Home » » Nền toán học Việt Nam có nguy cơ bị tiêu vong

Nền toán học Việt Nam có nguy cơ bị tiêu vong

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012 | 01:33

Nền toán học Việt Nam có nguy cơ bị tiêu vong
Toán học của nước ta hiện bị tụt hậu khá xa so với một số nước trong khu vực vốn kém hoặc không hơn ta như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và đang đứng trước nguy cơ bị tiêu vong.

Đó là ý kiến của GS Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học đến năm 2020” (tổ chức ngày 16/5, tại Hà Nội).

Được xây dựng cơ bản từ năm 1954, đi lên từ con số 0, đến nay, Toán học nước ta đã được xếp vào loại khá trong các nước đang phát triển, có thể xếp vào hàng thứ 50-60 trên thế giới. Tuy nhiên, theo GS Tuấn Hoa, cách đây 10 năm, khi xác định các hướng khoa học công nghệ trọng điểm, Toán học không còn được đánh giá đúng mức.

Thêm vào đó, dưới tác động của kinh tế thị trường, số học sinh, sinh viên giỏi theo ngành Toán học đã giảm sút nghiêm trọng. Hậu quả là Toán học nước ta vừa ít về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Vì thế một số nhân tố gây dựng được của nền Toán học còn rất non trẻ của nước ta bị “biến đi”.

Không tuyển nổi nghiên cứu sinh để gửi đi Mỹ đào tạo

Theo số liệu thống kê của Viện Toán học Việt Nam, hiện cả nước chỉ có 30/322 trường ĐH trong cả nước đào tạo cử nhân hoặc sư phạm Toán.

Tuy nhiên, trong đó chỉ có 15 trường ĐH là có khoa Toán riêng. Số tiến sĩ ở 15 trường này chiếm gần 50% giảng viên. Còn lại giảng viên có học vị tiến sĩ chiếm tỷ lệ thấp. Số giảng viên có học hàm GS, PGS lại thấp hơn nhiều…

GS Lê Tuấn Hoa cho biết, nếu so với đồng nghiệp ở nước ngoài thì toàn bộ số giảng viên Toán đồng thời là những người có công trình công bố quốc tế về Toán học của nước ta không bằng một trường đại học lớn ở nước ngoài.
Trong khi đó, đầu vào của sinh viên sư phạm và cử nhân Toán có chênh lệch rất lớn. Sinh viên sư phạm Toán có điểm đầu vào cao, ngược lại cử nhân Toán có đầu vào rất thấp, chỉ bằng điểm sàn của Bộ. Do vậy, chất lượng cử nhân Toán học khi ra trường cũng rất yếu.
Chất lượng sinh viên yếu dẫn đến hàng năm không có đủ người để đào tạo tiến sĩ về Toán.
Cả nước hiện chỉ có 10 cơ sở đào tạo tiến sĩ về Toán là ĐH KHTN - ĐHQGHN, ĐHSP Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM, Viện Công nghệ Thông tin - Viện KH&CN Việt Nam, ĐH Huế, ĐH Vinh, ĐH Đà Lạt và ĐH Thái Nguyên.

Viện Toán học là cơ sở đào tạo lâu đời nhất, trong suốt 10 năm qua chỉ tuyển được tối đa 5 nghiên cứu sinh, trong khi đó chỉ tiêu mỗi năm của Viện là 10. Các cơ sở còn lại hàng năm cũng chỉ tuyển được 15 nghiên cứu sinh để bảo vệ luận án tiến sĩ về Toán.

Đáng buồn hơn là vừa qua Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) của Mỹ không tuyển nổi nghiên cứu sinh về Toán để đi đào tạo!

Nhiều giáo sư tại hội thảo cũng bày tỏ những quan ngại của mình về tình trạng “thụt lùi” của nền Toán học trong nước.

GS Hoàng Xuân Sính than rằng: “Bây giờ giới trẻ không thích học Toán, ngay cả sinh viên đoạt giải quốc tế về Toán khi đi du học nước ngoài toàn chọn ngành kinh tế. Khi tôi hỏi những sinh viên đó thì trả lời rằng chả tội gì đi làm Toán vì Toán “nghèo”.
GS Nguyễn Đình Trí thì lo “đến lúc nào đó không còn giảng viên dạy Toán”.

Muốn phát triển Toán học không có cách nào khác là phải đẩy mạnh nghiên cứu Toán học. Các trường ĐH nên gắn khoa Toán với Viện nghiên cứu để giảng viên nhận được đề tài nghiên cứu. Mặt khác, cần bố trí giảm thời lượng giảng dạy trên lớp để giảng viên có thời gian nghiên cứu về Toán. Có như vậy, thì mới có “nguồn” Toán học sau này - GS Trí đề nghị.
Còn GS Hoàng Tuỵ tiếc rẻ cho biết: “Chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để phát triển Toán học, do đó bị tụt hậu so với Singapore, Hàn Quốc hiện nay. Việc mình đứng thứ bao nhiêu trên thế giới không phản ánh được điều gì. Chúng ta chỉ hơn các nước là có một số nhà Toán học có trình độ cao nhưng lại thua các nước về trình độ trung bình”.

Theo GS Tụy, giáo dục Việt Nam muốn hội nhập quốc tế mà cứ giữ khư khư tiêu chí như hiện nay thì không “ngoi” lên được. Các nước phát triển thành công là nhờ thu hút được nhân tài trên khắp thế giới. Ông đề nghị, mục tiêu quan trọng nhất của nền Toán học Việt Nam trong thời gian tới là phải giữ vững đội ngũ nhà Toán học có trình độ cao như hiện nay. Đặc biệt, cần có chế độ, chính sách đối với sinh viên theo ngành Toán học để họ kế thừa và phát triển được thành quả nghiên cứu trước đó. Nếu không, thời gian tới, Việt Nam không có nhà Toán học nào có tầm.

Viện Toán học đã đưa ra giải pháp để giải quyết tình trạng trên là cử giảng viên đi đào tạo và thực tập tại nước ngoài, giảm giờ dạy đối với giảng viên để tập trung vào nghiên cứu… xây dựng lộ trình đào tạo năng khiếu đặc biệt, xuyên suốt từ bậc THPT đến bậc tiến sĩ.
Theo đó, hoàn thiện hệ thống các lớp chuyên Toán, khôi phục lại hệ thống thi học sinh giỏi Toán toàn quốc ở các lớp cuối cấp. Cho phép những học sinh xuất sắc được đặc cách học vượt lớp, vào thẳng đại học để học Toán. Đối với bậc ĐH, tạo những học bổng hấp dẫn cho sinh viên, nghiên cứu sinh và cử đi đào tạo ở các trung tâm toán học lớn trên thế giới…

Đặc biệt, trong khi chưa có trường ĐH nghiên cứu về Toán học thì biện pháp thích hợp và chủ yếu chính là lập Viện nghiên cứu và đào tạo cấp cao về Toán học.

GS Lê Tuấn Hoa cho biết, đây là cách làm có tính khả thi cao, tiết kiệm, hiệu quả nhất. Vì chúng ta tập trung được lực lượng đầu tàu vốn ít ỏi, để từ đó tạo nên một “quả đấm” mạnh, có sức giải quyết được một số vấn đề lớn.
(Dân trí) Edit
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved