VẤN ĐỀ
SOCRATE
1.
Bàn về cuộc đời, những kẻ khôn ngoan nhất của mọi thời
đại đều đưa ra một phán đoán tương tự như nhau: cuộc đời vô giá trị... Bất cứ ở
đâu và bao giờ cũng vậy người ta đều nghe thấy câu nói đó thốt ra từ miệng họ.
- Một câu nói đầy nghi ngờ, đầy phiền não, đầy chán chường cuộc đời, đầy khinh
miệt cuộc đời. Ngay cả Socrate cũng nói lúc lâm chung: “Sống - là đau bệnh một
thời gian lâu dài: Ta nợ đấng cứu nhân độ thế Esculape một con gà [10]” Ngay cả
Socrate cũng chán mứa cuộc đời. - Điều đó chứng tỏ gì? Điều đó muốn trỏ cái
gì?- Ngày xưa có lẽ người ta sẽ nói (- Ồ, người ta đã nói rồi và nói khá lớn,
nhất là những kẻ bi quan của chúng ta): “Chắc chắn phải có một cái gì chân thực
ở đây! Consensus sapientium [11] là bằng chứng của chân lý.” – Ngày hôm nay
chúng ta sẽ còn nói như thế không? Chúng ta còn được phép làm thế không? “Chắc
chắn phải có một cái gì bệnh hoạn ở đây” - đó là câu trả lời của chúng ta.
Những kẻ khôn ngoan nhất của mọi thời đại, ta phải nhìn họ thật gần! Có thể tất
cả những người đó chân không còn đứng vững? Chậm trễ? Run rẩy? Décadents [12]
biết đâu? Có lẽ sự khôn ngoan xuất hiện trên trái đất này như một con quạ
khoang bị hấp dẫn bởi mùi tử khí?
2.
Quan niệm bất kính cho rằng những bậc hiền nhân vĩ đại
là những mẫu sa đọa [13] khởi lên trong tôi chính trong trường hợp trong đó
thành kiến bác học và thành kiến vô học đối chọi nhau kịch liệt: tôi nhận ra
Socrate và Platon như những triệu chứng suy đồi, như những công vụ của sự băng
hoại của Hy Lạp, như những kẻ nguỵ Hy Lạp, như những kẻ bài Hy Lạp (Sự khai
sinh của bi kịch, 1872). Sự consensus sapientium - như càng ngày tôi càng thấy
rõ - chẳng chứng tỏ một chút nào rằng họ có lý về điều mà họ đồng ý với nhau:
nó chỉ chứng tỏ rằng chính họ, những kẻ khôn ngoan nhất, một cách nào đó về
phương diện sinh lý, họ tương tự như nhau để có cùng một thái độ như nhau đối
với cuộc đời - để bắt buộc phải có thái độ đó. Sau hết, những phán đoán và
những thẩm định giá trị về cuộc đời, dù tán dương hay chống lại, đều không thể
đúng được: giá trị đích thực của chúng nằm trong sự kiện chúng là những triệu
chứng; chúng chỉ có thể được coi như là triệu chứng mà thôi - trong tự thể
những phán đoán này là những điều xuẩn ngốc. Chúng ta phải cố gắng bằng mọi
cách để lãnh hội sự tế nhị siêu phàm này là giá trị của cuộc đời không thể thẩm
định được [14]. Không thể thẩm định được bởi một người còn sống, bởi hắn là
thành phần, là đối tượng của chính cuộc tranh luận nữa, chứ không phải là quan
toà; cũng không thể bởi một người đã chết vì một lý do khác. - Về phần một
triết gia, nhìn một vấn đề trong giá trị của cuộc đời, là một vấn nạn chống lại
chính hắn, một dấu hỏi về sự khôn ngoan của hắn, một sự thiếu khôn ngoan [15]
nữa - Sao? Tất cả những người khôn ngoan vĩ đại này - không những họ là những
décadents mà họ còn không khôn ngoan nữa sao? - Nhưng tôi xin trở lại vấn đề
Socrate.
3.
Xét về nguồn gốc, Socrate thuộc về đẳng cấp thấp hèn
nhất: Socrate thuộc dòng hạ lưu. Người ta biết, người ta có thể thấy ông ta xấu
xí biết chừng nào nữa. Nhưng sự xấu xí tự nó đã là một vấn nạn, hầu như là một
bác luận nơi người Hy Lạp. Socrate có đúng là người Hy Lạp không? Sự xấu xí
thường là dấu hiệu của một sự phát triển bị ngăn chặn, một sự phát triển bị cản
trở bởi sự pha giống. Trong trường hợp khác, nó hiện ra như một sự phát triển
suy đồi. Những nhà nhân chủng học chuyên khảo về tội ác học tuyên bố rằng kẻ
tội phạm đặc trưng xấu xí: monstrum in fronte, monstrum in animo [16]. Nhưng kẻ
tội phạm là một kẻ décadent [17]. Socrate có phải là một kẻ tội phạm đặc trưng
không? - Dù sao điều đó cũng không trái ngược với ý kiến của nhà chuyên coi
tướng mạo, ý kiến khiến bằng hữu của Socrate tức giận. Trong khi đi qua thành
Nhã Điển, một người ngoại quốc biết coi tướng mặt đã nói thẳng vào mặt Socrate
rằng ông ta chỉ là một quái vật, ông ta chứa dấu trong mình tất cả những tật
xấu và những khát vọng đồi bại. Và Socrate chỉ đáp: “Thưa ông, ông biết tôi rõ
lắm”.
4.
Không những sự hoang đàng và hỗn loạn của bản năng chỉ
sự décadence nơi Socrate: mà sự bội dư của những khả năng luận lý, và sự độc ác
méo mó còn là những đặc tính nổi bật nơi ông ta nữa. Chúng ta đừng quên rằng
những ảo tưởng thính giác, dưới danh từ “con quỷ của Socrate”, được diễn giải
theo một ý nghĩa tôn giáo. Tất cả mọi sự nơi ông ta đều quá đáng, hài hước,
hoạt kê, đồng thời đều giấu diếm, có ẩn ý, tà khuất. Tôi cố gắng tìm hiểu xem
đặc tính nào đã có thể khai sinh ra cái phương trình Socrate này: lý trí = đức
hạnh = hạnh phúc: cái phương trình quái gở nhất, và đặc biệt, nghịch lại tất cả
mọi bản năng Hy Lạp xưa.
5.
Với Socrate, thị hiếu Hy Lạp biến đổi theo chiều thuận
lợi cho biện chứng pháp: thực ra điều gì đã xảy ra? Trước hết, thị hiếu cao nhã
đã biến mất; với biện chứng pháp, đám hạ lưu len chân tới thượng đỉnh. Trước
Socrate, những lề lối biện chứng bị khai trừ trong xã hội thượng lưu: chúng bị
coi như những kiểu cách xấu xa, chúng có tính cách thỏa hiệp bình dân. Thanh
niên được cảnh giác lánh xa. Người ta còn nghi kị cả những kẻ trình bầy lý lẽ
của mình. Những sự việc lương thiện cũng như những con người lương thiện không
mang phơi trần những lý lẽ của mình cách ấy. Phơi bầy cái tốt lành của mình là
điều vô phép. Cái cần phải chứng rỏ không có giá trị bao nhiêu. Bất cứ nơi nào
mà uy quyền hãy còn thuộc tập tục tốt, bất cứ nơi nào mà người ta không “luận
lý” mà chỉ ra lệnh, thì nhà biện chứng pháp là một thứ hề: hắn bị chế nhạo, hắn
không được coi trọng. Socrate là tên hề thành công trong việc bắt người khác
coi mình là trọng: vậy thì chuyện gì đã thực sự xảy ra?
6.
Người ta chỉ chọn biện chứng pháp khi nào không còn
cách nào khác. Người ta biết rằng biện chứng pháp gây ra nghi ngờ, rằng nó
không hùng hồn lắm. Không có gì dễ xóa bỏ hơn hiệu quả biện chứng: sự kiện này
được chứng minh trong những cuộc hội thảo. Nó chỉ có thể là sự tự vệ cuối cùng
của những người không có khí giới. Người ta phải dành giật quyền hành của mình:
nếu không, người ta không dùng đến nó. Đó là lý do tại sao, những người Do Thái
đều là những nhà biện chứng; Lão Cáo-già [18] là nhà biện chứng: sao vậy?
Socrate cũng là một nhà biện chứng sao?
7.
Sự hài hước của Socrate là một biểu lộ của phản kháng?
Của lòng hờn oán của đám hạ lưu? Ông ta có thích thú nếm mùi tàn bạo của chính
mình trong mũi dao nhọn của tam đoạn luận, như một kẻ bị áp chế không? Ông có
trả thù những người quí phái ông dụ hoặc không? - Là một nhà biện chứng, người
ta nắm trong tay một khí cụ tàn nhẫn; với sự trợ giúp của nó người ta có thể
làm một bạo chúa; người ta thỏa hiệp trong khi chiến thắng. Nhà biện chứng để
nó lại cho địch thủ để chứng tỏ rằng hắn không phải là một tên ngốc: hắn làm
người ta nổi điên và đồng thời trở nên bơ vơ không nơi nương tựa. Nhà biện
chứng bất lực hóa trí tuệ đối thủ. Sao? Biện chứng pháp chỉ là một hình thức
trả thù trong trường hợp Socrate?
8.
Tôi đã cho thấy bằng cách nào Socrate có thể làm người
ta xa lánh: bây giờ điều quan trọng nhất là giải thích sự kiện ông ta đã mê
hoặc cách nào. Ông ta đã khám phá ra một nghệ thuật chiến đấu mới, ông ta là
kiếm sư đầu tiên của những giới quí tộc ở Nhã Điển, đó là lý do thứ nhất. Ông
ta mê hoặc bởi ông ta khêu gợi những bản năng hiếu chiến của người Hy Lạp, -
ông ta đã đưa vào trường đô vật giữa người lớn và thanh niên một sự thay đổi.
Socrate còn là một người đại dâm đãng.
9.
Nhưng Socrate còn tiên đoán nhiều cái khác nữa. Ông ta
nhìn thấu suốt những nhà quí phái Nhã Điển; ông ta thấy rằng trường hợp của ông
ta, trường hợp riêng của ông ta, chẳng phải là trường hợp ngoại lệ phi thường,
ngay cả trong thời đại ông ta. Sự suy đồi tương tự thầm lặng sửa soạn ở khắp
nơi: thành Nhã Điển cổ kính đang hấp hối. Và Socrate hiểu rằng toàn thể thế
giới cần ông ta - cần phương thuốc, cách chữa trị, phương thức tự bảo tồn đặc biệt
của ông ta. Ở khắp nơi, những bản năng đều ở trong tình trạng hỗn loạn; khắp
nơi người ta chỉ cách xa sự thái quá có một bước: monstrum in animo là hiểm họa
chung. “Bản năng muốn đóng vai bạo chúa chuyên chế; cần phải tạo ra một phản
bạo chúa mạnh hơn”... Khi nhà chuyên coi tướng mạo đã cho Socrate thấy con
người thực của ông ta, một miệng núi lửa đầy rẫy mọi khát vọng xấu xa, nhà đại
hài hước này đã thốt ra một câu cho chúng ta một cái chìa khóa mở vào bản chất
của ông ta. “Điều đó đúng, nhưng tôi đã chế ngự được tất cả.” Bằng cách nào
Socrate đã tự chủ được chính mình? Trường hợp của ông ta, rốt cuộc cũng chỉ là
trường hợp thái quá, một thí dụ rõ rệt nhất của một trạng thái tuyệt vọng đang
bắt đầu trở thành phổ quát: không ai còn có thể tự làm chủ mình nữa, những bản
năng đang trở nên chống đối lẫn nhau. Ông ta cám dỗ vì là thí dụ thái quá của
trạng thái này - sự xấu xí khủng khiếp của ông ta khiến mọi mắt nhìn đều tỏ rõ:
ông ta còn cám dỗ hơn nữa, điều đó tự nhiên, như một câu trả lời, như một phương
sách, như một cách chữa trị hiển nhiên của trường hợp này.
10.
Khi người ta thấy cần phải biến lý trí thành một bạo
chúa chuyên chế, như Socrate đã làm, thì hiểm họa một cái gì khác cũng muốn thủ
vai bạo chúa chuyên chế không phải là nhỏ. Chính lúc đó lý trí được khám phá
như một đấng cứu thế. Cả Socrate lẫn những “kẻ bệnh hoạn” không được tự do chọn
có lý hay không có lí: điều đó tính cách de rigueur, đó là phương thuốc cuối
cùng của họ. Sự cuồng tín mà toàn thể tư tưởng Hy Lạp nhào vào lý trí tố cáo
một tình trạng khẩn trương: như người ta đang trong cơn hiểm hoạ, người ta chỉ
có một sự lựa chọn duy nhất: hoặc là chìm đắm tận đáy hoặc - lý trí một cách
phi lí... Chủ trương đạo đức của những triết gia Hy Lạp từ Platon bị điều kiện
hóa của một cách bệnh hoạn; sự thẩm định về biện chứng pháp của họ cũng vậy. Lý
trí = đức hạnh = hạnh phúc chỉ có nghĩa: người ta phải bắt chước Socrate và
đương đầu với những đam mê đen tối bằng cách thường trực tạo ra ánh sáng ban
ngày - ánh sáng lý trí. Phải thận trọng, sáng sủa, minh bạch bằng mọi giá: tất
cả mọi nhượng bộ cho bản năng, vô thức đều đưa xuống dốc...
11.
Tôi đã cho thấy cách mà Socrate cám dỗ: ông ta có vẻ
là một thầy thuốc, một đấng cứu thế. Có cần phải vạch ra sự sai lầm trong niềm
tin vào “lý trí với bất cứ giá nào” của ông ta nữa không? - Đó là một sự tự lừa
dối về phía những triết gia và những nhà luân lý khi họ tin tưởng rằng họ thoát
ra khỏi sự décadence bằng cách gây chiến với nó. Điều đó ở trên khả năng của
họ: cái họ chọn lựa như một phương thuốc, như một phương tiện cứu chuộc, lại
chỉ là một sự biểu lộ khác của sự décadence - họ chỉ thay đổi cách biểu lộ của
nó, chứ họ không hủy bỏ được chính nó. Socrate là một sự ngộ nhận; toàn thể
luân lý nhằm cải thiện, kể cả luân lý Kitô giáo là một sự ngộ nhận... Ánh sáng
chói lọi nhất, lý trí với bất cứ giá nào, đời sống minh bạch, lạnh lùng, thận
trọng, ý thức, không phải bản năng, chống lại bản năng, chỉ là một sự bệnh
hoạn, một thứ bệnh hoạn mới - chứ không phải là một sự trở về “đức hạnh”, “sức
khỏe”, hạnh phúc... Bắt buộc phải chiến đấu chống lại bản năng - đó là định
thức của sự décadence: chừng nào mà cuộc đời còn đi lên thì hạnh phúc và bản
năng đồng nhất.
12.
Tự ông ta có hiểu điều đó không, ông ta, người thận
trọng nhất trong những kẻ tự lừa dối mình? Ông ta có tự thú nhận với mình vào
giây phút cuối cùng, trong sự khôn ngoan của lòng can đảm trước cái chết
không?... Socrate muốn chết: - Không phải Nhã Điển mà chính là ông ta tự trao
cho mình chén thuốc độc... “Socrate không phải là thầy thuốc”, ông ta thầm nhủ:
“Chỉ có cái chết mới là thầy thuốc ở đây... Chỉ có Socrate mới đau một cơn đau
dài...”
Nguồn: Friedrich Nietzsche, Hoàng hôn
của những thần tượng hay làm cách nào triết lý với cây búa (1971), Nguyễn
Hữu Hiệu dịch, Nxb. Hồng Hà.
[1] Tinh thần lớn mạnh, sức khỏe gia tăng bởi vết
thương - Ghi chú của Dịch giả (G.c.D.)
[2] Tức Kẻ chống Chúa - (G.c.D.)
[3] Suche Nullen! “Nullen” có nghĩa là không ai cả, số
không và đồng thời cũng có nghĩa là Hư không. - (G.c.D.)
[4] Posthume menschen. Nietzsche thường tự coi mình
như một con người sống phi thời gian (unzeitghe mäss), trên thời gian, độc lập
với thời đại, sống như một cái bóng trong lúc sinh thời và chỉ hồi sinh, sống
động sau khi đã chết đi. Con người thuộc về tương lai, sống cho và sống với thế
hệ mai hậu. CT. “Những suy tưởng phi thời” (Unzeitgemässe Betrachtungen). -
G.c.D.
[5] Pháp văn trong nguyên bản: “Ist sie nicht ein
Attentat auf alle unsre pudeurs?”: “Nó không phải là sự xâm phạm tiết hạnh của
chúng ta sao?” - G.c.D.
[6] Kể từ ngày thành lập Reich (Đế Quốc)
[7] Trái ngược về thời gian
[8] Có lẽ phải viết: “Vì muốn tìm về nguồn gốc khởi
nguyên, người ta trở thành một con cua”. Nhưng Nietzsche viết: “Damit, dass man
nach den Anfăngen sucht, wird man Krebs” - G.c.D.
[9] Pháp văn trong nguyên bản: “Người ta chỉ có thể
suy tưởng và viết khi ngồi.” - G.c.D.
[10] Esculape hay Asklêpios viết theo tiếng Hy Lạp, là
Thần Y thuật hay tổ sư nghề thuốc.
[11] La văn: sự đồng ý của những kẻ khôn ngoan. “Der
consensus sapientium beweist die wahrrheit”: “Sự đồng ý của những kẻ khôn ngoan
là bằng chứng của chân lý.”
[12] Pháp văn trong nguyên bản: suy đồi, một trong
những khai ngữ của Nietzsche, chỉ những kẻ bi quan, hướng vọng quá khứ, Thiên
Đàng, Thượng Đế và tuyệt vọng - G.c.D.
[13] Niedergangs – Typen - G.c.D.
[14] der Wert des Lebens nicht abgeschätzt werden
kann.
[15] Nietzsche công kích Engène Dühring, tác giả Giá
trị của cuộc đời - G.c.D.
[16] La văn trong nguyên tác: một quái vật trên nét
mặt, một quái vật trong linh hồn.
[17] Nietzsche phân biệt hai thứ tội phạm, một thứ tội
phạm vì dũng mãnh, một thứ tội phạm vì yếu hèn. Do đó có một thứ tội phạm phẩm
cách cao nhã, một thứ tội phạm đáng kinh tởm. Ở đây nói về loại thứ hai, trong
khi ở đoạn 45, chương “Những cuộc viễn hành của con người phi thời” đề cập tới
loại thứ nhất. - G.c.D.
[18] Reineke Fuchs -
G.c.D.