SỰ NHẬP ĐỊNH
(CONTEMPLATION)
(Trích Chương XVII của quyển THỂ HẠ TRÍ)
THE MENTAL BODY
Tác giả: A. E. POWELL
NHẬP ĐỊNH là giai đoạn thứ ba trong ba giai đoạn mà chúng ta đã xét được hia giai đoạn rồi. Ba giai đoạn này là:
(1). Định Trí: Ghì chặt chú tâm vào một đối tượng.
(2). Tham Thiền: Kích thích tâm thức hoạt động nhằm chỉ nói tới đối tượng ấy thôi, nhìn ngắm đối tượng theo mọi khía cạnh khả hữu và cố gắng thâm nhập ý nghĩa của nó, đạt tới một tư tưởng mới mẻ hoặc sâu sắc hoặc là nhận được một ánh sáng trực giác nào đó về đối tượng ấy.
(3). Nhập Định: Tích cực tập trung tâm thức vào đối tượng trong khi đã ức chế thành công được các hoạt động hạ đẳng của tâm thức; cố định được chú ý trong một thời gian đối với ánh sáng mà người ta nhận được. Nó đã được định nghĩa là sự Định Trí ở đầu mút đường lối tư tưởng hoặc tham thiền.
Theo thuật ngữ của Ấn Độ thì các giai đoạn này được khuếch đại và đặt tên như sau:
[1] Prātyāhara: Giai đoạn sơ khởi, bao gồm việc hoàn toàn kiểm soát được các giác quan.
[2] Dhāranā: Định Trí.
[3] Dhyana: Tham Thiền.
[4] Samādhi: Nhập Định.
Dhāranā, Dhyana, Samādhi được gọi gộp lại là Samyama tức Tam muội. Trong tham thiền ta phát hiện được đối tượng là gì khi so sánh với những sự vật khác và có liên quan tới chúng. Chúng ta tiếp tục với quá trình lý luận và lập luận này cho đến khi ta không còn có thể lý luận hoặc lập luận gì thêm nữa về đối tượng ấy: lúc bấy giờ ta ức chế quá trình này, ngưng mọi so sánh và lập luận, với chú tâm cố định chủ động lên đối tượng, cố gắng thâm nhập sự bất định mà đối với chúng ta dường như bao xung quanh nó. Đó chính là Sự Nhập Định.
Kẻ sơ cơ nên nhớ rằng Tham Thiền là một khoa học của trọn một kiếp sống sao cho y không thể trông mong đạt tới giai đoạn nhập định thuần túy qua những nỗ lực sơ khởi. Ta cũng có thể mô tả sự Nhập Định là duy trì ý thức về một điều duy nhất, thu hút nó vào nơi bản thân sao cho người suy tư và nó hiệp nhất lại. Khi một cái trí lão luyện có thể duy trì được sự nhất tâm hoặc định trí trong một thời gian nào đó, thế rồi bỏ luôn đối tượng, vẫn duy trì sự chú tâm cố định nhưng không có chú tâm nào hướng về bất cứ điều gì thì ta đã đạt được giai đoạn nhập định. Trong giai đoạn này thể trí không phô ra một hình ảnh nào; các vật liệu của chính mình được giữ cho kiên định và vững bền, không nhận ấn tượng, hoàn toàn yên tịnh giống như nước tĩnh lặng. Ta không thể giữ cho trạng thái này kéo dài nhiều hơn một phút giây rất ngắn ngủi vì nó giống như trạng thái “tới hạn” của nhà hóa học, điểm ở giữa hai trạng thái vật chất. Diễn tả theo cách khác thì khi thể trí được yên tịnh, tâm thức thoát ra khỏi thể trí chuyển vào trong rồi ra khỏi “trung tâm Laya”, tức là điểm tiếp xúc trung hòa giữa thể trí và thể nguyên nhân. Sự thoát ra này có kèm theo việc tạm thời bị ngất đi hoặc mất ý thức, đó là kết quả tất yếu của việc các đối tượng tâm thức biến mất tiếp theo sau là có ý thức nơi một thể cao hơn. Như vậy, việc bỏ đi những đối tượng tâm thức thuộc về các cõi thấp được nối tiếp bởi sự xuất hiện các đối tượng tâm thức thuộc cõi cao. Lúc bấy giờ Chơn ngã có thể uốn nắn thể trí theo những tư tưởng cao siêu của chính mình và thấm nhuần nó bằng những rung động của chính mình. Y có thể uốn nắn nó theo những linh ảnh mà mình đã đạt được trên các cõi thậm chí còn cao hơn các cõi của chính mình; như vậy, Chơn ngã có thể truyền đạt cho tâm thức hạ đẳng những ý tường mà thể trí không thể đáp ứng được bằng cách khác.
Đây là những sự linh cảm của các thiên tài vốn lóe xuống vào trong thể trí với ánh sáng chói lòa để soi sáng cho thế gian. Bản thân con người tiết lộ chúng cho thế gian trong trạng thái tâm trí bình thường cũng khó lòng diễn tả được chúng đã đến với mình bằng cách nào; nhưng y biết rằng bằng một cách kỳ lạ nào đó “những quyền năng bên trong tôi reo vang. Các kiếp sống trên môi tôi và vẫy gọi bằng bàn tay tôi.
Sự xuất thần và linh ảnh của Chư Thánh, thuộc mọi tín ngưỡng trong mọi thời đại cũng thuộc vào bản chất này. Trong những trường hợp như thế, sự cầu nguyện kéo dài và sự tập trung tức sự nhập định đã tạo ra điều kiện trí não cần thiết. Những đường lối của giác quan đều bị khép chặt lại do sức mạnh của sự định trí nội tâm và cũng trạng thái ấy cũng đã được đạt đến một cách năm thì mười họa và không cố ý nhưng đạo sĩ Raja Yoga tìm cách cố ý đạt tới nó.
Sự chuyển tiếp từ tham thiền sang nhập định đã được mô tả là chuyển từ tham thiền “hữu chủng” sang tham thiền “vô chủng”. Sau khi tâm trí đã được ổn định, nó được giữ cho thăng bằng ở mức cao nhất của lý luận; mối liên kết cuối cùng trong chuỗi lập luận hoặc là đối với tư tưởng trung tâm hoặc là hình ảnh của trọn cả quá trình; đó là tham thiền hữu chủng. Thế rồi học viên nên dẹp hết mọi chuyện nhưng vẫn còn giữ cho cái trí ở mức độ đạt được, mức cao nhất đạt được một cách sung mãn và tỉnh thức. Đó là tham thiền vô chủng. Khi vẫn còn thăng bằng chờ đợi trong sự tịch lặng và hư vô thì con người ở trong Pháp vân (cloud). Bấy giờ đột nhiên có một sự thay đổi, một sự thay đổi không thể nhầm lẫn được, kỳ diệu không thể tin được. Đây là sự Nhập định dẫn tới giác ngộ.
Vậy là chẳng hạn như khi thực hành nhập định về con người lý tưởng, về một Chơn sư; sau khi đã tạo ra một linh ảnh của Chơn sư, học viên lặng ngắm nó một cách ngất ngây làm cho mình tràn trề sự vinh diệu và vẻ đẹp của nó.; thế rồi khi vút thằng lên hướng về Ngài, y cố gắng nâng cao tâm thức lên tới lý tưởng để hòa lẫn bản thân vào đó, để hiệp nhất với nó. Sự ngất đi tạm thời được nêu trên thì tiếng Bắc phạn gọi là Pháp vân (Dharma Mega = Đám mây chính trực); các nhà thần bí Tây phương gọi nó là “Đám mây trên Núi”, “Đám mây trên Thánh Điện”, “Đám mây trên Đền thờ Tạm”. Con người cảm thấy dường như thể được bao quanh bởi một lớp sương mù dày đặc, ý thức rằng mình không cô đơn nhưng không thể nhìn thấy được gì. Hiện nay đám mây mỏng đi và ý thức về cõi cao nhất xuất lộ. Nhưng trước khi được như vậy thì đối với con người, sự sống của chính y đang bị rút cạn đi, y bị treo lơ lửng trong hư không đen kịt và cô đơn khôn tả. Nhưng “Hãy yên tịnh và biết rằng ta là Thượng Đế”. Trong sự tịch lặng và yên ắng ấy y sẽ nghe được Tiếng nói của Chơn ngã, sẽ thấy được sự vinh quang của Chơn ngã. Đám mây tan biến đi và Chơn ngã hiển lộ ra. Trước khi người ta có thể chuyển từ sự tham thiền sang nhập định, thì y phải từ bỏ hoàn toàn sự mong ước và hi vọng, ít ra thì cũng là trong thời kỳ thực hành; nói cách khác, y phải kiểm soát hoàn toàn được Kāma. Cái trí chẳng bao giờ có thể đơn độc được trong khi nó còn bận tâm với những mong ước; mọi sự mong ước là mầm mống có thể làm nảy sinh ra sự giận dữ, không trung thực, không trong sạch, hiềm khích, tham lam, cẩu thả, bất mãn, lười biếng, dốt nát v.v. . . Trong khi còn một mơ ước hoặc hi vọng nào đó thì vẫn còn có thể có những sự vi phạm thiên luật này. Chừng nào còn có mơ ước, còn có bất mãn thì chúng còn khiến ta lệch lạc; luồng tư tưởng bao giờ cũng tìm cách len lỏi qua những khe suối nhỏ và những kênh dẫn mở toang ra do những ham muốn chưa được thỏa mãn, mọi vấn đề chưa nghĩ ra cách giải quyết sẽ há hốc miệng ra khiến cho chú tâm của ta bị xao lãng, khi chuỗi tư tưởng đụng phải khó khăn thì nó sẽ luồng lách để nghe theo những lời gào thét ấy. Nếu ta truy nguyên cái chuỗi tư tưởng liên miên không dứt ấy thì ta ắt phát hiện ra rằng chúng có nguồn gốc là những ham muốn chưa được thỏa mãn và những vầnđế chưa giải quyết được.
Quá trình nhập định bắt đầu khi hoạt động hữu thức có thể nói là chạy vuông góc với hoạt động theo thông lệ vốn tìm hiểu một sự vật bằng cách tham chiếu tới những sự vật khác có bản chất riêng thuộc một bình diện khác; sự vận động như thế ắt cắt ngang qua những bình diện tồn tại của nó để thâm nhập vào bản chất nội tại tinh vi hơn của nó. Khi chú tâm không còn bị chia chẻ ra thành những bộ phận do hoạt động đối đãi so sánh thì cái trí sẽ vậnđộng như một tổng thể vốn dường như hoàn toàn yên tĩnh, chẳng khác nào một bông vụ đang quay nhanh trông có vẻ như đang đứng im khi nó đạt chuyểnđộng nhanh nhất.
Trong khi nhập định người ta không còn nghĩ tới đối tượng nữa, thậm chí tốt hơn là đừng bắt đầu với bất kỳ ý niệm nào về bản ngã và đối tượng coi như hai sự vật khác nhau có quan hệ với nhau, bởi vì làm như vậy có khuynh hướng khiến cho ý niệm nhuốm màu sắc xúc cảm. Ta nên cố gắng đạt tới một mức dứt bỏ bản ngã sao cho sự nhập định có thể bắt đầu từ bên trong chính đối tượng; sự nhiệt thành về trí năng và nghị lực đồng thời cũng được duy trì trong suốt đường lối tư tưởng. Ý thức được giữ cho thăng bằng giống như một con chim vỗ cánh nhìn ra phía trước và chẳng bao giờ nghĩ tới việc quay trở lại.
Trong việc nhập định, tư tưởng được đưa vào bên trong cho đến khi nó không còn tiến thêm được nữa; nó được giữ ở vị trí ấy mà không thối lui hoặc trở ngược vì biết rằng ở đó có một cái gì đấy mặc dù ta chưa thể lĩnh hội rõ ràng được cái ấy là cái gì. Trong sự nhập định này, dĩ nhiên chẳng có điều chi mang bản chất là giấc ngủ hoặc hoạt động của hạ trí, mà là một tìm kiếm cực lực, một nỗ lực kéo dài để thấy được trong cái bất định ấy có một điều gì đó xác định mà không tụt xuống những cõi thấp kém thông thường được rõ ràng và chính xác. Một tín đồ ắt thực hành sự nhập định một cách tương tự, nhưng trong trường hợp này hoạt động ắt chủ yếu là xúc cảm hơn là tư tưởng.
Trong sự nhập định, về bản chất của mình, học viên chối bỏ sự đồng nhất của mình với các cơ thể ngoại giới và với cái trí. Trong tiến trình này, y không từ bỏ những thuộc tính mà chỉ từ bỏ những sự hạn chế. Cái trí vốn nhanh nhẹn và tự do hơn cái xác; vượt ngoài tầm cái trí là tinh thần vốn lại còn nhanh nhẹn và tự do hơn nữa. Tình thương vốn khả hữu nhiều hơn khi tâm hồn được tịch lặng so với lúc được biểu hiện ra bên ngoài, nhưng tinh thần vốn vượt ngoài tầm cái trí thì tình thương là chắc chắn mang tính thiêng liêng. Lý trí và sự phán đoán bao giờ cũng chỉnh lý được bằng chứng khập khiển của các giác quan; linh ảnh của tinh thần phân biệt được sự thật mà không cần có cơ quan nào và cũng không cần tới cái trí. Chìa khóa để đạt được thành công trong mọi bước của phép thực hành này có thể được phát biểu như sau: nếu ta ngăn cản được những hoạt động thấp thỏi mà vẫn duy trì được luồng chảy đầy đủ của năng lượng hữu thức thì trước tiên là cái hạ trí ắt sẽ trở nên tràn đầy sức sống và tỉnh táo, rồi lúc bấy giờ hoạt động của nó phải được ta ngăn chặn lại nhưng cái xung lực mà ta tịch thu của nó được sử dụng để phát triển và vận hành những năng lực cao siêu trong nội tâm.
Một khoa học Yoga cổ truyền có dạy rằng khi ý chí chủ động ức chế được những quá trình của cái trí suy tư thì con người thấy mình ở một trạng thái tâm thức mới vốn siêu việt được và kiểm soát được kiểu suy nghĩ bình thường cũng giống như tư tưởng siêu việt được các dục vọng cho nên mới chọn lựa ra được từ đó một dục vọng nào đấy và cũng giống như dục vọng thúc đẩy những hành động và nỗ lực đặc thù. Một trạng thái tâm thức siêu việt như vậy không thể mô tả được theo kiểu hạ trí, nhưng sự thành tựu được nó có nghĩa là con người ý thức được rằng mình là một cái gì đấy vượt trên cái trí và vượt trên tư tưởng cho dẫu cái hoạt động trí tuệ ấy vẫn có thể đang hoạt động, giống hêt như mọi người có văn hóa đều nhận biết được rằng mình đâu phải là cái xác, ngay cả khi cái xác ấy đang hoạt động.
Như vậy, có một trạng thái tồn tại khác hoặc nói cho đúng hơn là một nhân sinh quan khác vượt ngoài tầm của cái trí với những quá trình vất vả phân biệt, so sánh và mưu tìm mối quan hệ nhân quả giữa các sự việc. Ta chỉ thực chứng được cái trạng thái cao siêu ấy khi những hoạt động của tâm thức tràn đầy sức sống và sự nhiệt thành trần tục đã được đưa lên vượt quá cái lối sống mò mẫm thoe kiểu ăn lông ở lỗ của những con người bình thường vẫn sống một cách dã man. Cái tâm thức cao siêu ấy sớm muộn gì mọi người cũng thực chứng được và khi thực chứng được nó thì trọn cả cuộc đời sẽ đột nhiên đổi mới.
Khi học viên nhờ vào việc tham thiền mà trải nghiệm được về mặt tâm linh một cách phong phú hơn thì nhớ vậy y sẽ phát hiện ra những giai kỳ mới của tâm thức dần dần mở ra bên trong mình. Khi đã có hoài bão cố định hướng về lý tưởng thì bây giờ y sẽ ý thức được ảnh hưởng của cái lý tưởng ấy tuôn đổ xuống mình khi y thực hiện một nỗ lực vô vọng nhằm đạt tới đối tượng sùng tín của mình thì trong một phút giây ngắn ngủi, cánh cổng thiên đường mở toang ra để cho y thấy mình hiệp nhất với lý tưởng của mình và tràn đầy sự vinh quang về sự thực chứng ấy. Sau khi đã siêu việt được những hình ảnh đúng mô thức hơn của cái trí thì là một nỗ lực tuyệt vời để vươn lên trên. Lúc bấy giờ ta sẽ đạt được cái trạng thái ngất ngây của tinh thần khi các gò bó của phàm ngã đã rơi rụng đi và mọi hình bóng của sự chia rẽ đã nhạt nhòa đi trong sự phối ngẫu toàn bích giữa chủ thể tìm kiếm và đối tượng tìm kiếm.
Trong quyển Tiếng Nói Vô Thinh có dạy như sau: “Con không thể bước trên đường Đạo nếu con chưa trở thành chính đường Đạo. . . Xem này con đã trở thành ánh sáng, con đã trở thành âm thanh, con chính là Sư phụ và là Thượng Đế của chính mình. Bản thân con là đối tượng mà con đang mưu tìm, là cái tiếng nói chưa bao giờ đứt đoạn vẫn ngâm vang trong suốt chu kỳ vĩnh hằng, bất di bất dịch, vô nhiễm, bảy âm thanh chỉ là một âm thanh thôi”.
Thật là hoài công khi ta toan tính miêu tả thêm nữa về những sự trải nghiệm như vậy bởi vì chúng vượt ngoài tầm cách diễn tả theo công thức. Ngôn từ chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng cho thấy một cái gì đấy vinh diệu khôn tả để cho kẻ hành hương có thể biết lê bước đi theo hướng ấy.