Home » » LÝ LUẬN NHẬN THỨC

LÝ LUẬN NHẬN THỨC

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012 | 11:39

LÝ LUẬN NHẬN THỨC
CHƯƠNG IX

LÝ LUẬN NHẬN THỨC

Mục tiêu

Sau khi học xong chương này anh/chị sẽ:

- Hiểu được bản chất của nhận thức theo tinh thần triết học Mác-Lênin, thực tiễn và vai trò của nó đối với nhận thức, con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, các tính chất của chân lý, thực chất của sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn;

- Vận dụng kiến thức trong việc phân tích bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều ở nước ta.

Nội dung

I. BẢN CHẤT CỦA NHẬN THỨC VÀ VAI TRÒ CỦA THỰC TIỄN ĐỐI VỚI NHẬN THỨC

1. Bản chất của nhận thức

a. Quan niệm về nhận thức của một số trào lưu triết học trước Mác

Chủ nghĩa duy tâm chủ quan cho sự vật chẳng qua chỉ là phức hợp cảm giác của con người. Do vậy, nhận thức là nhận thức cảm giác của con người về sự vật, nhận thức trạng thái chủ quan của con người về sự vật.

Chủ nghĩa duy tâm khách quan không phủ định nhận thức chân lý của con người, nhưng lại giải thích nó một cách thần bí. Chẳng hạn, Platôn cho nhận thức là hồi tưởng lại, nhớ lại những cái mà linh hồn đã biết trước khi nhập vào thể xác con người. Hêghen cho nhận thức không phải là nhận thức bản thân sự vật mà là nhận thức tinh thần thế giới đang tha hoá thành tự nhiên, xã hội, lịch sử.

Chủ nghĩa duy vật trước Mác nhìn chung có quan niệm duy vật về nhận thức nhưng lại siêu hình, máy móc, thiếu quan điểm lịch sử, thực tiễn về nhận thức. Ví dụ, Phoiơbắc quan niệm nhận thức một cách chết cứng, một lần là đủ, không có tính lịch sử, không vận động, không biến đổi.

Những người theo trường phái hoài nghi chủ nghĩa thì nghi ngờ sự tồn tại của sự vật và nghi ngờ khả năng nhận thức của con người.

Những người theo thuyết không thể biết cho rằng, con người không thể nhận thức được bản chất của sự vật, chỉ có thể nhận thức được những hiện tượng bộc lộ ra ngoài của sự vật mà thôi. Như vậy, không có đại biểu triết học nào trước Mác giải quyết một cách đúng đắn, khoa học vấn đề bản chất của nhận thức.

b. Quan niệm về bản chất nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng

Quan niệm về bản chất nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, chủ nghĩa duy vật biện chứng cho nhận thức là quá trình phản ánh hiện thực khách quan vào trong đầu óc con người trên cơ sở thực tiễn. Điều này có nghĩa là chủ nghĩa duy vật biện chứng thừa nhận thế giới vật chất tồn tại khách quan độc lập với ý thức của con người. Cơ sở của nhận thức chính là thực tiễn lịch sử - xã hội.

Thứ hai, chủ nghĩa duy vật biện chứng công nhận khả năng nhận thức thế giới của con người. Không có cái gì mà con người không nhận thức được, chỉ có cái mà con người chưa nhận thức được mà thôi.

Thứ ba, nhận thức là quá trình biện chứng, có vận động biến đổi, phát triển, đi từ chưa biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều hơn, từ chưa đầy đủ đến đầy đủ hơn, từ bản chất cấp 1 đến bản chất cấp 2, v.v nhưng không có giới hạn cuối cùng.

Thứ tư, nhận thức phải dựa trên cơ sở thực tiễn, lấy thực tiễn làm mục đích nhận thức, làm tiêu chuẩn kiểm tra chân lý.

Tóm lại, nhận thức là quá trình phản ánh tích cực, tự giác và sáng tạo thế giới khách quan vào bộ óc người trên cơ sở thực tiễn.

2. Thực tiễn và vai trò của nó đối với nhận thức

a. Phạm trù thực tiễn

Các nhà triết học trước Mác và ngoài Mác đều chưa trả lời được thực tiễn một cách thực sự đúng đắn, khoa học. Các nhà triết học tôn giáo coi hoạt động sáng tạo ra vũ trụ của thượng đế là thực tiễn. Các nhà triết học duy tâm coi hoạt động tinh thần là hoạt động thực tiễn. Điđờrô - nhà triết học người Pháp thế kỷ XVIII, coi thực tiễn là hoạt động thực nghiệm khoa học. Quan niệm này đúng nhưng chưa đủ. Phoiơbắc - nhà triết học người Đức thế kỷ XIX cho thực tiễn là những hoạt động buôn bán tầm thường. Những quan niệm này là chưa khoa học.

Theo triết học duy vật biện chứng, thực tiễn là toàn bộ những hoạt động vật chất cảm tính, có mục đích, mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội.

Từ định nghĩa trên cho thấy, thực tiễn có 3 đặc trưng sau:

Thứ nhất, thực tiễn là hoạt động vật chất cảm tính. Đó là những hoạt động mà con người phải dùng công cụ vật chất, lực lượng vật chất tác động vào các đối tượng vật chất để làm biến đổi chúng. Ví dụ, hoạt động cày ruộng, đào đất, xây nhà, sản xuất ra của cải vật chất nói chung, v.v.

Thứ hai, thực tiễn có tính lịch sử - xã hội. Nghĩa là hoạt động thực tiễn là hoạt động của con người, diễn ra trong xã hội với sự tham gia của đông đảo người, và trải qua những giai đoạn lịch sử nhất định, bị giới hạn bởi những điều kiện lịch sử - cụ thể nhất định.

Thứ ba, thực tiễn là hoạt động có tính mục đích - nhằm trực tiếp cải tự nhiên và xã hội phục vụ con người.

Thực tiễn có ba hình thức cơ bản:

- Sản xuất vật chất. Đây là hình thức cơ bản, đầu tiên quan trọng nhất. Nó có sớm nhất và đóng vai trò quyết định các hình thức thực tiễn khác. Đó là những hoạt động sản xuất ra của cải vật chất như lương thực, quần áo, nhà cửa.

- Hoạt động cải tạo xã hội - chính trị cũng như cải tạo các quan hệ xã hội. Chẳng hạn như đấu tranh giai cấp, đấu tranh cho hoà bình, dân chủ, tiến bộ xã hội, v.v.

- Hoạt động thực nghiệm khoa học. Đây là một hình thức đặc biệt của thực tiễn. Nó được tiến hành trong những điều kiện mà con người chủ định tạo ra để nhận thức và cải tạo tự nhiên - xã hội phục vụ con người.

Mỗi hình thức hoạt động thực tiễn có vai trò, chức năng riêng không thể thay thế, nhưng chúng quan hệ mật thiết với nhau, liên hệ tác động lẫn nhau. Trong đó, sản xuất đóng vai trò quyết định đối với các hình thức khác. Bởi lẽ, nếu sản xuất vật chất không phát triển thì các hoạt động cải tạo xã hội, hoạt động thực nghiệm khoa học không thể tiến hành được. Hoặc có tiến hành được cũng kém hiệu quả. Tuy nhiên, hai hình thức thực tiễn kia có ảnh hưởng quan trọng đối với sản xuất vật chất. Chẳng hạn, nếu những hoạt động cải tạo xã hội, các quan hệ xã hội tốt sẽ tạo ra những điều kiện xã hội thuận lợi cho phát triển sản xuất vật chất. Nếu thực nghiệm khoa học phát triển sẽ góp phần tăng năng xuất lao động, v.v.

b. Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức

- Thực tiễn là cơ sở, động lực của nhận thức

Thông qua và bằng hoạt động thực tiễn con người tác động vào sự vật làm cho sự vật bộc lộ thuộc tính, tính chất, quy luật. Trên cơ sở đó con người có hiểu biết về chúng. Nghĩa là thực tiễn cung cấp “vật liệu” cho nhận thức. Không có thực tiễn không thể có nhận thức. Ví dụ, chính đo đạc ruộng dất trong chế độ chiếm hữu nô lệ là cơ sở cho định lý Talét, Pitago ra đời.

Thực tiễn luôn đặt ra nhu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi nhận thức phải trả lời. Nói khác đi, chính thực tiễn là người đặt hàng cho nhận thức phải giải quyết. Trên cơ sở đó thúc đẩy nhận thức phát triển. Ví dụ, dịch cúm gà H5N1 đặt ra cho nhân loại nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo vắc-xin chống loại dịch cúm này. Từ đó, các nhà khoa học đặt cho mình nhiệm vụ nghiên cứu vi-rút để tìm ra phác đồ điều trị cũng như chế tạo vắc-xin.

Thực tiễn còn là nơi rèn luyện giác quan của con người. Ví dụ, thông qua sản xuất, chiến đấu những cơ quan cảm giác như thính giác, thị giác, v.v được rèn luyện. Các cơ quan cảm giác được rèn luyện sẽ tạo ra cơ sở cho chủ thể nhận thức hiệu quả hơn, nghĩa là, thúc đẩy nhận thức phát triển.

Thực tiễn còn là cơ sở chế tạo công cụ, máy móc hỗ trợ con người nhận thức hiêụ quả hơn. Ví dụ, kính thiên văn, hàn thử biểu, máy vi tính, v.v đều được sản xuất, chế tạo trong sản xuất vật chất. Nhờ những công cụ, máy móc này mà con người nhận thức sự vật chính xác hơn, đúng đắn hơn. Trên cơ sở đó thúc đẩy nhận thức phát triển.

- Thực tiễn là mục đích của nhận thức

Nhận thức của con người bị chi phối bởi nhu cầu sống, nhu cầu tồn tại. Ngay từ thủa mông muội, để sống con người phải tìm hiểu thế giới xung quanh, tức là để sống, con người phải nhận thức. Nghĩa là ngay từ khi con người xuất hiện trên trái đất, nhận thức của con người đã bị chi phối bởi nhu cầu thực tiễn.

Những tri thức, kết quả của nhận thức chỉ có ý nghĩa đích thực khi được vận dụng vào thực tiễn phục vụ con người. Nói khác đi, chính thực tiễn là tiêu chuẩn đánh giá giá trị của tri thức - kết quả của nhận thức. Vì vậy, những tri thức khoa học kết quả của nhận thức càng có ý nghĩa, giá trị khi càng được nhiều người vận dụng vào thực tiễn.

Nếu nhận thức không vì thực tiễn mà vì cá nhân, vì chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa thành tích, v.v thì nhận thức sớm muộn sẽ mất phương hướng, sẽ phải trả giá.

- Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý

Theo triết học duy vật biện chứng, chân lý không phải là cái có lợi. Bởi lẽ, cái này có lợi với người này nhưng lại không có lợi với người kia. Như vậy, không thể coi chân lý là cái có lợi được. Chân lý không thể là cái đúng với người này mà không đúng với người kia trong cùng một thời gian, một không gian. Chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về số đông. Chân lý cũng không phải cái hiển nhiên. Hiển nhiên là chúng ta thấy nhìn thấy cái que như bị gẫy khi cắm xuống nước. Nhưng trên thực tế cái que không gẫy.

Triết học duy vật biện chứng khẳng định, thực tiễn là tiêu chuẩn khách quan của chân lý. Bởi lẽ, chỉ có thông qua thực tiễn, con người mới “vật chất hoá” được tri thức, “hiện thực hoá” được tư tưởng. Thông qua quá trình đó, con người có thể khẳng định chân lý, bác bỏ sai lầm.

Phải hiểu thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý một cách biện chứng, nghĩa là nó vừa có tính tuyệt đối, vừa có tính tương đối.

* Tính tuyệt đối thể hiện ở chỗ, thực tiễn ở những giai đoạn lịch sử cụ thể là tiêu chuẩn khách quan duy nhất có thể khẳng định được chân lý, bác bỏ được sai lầm.

* Tính tương đối thể hiện ở chỗ, bản thân thực tiễn luôn vận động, biến đổi, phát triển. Cho nên, khi thực tiễn đổi thay thì nhận thức cũng phải đổi thay cho phù hợp. Nghĩa là những tri thức đã đạt được trước đây hiện nay vẫn phải được kiểm nghiệm thông qua thực tiễn. Thực tiễn được xem xét trong không gian càng rộng, trong thời gian càng dài thì càng rõ đâu là chân lý, đâu là sai lầm.

Từ trên, chúng ta rút ra quan điểm thực tiễn trong nhận thức (điều này có nghĩa là quan điểm của triết học Mác-Lênin về thực tiễn và vai trò của nó đối với nhận thức là cơ sở lý luận cho quan điểm thực tiễn). Quan điểm thực tiễn yêu cầu:

- Nhận thức sự vật phải gắn với nhu cầu thực tiễn của con người, phải xuất phát từ thực tiễn.

- Nghiên cứu lý luận phải liên hệ với thực tiễn, học phải gắn với hành.

- Phải chú trọng công tác tổng kết thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện phát triển lý luận.

- Phải lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn kiểm tra sự đúng sai của lý luận.

- Tránh tuyệt đối hoá thực tiễn và coi thường lý luận vì khi ấy sẽ rơi vào bệnh kinh nghiệm. Ngược lại cũng cần tránh tuyệt đối hoá lý luận và coi thường thực tiễn vì khi ấy sẽ rơi vào bệnh giáo điều.

II. QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ CÁC CẤP ĐỘ CỦA NHẬN THỨC

1. Biện chứng của quá trình nhận thức

V.I.Lênin đã chỉ ra con đường biện chứng của nhận thức chân lý: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan”. Như vậy, nhận thức gồm 2 giai đoạn:

a. Trực quan sinh động

Đây là giai đoạn đầu tiên nhận thức diễn ra dưới 3 hình thức: cảm giác, tri giác, biểu tượng.

Cảm giác là hình thức đầu tiên, đơn giản nhất của nhận thức cảm tính, được nảy sinh do sự tác động trực tiếp của khách thể lên giác quan của con người. Ví dụ, chiếc xe máy đi qua cho ta cảm giác về màu sắc khi tác động vào mắt của ta (thị giác). Về bản chất, cảm giác là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Do đó, hình thức biểu hiện của cảm giác phụ thuộc vào chủ thể nhận thức nhưng nội dung của nó không phụ thuộc vào chủ thể, chỉ phụ thuộc vào khách thể.

Tri giác là tổng hợp của nhiều cảm giác về sự vật. Nói khác đi, tổng hợp nhiều cảm giác cho ta tri giác về sự vật. Nó là kết quả tác động trực tiếp của sự vật đồng thời lên nhiều giác quan của con người. Ví dụ, khi xem tivi, cả hình ảnh, màu sắc, âm thanh đều tác động lên các cơ quan cảm giác của ta (thị giác, thính giác, v.v) và cho ta tri giác về cái đang xem.

Biểu tượng là hình ảnh về sự vật do tri giác đem lại nhưng được tái hiện lại nhờ trí nhớ. Ví dụ, ta xem một loại xe máy mới xuất hiện, sau đó kể lại cho người khác nghe về loại xe máy mới này. Để kể được ta phải huy động trí nhớ để kể về màu sắc, hình dáng, v.v. Khác với tri giác, biểu tượng là hình ảnh được tái hiện trong óc, khi sự vật không trực tiếp tác động vào giác quan. Nhưng biểu tượng vẫn giống tri giác ở chỗ, nó vẫn chỉ là hình ảnh cảm tính về sự vật, tức là hình ảnh trực tiếp, bề ngoài về sự vật.

Cảm giác, tri giác và biểu tượng là những hình thức của nhận thức cảm tính có liên hệ hữu cơ với nhau, phản ánh trực tiếp vẻ ngoài của sự vật. Những hình ảnh này trực tiếp, sống động, phong phú nhưng chưa cho ta sự hiểu biết về bản chất bên trong của sự vật.

b. Tư duy trừu tượng

Đây là giai đoạn tiếp theo, cao hơn về chất của quá trình nhận thức. Nó nảy sinh trên cơ sở của nhận thức cảm tính gắn liền với thực tiễn và diễn ra dưới 3 hình thức: khái niệm, phán đoán, suy lý.

Khái niệm là hình thức đầu tiên, cơ bản của tư duy trừu tượng, phản ánh khái quát, gián tiếp một hoặc một số thuộc tính chung có tính bản chất nào đó của một nhóm sự vật được biểu thị bằng một từ hay một cụm từ. Ví dụ, khái niệm con người, động vật, thanh niên, v.v. Khái niệm được hình thành trên cơ sở hoạt động thực tiễn và nhận thức của con người; do đó, nó luôn vận động, biến đổi.

Phán đoán là hình thức liên kết các khái niệm để khẳng định hay phủ định một thuộc tính nào đó của sự vật, hiện tượng dưới hình thức ngôn ngữ. Ví dụ, nhôm là kim loại, nhựa không dẫn điện, v.v. Có ba loại phán đoán: phán đoán đơn nhất (ví dụ, đồng dẫn điện); phán đoán đặc thù (ví dụ, nhôm là kim loại); phán đoán phổ biến (ví dụ, mọi kim loại đều dẫn điện). Nhờ phán đoán mà nhận thức của con người luôn được mở rộng, phát triển.

Suy lý là sự lập luận mà xuất phát từ những phán đoán đã biết làm tiền đề rút ra phán đoán mới làm kết luận. Tính đúng đắn của phán đoán mới được rút ra phụ thuộc vào tính đúng đắn của các phán đoán làm tiền đề và sự tuân thủ quy tắc lôgíc cũng như phương pháp tư duy của chủ thể nhận thức. Ví dụ, từ các phán đoán: A thuộc B, và B thuộc C, người ta có thể rút ra kết luận: A thuộc C. Tương tự như vậy, từ hai phán đoán: mọi kim loại đều dẫn điện và nhôm là kim loại, chúng ta rút ra phán đoán mới làm kết luận: nhôm dẫn điện.

Có hai loại suy luận: suy luận quy nạp - đi từ cái riêng tới cái chung (tức là từ phán đoán đơn nhất qua phán đoán đặc thù đến phán đoán phổ biến) và suy luận diễn dịch - đi từ cái chung tới cái riêng (từ phán đoán phổ biến qua phán đoán đặc thù rồi tới phán đoán đơn nhất).

Như vậy, khái niệm, phán đoán, suy lý là những hình thức của tư duy trừu tượng. Chúng có thể phản ánh gián tiếp, khái quát sự vật. Các hình thức này có quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau.

c. Quan hệ giữa nhận thức cảm tính, nhận thức lý tính và thực tiễn

Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính là hai giai đoạn của một quá trình nhận thức thống nhất. Tuy chúng khác nhau về vị trí và mức độ phản ánh nhưng lại thống nhất với nhau, liên hệ bổ sung cho nhau và đều dựa trên cơ sở thực tiễn.

Nhận thức cảm tính là cơ sở cho nhận thức lý tính, không có nhận thức cảm tính thì không có nhận thức lý tính.

Nhờ có nhận thức lý tính mà con người mới đi sâu nhận thức được bản chất sự vật, làm cho nhận thức của con người ngày càng sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, đúng đắn hơn. Ví dụ, chúng ta nhìn thấy chớp rồi mới nghe thấy sấm, thậm chí không nghe thấy sấm. Nhưng nhờ nhận thức lý tính chúng ta mới hiểu rõ, chớp không phải là nguyên nhân của sấm. Mặc dù chớp về thời gian là đập vào mắt chúng ta trước so với sấm đập vào tai chúng ta. Phải nhờ nhận thức lý tính mới lý giải được vấn đề này (chớp là ánh sáng mà ánh sáng vận động với tốc độ 333.000km/s).

Cả hai giai đoạn nhận thức này luôn dựa trên cơ sở thực tiễn, được kiểm tra bởi thực tiễn và đều nhằm phục vụ thực tiễn.

2. Cấp độ của nhận thức

a. Nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận

Nhận thức kinh nghiệm là nhận thức được hình thành từ sự quan sát trực tiếp các sự vật, hiện tượng hay các thí nghiệm khoa học. Kết quả cuả nó là tri thức kinh nghiệm. Có hai loại tri thức kinh nghiệm. Một là, tri thức kinh nghiệm thông thường - thu nhận từ quan sát trong đời sống thường ngày, từ lao động, sản xuất, chiến đấu. Tri thức này đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống thường nhật của con người. Hai là, tri thức kinh nghiệm khoa học - thu nhận từ thí nghiệm khoa học. Nó là cơ sở để khái quát thành lý luận khoa học. Tri thức kinh nghiệm đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống hàng ngày của con người, nhưng nó chưa phản ánh được bản chất bên trong của sự vật, hiện tượng. Vì vậy, không được tuyệt đối hoá tri thức kinh nghiệm.

Nhận thức lý luận là nhận thức gián tiếp, trừu tượng, khái quát về bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng. Kết quả của nhận thức lý luận là tri thức lý luận. Tri thức lý luận phản ánh những mối liên hệ bản chất, tất nhiên, mang tính quy luật của các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan và được biểu đạt bằng hệ thống nguyên lý, phạm trù, quy luật. Do đó, khác với tri thức kinh nghiệm, tri thức lý luận có tính khái quát cao, có tính trừu tượng, tính hệ thống và tính lôgíc chặt chẽ. Chính vì vậy mà lý luận có thể phản ánh được bản chất của sự vật hiện tượng. Cũng vì vậy, lý luận có vai trò to lớn đối với thực tiễn, nhất là khi nó thâm nhập vào quảng đại quần chúng nhân dân và được chủ thể lãnh đạo, quản lý vận dụng một cách sạng tạo, đúng đắn.

Nhận thức kinh nghiệm và nhận thức lý luận có quan hệ biện chứng, tác động, bổ sung cho nhau. Nhận thức kinh nghiệm là cơ sở cho nhận thức lý luận. Nó cung cấp cho nhận thức lý luận tư liệu phong phú. Tuy nhiên nó còn hạn chế. Nhận thức lý luận làm sâu sắc nhận thức kinh nghiệm, bổ sung cho nhận thức kinh nghiệm.

b. Nhận thức thông thường và nhận thức khoa học

Nhận thức thông thường (nhận thức tiền khoa học) là nhận thức được hình thành một cách tự phát, trực tiếp từ hoạt động hàng ngày của con người. Cho nên nó phản ánh sự vật phong phú, đa dạng, gắn kiền với quan niệm sống hàng ngày của con người. Nó phản ánh sự vật trực tiếp, sinh động. Do vậy, nó phong phú, nhiều vẻ.

Nhận thức khoa học là nhận thức được hình thành một cách tự giác và gián tiếp từ sự phản ánh đặc điểm, bản chất, những mối liên hệ tất yếu của sự vật, hiện tượng. Sự phản ánh trong nhận thức khoa học diễn ra dưới dạng trừu tượng lôgíc là các khái niệm, quy luật.

Hai dạng nhận thức này là hai nấc thang nhận thức khác nhau nhưng quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhận thức thông thường cung cấp vật liệu cho nhận thức khoa học. Nhận thức khoa học làm cho nhận thức thông thường sâu sắc, đầy đủ hơn.

Như vậy, để đạt tri thức khoa học, trong quá trình nhận thức diễn ra theo những cấp độ khác nhau, từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính; từ nhận thức kinh nghiệm đến nhận thức lý luận; từ nhận thức thông thường đến nhận thức khoa học. Tuy nhiên, những tri thức đạt được cần phải được kiểm tra xem có là chân lý không.

III. VẤN ĐỀ CHÂN LÝ

1. Chân lý

Như ở phần trên chúng ta đã rõ, chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về số đông; chân lý cũng không phải là cái gì đó hiển nhiên; chân lý cũng không phải cái gì có ích, có lợi. Chân lý cũng không phải là những gì mà đối chiếu với Kinh Thánh đúng thì là đúng. Chân lý cũng không phụ thuộc vào uy tín của ai đó.

Theo triết học duy vật biện chứng, chân lý là những tri thức phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan và được thực tiễn kiểm nghiệm. Ví dụ, mọi kim loại đều dẫn điện, v.v. Điều này đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng.

2. Các tính chất của chân lý

Chân lý có tính khách quan, tính tương đối, tính tuyệt đối và tính cụ thể. Tính khách quan hay chân lý khách quan. Công nhận chân lý khách quan nghĩa là công nhận rằng nội dung tri thức của chân lý là khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người chỉ phụ thuộc vào thế giới khách quan. Ví dụ, nội dung chân lý “trái đất quay xung quanh mặt trời và tự quay xung quanh trục của nó” không phụ thuộc vào việc con người có nhận thức được nó hay không.

Tính cụ thể của chân lý hay chân lý cụ thể. Chân lý đạt được trong quá trình nhận thức bao giờ cũng phản ánh sự vật, hiện tượng trong một điều kiện cụ thể với những hoàn cảnh lịch sử - cụ thể, trong một không gian và thời gian xác định. Do đó, không có chân lý chung chung, trừu tượng. Tính chất này của chân lý là cơ sở quan trọng cho quan điểm lịch sử - cụ thể trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Chính chân lý là cụ thể nên cách mạng phải sáng tạo.

Tính tuyệt đối và tương đối của chân lý hay chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối. Chân lý tuyệt đối là chân lý mà nội dung của nó phản ánh đúng đắn, đầy đủ, toàn diện về hiện thực khách quan. Chân lý tương đối là chân lý mà nội dung của nó phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan nhưng chưa đầy đủ, chưa toàn diện, mới phản ánh đúng một mặt, một khía cạnh của sự vật, hiện tượng, sẽ được nhận thức của con người bổ sung, hoàn thiện. Tính tuyệt đối và tính tương đối của chân lý quan hệ biện chứng với nhau. Một mặt, chân lý tuyệt đối là tổng số chân lý tương đối . Mặt khác, trong mỗi chân lý tương đối bao giờ cũng chứa đựng những yếu tố của chân lý tuyệt đối.

Triết học duy vật biện chứng chỉ ra rằng, nhận thức của con người là toàn năng tuyệt đối, nếu xem xét nhận thức như một quá trình phát triển vô tận của các thế hệ người. Nhận thức của con người cũng là không toàn năng, là tương đối nếu xem xét nhận thức chỉ giới hạn ở từng người, từng thế hệ người cụ thể. Chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối đều là sự thể hiện quá trình nhận thức chân lý khách quan của con người.

Các tính chất trên của chân lý quan hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau. Thiếu một trong các tính chất đó thì những tri thức đạt được trong quá trình nhận thức không có giá trị đối với con người.

TÓM LƯỢC NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GHI NHỚ

Chương này giải quyết mặt thứ hai của vấn đề cơ bản của triết học theo tinh thần triết học Mác-Lênin, anh/chị cần ghi nhớ:

1. Bản chất của nhận thức là quá trình phản ánh hiện thực khách quan một cách tích cực, chủ động sáng tạo bởi con người trên cơ sở thực tiễn và so sánh thấy được quan niệm này khác với các quan niệm khác về bản chất nhận thức.

2. Hiểu được thực tiễn (nội dung, đặc trưng, ba hình thức) cùng với vai trò của thực tiễn đối với nhận thức (cơ sở, động lực của nhận thức, mục đích của nhận thức, tiêu chuẩn của chân lý).

3. Nắm được biện chứng của quá trình nhận thức gồm hai giai đoạn: trực quan sinh động (với các hình thức cảm giác, tri giác, biểu tượng) và tư duy trừu tượng (với các hình thức khái niệm, phán đoán, suy luận) biện chứng của hai giai đoạn nhận thức này.

4. Hiểu được chân lý là gì, các tính chất của chân lý (khách quan, chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối, chân lý cụ thể).

5. Hiểu được quan điểm triết học Mác-Lênin về thực tiễn và vai trò của thực tiễn và vai trò của nó đối với nhận thức là cơ sở lý luận của quan điểm thực tiễn cùng yêu cầu của quan điểm thực tiễn.

Chúc anh/chị thành công!



CÂU HỎI SUY LUẬN

CÂU HỎI 1: Hoạt động vật chất là gì?

Gợi ý: Hoạt động vật chất là những hoạt động mà con người phải sử dụng lực lượng vật chất, công cụ vật chất tác động vào đối tượng vật chất để làm thay đổi chúng. Ví dụ, công nhân dùng búa để đập cong que sắt, người nông dân dùng cuốc cuốc đất lên, v.v.

CÂU HỎI 2:Thực tế là gì? có khác thực tiễn không?

Gợi ý: Thực tế là tất cả những gì đã và đang tồn tại thực, nó bao gồm rất rộng cả sự vật vật chất, cả sự vật tinh thần, v.v. Như vậy, thực tế khác thực tiễn ở chỗ: thực tế rộng hơn thực tiễn.

CÂU HỎI 3: Bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều là gì?

Gợi ý: Bệnh kinh nghiệm là bệnh tuyệt đối hoá kinh nghiệm thực tiễn, coi thường, hạ thấp vai trò của lý luận, coi nhẹ việc học tập lý luận. Bệnh giáo điều, ngược lại tuyệt đối hoá vai trò của lý luận, coi thường, hạ thấp kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, ở nước ta có hai loại giáo điều. Một là giáo điều lý luận, giáo điều sách vở thể hiện ở bệnh “tầm chương, trích cú”. Hai là giáo điều kinh nghiệm - bắt chước, rập khuôn máy móc kinh nghiệm của ngành khác vào ngành mình, của địa phương khác vào địa phương mình, v.v.

CÂU HỎI 4: Quan hệ biện chứng giữa thực tiễn và lý luận?

Gợi ý: Thực tiễn quy định lý luận, là cơ sở, động lực của lý luận, quy định nội dung, yêu cầu, phương hướng phát triển của lý luận. Tuy nhiên, lý luận có thể tác động trở lại thực tiễn theo hai hướng tích cực, thúc đẩy thực tiễn phát triển hoặc tiêu cực kìm hãm thực tiễn phát triển.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved