VŨ TRỤ LUẬN TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI TRONG HOÀI NAM TỬ
MARCKALINOWSKI
Ở Trung Quốc, những tìm tòi về cội nguồn, sự tạo dựng và vận hành của giới tự nhiên đầu tiên xuất hiện vào giữa thế kỷ 4 và thế kỷ 2 TCN. Đó là thời kỳ mà các khái niệm quan trọng được xây dựng làm nền tảng cho triết học tự nhiên, vật lý học và vũ trụ học đáng kinh ngạc.
Thời kỳ này, được đánh dấu bởi một kho tàng văn minh vật chất và tinh thần rực rỡ chưa từng có trước đó, không phải là không có nét tương hợp với lịch sử Hy La ở chỗ, một mặt, vào thời Chiến Quốc - còn gọi là thời đại Trăm nhà -, các trào lưu tư tưởng lớn được hình thành, định hướng cho sự phát triển tinh thần của các nước có nền văn hóa Hán, mặt khác, đế chế Tần, Hán sau này đã củng cố những thành quả của thời đại trước, thực hiện sự thống nhất về chính trị và văn hóa đất nước bằng cách xây dựng một hệ tôn giáo chính thống trên cơ sở của đạo Khổng.
Đối với chúng ta, điều đáng nói là những tìm tòi về vũ trụ xuất hiện khá muộn trong sự phản ánh của triết học, sau các tác phẩm nền tảng của tư tưởng Trung Quốc gần hai thế kỷ. Sách “Luận ngữ” nói rằng nguyên tắc của người quân tử là hạn chế đề cập nhiều các vấn đề có liên quan đến giới tự nhiên và quỷ thần. Ngày nay người ta cho rằng tư tưởng về vũ trụ của Trung Quốc đã trở nên khá phổ biến với những phát triển đầu tiên của nó trong số các nhà - mà những người sưu tập đời Hán gọi là các kỹ thuật gia (để đối lập với các tư tưởng gia): bốc sư, nhạc sư, nhà thiên văn, nhà địa lý, thầy thuốc, người chủ tế. Họ hợp thành một bộ phận quan trọng trong đời sống của giới vương giả. Những hoạt động và hiểu biết của họ đã khá quen thuộc qua các giai thoại và liệt truyện rải rác trong các biên niên sử viết về giới vương tôn, và thời Chiến Quốc.
Trước hết, bản văn, mà chúng ta sẽ khảo cứu, thực chất là xuất xứ từ một tác phẩm được cóp nhặt bởi những người thân cận của các bậc vương hầu vào đầu thời Hán (thế kỷ 2 TCN): sách Hoài Nam Tử. Nó gồm 21 chương bàn đến các vấn đề như: vũ trụ học, thiên văn học, tâm lý học, thuật cai trị, thuật trường sinh, địa lý học, lịch pháp và nghệ thuật quân sự. Mặc dù, theo cách nào đó, vẫn còn khá gần với lối tư duy của các nhà kỹ thuật nhưng tác phẩm mang đậm màu sắc Đạo gia và đầy tính tư biện. Bên cạnh các tác phẩm của Lão Tử và Trang Tử, nó trở thành bộ kinh quan trọng của Đạo giáo.
Vấn đề sáng tạo vũ trụ được trình bày trong tác phẩm như một thể văn có cấu trúc chặt, một hình thức dụ ngôn về quá trình dắt díu nhau của các thực thể phát xuất từ khối hỗn mang nguyên thủy. Có khoảng năm chương được bắt đầu bởi sự quan hệ về nguồn gốc thế giới, cùng những biến thể không đáng kể của chủ đề được đề cập trong từng chương. Chúng tôi ghi nhận chủ đề chương ba: “Thiên văn tuần” (Tianwen xun). Điều đáng nói là thiên luận thiên văn mang một nghĩa khá rộng vì ở đấy, họ (người Trung Quốc cổ xưa - ND) cũng bàn đến vũ trụ, thuật làm đồng hồ, tính hài hòa, sự vận động của các hành tinh và các chu kỳ lịch pháp. Chương này cùng với Chu bề toán kinh (thế kỷ 1 TCN) và các thiên luận thiên văn, lịch pháp trong sách Sử ký (thế kỷ 2 TCN), Hán thư (thế kỷ 1 TCN) hợp thành bộ bản văn xưa cũ nhất cho ta hiểu biết về thiên văn học, vũ trụ học và lịch pháp Trung Quốc. Đây là phần đầu của tác phẩm; khởi từ nguồn gốc, đưa đến sự xuất hiện của muôn vật:
“Vì trời đất còn chưa thành hình, nên tất cả đều thấp thoáng, tối mờ, sâu thẳm, không thể phân biệt được, ấy gọi là đại khởi.
Đạo bắt đầu từ khoảng không mênh mông.
Khoảng không này sinh ra không gian và thời gian; không gian và thời gian sinh ra khí.
Khí có nhiều dạng. Khí nhẹ và trong thanh lọc thành trời; khí nặng và thô ngưng tụ thành đất. Quá trình tập trung của khí nhẹ và trong diễn ra dễ dàng; quá trình ngưng tụ của khí nặng và thô thì khó khăn. Do đó trời được hình thành trước đất.
Thể tính dẫn xuất từ trời đất tạo thành Âm, Dương.
Thể tính tập trung từ Âm Dương tạo nên bốn mùa.
Thể tính phân tán của bốn mùa tạo nên vạn vật.”...
Tác giả chia bản văn trên thành bảy đoạn, đánh dấu những thời kỳ khác nhau của tiến trình vũ trụ. Có ba thời kỳ:
Thời kỳ tiền vũ trụ, với nghĩa nó có trước sự hình thành của trời đất. Ngôn ngữ sử dụng để mô tả trạng thái nguyên thủy này gợi ra ý niệm về cái mập mờ, nhập nhằng và không hình trạng. Đó là thời kỳ hỗn mang nguyên thủy, hay như người Trung Quốc gọi là Hỗn Độn. Thế nào là Hỗn Độn? “Gọi là Hỗn Độn, tức là nói vạn vật quyện thành một thể không tách rời”. (1) Tiếp theo, Đạo và khoảng không xuất hiện như những dữ kiện ban đầu, không có mối liên hệ nhân quả với khối hỗn mang. Như vậy có ba khái niệm: 1) Hỗn Độn, mang trong nó khả năng tính của thế giới; 2) Đạo, nguyên lý trật tự, điều khiển tiến trình tự nhiên, thâm nhập vào thời kỳ ấy với tư cách là cội nguồn đầu tiên; 3) Khoảng không, nơi mà từ đó các yếu tố khác của hiện thực được cấu lập.
Thời kỳ tiếp theo, có thể gọi là khâu trung gian giữa hai khoảng thời gian: trước và sau khi trời đất hình thành. Ở thời kỳ này, khoảng không vận động thành không gian và thời gian. Sự chuyển hóa của khoảng không thành vũ trụ, sinh ra khí. Khí, năng lực sống hay bản thể đầu tiên, mặc dù vẫn còn chưa có sự dị hóa, mang trong nó khả năng tính về sự triển nở trong tương lai.
Cuối cùng là thời kỳ vũ trụ gồm hai giai đoạn. Một là trời đất được hình thành bởi quá trình phân hóa của nguyên khí và ngưng tụ của các yếu tố tinh, thô; quá trình này xảy ra cùng với quá trình phát triển của Âm Dương theo bình diện nội tại, nghĩa là theo bình diện của tính năng động ngầm ẩn trong giới tự nhiên và trong dòng chuyển hóa của sự vật, hiện tượng. Bằng cách nhấn mạnh tính có trước của trời trong mối quan hệ với đất, các tác giả đã đặt ra nguyên lý về cái siêu việt tính của vũ trụ tối cao. Ta cũng nên lưu ý cách dùng động từ “Tạo” (constituer) thay động từ “Sinh” (engendrer), ở giai đoạn kể trên, muốn nói tới tính vận động liên tục của tiến trình. Hai là, các hiện tượng tự hiện bày do quá trình ngưng tĩnh của tính năng động của thế giới dưới hình thức chu kỳ (bốn mùa). Đến lượt mình, chu kỳ bảo đảm sự hình thành của vạn vật. Khái niệm bốn mùa, tưởng như vô nghĩa nhưng chiếm một vị trí quan trọng trong vũ trụ học và vật lý học Trung Quốc. Chu kỳ mùa, và các chu kỳ thiên nhiên trong tổng thể của chúng, đóng vai trò là “cái đai truyền” giữa bình diện nội tại tính, tức bình diện Đạo, và cơ chế điều khiển sự chuyển hóa, một phần, của Âm Dương, phần khác, của vạn vật trong thế giới. Rất có thể chúng hợp thành giai đoạn cuối của sáng tạo vũ trụ, tức giai đoạn ngưng tĩnh của những trạng thái biến đổi. Sự ngưng tĩnh, đến lượt nó, làm điều kiện cho sự sống xuất hiện. Kết quả là thực thể chỉ có tính hiện thực ở phạm vi bó gọn của chu kỳ mà hình thái của nó được biểu hiện qua sự diễn biến của mùa. Do đó các phạm trù phân loại tính tương liên vũ trụ học vận động xoay quanh hệ biến thái mùa. Như vậy, ở Trung Quốc, thiên văn học có thể được xem như một ngành nhánh và phái sinh từ ngành mà ngày nay chúng ta gọi là Sinh thái biên niên (Chronobiologie).
*
Các quan niệm vũ trụ của người Trung Quốc, lý luận về con đường từ hỗn mang đến vũ trụ chẳng hạn, đã thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia. Thời gian gần đây, có khoảng bốn bản dịch bản văn kể trên xuất hiện trong các sách Anh, Pháp(2). Nhiều cách giải thích khác nhau về bản văn được đưa ra – một số trên cùng lĩnh vực tư tưởng, số khác trong điểm nhìn hơn là trong so sánh. Chẳng hạn, người ta nhận thấy ở đó tính dự báo, tính trực giác triết học của các mô hình và giả thuyết đã được phát triển bởi các nhà vật lý và vũ trụ học hiện đại. Nó không thuộc quyền quyết định của tôi dù cho bản văn vừa khảo xét trên thực tế có phù hợp với những so sánh như vậy. Trong mọi trường hợp, nó đều biểu hiện những đặc tính đáng chú ý.
Đặc tính của các khái niệm như Đạo, Âm Dương, Khí, Không gian và Thời gian, Kinh chỉ tương hợp một cách tương đối gần với lối tư duy triết học của chúng ta (tức triết học phương Tây - ND). Nó không ám chỉ đến một trí năng siêu việt điều hành thế giới, tức đấng sáng tạo. Đặc tính của thứ bậc tương ứng với các chu kỳ của giới tự nhiên với tư cách là những tác nhân bên ngoài của tính ổn định về cấu trúc thế giới và những nguyên tắc điều hòa tính sinh diệt của vạn vật. Đặc tính của bản thân tiến trình của nguồn gốc vũ trụ luận: ý tưởng về sự tạo dựng không gian và thời gian như thời kỳ đầu đối với quá trình phát triển của sáng tạo; các khái niệm: phân hóa, quảng diễn, hội tụ, ngưng kết và biến hóa tự động điều hành các năng lực vũ trụ. Cuối cùng là sự biểu hiện trong mỗi giai đoạn của hai yếu tố: Hỗn mang và Đạo, Không-Thời gian và Khí, Trời đất và Âm-Dương, Vạn vật và Chu kỳ thiên nhiên.
Hiểu, đánh giá và làm sáng tỏ các đặc tính này đòi hỏi trước hết là phải đặt chúng trong toàn bộ bối cảnh của triết học mà nó là kết quả chung cục, tức giữa các trường phái đã phát triển nó và giữa các cuộc tranh biện mà nó gây ra. Trên thực tế, tất cả thuật ngữ được nêu trong phần sáng tạo luận của sách Hoài Nam Tử đã trở thành bộ phận các khái niệm sơ đẳng nhất, mà cũng nền tảng nhất, của vật lý học và vũ trụ học Trung Quốc. Chẳng hạn, khuynh hướng duy cơ cấu, theo cách nói của Joseps Needham, của vật lý Trung Quốc, tức ý tưởng cho rằng thế giới là một sinh thể (corps vivant) chắc chắn có mối liên hệ với tính ưu trội trong nó về vấn đề sáng tạo vũ trụ. Nhìn từ góc độ này, và trong giới hạn mà tiến trình của nguồn gốc vũ trụ kết thúc ở giai đoạn vạn vật xuất hiện, thì các loại nguồn gốc thuộc lý luận chung về tiến hóa trong đó các dạng nhất thời của sự hình thành thế giới không phân biệt với dạng xuất hiện của sự sống.
Cũng cần phải đối chiếu đặc tính này với quan niệm triết học và vũ trụ của chúng ta. Chẳng hạn, trong vật lý, mô hình duy cơ cấu được các nhà triết học tiền đế chế và thời Hán xây dựng không phải là không có nét tương đồng với Hy Lạp cùng thời. Ở đây tôi muốn nói đến vật lý học của phái khắc kỷ mà Sambursky, trong một tác phẩm đã trở thành kinh điển (classique), đã chỉ ra sự đóng góp của nó cho sự hình thành khoa học hiện đại. Một đối chiếu nhất định, ít ra nó phải được trưng dẫn một cách nghiêm túc, có thể làm xuất hiện một số đặc tính khác, có thể tuy chưa thật cụ thể nhưng đều thỏa đáng. Chẳng hạn như trường hợp vấn đề tính nhân quả - tâm điểm trong bối cảnh Hy Lạp - không gây sự chú ý của các nhà vũ trụ học và vật lý học Trung Quốc thuộc giai đoạn chúng ta quan tâm. Nó không còn là vấn đề về nguyên nhân tối hậu (cause finale), tức Thượng đế, mà là nguyên nhân thứ sinh (cause seconde). Theo đó những người phái khắc kỷ, cũng như phái Aristote trước đó, đã đưa ra các giải pháp nâng cao mặt logic hơn là mặt vật lý theo đúng nghĩa của nó. Thật ra, tính đặc thù của Trung Quốc có thể ở chỗ không đi tìm giải pháp ở đâu khác ngoài giới tự nhiên; lẫn giới siêu nhiên tiên nghiệm đã từng dẫn dắt tư tưởng phương Tây trên lộ trình thần học và hữu thể học; và cả những quy luật chi phối tinh thần con người, nói khác là cả logic. Mặc dù thuật ngữ không thuộc hệ thống khái niệm của Trung Quốc, nhưng có thể nói, một phần, đến tính nhân quả nội tại theo nghĩa tính sản sinh tự nhiên gắn liền với năng lực điều hành của Đạo; phần khác, năng lực điều hành đó biểu lộ sự có mặt của mình trong thế giới, thông qua khâu trung gian của các chu kỳ tự nhiên. Các chu kỳ này tạo nên cái mà ta có thể gọi là nguyên nhân bề ngoài của sự vật với nghĩa là tiêu chuẩn xác định quá trình sinh thành và nấc thang các trạng thái hiện tồn trong tự nhiên.
Điều thú vị là, ở Trung Quốc, một số sự quan tâm thuận cho vấn đề tính nhân quả đối lập với tầm quan trọng của suy tư về nguồn gốc vũ trụ trong cổ văn mặc dùø vấn đề nguyên nhân cuối cùng của thực tại và của sự chuyển hóa dứt khoát tìm được ngay từ lúc cách giải quyết vấn đề nguồn gốc thế giới và sự phát triển của thực tại trong thời gian đã được đưa ra. Hơn nữa, cần chú ý là các bản văn Trung Quốc luôn không phân biệt một cách rõ ràng giữa sáng tạo và cấu thể vũ trụ. Quá trình quy căn đồng nghĩa với sự lĩnh hội các nguyên lý, trong nấc thang nội tại tính, điều khiển sự vận động và sắp đặt cách phân bố hợp lý các thực thể trong tự nhiên.
Cuối cùng cần phải đặt vấn đề sáng tạo vũ trụ trong Hoài Nam Tử vào bối cảnh sáng sủa hơn của phái Đạo gia thời tiền đế chế. Tầm vóc của Đạo với tư cách là cội nguồn sự vật, “có trước trời đất”, đã được thể hiện trong sách Lão Tử. Tuy nhiên, việc đặt điểm nhìn về tiến trình hình thành thế giới trong khuôn khổ vũ trụ học mô tả dường như không là ý định của các tác giả các đoạn văn đầy chất thơ trong tác phẩm. Sách Lão Tử chỉ có một công thức duy nhất, khá đơn giản, về sự triển khai của thực tại: “Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật”. Khi phân tích vấn đề này trong chương 2 sách Hoài Nam Tử, Charles Le Blanc đã vạch rõ sự nhập cuộc của suy tư vũ trụ học trong vùng chú giải những luận thuyết được trình bày trong sách Trang Tử. Mặt khác, trong phái Đạo gia, vấn đề nguồn gốc quyện chặt với ý tưởng toàn bích được xét như sự trở về nơi sinh của các thực thể và tính sản sinh năng động của giới tự nhiên. Ở đó nguồn gốc vũ trụ luận tìm được chỗ đứng của nó với tư cách là điểm mốc trên con đường nhận thức về quá trình hiện thực hóa của Đạo. Chính tính chất liên tục với các bản văn đầu tiên của phái Đạo gia đó cung cấp dáng vóc dụ ngôn, có tính thần bí, cho luận thuyết sáng tạo vũ trụ trong sách Hoài Nam Tử.
Đinh Hồng Phúc (Triết 97)
lược dịch từ L’homme137, janv-mars, 1996
Nguồn: Nội San Sinh Viên, số 6, 2000.