III
ÐỜI SỐNG CỦA CON NGƯỜI
TRÊN CÕI THƯỢNG GIỚI VÀ SAU KHI CHẾT
Nay chúng ta nói về đề tài thứ ba, có lẽ là đề tài hứng thú
nhất. Chúng ta sẽ nói đến cái Trí, cảnh giới của nó và sau khi chết
đi, cái Trí của con người sẽ ra sao. Chư huynh nhớ rằng trong bài diễn
thuyết đầu tiên tôi đã nói đến William Kingdon Clifford. Ông dùng danh từ
chất khí tư tưởng, ông Clifford thuộc về phái “Bất khả tri luận”
(Agnosticisme), ông còn có thể đi xa hơn thế nữa khi định nghĩa quan
niệm triết lý của mình. Ông không tin rằng lương tri con người còn sống
sau khi xác thân chết, nhưng ông nghĩ rằng cái lương tri cá nhân này sẽ
trở về cái đại dương lương tri của vũ trụ. Cũng giống như các nhà bác
học khác, ông luôn luôn thấy rằng mỗi khi sự sống hay sức mạnh biểu
lộ ra thì có ngay một hình hài bằng vật chất dùng để làm vận cụ
cho sức mạnh ấy sử dụng; vì vậy ông kết luận rằng vì tư tưởng là
một hiện tượng hiển nhiên không sao chối cãi được trong thế giới chúng
ta thì tất nhiên phải có một loại vật chất riêng biệt, ứng đáp với
tư tưởng, nó có công dụng như là một hoạt động trường của tư tưởng
và ảnh hưởng đến thế giới chúng ta. Cách lập luận này không vượt
mức giới hạn của khoa học thường; nhưng nó không đi xa được nữa. Vậy
ông nghĩ rằng trí khôn có thể tự biểu lộ qua chất khí tư tưởng cũng
giống như những làn sóng dĩ thái tiếp xúc với thị giác, những làn
sóng của không khí mang đến lỗ tai những rung động gọi là âm thanh. Dù
chư huynh cùng với chúng tôi coi tinh thần con người như là một Trí khôn
bất sinh bất diệt, hay là coi nó là một sự biểu hiệu nhất thời của
lương tri, khi mà chúng tôi cho rằng có một loại vật chất tương ứng
với Trí khôn đó, cũng như con mắt ứng đáp với ánh sáng, và lỗ tai
ứng đáp với âm thanh thì chắc chắn chư huynh không cho chuyện đó vô lý.
Theo chúng tôi hiểu thì cái Tinh Thần bất sinh bất diệt của chúng ta,
hay là cái Tinh Thần vô thủy vô chung, muốn tiếp xúc với những Cõi Hạ
Giới, phải lấy vật chất của những cõi đó đặng bao mình. Như chúng ta
đã thấy trong kỳ hội họp đầu tiên, Tinh thần hiện ra như là Ý chí,
Minh triết và sự Hoạt động Sáng tạo, cũng giống như thế, Tinh thần
phải mượn Vật chất của ba cõi, Thượng Giới, Trung Giới và Cõi Trần,
đặng làm cõi ba lớp áo khoác lên mình thì mới có thể biểu lộ ra
được. Tôi nói: ba cõi hay ba cảnh giới, đây là cái điểm duy nhất mà
tôi xin chư huynh hãy chấp thuận như một giả thuyết thôi, mỗi cảnh giới
này đều khác biệt với những cảnh giới kia do kiểu mẫu của hạt nguyên
tử căn bản của nó. Dĩ nhiên khoa học người đời không công nhận điều
này. Chúng tôi chủ trương rằng những chất đặc, những chất lỏng hay
những chất hơi – chúng tôi còn nói thêm cả chất dĩ thái nữa – chỉ là
những sự phối hợp của nguyên tử căn bản Hồng Trần; cũng giống như
thế, ở Cõi Thượng Giới và Cõi Trung Giới, hạt nguyên tử căn bản của
mỗi cõi tạo thành mọi sự phối hợp; những trạng thái vật chất khác
nhau chỉ vì tại hạt nguyên tử căn bản ấy xếp đặt theo nhiều kiểu
khác nhau mà thôi. Ðã biết những trạng thái vật chất trong Cõi Trần
dưới những hình thức chất đặc, chất lỏng, chất hơi, chư huynh có thể
tưởng tượng ra những trạng thái đó trong Cõi Thượng Giới và Trung
Giới và nghĩ đến một thế giới do chất khí tư tưởng lập thành, nơi
đó tư tưởng tự biểu lộ.
Trong ba cảnh giới này, hai cảnh giới đóng kín lại đối với
chúng ta, nghĩa là chúng ta không nghĩ thấu được những hiện tượng của
chúng nó. Do khối óc, ta chỉ biết được một cảnh giới mà thôi, nhưng
lương tri của ta tác động khắp cả ba cảnh giới. Vật chất thanh bai tế
nhị nhất cũng có thật như vật chất dày đặc nhất. Tôi xin các bạn Ấn
Ðộ đừng bàn cãi bây giờ về danh từ “có thật” này. Tôi không nói theo
khoa siêu hình học. Nhưng chư huynh hãy nhớ rằng, trong Cõi Trần của
chúng ta, chính nhờ cái vật chất thanh bai tế nhị này mà lương tri
tiếp xúc được với ngoại giới. Chư huynh sẽ nói: Ðược rồi, như vậy là
đúng lắm. Chúng tôi xin đồng ý với bà rằng chúng ta mà nghe được là
nhờ những làn rung động của không khí mà lúc bình thường chúng ta
không trông thấy được và những làn sóng dĩ thái giúp cho ta thấy
được, mặc dù đối với chúng ta, chúng nó vẫn vô hình. Nhưng bà lại
nói rằng còn có những loại vật chất khác di chuyển những sự hiểu
biết riêng biệt đến lương tri. Xin chư huynh hãy biết rằng khối óc chư
huynh đang tiến hóa, khối óc này chưa được hoàn thiện, nó đang phát
triển, nó chưa được đầy đủ. Chư huynh đã làm phát triển cơ quan của
ngũ giác trong xác thân và lương tri, đã sử dụng chúng để tiếp xúc
với ngoại giới; cũng giống y như thế, bây giờ chư huynh phải làm phát
triển trong khối óc hai cơ quan của đời sống tương lai, chúng sẽ giúp
cho lương tri của con người, khi thức tỉnh và đang làm việc trong khối
óc, biết được các hiện tượng của Cõi Trung Giới và của Cõi Thượng
Giới. Dĩ nhiên là quan niệm này không phù hợp với quan niệm của khoa
học ngoài đời nhưng sự hiểu biết của chúng ta về đề tài này đã
được tăng trưởng đôi chút trong những năm gần đây. Hai cơ quan mà người
ta rất ít chú ý đến là hạch mũi (corps pituitaire) và hạch óc tùng
quả tuyến (glande pinéale). Những khảo cứu về hai hạch này khiến cho
ta biết rằng tùng quả tuyến có phát tiết ra một chất ở bên trong và
hạch mũi trong vài trường hợp làm cho xác thân nảy nở một cách bất
thường. Các nhà bác học cũng nhìn nhận rằng nếu người ta uống rượu
thì hơi rượu sẽ theo những lỗ hỏng bên trong mà bốc lên đến hạch mũi,
đầu độc hạch này rất nhanh và rất nặng. Ðó là tất cả những gì mà
khoa học đã nói về vấn đề này.
Còn chúng tôi, thì chúng tôi xin
nói rằng nhớ hạch mũi chúng ta biết được những hiện tượng của Cõi
Trung Giới. Trong tương lai, hạch này sẽ là cơ quan truyền đạt sự hiểu
biết về những hiện tượng của Cõi Trung Giới đến lương thức con người
khi y thức tỉnh. Do kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi cũng biết rằng nếu
người ta cố gắng phát triển Thần nhãn và những giác quan khác thuộc
Cõi Trung Giới, thì phải đề phòng cẩn thận, vì khi bắt bộ phận này
của khi óc phải cố gắng nhiều quá, người ta có thể làm cho hạch mũi
sưng lên [13], bệnh này
rất khó chữa, không dễ dàng gì mà chữa khỏi hẳn được. Tôi chỉ nói
điều này để chỉ rõ sự liên quan, còn chư huynh muốn suy luận cách nào
cũng được.
Theo ý kiến chúng tôi, hạch óc (tùng quả tuyến) có nhiệm vụ
làm cho khối óc tiếp xúc với Cõi Thượng Giới. Những sự sưu tầm ra
mới đây thật là hữu ích về vấn đề này. Một nhà thần kinh học danh
tiếng người Đức, ông Von Frank Hachwart đang tìm học nhiệm vụ của tùng
quả tuyến. Ông nói rằng: tuy ông chưa đưa ra được một điều gì rõ ràng
minh bạch, nhưng ông chắc chắn rằng có một sự liên quan giữa cơ quan
này và cái trí của con người . Có một hiện tượng sinh lý mà người ta biết rõ,
đó là vài ba chất do hạch đó tiết ra không thấy có ở trong khối óc của
một đứa trẻ sơ sinh, hay của một người già hoặc của một người ngu.
Người ta chỉ thấy những chất này trong óc của một người chết đi trong
lúc trí khôn của y đang hoạt động. Ðó chỉ là một dấu hiệu – tôi không
dám nói đó là một sự gì khác hơn là một dấu hiệu – mở đường khai
lối cho những sự nghiên cứu vị lai. Và tôi không ngần ngại gì mà nói
rằng – cũng như trước kia tôi đã nói nhiều lần, quan niệm của những
người có Thần nhãn và những người Thần bí sau này sẽ được khoa học
vị lai chấp thuận. Tôi không nhấn mạnh thêm nữa.
Vậy vấn đề này sẽ được giải quyết trong tương lai khi nào lương
tri ta đang thức tỉnh mà cũng biết về những cảnh giới vô hình. Tôi xin
nói quả quyết với chư huynh rằng người ta có thể có được Thần nhãn
bằng cách cảm đến những cơ quan đó ở trong óc, đồng thời phải tham
thiền trong một thời gian khá lâu. Một số người, ở ngay đây và ở cả
nơi khác nữa, đã phát triển cái khả năng biết được và nhận xét
được, trong khi thức tỉnh, những hiện tượng của Cõi Thượng Giới và
Trung Giới. Tôi cũng xin nói với chư huynh về những người Thần bí khi
đề cập đến một buổi diễn thuyết rất hay do vị Tu viện trưởng nhà
thờ Saint Paul thuyết trình, chư huynh có thể đọc bài tường thuật trong
nhật báo Times, báo này bình luận đôi ba nghi vấn được nêu
lên.
Theo quan niệm của chúng tôi, cái Trí, hay là cơ quan của trí
khôn trong xác thân ta, là do chất Thượng Thanh Khí cấu thành, và tư
tưởng có nhiệm vụ tổ chức nó. Chư huynh càng tập luyện tư tưởng của
mình, thì cái Trí của chư huynh càng được tổ chức chu đáo. Cái công
việc sáng tạo của tư tưởng ảnh hưởng về phương diện vật chất đến
khối óc, về phương diện trí thức nó làm cho trí khôn mở mang, về
phương diện luân lý đạo đức thì nó đào tạo tính tình. Chư huynh hãy
nhớ rằng chúng ta nói đến một phần ảnh hưởng của Năng lực Sáng tạo
thiêng liêng, sự hoạt động của ngôi thứ ba của Ðức Thượng Ðế, Ngài đã
sinh hóa các thế giới. Tinh thần chư huynh, Trí khôn chư huynh đối với
chư huynh, thì cũng giống như Tinh thần Sáng tạo thiêng liêng đối với
một vũ trụ, đó là cái khả năng sáng tạo duy nhất để chư huynh sử
dụng, nhờ quyền lực đó mà chư huynh có thể tự cải tạo khối óc đến
một mức độ nào đó, tự cải tạo rất nhiều trong phạm vi trí khôn, và
tự cải tạo hoàn toàn trong phạm vi đức hạnh. Quyền lực này ở nơi chư
huynh, chư huynh chỉ cần phải học cách sử dụng nó. Tôi sẽ rán chỉ cho
chư huynh con đường phải theo nó và làm cho huynh thấy rằng quyền lực
này là một Ðịnh luật của Thiên nhiên.
“Con người nghĩ
đến điều gì thì y sẽ trở nên điều đó”. Câu này là một đoạn văn có
trong Upanishads Ấn Ðộ mà đa số chư huynh đều biết. Salomon, vị vua Do
Thái cũng diễn tả tư tưởng ấy như sau đây: “Con người nghĩ đến điều
gì thì y chính là điều đó vậy”. Chư huynh muốn nói theo câu châm ngôn
của nhà hiền triết Ấn Ðộ hay nhà hiền triết Do Thái điều này không
quan hệ gì, cả hai vị đều dạy một định luật của thiên nhiên ngày nay
thường bị lãng quên quá nhiều.
Về phần khối óc, tư tưởng có tính cách sáng tạo ảnh hưởng
đến nó và kích thích nó phát triển. Chư huynh hãy lấy một cuốn sách
hay dạy về cơ thể học và hãy học về cách cấu tạo của khối óc. Chư
huynh sẽ thấy rằng khối óc của một đứa trẻ thì tương đối bóng láng
nhẳn nhụi, khối óc của nhà tư tưởng chết đi trong lúc đứng tuổi thì
có rất nhiều những nếp răn, những làn xoay vần gọi là não hồi. Và
nếu chư huynh đọc một cuốn sách về sinh lý học chứ không phải cuốn
sách cơ thể học, chư huynh sẽ thấy rằng khối óc có một số tế bào
lớn có cái hột nhưng mà số tế bào này tương đối ít ỏi. Ở trong óc
của một trẻ sơ sinh thì những tế bào này triệt để rời xa nhau ra. Sau
khi trẻ đã lên bảy tuổi rồi thì chúng bắt đầu nối liền với nhau
bằng những cái cuống từ những tế bào đó đâm ra. Khi tư tưởng phát
triển, khi đứa trẻ bắt đầu lý luận, phán xét, so sánh thì trí khôn
tác động trên khối óc là khí cụ của tư tưởng, nó kích thích sự tăng
trưởng của cái óc và biến đổi những tế bào của cái óc. Những tế
bào này đâm ra những rễ nhỏ. Những rễ này tiếp hợp với nhau và dần
dần tạo thành một thứ lưới nối liền tất cả những tế bào lại với
nhau. Những tế bào này không tăng số lượng, nhưng chúng trở nên to lớn
hơn và các rễ nhỏ cứ càng nhiều mãi ra. Khi nhờ sự lập luận mà trí
khôn của đứa trẻ càng ngày tiến tới thì chất của cái óc nở ra, và
dụng cụ của tư tưởng thành hoàn hảo hơn. Vì vậy, nhiều y sĩ kết
luận rằng nên tìm cách phát triển khiếu quan sát nhận xét hơn là
khiếu lập luận ở một trẻ em dưới bảy tuổi; cũng không nên bắt em này
phải có một trí khôn quá lớn, vì não tủy của nó chưa được phát
triển đầy đủ. Như vậy, chư huynh thấy rằng, tư tưởng hoạt động có
tính cách sáng tạo ảnh hưởng đến cả cái khối óc cứng rắn làm toàn
bằng vật chất hồng trần dày đặc.
Nay chúng ta
hãy nói đến tính nết. Tôi không hề có tham vọng rằng chư huynh đệ
đồng ý với tôi về vấn đề này. Tôi chỉ xin chư huynh tự mình làm thử
một thí nghiệm này để chứng minh rằng cái định luật mà tôi sắp nói
đến đây là có thật. Theo một định luật của Thiên nhiên, khi trí khôn
chú ý vào một đức tánh nào thì đức tánh đó sẽ dần dần thành một
phần tử của tánh nết mình; về sau đức tánh ấy biểu lộ ra một cách
tự động không khó nhọc chút nào. Vậy một người có thể tự ý mình
mà xây dựng tánh nết mình một cách thích đáng chỉ cần phải hành
động đúng với luật đó, tuân theo nó và kiên tâm trì chí tùy theo
những sự kinh nghiệm đòi hỏi.
Ðây là phương pháp phải theo. Chư
huynh hãy tìm hiểu tánh nết mình và chư huynh hãy ngừng lại ở một
nhược điểm của mình như thiếu thành thực, hèn nhát hay nóng giận, hay
là một tật xấu hay một thói xấu tệ hại nào đó. Khi chư huynh thấy
rằng mình thường sa ngã trước tật xấu xa đó, thí dụ một người làm
trái ý chư huynh thì chư huynh nổi giận, nếu chư huynh phải đương đầu
với một sự nguy hiểm thì chư huynh tỏ ra hèn nhát, nếu gặp một sự
khó khăn thì chư huynh lại nói dối để thoát thân; chư huynh hãy dẹp
mọi chuyện đó qua một bên và đừng nghĩ đến chúng nữa. Chư huynh hãy
nhấn mạnh vào cái tính tốt đối lập và đừng bao giờ nghĩ đến tật
xấu nữa. Mỗi khi cái trí trụ vào một nhược điểm nào thì nhược điểm
đó sẽ tăng trưởng, vì tư tưởng đã thêm sức cho nó; nó còn mãi thay
vì biến mất đi. Dầu chư huynh chỉ hối tiếc thôi thì sinh lực của tư
tưởng cũng khiến cho nhược điểm hóa ra mạnh mẽ; sự hối tiếc của chư
huynh tăng cường cho nhược điểm và làm cho nó bám chặt vào tính nết
mình. Hãy để nó lại ở phía sau . Ðừng bao giờ chư huynh để cho trí
mình ngưng lại nơi đó cả, dù chỉ trong một lát thôi, nhưng chư huynh
hãy nghĩ đến tính tốt đối lập lại. Chỉ thình lình nghĩ đến tính
tốt thì không đủ đâu. Mỗi sáng khi ngủ dậy, trước khi đi ra ngoài và
xen lẫn với người đời, chư huynh hãy định trí trong năm ba phút vài
tính tốt mà chư huynh muốn xây dựng, tùy theo cái sức chú ý của
mình. Mỗi sáng chư huynh hãy làm như vậy một cách kiên nhẫn, đừng
nghỉ một ngày nào cả; nếu không thì hình tư tưởng mà chư huynh muốn
có sẽ tan ra và huờn lại chất thượng thanh khí như trước. Rồi mỗi
ngày, một cách tự nhiên, chư huynh phạm vào cái lỗi mà chư huynh đang
tìm cách sửa chữa; chư huynh đừng lo chi điều đó; chư huynh cứ mỗi
buổi sáng tiếp tục định trí đi, chư huynh hãy tập trung tư tưởng vào
tính tốt mà chư huynh muốn có. Thí dụ chư huynh đang tìm cách hoạch
đắc tính kiên nhẫn, buổi sáng chư huynh nghĩ đến tính đó, trong ngày
hôm đó, nếu có ai làm cho chư huynh bực mình chư huynh sẽ đáp lại một
cách quạo quọ, nhưng trong khi đang trả lời, chư huynh bỗng nghĩ rằng:
“Ôi tôi muốn được kiên nhẫn biết bao.” Ðiều này không quan hệ gì cả.
Khi nào chư huynh đã tham thiền về tính kiên nhẫn được bốn năm ngày,
thì ngay khi những lời nói tức giận tự miệng chư huynh sắp thốt ra,
chư huynh tự nhũ: “Tôi muốn kiên nhẫn.” Chư huynh cứ tiếp tục một cách
bền chí, và chẳng bao lâu, cái tư tưởng kiên nhẫn sẽ hiện ra trước khi
câu trả lời sắc bén được thốt ra. Cứ bền chí mà tiếp tục như thế
đi, kết quả sẽ thu thập được nhanh hay chậm là tùy theo sự chú ý của
chư huynh, tùy theo quyền lực tư tưởng của chư huynh, nhưng chẳng sớm
thì muộn, tính hay tức giận sẽ biến mất và sẽ có tính kiên nhẫn
thay thế vào. Chư huynh sẽ nhận thấy rằng chư huynh tự động lấy sự
kiên nhẫn mà đáp lại sự khiêu khích, lấy sự dịu dàng mà đáp lại sự
tức giận. Chư huynh đã xây dựng nơi mình tánh tốt mong muốn. Chư huynh
có thể tham thiền nhiều cách, chư huynh tùy theo sự khéo léo của mình
mà tự phác họa cho mình một chương trình. Khi còn trẻ, tôi hay tức
giận nên một trong những phương pháp ưa thích của tôi là cố gắng làm
tượng trưng cho tánh kiên nhẫn; trong khi tôi tham thiền, chư huynh không
hề gặp một vị Thánh mẫu nào như tôi vậy. Dù ở ngoài giờ tham thiền,
tính tôi có thế nào đi chăng nữa, nhưng trong giờ tham thiền đó, tôi là
một người hoàn toàn triệt để, tuyệt đối kiên nhẫn. Trong trí, tôi
tưởng tượng xung quanh tôi có đủ những người đáng ghét, những người
đáng bực mình nhất mà tôi đã biết; rồi trong trí tưởng tượng, tôi
phác họa một cách quá đáng những cử chỉ khiêu khích của họ, và
cùng một lúc, tôi cũng tìm cách tăng trưởng tính kiên nhẫn của tôi
theo cái đà đó. Tôi tưởng tượng trong trí một tấn bi kịch nhỏ trong
đó người ta làm hết cách để chọc giận tôi, tôi trả lời những sự khiêu
khích đó như là một Griselda [14] kim
thời. Sau một thời gian, tôi nhận thấy rằng khi tôi gặp những người
đó, họ không còn có thể nào làm cho tôi nổi giận được nữa. Tôi tự
hỏi rằng: “Sao trước kia tôi lại cho họ là những người đáng ghét !”
Một cách vô tâm, nhờ những sự cố gắng của tôi tính kiên nhẫn đã trở
thành một phần tử cố hữu của hạnh kiểm tôi rồi. Mỗi người trong chư
huynh đều có thể làm như vậy. Chư huynh hãy làm thử coi, vì một kinh
nghiệm bé nhỏ do chư huynh làm còn có giá trị bằng một trăm bài diễn
thuyết được nghe trong sự ngờ vực, không tin là đúng. Vì định luật là
bất di bất dịch thì lẽ tự nhiên thế nào chư huynh cũng thành công.
Theo lối đó chư huynh có thể hoạch đắc hết tánh tốt này đến tánh
tốt nọ, cứ chú ý đến mỗi nét đặc biệt cho đến khi chư huynh thấy
rằng mình giống với lý tưởng của mình thêm được đôi chút, tuy bây giờ
chư huynh còn ở xa lý tưởng, nhưng rồi chư huynh cũng biết rằng mình
đang leo lên núi và lý tưởng ở trên đỉnh núi đang chiếu sáng rực rỡ
và vì thế cho nên chư huynh không chịu dừng lại nhịp bước ở chân núi.
Tôi không đủ thời giờ để đưa ra những thí dụ khác nữa.
Bây giờ chúng
ta hãy xem xét đến trí khôn. Nếu chư huynh muốn phát triển nó một cách
mãnh liệt, chư huynh phải suy nghĩ cho sâu xa, chư huynh đừng lo ngại vì
phải cố gắng suy nghĩ. Mỗi ngày chư huynh phải đọc dù chỉ trong nửa
trang thôi một cuốn sách khó hiểu để tập luyện trí thông minh của
mình làm cho nó thêm mạnh mẽ. Nhưng tham thiền là một phương pháp rất
tốt để phát triển cái Trí. Nhiều người trong chư huynh nghĩ rằng tham
thiền chỉ là một lối công phu có tính cách thuần túy tôn giáo. Dĩ
nhiên là có tính cách tôn giáo, vì tất cả những điều gì lành thiện
đều ở trong phạm vi của tôn giáo; nhưng ngoài cái giá trị tôn giáo
của nó ra, sự tham thiền còn có một giá trị lý trí nữa. Nó khiến
cho ta có thể tập trung tư tưởng, không để cho một vật phù du làm cho
ta lảng trí, lo ra, nếu không tham thiền, vật đó sẽ thu hút tất cả sự
chú ý của ta; nhờ tham thiền ta định trí vào một tư tưởng duy nhất và
không rời bỏ tư tưởng đó cho đến khi hoàn toàn hiểu thấu nó; đó là
kết quả của sự tham thiền, vừa hữu ích ở cõi trần này, vừa cần
thiết để chuẩn bị đời sống của ta ở bên kia cửa tử. Chư huynh chỉ cần
tham thiền mười hay mười lăm phút mỗi ngày, chư huynh sẽ thấy quyền năng
của tư tưởng mình được tăng cường. Sau khi tập luyện như vậy, những
đoạn sách mà chư huynh đã đọc mà chưa được hiểu lúc ban đầu, nay bỗng
trở nên rõ ràng dễ hiểu, vì con người có thể sửa đổi cái trí cũng
như có thể sửa đổi hạnh kiểm của mình. Khi chư huynh đọc sách với
mục đích phát triển trí khôn, thì chư huynh phải hiểu cho thấu đáo tư
tưởng của tác giả, nếu ta xem những câu văn được viết ra thì thật là
không đủ. Từ ngữ chỉ diễn tả được có phân nửa tư tưởng, và có khi
còn ít hơn thế nữa; nếu chư huynh đọc nhanh một cuốn sách, giở hết
trang này đến trang nọ, chỉ nhớ những điểm chánh thì trí khôn của chư
huynh sẽ không phát triển được bao nhiêu. Chư huynh hãy chọn một đề tài
khó hiểu và suy nghĩ vào một đoạn văn lâu hơn là khi đọc nó, điều
này sẽ giúp cho trí thông minh của chư huynh được phát triển; ngoài ra
chư huynh sẽ bỏ được cái tật xấu thông thường của thời đại hiện tại
là tự đem sự chú ý của mình chia sớt cho hàng chục đề tài khác
nhau, do đó mà chư huynh không hiểu biết một cách rõ ràng và sâu xa về
một điều gì cả; trí khôn phải làm chủ đề tài của nó nghiên
cứu.
Tư tưởng tạo cho trí khôn một thói
quen. Chư huynh có bao giờ để ý thấy rằng khi ta đọc những nhật báo
với các bài tường thuật ngắn nói về tin tức của mọi xứ trên hoàn
cầu thì tư tưởng của nó bị tản mát đi, không chủ định lại được.
Ngày nay ta cần đọc nhật báo; ta cần phải biết những gì xảy ra xung
quanh ta. Nhưng muốn trừ thói bay nhảy của cái trí, chư huynh phải có
một cuốn sách diễn tả một tư tưởng vững chắc và liên tục dù chư
huynh có rất ít thời giờ để đọc nó. Ðiều này sửa chữa cái thói
quen hay xao lảng của cái trí của chư huynh, một thói quen không sao
tránh khỏi được, nó phát sinh từ việc đọc hằng ngày những bài báo
ngắn. Bây giờ [15] ít
có tờ nhật báo nào đăng tải một bài đúng đắn, bắt ta phải suy nghĩ.
Những người bỉnh bút (biên tập viên) cố gắng tóm tắt đưa ra một ý
kiến rồi để cho độc giả truyền đi. Ít khi một cột báo trình bày cho
chúng ta một lý luận được chặt chẽ và liên tục, nhưng mỗi nhật báo
đều dành một cột cho những bài ngắn độ mười hay hai mươi hàng chữ.
Nếu người ta ưa thích những bài ngắn này hơn là những bài bắt buộc
ta phải suy nghĩ, thì đó là dấu hiệu của một sự kém học thức giống
như con bướm bay từ bông này đến bông khác, con người không thu thập
được một món ăn đầy đủ cho những ngày sắp tới. Vì chúng ta bắt buộc
phải đọc nhật báo nên chúng ta phải lấy sự tham thiền hay sự đọc
sách mà suy nghĩ sâu xa để bổ túc vào những điều bất lợi cố hữu của
sự thông tin của báo chí; như thế chúng ta sẽ không nhiễm cái thói
quen có hại là đi từ đề tài này sang đề tài khác, chúng ta sẽ không
phung phí sức lực trí não của mình, nếu không thì một khi chúng ta
cần đến sức mạnh đó, nó đã mất đi rồi.
Một thói quen
trọng hệ khác là sự làm chủ tư tưởng. Xin hỏi đã có bao nhiêu người
trong chư huynh đã làm chủ tư tưởng được, dù trong một mức độ nhỏ bé.
Cái Trí của chư huynh đã chẳng ngự trị chư huynh đó sao ? Muốn kiếm
bằng cớ về việc này thì thật là dễ dàng. Một sự lo lắng có làm
cho chư huynh mất ngủ chăng ? Nếu như vậy thì chính là cái Trí của chư
huynh nó đã sai khiến chư huynh, chớ không phải chư huynh làm chủ nó.
Cái Trí của chư huynh phải tùng phục chư huynh cho đến đỗi nếu ban
ngày chư huynh đã lo nghĩ việc nào rồi, thì ban đêm chư huynh phải đuổi
sự lo nghĩ đó ra khỏi trí mình, chư huynh phải có thể suy xét mà
không cho nó thâm nhập trí óc mình khiến cho ngày hôm sau chư huynh phải
kiệt sức. Chư huynh phải làm chủ tư tưởng mình, cho đến đỗi chư huynh
không băn khoăn bứt rứt. Người ta công nhận rằng những nỗi lo âu làm hao
mòn con người, còn công việc thì không bao giờ có điều đó. Những nỗi
lo âu giống như một cái máy mà những bánh xe quay cuồng không mục đích
và như vậy máy sẽ hư hỏng một cách nhanh chóng hơn là khi máy chạy
một cách hữu ích. Khối óc của chư huynh là một cái máy. Chư huynh
đừng để cho tư tưởng làm cho cái óc mỏi mệt khi tư tưởng đó không tạo
được điều gì có ích. Chư huynh phải canh gác cửa ra vào và giữ chìa
khóa, và để ra ngoài tất cả những gì không cần thiết và những điều
này chính là tất cả những gì không cần nghĩ tới trong lúc đó. Làm
như thế mới là khôn ngoan, không bao giờ được nghĩ đến một vấn đề làm
cho ta rối trí, trừ ra khi nào nó có thể tăng gia quyền năng của ta để
giúp ta vượt qua những nỗi khó khăn; và điều này không thể áp dụng
cho hai chữ bứt rứt. Bứt rứt nghĩa là cứ nhớ đi nhớ lại mãi một
nỗi u buồn, nghĩ đến những điều mà người này hay người nọ sẽ nói
ra. Chư huynh hãy bỏ những ý nghĩ đó, nếu chư huynh chú trọng đến
quyền năng của tư tưởng. Chư huynh phải kiểm soát cái Trí, chư huynh
phải bắt cái Trí tuân theo mạng lịnh của ý chí của chư
huynh.
CÕI THƯỢNG
GIỚI CÓ THẬT. Khi nói về tư tưởng, tôi đã bảo rằng nó tự biểu lộ
nơi cõi trần này nhờ khối óc, trong lương tri ta khi ta thức tỉnh. Nhưng
cái cõi riêng biệt của tư tưởng, cõi Thượng giới cũng có thật – còn
“thật nhiều” hơn là cõi Hồng trần nơi chư huynh sống đây. Ở cõi Thượng
giới, đúng như người ta nói, những tư tưởng là những vật, chúng có
hình hài rõ ràng, nên người ta nhận biết được chúng; mỗi khi chư huynh
suy nghĩ, chư huynh ảnh hưởng đến chất Thượng Thanh Khí xây dựng những
hình tư tưởng, những hình này có thể truyền đi xa. Chư huynh đã hiểu
bầu không khí tư tưởng là gì. Mỗi quốc gia có một tư tưởng đặc biệt.
Chư huynh không sao hiểu nổi một hiện tượng thuộc về trí não, nếu chư
huynh không thoát ra khỏi bầu không khí tư tưởng của xứ sở của chư
huynh và cách suy nghĩ của chư huynh nữa. Chúng ta hãy xem xét những
quốc gia trước khi họ đánh nhau. Ða số những vụ xung đột đều phát sinh
từ những vụ hiểu lầm nhau. Trước một sự việc đã xảy ra, họ đều
thấy một cách khác nhau. Một người Pháp và một người Đức không thể
có một quan điểm giống nhau trong sự nhận xét về vấn đề Alsace Loraine
được. Cái bầu không khí quốc gia của mỗi người làm cho họ thấy vấn
đề này sai lạc. Luôn luôn bầu không khí tư tưởng đó bao vây chúng ta;
tại xứ Ấn Độ nơi đó nhiều giống dân sống chung đụng với nhau, phân nửa
trong số những sự hiểu lầm đều phát sinh tự cái bầu không khí quốc
gia đặc biệt nó bao bọc mỗi người. Mỗi người hiểu và nhận xét tất
cả những vấn đề, tất cả những sự cảm xúc, tất cả những sự hành
động của đồng loại xuyên qua bầu không khí đó. Người Ấn Độ nhìn xét
mọi việc xuyên qua một bầu không khí Ấn Ðộ, và người Anh thì xuyên qua
một bầu không khí Anh; vì vậy tình trạng bất hòa mới xảy ra. Ða số
những tai họa không phát sinh tự những sự bất đồng ý kiến thật sự
mà phát sinh tự những sự hiểu lầm, mỗi bên đều muốn bắt đối phương
phải chấp thuận những ý kiến phát sinh do lớp vỏ tư tưởng của mình
nó hoàn toàn khác hẳn với đối phương.
Bởi vì những tư tưởng, những hình tư tưởng đó là những vật bao
vây chúng ta, và mọi tư tưởng đều có thể truyền đi xa. Cái lối chuyển
di tư tưởng đặc biệt mà người ta gọi là Thần giao cách cảm là một
trường hợp đặc biệt của sự chuyển di tư tưởng (một người tự ý mình
gởi một tư tưởng đến kẻ khác bằng cách cố gắng truyền cho họ cái tư
tưởng phát sinh nơi mình). Chư huynh cũng có thể làm thử thí nghiệm
này nữa, tuy nó khó hơn cái trước. Ðể khởi đầu, hai người trong chư
huynh cùng ngồi trong một gian phòng, cách xa nhau chút đỉnh, quay lưng
lại với nhau. Một người phải cố gắng tưởng đến một vật gì nhất
định một cách hết sức mạnh mẽ, như một cái hình tam giác hay một
cái hình kỷ hà học nào đó, vì đó là một việc dễ làm. Một người
thì tư tưởng, còn người kia thì rán hết sức mình để cho trí óc mình
trống rỗng; mỗi người đều có một cái bút chì và một mảnh giấy.
Một người lập lại tư tưởng trong trí mình, còn người kia vẽ cái hình
đó đột nhiên hiện ra trong trí y mà đừng bàn cãi gì về nó, cũng
đừng tự hỏi nó có đúng không. Ðó là một trong những điều kiện khiến
cho sự thí nghiệm này thành công. Sau một hay là hai tuần lễ, chư huynh
đổi ngược lại vai trò sau khi so sánh kết quả của sự gởi tư tưởng đi
và sự tiếp thu tư tưởng. Không phải một người cứ tiếp thu tư tưởng
mãi, như thế y trở nên thụ động quá, thụ cảm quá đối với những cảm
giác bên ngoài. Chúng ta không nên thụ động ở một thế giới như cõi
Trần của chúng ta đây, có biết bao nhiêu tư tưởng xấu xa bao vây chúng
ta. Khi chư huynh nhận thấy mình thành công nhiều lần, chư huynh cũng cứ
tiếp tục thí nghiệm như thế, nhưng mỗi người ngồi riêng trong một cái
buồng, rồi mỗi người ngồi riêng trong một căn nhà khác nhau: sau hết chư
huynh hãy thí nghiệm ở cách xa nhau, càng xa nhiều chừng nào càng tốt
chừng nấy. Trừ phi chư huynh khác hẳn với hằng trăm người cũng đã thí
nghiệm như thế rồi (Hội Khảo cứu Tâm linh đã ghi được rất nhiều kết
quả như thế), chư huynh sẽ thấy rằng tư tưởng gởi đi và tư tưởng nhận
được càng ngày càng giống nhau; về sau chư huynh có thể dùng phương
pháp này một cách chắc chắn như dùng vô tuyến điện, cái điều mà
người ta thu nhận được bằng máy điện báo, bằng sức mạnh của điện
khí, thì chư huynh dùng sức mạnh của tư tưởng mà thâu nhận được
vậy.
NAY TÔI XIN NÓI ÐẾN TRẠNG THÁI SAU KHI CHẾT TRÊN CÕI THƯỢNG
GIỚI.
Một phần của
cõi Thượng Giới là nơi mà ta gọi là Thiên Đàng – Svarga – nơi chôn nhau
cắt rún và nơi cư ngụ thiệt thọ của chư huynh. Khi chúng ta bắt đầu
học hỏi về Thượng Giới bằng thể Trí – chư huynh nên nhớ rằng dân cư
bình thường của cõi này hằng sống trong cái Trí – chúng ta nhận thấy
rằng những người tự cõi Trung Giới đi sang cõi Thượng Giới này, phải
cởi bỏ thể Vía của mình ra, giống như khi mới chết họ đã để lại ở
cõi Hồng Trần xác thân họ. Vậy, khoác lên mình một cái thể Trí mà
họ đã sử dụng khi còn sống, họ đi vào cõi Thiên Ðàng, nó là một
phần của Thượng Giới, họ được che chở, không còn có những nỗi đau
khổ buồn rầu, khó khăn, nơi đó họ sống một cuộc đời cực lạc, sung
sướng vô cùng và tiếp tục sự tiến hóa mà họ đã khởi đầu khi họ
còn sống ở cõi Trần.
Chư huynh có thể chia sơ lược những dân cư cõi Thiên Đàng này ra
làm bốn hạng:
1/
Những người hồi còn ở trên thế gian đã đặc biệt có những mối tình
thương đậm đà nhưng vô tư lợi, nhất là đối với những cá nhân, gia đình,
bạn bè v. v. . . Họ sống trong một thời gian rất lâu với những người
mà họ đã mến yêu nơi trần thế, trong một sự thân mật hơn, khắn khít
hơn, hoàn toàn hơn là khi còn bức tường xác thịt chia cách
họ.
2/
Hạng thứ hai gồm những tín đồ các tôn giáo dù Đấng Thiêng Liêng mà
họ thờ phượng là vị nào, và dù họ là người Cơ Ðốc Giáo, Ấn Ðộ
Giáo, Phật Giáo, Bái Hỏa Giáo hay là Do Thái Giáo, điều này cũng
không quan hệ. Hình thức vẫn vô số nhưng ở nơi những vị mà chư huynh
tôn sùng, sự sống chỉ là một mà thôi; lẽ tự nhiên tất cả những tư
tưởng, tất cả những hoài vọng đều dâng lên một vị Thượng Ðế duy nhất
mà thôi. Chư huynh hãy gọi Ngài bằng cái từ ngữ thích hợp nhất với
mình; cái nhãn hiệu bề ngoài không quan hệ, tấm lòng của Thượng Ðế
bao hàm tất cả. Những ai trong khi sống ở cõi Trần đã thờ phượng một
hình hài đặc biệt, thì khi lên Thiên Ðàng, họ lại tìm thấy hình hài
ấy tượng trưng cho Thượng Ðế trong những hoài vọng Hồng Trần của họ.
Vì Thượng Ðế luôn luôn ẩn tàng trong cái hình hài thân mến của tín
đồ; trên cõi Thiên Ðàng, không ai là một người xa lạ cả. Mỗi người đều
thấy rõ ở đây cái lý tưởng cao siêu nhất của mình.
3/
Rồi đến một hạng người rất đông, những ai đã mến yêu, nhưng một cách
rộng rãi và phong phú hơn: đó là những người thương yêu nhân loại, làm
những việc hữu ích cho con người, những ai vì mến yêu tôn giáo đã hi
sinh một phần lớn những tiện nghi và thú vui để giúp đỡ các đồng
loại mình. Họ mãng chăm lo trù hoạch phác họa những dự định, nghiên
cứu những phương pháp để đem thực hiện trong tương lai đặng giúp đỡ
thế gian. Giống như kiến trúc sư hoàn thành những bức họa đồ của
mình, họ cũng hoàn thành cái tòa lâu đài bác ái và phụng sự mà họ
sẽ xây dựng trong những thế kỷ vị lai để giúp đời.
4/
Trong hạng thứ tư có những đại tư tưởng gia, những đại nghệ sĩ, những
ai áp dụng sự công bằng vì yêu mến sự công bằng chớ không phải vì
cái phần thưởng mà tôn giáo mang ra để lòe mắt họ; những ai đi tìm
kiếm sự hiểu biết, những ai trau dồi nghệ thuật. Tất cả những người
đó đều ở Thiên Ðàng, gặt hái những gì mà họ đã gieo và gieo thêm
hạt cả trên đó nữa, tùy theo cái kết quả mà họ vừa gặt được, để
cho ở một kiếp phụng sự vị lai, họ lại gặt hái được
nữa.
Tôi đã nói quá nhanh về đề tài này, nhưng nó thật là quá rộng
rãi khi nghiên cứu về vấn đề này, chư huynh bắt đầu hiểu rằng cái
đời sống ở Thiên Ðàng là cái kết quả trực tiếp của đời sống của
mình nơi Ðịa cầu. Nếu chư huynh vun trồng lòng bác ái, chư huynh hãy
mến yêu hết sức mình; người yêu của chư huynh có xua đuổi chư huynh,
bạn bè của chư huynh có phản bội chư huynh, điều này không quan trọng.
Tình yêu không thể nào chết được. Nếu mặc dù ác ý, mặc dù phản
bội, mặc dù sự láo dối, chư huynh cứ vững lòng thương yêu, thì rồi
trên cõi Thiên Ðàng, bạn bè của chư huynh sẽ trở lại với chư huynh,
điều gì đã mất đi nơi thế gian, chư huynh sẽ lại tìm thấy nó nơi Thiên
Ðàng. Nhưng muốn được như vậy, chư huynh đừng có chán nản trong tình
thương bởi vì phải đem dệt sợi chỉ vàng ở trên Thiên Ðàng thì không
nên để bị cắt đứt ở cõi Trần này. Ðối với những ai trong chư huynh
thờ phượng một hình ảnh Thiêng Liêng thì cũng thế. Chư huynh đừng cảm
thấy bối rối khi thấy lòng mình lạnh lùng, lãnh đạm; đó không phải
là đời sống thiệt thọ của chư huynh đâu, đó chỉ là những cảm xúc
của chư huynh khi lên khi xuống như dòng nước thủy triều. Chư huynh hãy
giữ cho tấm lòng Sùng tín của mình được trong trắng và mạnh mẽ, và
trên cõi Thiên Ðàng, chư huynh sẽ quì dưới chân Thần tượng của mình
trong nhiều thế kỷ lâu dài, chư huynh sẽ thưởng thức cái Diễm Phúc Vô
Tận Vô Biên nơi đó qui tụ những hoài vọng của chư huynh; sẽ không có
một tấm màn nào ngăn cách trái tim của chư huynh với trái tim của
Ngài. Nếu chư huynh muốn hoạch đắc sự hiểu biết, chư huynh phải gieo
hạt ở cõi Trần này. Chư huynh phải khởi sự tại nơi đây cái việc mà
chư huynh sẽ tiếp tục trong cõi Thiên Ðàng; lúc đó chư huynh sẽ gặp
những nhà đại văn hào mà khi còn ở cõi Trần, chư huynh đã đồng một
quan điểm với họ. Chư huynh sẽ được tự do lựa chọn bạn bè vì trên
cảnh giới này, người ta được sum họp với những ai đồng tâm đồng chí
với mình; trên những quãng vô tận của cõi trời, chư huynh sẽ sống thân
mật với những đại văn hào đó, những người mà chư huynh đã có thiện
cảm về mặt tư tưởng khi xưa. Nếu chư huynh có xu hướng về nghệ thuật
và nếu những tác phẩm của chư huynh không được xuất sắc, chư huynh hãy
có hoài vọng luôn luôn tiến lên cao và tiếp tục chiến đấu; dù cách
cấu tạo còn vụng về, thì đó cũng không quan trọng gì, không một sự
cố gắng nào của chư huynh lại bị mất đi cả. Nơi Thiên Ðàng, chư huynh
lại tìm thấy những hoài vọng đó, chúng sẽ là những tài liệu cho chư
huynh làm việc.
Nếu lý tưởng của chư huynh là phụng sự nhân loại, làm nhẹ bớt
gánh đau khổ của thế gian, an ủi những nỗi thương tâm của con người,
tìm một giải pháp cho những nỗi cơ hàn của nhân loại, chư huynh hãy
cố gắng cho nhiều, hãy kiên tâm chiến đấu nơi cõi Trần; vì tất cả
những gì ta ham muốn nơi Hồng Trần, thì sẽ được biến thành quyền năng
trên cõi Trời; những hi vọng và những hoài vọng sẽ trở thành những
năng khiếu khiến ta thực hiện được những sở nguyện đó; điều này
giống hệt như một người muốn dệt một tấm lụa tuyệt đẹp: họ thu lượm
nơi đây một sợi chỉ màu này, nơi kia một sợi chỉ màu khác, chỗ nọ
vài ba sợi chỉ vàng, rồi những sợi chỉ bạc. Tất cả những sợi tơ và
sợi kim tuyến đó gom góp lại, y sẽ ngồi tại nhà y, trước khung cửi
và sẽ dệt tấm áo tuyệt đẹp sẵn sàng để mặc, đó là sự liên hệ
giữa đời sống Hồng Trần và đời sống trên Thiên Ðàng. Nơi trần thế
này chư huynh thâu thập những mối hi vọng, những tư tưởng, những hoài
vọng huy hoàng, chư huynh góp những sợi chỉ đó lại mang chúng về nơi
cư ngụ thiệt thọ của mình, khi chư huynh bước qua cửa tử đặng đi đến
cõi Thiên Đàng; nơi đó tư tưởng được biến thành quyền năng. Nơi đó chư
huynh tự dệt cho mình tấm áo mà chư huynh sẽ mặc lại khi đầu thai
xuống Trần. Không một hoài vọng nào bị quên lãng, không một tư tưởng
nào bị mất đi, không một món báu vật nào bị chiếm đoạt. Sự đau khổ
sẽ biến đổi thành quyền năng, những nỗi đau đớn giống như một vòng
gai nhọn sẽ trở thành những vòng trân châu sáng ngời, vòng trân châu
này tượng trưng cho quyền năng cứu rỗi nhơn loại; vì mỗi đau khổ đều
chất chứa bên trong cái mầm mống của một năng lực mới, như Edward
Carpenter đã nói. Ðó là sự liên quan giữa đời sống Hồng Trần này và
đời sống nối tiếp trên Thượng giới. Chư huynh phải hiểu nó, đó là
một việc quan trọng, vì nếu đời sống Hồng Trần của chư huynh nghèo
nàn về tư tưởng và hoài vọng, thì đời sống Thiên Ðàng của chư huynh
cũng sẽ nghèo nàn; trên Thiên Ðàng, chư huynh không thể bắt đầu làm
một việc mới; lý do này rất giản dị, ở cõi Trần, tư tưởng đã xây
dựng nên thể Trí của chư huynh, và chỉ khi nào lên cõi Thượng Giới chư
huynh mới tiếp xúc với những sự vật mà chư huynh đã nghĩ đến khi còn
sống. Chư huynh phải làm việc với những tài liệu đó.
THỂ
TRÍ.
Trong lúc sinh tiền, tư tưởng của ta rút chất Thượng Thanh Khí
đặc biệt phù hợp với nó để nuôi dưỡng thể Trí và chỉ có chất
Thượng Thanh Khí đó mới khiến cho con người tiếp xúc được với Thượng
Giới. Ngoài nó ra không có dụng cụ nào khác để tiếp xúc, và vì thế
cho nên đành phải bó tay trước chất Thượng Thanh Khí đã làm ra cái
Trí của y. Y không nhận thức được bất cứ sự vật gì ở xung quanh y,
nếu y không có những cơ quan giúp y tiếp xúc được với các sự vật ấy.
Cũng giống y như thế, ở cõi Trần chúng ta không nhận thức được hằng
hà sa số những làn rung động; chúng ta không ứng đáp được với chúng
bởi vì chúng ta không có cơ quan thích hợp. Vì hiện giờ chúng ta vô ý
thức nên không biết rằng ta thiếu thốn một vật nào đó; ở bên kia cửa
tử thì cũng giống hệt như vậy. Nhưng mà chúng ta có thể ứng đáp với
những làn rung động ấy thì chân trời của đời sống càng trở nên rộng
rãi hơn.
Ðó là những vật liệu duy nhất để cho huynh sử dụng, và nếu chư
huynh thiếu chúng thì chư huynh không thể làm gì khác được. Ðiều này
làm cho chư huynh thấy rằng đời sống hiện tại của mình thật là vô
cùng quan trọng. Nó cung cấp cho chư huynh những tài liệu của đời sống
ở Thiên Ðàng; đời sống này phong phú nhiều hay ít tùy theo cái sống
kinh nghiệm quí báu mà chư huynh đã thu thập được. Chư huynh hãy đứng
về phương diện ấy mà xem xét; chư huynh hãy tự phán xét lấy mình,
hãy suy xét những quyền năng của riêng mình, những khả năng của mình,
và hãy bắt đầu làm ở tại đây những gì mà chư huynh muốn tiếp tục ở
Cõi cao.
Trước đây, tôi có đề cập đến một
buổi diễn thuyết của ông Tu viện Trưởng nhà thờ Saint Paul. Nói về
nhà Thần bí Cơ Ðốc, ông bảo: “Tất cả những nhà Thần bí đều cho
rằng lúc nào Thiên Ðàng cũng ở xung quanh ta đây”. Và điều này
thật là rất đúng vậy. Do thể Trí của chư huynh tiếp xúc được với
cõi Thượng Giới, vì Thiên Ðàng là cõi Thượng Giới như tôi đã nói với
chư huynh; tuy nhiên cõi Thiên Ðàng là một miền của cõi Thượng Giới
được che chở một cách đặc biệt. Vậy thì chư huynh có thể đem cõi
Thiên Ðàng lại với mình tùy theo sự phát triển thể Trí của chư huynh
và tùy theo cách chư huynh sống và thức tỉnh ở cõi đó càng ngày càng
nhiều hơn trước. Giữa những âm thanh hỗn loạn của cõi Trần này, chư
huynh có thể nghe thấy những khúc nhạc thiêng liêng, chư huynh có thể
mang cái ánh sáng rực rỡ, cái diễm sắc, cái vẻ huy hoàng của Thiên
Ðàng vào trong miền u tối và xấu xa của Trần gian. Đó thật là cái
điều mà Saint Paul muốn nói khi Ngài bảo: “Chúng ta là dòng dõi
của nước Thiên Ðàng. Chúng ta từ Thiên Ðàng xuống Trần, và chúng ta
cũng sẽ về nơi đó”. [16] Nếu
chư huynh nhớ kỹ điều này thì chư huynh cũng như bao kẻ khác sẽ không
bao giờ có ý muốn hỏi rằng: “Trên Thiên Ðàng, tôi có nhận ra những
bạn hữu của tôi không”. Vì chư huynh bao giờ cũng sẽ là chính chư
huynh, không hề có sự thay đổi. Chư huynh cũng vẫn cùng mang một thể
Trí như bây giờ, chư huynh đang suy nghĩ trong đó, và chư huynh sẽ gặp
những bạn bè của mình với những thể Trí mà họ đang mang trong lúc
này đây. Vậy chư huynh sẽ nhìn nhận được họ, chớ không sao có thể
khác được. Những sợi dây liên kết chư huynh với bạn bè không phải có
tính cách vật lý mà thôi; chư huynh cũng đã liên kết với họ bởi
những cảm xúc và trí thông minh nữa, đó là những sợi dây của chính
chư huynh chớ không phải của những lớp vỏ, quần áo của chư huynh mặc.
Một người cũng có thể nói: “Chiều nay khi về tới nhà, tôi cởi áo
choàng ngoài ra, và vợ tôi thay đồ mát thì tôi có sẽ nhận ra được
nàng không? ” Thế nào chư huynh cũng sẽ nhìn nhận ra những người
thân mến, những người mà chư huynh cảm phục. Còn những kẻ thù của chư
huynh? Không, chư huynh sẽ không hề gặp họ đâu. Họ cũng sẽ hưởng hạnh
phúc nơi Thiên Ðàng, nhưng sẽ không thể có sự gặp gỡ đáng tiếc giữa
họ và chư huynh, vì nơi Thiên Ðàng, tình thương yêu là Ðịnh luật tối
cao; và lòng thù hận không tìm thấy được thứ vật chất nào để tự
biểu lộ được. Vì thế đời sống của chư huynh chỉ là một. Hiện nay chư
huynh sống ở cả ba cảnh giới. Ðể khởi đầu, xin chư huynh coi quan niệm
này như một giả thuyết. Rồi nếu những sách mà chư huynh đọc đã giúp
cho những tư tưởng đó được mạnh mẽ thêm thì chư huynh hãy tự mình học
hỏi mình dưới ánh sáng của những ý niệm ấy, và chư huynh hãy xem
thử coi chúng có soi sáng cho nhiều chỗ tối tăm chăng, chúng có giúp
chư huynh hiểu được rành rẽ những người xung quanh và tự hiểu lấy
mình không. Nếu chư huynh nắm vững được điều này, chư huynh sẽ có hi
vọng, vì dù bây giờ chư huynh vẫn ít tiến bộ trên con đường phát
triển mà chư huynh muốn theo đuổi thì điều đó cũng không quan trọng
gì. Chư huynh hãy hết sức vun trồng những khuynh hướng của mình, và
rồi trên cõi Thiên Ðàng một sức mạnh mới mẻ sẽ làm cho chúng trở nên
nồng nhiệt hơn; chư huynh hãy trau dồi những thiên tư của mình một cách
sốt sắng, và ở bên kia cửa tử, chư huynh sẽ được đền bù lại công lao
khó nhọc một cách rộng rãi. Nhưng nếu chư huynh bóp nghẹt hoài vọng
và năng khiếu của mình thì mùa gặt trên Thiên Ðàng sẽ thất bát vì
chư huynh chưa làm đầy đủ những điều kiện cần thiết để khi lên Thiên
Ðàng, chư huynh sống được một cuộc đời lâu dài và sung
sướng.
Nhưng nếu chư huynh không chấp nhận được quan niệm Thông Thiên Học,
nếu quan niệm này không phù hợp với những sự hiểu biết mà chư huynh
đã hoạch đắc được, thì ít ra chư huynh hãy để cho quyền năng sáng tạo
của tư tưởng trở thành một sự luyện tập thường lệ đối với mình, và
chư huynh hãy nhận định rõ sự luyện tập ấy là như thế nào. Tất cả
chư huynh đều nghe người ta nói đến những tư tưởng nhất định chúng ám
ảnh con người. Có khi vì vậy mà ta sinh ra điên khùng, có khi tư tưởng
đó khiến một người tầm thường trở nên một vị anh hùng. Tư tưởng nhất
định của một người điên là một ý niệm sai lầm không phù hợp với
thiên nhiên, mà cũng không phù hợp với những việc xung quanh. Kẻ điên
tưởng rằng người y làm bằng thủy tinh và vì vậy y cứ sợ nó bể đi
mãi, y là một người điên vì tư tưởng nhất định của y sai lầm. Nhưng
chư huynh hãy xem xét về tư tưởng nhất định của một người đại ái
quốc như ông Arnold Von Winkelried; khi thấy hàng ngũ chặt chẽ của quân
địch và thấy dân quân do ông chỉ huy lùi bước trước cái mũi giáo song
song của đoàn quân Áo thiện chiến, ông bèn xông tới trước quân thù, giơ
hai tay ôm lấy những ngọn giáo khiến cho bao nhiêu mũi giáo nhọn đều
đâm vào ngực ông, ông hi sinh đời mình để thọc phủng hàng ngũ quân
địch, những người của ông mới phá tan hàng rào quân địch được và mới
thắng trận. Tư tưởng nhất định của ông là lòng yêu nước, nó đã làm
cho ông thành một vị anh hùng hi sinh đời mình để cho tổ quốc được độc
lập.
Phải xem xét về bản chất của tư tưởng nhất định; sự quan trọng
tối cao là tư tưởng đó phải đúng với sự thật, tư tưởng nhất định
bắt buộc chư huynh phải vâng lời nó một cách mù quáng bất chấp mọi
lý luận, mọi bằng chứng, mọi ý kiến của một người bạn; bỏ qua cả
những quyền lợi của chính chư huynh nữa; tư tưởng nhất định ra lịnh và
chư huynh vâng lời, dù cho có sự gì xảy đến cho chư huynh trong cõi đời
phù du này cũng mặc.
Khi tư tưởng nhất định cao thượng và đúng với sự thật, thích
hợp với cơ tiến hóa, tượng trưng cho những hi vọng cao nhất của chư
huynh, những tư tưởng nhân từ nhất, khoan dung nhất, những hoài vọng cao
cả nhất, thì ta gọi nó là một Lý Tưởng.
Mỗi người cần phải có một lý tưởng, nhất là đối với những
người trẻ tuổi nhất trong chư huynh, những thanh niên. Hãy chọn lý
tưởng của mình lúc còn xuân xanh và đến khi tuổi cao tác lớn, chư
huynh sẽ thực hiện gần được nó. Người ta không thể sống một cách khôn
ngoan, đúng đắn, nếu người ta không có một lý tưởng để hoài vọng,
một lý tưởng mà chư huynh yêu quí hơn bất cứ vật gì mà đời có thể
hiến cho chư huynh và hơn bất cứ cái gì mà người ta có thể tìm được.
Vậy thì chư huynh phải có một lý tưởng mỗi buổi sáng, chư huynh hãy
nghĩ đến nó trong chốc lát và dần dần chư huynh sẽ thành ra phản ảnh
của lý tưởng đó. Giống như hình dáng của chư huynh phản chiếu trong
một tấm gương, lý tưởng của chư huynh sẽ thành hình trong trí chư huynh
và chư huynh sẽ giống y cái điều mà chư huynh thường suy nghĩ đến, cái
điều mà chư huynh tôn kính. Chư huynh đừng sợ hãi mà không dám nêu lên
cho mình một lý tưởng quá đẹp đẽ, quá cao thượng, chư huynh đừng nghĩ
rằng chư huynh sẽ không đạt được nó; nội một việc nghĩ ra lý tưởng
đó cũng là một sự bảo đảm cho sự thành công của chư huynh. Tất cả
những gì mà chư huynh có thể tưởng tượng ra trong trí, chư huynh sẽ có
thể thực hiện được sau này; chung cuộc, tất cả những mối hi vọng của
chư huynh đều sẽ thành tựu. Ðời sống của chư huynh vốn vô cùng vô tận,
chư huynh không bị thời gian hạn chế, nhưng chư huynh có trước mặt mình
những thời đại vô tận vô biên. Sau cùng, chư huynh sẽ đạt được lý tưởng
của mình và sẽ lấy đời sống của chính mình mà tượng trưng nó trên
cõi Trần này.
Chư huynh hãy có một mục đích, chư huynh đừng sống một cuộc đời
vô tư lự, vô ích, không xứng đáng với danh từ “con người”, chư huynh
đừng để cho trên những cõi cao siêu người ta nói về chư huynh như vầy:
“Người nam hay người nữ này đầu thai làm người sớm quá”. Chư
huynh hãy tạo cho mình một lý tưởng, chư huynh hãy thờ phụng nó, hãy
thờ phụng bằng đời sống của mình hơn là bằng những lời nói, hãy
lấy tư tưởng, hoài vọng, hành động của mình mà thờ phụng nó. Như
thế đời sống của chư huynh sẽ dần dần trở nên đẹp đẽ, hùng cường và
khôn ngoan giống như trong lý tưởng. Và dù cho ở cõi Trần này, chư huynh
không thực hiện được những mối hoài vọng của mình, khi chết đi, chư
huynh cũng hoạch đắc được một sự cao cả mà chư huynh sẽ không sao đạt
được nếu làm cách khác. Trên cõi Thiên Ðàng, cái lý tưởng của chư
huynh sẽ ra nghênh tiếp chư huynh, với cái vẻ huy hoàng của đời sống
trường tồn bất diệt: nó khắn khít với chư huynh, chia xẻ với chư huynh
cái tinh hoa của đời sống của nó, và những hi vọng của chư huynh hồi
còn ở cõi Trần sẽ được thực hiện trên cõi Thiên Ðàng, và sau nhiều
ngày, chư huynh sẽ trở xuống cõi Trần đầu thai lại và thành ra Người
Phụng Sự Nhân Loại.
IV
TINH THẦN CON NGƯỜI VÀ ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
Tôi đã nói với chư huynh về những thể của con người: Thể Trí,
Thể Vía và Xác thân. Hôm nay tôi xin chư huynh theo tôi đến một cảnh
giới cao siêu hơn, tinh khiết hơn. Tôi xin chư huynh tiến lên cao hay thâm
nhập vào – chư huynh ưa thích dùng từ ngữ nào thì xin tùy ý – những
nơi cao cả, những chốn thâm sâu của Lương Tri trong nội tâm, nơi đó chư
huynh nhìn nhận được cái Bản Thể Thiêng Liêng của mình, thực hiện
được sự cao cả mà chư huynh muốn vượt tới, nơi đó chư huynh sẽ giữ
vững vị trí của mình trong tương lai. Xin chư huynh để cho tôi dắt dẫn
đến những cảnh giới của Lương Tri nó nâng chư huynh lên cao, vượt khỏi
những nỗi lo âu của cõi Trần này và khiến cho chư huynh được yên tĩnh
giữa những sự náo động xung quanh mình, sung sướng tuy có những nỗi u
buồn bên ngoài, bình thản khi mà những sự tranh đấu và những huyên
náo bao vây chư huynh, vui vẻ ở nơi mà thế nhân chỉ trông thấy những lý
do để bất mãn và lo sợ. Chư huynh cũng vẫn nhớ rằng người ta nói:
Mục đích của các triết lý chơn chánh là diệt trừ được sự đau khổ.
Có một miền kia không có sự đau khổ, một vương quốc không có những
nỗi lo phiền. Con người có thể sống như một Thực Thể Tinh Thần, y có
thể sống nơi Bản Thể mà ta thường một đôi khi gọi là Chơn Ngã, và
sống như vậy, y biết được nguồn an lạc vô biên ở giữa những hiện
tượng của thời gian. Muốn sống được như thế, y phải vượt lên khỏi
những nỗi buồn rầu của cõi Trần này, nhưng y không cần phải rời bỏ
cõi Trần là nơi số mệnh đã đặt y vào đó; không cần phải tìm chốn
rừng rậm hay động cả non cao để lánh mình, không cần phải xa lánh
những nơi phồn hoa đô hội. Y vẫn có thể làm việc ở nơi công cộng,
biện hộ ở Tòa án, săn sóc các bệnh nhân ở dưỡng đường, giúp việc
trong một tiệm buôn hay là chiếm cái địa vị cao sang của người trị
nước. Làm đầy đủ mỗi nhiệm vụ của mình hơn là một thế nhân, không
bao giờ lùi bước trước bổn phận nhưng tận dụng những khả năng và sức
làm việc của mình mà làm đầy đủ bổn phận, và tuy đang sống nơi thế
tục mà vẫn hiểu được Bản Thể Thiêng Liêng của mình, và làm việc
không phải để mưu cầu những của cải phù du của Trần gian, nhưng với tư
cách là một dụng cụ trong sự hoạt động của Thượng Ðế – đó là tất
cả những điều cần thiết để hưởng được sự an lạc và sống một cuộc
đời Tinh Thần.
Bây giờ đây Tinh Thần là gì? Vì nếu chúng ta không biết Chơn Ngã
hay Tinh Thần là gì, thì chúng ta không sao hiểu nỗi đời sống Tinh Thần
là gì vậy. Tinh Thần chính nó là Con Người, là một Ðiểm Linh Quang
mà Shri Krishna đã gọi là: “Một phần tử của chúng ta, một Sinh
vật”. Chư huynh sẽ hiểu một cách dễ dàng hơn ý nghĩa của Tinh
Thần nếu chư huynh suy nghĩ một chốc lát đến cái câu mà ai cũng biết
trong kinh Bhagavad Gita: “Đấng ngự trong xác thân”. Chúng ta đã
học về những thể rồi; nay chúng ta học đến “Đấng ngự trong xác thân,
Con Người.” Con người thiệt thọ ấy là Đức Thượng Đế ẩn tàng trong
lớp áo nhục thể. Chư huynh hãy nhớ rằng người ta nói: “Không nên
than khóc cho người sống cũng như cho kẻ đã chết” và lý do của sự
vượt qua khỏi những nỗi khốn cùng của nhân loại, lý do của sự lãnh
đạm này đã được giải nghĩa một cách thanh bai khéo léo và hoàn toàn
cho đến đỗi thật là làm một sự liều lĩnh nếu tôi kể những lời đó
ra đây, xen lẫn vào những lời hèn mọn của chính tôi. Chư huynh hãy nhớ
người ta đã nói về mỗi con người rằng:
“Chơn Thần vô
thủy thì vẫn vô chung. Ðấng ngự trong xác thân vốn bất sinh bất diệt.
Ngài tồn tại đời đời kiếp kiếp. Khi xác thân bị tiêu hủy, Ngài cũng
không chết. Cũng giống như một người liệng bỏ những quần áo hư cũ đi
và mặc những y phục khác. Con người ngự trong xác thân liệng bỏ những
thể hư hoại để vào ở trong những thể mới khác”.
Rồi lời của Đức Giáo chủ lại vang dội lên:
“Không một
sự gì có thể phá hoại được Đấng ngự trong xác thân. Đấng ngự trong
xác thân bất khả phân ly, nước lửa không xâm phạm được, không thể hư
hoại được, trường tồn bất diệt, đâu đâu cũng có Ngài, bất di bất
dịch, cố cựu, ẩn tàng, bất khả tri, bất biến; biết được như thế rồi
người ta không nên lo âu cái gì cả”.
Vậy thì tất cả đều được chứa đựng trong cái vỏ của trái hồ
đào. Nếu chư huynh chính là chư huynh, Ðấng ngự trong xác thân, nếu
trong những thể hữu hoại của mình, chư huynh biết được rằng sự sinh
và sự tử đều không ảnh hưởng đến mình, trường tồn bất diệt, vô thủy
vô chung, thì tại sao chư huynh lại có lý do để đau khổ than van, vì đã
biết rằng mình chia sớt đời sống của Thượng Ðế và cũng trường tồn
bất diệt như Ngài.
Sự liên quan giữa Ðấng ngự trong xác thân và những thể mà Ngài
khoác lên mình là thế nào? Nếu đối với đôi ba người trong chư huynh,
cái ý niệm về đời sống vô tận vô biên có thể làm cho ngạc nhiên, thì
xin chư huynh hãy để cho tôi nhắc lại với chư huynh một sự tương tự như
thế trong thiên nhiên, nó khiến cho chư huynh hiểu rõ được sự khác biệt
giữa Ðấng ngự trong xác thân với xác thân đó. Chư huynh hãy nhớ đến
lời tuyên bố của nhà đại bác học người Anh, Thomas Huxley, về thuyết
Luân hồi: “Những sự tương tự mà người ta tìm thấy trong thiên nhiên
là những bằng cớ rõ rệt của tín ngưỡng này, và không có một sự gì
phủ nhận nó được”. Chư huynh hãy lấy sự so sánh một khu rừng rộng
rãi và xem xét về đời sống của cái cây nó mọc và phát triển trên
mặt đất; trong những xứ ở miền bắc thì cái thí dụ này lại còn rõ
rệt hơn là những xứ ở miền nam này. Chư huynh thấy mỗi năm một lần
cây trổ những lá non xanh mướt, những lá cây này hút đồ ăn trong không
khí và nhờ chất đó biến đổi ra cây mới sống được. Những chất này
đều gom góp trong nhựa cây khi lá rụng và khi nhiệm vụ của lá hoàn
thành. Nhựa cây chứa đầy những chất bổ mà lá đã gom góp được, liền
từ thân cây chảy xuống rễ cây tỏa ra dưới gốc và nằm đó trong một
thời gian, mắt con người không trông thấy được. Nhưng Ðông vừa mãn thì
Xuân lại sang, tiếng chim hót líu lo, cùng trong một lúc, cảnh vật
bừng tỉnh với một đời sống mới; nhựa cây lại đi lên, theo thân cây đến
nhánh nhóc. Nhựa lan tràn trong mỗi bộ phận của cây và ban rải sự
sống. Những mầm non nở lần, những lá mới lại đơm ra, và một lần
nữa, cây lại khoác lên mình cái tấm áo rực rỡ của mùa hè, và lá
cây lại tái lập cái công việc tiêu hóa đồ ăn nhờ đó mới sống được.
Ðời sống con người cũng giống như thế, Tinh thần giống như cái cây,
một mầm mống của Thượng Ðế đem gieo trên miếng đất của đời sống nhân
loại. Những chiếc lá cây thì giống như những kiếp sống của con người,
tự biểu lộ ra để gom góp chất sống nhờ đó Tinh thần mới hiện ra
được. Chúng gom góp chất bổ và chuyển di nó cho đời sống, đời sống
này là nhựa cây. Những lá cây rơi xuống và chết đi. Chúng bị chôn vùi
dưới đất hay là bị thiêu ra tro mạt, nhưng sự sống là nhựa cây đi lên
phía Tinh thần, mang đến cho nó chất bổ dưỡng, đó là kết quả của
kinh nghiệm Hồng Trần. Ở trong Tinh thần, chất này biến đổi thành
quyền lực, những quan năng khi trở xuống trần đầu thai, Tinh thần ban
rải sự sống mới mẻ cũng như cái cây trổ lá vậy. Một lần nữa,
Trường đời lại dạy dỗ chúng ta và khiến cho Tinh thần biểu lộ được.
Ðó là sự liên quan giữa Tinh thần và các thể Xác, Vía, Trí, đó là
sự khác nhau giữa cái Trường tồn vĩnh cữu và cái phù du nhất thời.
Và nếu chư huynh so sánh đời sống Hồng Trần với những lá cây, nếu chư
huynh tự coi mình như một cái cây không bao giờ chết và chỉ trổ những
lá mới trong đời sống của mình, chư huynh sẽ có một hình ảnh tốt đẹp
của Chơn Ngã; nhờ những thể mới, Tinh thần tìm kiếm được chất bổ
cần thiết để tự phát triển, còn chính Tinh thần thì vẫn hằng có
đời đời và bất sanh bất diệt; luôn luôn làm phát sinh, tự những khả
năng vô cùng vô tận của nó, những quyền năng cụ thể để chứng tỏ sự
tiến hóa của con người.
Theo cách đó,
chúng ta nhìn thấy được những sự tiến bộ của đời sống trường tồn
thỉnh thoảng bị che đậy dưới tấm màn nhục thể. Chúng ta vừa nói
rằng đời sống này là một phần đời sống của Ðức Thượng Ðế. Tôi đã
thuật lại những Thánh ngôn, những lời châu ngọc của Shri Krishna khi
Ngài nói về cái tính cách thiêng liêng và tuyên bố rằng Chơn Thần
Jivatma là một phần của Bản thể Ngài; điều này khiến ta hiểu được
những đặc tính của Tinh thần, và nếu ta suy nghĩ chút đỉnh, ta sẽ
biết rằng đời sống Tinh thần hiện ra nơi ta cách nào trong khi chúng ta
còn chìm đắm trong đời sống vật chất của những cõi Hạ giới. Vì
chúng ta biết rằng trong Bản thể của Thượng Ðế có ba đặc tính lớn
tự biểu lộ, và nếu con người là một phần tử của Ngài, thì đặc
tính đó cũng phải tự biểu lộ, nhưng chúng bị hạn định, còn ở nơi
Ngài chúng nó vô biên, chúng đương phát triển nơi ta, còn ở nơi Ngài
chúng là hoàn hảo và đầy đủ. Và bởi chúng ta biết rằng một trong
những đặc tính của Ðấng Tối Cao là quyền năng, và bởi vì Ngài cai
trị các thế giới, cho nên chúng ta nhìn thấy ngay cái phản ảnh của
quyền năng của Ngài trong Tinh thần của con người, đó là Ý chí, tuy
rằng trong một thời gian nó bị hạn chế rất nhiều và rất kém tiến
hóa. Và cũng như ta đã nhìn nhận nơi Thượng Ðế cái Lương Tri hoàn
hảo, nó tự biết mình cũng như tất cả những gì có nơi Ngài, vì Ngài
là Ðấng Ðộc Nhất vô nhị. Chúng ta cũng nhìn thấy nơi con người cái
trạng thái kỳ diệu đó, tức là sự khôn ngoan, sự minh triết, nó chính
là sự hiểu biết về Ðấng Duy Nhất, là sự thực hiện Thượng Ðế nơi con
người, sự thực hiện Chơn Ngã nơi con người có thể nói được, không
phải bằng lời nói suông, mà trong thực thể rằng: “Tôi là Ngài”.
Sự minh triết này là sự hiểu biết về Đấng Duy Nhất, và chư huynh hãy
nhớ rằng người ta đã viết (trong Thánh kinh) như vầy: “Tất cả những
gì ở ngoài Chơn Như đó thì đều là vô minh cả”. Cho nên chúng ta
trông thấy cái trạng thái Sáng Tạo nơi Thượng Ðế phản chiếu trong Trí
khôn con người, nhờ quyền năng Sáng Tạo đó mà con người có thể ban cho
mọi vật một hình dáng mới mẻ. Nhưng dù có thừa nhận ba Ngôi nơi con
người, Ý Chí, Minh Triết, Trí Sáng Tạo, người ta có thể tự hỏi rằng
làm sao mà chúng ta biết được: đến lúc nào những Ðặc tính Thiêng
liêng đó bắt đầu tự biểu lộ nơi đời sống thấp hèn, và không biết
chúng ta có thể nhìn nhận sự hiện hữu của Tinh Thần, phân biệt nó
với vô số hoạt động của nhục thể không? Sự khác biệt giữa cái gì
thiêng liêng và những sự kích thích của dục vọng nó ngự trị loài
người là thế nào? Một người theo đuổi thú vui, danh vọng, uy quyền,
thế lực chính trị, y hăng hái muốn đoạt cho được việc đó, chúng bao
vây y tứ phía trong cõi đời đẹp đẽ này. Tùy theo hoài vọng của y, y
chạy từ vật này đến vật khác, nếu thú vui quyến rủ y, y tìm kiếm
những nơi nào có nó; nếu y tham vọng được có danh tiếng, thì y làm
việc suốt ngày, cố công gắng sức thêm mãi nắm lấy mối cơ hội để
tiến thân; y đi từ chỗ này đến chỗ khác cùng khắp mọi nơi, y đến
chốn nào mà y tưởng chốn đó có cái gì cần thiết cho mục đích của
y, có thể thỏa mãn sự ham muốn của y. Khi mà con người còn bị dục
vọng chỉ huy, khi mà còn bị phong trần lôi cuốn thì y hãy còn sống
một cuộc đời phàm tục chớ không phải một cuộc đời tinh thần; y chưa
nhận thức được cái Chơn Ngã thiệt thọ của mình. Nhưng khi mà dù bị
dục vọng tấn công, y vẫn đứng vững, khi y bị những vụ quyến rủ bao
vây, y vẫn không lay chuyển, trơ như đá, vững như trồng, khi sự giàu sang
ở kề bên mình mà y không màng đến bởi vì sự giàu sang làm cho y tổn
thương danh dự, khi y có thể đạt được quyền thế mà phải hi sinh những
nguyên tắc đạo đức của mình, khi thú vui quyến rủ y mà xét ra có tổn
hại cho kẻ khác, khi y tự xem xét cõi lòng của y và tự nhủ: “Tôi
không muốn phạm tội, tôi không muốn tự mình làm nhơ danh, tuy rằng dục
vọng đang kích thích tôi và sự quyến rủ đang lôi cuốn tôi”. Lúc đó
từ nơi sâu thẳm của Tinh Thần, ý chí con người toàn năng bỗng vươn lên
cao và đời sống Tinh thần bắt đầu điều khiển y, vì ý chí không phát
sinh tự nơi xác thịt mà phát sinh tự nơi Tinh Thần. Và khi mà con
người bắt đầu hiểu được sự sống vẫn duy nhất ở tất cả những người
thân mến xung quanh y, khi y hiểu rằng tất cả mọi người đều là những
anh em, tình thương yêu bắt đầu liên kết y với họ, y đem tấm lòng thương
yêu đứa con ruột của y ban rải cho tất cả những đứa trẻ mồ côi nghèo
khổ không người che chở ; khi y đem tấm lòng thương yêu người mẹ ruột
đáng tôn kính của y chia sớt cho những người già cả vì y coi những
người bô lão như là cha mẹ của y, khi y coi những đứa trẻ như con ruột
của y; khi tình thương yêu hòa hợp với sự biết được “Vạn Vật Nhất
Thể” và đem ban rải cho tất cả mọi người, không phân biệt màu da, nòi
giống, giai cấp, môn phái; thì lúc đó sự Minh Triết biết được Ðấng
Duy Nhất bắt đầu cảm hóa con người, và cái tình yêu riêng tư cạn hẹp,
rất tuyệt đẹp theo cách thế của nó bỗng biến đổi ra thành Bác ái
Thiêng liêng ban rải cho vạn vật. Và khi ở giữa những sự náo động
cuồng loạn của Hạ trí, con người lẹ làng nhận ra cái ảnh hưởng cao
siêu; khi y nghe tiếng nói của Thượng trí nó bắt đầu điều khiển và
sửa đổi Hạ trí để đạt được mục đích nhất định thì lúc đó sự hoạt
động sáng tạo của trí khôn khởi sự nắm giữ quyền hành không cho cái
Trí chăm chú mãi vào sự nhận xét những hiện tượng. Trong trường hợp
này, người ta thấy rõ ràng sự hiện diện của Tinh Thần, và đời sống
của Tinh Thần ẩn dưới nhục thể bắt đầu biểu lộ
ra.
Và ngay lúc đó người ta nêu câu hỏi này: Ðời sống Tinh Thần là
gì? Ðời sống Tinh Thần không bao giờ liên quan tới những đặc tính của
cái Vía và của cái Trí, mà người Ấn Ðộ gọi là Siddhis, còn người
Tây phương gọi là những phép thần thông. Ðời sống Tinh Thần không phải
là thần nhãn, thần nhĩ, nó không bắt buộc những thể Xác, Vía, Trí,
phải làm việc trong ba cảnh hạ giới. Ðời sống Tinh Thần không phải là
sự hiểu biết sâu rộng về những cõi vô hình, mấy cõi này cũng đầy
dẫy những hiện tượng như cõi Trần. Ðời sống Tinh Thần không hề liên
quan, liên hệ đến tất cả những điều đó. Tính chất và nét đặc biệt
của nó hoàn toàn khác hẳn. Ðời sống Tinh Thần cũng gọi là Ðạo Tâm,
là Sự hiểu biết về Ðấng Duy Nhất, và bao hàm một đời sống phù hợp
với sự hiểu biết đó.
Có lẽ vài ba
người trong chư huynh còn nhớ đến bác sĩ Miller – chư huynh nên kính
trọng bác sĩ vì ông là một tín đồ Cơ Ðốc tính tình cao thượng – ông
có viết thơ cho những người học trò cũ của ông cách đây vài ba năm,
lời lẽ thanh bai mà tôi xin chư huynh nhớ lấy ba chữ đầu. Ông nói:
“Ấn Độ Giáo đã hiến dâng cho nhân loại hai món quà rất quí báu: ấy
là những lý thuyết về Thượng Ðế tự tại (Thiên lý tự tại) và nhân
loại tương liên”. Một tín đồ chơn chánh của một tôn giáo tuyên dương
một cách tốt đẹp cái giá trị của một tôn giáo khác với tôn giáo
mình, như vậy chứng tỏ ông có tầm mắt rộng rãi, tâm hồn cao thượng,
đó luôn luôn là những đặc điểm của người Cơ Đốc Giáo. Tôi nhấn mạnh
vào câu: “Đức Thượng Đế tự tại”. Có thể đối với chư huynh, câu này
dường như khô khan, lạnh lùng và vô duyên; có cần phải phiên dịch lại
nó để chư huynh hiểu được ý nghĩa thiệt của nó không ? Dĩ nhiên câu
này có nghĩa là Thượng Ðế ngự trị khắp nơi và trong mọi vật; nhưng
như thế cũng chưa đủ. Câu này còn có nghĩa là khi chư huynh đi dọc theo
bờ biển, ngắm nhìn những lượn sóng của đại dương bủa vào bờ như sấm
dậy. Chư huynh nhận thấy cái quyền năng thiêng liêng, oai nghi của Thượng
Ðế biểu hiện trong đó. Chư huynh băng qua một cánh rừng đẹp đẽ, chư
huynh thưởng thức cái cảnh âm u, tịch mịch, bốn bề vắng lặng, bóng
mát rợp che giữa buổi nắng chang đúng ngọ. Ôi ! chừng đó chư huynh mới
biết được cảnh an lạc thiêng liêng; chư huynh mới biết được sự trầm
lặng nó biểu lộ Đức Thượng Đế.
Nhờ tất cả
những mối cảm giác này mà chư huynh tiếp xúc được với Thượng Ðế và
cảm thấy được sự hiện diện của Ngài. Khi chư huynh ở trên những rặng
núi Hi mã lạp sơn cao vút, xa xăm, nếu chư huynh xem xét sự bền vững
kỳ diệu của chúng, những miền tuyết phủ quanh năm trùng trùng điệp
điệp, không đường lối ra vào, trong những rặng núi đó, chư huynh thấy
được cái oai hùng và sự vĩnh cữu của Ðức Thượng Ðế, và ở trong băng
tuyết chư huynh thấy được sự thanh bạch, thuần khiết của Ngài. Rồi khi
chư huynh quan sát những từng trời cao vút, nơi đó các nhà thiên văn
chỉ thấy những tinh cầu luân chuyển, khoảng không gian bao la bát ngát
kia đã nói cho chư huynh rõ cái Uy linh trầm mặc của Ngài. Không có
cái chi trên đầu ta ở mấy từng trời cao rộng, không có cái chi ở dưới
chơn ta, trong những hang sâu vực thẳm mà lại không chứng tỏ sự hiện
diện của Ngài và không nói rằng: Ngài là Linh hồn của vạn vật. Thế
nên chư huynh ngắm xem phong cảnh, chư huynh thấy Đức Thượng Đế xuyên qua
y phục của Ngài. Đó mới thật là cái nghĩa của câu Ðức Thượng Ðế
ngự trị khắp nơi hay là Thiên lý tự tại, bởi vì có một mình Ngài
hiện tồn mà thôi. Nếu chư huynh muốn, chúng ta hãy xem xét ý niệm này
cặn kẽ hơn. Nhiều người bài xích Ða thần giáo, nhưng khi người ta hiểu
rõ thuyết này thì thấy nó chỉ là sự cố gắng của con người vì bị
hạn chế trong sự diễn tả tư tưởng nên phải lấy vô số hình ảnh để
cắt nghĩa về Ðức Thượng Ðế giáng trần. Nhờ như vậy ai nấy đều thấy
thật là rõ ràng sự biểu lộ của Ðức Thượng Ðế, còn nhà triết học
biện luận về vấn đề này một cách mập mờ, khó hiểu. Thật sự, nhân
loại đáng thương hại này chỉ hiểu được Ðức Thượng Ðế là khi nào
Ngài biến hình, hiện ra trong vô số Thần linh. Nếu chư huynh khôn ngoan
chớ không đến đỗi phi lý, chư huynh không để cho khoa học chỉ nhận xét
những vẻ bề ngoài mà lại chỉ trích cái sự hiểu biết sâu xa hơn, nó
dạy cho chư huynh những điều huyền bí về đời sống của con người và
của Thượng Ðế. Nếu chư huynh muốn thì chư huynh cứ học hỏi với khoa
học Tây phương, nhưng về phần chư huynh thì chư huynh hãy dạy cho Tây
phương biết về đời sống vô biên và sự hiện diện của Thượng Ðế khắp
mọi nơi. Nếu chư huynh làm như vậy, thì thật ra thuyết Ða thần của chư
huynh sẽ là một điều rất tốt đẹp. Vì khi nhìn thấy người vợ âu yếm
cúi xuống với mình, chư huynh sẽ thấy đó là Lakshmi, ánh sáng và Nữ
Thần Nội Trợ chiếu sáng ngời qua cặp mắt của người vợ thân yêu; và
khi người vợ nhìn người chồng, kẻ đảm đương và trụ cột của gia đình,
nàng sẽ thấy chàng là Thượng Ðế Vishnou, Đấng duy trì và bảo tồn
Ðời sống của Vũ trụ. Nhìn qua ánh mắt của con cái mình, chư huynh sẽ
thấy ánh mắt của Đức Krishna và trò chơi trẻ nít của Ngài với những
nữ mục đồng Gopis. Và khi người mẹ cúi xuống chiếc nôi với con, chư
huynh sẽ nhìn thấy Ðức Thánh mẫu Durga, Ðức Mẹ thiêng liêng của Vũ trụ
chăm nom săn sóc thế giới. Ðúng như vậy, thuyết Ða thần là sự sống
của con người đã được Tinh thần hóa; những hình hài không còn làm cho
chúng ta bị mù quáng nữa, chúng ta quả quyết nhìn thấy sự sống ở
trong những hình hài đó. Sự sống chỉ có một, mà hình hài thì vô
số; Sự sống chỉ có một, mà nhãn hiệu thì vô cùng. Trong Thánh kinh
há chẳng có câu này: “Kẻ nào thờ phụng tất cả những hình hài, thì
chính kẻ đó không thờ phụng Ta (Đức Thượng Đế) hay sao ! Dù không thờ
phụng theo tục cổ truyền”. Như thế chư huynh sẽ bắt đầu hiểu rằng Ðời
sống Tinh Thần hay là Ðạo Tâm có nghĩa là sự nhận biết được Thượng
Ðế ở khắp mọi và ở trong mọi vật.
Nay tôi xin nói qua với chư huynh sự liên quan giữa Ðời sống Tinh
Thần hay là Ðạo Tâm và nền thương mãi, nơi công sở, ngoài đường phố,
và nếu có thể được, tôi xin giải nghĩa cho chư huynh rõ làm cách nào
mỗi người trong chúng ta đều có thể thành một người có tâm đạo nếu
chư huynh quả quyết muốn được như vậy. Chúng ta hãy xem xét vô số hoạt
động của đời sống Hồng Trần, những đường lối khác nhau để giúp đỡ
và duy trì thế gian: nền thương mãi nó liên kết những quốc gia lại
với nhau và dự phần vào việc nuôi dưỡng nhân loại luôn luôn sinh sôi
nẩy nở; những thương thuyền vượt qua đại dương chở đầy những hàng hóa
từ quốc gia này đến quốc gia khác, những người lái buôn và những
thương gia phân phát hàng hóa đó cho tất cả mọi người, khiến cho ai ai
cũng có được những thứ cần dùng; trật tự được gìn giữ trong xã
hội, những sự cố gắng của những người ngăn cấm không cho kẻ mạnh
hiếp kẻ yếu trong những vụ buôn bán; tất cả cái guồng máy luật pháp
vĩ đại – ông quan tòa nơi tòa án, vị luật sư nơi pháp đình, viên cảnh
sát ở ngoài đường, những ai giúp cho guồng máy xã hội chạy đều, bênh
vực kẻ yếu khỏi kẻ mạnh lấn át; đời sống gia đình, căn bản của mọi
quốc gia; sự che chở của người cha, tình yêu thương của người mẹ, sự
vui vẻ của đứa con, nhiệm vụ của vị lương y không sợ sự truyền nhiễm
và liều thân làm giảm bớt sự đau khổ, nhà giải phẫu có bàn tay khéo
léo và nhờ kinh nghiệm có thể cứu sống một mạng người trong cơn nguy
hiểm; tất cả những ai dạy học và cung hiến cho quốc gia những kẻ nam
nhi hùng tráng và những bực anh thư; tất cả những ai làm việc để giữ
gìn nhân loại, họ là gì ? nếu không phải là những cán bộ của công
việc duy nhất của Thượng Ðế, họ là những bàn tay, những bàn chân, họ
là trái tim của Thượng Ðế tác động trong mỗi nghề nghiệp trần gian.
Chư huynh còn nhớ câu chuyện cổ tích về bốn giai cấp và nguồn cội
của chúng, những người Bà la môn tự miệng của Thượng Ðế mà sinh ra,
những vị Kshattryas (Sái đế lị), các vị đế vương và chiến sĩ tự vai
Ngài, những người Vaishyas (Tỷ xá) buôn bán tự các ngón tay cái Ngài,
còn những người Sudras (Su tra) tôi tớ tự chân Ngài. Nghe câu chuyện lạ
lùng đó, chư huynh phát tức cười và nói: “Chuyện này chỉ nên mang
ra mà kể cho con nít nghe trong buổi hoàng hôn”. Tuy nhiên có một
chơn lý ở trong câu chuyện đó, không những nó chỉ liên quan đến bốn
giai cấp ở Ấn Ðộ, mà còn liên quan đến bốn giai cấp lớn của mỗi quốc
gia, dù chư huynh có gọi chúng là những giai cấp hay không cũng vậy.
Vì những người có học thức dạy dỗ dân chúng, những ai mang kiến thức
của mình mà chia xẻ cho người khác, những vị giáo sĩ điều khiển
những sự thờ phụng trong các tôn giáo, những giáo sư ban rải sự hiểu
biết, đó phải chăng là lời nói của Thượng Ðế thốt ra nơi miệng con
người hay sao ! đó há chẳng phải là giai cấp Bà la môn, những nhà
thông thái và những vị giáo chủ của nhân loại hay sao ! Còn hạng
Kshattryas (Sái đế lị) có những người tiêu biểu là các vị hoàng đế,
các vị vương hầu, các tòa nội các, các nghị viện, các quan lại, từ
bậc cao cấp nhất xuống tới bậc hạ cấp nhất, từ ngôi cửu ngũ tới
hạng tiểu quan lại, há chẳng phải là những cánh tay của quốc gia được
ủy nhiệm điều khiển và bảo tồn dân chúng để cho người thợ lương
thiện có thể hành nghề mọn của mình mà không sợ bị húng hiếp và
thiên hạ hưởng cảnh thanh bình của Ðức Thượng Ðế do Đức Vua ban ra hay
sao? Còn hạng Vaishyas (Tỷ xá), những người thương gia, những người có
tài tổ chức các công việc, những ai nắm trong tay mình bí quyết làm
cho mọi người được sung sướng, những người há chẳng phải những vị
Quốc vương hay sao? Nước nhà há chẳng phải nhờ họ để được an toàn,
cường thịnh và giữ vững địa vị mình trên trường quốc tế hay sao? Bây
giờ ta hãy nói đến hạng Sudras (Su tra) họ há chẳng phải là nền tảng
của xã hội tổ chức cần thiết cho các cơ quan hay sao? Những người thợ
thuyền, những người khai thác tài nguyên của xứ sở, những người tôi
tớ giúp cho đời sống vật chất của gia đình được dễ dàng, mấy người
đó há chẳng phải là những bàn chân của Thượng Ðế, nhờ họ mà công
việc mới hoàn thành sao?
Còn người tu sĩ Sanyasi vượt lên trên bốn giai cấp của xã hội,
chẳng phải đó là những người thi ân cho đời trong một lãnh vực cao
rộng hơn hay sao ? Nếu người Sudras (Su tra) phụng sự cho con người thì
người tu sĩ Sanyasi làm tôi cho nhân loại; thế thì đẳng cấp hạ tiện
nhất là phản ảnh của bậc cao quí nhất trong nhân loại. Than ôi ! trong
cái tôn giáo cao thượng và cổ kính của chư huynh còn có biết bao nhiêu
điều mà chư huynh chưa hiểu, còn có biết bao nhiêu điều mà chư huynh
cũng chưa từng thấy thoáng qua trong những giấc mộng của mình
nữa.
Xin chư huynh để cho tôi nói rõ sự ứng dụng. Thoạt đầu tôi xin
nói về một nghề mà dường như thường bị chỉ trích: tôi muốn nói đến
ngành Tư pháp. Hôm trước đây, tôi sung sướng được nghe một diễn giả bênh
vực những vị cầm cân luật pháp đã bị người ta công kích; diễn giả
nói ông biết chắc những vị này chơn chánh – có lẽ chơn chánh còn hơn
một số đông đồng loại của họ mà người ta không tìm cách buộc tội.
Nếu một vị luật sư là người có một bản tính tinh thần và không có
một lý do gì mà ông ta lại không phải là một người như vậy – tôi
thường diễn thuyết trước một số đông luật sư thì ông ta sẽ tự coi
mình như là hiện thân của sự công bình của Thượng Ðế ở cõi trần
này. Không bao giờ ông lại cãi cho một người để y thắng kiện trong sự
bất công; ông sẽ tự coi mình là có trách nhiệm trong sự công bình
thiêng liêng, ông sẽ rất cẩn thận làm cho sự công bình ấy được thực
hiện. Có lẽ chư huynh sẽ hỏi tôi rằng ông không nên bênh vực một kẻ
phạm tội ác hay sao? Nên chứ, ông phải bênh vực y vì kẻ phạm tội ác
cũng có quyền được hưởng sự công bình, vì tình trạng của y cũng như
tình trạng của nguyên cáo phải được xem xét kỹ lưỡng vậy. Một kẻ
phạm tội dù có xấu xa độc ác đến đâu, người đại diện cho công lý
thiêng liêng cũng phải nêu cái phần phải của nó ra bởi vì luật thiêng
liêng đều trả cho mỗi người cái phần của y đáng hưởng. Ông coi chừng
để không có một sự gì bị xóa đi, bị bớt đi, để không có một sự gì
làm chứng gian dối. Như thế có nghĩa không được làm cho tội trạng
nặng thêm lên, như thế có nghĩa là phải trình bày sự việc một cách
rất khéo léo và rất nhiều thiện cảm: không được che giấu sự thật,
sự công bình sẽ không bị sự gian dối làm cho lem ố. Nếu ông hiểu được
sự cao thượng của nhiệm vụ mình, ông sẽ xem thường không thèm dùng
đến mưu mô và bất chánh. Sự công bình ở cõi Trần phải phát sinh tự
nơi công lý của Thượng Ðế, nó phải bênh vực kẻ yếu đuối và kẻ bị
ức hiếp, phải sửa chữa những lỗi lầm của kẻ làm thiệt hại đến
đồng loại. Tôi xin hỏi chư huynh, nếu vị luật sư mà hành động như vậy
há chẳng phải trọn giới Tư pháp được tiếng khen thanh liêm, trong sạch
hay sao ? và chẳng phải đó là một cơ quan cao quí đại diện cho công lý
thiêng liêng trên mặt đất hay sao? Như thế những người lương thiện sẽ
được sung sướng hơn trước và những người hung dữ, độc ác sẽ bớt ngạo
mạn khi ra trước công lý vì đã biết rằng luật pháp vô tư, không có sự
bất chánh nào hay là thế lực nào làm cho lay chuyển được nó. Chư
huynh cũng xem xét công việc của người thương gia. Y là bàn tay của
Thượng Ðế, phân phát khắp thế gian những gì cần thiết cho sự sống
của con người. Nếu y quan niệm việc làm của mình theo cách đó thì cái
cửa hàng chật hẹp của y sẽ trở nên thanh khiết và cao thượng biết
bao. Sự buôn lậu, sự lường gạt, sự giả mạo sẽ không còn nữa. Người
ta sẽ không còn ngụy tạo những hàng vải, không còn trộn cát vào
đường, không còn bỏ nhánh cây vào trà, không còn gian lận trong việc
bán hàng nữa. Nếu được như thế thì cũng như những điều đã nói về
pháp luật ở trên đời sống tinh thần sẽ mang hạnh phúc
tới.
Xin chư huynh cũng nghĩ về gia đình
theo quan điểm đó, nghĩ về người chồng và người vợ. Người chồng tự
coi mình như là người chồng thiêng liêng, là Thượng Ðế, và chính Ðức
Krishna đã tự gọi mình là: “Ta là Ðức phu quân” – người chồng
sẽ hiểu rằng không phải người vợ sinh ra chỉ để cho người chồng được
sung sướng và vui vẻ, để làm thỏa mãn thú vui xác thịt của y, để
tăng trưởng hạnh phúc của y đâu. Giống như Ðức Vishnou đối với Vũ trụ
của Ngài, người chồng đối với người vợ phải là một người bạn, một
người che chở, và nâng đỡ cái gánh nặng đang đè lên đôi vai yếu đuối
của nàng, ban rải cho nàng một tấm tình thương yêu âu yếm mà người
chồng có đặc quyền hiến cho vợ mình. Và người vợ phải nhớ rằng đối
với Vishnou nàng là nữ thần Lakshmi, nàng coi chồng như một người gìn
giữ và che chở nàng: tình thương yêu của nàng là một sự tự ý hiến
dâng, như thế mới quí báu, vì đó không phải là một mối tình bị bắt
buộc phải theo quyền một người chồng mà đó là những bông, những trái
được hái về để dâng lên cho chàng giống như những bông hoa dâng lên vị
Thần mà nàng thờ phụng. Nếu người cha trong gia đình thừa nhận cái
lý tưởng thiêng liêng đó trong đời sống của mình thì y sẽ là tượng
trưng cho cái chức vị cao thượng nhất của Thượng Ðế, là Ðấng Từ phụ
và người Bằng hữu của nhân loại. Ôi, chư huynh sẽ giúp đỡ các con trai
và các con gái của chư huynh được biết bao nhiêu nếu chư huynh cố gắng
làm được một người cha thiêng liêng. Trong sự buồn rầu, trong cơn nguy
khốn, các con của chư huynh sẽ chạy lại với chư huynh chớ không lẫn
trốn như chúng thường làm, vì chúng sợ hãi nhiều hơn là yêu mến.
Chúng sẽ biết rằng cha chúng là người bạn thân nhất, là người chở
che âu yếm nhất; chúng biết rằng chúng có thể tâm sự tất cả với cha
và chúng sẽ luôn luôn được tha thứ vì cha chúng cố gắng để tượng
trưng cho Ðức Chúa Cha trên Trời. Ai ai cũng có những tật xấu. Trong
những lúc yếu đuối của chư huynh, khi chư huynh lầm lỗi, chư huynh cầu
xin lượng bao dung của Thượng Ðế; vậy đối với con cái chư huynh, chư
huynh cũng phải xót thương chúng và giúp đỡ chúng một cách thích
hợp. Như vậy, khi chư huynh già cả, chúng sẽ tận tâm với chư huynh như
đối với Ðức Chúa Cha, chúng sẽ nâng đỡ chư huynh, vì xưa kia khi chúng
còn trẻ dại chư huynh đã che chở và dìu dắt chúng. Còn về các đứa
con gái của chư huynh, chư huynh đừng tưởng rằng chúng không có quyền
đòi hỏi chư huynh nếu chư huynh thật muốn sống như Ðức Chúa Cha. Chúng
mới lên bảy, lên tám, lên chín tuổi mà chư huynh đã ràng buộc chúng
trong những sợi dây trói của một cuộc hôn nhân không sao thay đổi được,
trong khi đó chúng không hiểu gì cả, không hiểu rằng sau này chúng sẽ
góa chồng sớm và đời chúng bị đen tối, chúng chỉ còn giữ trong lòng
kỷ niệm của một người chồng đã chết mà chưa hề ăn ở với chúng. Ôi !
xin chư huynh hãy nghĩ đến những kẻ góa bụa hãy còn trinh tiết ấy,
và xin nói cho biết, như vậy những người cha của chúng có làm đầy đủ
bổn phận mình, cái bổn phận thiêng liêng không. Một người cha có quyền
để cho một đứa con gái đang cần được sự che chở và giữ gìn, đương
đầu với những nỗi lo âu và những sự nguy hiểm của sự sanh con đẻ cái
không ? Chư huynh là người có những hoài vọng thiêng liêng, chư huynh
phải sửa đổi nhiều về quan niệm đó, để cho con trai và con gái của
mình khi lớn lên sẽ thành những công dân của một quốc gia xứng đáng
được tự trị và được tự do [17] vì người
chồng còn con nít và người vợ cũng còn con nít thì không thể là
những người công dân xứng đáng của một nước độc lập; suốt đời chúng
là những kẻ yếu đuối vì trưởng thành quá sớm. Chư huynh hãy hiểu rõ
đời sống thiêng liêng là gì; đó là bổn phận, đó là tình thương yêu,
đó là phải làm đầy đủ nhiệm vụ của mình trong đời sống gia đình và
trong xã hội, tự coi mình như những người đại diện của các vị thần
minh, dự phần vào cái công nghiệp mà Thượng Đế làm cho vũ trụ của
Ngài. Còn phải nhận xét về một quan điểm khác nữa. Chúng ta đều
hoài vọng nhiều hay ít về đời sống thiêng liêng. Chúng ta nói đến sự
hợp nhất với Thượng Ðế; chúng ta nói chúng ta muốn vượt lên cao mãi
trên những nấc thang thanh bạch, thông hiểu và từ ái, và như vậy thì
chúng ta rất hữu lý. Nhưng có một điều mà chư huynh không được quên vì
nó không cần thiết cho đời sống tinh thần. Sự sống chỉ là một; dù
nó tác động nơi kẻ tội lỗi hay nơi một vị Thánh nhân, nơi kẻ nghèo
hèn hay nơi một người quí phái; sự sống này có tính cách thiêng
liêng, vì nó phát sinh tự Thượng Ðế. Chư huynh muốn được hợp nhất với
Ngài, với các nhà Ðại hiền Rishis, với các Chơn Sư hay các vị Thánh,
mà chư huynh có sẵn sàng hợp nhất với kẻ kiêu sa dâm dật, với kẻ buôn
hương bán phấn và với kẻ cường đồ cướp đảng hay không? Sự sống thiêng
liêng cũng có nơi họ vậy. Nét đặc biệt của Ðạo Tâm là gì? Chư huynh
tinh khiết và tại sao lại có sự tinh khiết đó? Ấy là để cho chư huynh
có thể sống riêng rẽ và được hài lòng vì mình cao thượng hơn kẻ
khác hay sao? Ôi ! không phải như thế, chư huynh được tinh khiết là để
chư huynh có thể trà trộn với những kẻ nhơ nhớp để tinh khiết họ và
dắt dẫn họ đến gần sự thực hiện đời sống thiêng liêng. Chư huynh có
học thức, chư huynh không ưa thích kẻ ngu dốt, chư huynh lánh xa kẻ vô
học, cộc cằn, thô bỉ. Nhưng nếu chư huynh có học thức, ấy là để cho
kẻ ngu dốt, kẻ thấp hèn trụy lạc hưởng nhờ sự hiểu biết của chư
huynh, chư huynh được khôn ngoan để dạy họ, để chia sớt cho họ những ánh
sáng của đời sống duy nhất nó chỉ là một, ở nơi họ cũng như ở nơi
chư huynh. Ðó là một bài khó học thuộc lắm. Luôn luôn chúng ta cầu xin
Ðấng Cao Cả cúi xuống để nâng đỡ chúng ta lên cao. Vậy chúng ta có
sẵn sàng giơ tay ra nắm kẻ ở dưới mình để nhấc họ lên đến trình độ
của chúng ta hay không? Nếu không có điều đó thì không có Ðạo Tâm,
không có Tôn giáo chơn chánh; thì đó chỉ là lòng ích kỷ ẩn mình
dưới cái lớp mặt nạ của lòng sùng Ðạo và kẻ thấp hèn lại muốn tỏ
ra mình là cao thượng. Khi nghĩ đến đời sống Tinh thần, xin chư huynh nhớ
rằng nó bao hàm tất cả, không loại ra ngoài một cái chi cả. Nó bao
trùm mọi sự, không bài trừ cái nào, nó sẵn sàng chia sớt với mọi
người những kho tàng quí báu thiêng liêng của nó, chúng chỉ có giá
trị khi được sử dụng để làm cho đời sống nghèo nàn khổ cực của đồng
loại được trở nên giàu có sung sướng và rộng rãi hơn.
Có lẽ một tư tưởng được tượng trưng bằng một hình ảnh, sẽ
được chư huynh ghi nhớ kỹ càng hơn là những lời nói rất chóng bị
lãng quên. Trước khi từ biệt chư huynh, tôi xin nói tư tưởng đó ra. Có
lẽ đôi khi chư huynh đứng gần một nhà điêu khắc làm việc giỏi như vài
nhà nghệ sĩ đại tài bây giờ. Trong khối đá hoa, y tạc nên một bức
tượng để diễn tả ý niệm của mình cho được rõ ràng và linh động
trước tâm trí loài người. Nếu chư huynh hỏi han nhà nghệ sĩ đó thì y
sẽ nói rằng đối với y đó không phải là khối đá hoa mà y biến đổi
thành một pho tượng; chính trong khối đá hoa này một bức tượng đang
ẩn mình, mỗi lần đục đẽo y đánh vỡ một mảnh đá hoa, khiến cho hình
càng lộ thêm ra, nhờ như vậy lần lần được gần pho tượng hơn. Y làm
việc hoài, làm việc mãi, con mắt thiên tài của y nhìn thấy cái hình
dáng mà chư huynh và tôi, chúng ta không nhận ra được, cái đục và cái
chàng gọt đẽo đá hoa nhưng nó không tạc được tứ chi tuyệt đẹp của pho
tượng vì pho tượng này có sẵn trong khối đá. Ðối với chư huynh thì
cũng giống như vậy. Tinh Thần thiêng liêng tức là Thượng Ðế vẫn ngự
trị trong mỗi người của chư huynh ẩn tàng dưới xác thịt, bị nhốt
trong những thể, bị giấu kín đằng sau những sự cảm xúc và trí khôn,
cho nên con mắt phàm không nhìn nhận được Ngài. Chư huynh không phải
sáng tạo ra cái hình ảnh này. Xưa nay vẫn có nó ở đó. Chư huynh không
cần phải xây dựng nó, chư huynh chỉ cần giải phóng nó mà thôi. Thượng
Ðế ngự trị nơi chư huynh, Ngài chờ đợi để tự biểu lộ, chư huynh có
cái vinh hạnh làm tiêu tan tất cả những gì cản trở sự biểu lộ đó.
Chư huynh có một cái đục đó là tư tưởng của mình, còn cái chàng của
chư huynh chính là quyền năng của Ý chí. Chư huynh hãy sử dụng Ý chí
và tư tưởng mình, hãy xua đuổi những cảm xúc của xác thân và của tâm
trí; tất cả những gì không phải là Ngài thì phải tiêu tan đi. Rồi
thì một pho tượng thiêng liêng tuyệt đẹp sẽ được tạc trên đời sống
hồng trần; vẻ huy hoàng của Thượng Ðế nội tâm sẽ sáng chói, sẽ soi
đường và sưởi ấm mọi người với cái ánh sáng rực rỡ của nó. Thượng
Ðế giáng phàm để trở thành người sống trên mặt đất, và chư huynh sẽ
có cái vinh hạnh giải thoát Ngài để Ngài giúp đỡ nhân loại. Vậy thì
trong đời sống hằng ngày, chư huynh hãy là những nhà nghệ sĩ, nhà
điêu khắc làm việc trong xưởng đời. Và khi chư huynh từ giả cõi đời
này, chư huynh sẽ biết rằng mình là Tinh thần trường tồn vĩnh cửu,
chư huynh sẽ không còn lầm mình với những thể bị bỏ lại phía sau. Và
như thế chư huynh sẽ đi vào một đời sống rộng rãi hơn, kiếp số của
chư huynh sẽ tốt đẹp, tương lai của chư huynh sẽ rực rỡ vì chư huynh sẽ
được tự do, chư huynh sẽ là Chơn thần được giải thoát, chư huynh sẽ là
Thượng Ðế biểu lộ ra; chư huynh đã đạt được mục đích của nhơn
sinh.
H
Ế T.
[1] Tiềm thức là sự hoạt động tinh thần ngoài ý
thức của mình nó có nghĩa là những hoạt động mà ý thức của mình
không kiểm soát nổi. Tiềm thức hay là bán ý thức cũng một nghĩa.
(Lời dịch giả)
[2] Đức Chúa Trời dựng nên loài người giống như
hình Ngài. Sáng Thế Ký 27. (Lời dịch giả.)
3
Cũng gọi là Tinh
thần.
[5] Gọi là chất Thanh Khí. (Lời dịch
giả)
[6] Máy phát động này tức là cái phách (double
éthérique). (Lời dịch giả)
[7] Equilibre instable.
[8] Alchimiste.
Xin đọc cuốn « Những
giấc chiêm bao » (Les rêves) của Đức Leadbeater (Lời dịch giả)
[14] Griselda là một người đàn bà gương mẫu về đức tính kiên nhẫn
và vâng lời chìu lụy chồng. Bà là vợ của Hầu tước Saluzzio. Hầu
tước bắt bà làm những công việc khổ sở, dù mệt nhọc, bà luôn luôn tuân
theo không bao giờ than van hay oán trách. Trong cuốn Decameron của
Boccacio và cuốn Canterbury Tales của nhà văn hào Chaucer cũng có thuật
chuyện này.
[15] Xin
chư quí độc giả nhớ “Bây giờ” đây là năm 1912. Thuở đó, văn chương, khoa
học, mỹ thuật chưa tiến bộ như ngày nay. Hiện giờ có những báo chí
chuyên khoa và báo chí dự một phần lớn vào việc mở khai dân trí, cải
tiến dân sanh. 50 năm đã qua, nhiều biến cố đã xảy ra và sửa đổi cuộc
diện thế giới, nhưng luật trời vẫn bất di bất dịch. (Lời dịch giả.
B.L.)
[17] Xin
nhớ Bà A. Besant thuyết bài này năm 1912 tới nay đã nửa thế kỷ rồi,
cuộc đời đã biến thiên rất nhiều. (Lời dich giả)
HẾT
------------------------------------------------------------------------------
Thông Thiên Học là Khoa Học của linh hồn.
Thông Thiên Học là Minh Triết Cổ Truyền được trình bày lại theo thời
đại hiện nay
Phương pháp có
khác nhau, tư tưởng có khác nhau, cách thức có khác nhau, thì việc làm của chúng
ta mới linh động chớ không suy giảm, miễn hành vi ấy có tình thương dẩn dắt và
lòng nhân ái xét soi. (Annie Besant)
Hội Thông Thiên Học là một tổ chức quốc tế, với ý nghĩa
rộng rãi của từ, mà hội viên thuộc tất cả các giống dân, tín ngưỡng và ý kiến
khác nhau nhưng họ hợp tác làm việc với nhau cùng chung một mục đích:
sự tiến bộ của nhân loại -
Nhưng với danh nghĩa là Hội, Hội
hoàn toàn
không thuộc về bất cứ
quốc gia nào hoặc đảng phái chính trị nào.
Về phương diện Hội, họ chỉ có thể hành động tập thể cho các vấn đề chung có liên quan với Thông Thiên Học; về phương diện cá nhân, họ được hoàn toàn tự do để theo tư tưởng và hành động chính trị riêng biệt, miễn hành động đó đừng đi ngược lại nguyên lý của Thông Thiên Học và không có điều hại nào cho chính Hội Thông Thiên Học.
(Bí Quyết Thông Thiên Học, H. P. B.)
Về phương diện Hội, họ chỉ có thể hành động tập thể cho các vấn đề chung có liên quan với Thông Thiên Học; về phương diện cá nhân, họ được hoàn toàn tự do để theo tư tưởng và hành động chính trị riêng biệt, miễn hành động đó đừng đi ngược lại nguyên lý của Thông Thiên Học và không có điều hại nào cho chính Hội Thông Thiên Học.
(Bí Quyết Thông Thiên Học, H. P. B.)
Nếu mọi viên sỏi đều trở thành một viên hồng ngọc vô giá thì viên sỏi và hồng ngọc ắt có giá trị giống như nhau.
Mọi người đều nghĩ rằng sự khôn ngoan của mình là hoàn hảo, cũng như mọi bà mẹ đều cho rằng con của mình là đẹp nhất.
“Con tôi là của tôi, tài sản này là của tôi”: một kẻ điên rồ bị giằn vật vì những tư tưởng như thế. Bản thân y còn chưa thuộc về y chứ đừng nói tới con cái và của cải.
Bánh xe hi sinh có trục là Tình Thương, lốp là Hành Động và căm là Tình Huynh Đệ.
Thông Thiên Học không phải là việc thu tóm quyền lực dù là về mặt thông linh hay trí tuệ, mặc dù cả hai quyền năng đó đều phục vụ cho Thông Thiên Học.
Thông Thiên Học cũng theo đuổi hạnh phúc như người ta thường hiểu về từ ngữ này. Đó là vì bước đầu tiên của nó là sự hi sinh, còn bước thứ nhì là sự từ bỏ.
Thông Thiên Học là khoa học về sự sống, là nghệ thuật sống.
Thông Thiên Học là hiện thể của tinh thần mang lại sự sống; do đó không một điều gì mang tính giáo điều có thể thuộc về Thông Thiên Học.
Ngay cả trong rừng rậm cô liêu, tội lỗi vẫn chiến thắng kẻ không thánh thiện; kềm chế được giác quan ở ngay chính nhà mình mới là tu khổ hạnh vậy.(CNPĐ)
Xin dắt tôi từ cõi gỉa đến cõi CHƠN,
Xin dắt tôi từ chỗ tối tăm đến nơi SÁNG SUỐT,
Xin dắt tôi từ cửa tử đến cõi TRƯỜNG SANH BẤT TỬ.
(Dưới Chơn Thầy)
Xin dắt tôi từ chỗ tối tăm đến nơi SÁNG SUỐT,
Xin dắt tôi từ cửa tử đến cõi TRƯỜNG SANH BẤT TỬ.
(Dưới Chơn Thầy)
Cái Trí là tay đại phá hoại Sự Thật. (Tiếng Nói Vô Thinh)
Ngươi hãy tiêu diệt lòng tham vọng, nhưng hãy làm việc như những kẻ lòng đầy tham vọng.
Ngươi hãy tiêu diệt lòng ham sống, nhưng hãy tôn trọng sự sống.
Ngươi hãy tiêu diệt lòng ham muốn sự tiện nghi, nhưng hãy sung sướng như những kẻ chỉ sống để hưởng lạc thú.
5.- Hãy diệt mọi ý thức chia rẽ. (Kill out all sense of separateness)
Chú giải : Bạn chớ tưởng là bạn có thể sống riêng biệt với những kẻ hung dữ, hạng người điên dại. Họ chính là bạn đó, mặc dầu họ ở trình độ kém hơn người bạn hoặc vị Thầy của bạn. Nhưng nếu bạn để nảy sinh cái ý nghĩ bạn không liên đới với một điều nào hoặc một tội lỗi nào tức là bạn tạo ra một nghiệp quả, nó sẽ buộc bạn vào điều đó hoặc người đó, cho đến ngày nào tâm hồn bạn nhận thấy rằng nó không thể sống riêng rẽ được. Bạn hãy nhớ rằng tội lỗi và nhục nhã của đời là tội lỗi và nhục nhã của bạn, bởi vì bạn là một phần tử của thế gian; nghiệp quả của bạn dệt chung và không thể tách rời Đại Nghiệp Quả được. Trước khi bạn được giác ngộ, bạn phải trải qua mọi chỗ dơ cũng như chỗ sạch. Như thế bạn hãy nhớ rằng cái áo dơ mà bây giờ con nhờm gớm có thể là cái áo của bạn bữa qua hoặc bữa mai. Nếu bạn tỏ vẻ ghê sợ, thì khi nó đặt lên vai bạn, nó sẽ càng bó chặt lấy bạn hơn. Kẻ nào có lòng tự kiêu về đức hạnh của mình tức là dọn cho mình một chỗ trong vũng bùn nhơ. Bạn tránh, vì đó là điều nên tránh chớ chẳng phải để giữ cho bạn được trong sạch.
(Ánh Sáng Trên Đường Đạo) xem tiếp
58. Bạn không thể nào đi trên đường Đạo, nếu chính bạn chưa trở nên con Đường đó (32).
59. Hãy để cho Hồn bạn lắng tai nghe mọi tiếng đau khổ, như bông sen nở lớn để hứng ánh sáng mặt trời buổi ban mai.
60. Bạn chớ để nắng gắt làm khô một giọt nước mắt đau khổ nào, trước khi bạn lau ráo lụy cho cặp mắt của người buồn khổ.
61. Bạn hãy để cho tất cả nước mắt của thế gian rơi vào lòng bạn, đọng lại ở tim bạn, chớ không khi nào chùi đi, trước khi nguyên nhân gây đau khổ tiêu tan.
62. Hỡi con người có tấm lòng từ bi, những giọt nước mắt đó là những suối nước tưới mát cánh đồng từ thiện bất diệt. “Chính nơi miếng đất đó trổ được bông nửa đêm của Phật (33), thứ bông này còn khó tìm, khó gặp hơn bông cây Vogay. Ðó là hột giống để thoát ly đường sanh tử. Nó tách riêng vị La Hán ra ngoài vòng tranh đấu và tham vọng, nó dắt người băng ngang qua những cánh đồng của Thực Tại để đến nơi an lạc, chân phúc, chỉ thấy được nơi cõi Tịch Mịch, Hư Vô. (Tiếng Nói Vô Thinh) xem tiếp
Bạn hãy nhớ rằng: mọi việc khổ não trên thế gian đều là tạm
thời, bổn phận của bạn phải luôn luôn vui vẻ và giữ lòng thanh
tịnh.
Bởi vì chính bạn với Đường Ðạo phải trở nên một. Đường Đạo tức là
bạn. Bạn bước trên Ðường Đạo mà không cần nghĩ tới nó, và bạn cũng không thể rời
nó được nữa. Bạn là Chơn Thần, bạn đã quyết định như vậy. Nếu bạn lìa bỏ nó
tức là bạn lìa bỏ chính bạn vậy.
Có minh triết bạn mới có thể giúp đời, còn ý chí để dắt dẫn sự minh
triết, và từ ái lại gây ra ý chí. Ấy là những điều kiện mà bạn cần phải có. Ý
chí, minh triết, từ ái là ba trạng thái của Ðức Thượng Ðế. Nếu bạn muốn
hiến mình phụng sự Ngài, thì bạn phải biểu lộ ba trạng thái ấy trong thế gian
này.