Home » » 500 tỷ để lập viện nghiên cứu toán có 5 biên chế?

500 tỷ để lập viện nghiên cứu toán có 5 biên chế?

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012 | 01:32

500 tỷ để lập viện nghiên cứu toán có 5 biên chế?

Viện chỉ có 5 biên chế?

Không giống như Viện Toán học hiện nay, “Viện nghiên cứu và đào tạo cấp cao về Toán” (VNC&ĐTCC) ra đời sẽ chỉ có biên chế từ 3-5 người, đảm bảo phần điều hành, quản lý.

Toàn bộ các giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu sinh đều được mời từ bên ngoài và hoạt động theo cơ chế "biệt phái" từ 3 tháng đến 5 năm.

GS Trần Văn Nhung, Trưởng ban soạn thảo chương trình cho rằng, việc lập viện mới này là “bước đột phá” trong quá trình phát triển nền toán học nước nhà, nhất là trong điều kiện các trường ĐH chưa đẩy mạnh nghiên cứu, giảng viên phải lên lớp quá nhiều.

Đây là một trong những chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất tại hội thảo do Viện Toán học tổ chức ngày 16/5.

GS Ngô Đình Trí cho rằng, "kinh phí đều là tiền của Nhà nước, liệu có thể trả cho các nhà khoa học nhiều tiền như thế để họ đến làm hay không?

Tại các nước phát triển, viện nghiên cứu thường là Toán – Khoa học tự nhiên, Sử – Khoa học xã hội… Bởi vậy, xây dựng một viện nghiên cứu cao cấp chỉ chuyên về Toán còn phải xem xét lại."

Tại hội thảo, cũng có ý kiến cho rằng nên không nên lập ra viện mới nữa để tiếp tục nghiên cứu về Toán.
Vấn đề quan trọng nhất: sự gắn kết giữa các trường ĐH với viện này sẽ thực hiện như thế nào?

“Chưa có tương tác giữa các viện nghiên cứu và trường ĐH. Tác động của viện trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu của các trường chưa nhiều”, GS Lê Tuấn Hoa, Viện phó Viện Toán học nhận xét.

Không phản đối, nhưng GS Nguyễn Hữu Việt Hưng, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) băn khoăn: “Viện này sẽ liên hệ thế nào với tổng thể nền Toán học còn lại của cả nước?”

Theo dự kiến, số tiền chi cho hoạt động của viện sẽ xấp xỉ 500 tỉ đồng (chiếm một nửa tổng kinh phí dự trù cho chương trình phát triển Toán học của cả nước đến năm 2020).

GS Việt Hưng cho rằng, khi đổ ra số tiền này, nên nghĩ cho các trường ĐH thì hơn. Hiện nay, giờ giảng của giáo viên quá nhiều, muốn nghiên cứu cũng không thể.

Một nước lớn như nước Mỹ cũng chỉ có 2 viện nghiên cứu Toán, và đặt ở 2 nơi khác nhau. Việc thành lập một viện nghiên cứu mới về Toán ở Việt Nam cần phải xem xét kĩ.

Lọt top 40: "Rất quy ước"

Dự thảo “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đến năm 2020” đưa ra mục tiêu quan trọng nhất: Đưa thứ hạng Toán học của Việt Nam lên thứ 40 (hiện ta đang đứng bậc 54 so với thế giới).

Là thành viên Ban cố vấn của Chương trình, GS Hoàng Tụy lại có ý kiến trái ngược với mục tiêu "lọt top 40" bởi việc xếp hạng này rất quy ước.

"Đừng tin vào những con số đó”, ông nói.

GS Hoàng Tụy cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, có một số nhà Toán học trình độ cao không hề thua kém các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, ở trình độ trung bình thì ta kém hẳn họ.

Vì thế theo GS, mục tiêu quan trọng nhất của nền Toán học Việt Nam trong những năm tới không phải là đứng thứ bao nhiêu trên thế giới, mà phải là tiếp tục giữ vững đội ngũ nhà toán học có trình độ cao, đồng thời, bổ sung trình độ cho những người trẻ để họ kế thừa, phát triển được thành quả nghiên cứu trước đó.

Đặc biệt là vừa đào tạo, vừa phải giữ chân được họ bằng mọi giá.

“Nếu không, trong vài năm nữa, Việt Nam sẽ chẳng có nhà Toán học nào có tầm”, GS Hoàng Tụy nói.

Trường chuyên lớp chọn: Không mở rộng tràn lan

Về giải pháp đào tạo nhân tài, dự thảo này cho biết, có một tồn tại trong quan điểm về trường THPT chuyên hiện nay: hoặc là coi trọng, mở rộng trường chuyên tràn lan; hoặc là phủ nhận trường chuyên.

Trong kế hoạch dài hạn để vực dậy nền Toán học Việt Nam đang “tụt hậu” (chữ dùng của GS Hoàng Tụy), rất cần xem xét và thống nhất quan điểm về trường chuyên, thay vì mở rộng tràn lan thì nên hoàn thiện lại hệ thống trường chuyên lớp chọn.

Các học sinh xuất sắc về Toán ở các trường chuyên cũng sẽ được chuyển tiếp, thậm chí được học vượt cấp, vượt lớp, được ưu tiên chọn vào học ở các trường ĐH trong và ngoài nước để thực hiện các chương trình đào tạo cao học và nghiên cứu sinh chất lượng quốc tế.

Ngoài ra, các trường ĐH phải tự tìm cho mình lộ trình xây dựng mô hình trường đại học – nghiên cứu, hướng tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Khâu then chốt của quá trình này là xây dựng thành công lộ trình đào tạo năng khiếu đặc biệt xuyên suốt từ THPT lên tiến sĩ.

Ở nước ta, hầu như các cán bộ làm đến tiến sĩ là dừng nghiên cứu. "Đó không phải là cách tốt. Chúng ta nên thường xuyên đưa họ đi nước ngoài để tái đào tạo", ông Hoa nói.
(Nguồn: Vietnamnet.vn) Edit
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved