Con người là trung tâm: sự khác biệt giữa hai quan điểm tiêu biểu
(Chungta.com)- Những năm gần đây, ở nước ta, quan niệm coi con người là trung tâm đã trở thành cách nhìn, cách nghĩ có sức hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà lý luận và các nhà hoạt động chính trị - xã hội. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân. Song phải thừa nhận rằng, cùng với quá trình đổi mới, nhiều nhà khoa học xã hội và nhân văn nước ta đã tiếp cận được với không khí học thuật chung của thế giới; mà một trong những đặc điểm của khoa học xã hội và nhân văn thế giới từ thập kỷ 90 (thế kỷ XX) là cung cấp cơ sở khoa học, giúp cho các quyết sách tránh thái độ bằng mọi giá nhằm đến tăng trưởng kinh tế, định hướng cho các kế hoạch xã hội đừng quên mục tiêu phát triển con người và bảo vệ môi trường, trong đó con người cần phải được coi là trung tâm của sự phát triển.
Ở nước ta, quan niệm coi con người là trung tâm thường được hiểu là quan điểm của UNDP. Tuy nhiên, ngay từ rất xa xưa, đây đã là quan điểm của học thuyết Anthropocentrism. (Trong các tài liệu, Anthropocentrism thường được dịch là "học thuyết coi con người là trung tâm", "chủ nghĩa coi con người là trung tâm", đôi khi có tác giả dịch là "học thuyết duy nhân loại", "chủ nghĩa duy nhân loại" hoặc "học thuyết duy con người", "chủ nghĩa duy con người". Do tất cả
những thuật ngữ tiếng Việt vừa nêu đều quá dài và có thể gây hiểu lầm, trong bài này, chúng tôi xin không dịch mà giữ nguyên là Anthropocentrism cho tiện diễn đạt). Vấn đề là ở chỗ, quan điểm của UNDP và quan điểm Anthropocentrism rất khác nhau. Đều thừa nhận con người là trung tâm, nhưng hai quan điểm này được chỉ đạo bởi các triết lý có những định hướng khác nhau đối với hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Hầu hết các quốc gia và các nhà hoạt động chính trị - xã hội ở các nước thuộc LHQ đều tán thành quan niệm con người là trung tâm của UNDP, thừa nhận những định hướng tiến bộ của quan niệm này. Nhưng không nhiều người đồng ý với quan niệm của Anthropocentrism, vì cho rằng Anthropocentrism vốn là một triết thuyết khá cực đoan, mang màu sắc tôn giáo, đã từng bị phê phán nhiều và vì thế, việc ứng dụng nó có thể làm nảy sinh những định hướng thiếu sáng suốt.
Bởi vậy, theo chúng tôi, cần thiết phải nhận biết sự khác biệt của những học thuyết tiêu biểu cho quan niệm coi con người là trung tâm, để khi ứng dụng, chúng ta hiểu được chúng ta đang thừa nhận con người là trung tâm với nghĩa như thế nào. Kinh nghiệm đối thoại trong các diễn đàn khoa học quốc tế cho thấy, nếu ta không nói rõ ta sử dụng quan niệm này theo học thuyết nào, thì người nghe có thể hiểu rất tiêu cực về tư tưởng có ý nghĩa nhân văn mà chúng ta đang nói tới - tư tưởng coi con người là trung tâm.
I. Anthropocentrism - mô hình châu âu về sự cảm nhận thế giới: cách hiểu bản thể luận và cách hiểu nhận thức luận
Không thấy tài liệu nào nói chính xác thời điểm Anthropocentrism xuất hiện. Chỉ biết rằng, nó có sớm hơn cả triết học Hy Lạp cổ đại. Tuy thường được gọi là học thuyết, song khởi thuỷ, Anthropocentrism không phải là lý thuyết có hệ thống do một nhà tư tưởng cụ thể nào đó đề xướng. Các tài liệu chỉ nói rằng, Anthropocentrism là sản phẩm đặc thù của văn hoá châu Âu, được hình thành trong quá trình con người tự nhận thức về vai trò của mình đối với thế giới, phản ánh quá trình con người từng bước đạt tới trình độ "tách mình" ra khỏi tự nhiên và sau đó, "tách mình" ra khỏi xã hội (tự xác định được mình với tính cách là những cá nhân, nhân cách). Theo V.I. Samokhvalova, Anthropocentrism thể hiện thái độ của con người "tin tưởng vào sức mạnh toàn năng của mình". Anthropocentrism là "mô hình châu Âu về sự cảm nhận thế giới" 2.
Từ điển triết học hiện đại xuất bản đồng thời ở nhiều nước châu âu năm 1998 thừa nhận Anthropocentrism tồn tại phổ biến trong đời sống tinh thần châu Âu dưới đủ các dạng nhận thức: huyền thoại, tôn giáo, khoa học và thông thường... 3
Tổng quan theo những tài liệu mà chúng tôi được biết, lịch sử của Anthropocentrism có thể được hình dung như sau:
1. Anthropocentrism, về thực chất, là hệ thống các quan điểm về vị thế của con người đối với thế giới. Với mỗi thời kỳ lịch sử, hệ thống các quan điểm này không giống nhau ở từng trường phái, ở từng nhà tư tưởng. Tuy vậy, cái chung ở hệ thống quan điểm này là thái độ đề cao vai trò chi phối, quyết định của con người đối với xã hội, đối với thế giới (bên trong và bên ngoài con người) và đối với vũ trụ. Đó là thái độ thừa nhận nguyên tắc "hoạt động cải tạo không có giới hạn của con người" 4. "Theo nghĩa chặt chẽ của từ này, thì Anthropocentrism là phương thức giải quyết các vấn đề triết học (trước hết là các vấn đề thế giới quan), xuất phát không phải từ thế
giới đến con người, mà ngược lại, từ con người đến thế giới" 5. Anthropocentrism khẳng định ý nghĩa đặc biệt của sự tồn tại người, khẳng định chính sự tồn tại của con người mới là hạt nhân, là tâm điểm, chứa đựng toàn bộ ý nghĩa của sự tồn tại vũ trụ.
Thái độ của Anthropocentrism phản kháng lại quan niệm coi con người chỉ là một bộ phận của thế giới (một dòng quan niệm có ngay từ khởi thuỷ lịch sử nhận thức; nổi tiếng nhất của dòng quan niệm này là tư tưởng coi con người là một tiểu vũ trụ). Nó không thừa nhận quan niệm nhìn con người chỉ thuần túy như là một trình độ của cấu tạo vũ trụ, phụ thuộc hoàn toàn vào thế giới bên ngoài.
2. Đi liền với Anthropocentrism là một khuynh hướng các nhà khoa học tự nhiên và thực nghiệm (từ thời cổ đại cho tới ngày nay) luôn tìm cách chứng minh sự tồn tại của thế giới này là cho con người. Khuynh hướng này giả thiết rằng, vũ trụ được cấu tạo là để cho con người xuất hiện và tồn tại. Vì nếu chỉ cần xảy ra một thay đổi nhỏ về một vài đại lượng vật lý nào đó, chẳng hạn như hằng số plank, hằng số hấp dẫn, số lượng các điện tích, điện tử... thì con người sẽ không thể có mặt, trong khi vũ trụ vẫn tồn tại6. Ngoài ra, với trái đất, nơi (duy nhất?) đã xuất hiện con người, thì những người theo khuynh hướng này còn đặt ra câu hỏi: trong quá trình tiến hoá, những bước đột biến làm xuất hiện con người là ngẫu nhiên hay tiền định? Bởi vì, giả sử nếu không có sự thay đổi khí hậu toàn cầu, nếu không có bước nhảy vọt căn bản thoát hẳn ra khỏi tổ tiên, thì liệu loài người có xuất hiện được hay không 7.
Có thể hiểu được tại sao Anthropocentrism ngay từ rất sớm đã mang màu sắc thần bí và về sau thường được coi là một quan niệm gắn liền với thần học Kitô giáo. Trong Thượng đế luận Kitô giáo, quan niệm của Anthropocentrism đã được sử dụng một cách cực đoan: sau khi đã hoàn tất việc sáng tạo ra vũ trụ, Chúa mới sáng tạo ra con người theo hình ảnh của Chúa. Đó là tâm điểm của sự sáng tạo. Con người, nhờ vậy, là sinh vật duy nhất đồng dạng với Tạo hoá; nghĩa là cũng có khả năng sáng tạo và trở thành trung tâm của vũ trụ8. Đây là đỉnh điểm của thái độ thần thánh hóa con người. F. Engels đã phê phán quan niệm này là "phi lý và trái với tự nhiên". ông chỉ ra rằng, "đó là một quan niệm đã thịnh hành ở châu Âu từ khi nền văn hoá cổ điển thời cổ đại bị suy đồi, một quan niệm đã đạt được một sự phát triển cao nhất cùng với đạo Thiên chúa" 9.
3. Tiền đề được xem là vững chắc cho quan niệm thần thánh hóa con người của Kitô giáo là những tư tưởng có màu sắc Anthropocentrism của các nhà thông thái Hy Lạp cổ đại nổi tiếng, chẳng hạn như quan niệm về hình học của Euclide, quan niệm về con người của Protagor và Socrates, quan niệm logic học của Aristote, quan niệm về lý tính và thuyết địa tâm của Ptoleme, v.v... Điển hình cho những quan niệm Anthropocentrism thời cổ đại được coi là tư tưởng của Protagor với luận điểm nổi tiếng "con người là thước đo của mọi vật"10. Vào thời đó, luận điểm này đã được thừa nhận như là một trong những nguyên tắc (nguyên tắc người) về sự kiến tạo vũ trụ. Những thành tựu giải phẫu học cổ đại đã phát hiện ra những tỷ lệ đặc biệt cân đối của cơ thể người và những tỷ lệ này đã trở thành những "chuẩn mực vàng" trong hội họa và kiến trúc cổ đại góp phần tạo nên một số kỳ quan của thế giới. Đến thời Phục Hưng, luận điểm của Protagor vẫn được Leonardo da Vinci và nhiều người khác đề cao; và ngay cả hiện nay, những chuẩn mực của cơ thể người vẫn là những modul cơ bản của nhiều lĩnh vực sáng tạo.
Protagoras (490– 420 TrCN): Con người là thước đo của mọi vật
4. Sau nhiều thế kỷ làm chỗ dựa cho sự thống trị của nhà thờ Kitô giáo Trung cổ, quan điểm của Anthropocentrism chỉ thực sự bị lung lay khi thuyết Địa tâm của Ptoleme bị sụp đổ trước sự ra đời của thuyết Nhật tâm Copernic. Cùng với sự sụp đổ của thuyết Địa tâm và sau đó, cùng với sự nhận ra những hạn chế của quan niệm về cấu trúc thế giới theo hình học Euclide và những giới hạn của tư duy theo logic học Aristote, con người giật mình hiểu ra sự nhỏ bé và vị thế khiêm nhường của mình trong vũ trụ. Tất cả các phát kiến của khoa học tự nhiên và thực nghiệm cho đến thời Phục Hưng đều bác bỏ vị thế trung tâm của con người. Không có một dữ kiện khoa học nào chứng minh con người có vị trí trung tâm trong trong vũ trụ (thậm chí ngay cả ngày nay, khi con người có trong tay khối lượng khổng lồ vũ khí hạt nhân, đủ để đe doạ sự tồn vong của cả trái đất, thì điều đó cũng không chứng tỏ con người có khả năng quyết định đối với thái dương hệ). Hoá ra có lý do để tin rằng, con người không nhất thiết phải có mặt trong cấu tạo của vũ trụ; sự tồn tại của con người không hề quyết định sự tồn tại của vũ trụ mà trái lại, chính cấu tạo của vũ trụ mới quyết định sự có mặt và tồn tại của con người. Xamokhvalova gọi đó là "cú sốc", "một sự kích động mạnh" đối với con người khi nó còn chưa được "miễn dịch" trước những nguy cơ đe dọa như hiện nay 11. Về điều này, Trịnh Xuân Thuận, giáo sư vật lý thiên văn người Mỹ (gốc Việt) tại Đại học Virginia, nhận xét: "Copernic đã trục xuất con người ra khỏi vị trí trung tâm của nó trong hệ Mặt trời. Từ đó bóng ma của ông không ngừng ám ảnh chúng ta và gây ra nhiều sự phá huỷ khác. Trái đất mất vị trí trung tâm của nó, rồi đến lượt mình, mặt trời cũng lại được xếp vào hàng những ngôi sao bình thường và được đặt ở những nơi ngoại ô heo hút của dải Ngân hà. Rồi ngay cả Ngân hà cũng cũng lại bị chìm lấp trong hàng trăm tỷ thiên hà của của vũ trụ quan sát được. Con người bị thu lại bé nhỏ không đáng kể so với khoảng bao la của vũ trụ. Sự xuất hiện của trí tuệ và ý thức chỉ là một sự kiện ngẫu nhiên, một sự cố trên con đường vạn dặm của vũ trụ. Vũ trụ không cần tới sự có mặt của chúng ta và nó cũng chẳng mấy bận tâm về chuyện đó" 12.
Nicolas Copernic (1473 - 1543) & mô hình thuyết nhật tâm
Như vậy, muộn nhất là đến thế kỷ XVI, cách hiểu bản thể luận về Anthropocentrism thực sự không có cơ sở để tồn tại trong nhận thức nữa.
5. Nhưng một khi con người hiểu được vị thế nhỏ bé của mình, thì điều đó cũng chứng tỏ rằng con người đã trưởng thành với một sức mạnh đáng kể. Nghịch lý của nhận thức chính là ở đây. Con người biết mình là "chúa tể" trong vũ trụ, là sinh vật duy nhất có tư duy, có khả năng tác động đến vũ trụ và có thể bắt vũ trụ từ chỗ "tồn tại tự nó" phải "tồn tại cho ta". Nếu như về phương diện bản thể, con người thấy mình chỉ là một thành phần rất khiêm tốn của vũ trụ, thì về phương diện tâm lý và tinh thần, con người lại thấy mình vô cùng lớn lao; và thậm chí, ý nghĩa của sự tồn tại là cái chỉ đặt ra đối với con người (chỉ con người mới có các quan hệ giá trị). Từ đây cách hiểu nhận thức luận về Anthropocentrism xuất hiện, được củng cố và thay thế cho cách hiểu bản thể luận về Anthropocentrism.
Bắt đầu từ thời đại Phục Hưng và đặc biệt là ở thời đại Khai Sáng, sự xuất hiện của chủ nghĩa duy lý với những con người "dùng đầu để đứng" (chữ dùng của Hegel) đã khiến tất cả mọi quan niệm, kể cả những quan niệm về tôn giáo đều phải "ra trước toà án của lý tính để biện hộ cho sự tồn tại mình hoặc từ bỏ sự tồn tại của mình" 13. Đó là chủ nghĩa duy lý mới thay thế cho chủ nghĩa duy lý bắt nguồn từ Ptoleme14. Với chủ nghĩa duy lý mới, các giá trị cổ đại là lý tính (Reason) và giải phóng con người (Emancipation) được phục hưng trở lại và được nâng lên một tầm cao mới. Đây chính là chỗ dựa cho cách hiểu nhận thức luận về Anthropocentrism.
- René Descartes (1596-1650) – đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa duy lý: Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại.
- Giải phóng con người (Tượng)
Điều này đặc biệt thú vị, vì hình như có gì đó mâu thuẫn ở đây: Chính chủ nghĩa duy lý thời Phục Hưng và Khai Sáng đã bác bỏ không thương tiếc quan điểm coi con người là trung tâm của Anthropocentrism, trên cơ sở phủ định thuyết Địa tâm của Ptoleme cùng quan niệm duy lý của ông. Song cũng chính chủ nghĩa duy lý Phục Hưng và Khai Sáng đã làm sống lại và tôn vinh hơn vai trò của lý tính và lý tưởng giải phóng con người. Rõ ràng, cùng với lý tính, tồn tại người trở nên cao hơn hẳn mọi tồn tại. Và do vậy, về phương diện tinh thần và tâm lý, Anthropocentrism không phải là hoàn toàn phi lý. Một lần nữa Anthropocentrism lại được sống sót bằng cách thay thế cách hiểu bản thể luận bằng cách hiểu nhận thức luận. Với cách hiểu này, nền văn hoá châu âu (trong đó có những nét văn hoá Kitô giáo) chẳng những không hề mất đi truyền thống đề cao cá nhân của mình, mà ngược lại, truyền thống này lại được củng cố thêm.
Như vậy, kể từ thời đại Phục Hưng, việc khẳng định vị thế trung tâm của con người theo quan điểm Anthropocentrism đã thay đổi. Không phải là trung tâm trong sự sáng tạo của tạo hoá, trong cấu trúc phức tạp của vũ trụ. Cũng không phải là trung tâm theo nghĩa có khả năng quyết định sự tồn tại của thế giới, mà là trung tâm theo nghĩa giá trị học. Sự tồn tại và vận động của thế giới không mang giá trị tự thân, nó chỉ có giá trị trong tương quan với sự tồn tại của chính con người. Con người với những hoạt động tích cực và tự do của nó đã làm cho thế giới trở nên có ý nghĩa: biến thế giới từ chỗ tồn tại tự nó thành một thế giới, trong chừng mực có thể, tồn tại cho con người. Hoàn toàn có thể đồng ý với Li Deshun rằng: "Tồn tại không tương đương với giá trị. Nếu chú ý đến sự khu biệt cơ bản giữa hai mệnh đề tồn tại luận và giá trị luận thì chúng ta cần có một sự sự phán đoán khách quan tỉnh táo về hiện tượng "con người là trung tâm": một mặt nhận thấy nó là và chỉ là một mệnh đề giá trị, không thể dùng nó để phủ định hoặc thay thế mệnh đề cơ bản về tồn tại phổ biến; mặt khác thừa nhận nó là nguyên tắc giá trị của loài người, xét về tổng thể, là tất nhiên, hợp lý, không thể có ý đồ dùng lý do nào đó để xoá bỏ nó" 15.
6. Trong lịch sử các quan niệm về Anthropocentrism, có điều đáng chú ý là, nói tới Anthropocentrism, người ta không thể không nhắc đến Teilhard de Chardin (1881-1955), nhà triết học, cổ sinh vật học và thần học người Pháp, người đã từng bị Giáo hội Kitô giáo lên án và tước quyền giảng dạy vì những quan điểm về con người và tiến hoá của ông, mặc dù quan điểm của Chardin rất gần với quan điểm của Nhà thờ16. Chardin được coi là người có công mang lại cho Anthropocentrism một diện mạo mới và do vậy, nó trở nên có sức thu hút hơn trong xã hội hiện đại. Tác phẩm nổi tiếng của Chardin "Hiện tượng con người" (1938-1940) được coi là một trong những kinh điển của Anthropocentrism.
Teilhard de Chardin (1881-1955) & tác phẩm Hiện tượng con người
Theo Chardin, "con người là kết quả hoàn thiện nhất của sự tiến hoá qua hàng vạn năm của thế giới hữu sinh, nhưng đến lượt mình, nó lại được phát triển trên cơ sở tiến hoá của thế giới ngoài hữu sinh"17. Chardin phân biệt sự tiến hoá bao gồm 3 giai đoạn kế tục nhau về trình độ: 1) giai đoạn tiền sự sống (thạch quyển, lithosphere); 2) giai đoạn sống (sinh quyển, biospherre) và 3) giai đoạn con người (trí tuệ quyển, noosphere). Chardin thừa nhận có "quy luật phức tạp của ý thức". Bởi vì theo ông, bản nguyên tinh thần vốn có ở cả trong con người và ngoài con người. "Trong con người, bản nguyên tinh thần trở thành "tự ý thức" (con người biết rằng nó biết cái gì)". Đỉnh cao của sự tiến hoá, Chardin gọi là điểm Omega, điểm biểu tượng cho Chúa Jesu. Chardin tin vào sức mạnh của sự liên minh giữa Kitô giáo và chủ nghĩa nhân đạo, ông đề xuất sự liên kết giữa khoa học với thần học, coi đó là liều thuốc vạn năng giải quyết mọi vấn đề của xã hội hiện đại18.
Như ta đã biết, cho đến những năm 50 (thế kỷ XX), những hậu quả tiêu cực của việc con người cải tạo thế giới đã bắt đầu trở thành một vấn nạn. Chardin nhìn thấy nguyên nhân của điều đó ở thái độ ngạo mạn của con người khi nó đi ngược lại với lợi ích chung của cả loài người. Tiếp thu đạo đức học Phật giáo và những nhân tố hợp lý trong các học thuyết về tinh thần của phương Đông (Chardin đã từng sống ở Trung Quốc tới 23 năm), ông nhấn mạnh ý nghĩa của sự tồn tại người là ở cấp độ loài. ông chủ trương con người vẫn chiếm vị thế trung tâm trong sự tồn tại của thế giới, nếu hiểu con người ở cấp độ loài. Đúng như V.I. Xamokhvalova đã nhận xét: "Đó không chỉ là Anthropocentrism được xây dựng trên một trình độ tiếp cận mới về cách hiểu sự tồn tại của thế giới, mà đó còn là việc xây dựng những nguyên tắc đạo đức - tinh thần nhất định trong quan niệm đó, là sự đối thoại bên trong giữa những tư tưởng Kitô giáo và những học thuyết tinh thần phương Đông, là sự xích lại gần tới đạo đức học vũ trụ đã được đề xướng trong đạo Phật"19.
Phải nói rằng, quan điểm của Chardinchứa đựng sự thoả hiệp rất lớn về phương diện triết học. Tuy vậy, với phẩm cách cá nhân suốt đời hoạt động nhiệt thành vì con người, Chardin đã đưa được vào quan điểm của ông nhiều nét nhân đạo của văn hoá châu Âu và văn hoá phương Đông. Quan điểm của Chardin đã lôi cuốn được sự thừa nhận của nhiều môn đệ. Đó chính là cơ sở cho sự tồn tại của Anthropocentrism hiện đại mang dấu ấn của Teilhard de Chardin.
PGS.TS. Hồ Sĩ Quý, Viện Thông tin Khoa học xã hội (hosiquy@fpt.vn)
Tạp chí Triết học số 11/2002. Có viết bổ sung
Con người. Bản vẽ của Leonardo da Vinci và ảnh của Annie Leibovitz
Có cơ sở để đồng ý với ý kiến cho rằng, quan niệm coi con người là trung tâm, trên những nét chủ yếu, là phù hợp với thái độ tôn vinh con người của tư tưởng truyền thống của Việt Nam và cũng phù hợp với quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam từ lâu đã xác định tầm quan trọng của việc xây dựng con người và kể từ cuối thập kỷ 80, đã coi con người là động lực và là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội 1. Ở nước ta, quan niệm coi con người là trung tâm thường được hiểu là quan điểm của UNDP. Tuy nhiên, ngay từ rất xa xưa, đây đã là quan điểm của học thuyết Anthropocentrism. (Trong các tài liệu, Anthropocentrism thường được dịch là "học thuyết coi con người là trung tâm", "chủ nghĩa coi con người là trung tâm", đôi khi có tác giả dịch là "học thuyết duy nhân loại", "chủ nghĩa duy nhân loại" hoặc "học thuyết duy con người", "chủ nghĩa duy con người". Do tất cả
những thuật ngữ tiếng Việt vừa nêu đều quá dài và có thể gây hiểu lầm, trong bài này, chúng tôi xin không dịch mà giữ nguyên là Anthropocentrism cho tiện diễn đạt). Vấn đề là ở chỗ, quan điểm của UNDP và quan điểm Anthropocentrism rất khác nhau. Đều thừa nhận con người là trung tâm, nhưng hai quan điểm này được chỉ đạo bởi các triết lý có những định hướng khác nhau đối với hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Hầu hết các quốc gia và các nhà hoạt động chính trị - xã hội ở các nước thuộc LHQ đều tán thành quan niệm con người là trung tâm của UNDP, thừa nhận những định hướng tiến bộ của quan niệm này. Nhưng không nhiều người đồng ý với quan niệm của Anthropocentrism, vì cho rằng Anthropocentrism vốn là một triết thuyết khá cực đoan, mang màu sắc tôn giáo, đã từng bị phê phán nhiều và vì thế, việc ứng dụng nó có thể làm nảy sinh những định hướng thiếu sáng suốt.
Bởi vậy, theo chúng tôi, cần thiết phải nhận biết sự khác biệt của những học thuyết tiêu biểu cho quan niệm coi con người là trung tâm, để khi ứng dụng, chúng ta hiểu được chúng ta đang thừa nhận con người là trung tâm với nghĩa như thế nào. Kinh nghiệm đối thoại trong các diễn đàn khoa học quốc tế cho thấy, nếu ta không nói rõ ta sử dụng quan niệm này theo học thuyết nào, thì người nghe có thể hiểu rất tiêu cực về tư tưởng có ý nghĩa nhân văn mà chúng ta đang nói tới - tư tưởng coi con người là trung tâm.
I. Anthropocentrism - mô hình châu âu về sự cảm nhận thế giới: cách hiểu bản thể luận và cách hiểu nhận thức luận
Không thấy tài liệu nào nói chính xác thời điểm Anthropocentrism xuất hiện. Chỉ biết rằng, nó có sớm hơn cả triết học Hy Lạp cổ đại. Tuy thường được gọi là học thuyết, song khởi thuỷ, Anthropocentrism không phải là lý thuyết có hệ thống do một nhà tư tưởng cụ thể nào đó đề xướng. Các tài liệu chỉ nói rằng, Anthropocentrism là sản phẩm đặc thù của văn hoá châu Âu, được hình thành trong quá trình con người tự nhận thức về vai trò của mình đối với thế giới, phản ánh quá trình con người từng bước đạt tới trình độ "tách mình" ra khỏi tự nhiên và sau đó, "tách mình" ra khỏi xã hội (tự xác định được mình với tính cách là những cá nhân, nhân cách). Theo V.I. Samokhvalova, Anthropocentrism thể hiện thái độ của con người "tin tưởng vào sức mạnh toàn năng của mình". Anthropocentrism là "mô hình châu Âu về sự cảm nhận thế giới" 2.
Từ điển triết học hiện đại xuất bản đồng thời ở nhiều nước châu âu năm 1998 thừa nhận Anthropocentrism tồn tại phổ biến trong đời sống tinh thần châu Âu dưới đủ các dạng nhận thức: huyền thoại, tôn giáo, khoa học và thông thường... 3
Tổng quan theo những tài liệu mà chúng tôi được biết, lịch sử của Anthropocentrism có thể được hình dung như sau:
1. Anthropocentrism, về thực chất, là hệ thống các quan điểm về vị thế của con người đối với thế giới. Với mỗi thời kỳ lịch sử, hệ thống các quan điểm này không giống nhau ở từng trường phái, ở từng nhà tư tưởng. Tuy vậy, cái chung ở hệ thống quan điểm này là thái độ đề cao vai trò chi phối, quyết định của con người đối với xã hội, đối với thế giới (bên trong và bên ngoài con người) và đối với vũ trụ. Đó là thái độ thừa nhận nguyên tắc "hoạt động cải tạo không có giới hạn của con người" 4. "Theo nghĩa chặt chẽ của từ này, thì Anthropocentrism là phương thức giải quyết các vấn đề triết học (trước hết là các vấn đề thế giới quan), xuất phát không phải từ thế
giới đến con người, mà ngược lại, từ con người đến thế giới" 5. Anthropocentrism khẳng định ý nghĩa đặc biệt của sự tồn tại người, khẳng định chính sự tồn tại của con người mới là hạt nhân, là tâm điểm, chứa đựng toàn bộ ý nghĩa của sự tồn tại vũ trụ.
Thái độ của Anthropocentrism phản kháng lại quan niệm coi con người chỉ là một bộ phận của thế giới (một dòng quan niệm có ngay từ khởi thuỷ lịch sử nhận thức; nổi tiếng nhất của dòng quan niệm này là tư tưởng coi con người là một tiểu vũ trụ). Nó không thừa nhận quan niệm nhìn con người chỉ thuần túy như là một trình độ của cấu tạo vũ trụ, phụ thuộc hoàn toàn vào thế giới bên ngoài.
2. Đi liền với Anthropocentrism là một khuynh hướng các nhà khoa học tự nhiên và thực nghiệm (từ thời cổ đại cho tới ngày nay) luôn tìm cách chứng minh sự tồn tại của thế giới này là cho con người. Khuynh hướng này giả thiết rằng, vũ trụ được cấu tạo là để cho con người xuất hiện và tồn tại. Vì nếu chỉ cần xảy ra một thay đổi nhỏ về một vài đại lượng vật lý nào đó, chẳng hạn như hằng số plank, hằng số hấp dẫn, số lượng các điện tích, điện tử... thì con người sẽ không thể có mặt, trong khi vũ trụ vẫn tồn tại6. Ngoài ra, với trái đất, nơi (duy nhất?) đã xuất hiện con người, thì những người theo khuynh hướng này còn đặt ra câu hỏi: trong quá trình tiến hoá, những bước đột biến làm xuất hiện con người là ngẫu nhiên hay tiền định? Bởi vì, giả sử nếu không có sự thay đổi khí hậu toàn cầu, nếu không có bước nhảy vọt căn bản thoát hẳn ra khỏi tổ tiên, thì liệu loài người có xuất hiện được hay không 7.
Có thể hiểu được tại sao Anthropocentrism ngay từ rất sớm đã mang màu sắc thần bí và về sau thường được coi là một quan niệm gắn liền với thần học Kitô giáo. Trong Thượng đế luận Kitô giáo, quan niệm của Anthropocentrism đã được sử dụng một cách cực đoan: sau khi đã hoàn tất việc sáng tạo ra vũ trụ, Chúa mới sáng tạo ra con người theo hình ảnh của Chúa. Đó là tâm điểm của sự sáng tạo. Con người, nhờ vậy, là sinh vật duy nhất đồng dạng với Tạo hoá; nghĩa là cũng có khả năng sáng tạo và trở thành trung tâm của vũ trụ8. Đây là đỉnh điểm của thái độ thần thánh hóa con người. F. Engels đã phê phán quan niệm này là "phi lý và trái với tự nhiên". ông chỉ ra rằng, "đó là một quan niệm đã thịnh hành ở châu Âu từ khi nền văn hoá cổ điển thời cổ đại bị suy đồi, một quan niệm đã đạt được một sự phát triển cao nhất cùng với đạo Thiên chúa" 9.
3. Tiền đề được xem là vững chắc cho quan niệm thần thánh hóa con người của Kitô giáo là những tư tưởng có màu sắc Anthropocentrism của các nhà thông thái Hy Lạp cổ đại nổi tiếng, chẳng hạn như quan niệm về hình học của Euclide, quan niệm về con người của Protagor và Socrates, quan niệm logic học của Aristote, quan niệm về lý tính và thuyết địa tâm của Ptoleme, v.v... Điển hình cho những quan niệm Anthropocentrism thời cổ đại được coi là tư tưởng của Protagor với luận điểm nổi tiếng "con người là thước đo của mọi vật"10. Vào thời đó, luận điểm này đã được thừa nhận như là một trong những nguyên tắc (nguyên tắc người) về sự kiến tạo vũ trụ. Những thành tựu giải phẫu học cổ đại đã phát hiện ra những tỷ lệ đặc biệt cân đối của cơ thể người và những tỷ lệ này đã trở thành những "chuẩn mực vàng" trong hội họa và kiến trúc cổ đại góp phần tạo nên một số kỳ quan của thế giới. Đến thời Phục Hưng, luận điểm của Protagor vẫn được Leonardo da Vinci và nhiều người khác đề cao; và ngay cả hiện nay, những chuẩn mực của cơ thể người vẫn là những modul cơ bản của nhiều lĩnh vực sáng tạo.
Protagoras (490– 420 TrCN): Con người là thước đo của mọi vật
4. Sau nhiều thế kỷ làm chỗ dựa cho sự thống trị của nhà thờ Kitô giáo Trung cổ, quan điểm của Anthropocentrism chỉ thực sự bị lung lay khi thuyết Địa tâm của Ptoleme bị sụp đổ trước sự ra đời của thuyết Nhật tâm Copernic. Cùng với sự sụp đổ của thuyết Địa tâm và sau đó, cùng với sự nhận ra những hạn chế của quan niệm về cấu trúc thế giới theo hình học Euclide và những giới hạn của tư duy theo logic học Aristote, con người giật mình hiểu ra sự nhỏ bé và vị thế khiêm nhường của mình trong vũ trụ. Tất cả các phát kiến của khoa học tự nhiên và thực nghiệm cho đến thời Phục Hưng đều bác bỏ vị thế trung tâm của con người. Không có một dữ kiện khoa học nào chứng minh con người có vị trí trung tâm trong trong vũ trụ (thậm chí ngay cả ngày nay, khi con người có trong tay khối lượng khổng lồ vũ khí hạt nhân, đủ để đe doạ sự tồn vong của cả trái đất, thì điều đó cũng không chứng tỏ con người có khả năng quyết định đối với thái dương hệ). Hoá ra có lý do để tin rằng, con người không nhất thiết phải có mặt trong cấu tạo của vũ trụ; sự tồn tại của con người không hề quyết định sự tồn tại của vũ trụ mà trái lại, chính cấu tạo của vũ trụ mới quyết định sự có mặt và tồn tại của con người. Xamokhvalova gọi đó là "cú sốc", "một sự kích động mạnh" đối với con người khi nó còn chưa được "miễn dịch" trước những nguy cơ đe dọa như hiện nay 11. Về điều này, Trịnh Xuân Thuận, giáo sư vật lý thiên văn người Mỹ (gốc Việt) tại Đại học Virginia, nhận xét: "Copernic đã trục xuất con người ra khỏi vị trí trung tâm của nó trong hệ Mặt trời. Từ đó bóng ma của ông không ngừng ám ảnh chúng ta và gây ra nhiều sự phá huỷ khác. Trái đất mất vị trí trung tâm của nó, rồi đến lượt mình, mặt trời cũng lại được xếp vào hàng những ngôi sao bình thường và được đặt ở những nơi ngoại ô heo hút của dải Ngân hà. Rồi ngay cả Ngân hà cũng cũng lại bị chìm lấp trong hàng trăm tỷ thiên hà của của vũ trụ quan sát được. Con người bị thu lại bé nhỏ không đáng kể so với khoảng bao la của vũ trụ. Sự xuất hiện của trí tuệ và ý thức chỉ là một sự kiện ngẫu nhiên, một sự cố trên con đường vạn dặm của vũ trụ. Vũ trụ không cần tới sự có mặt của chúng ta và nó cũng chẳng mấy bận tâm về chuyện đó" 12.
Nicolas Copernic (1473 - 1543) & mô hình thuyết nhật tâm
Như vậy, muộn nhất là đến thế kỷ XVI, cách hiểu bản thể luận về Anthropocentrism thực sự không có cơ sở để tồn tại trong nhận thức nữa.
5. Nhưng một khi con người hiểu được vị thế nhỏ bé của mình, thì điều đó cũng chứng tỏ rằng con người đã trưởng thành với một sức mạnh đáng kể. Nghịch lý của nhận thức chính là ở đây. Con người biết mình là "chúa tể" trong vũ trụ, là sinh vật duy nhất có tư duy, có khả năng tác động đến vũ trụ và có thể bắt vũ trụ từ chỗ "tồn tại tự nó" phải "tồn tại cho ta". Nếu như về phương diện bản thể, con người thấy mình chỉ là một thành phần rất khiêm tốn của vũ trụ, thì về phương diện tâm lý và tinh thần, con người lại thấy mình vô cùng lớn lao; và thậm chí, ý nghĩa của sự tồn tại là cái chỉ đặt ra đối với con người (chỉ con người mới có các quan hệ giá trị). Từ đây cách hiểu nhận thức luận về Anthropocentrism xuất hiện, được củng cố và thay thế cho cách hiểu bản thể luận về Anthropocentrism.
Bắt đầu từ thời đại Phục Hưng và đặc biệt là ở thời đại Khai Sáng, sự xuất hiện của chủ nghĩa duy lý với những con người "dùng đầu để đứng" (chữ dùng của Hegel) đã khiến tất cả mọi quan niệm, kể cả những quan niệm về tôn giáo đều phải "ra trước toà án của lý tính để biện hộ cho sự tồn tại mình hoặc từ bỏ sự tồn tại của mình" 13. Đó là chủ nghĩa duy lý mới thay thế cho chủ nghĩa duy lý bắt nguồn từ Ptoleme14. Với chủ nghĩa duy lý mới, các giá trị cổ đại là lý tính (Reason) và giải phóng con người (Emancipation) được phục hưng trở lại và được nâng lên một tầm cao mới. Đây chính là chỗ dựa cho cách hiểu nhận thức luận về Anthropocentrism.
- René Descartes (1596-1650) – đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa duy lý: Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại.
- Giải phóng con người (Tượng)
Điều này đặc biệt thú vị, vì hình như có gì đó mâu thuẫn ở đây: Chính chủ nghĩa duy lý thời Phục Hưng và Khai Sáng đã bác bỏ không thương tiếc quan điểm coi con người là trung tâm của Anthropocentrism, trên cơ sở phủ định thuyết Địa tâm của Ptoleme cùng quan niệm duy lý của ông. Song cũng chính chủ nghĩa duy lý Phục Hưng và Khai Sáng đã làm sống lại và tôn vinh hơn vai trò của lý tính và lý tưởng giải phóng con người. Rõ ràng, cùng với lý tính, tồn tại người trở nên cao hơn hẳn mọi tồn tại. Và do vậy, về phương diện tinh thần và tâm lý, Anthropocentrism không phải là hoàn toàn phi lý. Một lần nữa Anthropocentrism lại được sống sót bằng cách thay thế cách hiểu bản thể luận bằng cách hiểu nhận thức luận. Với cách hiểu này, nền văn hoá châu âu (trong đó có những nét văn hoá Kitô giáo) chẳng những không hề mất đi truyền thống đề cao cá nhân của mình, mà ngược lại, truyền thống này lại được củng cố thêm.
Như vậy, kể từ thời đại Phục Hưng, việc khẳng định vị thế trung tâm của con người theo quan điểm Anthropocentrism đã thay đổi. Không phải là trung tâm trong sự sáng tạo của tạo hoá, trong cấu trúc phức tạp của vũ trụ. Cũng không phải là trung tâm theo nghĩa có khả năng quyết định sự tồn tại của thế giới, mà là trung tâm theo nghĩa giá trị học. Sự tồn tại và vận động của thế giới không mang giá trị tự thân, nó chỉ có giá trị trong tương quan với sự tồn tại của chính con người. Con người với những hoạt động tích cực và tự do của nó đã làm cho thế giới trở nên có ý nghĩa: biến thế giới từ chỗ tồn tại tự nó thành một thế giới, trong chừng mực có thể, tồn tại cho con người. Hoàn toàn có thể đồng ý với Li Deshun rằng: "Tồn tại không tương đương với giá trị. Nếu chú ý đến sự khu biệt cơ bản giữa hai mệnh đề tồn tại luận và giá trị luận thì chúng ta cần có một sự sự phán đoán khách quan tỉnh táo về hiện tượng "con người là trung tâm": một mặt nhận thấy nó là và chỉ là một mệnh đề giá trị, không thể dùng nó để phủ định hoặc thay thế mệnh đề cơ bản về tồn tại phổ biến; mặt khác thừa nhận nó là nguyên tắc giá trị của loài người, xét về tổng thể, là tất nhiên, hợp lý, không thể có ý đồ dùng lý do nào đó để xoá bỏ nó" 15.
6. Trong lịch sử các quan niệm về Anthropocentrism, có điều đáng chú ý là, nói tới Anthropocentrism, người ta không thể không nhắc đến Teilhard de Chardin (1881-1955), nhà triết học, cổ sinh vật học và thần học người Pháp, người đã từng bị Giáo hội Kitô giáo lên án và tước quyền giảng dạy vì những quan điểm về con người và tiến hoá của ông, mặc dù quan điểm của Chardin rất gần với quan điểm của Nhà thờ16. Chardin được coi là người có công mang lại cho Anthropocentrism một diện mạo mới và do vậy, nó trở nên có sức thu hút hơn trong xã hội hiện đại. Tác phẩm nổi tiếng của Chardin "Hiện tượng con người" (1938-1940) được coi là một trong những kinh điển của Anthropocentrism.
Teilhard de Chardin (1881-1955) & tác phẩm Hiện tượng con người
Theo Chardin, "con người là kết quả hoàn thiện nhất của sự tiến hoá qua hàng vạn năm của thế giới hữu sinh, nhưng đến lượt mình, nó lại được phát triển trên cơ sở tiến hoá của thế giới ngoài hữu sinh"17. Chardin phân biệt sự tiến hoá bao gồm 3 giai đoạn kế tục nhau về trình độ: 1) giai đoạn tiền sự sống (thạch quyển, lithosphere); 2) giai đoạn sống (sinh quyển, biospherre) và 3) giai đoạn con người (trí tuệ quyển, noosphere). Chardin thừa nhận có "quy luật phức tạp của ý thức". Bởi vì theo ông, bản nguyên tinh thần vốn có ở cả trong con người và ngoài con người. "Trong con người, bản nguyên tinh thần trở thành "tự ý thức" (con người biết rằng nó biết cái gì)". Đỉnh cao của sự tiến hoá, Chardin gọi là điểm Omega, điểm biểu tượng cho Chúa Jesu. Chardin tin vào sức mạnh của sự liên minh giữa Kitô giáo và chủ nghĩa nhân đạo, ông đề xuất sự liên kết giữa khoa học với thần học, coi đó là liều thuốc vạn năng giải quyết mọi vấn đề của xã hội hiện đại18.
Như ta đã biết, cho đến những năm 50 (thế kỷ XX), những hậu quả tiêu cực của việc con người cải tạo thế giới đã bắt đầu trở thành một vấn nạn. Chardin nhìn thấy nguyên nhân của điều đó ở thái độ ngạo mạn của con người khi nó đi ngược lại với lợi ích chung của cả loài người. Tiếp thu đạo đức học Phật giáo và những nhân tố hợp lý trong các học thuyết về tinh thần của phương Đông (Chardin đã từng sống ở Trung Quốc tới 23 năm), ông nhấn mạnh ý nghĩa của sự tồn tại người là ở cấp độ loài. ông chủ trương con người vẫn chiếm vị thế trung tâm trong sự tồn tại của thế giới, nếu hiểu con người ở cấp độ loài. Đúng như V.I. Xamokhvalova đã nhận xét: "Đó không chỉ là Anthropocentrism được xây dựng trên một trình độ tiếp cận mới về cách hiểu sự tồn tại của thế giới, mà đó còn là việc xây dựng những nguyên tắc đạo đức - tinh thần nhất định trong quan niệm đó, là sự đối thoại bên trong giữa những tư tưởng Kitô giáo và những học thuyết tinh thần phương Đông, là sự xích lại gần tới đạo đức học vũ trụ đã được đề xướng trong đạo Phật"19.
Phải nói rằng, quan điểm của Chardinchứa đựng sự thoả hiệp rất lớn về phương diện triết học. Tuy vậy, với phẩm cách cá nhân suốt đời hoạt động nhiệt thành vì con người, Chardin đã đưa được vào quan điểm của ông nhiều nét nhân đạo của văn hoá châu Âu và văn hoá phương Đông. Quan điểm của Chardin đã lôi cuốn được sự thừa nhận của nhiều môn đệ. Đó chính là cơ sở cho sự tồn tại của Anthropocentrism hiện đại mang dấu ấn của Teilhard de Chardin.
PGS.TS. Hồ Sĩ Quý, Viện Thông tin Khoa học xã hội (hosiquy@fpt.vn)
Tạp chí Triết học số 11/2002. Có viết bổ sung