủ nghĩa tư bản là phi luân lý. Tuy nhiên, thật sai lầm khi đổ lỗi cho một hệ thống xã hội là quá quan tâm đến vật chất đơn giản chỉ vì người dân trong xã hội đó được tự do quyết định theo đuổi những mục đích mình muốn.
Việc đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản là duy vật chất đã đi lạc đề. Đa số đều đồng ý rằng chủ nghĩa tư bản lập kỷ lục trong việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Điều quan trọng đáng lưu ý nữa là có rất ít người bị nghèo đói dưới thể chế này. Nếu đem so sánh thì chủ nghĩa xã hội đều thất bại trong cả hai việc trên. Tuy thế, người ta vẫn phải thừa nhận rằng sự dồi dào vật chất là một trong những nhân tố tích cực của cuộc sống. Trong đa số các xã hội mà ta biết đến, chỉ có một bộ phận nhỏ không quan tâm đến phát triển kinh tế và hưởng thụ vật chất. So với các nền kinh tế thị trường, những quốc gia xã hội chủ nghĩa thiên hữu hoặc thiên tả chú trọng ngang bằng hoặc thậm chí nhiều hơn đến việc phát triển kinh tế, đến sản xuất công nghiệp, và cả sự hi sinh cá nhân để theo đuổi những mục tiêu vật chất.
Thật không may cho những người không muốn theo định hướng vật chất trong những xã hội được kế hoạch hoá, chẳng hạn như những người ước mong có một cuộc đời ẩn dật, thề nguyện khổ hạnh, hoặc theo đuổi một mục đích tâm linh: họ bị kỳ thị. Tự do có vẻ còn quan trọng hơn đối với thiểu số những người không theo đuổi mục tiêu vật chất so với những người theo đuổi nó. Chỉ trong một chính thể phân quyền, đa nguyên, tư hữu thì những quyền lợi bất khả xâm phạm của những người ấy mới được đảm bảo. Bất kể những mục đích gì của con người, cho dù chúng thiên về phẩm hạnh, vật chất hoặc gì đi nữa, dường như thị trường tự do vẫn là phương cách nhân bản nhất mà loài người đã tìm được để đối phó với những vấn đề kinh tế liên quan đến việc phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả trong điều kiện khan hiếm.

Những Tác Dụng Nhân Bản của Tự Do

Một trong những tiến bộ vĩ đại của một hệ thống xã hội đặc trưng bởi sự hợp tác xã hội thông qua việc trao đổi vì lợi ích của nhau là nó tạo ra cơ hội và mở rộng phạm vi cho sự đồng cảm, từ thiện, và tình người. Thật vậy, học giả của chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarian) Murray Rothbard nhắc nhở chúng ta rằng “… những cảm nhận về tình bằng hữu và sự san sẻ có vẻ lại là những hệ quả của một chế độ dựa trên hợp tác xã hội bằng hợp đồng thay vì là nguyên nhân hình thành chế độ đó.” Mỗi cá nhân có một đặc điểm riêng. Trong nghĩa đó, để ai đó nói rằng cái gì sẽ hoặc không đem đến hạnh phúc cho một người khác là một điều hết sức khó khăn.
Lẽ tự nhiên là khi ta không đồng ý với một hành động của ai đó, ta có xu hướng muốn cứu vớt kẻ ấy ra khỏi vũng lầy. May mắn là chủ nghĩa tư bản có khuynh hướng ủng hộ những ai tôn trọng tính bất khả xâm của quyền tự quyết của người khác bởi vì nó tôn trọng và củng cố những quyền sở hữu tư nhân. Sự suy thoái những qui ước hữu ích cho xã hội, cùng với sự phá huỷ nền tảng đạo đức mà con người đã trải nghiệm trong thời gian gần đây phần nào là hậu quả của việc chúng ta chuyển hướng suy nghĩ từ trách nhiệm cá nhân sang trách nhiệm xã hội. Khi người ta được bảo rằng hành vi và tác động [xấu] của họ không phải là do lỗi của chính họ thì hành vi [cá nhân] được bào chữa, xã hội bị kết án, và chính phủ được xem là cơ quan duy nhất có thể giải quyết được vấn nạn này.
Đạo đức nghề nghiệp, được khuyến khích bởi chế độ tư hữu, là biểu trưng cho nguồn gốc quan trọng của trách nhiệm đạo đức; và nó cũng liên tục nhắc nhở chúng ta rằng những hành động của chúng ta luôn có giá của chúng. Những thành tố cốt lõi của một trật tự thị trường tự do định ra một hệ thống thể chế xã hội nhằm khuyến khích sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cá nhân vì mình và vì mọi người. Tương phản với tất cả những chế độ kinh tế khác, chủ nghĩa tư bản cạnh tranh hoạt động dựa trên một hệ thống luật pháp khuyến khích sự tôn trọng lẫn nhau với những người mà ta tiếp xúc.
Cái quá trình mà trong đó chúng ta thoả mãn được những đòi hỏi vật chất của mình thông qua hợp tác xã hội không làm kiệt quệ những mục tiêu riêng mà mỗi cá nhân đang theo đuổi. Việc theo đuổi hạnh phúc riêng tư và sự bình an nội tâm phải được khám phá bởi chính cá nhân ấy. Nói chung, dưới thể chế tư hữu và tự do kinh doanh những mối quan hệ xã hội của loài người ổn định hơn nhiều. Khoảng thời gian giữa những cuộc chiến tranh của Napoleon và Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, thời kỳ thịnh vượng của chủ nghĩa tư bản cạnh tranh, đã cho thấy một thế kỷ ít nhiều không có sự hiện diện tàn bạo của chiến tranh. Hơn thế nữa, chủ nghĩa tư bản cạnh tranh là hệ thống xã hội đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã nhắm vào ước vọng làm giàu của mỗi cá nhân bằng cách cung cấp nhiều hàng hoá và dịch vụ cho những cá nhân khác một cách hoà bình.
Sự tiến triển của thị trường tự do đã rất thành công trong việc nâng cao đời sống của tầng lớp lao động và người nghèo. Đáng tiếc là không có giải pháp thay thế cho việc chu cấp cho những đòi hỏi của con người thông qua trao đổi tự nguyện ngoài việc điều khiển vận mệnh của họ bằng bạo lực. Bất cứ nơi nào mà chủ nghĩa xã hội chiếm ưu thế, nó luôn tìm cách hạ thấp điều kiện sống của mọi người dân và làm cho đa số quần chúng bị thống trị bởi một thiểu số đặc quyền. Một đất nước xã hội chủ nghĩa thiên hữu hoặc thiên tả, chỉ trừ một số ít trường hợp cá biệt, là một thể chế độc tài toàn trị mà trong đó những quyền tự do cá nhân và dân sự biến mất và một hình thức nô lệ được khai sinh.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved