Giáo sư Trần Văn Khê:
Cồng chiêng Tây nguyên sẽ đi Ý
Thiếu nữ các dân tộc Tây nguyên múa theo nhịp điệu cồng chiêng tại lễ cúng Giàng - Ảnh: N.C.T. |
TT - Tổ chức Văn hóa - khoa học và giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vừa công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên của VN” là “kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại”. Công lớn là của giáo sư Trần Văn Khê.
"Cồng chiêng Tây nguyên đặc biệt hay, không chỉ ở sự đa dạng độc đáo về các bè trầm bổng, mà cồng chiêng chính là cuộc sống của người Tây nguyên"-ông nói.
* Thưa giáo sư, Unesco đã viện lý do gì để mời giáo sư - một người VN?
- Theo lẽ, Unesco không mời những chuyên gia trong nước khi cần thẩm định hồ sơ di sản của nước ấy. Cho nên, thoạt đầu khi Unesco mời tôi đã từ chối.
Tuy nhiên, sau đó Unesco nêu lý do rằng họ đã hỏi các chuyên gia khắp thế giới mà chẳng ai hiểu được cồng chiêng Tây nguyên của VN, nên họ chính thức mời tôi đánh giá hồ sơ cồng chiêng. Vả lại, từ khi tôi là thành viên của Hội đồng quốc tế âm nhạc, người ta thấy tôi vốn công tâm và khách quan trong các nhận định về chuyên môn, nên người ta cũng tin tưởng (cười). Vì vậy tôi nhận lời.
Các việc phải làm sắp tới
1. Tiếp tục sưu tầm nghiên cứu về văn hóa cồng chiêng. Vừa rồi chúng tôi gửi bộ hồ sơ nặng 6kg đi sang Paris để đăng ký, nhưng thú thật là cồng chiêng Tây nguyên vẫn còn nhiều vấn đề để các nhà khoa học nghiên cứu tiếp.
2. Sẽ phục hồi không gian văn hóa cồng chiêng ở những nơi đã bị mai một. Vì môi trường của văn hóa cồng chiêng là các lễ hội, cho nên việc phục hồi không gian văn hóa cồng chiêng gắn liền với việc phục hồi các lễ hội. Ở đây UNESCO có nhấn mạnh với chúng tôi việc phục hồi này mang tính cộng đồng chứ không phải lấy vai trò của Nhà nước để tổ chức phục hồi.
3. Phải tuyên truyền quảng bá các giá trị văn hóa cồng chiêng Tây nguyên với mọi hình thức. Ở đây còn có vấn đề đào tạo lực lượng nghệ nhân người dân tộc.
Ông Nguyễn Chí Bền (viện trưởng Viện Văn hóa - thông tin, đơn vị nghiên cứu lập hồ sơ cồng chiêng Tây nguyên)
|
* Bắt tay vào việc, giáo sư có gặp khó khăn?
- Có, vì tôi vốn không biết nhiều về cồng chiêng Tây nguyên. Tuy nhiên, tôi có nghiên cứu các bộ cồng chiêng của các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia..., nên tôi nhờ giáo sư Tô Ngọc Thanh, giáo sư Tô Vũ giảng cho tôi nghe về cồng chiêng Tây nguyên.
Đến khi tôi gặp anh Bùi Trọng Hiền, người của Viện Văn hóa - thông tin, chính anh Hiền đã nói lại cho tôi hiểu những độc đáo về thang âm điệu thức của cồng chiêng, ý nghĩa cách tổ chức một dàn cồng chiêng mang nét văn hóa như thế nào.
Anh Bùi Trọng Hiền đã đi điền dã, đã công phu đo đạc cặn kẽ các chi tiết kỹ thuật trong việc phối âm, chia bè, kết cấu của hệ thống âm thanh trong dàn nhạc cồng chiêng. Khi nắm vững tất cả những điều đó, tôi đưa báo cáo nồng hậu lên Unesco, ủy ban này đã đánh giá cao và công nhận cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu.
* Giáo sư có thể đưa ra nhận định ngắn gọn về tầm giá trị của di sản cồng chiêng Tây nguyên?
- Cồng chiêng Tây nguyên đặc biệt hay, không chỉ ở sự đa dạng độc đáo về các bè trầm bổng, mà cồng chiêng chính là cuộc sống của người Tây nguyên. Nghe cồng chiêng thì thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội...
Khi biểu diễn vòng tròn, các nghệ nhân đánh và di chuyển dàn cồng chiêng từ phải qua trái, là ngược chiều với thời gian, có ý nghĩa ngược về nguồn cội. Cồng chiêng là văn hóa của người dân tộc vùng Tây nguyên với những đặc thù còn giữ nguyên gốc như thế. Còn về kỹ thuật, chính cách phối hợp âm thanh của dàn cồng chiêng giữa các chiếc cồng “cha mẹ” - cồng “con” - cồng “cháu” để làm thành thang âm điệu thức là rất đặc biệt. Cồng chiêng Tây nguyên có dính dáng đến dân tộc học sâu sắc.
* Ngay cả các chuyên gia hàng đầu của thế giới còn chưa ai biết đến cồng chiêng, vậy có triển vọng gì cho việc giới thiệu những giá trị quí giá của loại hình văn hóa này đến thế giới?
- Đó là việc tôi đang làm đây. Trong năm 2006, nước Ý sẽ tổ chức “Liên hoan tháng chín” - liên hoan ca nhạc cổ điển, nhạc nhẹ và nhạc truyền thống các nước. Mỗi năm họ hướng đến một nước châu Á. Vừa rồi họ mời tôi sang năm đưa âm nhạc truyền thống của VN tham dự.
Dịp này tôi sẽ giới thiệu cả ca trù, chầu văn, cải lương và cồng chiêng của VN. Lúc tôi đề xuất đưa cồng chiêng đi tham dự liên hoan thì Unesco chưa công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể của ta. Đến bây giờ tôi cho rằng cần phải đưa cồng chiêng đi với qui mô hơn, có thể đưa đi 16-17 nghệ nhân và chương trình của đoàn VN hôm ấy phải là đại qui mô.