Home » » CÁC VĨ NHÂN TỈNH LẺ phần 6,7,8 - DƯƠNG THU HƯƠNG

CÁC VĨ NHÂN TỈNH LẺ phần 6,7,8 - DƯƠNG THU HƯƠNG

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012 | 00:21

Chương 6

Dù sao, đời sống và các nhu cầu của nó vẫn có một uy lực ghê gớm. Vũ Sơn thường ca cẩm với tôi về những chuyến đi công cán, nghĩa là đi viết bài cho một cơ sở nào đó, không phải chỉ đơn thuần vì mục tiêu nghề nghiệp mà chủ yếu là vì các phúc lợi vật chất. Tuy nhiên, một buổi chiều tôi tới rủ anh lên sân vận động xem đá bóng, thấy anh bò trên bàn làm việc, đưa bút lia lịa. Dăm bảy trang đã viết rồi nằm la liệt dưới chân bàn. Còn những trang đợi viêt kêu sột soạt dưới khuỷu tay nhà báo. Thấy tôi, anh ngước mắt lên:

- Chờ tôi, cậu chịu khó chờ tôi một lát nhé. Chỉ vài chục dòng nữa là xong cái của nợ này.

Nói đoạn, anh kéo tờ giấy đặc kín chữ roạt một tiếng, ném xuống chân bàn. Sau đó, lấy tờ giấy trắng khác, viết tiếp.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế mây có tựa, vật quen thuộc nhất từ ngày tôi biết anh. Tìm ấm chén, phích nước và hộp trà, tôi pha nước uống.

Chừng mươi phút nữa, Vũ Sơn viết xong bài báo. Anh lượm những trang giấy ngổn ngang dưới chân lên, sắp xếp theo thứ tự, nhét vào chiếc cặp da để đầu giường rồi đứng dậy, vươn vai, vặn lưng răng rắc.

Đứa con trai lớn từ cửa lò dò đi vào, tay xách chiếc hăng- gô:

- Này bố, phở của bố đây.

Nó nói, rồi đặt hăng- gô phở lên bàn làm việc. Ngoài cổng, một cái đầu trọc lốc ló vào:

- Mau lên, mày còn nợ ông sáu viên.

Thằng con lớn của nhà báo quay lại:

- Rồi tao sẽ giả, chở ở đấy.

Dứt lời, không kịp nhìn ông bố, nó chui tọt vào buồng, lục lọi gì đó trong bóng tối khá lâu. Lát sau, nó chạy vụt qua mặt chúng tôi, một tay túm chặt vạt áo trước. Vũ Sơn xuống bếp, lấy lên chiếc thìa chan canh. Ngồi chồm hỗm trên giường, anh kéo hăng- gô phở vào lòng, xúc ăn:

- Cuộc đời thật sự như thế đấy cậu Nam ạ. Mọi ngày, khi tôi viết những bài báo quan trọng về vấn đề này hoặc vấn đề kia của đất nước, đăng ở những tờ báo tiếng tăm nhất thì vợ tôi kệ xác: Mày viết hở? đói hở? vào nồi lục cơm nguội mà ăn. Chẳng có thịt cá gì đâu, cà đấy, trám ngâm nước mắm đấy, cứ thế mà giã. Đôi khi, nồi cơm trẻ con không đậy kĩ, chuột nhắt nhảy vào vọc chán chê… Vậy mà hôm nay tôi viết bài báo cho một nhà máy cấp tỉnh, đăng ở tờ báo của tỉnh thì nó phục vụ tôi đầy đủ thế: Nào cháo trứng, nào cà phê sữa, nào phở tái lăn… Chả là vì sau khi đăng bài báo này thế nào người ta cũng cho tôi mua rẻ vài chục mét kính. Bán cho đám dân buôn mới phất đang hăng máu làm nhà, cơi gác, có ngay món tiền nặng bỏ hầu bao. Đàn bà ngửi mùi tiền thính lắm cậu ạ, nhiều khi còn thính hơn chó trinh sát của công an…

Dứt lời, Vũ Sơn cười giàn giụa. Anh đứng lên, bỏ chiếc hăng- gô vào một góc nhà rồi ngồi uống trà với tới. Uống hết tuần trà thứ hai, anh đứng lên:

- Ta đi chơi một lát cho nhẹ đầu. Ở nhà mãi xương cốt rục hết. Nhưng đừng xem đá bóng. Hai cái đội này đá như mèo gãi ghẻ.

Chúng tôi dắt xe tới cổng, gặp một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi đi ngược lại. Bộ điệu ông ta hớt hải, lo âu, thấy Vũ Sơn, ông ta mừng rỡ kêu:

- Đây rồi, đây rồi… Tôi tìm anh ba bốn hôm nay, lần nào tới cũng chỉ gặp chị ấy với lũ trẻ ở nhà… Thật là may, đúng sớm ngày tôi bước chân phải ra khỏi cửa.

Nhà báo giới thiệu tôi với người đàn ông kia, ông ta là phóng viên báo tỉnh. Sau đó, anh hỏi:

- Có bài báo làm gì mà cậu cứ phải chạy nhặng lên?

Cái người đàn ông bị anh gọi là cậu, nhăn nhó:

- Khổ quá, anh Mai Hồng thúc tôi đêm ngày, sợ lỡ bài cho số báo sắp tới. Chúng tôi biết anh bận trăm thứ việc, mỗi lần anh quan tâm tới tờ báo tỉnh nhà, chúng tôi quý hóa lắm…

Vũ Sơn gật đầu:

- May cho cậu thật đấy… Cả tuần nay tôi bận. Chậm một phút nữa tôi với Nam cũng đi rồi…

Ông phóng viên báo tỉnh gật đầu lia lịa:

- Vâng, thật là may, thật là may…

Vũ Sơn quay vào nhà lấy bài báo vừa viết đưa cho ông ta. Vị phóng viên cúi chào mấy lượt rồi đạp xe đi. Chúng tôi cũng đạp xe sau anh ta vì cùng chung một lối phố. Tới ngã tư, nhà báo tỉnh rẽ sang trái còn chúng tôi đi ngược lên phía bắc. Ở đó, có một ngôi chùa vô danh nhưng khá đẹp. Chùa đứng trên đồi, các lối đi vòng theo đường xoắn ốc, được vây bọc bởi những hàng giậu cúc tần, và dọc theo bức tường xanh rờn diệp lục, từng đoạn một, ónh ánh những đám dây tơ hồng trường cửu. Ba chúng tôi đã lên đây chơi vài lần, nhưng từ ngày Thanh Dương chìm đắm vào cuộc tình với cô Hạnh, tới hôm nay Vũ Sơn mới rủ tôi quay lại vãn cảnh chùa.

Ngày thường, nơi đây vắng và yên tĩnh. Không một bóng người qua lại, không tiếng nói chỉ có các điệu hót của lũ chim vườn lúc tấu lên đơn lẻ, lúc hòa điệu giữa không gian lặng tờ, trong như pha lê.

Chúng tôi bước qua cổng tam quan, qua mảnh sân đầy lá dại và những cánh hoa trắng. Hai viền cỏ lan chi chạy theo hàng gạch viền răng cưa trổ hoa tím. Từ trong sân chùa, một con chó ta, giống bất cứ con cún nào vẫn gặp ở làng quê chạy ra sủa ăng ẳng. Không thấy sư thầy, cũng không thấy chú tiểu mọi ngày giữ chó. Tuy nhiên, con cún đã nhận ra chúng tôi, những vị khách quen từng mang đồ ăn chay lên đây thưởng ngoạn cảnh chùa. Nó không cắn nữa mà im lặng ngoe nguẩy đuôi, lũn cũn chạy theo chúng tôi ra chiều âu yếm. Vũ Sơn dắt tôi qua chùa chính, nơi bàn thờ đang ngút hương, một chồng oản với năm nải quả đặt trên đài gỗ sơn son, hai lọ huệ chưa tàn hết. Anh bảo:

- Xuống dưới kia chơi, ở đây tôi lại thèm ăn oản.

Anh vốn có tính tự nhiên. Đến bất cứ nơi nào, dù quen hay lạ, anh cũng mau chóng làm chủ tình thế và sục sạo như chủ nhân chính cống. Anh dắt tôi đi qua gian nhà trống giành cho khách thập phương trú chân những ngày hội ngày lễ. Rồi vượt lên mấy bậc tam cấp, chúng tôi bước vào sau chùa. Chùa này, ngoài bàn thờ các vị Kim cương còn một dãy nhà bức bàn kiểu cổ giành cho sư sãi, xưa kia là nơi gác những nong tằm hồi ruộng đất nhà chùa còn rộng rãi, đủ thuê người trồng dâu, hái dâu và quay tơ ươm kén. Giờ, các cánh cửa đóng im ỉm mốc thếch như những tấm da trăn khổng lồ.

Chợt, chúng tôi nghe thấy tiếng người thở hổn hển, rồi những tiếng thì thầm rất khẽ vọng ra. Sau đó, tất cả tắt đi một cách đột ngột, Vũ Sơn cất tiếng nói rất to:

- Cậu xem kìa, gốc cây ngọc lan bị mối đùn bằng đống rấm. Cái cây này chết đến nơi rồi. Tôi phải nói với sư thầy chặt đi mới được.

Anh bấm tay tôi, kéo tôi đi dọc hành lang, cố tình lê dép sền sệt. Tới đầu hồi, anh nói tiếp:

- Xuống vườn mà chơi, ở đây nhiều me đất lắm. Trước khi về nhớ xin nhà chùa một nắm cho bà cụ nấu canh chua…

Chúng tôi bước xuống vườn, tiếp tục cuộc đối thoại ồn ĩ về số phận của các cây đào, cây ổi, các cây hoa hoàng lan và ngọc lan, các bụi ngâu và nhài… Một vài phút sau, sư thầy đi ra, mời chúng tôi vào uống trà. Dù Vũ Sơn khỏa lấp bầu không khí ngượng ngùng đó bằng những câu chuyện vui vẻ, liên hồi như bắn súng liên thanh, tôi vẫn thấy thương hại kẻ tu hành khốn khổ. Ông ta mới trạc ngoài ba mươi, ba bẩy, ba tám là cùng. Những bắp thịt trên cần cổ, trên vai rắn rỏi và hai gò má căng phồng, chưa một nếp nhăn. Chúng tôi uống nhạt ấm trà, nói chuyện với nhà sư về tình hình thế giới lẫn cách chọn cà chua rồi cáo từ. Lúc qua sân trước, tôi thấy dáng mũm mĩm của một người đàn bà trong gian bếp tối. Bà ta quay lưng lại phía sân, đang cắt vật gì đó màu trắng, hình như là đậu phụ.

Đường xoắn ốc leo đồi, cả lúc lên và lúc xuống đều phải dắt bộ. Đang đi, chúng tôi gặp chú tiểu vác bó củi cành, mặt mũi nhem nhuốc mồ hôi. Chú cất tiếng chào chúng tôi, rồi lại cắm cúi leo dốc. Hai vạt áo nâu giắt vào thắt lưng, đôi giày treo toòng teng bên sườn, Vũ Sơn nói:

- Đôi khi, người ta đi hết cuộc sống của mình một cách mù lòa, hệt như những con ngựa bị thắng cương, hai bên mắt là hai mảnh lá đề che chắn. Vì vũ trụ chỉ còn hiện lên trước mắt những con ngựa ấy như một khe hở nhỏ hẹp, nên chúng cứ theo con đường đã vạch mà đi, không hề biết rằng mặt đất còn có núi non, sông hồ, những đồng cỏ và những bờ bãi. Những con ngựa không có khả năng tự tháo dỡ hai mảnh lá đề che mắt chúng. Còn con người, tại sao họ lại tự tiêu diệt quyền năng ấy. Gã thầy tu kia có thể đẻ với người đàn bà gã yêu một lũ con, công khai yêu đương mụ trước thế gian này. Nhưng gã đã chọn một kiếp sống… mà không, có thể không phải gã chọn, những tình cảnh trớ trêu nào đó đã đưa đẩy gã tới cảnh sống bất đắc dĩ, và gã không đủ sáng suốt tháo gỡ… Này Nam, tôi không muốn nhìn thấy ai đó đi hết cuộc đời mình mù lòa như những con ngựa bị che hai bên mắt, cho dù hai cái lá đề ấy là sự ngu đần lười nhác, là ách thống trị của danh vọng hay tình yêu…

Chương 7

Những cơn mưa thu đã chấm dứt từ lâu. Mặt đất khô. Còn các cánh ruộng lô nhô từng đám đất cày vỡ.

Có một thằng cháu dưới quê đem biếu bố tôi hai cặp chim cun cút. Cụ bảo nấu cháo hành răm cho cả nhà cùng ăn. Vì mẹ tôi không phải là người nội trợ sành sỏi, nên bố tôi gọi một người láng giềng vốn sành ăn sang nấu giùm. Cháo vừa chín, cụ bà dỗi cắp rổ ngoay ngoảy đi chợ. Chỉ còn ba người đàn ông ngồi uống rượu suông rồi ăn cháo. Ông láng giềng đã sống hết thời thơ ấu ở làng quê, kể cho bố con tôi nghe đủ thứ chuyện về đời sống thôn xã, những mối tình thảm thiết và oan ức chỉ có được ở giữa các lũy tre. Những câu chuyện ấy làm tôi nhớ tới thiếu phụ má hồng. Cô ta như một lời kêu gọi, thúc hối, như một nỗi ăn năn vô lý ám ảnh tâm hồn tôi. Tôi đạp xe đến nhà Vũ Sơn, rủ anh vào làng Mơ. Anh đáp:

- Được, tôi cũng đang định rủ cậu vào đó chơi. Chỉ còn hơn tuần nữa chúng ta phải ra Hà Nội. Tôi sẽ đem chuyện này kể cho mấy thằng bạn tôi nghe. Đời thế mà chúng nó cứ viết mãi những chuyện tình ngớ ngẩn, nhạt phèo.

Chúng tôi đi chừng một giờ thì tới làng. Một đám trẻ đang chơi đáo dưới rặng táo. Vũ Sơn hỏi:

- Nhà bác Lương thợ may ở đâu, chúng mày?

Cái giọng oai vệ, trịch thượng của anh khiến lũ trẻ sợ ngay tức khắc. Một thằng bé tách khỏi bọn:

- Lối này, để cháu dẫn bác đi.

Rồi nó lon ton chạy trước chúng tôi. Tới ngã tư, nó đứng lại, giơ tay chỉ về phía trái:

- Cuối đường này bác ạ, cái nhà mái bằng cao nhất ấy. Trước cửa có tấm biển hiệu may Hoa Lan.

Vũ Sơn giơ tay xoa đầu thằng bé:

- Được rồi, mày như thế là ngoan. Lúc nào rảnh, đưa tao về thăm bố mẹ, nghe chưa?

- Vâng ạ.

Đứa bé đáp rồi co cẳng chạy thục mạng về đám đáo.

Chúng tôi đi tiếp con đường, qua nhiều ngôi nhà vừa xây cất xong hoặc còn ngổn ngang gạch ngói, tre pheo, chờ ngày làm. Cuối cùng, một ngôi nhà đồ sộ án ngữ lối đi, trương tấm biển: Hiệu may Hoa Lan. Nhà một tầng, xây trên móng cao thước rưỡi. Mái bằng đổ rất dày, có lan can bao quanh, có ô- văng rộng che hàng hiên phía trước. Hai cây cột vuộng nặng nề đối xứng nhau qua cửa ra vào, hai ô cửa sổ cũng đối xứng một cách buồn tẻ như thế. Tất cả đều được làm bằng vật liệu tuyệt vời. Dù là gỗ khuôn cửa hay thứ vôi quét tường, hay những hàng chấn song thẳng tắp bằng loại thép mười tám ly. Phía sau ngôi nhà ấy là ba gian nhà ngói, thấp hơn, chắc được dùng chứa đồ, và làm bếp. Sân rộng, lát gạch vuông. Giếng xây và nhà tắm đứng riêng một góc, với những bụi trúc vàng vây bọc. Toàn bộ khu nhà tựa như một pháo đài. Người thiếu phụ có làn da màu ngà đã tự xây nên để khuôn định cuộc đời chị. Nhưng số mệnh nằm ngoài những toan tính ấy, như dòng sông cuồng loạn, xóa bỏ dòng chảy cũ, phá tung những bờ đất che chắn để lao tới một bình nguyên phóng khoáng và man dại.

Vũ Sơn đập vào vai tôi:

- Thôi, ngắm gì nữa.

Nói thế, nhưng anh còn ngước lên nhìn toàn bộ khu nhà lần cuối, tặc lưỡi:

- Cô ả gớm thật. Đàn bà một tay xây nên cái cơ ngơi khang trang đến thế này… Nhắc xe đạp lên bậc tam cấp, anh dặn tôi:

- Cậu cứ im, để tôi đối thoại với thằng cha ấy nhé. Chắc chắn giờ này chỉ có nó ở nhà.

Vũ Sơn không gõ cửa, mà gọi oang oang, kiểu như người ta gọi nhau ở nông thôn:

- Này, có khách nhé.

Chẳng có tiếng đáp. Chúng tôi ghé đầu nhìn qua ô cửa sổ: Gã đàn ông bữa trước đang nằm ngủ, đầu ngoẹo về một bên. Chiếc bàn máy phủ tấm vải sơn đầy bụi. Trên tường, treo cây phất trần lông gà cũng bẩn thỉu như thế. Nền nhà lát gạch men nhưng không được quét dọn, loang lổ các vết mực dây, nước chè đổ lẫn cả nước cốt trầu. Hai quyển vở bị xé dở với cuốn sách học vở lòng nằm lăn lóc bên lọ mực, một cái kẹo chảy dính trên nền gạch, lũ ruồi và kiến bu quanh…

- Thằng này ngủ như chết - Vũ Sơn bảo tôi - Chắc nó say.

- Đoạn, được đập cửa ầm ầm:

- Này, có khách, có khách…

Gã đàn ông vừa ngồi dậy, đưa cặp mắt bạc trắng nhìn quanh rồi lại lờ đờ khép mi lại.

Vũ Sơn tiếp tục đập cửa, gọi to hơn:

- Này, dậy đi, có khách đến…

Lương tỉnh ngủ, hắn lê người ra mép giường, xỏ chân vào đôi dép da đã cắt quai hậu, ra mở cửa. Chúng tôi bước vào, Vũ Sơn kéo tôi ngồi xuống ghế, với vẻ chủ động trời phú, anh nhìn xói vào bộ mặt nhợt nhạt của gã đàn ông:

- Anh biết chúng tôi là ai rồi chứ?…

Vài tích tắc trôi qua.

- Chúng tôi đã chứng kiến toàn bộ những hành vi phạm pháp của anh. Với cương vị khách quan của một nhà báo, tôi đủ quyền tố cáo anh trước cơ quan pháp luật. Tuy nhiên, muốn đánh giá sự việc thật công bằng, tôi đã tìm tới đây trực tiếp gặp anh, và nghe những khúc mắc của riêng anh…

Lương đã ngồi xuống chiếc ghế đối diện với tôi. Gã không muốn nhìn thẳng vào mặt Vũ Sơn. Có lẽ, bởi tinh lực ở đôi mắt anh quá mạnh. Gã ngồi đó, đần dại, những sợi ria nhuôm nhoan bẩn thỉu trên môi chốc lại đụng đậy. Mười ngón tay dài, khum khum, cáu ghét đặt trên đầu gối. Phải chăng gã đang suy tính, so lọc những câu nói, hay gã đang chìm vào cơn mộng mị của trí não, cái trạng thái con người không thể nghĩ được bất cứ điều gì, mọi cảm xúc và xét đoán hòa trộng vào nhau như một thứ bùn âm u kết dính…

Vũ Sơn chấm dứt khoảnh khắc im lặng ấy bằng câu hỏi rành rẽ nhưng ôn hòa hơn:

- Vợ anh ngoại tình lâu chưa?

- Ba năm… a… ba năm hai tháng… rưỡi…

Gã đáp chậm chạp, vừa đáp vừa tính.

Vũ Sơn hỏi tiếp:

- Theo anh, nguyên nhân chính là gì?

Gã sầm mặt, đáp gọn lỏn:

- Nó là con đĩ.

Vũ Sơn gật đầu:

- Tôi biết, có những người đàn bà lẳng lơ từ tuổi dậy thì cho đến lúc sức tàn, lực kiệt. Đàn ông nào họ cũng yêu được, nói đúng hơn, ai họ cũng chung đụng được. Thứ đàn bà ấy là quái nhân mắc bệnh hạch phong tình. Liệu vợ anh có thuộc cái số ít ỏi ấy không?

Lương lẩm nhẩm:

- Nó là con…

Rồi gã im bặt. Đôi mắt đờ đẫn vì nát rượu chợt lóe lên một nỗi buồn tủi, một thoáng nhớ nhung. Có lẽ, những hình ảnh nào đó từ trong hồi ức khiến tâm cơ gã run rẩy và gã không còn đủ thù hận để vu khống, để hạ nhục người đàn bà đã chiếm lĩnh trái tim mình.

Vũ Sơn nói:

- Tôi tin chắc vợ anh không phải loại người ấy. Nếu đúng thế, cô ấy đã hư hỏng từ rất lâu trước khi gặp anh chàng thiếu úy này.

Gã đàn ông không đáp, nhưng vẻ mặt trở lại ù lì, hai bên thái dương xanh tím nhuốm đầy uất khí.

Vũ Sơn tiếp tục:

- Anh có nghe những lời xúc xiểm của gia đình chửi rủa cô ấy không?

Gã ngẩng lên, đưa mắt nhìn anh:

- Đàn ông, ai không chửi vợ. Việc đó can gì tới chuyện ngoại tình? Nếu tức chồng mà cắp áo theo trai như nó thì nước này phải có dăm, bảy triệu.

Vũ Sơn hỏi tiếp:

- Tôi thấy cửa hiệu may chẳng có tấm vải nào của khách. Máy may bọc kĩ thế kia, cả tháng trời anh may được mấy cái áo?

- Chẳng cái nào hết - Gã đáp, hằn học - Tội gì tôi làm?

Tôi bắt con đĩ ngựa phải lo…

Gã dừng lại, nghiền ngẫm, rồi rên rỉ: Thế mà nó cứ tớn lên. Đồ quái vật, trơ như đồng, lì như đá…

Ánh mắt gã cay độc, ghen tuông. Tôi hình dung tới khuôn mặt trẻ trung của người đàn bà, làn da tươi thắm như tấm gương phản ánh tuổi trẻ và sức sống, hai bầu má mịn màng óng ánh lông tơ, đôi mắt vừa tinh khôn vừa ngây dại…

- Con khốn kiếp…

Bã lầm bầm nói tiếp: Tôi dần cho tợn thế mà nó cứ tươi ngoay ngoáy như cá vớt dưới ao. Người ta bảo nó có bùa…

Mặt gã u ám, hai dồ lông mày nhô trên vầng trán hẹp, đầy nếp nhăn. Tôi biết rằng gã yêu vợ bằng tình yêu tối tăm của loài vật. Khi biết vợ ngoại tình, gã đã tìm hết cách tàn phá cả sức khỏe lẫn thể xác cô ta, muốn biến người đàn bà đó thành mảnh tã rách, một tấm giẻ vô dụng chỉ để chùi chân trong nhà. Nhưng sinh lực mạnh mẽ của thiếu phụ đã vượt qua mọi chà sát tàn bạo của thù hận, ghen tuông. Dường như trời bắt cô gánh chịu nỗi bất hạnh thì trời cũng bù lại cho cô một nhan sắc bền vững, tựa như nó chứa một sức mạnh huyền bí vượt lên mọi thống khổ và đầy ải, một sinh lực tiềm tàng trường cửu, một cái lõi gỗ lim ẩn dưới dáng vẻ của đóa hoa…

Vũ Sơn vẫn giữ vẻ mặt bình thản, anh đưa mắt thăm dò gương mặt Lương, hỏi tiếp:

- Anh còn yêu cô ấy không?

Gã đáp:

- Yêu gì con khốn nạn ấy?

Vũ Sơn nói:

- Vậy, tốt nhất là anh ly hôn với cô ta. Còn tiếp tục sống chung, hai người còn xô xát. Với kiểu hành hung vô nhân đạo như anh trước đây, chắc chắn anh sẽ ngồi tù.

Lương mím môi lại, trợn mắt bạc phếch:

- Vậy ra các ông khuyên tôi thế đấy?… Các ông muốn phá nát cửa nhà tôi ra. Ba đứa con tôi, ai nuôi, ai lo quần lo áo, lo học hành. Với lại, còn…

Gã nghẹn họng, không nói được nữa. Khoảng lõm giữa hai tràng lông mày lộn xộn và nhờ nhợt của gã nổi lên một vệt thâm như tụ máu. Mười ngón tay bẩn co quắp lại trên đầu gối trong khi gã thở hồng hộc lên từng hồi, mùi rượu phả vào mặt tôi.

Vũ Sơn cười nhạt:

- Nếu anh còn muốn sống với cô ta, anh buộc phải chấp nhận sự sẻ chia tình cảm. Tôi muốn nói trắng ra rằng anh không được quyền ghen khi vợ anh ngủ với chàng thiếu úy kia… Cậu ta đẹp trai lắm phải không? lại trẻ nữa? và chắc cậu ta chiều chuộng vợ anh. Mà đàn bà vốn chỉ yêu những người biết chiều họ… Vả chăng, nếu tôi có là cô ấy tôi cũng không thể chung tình với một người đàn ông ăn bám lại còn muốn làm ông tướng trong nhà. Người đàn bà có thể hy sinh cả cuộc đời để nuôi chồng khi chồng gặp hoạn nạn trở thành tàn phế. Nhưng họ không thể chịu đựng được thứ người đủ cả mắt mũi, tay chân mà suốt ngày chỉ lê la cuộc rượu này với ván bài khác. Rượu uống như sáo tắm mà công việc không muốn đụng tới ngón tay. Thời nào cũng thế thôi, thứ người vô dụng như vậy không có đất chứa…

Vũ Sơn nói thủng thẳng, âm điệu đều đặn, tựa hồ anh vừa nói vừa nhấm nháp từng câu. Gã đàn ông trắng nhợt như giấy ngâm cả đến những sợi ria của gã cũng như bạc ra, và đôi mắt biến hết tròng. Những ngón tay gã run rẩy bíu chặt lấy đầu gối, tìm nơi bấu víu.

Trước khi về, nhà báo còn nhắc lại lời đe dọa, với vẻ lạnh lùng, giễu cợt:

- Trong hai thứ anh phải chọn lấy một: Hoặc ly hôn với cô ta hoặc ngồi tù. Còn con đường thứ ba chắc không thể có được với anh, anh là loại người không biết suy ngẫm và tự kiềm chế.

Lương đứng lên, dường như gã muốn nhảy vào xé xác Vũ Sơn, nhưng bản năng tự bảo vệ của một con thú trước kẻ thù mạnh hơn kìm giữ gã lại.

Chương 8

Đã ba bốn lần chúng tôi đi chơi về, đứa con trai lớn của Vũ Sơn mách rằng có một ông già tới tìm anh. Lần này, khi hai chúng tôi đạp xe từ làng Mơ về, đứa bé chạy ra tận cổng:

- Bố ơi, cái ông mọi bữa đang chờ bố đấy.

Chúng tôi dắt xe vào sân, thấy ông già Hưu ngồi chờ trên bậc cửa, mũ sụp xuống che hết nửa khuông mặt. Thấy chúng tôi về, ông đứng lên, lật mũ chào. Mới có hai tháng trời, mặt ông tọp hẳn đi, quắt queo như quả trám héo. Vũ Sơn đi đến đầu hồi, thò tay vào lỗ hổng vợ chồng anh thường quy ước cất khóa, lấy chìa mở cửa. Vẻ mặt anh đăm chiêu, nghiêm nghị. Anh đi lại lặng lẽ, lấy nước pha trà cũng lặng lẽ, khác thói quen mọi ngày. Không ai nói với ai một lời, nhưng chúng tôi đều cảm thấy trước tai họa đang lừ lừ đi tới. Vẻ mặt ông già đau khổ quá, đôi mắt linh lợi đục hẳn đi, vằn những tia máu đỏ. Ông đau khổ và ngượng nghịu nữa, không dám nhìn thẳng vào chúng tôi. Chính tôi, tôi cũng có tâm trạng ấy, tôi tránh không nhìn vào mắt ông cụ. Chúng tôi uống nước, nói những câu xã giao ngượng ngập chẳng ăn nhập với ý nghĩ của mình, rồi lại uống nước tiếp. Sau cùng, Vũ Sơn khơi chuyện trước, cũng với giọng nói vừa tự tin vừa suồng sã:

- Bác tới chơi hay có việc gì nào?… Thôi, cháu biết cái tổ con chuồn chuồn ở đâu rồi, khỏi phải vòng vèo quanh co gì hết. Chính cháu với cậu Nam cũng đã mấy lần bắt gặp anh chị ngồi tình tự với nhau…

Chưa một ai có biệt tài tháo gỡ những tình huống trớ trêu như Vũ Sơn. Vẻ cảm thông có đôi phần bả lả của anh đã xóa những mặc cảm cho ông già. Ông bất giác cất tiếng thở phào:

- Tôi khổ tâm quá, tôi không thể nào…

Vũ Sơn lắc đầu, cao giọng lên:

- Ôi dào, các cụ chỉ nghĩ vớ vẩn. Làm gì mà phải khổ tâm?…

Tôi thấy anh thay đổi hoàn toàn chiến thuật. Vừa nói lem lém anh vừa nạp thuốc lào, rít sòng sọc, nhả khói hoặc vỗ vai ông già Hưu, uy hiếp ông bởi vẻ tự tin mãnh liệt mà ngoài anh không ai có được:

- Chẳng làm gì phải khổ hết. Hoa tới thì hoa nở, gái tới thì khắc tìm tới thằng đàn ông. Lẽ ra phải mừng rằng cô Hạnh đã sống thuận ý trời. Rồi bác sẽ thấy con gái bác tươi tắn, khỏe mạnh, xinh đẹp. Người xưa đã có câu: Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó. Chẳng lẽ cô ấy cứ quanh quẩn ra vào với mấy chậu cây cảnh thì bác sung sướng hay sao?… Đừng lo nghĩ nữa, lo như thế là gàn dở… Không có ai đẻ con ra lại muốn nó sống kiếp tu hành hoặc trở nên thứ người u sầu, ủ dột như cái bóng. Không có bậc cha mẹ nào lại không ao ước đêm ngày cho con cái được hạnh phúc. Bây giờ, chắc chắn cô Hạnh đang hạnh phúc, tại sao bác không mừng. Mỗi giây phút được mãn nguyện còn đáng sống hơn mười năm vô vị, buồn tẻ. Bác đã chắc gì những nỗi lo toan của bác có giá trị thực? Trong khi con gái bác đặt giá trị thực của cuộc đời cô ấy vào anh chàng thi sĩ. Điều đáng tiếc nhất cho con người là họ cứ mài miệt lo toan, mặc dù những hao tổn tâm sức của họ, những thời khắc ưu tư, thở vắn than dài của họ chẳng có mảy may tác động nào tới thực tế. Khi cô ấy đã yêu, dù bác có đau thắt ruột bác, cô ấy vẫn cứ yêu. Lúc bác nằm bóp đầu thì đôi tình nhân vẫn hôn nhau ở những nơi bác không kiểm soát được… Thôi, cụ già ơi, tốt nhất là trở về ghép thêm vài chậu hồng Thúy Kiều hoặc gây thêm vài bụi trúc cảnh nữa, lúc nào mỏi thì gọi bà lão vào mà uống trà. Cháu đã đi nhiều nơi, nhưng ít gặp gia cảnh nào trời ban cho sự trù phú ấm êm như ở nhà bác. Thế mà không biết tận hưởng thú vui…

- Vâng, tôi hiểu…

Sau cùng, ông già Hưu cũng ngắt được lời giảng minh dằng dặc của Vũ Sơn:

- Tôi biết cháu tìm được người yêu là nó rời bỏ nỗi buồn ám ảnh mấy năm nay. Nhưng phải là một tình yêu chính đáng. Đằng này, anh Dương có vợ con, đã…

- Ôi dào, cháu hiểu rồi…

Vũ Sơn cướp lại diễn đàn một cách nhanh chóng:

- Coi như cô ấy hồ đồ tí chút. Yêu nhầm thì khuyên bảo nó thôi đi mà yêu đứa khác. Có dại mới có khôn. Bây giờ đâu phải thời các cụ mà bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Tự lực chọn thì phải có kinh nghiệm mới chọn lựa được chính xác. Muốn có kinh nghiệm tất phải yêu. Chẳng có quyển sách nào dạy con người đủ mọi đối sách với tình yêu cả. Chính vì thế mà đời sống mới quý hơn những đống lý thuyết mà các nhà thông thái đông tây kim cổ nào sao chép, nào viết lách, lưu lại cho tới ngày nay. Cứ cho là Thanh Dương có vợ con thật, ai đã chắc gì cậu ta thương yêu vợ?… Nếu thế, quyền yêu người khác là đương nhiên và hợp lẽ trời. Chỉ có điều, cậu ta đã nhảy qua vạch vôi của pháp luật. Bởi vì, nếu chán ghét vợ anh hãy bỏ cô ta rồi hãy kiếm tìm người đàn bà khác… Nhưng bác sống đến lúc bạc tóc bác thừa hiểu cuộc đời nhiều khúc mắc hơn ta nghĩ. Có tình cảnh mà chỉ sống trong đó, mới hiểu được thực chất các mối quan hệ và những phi lý chế ngự con người… Đằng nào, cô Hạnh cũng sẽ lấy chồng. Nếu quả tình Dương không yêu vợ, sẽ có một thời gian cho anh ta thu xếp ổn thỏa rồi anh chị lấy nhau. Nếu không, cứ coi như cô Hạnh vấp một chút vì tính hồ đồ, nhưng cô ấy sẽ nhảy qua cái hố ấy và trưởng thành lên. Chẳng có bài học nào khiến con người khôn ngoan hơn chính nỗi cay đắng họ phải chịu… Cháu đã nói cạn lý rồi đấy, bác hãy tỉnh ra, đừng buồn. Mọi sự rồi sẽ tốt đẹp thôi. Tất cả sẽ tốt đẹp, nhưng chớ nôn nóng… Phải có thời gian…

Hết tràng diễn giải, Vũ Sơn kéo ông già lại phía mình, vỗ về như ta vỗ về, phủ dụ một đứa bé. Rồi anh rót nước mới, đưa tận tay ông:

- Uống đi bác, uống đi cho nóng.

Ông già Hưu uống nước, ngập ngừng định nói thêm điều gì đó, nhưng sau rốt ông cáo từ chúng tôi ra về. Tôi dắt xe cho ông ra tận đường phố. Lúc quay vào, tôi thấy Vũ Sơn đứng giữa nhà, hai tay buông thõng, mệt mỏi. Những nếp nhăn li ti hiện trên hai gò má, trên thái dương. Anh hạ giọng, thì thầm:

- Thằng đê tiện. Nó phá cuộc đời con gái người ta…
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved