Home » » ẤN ĐỘ GIÁO

ẤN ĐỘ GIÁO

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012 | 21:56

ẤN ĐỘ GIÁO(Bà La Môn)(Một bài thuyết trình trước Đại hội)Tác giả ANNIE BESANT
Bản Dịch Chơn Như - 2008
THƯA CÁC HUYNH ĐỆ,
Từ khi tôi đứng trên bục giảng này để truyền bá các tư tưởng về tôn giáo và triết học, tôi chưa bao giờ cảm thấy nhiệm vụ mà mình đảm đương lại khó khăn hơn mức tôi cảm thấy trong dịp này. Chỉ nội sự kiện bàn tới các tôn giáo lớn (mỗi tôn giáo chỉ được cô đọng trong một bài thuyết trình duy nhất) tự thân nó cũng đủ làm hoảng sợ những diễn giả táo bạo nhất; và khi bạn xét thấy rằng những vấn đề tôn giáo này có liên quan mật thiết tới xúc cảm của thính giả, và người ta đang đi tới tận gốc rễ trong thâm tâm con người khi xét hết đức tin này tới đức tin khác thì lẽ ra người ta đang bàn tới những vấn đề phải thống nhất được con người, mà thật ra lại chia rẽ con người rất nhiều, thì bạn mới đánh giá được cái sự ngần ngại mà tôi cảm thấy khi cố gắng vật lộn (theo bất kỳ nghĩa đen hay nghĩa bóng) với một nhiệm vụ to lớn như thế. Ta chỉ có thể hiểu được tôn giáo qua sự đồng cảm, tôn giáo chỉ có thể được phô diễn qua một diễn giả đã biết tạm thời đặt mình vào trong tâm của tôn giáo ấy để trình bày nó đúng như nó xuất hiện với các tín đồ thuần thành và uyên bác nhất. Thế mà tôi đang cố gắng làm điều này đối với một trong những tôn giáo lớn vốn đã uốn nắn các nền văn minh của con người, đã tô điểm cho tư tưởng và đã an ủi tâm hồn của đại đa số nhân loại.
Tôn giáo lớn đầu tiên mà tôi đang bàn tới là tôn giáo đôi khi được gọi là Ấn Độ giáo, đôi khi được gọi là Bà la môn giáo; đây là tôn giáo của đa số người ở xứ sở này và nó bắt nguồn nơi miền Bắc xứ này. Tôi xin bắt đầu bằng cách nhắc cho các bạn nhớ rằng giống dân Aryen này là giống dân thứ 5 trong lộ trình tiến hóa của loài người và trong trường hợp giống dân này cũng như trường hợp giống dân có trước nó, người ta đã tuân theo một kế hoạch nhất định để tạo lập và rèn luyện nó. Từ tinh hoa của giống dân thứ tư có trước nó vào một thời xa xưa đến nỗi nếu có ai đưa ra thì khoa học hiện đại cũng chỉ biết chế nhạo, Đức Bàn Cổ đã chọn ra các gia đình để tạo nên giống dân sắp tới. Các gia tộc ấy được cách ly khỏi loài người trước kia, được ly khai và tách riêng ra để rồi trong một thời gian rất lâu dài chúng đã được rèn luyện, dẫn dắt và giáo dục dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đức Bàn Cổ và các bậc đại Điểm đạo đồ tu tập quanh Ngài để trợ giúp Ngài trong nhiệm vụ hùng vĩ này. Thế là các đặc trưng của giống dân mới đã được ghi dấu lên giống dân cũ. Khi nhiệm vụ sơ khởi ấy đã hoàn tất thì giống dân mới được cấy trồng ở nơi mà ta có thể gọi là nơi chôn nhau cắt rún của nó. Bằng cách này giống dân Aryen đã được tạo lập, rèn luyện và được ghi khắc các đặc trưng của riêng mình; gia tộc đầu tiên thuộc dòng dõi này (các gia tộc khác sau này đều bắt nguồn từ đó mà ngày nay ta gọi là người Ấn Độ, nhưng vào thời sơ khai bao giờ cũng được gọi là người Aryen) được định cư ở miền Bắc Ấn Độ tại một vùng tên là Āryāvarta. Ở đó, nó dần dần được tiến hóa theo những đường lối nhất định mà Đức Bàn Cổ và các Điểm đạo đồ trợ giúp Ngài đã đặt ra cho nó. Trong trường hợp này, ta thấy rằng mô hình cho trọn cả giống dân đã được ghi khắc nhất định lên gia tộc đầu tiên, điều phải được mô phỏng hoàn chỉnh đã biểu diễn toàn bích ở đây và sự toàn bích của việc biểu hiện đó là do những người đã nhận được cái ấn tượng ban sơ ấy. Đó là vì khi nhìn lại quá khứ vào lúc ban sơ theo sự minh giải của tri thức huyền linh, chúng tôi thấy rằng các linh hồn nhập thế vào lúc bắt đầu giống dân Aryen đều là các linh hồn thuộc nhiều loại hình khác nhau. Đức Bàn Cổ đứng đầu tất cả, vừa là người Cai trị vừa là người lập pháp; rồi tới các bậc Điểm đạo đồ trợ giúp Ngài, các huấn sư dẫn dắt nhân dân – các vị Rishis thời xưa của Ấn Độ; bên dưới các Ngài là một số lớn linh hồn bước vào nhập thể, họ đã được một trình độ cao về phát triển đạo đức, trí tuệ và tâm linh nơi những thế giới trước kia, bên dưới quí vị này là những linh hồn non trẻ hơn song cũng đã trải qua nhiều cuộc tiến hóa; và cuối cùng là một số linh hồn mới có một thời gian tiến hóa tương đối rất ngắn ngủi, họ đã trải qua giống dân thứ tư và là những thành viên thành công nhất của cái phân bộ lớn lao này thuộc loài người. Điều này khiến cho bạn có một dân chúng rất đa dạng, một dân chúng có thể tiếp theo ấn tượng của một tôn giáo, triết lý, khoa học và chính thể viên dung, được dùng làm một mô hình để trao truyền cho những người tiếp sau còn chưa được rèn luyện đúng mức, họ sẽ noi theo gương của các tiền bối để có được một quốc gia Aryen thuộc giống dân thứ năm gương mẫu. Quốc gia này thích hợp để nắm giữ chính thể, triết lý, khoa học, tôn giáo công truyền; thế là hoạch định được một lần cho dứt khoát điều ắt là sự phát triển tiêu biểu của giống dân Aryen.
Giờ đây khi ta nghiên cứu tôn giáo dành riêng cho dân tộc xưa cũ này, ta thấy nó bao hàm việc rèn luyện đối với trọn cả bản chất con người ở đủ thứ giai đoạn tiến hóa; nó dẫn dắt y chẳng những trong sinh hoạt tâm linh và trí thức mà còn trong cả mọi quan hệ với đồng loại xét về sinh hoạt của quốc gia cũng như gia đình. Trọn cả nền văn minh này đều mang nặng tính tôn giáo và không có một điều gì trong sinh hoạt của con người mà bị coi là “thế tục” hoặc “phàm tục”. Những điều mà các dân tộc khác coi là nằm ngoài phạm vi của tôn giáo, thì cũng chính là những điều mà Ấn Độ giáo luôn luôn đòi hỏi mang tính chính thống cứng nhắc nhất. Người ta khuyến khích tín đồ vận dụng trí năng thoải mái (bằng chứng được thấy qua mọi trường phái tư tưởng được bao hàm bên dưới “Ấn Độ giáo” viên dung); nhưng người ta luôn luôn cứng rắn áp đặt cách cư xử đúng đắn khi nó có ảnh hưởng tới cơ cấu tổ chức của xã hội. Tự do tư tưởng nhưng sinh hoạt chính thống, đây là những đặc trưng của Ấn Độ giáo xuyên suốt sự tiến hóa lâu dài của nó; vì thế cho nên triết học của nó rất đa dạng và có phạm vi rộng mênh mông, nhưng cơ cấu tổ chức xã hội và sinh hoạt gia đình của nó lại rất ổn định. Cũng vì thế cho nên người ta mới coi nó là một tôn giáo cồng kềnh nhất bởi hầu hết mọi người đều quan tâm nhiều tới việc tự do hành động chứ ít quan tâm (ngoại trừ xét về mặt lý thuyết) tới tự do tư tưởng. Một người theo Ấn Độ giáo muốn nghĩ như thế nào về Thượng Đế cũng được – coi Ngài là hiệp nhất với vũ trụ, coi Ngài là tách rời khỏi vũ trụ hoặc thậm chí có thể loại trừ Ngài hoàn toàn – mà vẫn còn là chính thống; nhưng y không được kết hôn với người thuộc giai cấp khác, cũng không ăn thực phẩm ô uế.
Đề tài của chúng ta tự nhiên là sẽ được chia làm ba phần: (1) những sự thật tâm linh cùng với những cách trình bày trí thức sau này; chúng được trình bày trong kinh Phệ Đà và trong Áo Nghĩa thư vốn là một bộ phận bất khả phân ly của kinh Phệ Đà. Trong kinh Phệ Đà ta thấy có trình bày hoàn chỉnh về chân lý tâm linh, không diễn giải đầy đủ nhưng được ngụ ý hàm tàng sao cho người ta có viết rằng Brahman được ẩn giấu trong Áo Nghĩa thư cũng như Áo Nghĩa thư được che giấu trong kinh Phệ Đà. Dần dần theo quá trình tiến hóa điều này cũng được diễn giải minh bạch; người ta trình bày một tổng thể toàn bích được triển khai ra theo thời gian. Đây là Vidyā [1] cao cấp, tri thức về Đấng Brahman, còn Vidyā sơ cấp được bao hàm trong các Vedāngas [2], sáu mươi bốn khoa điển chế hóa được kiến thức về thiên nhiên cùng với những phương pháp để đạt những kiến thức ấy; đây là một mỏ vàng mà bây giờ kho kiến thức khoa học có thể đào bới ra được từ đó những điều kỳ quan đối với thế giới hiện đại.
Rồi tới (2) tục thờ cúng công truyền được nêu tỉ mỉ và chi ly một cách kỳ diệu khi phác họa về thiên nhiên và mối quan hệ của con người với thiên nhiên, có kinh Purānas để diễn giải nó một cách bình dân cùng với các Nghi thức liên kết con người với cách ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội. Sau này ta thấy hết sách này tới sách kia chẳng hạn như Rāmāyanā và Mahābhārata; mãi về sau này thì mới có những cách diễn tả sự thật mới mẻ hơn qua một số vở tuồng chẳng hạn như Kālidāsa. Ở đây ta thấy dành cho dân chúng nói chung, dành cho đại chúng trong nhân dân có những giáo lý bề ngoài dần dần rèn luyện họ để hiểu được những sự thật tâm linh ẩn tàng.
Bạn ắt chẳng bao giờ hiểu được Ấn Độ giáo nếu bạn không nhận ra được đó là một hệ thống mà các huyền bí gia, các đấng Rishis đưa ra cho thế gian, đối với các bậc này thì thế giới vô hình là vấn đề mà các Ngài có hiểu biết. Các Ngài dự tính rèn luyện thiên hạ dần dần biết được về thế giới vô hình qua việc tuân theo một hệ thống vốn dựa trên những sự kiện của thế giới vô hình. Bạn phải nhận ra được nền tảng này của tôn giáo ấy nhiên hậu bạn mới truy nguyên được nó về đủ mọi bộ phận thiên biến vạn hóa. Bấy giờ bạn mới hiểu được tại sao (như ta đã có nói) trí năng luôn luôn được thả lỏng cho tự do chỉ bị ràng buộc bởi kinh Phệ Đà thôi, tha hồ suy diễn từ kinh Phệ Đà bất cứ điều gì có thể được suy diễn hợp lý theo minh triết thâm thúy và đa diện trong khi người ta lại cứng nhắc duy trì cách ứng xử theo bề ngoài. Con người tiến hóa là thông qua tư tưởng và tư tưởng của người khác là những yếu tố đầy sức mạnh giúp cho sự tiến hóa của mỗi người; chúng càng đa diện bao nhiêu thì chúng càng mở ra những cánh cửa bấy nhiêu để cho mặt trời chân lý có thể chiếu sáng qua đó. Đủ thứ ý kiến về Thượng Đế thật là có giá trị chứ không phải mang tính ác hại đâu vì tự thân của mỗi ý kiến chỉ trình bày được một mảnh cực nhỏ của sự thật đầy sức mạnh và toàn bộ ý kiến ắt trình bày sự thật một cách trọn vẹn hơn mức người ta có thể đạt được bằng cách khác. Nhưng cách ứng xử lại bao trùm mọi mối quan hệ của con người với thiên nhiên ngoại giới hữu hình cũng như vô hình và tùy theo cách ứng xử của y thì sự hài hòa hoặc bất hòa mới tích tụ lại. Tục thờ cúng công truyền được dự định để tạo ra một sự hài hòa giữa con người và môi trường xung quanh cho nên bị áp đặt bằng uy quyền vì dân chúng không đủ trình độ đồng hóa kiến thức mà tục thờ cúng công truyền dựa vào đó. Về sau này, khi họ tiến hóa hơn thì họ đạt được kiến thức thông qua Yoga, những nghĩa vụ bề ngoài ắt rơi rụng đi vì lúc bấy giờ ta không cần uy quyền để tạo ra sự hài hòa nữa, con người đã hiệp nhất với thiên luật thì tự mình tạo ra luật cho mình. Ở đây ta mới xét tới (3) Khoa học về Yoga (sự hiệp nhất với Chơn ngã) chỉ bằng cách đó thì ta mới nhận thức trọn vẹn được các sự thật tâm linh do dần dần khai mở những năng lực nội tại khiến cho con người có thể nghiên cứu trực tiếp được thế giới vô hình bằng cách bành trướng tâm thức để bao trùm các phạm vi hiện hữu rộng lớn và tinh vi vô hạn. Nhờ có Yoga ta mới thực chứng được những chân lý trong kinh Phệ Đà, nhưng phương pháp thực chứng thì không hề nêu rõ ở bất cứ nơi đâu. Cũng vì mục đích ấy bậc Đạo sư mới tiến hành điều sư phụ có thể dạy cho môn đồ xứng đáng bước trên con đường khó khăn mỏng như lưỡi dao cạo.
Chúng ta lần lượt xét tới ba phân bộ này. Trước hết ta hãy xem xét những chân lý tâm linh được diễn giải trong kinh Phệ Đà với những khía cạnh chân lý được phô diễn trong những hệ thống triết lý mang tính riêng phần vì chỉ thuần là trí thức, bổ sung cho nhau mà không mâu thuẫn với nhau; không một hệ thống nào diễn tả được trọn cả sự thật mà mỗi hệ thống chỉ diễn tả được nhiều đến mức trí năng có thể tom góp chúng lại một cách hợp lý dưới dạng một hệ thống đơn thuần. Thế rồi ta sẽ nghiên cứu tục thờ cúng công truyền xét về các nguyên lý, xét về các chi tiết cho thấy tác dụng của tổng thể đối với sinh hoạt của gia đình và xã hội. Cuối cùng chúng ta mới nhận ra rằng chỉ có thể thật sự biết được các chân lý tâm linh nhờ vào khoa Yoga, có một khoa học về linh hồn do Sư phụ giảng dạy, nó giúp cho con người từng bước vươn lên tới minh triết tâm linh tối thượng. Bạn ắt thấy ta phải bao quát một địa hạt rộng lớn xiết bao, bạn ắt thấy sáng nay với một thời gian ngắn ngủi như thế mà ta phải lướt qua cái lãnh vực nghiên cứu mênh mông này và bạn ắt tha lỗi cho tôi nếu khi lướt nhanh từ vấn đề này sang vấn đề khác nên tôi bỏ qua nhiều chi tiết hoàn toàn không nhắc tới bởi vì tôi đang nói bằng ngôn ngữ chứ không phải theo kiểu tâm truyền tâm, cho nên tôi bị hạn chế bởi cái ảo tưởng về thời gian mà mọi quá trình trí thức của ta ở đây đều phải bị tiến hành theo đó.
Tôi bắt đầu với phần trình bày ngắn ngủi về những sự thật tâm linh và triết học căn bản mà toàn bộ Ấn Độ giáo dựa trên đó, việc hiểu biết hoàn toàn điều đó nghĩa là con người đã đạt tới mục tiêu. Ta hãy liếc nhìn vào lúc khởi đầu vũ trụ, lúc bắt đầu biểu lộ khi Brahman (Toàn Ngã của vũ trụ) biểu hiện ra để cho vũ trụ có thể tồn tại. Trong kinh có viết: “Khi Ngài biểu hiện ra thì tất cả đều biểu hiện theo Ngài; do Ngài biểu lộ thì tất cả mới biểu lộ được” [3]. Ta cũng chẳng biết Ngài bước vào biểu lộ như thế nào nhưng ta được cho biết rằng việc này do một hành vi hi sinh: “Om! Buổi bình minh của sự thật là cái đầu của con ngựa hiến tế” [4]. Minh triết huyền bí dạy rằng hành vi hi sinh này là việc Brahman tự hạn chế mình, Ngài bao bọc bản thân bằng Māyā [5] nghĩa là bằng Vô minh. Nếu không có điều này thì vũ trụ không thể biểu hiện được vì sự hạn chế vốn cần thiết cho tính biến thiên và mỗi sự vật bị bao bọc trong Vô minh, nghĩa là bị hạn chế, đều bị cách ly với mọi vật khác, đều không hiểu biết được hoàn toàn. Vũ trụ biểu lộ bắt đầu với đấng Brahman, Ngài là Cội nguồn, Suối nguồn, Tự ngã nhất như, Thần khí nhất như của vũ trụ; bên ngoài Ngài không có điều gì biểu lộ, bên ngoài Ngài không có sự sống, tư tưởng, tâm trí; Ngài biểu lộ qua thuộc tính Tam bội, Ngài là Sat, Chit, Ānanda và mọi phẩm tính đều bắt nguồn từ Ngài. Ngài bao trùm những thứ này thành một thứ, là Nguyên nhân Bản sơ của vạn vật. Đấng Brahman, đấng Nhất Như đại hùng, Toàn Ngã của vũ trụ, được mô tả trong một đoạn kinh hay ho và cao quí tuyệt vời của Svetāsvataropanisad, và tôi chọn đoạn kinh này vì trong một câu kinh nối tiếp ngay sau sự miêu tả, người ta có trình bày lời nói bóng gió về một điều gì đó thậm chí còn vượt quá cả đấng Brahman biểu lộ. Bạn có thể nhớ đoạn kinh này mà tôi cần phải dịch ra thành một ngôn ngữ kém thơ mộng hơn, ít hay ho hơn và bất toàn hơn do tôi bắt buộc phải sử dụng nó; nhưng ngay cả dưới dạng ngôn ngữ hiện đại thì nguyên bản vẫn chói sáng sự hay ho tuyệt vời: “Khi không có bóng tối chẳng có ngày cũng chẳng có đêm, chẳng có hữu cũng chẳng có vô, thì vẫn có Shiva cho dẫu chỉ một mình Ngài bất diệt. Ngài được Sāvitrī tôn thờ. Minh triết cổ truyền chỉ bắt nguồn từ Ngài thôi. Người ta không thể hiểu được Ngài ở bên trên, ở nên dưới hoặc ở giữa, cũng chẳng có điều gì tương tự Ngài vì hồng danh của Ngài là vô cùng vinh quang. Người ta không thể dùng mắt nhìn để xác lập hình tướng của Ngài vì dùng mắt không thấy được Ngài. Những kẻ nào biết Ngài qua tâm hồn và tâm trí, an trụ trong tâm thì ắt trở thành bất tử” [6]. Đây là sự mô tả đấng Brahman, đấng biểu lộ, Nguyên nhân của vũ trụ. Rồi tới hai câu kinh kế tiếp, rồi đến chương kế tiếp bắt đầu bằng lời tuyên bố là “Minh và Vô minh tồn tại một cách vô hiện” nơi đấng Brahman tối cao (Parabrahman) [7]. Hoặc là ta có thể dịch rằng: “Đấng Ishvara và Māyā tồn tại một cách vô hiện” [8]. Chúng ta cũng chẳng biết câu này nghĩa là gì, ta chẳng thể nói lên được ý nghĩa của nó. Không một quan năng nào của con người có thể biết được cái vô điều kiện; không một ngôn ngữ nhân loại nào có thể diễn tả được Cái Đó vốn vượt ngoài tất cả cái này. Chúng ta chỉ biết rằng vạn vật đều bắt nguồn từ Cái Đó; Cái Đó là vạn vật mặc dù không một từ ngữ nào hàm ý dị biệt (mọi từ ngữ đều hàm ý dị biệt) có thể mô tả được Cái Đó; Sat, Chit và Ānanda đều bắt nguồn nơi Cái Đó dưới dạng nhất nguyên, đấng Độc nhất Vô nhị, vạn vật đều ở nơi Cái Đó một cách không ai biết được và không thể biết được, nhưng vạn vật hiện tồn theo một kiểu mà ta không thể hiểu nổi. Đó là vì đối với chúng ta thì sự tồn tại có nghĩa là sự khác nhau và trong Cái Đó không có sự khác nhau.
Rồi tới vũ trụ biểu lộ khi ta có thể hiểu biết được chút ít thì ta có học biết được rằng sự biểu lộ của đấng Brahman là dần dần chứ không đột ngột và vạn vật bắt nguồn từ Ngài không phải ngay tức khắc mà là từ từ; điều biểu hiện dần dần xuất hiện từ điều ẩn tàng, điều bộc lộ bắt nguồn từ điều được che giấu. Người ta dùng hết cụm từ này đến cụm từ khác để cho bạn thấy rằng vạn vật đều bắt nguồn từ và là chính Ngài, nhưng Ngài lại ẩn tàng bên dưới các hiện tượng, bên dưới Danh và Sắc. Cũng giống như muối trong nước mà nó bị hòa tan trong đó [9], cũng như lửa trong gỗ trước khi những cây gỗ để mồi lửa được cạ vào nhau, cũng giống như bơ trong sữa vốn được chắc lọc bằng cách quậy lên [10], cũng giống như kem trong bơ được gạn lọc [11]; cũng vậy đấng Brahman ẩn khuất với vai trò là Tự Ngã của mọi tạo vật. Hết giai đoạn này tới giai đoạn khác đều có những phép lạ trong sự biểu lộ của Ngài; hết giai đoạn này sang giai đoạn khác đều có sức mạnh trong việc tiến triển của Ngài; phẩm tính Sat tức tự tại thuần túy của Ngài xuất hiện nơi tạo vật bất động mà ta gọi là giới khoáng vật vì ta có thể nói rằng chỉ có sự tồn tại biểu lộ qua đó thôi; Chit và Ānanda ẩn tàng trong đó, chỉ có Sat là biểu hiện. Rồi tới trong thế giới thực vật, sự sống triển khai ra cho ta thấy bắt đầu có khoái lạc và đau khổ vốn là mầm mống sẽ phát triển thành Ānanda trong các giai đoạn tiến hóa sau này; nơi thế giới động vật ta cũng thấy bộc lộ ra mầm mống của Chit vốn phải được tiến hóa trọn vẹn hơn về sau; còn nơi con người các mầm mống phần nào biểu hiện được Sat, Chit và Ānanda mãi cho tới khi hết tiến hóa thì Sat, Chit và Ānanda đã được phát triển hoàn toàn nơi y. Bấy giờ y chính là đấng Brahman, y trở thành Đấng Nhất Như.
Tất cả mọi điều này được thể hiện qua lộ trình tiến hóa chậm chạp, qua hết sự giáng sinh này tới sự giáng sinh khác, qua hết sự chết này tới sự chết khác, qua vòng sinh tử luân hồi vốn không ngừng xoay chuyển trong ba cõi. Thế giới thấp nhất là thế giới của ý thức tỉnh táo, đó là Bhūr-loka; con người sinh ra nơi đây trong một thể xác, y thu thập kinh nghiệm ở đây bằng cách tiếp xúc với những vật thể vật chất để rồi qua cửa tử, y chuyển sang thế giới kế tiếp Bhuvar-loka, trong một thể xác thích hợp với thế giới ấy, y thanh toán được một bộ phận kinh nghiệm thực hiện trên cõi trần; thế rồi trong một thân thể thứ ba y thăng lên tới Svarga-loka, nơi mà y thanh toán những kết quả khác của các trải nghiệm trên trần thế [12]. Từ Svarga-loka y lại trở về xuyên qua Bhuvar-loka tới cửa sinh, ở Bhūr-loka, nơi đây y lại bắt đầu việc học hỏi mà những thành quả của nó được y đồng hóa ở những thế giới khác. Cuộc tiến hóa của nhân loại bình thường diễn ra trong ba cõi như thế theo như ta thường được cho biết.
Con người bị ràng buộc vào vòng sinh tử này, do ham muốn, do khát khao có cuộc sống hữu tình mà vì vô minh cho nên thoạt tiên y đồng nhất hóa nó với sự sống của thể xác. “Purusha (con người nội giới) này có bản chất là ham muốn. Y ham muốn ra sao thì quyết tâm như vậy, y quyết tâm ra sao thì làm việc như vậy; y làm việc ra sao thì được tưởng thưởng như vậy . . . Y vốn bị dính mắc cho nên nhờ có làm việc y mới đạt được mục tiêu mà tâm trí y bị dính mắc vào đó, tâm trí là nguyên nhân của sự việc. Sau khi đã đạt tới hậu quả cuối cùng (nơi Svarga) của công trình mà y thực hiện ở đây thì y lại rời bỏ thế giới Svarga ấy để về thế giới này ngõ hầu làm việc. Do đó kẻ ham muốn cứ đi lang thang từ thế giới này sang thế giới kia . . . Khi mọi ham muốn chất chứa trong tâm hồn đều bị từ bỏ hết thì kẻ phàm phu hữu hoại mới trở thành bậc bất tử” [13]. Khi không còn đồng nhất hóa mình với thể xác thì y lại đồng nhất hóa mình với tâm trí và thế là y vẫn chỉ sống một thời gian lâu dài hơn ở thế giới Svarga vì vẫn còn bị dục vọng ràng buộc. Y chỉ thoát được sự tái sinh khi không còn ham muốn bất cứ thứ gì mà ba cõi có thể cung ứng được.
Kế đó mọi cuộc tiến hóa này đều diễn tiến theo luật nhân quả; mọi nguyên nhân đều thể hiện ra thành hậu quả thích đáng. Đây là luật Nghiệp báo vốn trả lại cho mỗi người đúng cái kết quả mà y đã gieo trồng. Y gieo Nghiệp báo trong thế giới vật chất hồng trần thì y gặt nó một phần nào trong hai thế giới kia và đồng hóa ở đó những kết quả suy nghĩ của mình; thế rồi trở lại trần gian (tạo vật do chính y gây ra) để thanh toán Nghiệp báo thuộc về trần gian; y cứ tăng trưởng như vậy hết kiếp này sang kiếp khác vì là “một tạo vật của sự suy gẫm; điều mà y suy đi gẫm lại trong cuộc đời này thì y trở thành chính điều đó bên kia cửa tử” [14]. Bằng cách này y leo lên từ giai đoạn này sang giai đoạn khác với một tâm thức cứ bành trướng mãi, hết lớp vỏ này tới lớp vỏ kia phát triển bên trong và mỗi lớp vỏ là một hiện thể của tâm thức. Khi y phát triển thì y bành trướng tâm thức đó bao trùm hết thế giới này tới thế giới kia – các trình độ tâm thức tương ứng với ba thế giới ấy là các trình độ Jāgrat, Svapna và Suşupti [15].
Tâm thức bành trướng lần lượt bao trùm mỗi thế giới cho tới khi con người làm chủ và chế ngự được các cõi mà thoạt đầu y còn là đứa trẻ con mò mẫm học. Thế rồi y vươn cao nữa, thoát vòng sinh tử luân hồi; y chuyển từ nguyệt thể [16] (nó được gọi theo chuyên môn như vậy) vào nhật thể [17] và khi y làm chủ hoàn toàn được quá trình này thì y không còn bắt buộc tái sinh nữa. Khi thăng lên đến trạng thái Turīya, y đạt tới Tự Ngã, chỉ khoác lấy Ānandamaya-kośa [18]. Sau khi đã dứt khoát thống nhất tâm thức tới mức đó thì ngài đã vượt ra khỏi tam giới và vòng sinh tử luân hồi. Ngài có thể chuyển vào, bành trướng vào tâm thức Niết bàn, tâm thức thiêng liêng bao trùm tất cả. Jivātma – thoạt đầu phát triển một cách hoàn toàn vô minh vì bị bao bọc trong Vô minh với mọi quyền năng ở dạng mầm mống còn tiềm tàng chứ chưa hoạt động – bị bao bọc trong hết lớp vỏ vật chất này tới lớp vỏ vật chất khác để cho thông qua các lớp vỏ ấy nó có thể bước vào tiếp xúc với mọi cõi của vũ trụ để cho trong mỗi cõi ấy, do có những tiếp xúc ấy, nó có thể đưa vào biểu lộ những quyền năng thuộc về cõi ấy mà thoạt đầu mới chỉ tiềm tàng cho đến khi cuối cùng mọi quyền năng đều được triển khai, các lớp vỏ đã được tẩy trược. Vô minh đã được vượt qua thì con người mới biết rằng Tự Ngã của chính mình là một với Toàn Ngã của vũ trụ; y đã đạt được mục tiêu; y đã trở thành Đấng Brahman; điều mà y luôn luôn tiềm tàng thì nay đã thực chứng được một cách chủ động.
Đó là phần phác họa đại khái về những điều cốt yếu của triết lý đại hùng thuộc Ấn Độ giáo, nó dạy cho con người một điều gì đó về những sự thật tâm linh vốn là nền tảng của cơ tiến hóa. Nhân loại sẽ thực hiện mọi điều này từ hết kiếp này sang kiếp khác. Nhưng điều mà mọi người phải thực hiện theo một lộ trình vô số thời đại thì nếu muốn, một người có thể thực hiện bằng nỗ lực lớn lao hơn, bằng sự tinh tấn dũng mãnh hơn nhờ vào khoa học yoga vốn rèn luyện linh hồn nhanh hơn cách tiến hóa bình thường. Cơ tiến hóa chẳng qua chỉ là ý chí của đấng Ishvara bộc lộ ra nơi vũ trụ biểu hiện; vì được sinh ra trong lòng cơ tiến hóa cho nên nhân loại được lôi cuốn đi tới mục tiêu của mình. Những kẻ bơi giỏi có thể đạt tới mục tiêu nhanh hơn một cọng rơm trôi nổi lềnh bềnh; nhờ có khoa học yoga một người có thể kết liễu cuộc hành hương của mình trong khi đại khối nhân loại vẫn còn trôi dật dờ chậm chạp theo dòng tiến hóa. Ta sẽ hiểu điều này ở phần thứ ba trong đề tài đang xét.
Việc toan tính hạ thấp tư tưởng tuyệt vời này xuống tới cõi trí năng đã làm nảy sinh ra sáu trường phái lớn của triết học Ấn Độ cùng với vô số biến thể. Chúng ta giáng từ cõi tâm linh xuống cõi trí thức, từ cái thế giới mà tất cả đều minh bạch trước tầm nhìn đã được tẩy trược giáng xuống cái thế giới có xảy ra những điều hạn chế - và ngôn từ là điều hạn chế tồi tệ nhất, thế nhưng mọi triết gia đều phải viết, phải diễn tả dưới dạng minh định. Thế nhưng làm sao ta thốt nên được Điều không thể nói nên lời, làm sao ta miêu tả được đấng Brahman bằng những thuật ngữ trí thức? Có một đặc điểm chung cho mọi trường phái và ta có thể nói là nó được viết bên trên các cổng chính: “Nếu con người chưa thể cuộn được chất khí Ākasha như cuộn tấm da lại thì sự khốn khổ của y sẽ vô tận nếu y không hiểu biết về Thượng Đế” [19]. Mọi trường phái triết học Ấn Độ đều mưu cầu sự giải thoát, giải thoát khỏi hạn chế của kiếp sống đau khổ, giải thoát khỏi những nỗi khốn khổ của cõi sinh tử. Mọi trường phái đều công nhận tri thức thiêng liêng tức Brahma-Vidyā, mọi trường phái đều muốn giải thoát nhưng chúng khác nhau về cách thức diễn tả mục tiêu, khác nhau về những phương pháp mà nhiều trường phái dùng để đạt tới mục tiêu. Ta hãy dành ra một lúc để xét từng trường phái một – tôi chỉ có thể làm được như vậy thôi – để cho bạn có thể nhận ra được cái công trình vĩ đại mà trí năng đã thực hiện được nhằm cố gắng xiển dương các sự thật tâm linh. Chúng thoải mái chia làm ba cặp được đặc trưng theo quan điểm cơ bản về vũ trụ và đường lối chứng minh quan điểm ấy. Trước hết ta có hai trường phái dựa trên thuyết nguyên tử, hai trường phái được gọi là Nyāya của Đức Phật Thích Ca và trường phái Vaiśeşika của Kanāda vốn có rất nhiều điểm chung về phương pháp khảo cứu. Hai trường phái này mưu tìm tri thức bằng cách suy diễn qua quá trình luận lý, phân chia vạn vật ra thành các phạm trù, xem bản chất của cách chứng minh, bản chất của cách suy diễn, có thể nói là chính bản thể của tâm trí thể hiện ra từng chi tiết đầy đủ nhất dựa trên thuyết nguyên tử và phát triển theo những đường lối lý trí thuần túy. Chúng vẫn còn là những lâu đài trí thức thuần túy, chẳng những đáng chú ý vì cách lý luận được tiến hành hoàn hảo mà còn vì cách rèn luyện mà chúng dành cho tâm trí con người; người ta mưu tìm bản chất của các sự vật và để tránh sai lầm người ta đã phân tích sắc xảo nhất về những công cụ dùng để khảo cứu. Kế đó ta xét tới hai trường phái dựa trên tính nhị nguyên của vũ trụ biểu lộ, dựa trên hai yếu tố cơ bản cùng tồn tại vĩnh hằng trong vũ trụ, không bao giờ cách ly với nhau, bao giờ cũng đan bện vào nhau; đây là một vũ trụ khởi nguyên luận với sự mạch lạc hợp lý nhất được triển khai ra theo từng mắt xích liên tiếp. Hai trường phái đó là Số luận Sāmkhya của Kapila, đôi khi được gọi là phái Số luận vô thần vì nó không đi theo sự biểu lộ nhị nguyên, còn trường phái kia là Yoga của Patanjali, tức phái Số luận hữu thần. Trong trường phái thứ nhất, khởi điểm là tính nhị nguyên căn bản của vũ trụ biểu lộ. Tinh thần, Purusha (hoặc nói cho đúng hơn là vô số Purusha cá thể) được coi là vĩnh hằng và vật chất Prakriti được coi là cùng vĩnh hằng với Purusha. Prakriti có tính tam bội, phô ra ba gunas là Sattva, Rajas và Tamas [20]. Prakriti đầy hoạt động nhưng không có mục đích và không làm được trò trống gì ngoại trừ để cho Purusha khoác lấy. Vì thế cho nên mới có dụ ngôn được ưa thích theo đó Purusha giống như một người què nhưng mắt còn sáng cưỡi trên vai người mù nhưng chân còn khỏe; cả hai có thể cùng nhau bước đi để tránh vấp ngã vào những hố sâu. Rồi sau đó là việc triển khai toàn thể vũ trụ biểu lộ dưới đề mục là 25 tattvas tức nguyên thể (ta tạm gọi chúng như vậy) được suy luận một cách sáng suốt, sắc xảo, chính xác, hợp lý do quan sát sự kiện tỉ mỉ nhất sao cho khi được coi là một vũ trụ khởi nguyên luận chỉ hạn chế vào vũ trụ biểu lộ thôi thì phái Số luận có thể nói là bao giờ cũng đứng vững. Trường phái Yoga của Patanjali chấp nhận vũ trụ khởi nguyên luận sơ khởi của phái Số luận nhưng lại thêm vào đó tattva nguyên thể thứ 26 tức Ishvara, đấng thiêng liêng cần được tôn thờ. Đó là vì Patanjali quả thật có dạy rằng nếu không có hình tướng thì cái trí không thể định trí được trong lúc tham thiền; và Patanjali mưu tìm tri thức không phải bằng cách khảo cứu vũ trụ theo đường lối của phái Số luận mà bằng cách ức chế các biến thái của nguyên thể tư duy; những biến thái này được coi là hàng rào ngăn cách giữa chủ thể tư duy và Đấng Nhất Như mà chủ thể này mưu tìm; chỉ khi cái trí đã nhất tâm thì con người mới có thể vượt thoát ra khỏi sự hạn chế này.
Cuối cùng ta có hai trường phái lớn Mimāmsā là Pūrva Mimāmsā và Uttara Mimāmsā. Trường phái thứ nhất tức hệ thống Jaimini, ta thấy các nghi thức, nghi lễ, mọi thứ là bộ phận bên ngoài thuộc sinh hoạt tôn giáo của con người được bàn bạc và trình bày một cách cực kỳ tỉ mỉ. Còn trường phái Uttara Mimāmsā chính là Vedānta, có lẽ là trường phái được Tây phương biết nhiều nhất trong sáu trường phái triết học lớn của Ấn Độ. Vedānta được chia thành ba phân hiệu: Dvaita, Viśiştādvaita và Advaita. Chúng đều chấp nhận vũ trụ khởi nguyên luận của phái Số luận, coi đó là lộ trình tiến hóa của vụ trụ biểu lộ nhưng chúng không chỉ bằng lòng dừng lại nơi phái Số luận dừng lại. Vedānta (cứu cánh của Phệ đà) mưu tìm nguyên nhân của vũ trụ biểu lộ cho nên không thể vừa lòng với một sự phân tích dừng ngay lại ở Purusha và Prakriti. Thật vậy, đó là biểu hiện rạng rỡ nhất về mặt triết học của cái lòng khao khát khôn nguôi trong tâm hồn con người mưu cầu Thượng Đế, nó có thể bị chối bỏ, xuyên tạc, bóp nghẹt, nhưng bao giờ cũng vươn lên từ cái tình trạng dường như đã chết, mãi mãi là chứng nhân của một điều gì đó nơi con người vốn là Tự Ngã sâu thẳm nhất của y, là sự sống đời đời bất diệt và biểu lộ một cách cao cả nhất qua lời reo vang chiến thắng của môn đồ phái Bất Nhị: “Tôi chính là Ngài !”. Khi y đã tìm thấy cái được mưu tìm lâu dài bên dưới nhiều bức màn che và đấng Thiêng liêng được bộc lộ ra là chính Tự Ngã của con người.
Ta có thể coi ba phân hiệu của phái Vedānta là những bước liên tiếp chứ không phải là những thuyết đối nghịch nhau; tất cả đều khẳng định sự tồn tại của đấng Thiêng liêng là cội nguồn của vũ trụ, nhưng phái Nhị Nguyên luận giả định rằng có một sự phân chia vĩnh hằng giữa Thượng Đế và con người – hai bên mãi mãi tách rời khỏi nhau. Phái Viśiştādvaita tiến thêm một bước nữa, khẳng định tính nhị nguyên nhưng hòa lẫn nó thành ra một nhất nguyên tối hậu. Phái Bất Nhị khăng khăng nhấn mạnh tới tính nhất nguyên căn bản và vì có xu hướng như thế - bị lóa mắt do bóng đêm cũng chính là “ánh sáng quá độ” – cho nên suýt nữa quên mất vũ trụ, chỉ nhìn thấy Đấng Nhất Như bên dưới các hình tướng hão huyền. Nhưng khi vươn lên từ luận văn dài dòng trí thức để đạt tới lòng sùng tín thì môn đồ phái Bất Nhị của Vedānta cũng công nhận sự biểu lộ của Brahman thành ra chư Thần linh và liệu ta có thể tìm được ở đâu cái cường độ nhiệt thành áp đảo của lòng sùng tín ngất ngây giống như trong các stotras dành cho Shiva và Durgā của bậc tổ sư phái Bất Nhị Vedānta là Sri Samkarācārya?
Trong phái Bất Nhị với giáo huấn quen thuộc về Māyā – khả năng gây ra hão huyền của Tư Tưởng Thượng Đế - thì vũ trụ chẳng qua chỉ là tư tưởng của đấng Độc Nhất Vô Nhị. Ngoại trừ Brahman ra thì tất cả đều là hão huyền vì bị hạn chế, phù du, vô thường; chỉ có Thực Tại duy nhất mới là thường trụ, tất cả những gì biến đổi đều là hão huyền, sự biểu lộ chẳng qua chỉ là một tư tưởng. Có lẽ cái ý tưởng khó hiểu này có thể được minh giải nếu ta nhớ rằng tâm trí con người cũng có thể dùng tư tưởng của mình áp đặt những điều hão huyền lên một tâm trí khác vốn đang bị mình kiểm soát. Khi một con người bị thôi miên thì người ta có thể khiến cho y cảm thấy sức cản của một vật thể, nhìn thấy nó, nghe thấy nó, sờ thấy nó và ngửi thấy nó; có được mọi ghi nhận của giác quan giúp ta chỉ đạo hoàn toàn sinh hoạt nơi ngoại giới; thế nhưng không có gì ở đó cả ngoại trừ tư tưởng của người thôi miên, y đang áp đặt mọi cảm giác này trực tiếp lên tâm trí. Khi con người được giải thôi miên thì điều hão huyền biến mất và y biết rằng ở đó chẳng có gì hết. Cũng vậy theo quan điểm này thì cả vũ trụ chẳng qua chỉ là tư tưởng của Thượng Đế được biểu diễn ra và chế ngự toàn thể - mọi hình tướng chẳng qua chỉ là tư tưởng của Thượng Đế và khi ta nhận ra được điều đó chỉ một lần thôi thì ta hiểu được Đấng Nhất Như, sự chia rẽ và sai khác bèn biến mất. Hết lớp vỏ này tới lớp vỏ kia của Vô minh bị lột bỏ khỏi Tự Ngã, con mắt minh triết nhìn xuyên suốt qua hết lớp vỏ này tới lớp vỏ khác cho đến khi chủ thể thấu thị tuyên bố rằng: “Brahman vô nhiễm bất khả phân ở nơi lớp vỏ hoàng kim cao nhất. Kẻ nào biết được Tự Ngã thì kẻ ấy biết được CÁI ĐÓ, ánh sáng chân thực của mọi ánh sáng” [21]. Hoặc là nếu người đó đã biết nó rồi thì y cứ đi lang thang khắp trong vũ trụ hình tướng mà điều thực sự thu hút y trong mọi hình tướng không còn là cái dáng vẻ bề ngoài hiện tượng mà là Tự Ngã chiếu sáng bên trong nó. Chúng ta yêu thích hình tướng vì Tự Ngã có trong đó; chúng ta bị hình tướng hấp dẫn vì một tia sáng khúc xạ của Tự Ngã chói rạng qua đó. Cũng như đứa trẻ con thấy viên sỏi chói sáng trên đường đi sau cơn mưa bèn nhặt viên đá chói sáng ấy lên; nó không bị hấp dẫn bởi một chút bụi đất mờ mà bị hấp dẫn bởi ánh sáng mặt trời phản chiếu từ viên đá; cũng như mọi người – thật vậy! ngay cả khi họ còn nhiều thói xấu – bị lừa gạt bởi dáng vẻ bên ngoài, nhưng chỉ đi theo ánh sáng bị khúc xạ của Tự Ngã thôi. Đó là điều mà họ đang lần mò đi theo và vì mù quáng cho nên họ không hiểu, không nhận ra được. Người ta cũng yêu thương mọi người khác chỉ vì Tự Ngã bên trong họ. “Người vợ không đáng quí vì ích lợi của người vợ mà vì ích lợi của Tự Ngã cho nên người vợ mới đáng quí; người chồng đáng quí không phải vì ích lợi của người chồng mà người chồng đáng quí vì ích lợi của Tự Ngã” v. v. . . đối với hết vật thể này đến vật thể khác trong vũ trụ biểu lộ cho tới khi cuối cùng ta bảo rằng: “Chư Thần linh đáng quí không phải vì ích lợi của chư Thần linh mà chư Thần linh đáng quí vì Tự Ngã” [22]. Thế là Con người vươn lên từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, càng ngày càng tiến gần hơn tới Tự Ngã; thế là lần đầu tiên y nhận ra được sự chia rẽ, “Tôi là Tôi còn Ngài là Ngài, Ngài được tôn thờ, Ngài được thờ phụng, còn tôi là người sùng bái Ngài”. Khi càng ngày càng tiến gần hơn tới Linh ảnh về ánh sáng thì bắt đầu ló dạng một ý thức về sự giống nhau, chủ thể yêu thương và đối tượng yêu thương không thể thật sự là anh em sinh đôi; mãi cho đến lúc cuối cùng khi tình thương đã được hoàn hảo và minh triết không còn bị vô minh làm ô nhiễm nữa thì chủ thể yêu thương và đối tượng yêu thương hòa lẫn làm một: “Tôi là Ngài !” và ta có nhất nguyên ở nơi mà nhị nguyên đã từng thống trị.
Do đó bạn có lẽ hiểu được tại sao thời xưa giáo huấn của phái Vedānta không được trình bày cho thế giới nói chung. Đấng Sri Krishna có dạy con đường vô hiện “khó đạt được đối với kẻ đã hiện thể” [23]. Chúng ta vươn lên điều vô hiện thông qua điều đã hịên thể, vươn lên tới cõi vô sắc thông qua các hình tướng. Do đó Sri Samkarācārya đã qui định điều chuẩn bị cho việc học về Bất Nhị đó là con người phải tiến hóa triển khai được một vài phẩm tính và chừng nào chưa triển khai được những phẩm tính ấy thì người ta không bao giờ dạy về thuyết Bất Nhị. Chúng tôi có thể đánh giá cao được việc hạn chế này cần thiết và minh triết đến mức nào vì chúng tôi đã thấy ngày nay giáo huấn cao quí này bị lạm dụng vào điều ác do những người không kiểm soát được các giác quan và không rèn luyện được tâm trí.
Giờ đây, chúng ta chuyển từ các hệ thống triết lý lớn được bàn một cách thật thẳng thừng để chuyển sang tục thờ cúng công truyền; người ta dự tính dùng tục thờ cúng này để huấn luyện, giúp tiến hóa, giáo dục linh hồn cho đến khi nó thăng lên từng bước để sẵn sàng được chuyển vào tay vị Sư phụ, để nhận được sự khai tâm cuối cùng.
Điều đầu tiên trong tôn giáo công truyền gây ấn tượng nhất cho chúng tôi là tính cách bao trùm tất cả của nó, việc nó thích ứng một cách biến thiên vô tận với mọi nhu cầu biến thiên vô hạn của con người. Và điều này xảy ra vì nó trình bày vũ trụ ngoại giới theo quan điểm huyền bí và vì vũ trụ ấy ở mỗi nơi đều động chạm tới mọi linh hồn thuộc mọi giai đoạn tiến hóa liên tiếp dài dằng dặc. Trong tín ngưỡng có một điều gì đó dành cho những kẻ rất nghèo, hạ tiện nhất, thấp thỏi nhất và ngu dốt nhất; trong Ấn Độ giáo cũng còn có giáo huấn dành cho kẻ cao siêu nhất, trí thức nhất, tiến hóa tâm linh nhiều nhất. Đó là một trong những đặc trưng nổi bật của nó vì nó có giáo huấn dành cho kẻ dốt nát nhất lẫn kẻ minh triết nhất, mở rộng vòng tay ôm choàng họ trong cùng một phạm vi tôn giáo.
Tục thờ cúng công truyền vốn dựa vào kiến thức về thiên nhiên – tri thức huyền bí; đó không phải là kiến thức mà khoa học đạt được bằng cách nghiên cứu những hiện tượng, nghĩa là những dáng vẻ bên ngoài; mà đó là tri thức bắt nguồn từ việc nghiên cứu sự sống nội giới, nghĩa là tâm trí mà các hiện tượng ngoại giới chỉ là biểu hiện của nó. Nơi đây ta có sự khác nhau căn bản giữa khoa học huyền bí và khoa vật lý học. Một đằng xem xét dáng vẻ bên ngoài, một đằng xem xét sự sống vốn tự biểu lộ thông qua hình tướng. Vậy là vì dựa vào những sự kiện của thế giới vô hình cho nên trọn cả giáo huấn của nó cũng diễn tả thiên nhiên vô hình, thiên nhiên ấy không phải với vai trò là vật chất và năng lượng mà là các sinh linh thông tuệ, không phải là vật chất “mù quáng” hoặc “chết cứng” và lực vô ý thức mà là tâm thức sống động biểu hiện thông qua vật chất và năng lượng. Sự sống thiên nhiên ấy quả thật là năng lượng, tâm thức của nó là bản thể của sự sống, các hình tướng là vật chất che khuất sự sống. Vật chất được định hình do tâm thức sống động bên trong nó. Tục thờ cúng công truyền của Ấn Độ giáo vốn dựa vào chân lý thâm thúy, theo đó trong vũ trụ không có gì là chẳng sống động và mọi hình tướng đều là biểu hiện của tư tưởng thuộc các sinh linh thông tuệ nơi vật chất thô trược hoặc tinh anh. Như ta có nói trước kia người ta dự tính khiến cho con người – cho dù y có thể vô minh đến đâu đi nữa – sống hài hòa với môi trường xung quanh hữu hình và vô hình; nó dạy cho y biết dùng các nghi thức, nghi lễ, công thức (thần chú), mọi thứ ấy đều được thiết kế để tạo ra những kết quả nhất định trong thế giới vô hình; để bảo tồn không phá vỡ những mối liên kết tương thuộc của các đời sống Tinh linh Ngũ hành, khoáng vật, thực vật, động vật và nhân loại; để giữ cho vòng sinh tử luân hồi trong ba cõi xoay chuyển nhịp nhàng hài hòa, nâng đỡ bằng cách phục vụ lẫn nhau của giới khoáng vật, giới thực vật, động vật và nhân loại trên cõi trần, chư Thiên trên cõi trung giới, chư Thiên trên cõi trí tuệ; xác lập cái hệ thống hiến tế hỗ tương mà đấng Sri Krishna ám chỉ khi Ngài dạy: “Bạn hiến tế thứ này cho chư Thần và mong sao chư Thần cũng cấp dưỡng cho bạn; khi cấp dưỡng lẫn nhau như thế, quí vị sẽ gặt hái được điều thiện tối cao. Đó là vì khi được cấp dưỡng bằng hiến tế, chư Thần linh sẽ ban cho bạn những điều vui hưởng mà bạn mong cầu” [24]. Điều mà nhà huyền bí học thực hiện một cách có hiểu biết và bằng quyền năng ý chí thì kẻ vô minh được dạy làm như thế ở qui mô nhỏ qua những nghi thức và nghi lễ sao cho họ đóng góp được phần nhỏ bé của mình vào công trình hài hòa tổng quát của tổng thể.
Sat, Chit, Ānanda của triết gia, của nhà thần bí tâm linh, được biểu diễn dưới dạng cụ thể là Trimūrti [25] - Brahmā, Vishnu và Shiva. Trong đó ta có đấng Brahman tam bội vốn là Nguyên nhân của vũ trụ được thích ứng để thờ phụng dưới dạng cụ thể; ba Ngôi của Ngài được trình bày là biểu lộ riêng rẽ để cho trí thông minh hạn hẹp của con người có thể hiểu rõ được chúng hơn. Ngôi Sáng tạo được trình bày qua Brahmā, Ngài tạo ra vạn vật nhờ vào tapas, tức tham thiền, Ngài biểu diễn trí tuệ vũ trụ tức Chit của Thượng Đế. Vishnu, đấng Thấm nhuần vạn vật, sự sống bảo dưỡng của Thượng Đế, chính là sự sống ở nơi vạn vật, sự sống thấm nhuần, bảo dưỡng, nâng đỡ vô hạn, là nền tảng của vũ trụ, không có nó thì vũ trụ không thể trường tồn được, nó hiện diện trong vạn vật, trong mọi nguyên tử của vũ trụ, Ngài vốn lưỡng tính và là ngôi Ānanda, Toàn phúc. Thế rồi xét về nhiều mặt là ẩn tàng và bí nhiệm hơn có một đấng đôi khi gọi là đấng Hủy diệt, nhưng đúng hơn là đấng Tái tạo, Ngài là Lửa sống động, Chúa tể của vùng đất thanh luyện, nơi mà lửa tràn xuống để thiêu đốt mọi hình tướng khi nó không còn hữu dụng nữa để giải thoát sự sống bị giam hãm bên trong hình tướng, khiến cho nó có thể biểu hiện cao hơn và biểu lộ trọn vẹn hơn – Ngài là Māhādeva, Maheśvara, là Sat tức Tự Hữu. Đó là Tam vị nhất thể vĩ đại, các ngôi cụ thể của Thượng Đế biểu lộ. Rồi tới bên dưới Tam vị nhất thể ta có bảy “hành” lớn, mỗi hành lớn này là khía cạnh hình tướng của một đấng Thông tuệ đại hùng, một vị Thần linh mà hiện nay chỉ có năm đấng đang biểu lộ còn hai đấng ẩn tàng. Ngũ hành là Ākāsa, hình tướng do Indra làm linh hoạt; Agni (hỏa) hình tướng của Agni; Vāyu (phong) hình tướng của Pavana, Ap (thủy) hình tướng của Varuna, Prthivī (địa) hình tướng của Kşiti (Kubera).
Bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được sự toàn bích kỳ diệu của sự thờ cúng Ấn giáo nếu bạn không nhận ra một điều gì đó về khía cạnh sự sống của vũ trụ. Chư Thần linh của ngũ hành này – Indra, Agni, Pavana, Varuna và Kşiti – đều là các thực thể có thực, các đấng Thông tuệ tâm linh cao cả, mỗi đấng có cõi cao cả của riêng mình, mỗi đấng đều là Chúa tể trị vì cái hành đặc biệt vốn biểu hiện bản chất của mình. Bên dưới Ngài có vô số đội ngũ các nam nữ Thiên thần ở cấp độ càng ngày càng xuống thấp mãi cho đến khi bạn xuống tới những biểu lộ thấp nhất trên cõi trần. Chư Thiên thấp nhất của Ấn Độ giáo có liên quan tới việc hoàn toàn tạo lập và xây dựng các vật thể vật lý thuộc cõi trần. Bạn cũng nên hiểu rằng vũ trụ trong khi bao gồm bảy cõi (bảy cõi của nhà Thông Thiên Học) – trong số đó chúng ta chỉ dính dáng tới năm cõi thôi – thì mỗi cõi lại bao gồm những biến thể của hành vốn là vật liệu gốc rễ của nó; mỗi cõi này cũng có bảy phân bộ (cảnh) và các phân bộ này bộc lộ phần lớn các đặc trưng của cõi. Khi mượn minh họa của một bậc huấn sư khả kính H. P. Blavatsky, tôi xin so sánh bảy cõi trong vũ trụ với bảy màu của quang phổ mặt trời. Ta hãy tưởng tượng rằng khi xét một màu, chẳng hạn như màu tím, thì màu này lại được phân tích ra thành bảy màu khiến ta thấy nó bao gồm tím-đỏ, tím-cam, tím-vàng, tím-xanh lục, tím-xanh lơ, tím-chàm, tím-tím; trong đó có mọi màu của quang phổ nhưng sắc thái tím chiếm ưu thế. Ở đây ta có một bức tranh tuyệt vời về cách thức mà mỗi vị Thần linh cai quản cõi của riêng mình; thế nhưng các vị Thần linh khác lại được biểu diễn nơi đó qua những biến thể của hành thuộc vị Thần linh chủ trì, mỗi phân bộ được đặc trưng bởi thuộc tính của một trong các Thần linh khác. Chẳng hạn như nếu ta xét Lửa, thì Agni là Thần linh chủ trì và Lửa có trong mọi cõi của vũ trụ - lửa điện, mọi tia sáng chớp lóe, ánh sáng ở cõi trời cao nhất cũng như ở cõi trần thấp nhất. Tất cả những thứ này đều thuộc quyền cai trị của Ngài, đều là các phương thức hiện hữu của Ngài, và chế định lửa tùy theo cõi xảy ra sự biểu lộ xuống mãi tới lửa trên cõi trần vốn cháy trong lò lửa mà các vị Thiên thần có được sự sống do Ngài làm linh hoạt. Vì vậy đấng Agni đại hùng, tự soi sáng mình, trị vì trong cõi lửa cháy, thế nhưng được Sāma Veda ca tụng là “Chúa tể của Gia trang” vì lửa trong nhà cũng thuộc Ngài và Ngài hoạt động thông qua đó.
Thế rồi ta xét tới mối quan hệ của con người với các Ngài, quan hệ của con người với các huyền giai thăng lên, đi thẳng lên tới mãi Tam vị nhất thể; chúng được trình bày theo thứ tự với các nghi thức, nghi lễ và bổn phận tôn giáo liên quan với mỗi một ở mọi giai đoạn; tùy theo sự tiến hóa về tâm linh và trí thức của con người mà y thờ phụng một cấp đấng Thiêng liêng. Đó là vì những người vừa mới được khơi hoạt ý thức của cái trí và đang cảm thấy những đợt xao xuyến mong manh đầu tiên của lòng sùng tín thì người ta chỉ dành cho họ một dạng Thượng Đế rất đơn giản, bằng không thì họ chẳng hiểu gì về ý nghĩa của chính từ ngữ “Thượng Đế”. Ấn Độ giáo cung cấp cho họ một hình tướng cụ thể, một hình tướng cụ thể thoạt tiên cực kỳ hẹp hòi kẻo nó ắt chỉ làm lóa mắt trí năng mới chớm nở và làm hỗn độn cái cảm xúc lờ mờ về lòng sùng tín vốn chỉ có thể được phát triển dần dần bằng cách khác. Nếu bạn nói chuyện với người nông dân trên cánh đồng vốn chẳng biết gì ngoài hạt giống, mùa màng, trâu bò, những niềm hi vọng về nắng và mưa, vợ và con thì liệu bạn có nên nói với y về đấng Brahman vô nhiễm bất khả phân mà chỉ kẻ nào biết được Tự Ngã thì mới biết được Ngài hay chăng? Nếu bạn làm như thế thì y sẽ nhìn chằm chằm vào bạn một cách vô hồn; bạn đưa cho y một đối tượng mà tình thương của y không thể vươn tới được, lòng sùng tín của y không thể tìm đường hướng tới được và những vòi râu tua tủa bé tí xíu trong tâm hồn y không thể quấn quanh đó được vì hiện nay nó quá yếu ớt và chỉ có thể lĩnh hội được chút xíu thôi. Khi một cái cây non nớt đang đâm chồi nhú lên thì bạn đâu có mang một tảng đá đồ sộ tới cái cây ấy để trông mong nó vươn những vòi râu tua tủa ấu thơ của mình quấn xung quanh tảng đá, mà bạn phải đem một cái cọc mỏng manh không quá lớn để cho vòi râu quấn xung quanh được; nhờ thế mà cái cây mới leo lên, mới tăng trưởng vươn lên và trở nên mạnh mẽ có khả năng hơn khi tăng trưởng. Cũng vậy, trong tục thờ cúng công truyền của Ấn Độ giáo, ngôi biểu diễn Thượng Đế tỉ lệ với năng lực của người thờ phụng – nó luôn luôn vượt hơn y một chút, cao hơn y một chút, để có thể rút ra từ y một cảm xúc yêu thương, sùng tín và trân trọng nào đó; tất cả mọi điều ấy đều thật sự dâng lên Đấng Nhất Như cho dù y không thể hiểu được Đấng Nhất Như ấy theo ngôi nào. Bản thân Đấng Sri Krishna đều chấp nhận “một chiếc lá, một đóa hoa, nước hoặc trái cây” hiến tế với tâm hồn thanh khiết, với lòng sùng tín chân thành dường như thể hiến tế cho Ngài [26]. Đó là vì “hỡi con trai của Kunti, ngay cả khi các tín đồ của những Thần linh khác thờ phụng với đầy tín ngưỡng thì họ cũng thờ phụng Ta, mặc dù điều đó trái với thông lệ cổ truyền” [27]; còn nhiều hơn mức họ thờ phụng chư Thần linh hạ đẳng đúng theo thông lệ cổ truyền. Và tại sao không, vì chẳng có điều gì dù “chuyển động hoặc bất động mà lại có thể tồn tại không có Ta trong đó” [28]; vì vậy Chúa vốn ở nơi tảng đá cũng như cái cây và người ta tôn thờ Ngài chứ không chỉ tôn thờ dáng vẻ bên ngoài.
Vậy là từng bước một, người thờ cúng đã được bàn tay yêu thương của mẹ dắt dẫn lên. Nếu bạn muốn có trong một hoạt cảnh duy nhất việc tất yếu phải có sự hạn chế này thì bạn hãy đi thẳng tới chương XI trong Chí Tôn Ca; ở đây Arjuna không biết mình hỏi điều gì, đã mong cầu thấy Đấng Krishna là Chúa tể của Vũ trụ chứ không chỉ thấy hình tướng hạn hẹp hơn của Ngài. Sri Krishna đáp ứng lời cầu nguyện của Arjuna, ban cho y thiên nhãn vì nhục nhãn không thể thấy được Thượng Đế. Bấy giờ Ngài chói sáng huy hoàng giống như hàng ngàn mặt trời cùng một lúc chiếu sáng trên bầu trời, lấp đầy mọi khoảng cao và vực thẳm, trải dài từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, mọi thứ bên trong hình tướng Ngài – chư Thần linh, con người và vạn vật bên trong một ảnh tượng thiêng liêng huy hoàng khôn tả. Arjuna chưng hửng, hoảng hốt, chấn động, bối rối, bị đè bẹp. Cuối cùng y gào lên khát vọng nhân bản: “Cái sự sống tuôn trào của Ngài làm cho con lúng túng . . . Con lại đành phải chấp nhận Ngài giống như trước kia. Xin Chúa hãy lại khoác lấy hình tướng bốn tay chân của Ngài” [29]. Kinh nghiệm của Arjuna là kinh nghiệm phổ biến trên khắp thế giới. Trong khi chúng ta còn tăng trưởng thì Thượng Đế phải tự hạn chế mình thích ứng với kiến thức hạn hẹp của ta, bằng không thì ta chẳng bao giờ học được cách biết tới Ngài. Bạn không thể tuôn đổ vào trong một cái bình chứa nhiều hơn mức bình chứa này có thể đựng được; chất lỏng chỉ trào ra mọi phía thôi; và đại dương Brahman không thể tuôn chảy toàn bộ vào những bình chứa nhỏ xíu mà chúng ta dâng lên để tiếp nhận nó; chỉ khi bình chứa bành trướng ra thì cái Tự Ngã vô hạn ấy mới có thể càng ngày càng tuôn đổ vào đó.
Thế là ta có trong Ấn Độ giáo những nghi thức, nghi lễ, phép trì giới, ảnh tượng, hằng hà sa số dạng thờ cúng thích ứng với vô số loại hình hiểu biết và dốt nát của con người. Nhưng chúng đều thích ứng để rút ra được tình thương, chúng đều thích ứng để kích thích sự sùng tín, chúng đều thích ứng để mang lại sự sùng bái vì chính cái thái độ này của linh hồn mới quan trọng chứ không phải cái dạng trí thức mà sự sùng bái được che đậy trong đó. Nhờ vào những phương tiện này, con người dần dần vươn lên tới hình ảnh tối cao duy nhất của Đấng vốn là Chúa tể của vũ trụ, họ vươn lên tới quan niệm về Ishvara, đấng Chúa tể tối thượng nhất như. Cũng nhờ phương tiện ấy, người ta ngăn ngừa không cho họ lôi cái quan niệm cao cả về Thượng Đế nhất như xuống cái mức thấp kém ở thời buổi dốt nát sơ khai, biến đấng Chúa tể của vũ trụ thành ra hình ảnh của lòng tham dục con người, vận hành bên trong những hạn chế của con người. Người ta thường nhắc họ nhớ rằng họ không biết được thực tướng của Thượng Đế đâu mà chỉ biết được một tia nho nhỏ của Ngài theo mức độ mà họ có khả năng tiếp nhận được. Khi họ tăng trưởng lên thì họ mới thích thú nhận ra được rằng Ngài càng tuôn chảy nhiều vào cái quan nịêm mà họ tôn thờ Ngài, làm cho nó bành trướng sáng chói, cao cả lên cho đến khi nó dường như giúp cho họ thấy được sự vinh quang của Ngài. Khi vươn lên tới đấng Ishvara, họ có thể tôn thờ Ngài là Vishnu hoặc bất kỳ hóa thân nào của Vishnu. Họ có thể tôn thờ Ngài là Shiva, bậc đại đạo sĩ yoga, đấng Chủ tể Minh triết. Bấy giờ họ đã đạt được quan niệm về Đấng Nhất Như ẩn bên dưới vạn thù đang biểu lộ.
Bây giờ vì thời giờ gấp rút cho nên ta phải xét xem mọi điều này thể hiện ra sao trong sinh hoạt cá thể của linh hồn khi xem xét nơi ngoại giới qua những giai đoạn tiến hóa trong ba cõi, tôi dùng cụm từ sinh hoạt cá thể theo nghĩa trọn cả sinh hoạt của linh hồn từ khi nó bắt đầu trải nghiệm làm một hồn người, nghĩa là tạo lập được Kārana Sharīra [30] cho đến khi nó đạt tới Brahman và là phản ánh toàn bích của đấng thiêng liêng. Ấn Độ giáo chia sinh hoạt cá thể ấy ra thành bốn giai đọan lớn được biểu diễn bởi trật tự tứ bội của các giai cấp. Nơi đây ta có sự tiến bộ của hồn cá thể hết giai đoạn này sang giai đoạn khác. Trong Ấn Độ giáo với vai trò là chính thể kiểu mẫu của giống dân Aryen, linh hồn đã biến thành một bộ phận của cơ cấu tổ chức xã hội trong quốc gia, nhưng bất cứ nơi đâu mà linh hồn có thể tiến hóa được thì nó phải trải qua bốn giai đoạn xét về thực tại nội giới chứ không phải kiếp sống nơi ngoại giới. Người ta khiến cho Ấn Độ giáo biểu diễn sự tăng trưởng nội giới qua những hình tướng ngoại giới để cho con người có thể học được những sự thật tâm linh bằng cách nhìn thấy những bức tranh nơi ngoại giới. Ta hãy liếc nhìn chúng lần lượt để xem người ta dự tính cho linh hồn học điều gì trong mỗi giai đoạn, và môi trường xung quanh đã được thích ứng ra sao với cuộc tiến hóa thăng lên. Giai đoạn thấp nhất là Thủ đà la (Sūdra) khi có ít nghĩa vụ ngoại trừ bổn phận vâng lời và phục vụ. Giai đoạn kế tiếp là Thương nhân (Vaisya) trong đó người ta được phép có của cải, được khuyến khích thu gom của cải và linh hồn phải có tính vị tha trong việc sở hữu của cải; việc sử dụng của cải đúng đắn để phục vụ là bài học của giai cấp này. Rồi tới giai đoạn thứ ba Sát đế lị (Ksattriya) khi người ta coi chính mạng sống là sự hi sinh chứ không chỉ là của cải vật chất mới được hiến tế. Cuối cùng là tới giai cấp Bà la môn, trong đó không một điều gì mang tính phù du có khả năng thu hút y và linh hồn ngụ trong cơ thể cuối cùng trên trần thế. Vượt ngoài bốn giai cấp, khi người ta đã trải qua bốn giai cấp này và học hết bài học của chúng thì ta có Samnyāsin, vốn không có giai cấp, không sử dụng nghi thức, nghi lễ, lửa thiêng, không sử dụng bất cứ điều gì thuộc về kiếp sống thoáng qua – đó là vị Samnyāsin trong tâm hồn chứ không nơi bộ quần áo khoác bên ngoài. Y thoát ly hoàn toàn khỏi phàm ngã đến nỗi khi người ta chào y thì chỉ nói “Namo Nārāyanāya”, nghĩa là ca tụng Thượng Đế nơi y thay vì chào mừng hình tướng bên ngoài.
Hệ thống giai cấp tạo nên cơ cấu tổ chức chính thể của quốc gia; khi được biểu diễn công truyền giáo lý tâm linh làm nảy sinh ra trật tự gồm bốn giai cấp.
Kế đó là phải liếc nhìn vào sinh hoạt phàm nhân nghĩa là sinh hoạt diễn ra trong ba cõi thông qua một chu kỳ sống của phàm nhân một thời kỳ trong mỗi cõi. Ta lại có sự sống biến thiên theo trình độ mà cá thể đạt được nghĩa là theo trình độ trong trọn cả sinh hoạt của linh hồn. Trong giai đoạn sơ khai, y chỉ có sinh hoạt đơn thuần bằng các giác quan với một chút hạ trí và y sẽ mất nhiều thời gian trong Bhuvar-loka, ít thời gian trong Svarga-loka. Khi y tiến bộ về mặt trí thức thì việc ở lại Bhuvar-loka sẽ ngắn bớt đi, còn việc cư trú ở Svarga-loka sẽ dài hơn; các ham muốn của y có bản chất đơm hoa kết trái chủ yếu nơi cõi cao. Ta hãy xét một trường hợp còn cao cấp hơn nữa để chứng tỏ sinh hoạt trần thế trong giai đoạn cao nhất trước khi người ta thực hành yoga chân thực, sống sao cho làm giảm thiểu sinh hoạt nơi Bhuvar-loka và kéo dài sự cực lạc nơi Svarga-loka.
Sinh hoạt phàm nhân trên trần thế được chia thành bốn giai đoạn tức Āsramas. Trước hết là sinh hoạt của học viên khi có thể nói là y ôn luyện trong cơ thể mới đủ mọi đức tính mà y phải học tập trong cuộc tiến hóa vừa qua khi y thuộc về giai cấp Thủ đà la: vâng lời, giữ kỷ luật, kính cẩn, tinh khiết, siêng năng, làm tròn bổn phận với thượng cấp, đây là những biểu hiện của sinh hoạt cần thiết đối với học viên Ấn Độ giáo, tức là giai đoạn đầu tiên trong sinh hoạt phàm ngã. Rồi tới giai đoạn thứ nhì lập gia đình, con người sống như một công dân, làm chồng làm cha trong một gia đình, chu toàn bổn phận đối với quốc gia cũng như đối với gia đình. Đây là giai đoạn thứ nhì, là trường học của đức tính vị tha được thấu suốt qua tôn giáo. Y phải thi hành mỗi ngày năm buổi hiến tế, hiến tế cho chư Thần linh, cho các Pitris, cho các Rhisis, cho loài người và cho loài thú – chu toàn bổn phận hằng ngày là vị tha, từ thiện. Vậy là người ta đã trả mọi món nợ cho giới vô hình cũng như giới hữu hình và chu toàn đủ thứ nghĩa vụ hằng ngày. Có thêm những nghi lễ đặc biệt đánh dấu mọi biến cố trong gia đình, những nghi lễ liên quan tới sinh hoạt trước khi ra đời của một đứa trẻ, các nghi lễ lúc ra đời, nghi lễ kết hôn, nghi lễ lúc chết, nghi lễ sau khi chết tiếp dẫn linh hồn sang thế giới vô hình – tất cả những thứ này được đề ra là cơ cấu tổ chức tâm linh mà linh hồn phải phát triển bên trong đó. Lý tưởng cao quí nhất của sinh hoạt hôn nhân đã từng được ban cho thế gian thể hiện qua Ấn Độ giáo khi vợ chồng kết hợp với nhau do ái lực tâm linh hơn là do ham muốn xác thịt. Họ cùng nhau chịu ràng buộc trong một cuộc hôn nhân không thể bị xóa bỏ, kết hợp với nhau để phát triển tâm linh, để tăng trưởng tâm linh. Người chồng không thể thực hiện nhiều nghi lễ tôn giáo mà không có người vợ vì người vợ là Sisyā, đệ tử của người chồng; chồng vừa là Sư phụ vừa là phối ngẫu. Ta hãy xem sinh hoạt diễn ra bên trong gia đình, mối quan hệ hay ho giữa con với cha, con với mẹ, anh chị em với nhau và v v . . .; tất cả đều được đề ra một cách cẩn thận và có phân biệt, luôn luôn nhắm tới một ý tưởng duy nhất, tức phát triển đức tính mới chớm nở là bác ái tâm linh nơi con người. Thế rồi người ta cứ khăng khăng nói tới những đức tính đạo đức thường xuyên đề cao trong kho tài liệu cao cả vốn quen thuộc với mọi gia đình, đề cao những lý tưởng cao thượng nhất theo đó con người sống cuộc đời tầm thường như bao người khác nhưng vẫn là kịểu mẫu cho đức tính cao quí nhất vì biểu diễn chính cái sự thanh khiết cao siêu nhất và sự công chính trong sinh hoạt. Có kho tài liệu nào cung cấp để rèn luyện cho những tâm hồn còn non trẻ những gương mẫu cao siêu hơn để người ta noi theo trong mọi bộ môn của sinh hoạt nhân loại hay chăng? Liệu con gái của bạn có những gương mẫu nào hay hơn (chẳng hạn như xét về tình yêu của người vợ) so với Sītā và Sāvitrī hay chăng? Liệu họ có thể đạt được sự hiểu biết nào mang tính linh hứng cao cả hơn các gương mẫu của Gārgī và Maitreyī ? Liệu bạn sẽ tìm thấy các loại hình nhân loại nào vĩ đại hơn, hoàn hảo hơn trong mọi tình cảnh sống khác nhau hay chăng? Nếu bạn xét tới những gương mẫu về đức hạnh thì bạn liệu có kiếm ở đâu ra được một bộ ba nào cao quí hơn ba anh em Rāma, Laksmana và Bharata hay chăng? Liệu bạn có tìm thấy ở nơi đâu phác họa tuyệt vời hơn về lòng tận tụy anh em, tình thương đối với anh em và việc phục vụ cho anh em hay chăng? Liệu bạn có tìm thấy một tình thương nồng nhiệt nào giữa vợ chồng hơn mức giữa Rāma và Sītā hay chăng? Liệu bạn có tìm thấy gương mẫu cao cả của sự thăng bằng tuyệt vời về tâm trí, kiên nhẫn và thanh thản hơn nhà cai trị bị lưu đày Yudhisthira hay chăng? Liệu bạn có thể tìm thấy nơi đâu bổn phận được nhập thể hoàn hảo hơn Bhisma hay chăng khi ông nằm trên bàn chông và tuôn ra minh triết thiêng liêng nhất cho những sinh linh non trẻ hơn bu xung quanh mình? Thế là huấn điều và gương mẫu đã rèn luyện linh hồn, thế là linh hồn đã được dẫn dắt từng giai đoạn một trong việc thực hành hằng ngày. Rồi tới hai giai đoạn cuối cùng trong cuộc đời, khi người ta đã làm tròn các bổn phận gia đình – khi sống trong rừng, vợ chồng mang theo mình ngọn lửa gia đạo vốn đã được thắp sáng vào lúc họ kết hôn và để sống ở đó một cuộc đời chiêm niệm an bình xa rời trần thế, bỏ mặc những đứa con đã trưởng thành thực thi bổn phận của quốc gia và gia đình; rồi tới giai đoạn cuối cùng ẩn dật, tu khổ hạnh khi linh hồn bị bỏ mặc cho đối diện với đấng Brahman. Đó là sinh hoạt theo thứ tự và lũy tiến, tự chế và đầy đủ tư cách ngõ hầu rèn luyện và phát triển linh hồn cho tới khi mở ra trước mặt nó ba con đường tức Mārgas, việc thực hành yoga bắt đầu trong hai giai đoạn sau này của các kiếp sống trước đó.
Chúng ta đã đạt tới phần ba trong đề tài này là khoa học về yoga, đường lối giúp cho con người đẩy nhanh được cuộc tiến hóa, bành trướng tâm thức và vươn lên hiệp nhất với Đấng Tối Cao. Yoga là giai đoạn cuối cùng trong một cơ tiến hóa mà người ta kiên nhẫn bước trên đó khi càng ngày càng nhận ra được mục tiêu, bắt đầu từ việc thờ cùng các vị Thần linh hạ đẳng [31] thông qua bốn giai cấp, thông qua bốn āsramas mãi cho tới khi trực tiếp rèn luyện để giải thoát linh hồn ra khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Như ta vừa mới nói, có ba con đường và mỗi con đường có khoa yoga riêng của mình. Karma Mārga với giai đoạn cuối là Karma Yoga; Jnāna Mārga kết thúc bằng Jnāna Yoga; Bhakti Mārga tận cùng bằng Bhakti Yoga [32]. Đối với cả ba thì điều kiện tiên quyết cốt yếu là phải chế ngự được các giác quan và kiểm soát được cái trí, nhưng những phương pháp hoàn thành những mục tiêu này lại khác nhau tùy theo con đường.
Trong Karma Mārga, người ta học cách thường xuyên thực hành sinh hoạt hằng ngày; ở nhà y thực hành việc kiềm chế các giác quan tức là xả thân, hi sinh bản thân; y kiểm soát được cái trí qua việc tham thiền hằng ngày, làm việc chính xác và cần cù, dùng những cơ hội thường xuyên để duy trì sự định trí và thăng bằng giữa những cơn đãng trí và trong cơn lốc sinh hoạt phàm tục của loài người. Khi trải qua bao nhiêu kiếp cố gắng như thế y đã dọn mình được thì y bắt đầu Karma Yoga trong đó y học cách hành động coi đó là bổn phận chứ không ham muốn kết quả (điều này gọi là “từ bỏ kết quả của hành động”). Y hoàn thành mọi bổn phận với lòng trung kiên đầy lương tâm nhưng y không mưu cầu kết quả từ đó, y từ bỏ mọi kết quả. Cuối cùng y thực hiện mọi hành động đó hiến dâng lên Đấng Tối Cao, động cơ thúc đẩy duy nhất của y là thi hành ý chí của Đấng Ishvara. Nhờ đó mặc dù y sống trên thế giới y không bị dính mắc và vì trong thâm tâm không dính mắc cho nên y là kẻ lang thang. Nhờ đó y mới xây dựng được “túp lều” của mình để có một nơi cô tịch nhằm tham thiền. Nhờ đó y mới thực chứng được “Tự Ngã” thuần túy và việc nó hiệp nhất với mọi Tự Ngã khác, y mới trở thành một Hamsa. Nhờ đó y mới vươn lên khỏi Tự Ngã và trở thành Parama- hamsa [33]. Nhờ từ bỏ và hi sinh y đã diệt được Ahamkāra [34], khi Ahamkāra bị diệt thì bức màn che khuất mắt y rớt xuống và y thành tựu được Jnāna và Bhakti vì cứu cánh của ba con đường chỉ là một.
Đối với Jnāna Mārga thì con người phát triển trí năng bằng cách đeo đuổi việc nghiên cứu trải qua nhiều kiếp cho đến khi y đạt tới mức bắt đầu nhàm chán kiến thức suông và mưu cầu chân lý thường trụ vì mọi kiến thức chỉ là tia sáng khúc xạ yếu ớt của chân lý. Thế rồi y phải phát triển Viveka tức là sự phân biện giữa điều thực và điều không thực; Vairāgya tức là việc nhận chân điều không thực; Satsampatti tức là sáu đức tính của cái trí – Sama là kiểm soát cái trí, Dama là kiểm soát thân xác, Uparati là khoan dung rộng lượng, Titiksā là nhẫn nhục, Sraddhā là tin tưởng, Samādhāna là quân bình; y cũng phải có Mumuksā tức là lòng khao khát giải thoát khỏi điều phù du và thế rồi với mọi đức tính này y mới là Adhikārin, kẻ xứng đáng được khai tâm vào khoa yoga [35]. Bây giờ y mới theo khoa Jnāna Yoga và vì phân biệt được sự vô giá trị của điều vô thường cho nên y trở thành Parivrājaka, kẻ lang thang không bị dính mắc do ham muốn, kẻ xuất gia. Nhờ vào tầm nhìn sâu sắc hơn, y mới nhận thức ra điều thường trụ và dựa vào đó là nền tảng vững chắc của mình để trở thành Kuticaka, tức là kẻ ở trong túp lều, ở nơi trú dưỡng an toàn duy nhất. Bấy giờ y mới cảm nhận rõ ràng được ngã thức, nhận thức được “Tư Ngã” và thấy được cũng Tự Ngã ấy ở nơi những người khác, tức là giai đoạn Hamsa. Khi vượt lên trên nó vì linh nhãn đã được soi sáng và tâm thức đã được bành trướng thì y trở thành Parama-hamsa, vượt ra ngoài Tự Ngã và nhận thức được “Tôi là Ngài”.
Bhakti Mārga là con đường dành cho linh hồn nào có lòng luyến ái đối với một khía cạnh đã biểu lộ nào đó của Thượng Đế và những giai đoạn sơ khai của nó là tận tụy sùng tín, yêu thương sâu sắc và kính cẩn. Dần dần thì linh hồn tiếp thu được những đức tính mà mình tôn sùng, trở thành cái mà mình thờ phụng. Việc không dính mắc đạt được qua sự từ bỏ trong Karma Mārga, đạt được do sự phân biện trong Jnāna Mārga thì ở con đường này người ta đạt được nó bằng cách trục xuất mọi sự vướng mắc hạ đẳng qua việc chỉ duy nhất dính mắc vào với Chúa; nhờ có tình thương nó chinh phục được mọi ham muốn thấp hèn và những ham muốn ấy tàn lụi đi vì thiếu cấp dưỡng. Sự hi sinh là một hành vi đầy hoan hỉ do lòng sùng tín, người ta bước qua mỗi một trong bốn giai đoạn bằng tình thương; trong mỗi giai đoạn nó đều là phương tiện chủ động để thành tựu cho tới khi tình thương vốn tôn sùng tìm thấy được đối tượng để tôn sùng bèn ôm ghì lấy đối tượng ấy và cảm thấy mình hòa lẫn vào sự đơn nhất hoàn toàn đối với đối tượng được mình yêu thương.
Thật ra ba con đường hòa lẫn vào nhau và trong các giai đoạn cao cấp thì ta không tách rời con đường này ra khỏi con đường kia vì đạo sĩ của Karma Yoga cũng đầy lòng Bhakti, và cũng nhờ sự hi sinh y đã tiêu diệt được Ahamkāra, do đó trở nên hoàn toàn minh triết. Mỗi tu sĩ của Jnāna Yoga và Bhakti Yoga đều tiếp nhận các đức tính của khoa Yoga khác. Trong tâm hồn của tu sĩ Bhakti thì minh triết nảy sinh hồn nhiên, còn trong tâm hồn của tu sĩ Jnāna thì Bhakti đơm hoa kết trái là kết quả tất yếu của thấu thị.
Trong những giai đoạn sau này trên mỗi con đường, ngay khi cần tới sự giúp đỡ của Sư phụ thì Sư phụ bèn xuất hiện để dẫn dắt linh hồn; con người trở thành một śişya, một chela [36]. Sư phụ không đến với kẻ chưa chuẩn bị, chưa sẵn sàng, mặc dù sự sốt ruột của con người thường kêu gào đòi hỏi Ngài có mặt, mà khi nếu Ngài có mặt thì chẳng ai buồn đếm xỉa tới. Ngài dẫn dắt linh hồn qua những giai đoạn sau này, giúp đỡ điều chỉnh mỗi khi cần thiết, giúp nó khai mở những năng lực riêng, triển khai những tiềm năng thiêng liêng bên trong, vậy là đẩy nhanh quá trình tiến hóa của nó cho đến khi đạt được sự thành tựu. Lúc bấy giờ đến lượt đệ tử trở thành linh hồn được giải thoát, sẵn lòng và thích hợp để giúp đỡ cho những kẻ chậm tiến hơn tiến lên. Ngài trở thành Jivanmukta [37] vẫn còn sống trong thể xác, là cầu nối giữa loài người sinh hoạt trên cõi trần với loài người chú trọng tới tính linh, Ngài là một kênh dẫn tình thương và sức mạnh của Thượng Đế tới cho con người. Hoặc Ngài có thể trở thành Videhamukta [38] sống trong thế giới vô hình, vẫn còn phụng sự cho Đấng Nhất Như, vẫn còn thi hành chủ đích của Thượng Đế, phụng sự theo những đường lối khác như là kênh tiếp dẫn sự sống tâm linh đến cho con người. Những đấng đại hùng này trả nợ cho Sư phụ mình bằng cách phục vụ cho các đệ tử hiện tại và tương lai, cũng giống như các Ngài tiếp nhận sự giác ngộ của chính mình từ các bậc Sư phụ đã được phát triển trong quá khứ. Thế là hết vũ trụ này nối tiếp vũ trụ kia, mỗi vũ trụ trợ giúp vũ trụ hậu bối của mình cho đến khi tư tưởng của ta hết đường diễn tả và năng lực của con người chìm xuống không thể bay vút lên được nữa.
Đó là cách diễn tả ngắn gọn và bất toàn nhất, đó là tôn giáo đã được lập nên từ thời xa xưa vô thủy và được các bậc Rishis trao truyền. Đó là tôn giáo của bạn, những người đang kế thừa quá khứ, dòng dõi các Đấng đại hùng! Chừng nào bạn còn sống trong tôn giáo ấy thì bạn còn thật sự là thừa kế của các Ngài. Chừng nào bạn còn thấy điều này quí báu và thực hành theo nó thì bạn còn đang học bài học tiến hóa do các Ngài giảng dạy và do các Ngài giáo huấn cho mọi người; chừng đó bạn vẫn còn lợi dụng được những cơ hội lớn lao hơn các cơ hội được dành cho bất kỳ quốc gia nào khác; những cơ hội mà nếu bạn bỏ qua thì bạn ắt nuối tiếc khi gặp phải những tình huống kém thuận lợi hơn trong nhiều kiếp vị lai.
-------------


[1] Tri thức
[2] Nghĩa đen là “các chi nhánh của kinh Phệ Đà”.
[3]Mundakopanisad, II. 2, 10.
[4]Brhadāranyakopanisad, I. 1.1.
[5] Māyā là điều hão huyền, tất cả những gì biến đổi, phù du trái với Thực tại thường trụ, Sự Sống bản thể Nhất Như. Vì vậy nó là gốc rễ của vật chất, vật chất vốn là điều khoác lấy hình tướng và thích ứng với những xung lực của sự sống mà nó khoác lấy. Vô minh tức việc không hiểu biết là một tên gọi khác dành cho nó.
[6] Sách đã dẫn, IV, 18, 19, 20.
[7] Như trên, V, 1.
[8] Ishvara là Chúa, là Đấng Brahman trên cương vị cội nguồn của vũ trụ và quyền năng dẫn dắt vũ trụ. Māyā xem ở trên.
[9]Chāndogyopanisad, VI, 14.
[10]Svetāsvataropanisad, I, 14-19.
[11] Như trên, IV, 16.
[12] Đó là Trái đất, Kāma-loka tức Trung giới, Devachan.
[13]Brhadāranyakopanisad, IV, 4,5,7.
[14]Chāndogyopanisad,III, 14.1.
[15] Tâm thức là một đơn vị nhưng nó có thể hoạt động ở trạng thái Jāgrat nghĩa là ở trong thể xác trên cõi Bhūr-loka;hoạt động ở trạng thái Svapna nghĩa là ở trong thể vía trên cõi Bhuvar-loka hoặc hoạt động ở trạng thái Suşupti nghĩa là ở trong thể trí trên cõi Svarga-loka. Vì thế cho nên Jāgrat được gọi là tâm thức tỉnh táo, Svapna được gọi là tâm thức ngủ mê, còn Suşupti được gọi là tâm thức ngủ không mơ. Các tên gọi bằng tiếng Việt có thể gây hiểu lầm nếu ta không hiểu rõ sự kiện này.
[16] Thể Vía và thể Hạ trí.
[17] Thể Thượng trí tức thể Nguyên nhân.
[18] Thể Bồ đề tức thể Toàn phúc.
[19]Svetāsvataropanisad, 6, 20.
[20] Ba thuộc tính của vật chất là Hài hòa (Thanh thản), Hiếu động (Náo động) và Ù lì (Quán tính).
[21]Mundakopanisad, II. 2,9.
[22]Brhadāranyakopanisad, IV, 5,6.
[23]Chí Tôn Ca, XII, 5.
[24]Chí Tôn Ca, III, 11.
[25] Ba ảnh tượng tức Tam vị nhất thể.
[26]Chí Tôn Ca,IX, 26.
[27] Như trên, IX, 23.
[28] Như trên, X, 39.
[29]Chí Tôn Ca, XI, 31, 46.
[30] Thể nguyên nhân (thượng trí) trường tồn trong suốt chu kỳ làm người.
[31] Các vị Thần linh hạ đẳng bao gồm các thực thể tinh anh bận rộn với những quá trình của thiên nhiên trên hai cõi thấp nhất.
[32] Con đường hành động, con đường minh triết và con đường sùng tín. Bất cứ ai thuộc về ba con đường này đều có thể thực hành và đạt đến đích nhờ vào khoa yoga tức việc hiệp nhất với Tự Ngã.
[33] Những giai đoạn này được mô tả dưới đây trong Jnāna Mārga.
[34] Ngã chấp, tính chia rẽ.
[35] Đây là những đức tính mà Sri Samkarācārya đòi hỏi trước khi cho phép người ta được nghiên cứu về Vedānta, vì nếu không có khoa yoga thì người ta không thể nhận thức được Vedānta.
[36] Một đệ tử hoặc một môn đồ.
[37] Linh hồn đã giải thoát.
[38] Đấng đã giải thoát nhưng không mang thân xác.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved