Một làng ở Tây nguyên lưu giữ 30 bộ chiêng
Làng dân tộc Gia Rai M'Rông Yô thuộc xã Ia Ka, huyện ChưPảh, tỉnh Gia Lai - một trong số ít buôn làng giàu chiêng nhất ở vùng Tây Nguyên - hiện đang lưu giữ 30 bộ cồng chiêng, phần nhiều là những bộ chiêng cổ.
Ông K'sor Blăo, Trưởng làng M'Rông Yô, cho biết hàng chục năm nay bà con trong làng giữ gìn văn hoá cồng chiêng như bảo vệ sự sinh tồn và phát triển của cộng đồng, không ai được quyền bán đi bằng bất cứ giá nào.
Những bộ cồng chiêng ở làng M'Rông Yô lưu giữ gần như còn nguyên về cấu trúc và thang âm của một dàn chiêng cổ. Có những dàn chiêng nhiều chiếc phải cần đến 30-40 người mới chơi được và chơi hay.
Ở M'Rông Yô có hai đội chiêng mang tính chuyên nghiệp là một đội già và một đội trẻ. Lớp già có nhiệm vụ truyền đạt lại những kỹ năng chơi chiêng cho lớp trẻ, về sau lớp già mất đi thì có lớp trẻ thay thế và cứ vậy đời này đến đời khác nối tiếp, mỗi người dân trong làng là một nốt nhạc trong dàn giao hưởng cồng chiêng của cộng đồng.
Mới đây, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó có công đóng góp không nhỏ của dàn chiêng làng M'Rông Yô đã được chọn là điển hình cồng chiêng của người Gia Rai làm hồ sơ để được xét duyệt.
Theo TTXVN
Khôi phục và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng
TT - Khôi phục và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng là một dự án đang được triển khai tại tỉnh Đắc Nông.
Với tổng vốn đầu tư 5,6 tỉ đồng cho giai đoạn 2006 - 2009, ngành văn hóa- thông tin tỉnh sẽ mua khoảng 100 bộ cồng chiêng (chiêng đồng, chiêng tre) để trang bị tại các nhà văn hóa cộng đồng buôn, bon; tổ chức các lớp dạy đánh cồng chiêng cho thanh thiếu niên các dân tộc Êđê, M’Nông, Mường...; khôi phục đội cồng chiêng ở các buôn, bon và thường xuyên tổ chức lễ hội văn hóa dân gian từ cơ sở đến tỉnh để tạo môi trường cho các đội cồng chiêng hoạt động.
Trong ảnh là đội chiêng nhí huyện Krông Bông đang biểu diễn chiêng tre để phục vụ lễ khởi công Nhà máy thủy điện Krông Kma.
YHÁN ÊBAN
Người nắn âm thanh của chiêng
Nghệ nhân Y Lon |
Nghệ thuật chỉnh chiêng chính là một nét độc đáo của cồng chiêng Tây Nguyên. Và Y Lon, người chỉnh chiêng (pô mkal ching) của buôn Kọ Sia, TP Buôn Ma Thuột từng được đi biểu diễn ở nhiều nước - thường được dân trong buôn gọi trìu mến: "Người nắn âm thanh của chiêng".
Tôi tìm đến nhà Y Lon khi ông đang ngà ngà men rượu cần. Vì thế mà ông nói với tôi chuyện chỉnh chiêng đam mê và gan ruột nhất: "Cái chiêng cất lời cũng như người ta có miệng cất tiếng hát. Khi hát thì lời có lúc phải dài như sông Sê Rê Pôk, có lúc phải bát ngát như đồng cỏ M'Đrắc, có lúc phải cao vời thẳm như trời, lại có lúc phải sâu lắng, thâm trầm như phát ra từ ruột đất...
Đánh chiêng cũng phải theo bài bản, theo niềm vui nỗi buồn mà đánh sao cho lọt lỗ tai, thấu tận buồng tim, lá phổi để người nghe phải biết vui cùng mà bật ra tiếng cười, buồn cùng mà rơi nước mắt.
Nhưng mà không phải cái chiêng nào cũng nghe theo cái tai mình, cái bụng mình. Mình muốn nó cất tiếng cao, trong, nó lại ra tiếng khàn khàn, bèn bẹt. Mình muốn nó có tiếng ấm, dày, nó lại chói tai, ngoa ngoắt... Vậy thì phải dạy nó, phải nắn lại nó, phải làm cho nó biết nghe theo tay mình, bụng mình...".
Rồi Y Lon đến cái dàn trên bếp lửa lấy cái chày đen bóng bởi bồ hóng, làm bằng gỗ cà chít (giống như gỗ lim), lôi dưới gầm k'pan (ghế dài) ra một cái chiêng kná nhỏ, hướng dẫn tôi cách chỉnh chiêng: "Chỉnh chiêng thông thường dùng dùi gỗ. Muốn âm thanh cao, phải đập vào lòng chiêng cho mặt chiêng căng lên. Muốn âm thanh thấp phải đập cho mặt chiêng chùng xuống.
Điều quan trọng là phải biết đập chỗ nào, cách vành chiêng bao nhiêu đốt ngón tay, cách giữa lòng chiêng nhiều hay ít, chỗ đập to hay nhỏ thì cái chiêng cất lời cao hay vừa phải, trầm ít hay trầm nhiều. Cũng có lúc, người ta phải dùng búa sắt, khi cần đập mỏng mặt chiêng để lấy cái tiếng chiêng cao nhưng hơi ngắn không ngân nga.
Ngoài ra người ta còn có một cách chỉnh chiêng khác là đổ thêm sáp ong đen vào mặt chiêng để cho lời chiêng trầm lại. Điều quan trọng trong đánh chiêng là sự phối hợp giữa tay đánh và tay hãm cho cái tiếng bay ra dài hay ngắn...".
Tôi hỏi: "Ai dạy cho Y Lon cách chỉnh chiêng?". "Ông bà mình dạy cho mình lúc còn nhỏ, cũng dạy cho nhiều đứa khác nữa, nhưng không phải ai cũng làm được đâu. Chỉnh chiêng phải có hai cái lỗ tai tốt, có cái nhạc trong hồn mình. Không có hai thứ đó thì đừng cầm cái dùi chỉnh chiêng, nó làm cái chiêng thêm hư thôi...".
Theo Lao