QUYỂN 1CHUYỆN HỒN MA CÔ KATIE KING
VÀ NHÀ BÁC HỌC ANH WILLIAM CROOKES HAY LÀ LINH HỒN BẤT TỬ. BẠCH LIÊN TỦ SÁCH TÂM LINH THANH NIÊN |
Thật con người là Chơn Thần, một Điểm linh quang của Thượng Đế.
Con người vốn trường sanh bất tử.
Kiếp chết không phải là kiếp mất. Nó là sự thay hình đổi dạng.
Sự chết chẳng qua là một cái cửa mà mọi người phải bước qua để tiến lên một bậc.
Xác thân vốn là con thú của con người cỡi. Nó đưa con người đi qua một khoảng đường đời.
TỰ DO TÍN NGƯỠNG
TỰ DO TƯ TƯỞNG
Có khi nào trong lúc thong thả, quí bạn tự hỏi: Tôi là ai đây? Tôi sanh ra cõi trần làm gì? Một ngày kia tôi thác rồi, tôi còn hay mất, nếu còn tôi về đâu? Tôi sẽ đầu thai lại thế gian nầy không?
Đây là những câu hỏi nếu được giải đáp đúng với sự thật, những sự đau khổ trên thế gian nầy sẽ lần lần bị tiêu diệt hết, vì khi con người thật hiểu biết cơ tiến hóa, sẽ cố gắng sống theo luật Trời đã định.
QUÍ BẠN LÀ AI ?
Quí bạn sẽ nói: Tôi là xác thân nầy. Tôi ăn uống, ngủ nghê, làm việc, mệt nhọc, đau ốm, v.v...
Tất cả chúng ta đều nghĩ như vậy. Nhưng điều nầy có đúng với sự thật không?
Chắc chắn là không đúng với sự thật. Quí bạn không ăn uống, ngủ nghê, mà chính là xác thân của quí bạn ăn uống, ngủ nghê. Tại sao lạ vậy? Vì quí bạn không phải là xác thân nầy. Quí bạn là linh hồn ở trong xác thân. Linh hồn đâu có ăn uống, ngủ nghê, không đau mà cũng không chết, thật sự xác thân của quí bạn đau, chết. Linh hồn cứ sống mãi, dù cho xác thân tan rã.
Chắc chắn quí bạn sẽ ngạc nhiên, khi nghe tôi nói như thế, vì mấy lời nầy trái ngược với sự tin tưởng của người đời bấy lâu nay. Đúng vậy.
Tôi xin nói liền. Có ma hay không?
Nếu có ma thì người chết không mất, tức là linh hồn còn sống mãi, xác thân nầy cũng không phải là thật con người.
Các bạn sẽ hỏi: Ma là gì?
Người ta nói: Ma là hồn người chết.
Theo câu trả lời như thế, người chết có hồn và hồn vẫn sống. Nhưng thật sự không phải con người có một cái hồn, mà cái hồn mới thật là con người, còn xác thân là khí cụ của con người để dùng tại cõi trần trong một thời gian.
Các bạn sẽ nói: Khoa học không công nhận linh hồn và cho rằng sau khi thác rồi con người tiêu tan ra tro bụi.
Ấy tại khoa học còn đang tìm kiếm trong vật chất, chớ chưa bước qua địa hạt tinh thần [1].
Khoa học công nhận cái gì mà giác quan nhận thức được và bác bỏ cái gì không thí nghiệm được. Điều nầy rất tốt, nhờ vậy mới bớt được sự mê tín và tin dị đoan. Nhưng mà có những điều khoa học không thể suy xét, học hỏi được, vì chúng tùy thuộc những cõi vô hình, những luật vật lý hồng trần không áp dụng cho chúng nó được, nên không thể giải thích. Trong mấy vấn đề nầy nên kể:
1) – Những cõi vô hình.
2) – Những Đấng cao cả thiêng liêng, những Thần Thánh.
3) – Luật luân hồi, nhân quả.
4) – Sự tiến hóa tinh thần.
Linh hồn mặc dù có hình dạng và thật, song mắt phàm không thấy, nên khoa học không công nhận, điều nầy không có chi lạ. Tuy nhiên nhiều nhà bác học, khoa học như William Crookes, Sir Oliver Lodge, Camille Flammarion, Charle Richet… tin rằng linh hồn vẫn trường tồn, bất diệt.
Để chứng minh điều nầy, xin quí bạn đọc trước nhất bài luận vắn tắt về «Sự hiểu biết đời sống bên kia cửa tử rất hữu ích », kế đó là «Chuyện Hồn Ma cô Katie King và nhà bác học Anh William Crookes», «Lá thơ của người chết» với những lời giải.
SỰ HIỂU BIẾT ĐỜI SỐNG BÊN KIA CỬA TỬ RẤT HỮU ÍCH
Chúng ta đều biết lúc mới sanh ra, con người ở trong cái nôi, rồi lớn lên đi lần tới cái mồ để ngã gục xuống đó. Ấy là công lệ thiên nhiên, không một ai tránh khỏi được. Dù ta giữ xác thân sống tới một ngàn năm đi nữa, chung cuộc, cũng phải bỏ nó. Người thế gọi là ta chết. Ta chết, rồi đi đâu?
Thử hỏi: Biết được tình trạng con người sau khi thác, có giúp ích gì cho đời sống nầy chăng? Sự thật là hết sức hữu ích. Nếu hiểu được kiếp sống nầy liên quan mật thiết với kiếp chết và kiếp luân hồi mai sau thì ngay bây giờ con người nên sửa cách ăn thói ở hằng ngày để sau khi bỏ xác rồi được tiêu diêu tự tại và kiếp tái sanh tránh được những tai họa hiểm nghèo và an vui với những chuỗi ngày đầy hạnh phúc.
Nhưng làm sao biết được bên kia cửa tử? Các nhà tôn giáo đời nay có dạy sau khi từ trần, con người ra thế nào chăng? Sự thật là hiện nay không có nhà tôn giáo nào đá động đến vấn đề nầy cả, mà có giải thích thì cũng dựa theo những sách nói về Diêm La, Thập Điện, Quỉ Sứ, Dạ Xoa, chớ không có chi lạ.
Nhưng việc hồn ma hiện hình về, hoặc trong lúc cầu đồng, hoặc ở một nơi nào, giữa đường hay trong nhà, đã đánh đổ thuyết địa ngục.
Nếu quả thật có địa ngục, trừ ra một số ít đệ tử Chơn Sư, ai ai cũng phải sa vào đó, vì trọn đời không có một người nào, không phạm tội lỗi từ trong tư tưởng, ý muốn cho tới lời nói và việc làm. Mắc tội thì bị hành phạt, làm sao trở về trần thế hiện hình cho mình thấy? Thuở xưa người ta bày ra thuyết âm ty địa ngục để răn dạy thiên hạ đừng làm việc hung ác. Thử hỏi từ ngày thuyết địa ngục ra đời cho tới bây giờ, có được bao nhiêu người cải dữ về lành hay là cõi đời cũng còn tối tăm và con người còn đau khổ mãi? Một thuyết vô ích như thế có ích lợi gì? Tại sao không thủ tiêu nó để trừ nạn mê tín dị đoan? Cửa tử vẫn chưa vén màn bí mật cho người thường thấy.
Từ xưa, bên kia cửa tử đã mang danh là «Một xứ chưa có người thám hiểm, những khách du lịch nào vô đó, không một ai trở về ».
Quả thật như vậy, không có một người chết nào trở lại thế gian với xương thịt nguyên vẹn như hồi còn sanh tiền.
Việc hồn ma hiện hình về là một việc hiếm có trên đời. Nó thuộc về khoa vật lý học siêu hình. Không biết phương pháp thì không thể nào hiện hình được. Muốn làm một xác giả phải biết cách chọn lựa và hợp bốn chất dĩ thái ở cõi trần, biến nó ra hình dạng con người có đủ mặt mũi tay chân và y phục, tùy theo ý muốn của mình, như lúc còn sanh tiền. Phải định trí luôn luôn vào xác giả nầy, trong lúc đi đứng nói năng, nếu xao lảng trong một phút, tức thì xác giả tan ra dĩ thái như trước. Không phải hồn ma nào cũng biết hiện hình. Phải học với một vị Thiên Thần, hoặc đệ tử Chơn Sư, hay vị lão thông khoa pháp môn ở trung giới. Có một điều ta nên chú ý là những hồn ma học được phép hiện hình lui tới ở cõi trần nội trong vòng hai, ba năm là nhiều lắm, rồi từ giã đi luôn, không hề trở lại. Hỏi họ có âm phủ hay không? Họ luôn luôn trả lời: «Không bao giờ có địa ngục.»
Bên Âu Mỹ, phái thần linh học lập những câu lạc bộ để cầu hồn ma về và xin họ miêu tả những khu vực của cõi tử. Hồn ma thường nói một cách tổng quát tùy theo sự hiểu biết và tin tưởng của họ lúc còn sanh tiền. Một nỗi nữa, cũng một vấn đề mà hồn ma ở địa phương nầy giải thích cách nầy, còn ở địa phương kia giải thích cách khác. Có khi lập luận của họ phản đối với nhau. Người ta phân vân, không biết phải tin ai bây giờ, cũng không ai có thể biết được hồn ma thuộc về hạng nào, cao hay thấp.
Còn một lẽ nữa nên chú ý là đồng cốt thường hay lên giả, người ta mới tìm những phương pháp kiểm soát chặt chẽ, nên bây giờ họ khó qua mặt được.
Dù sao, có một điều cần thiết mà mỗi người phải nhớ là: «Đời con người không phải khởi đầu vào lúc sanh ra và chấm dứt vào lúc tử. Nó vốn vô cùng vô tận. Nó giống như một xâu chuỗi dài. Mỗi hột chuỗi là một kiếp. Kiếp nầy, là kết quả kiếp trước, kiếp sau là kết quả kiếp nầy. Kiếp chết không phải là kiếp mất. Con người chỉ mất xác thịt mà thôi. Con người sẽ tiếp tục sống, trước nhất trong một thể khác, và ở trong một cõi khác, cách sanh hoạt không giống ở cõi trần chút nào.
Nhiều vị cao đồ của Chơn Sư đã quan sát «Bên kia cửa Tử», trong lúc các ngài còn sống như mình. Lần lượt tôi sẽ thuật lại những lời của các ngài nói cho quí bạn nghe.
Bây giờ xin hiến cho quí bạn chuyện ông William Crookes, [2] một nhà bác học trứdanh nước Anh, thí nghiệm về sự hiện hình của một hồn ma, lấy tên là Katie King. Quí bạn sẽ thấy chuyện hồn ma hiện hình là việc có thật một trăm phần trăm hay nói một cách khác «Linh hồn vốn trường sanh bất tử.»
BẠCH LIÊN
(PHẠM NGỌC ĐA)
1. BÊN KIA CỬA TỬ
Sống ở, thác về, cõi tạm đây,
Vô thường vật chất chớ mê say.
Giữ lòng thanh tịnh, thiên đàng đó,
Thân thế phù du khỏi đọa đày.
2. LUÂN HỒI
Một kiếp luân hồi, một kiếp cao,
Trường trai, giữ giới, nhọc công lao,
Học cho thông suốt cơ huyền diệu,
Thong thả non Tiên dưới cội Đào.
3. NHÂN QUẢ
Nhân nào sanh quả nấy,
Khá lựa giống gieo trồng.
Cơ tạo xoay vần mãi,
Đúng kỳ cây trổbông.
4. SỰ PHÁN XÉT CUỐI CÙNG
«Cuối cùng kỳ phán xét».
Ngày tháng chớ buông trôi,
Tu tỉnh mau mau bước,
Thành Tiên có mấy hồi.
BẠCH LIÊN
1.– VÀI LỜI VỀ TIỂU SỬ ÔNG WILLIAM CROOKES
Ông William Crookes sanh năm 1832 và mất năm 1919, một nhà vật lý học trứ danh của nước Anh, nổi tiếng khắp hoàn cầu. Ông có chân trong hàn lâm viện hoàng gia. Ông tìm ra được một loại kim mới gọi là Thallium. Ông chế ra được một thứ ống gọi là ống Crookes, trong đó một luồng điện chạy qua một thứ khí thì sinh ra những ánh sáng đặc biệt, v.v. . .
2.– THÂN THỂ CÔ ĐỒNG MISS FLORENCE COOK
Cô đồng cho hồn ma Katie King mượn xác tên Miss Florence . Thân sinh cô có chân trong hội tâm linh học tại Dalston. Trong bức thơ của cô gởi cho ông Harrions tháng năm 1872 cô nói như vầy: «Năm nay tôi 16 tuổi, lúc còn nhỏ tôi đã thấy hồn ma. Tôi nghe họ nói chuyện, và cũng chuyện vãn với họ, nhưng tôi không dám tỏ cho cha mẹ tôi biết, vì sợ người ta biếm nhẻ.
Một bữa kia, tôi xin phép mẹ tôi đến dự buổi cầu đồng. Ghế tôi đang ngồi bỗng nhấc lên tới trần nhà và đi dạo trong phòng trên đầu những người có mặt tại đây. Sau rốt, chiếc ghế lại từ từ hạ xuống trên một cái bàn. Từ đó, tôi khiếp đảm không dám đi dự cuộc chiêu hồn nào khác ».
Nhưng nhà cô đồng Cook bị thiệt hại rất nhiều; khi không hai cái ghế và một cái bàn gãy ngang, nhiều vật liệng ngay vô đầu cô Cook, mấy cái ghế bay bổng lên trời, rồi đi chung quanh phòng. Cả nhà đang dùng bữa, thình lình cái bàn bị dở lên dữ dội.
Thét quá, cha mẹ cô buộc lòng phải cho cô dở xác. Các hiện tượng đều chấm dứt. Người ta chiêu hồn tại nhà cô Cook. Một hồn ma nhập vô xưng là Katie King và hứa dìu dắt cô. Từ đó cô đồng và hồn ma càng ngày càng thân mật.
3.– CÔ KATIE KING HIỆN HÌNH
Cô Katie King hiện hình lần đầu tiên ngày 22-4-1872, nhưng có một phần trên thân mình cô thôi. Mặt và hai tay lộ ra, không có đầu, tóc. Thấy cái miệng cười và mắt ngó không khác nào một mặt nạ linh động. Muốn thấy phải đốt diêm quẹt lên. Theo lời của cô Katie King bảo, người ta mới làm một cái đèn bằng chai đựng dầu có chất lân tinh. Nhờ chất lân tinh chói sáng, người ta mới thấy rõ hình cô Katie King.
Sau 5 tháng chiêu hồn, mỗi tuần hai lần, cô Katie King mới hiện ra được nguyên hình mau lẹ hơn trước. Cô thay đổi tóc tai, quần áo, màu da tùy theo ý muốn của chư nhu.
4.– LÚC BAN ĐẦU CÔ KATIE KING KHÔNG CHỊU NỔI ÁNH SÁNG
Lúc ban đầu, người ta ngạc nhiên sao cô Katie King không hiện ra giữa chỗ đèn đuốc sáng ngời? Người ta mới hỏi cô, nếu thắp đèn sáng thì xảy ra điều chi? Dường như câu hỏi đó làm cho cô phiền lắm. Cô đáp: «Tôi thường nói với quí bạn, tôi không chịu nổi ánh sáng lòa. Tôi không hiểu tại sao. Nếu quí bạn không tin tôi, quí bạn hãy đốt đèn lên, sẽ thấy kết quả. Tôi cho quí bạn hay trước, nếu quí bạn thí nghiệm thì buổi hội họp hôm nay sẽ chấm dứt tức khắc. Tôi không thể hiện ra. Quí bạn hãy chọn ».
Chư nhu, những người dự kiến mới thảo luận với nhau, chung cuộc họ nhất định thí nghiệm.
Katie đứng dựa vách tường, giăng hai tay ra như thập tự giá. Người ta đốt ba cây đèn khí đá. Cái kết quả rất lạ lùng. Katie chịu đựng được một chút, kế đó họ thấy cô tiêu tan lần lần như con búp bế bằng sáp để trước ngọn lửa. Trước hết những nét mặt phai dần, hai mắt thụt vô trong, lỗ mũi biến mất, trán rút vô đầu, tay chân rã rời, mình ngã xuống như căn nhà sụp đổ, chỉ còn đầu nằm trên tấm thảm với một miếng nỉ trắng. Chẳng bao lâu cũng biến mất. Cuộc chiêu hồn chấm dứt ngay lúc đó.
5.– CÂU CHUYỆN ÔNG VOLKMANN HAY LÀ CÔ ĐỒNG SUÝT CHẾT
Một đêm kia xảy ra một việc bất ngờ làm cho cô đồng suýt chết.
SAU ĐÂY LÀ LỜI TƯỜNG THUẬT CỦA HENRY DUNPHY CÓ MẶT TRONG LÚC ĐÓ.
Cô Katie King đi tới phía dưới cái phòng. Bỗng chốc có một người lạ mặt tên Volkmann nhảy ra chụp cô Katie King, ôm ngang lưng rồi la lên: «Quả thật là cô đồng Florence Cook đây nè ». Hai ba người chạy lại gỡ tay y ra, rồi cả bọn ấu đả với nhau.
Tôi thấy trước hết tay chân của cô Katie King biến mất. Cô vùng vẫy để thoát ra như con hải báo (phoque) lội dưới nước. Ông Volkmann ôm chặt cứng cô Katie King tưởng đâu không khi nào cô chạy vuột được, nào dè cái hình tiêu tan dần dần, không để lại dấu vết nào, một mảnh giẻ rách cũng không còn.
Lúc nầy cô đồng Cook giãy giụa, vì nghẹt thở. Người ta áp lại lo cấp cứu, một lúc lâu cô mới tỉnh lại.
6.– CÔ ĐỒNG COOK CẦU CỨU VỚI ÔNG WILLIAM CROOKES
Sau khi xảy ra chuyện Volkmann, những người không hiểu về huyền bí học mạt sát cô đồng, định ninh rằng cô gạt gẫm thiên hạ.
Cô đau khổ quá mới tìm đến ông William Crookes, không cho cha mẹ và bạn bè cô hay biết. Cô xin ông Crookes giải oan cho cô. Cô nói: «Ông thử nghĩ: Tôi đau lòng đến bực nào, nếu ông ngờ tôi là một kẻ bịp bợm, nên tôi đến nhà ông, xin bà đưa quần áo nào cho tôi mặc chẳng hạn và cất quần áo của tôi đi. Ông coi chừng tôi tới bao lâu cũng được, ông cứthí nghiệm cách nào tùy ý ông. Tôi chỉ xin ông một điều, nếu ông thấy có một sự giả dối nào thì ông cứ vạch trần ra cho công chúng biết. Nhược bằng ông thấy hồn ma hiện hình là điều có thật và tôi vẫn là khí cụ trong tay những kẻ khuất mặt, ông cứ thẳng thắn nói lớn lên để giải oan cho tôi ».
7.– ÔNG WILLIAM CROOKES CAN THIỆP
Ông William Crookes nhận lời. Ông là một nhà khoa học, ông rất ưa khảo cứu những hiện tượng siêu hình, ông đã từng thí nghiệm nhiều lần và nhiều cách với đồng cốt Daniel Douglas Home . Tôi xin nhấn mạnh chỗ nầy cho quí bạn biết, không phải lần đầu tiên mà ông William Crookes làm quen với các nhà thần linh học.
Từ đó, những cuộc chiêu hồn đều mở tại nhà ông Crookes và nhiều nơi khác, nhưng luôn luôn do ông Crookes kiểm soát.
NHỮNG SỰ THÍ NGHIỆM CỦA ÔNG WILLIAM CROOKES
A.–Mặc dù đã quan sát nhiều lần, khi cô Katie King hiện ra, ông Willliam Crookes cũng chưa hoàn toàn tin hẳn. Ông nhất định hợp tác với một nhà bác học khác để cho những sự chứng minh của ông không thể nào bắt bẻ được. Ông bèn nhờ ông Warley, một nhà bác học chuyên môn về khoa điện báo, cũng là nhân viên trong hàn lâm viện hoàng gia giúp ông.
CÁCH SẮP ĐẶT CỦA ÔNG WARLEY
Ông Warley nảy ra một ý kiến cho một luồng điện nhẹ chạy vô mình cô đồng trong lúc Katie King hiện ra và kiểm soát những kết quả bằng một điện lưu biểu (galvanomètre – máy đo cường độ) đặt phía ngoài cái phòng của cô đồng ngồi. Trong lúc thí nghiệm nầy có mặt ông Luxmoore, ông và bà Crookes, bà Cook và con gái của bà, quí ông Tapp, Harisson và Varley.
Cô đồng ngồi trên ghế dựa. Người ta cột cô như thường lệ và đặt trên tay cô một cái máy gồm nhiều đồng tiền vàng sắp chồng lên một tờ giấy chậm có thấm một chất hóa học. Mấy đồng tiền vàng hàn dính với những sợi dây đồng. Như thế, những cử động ở tay cô đồng, dù nhẹ nhàng thế nào, cũng bị cây kim của điện lưu biểu ở ngoài báo động cho biết liền.
Ông Warley nói rằng: «Trong lúc chiêu hồn, nếu một đồng tiền vàng bị đẩy lui, dù chừng 2 phân đi nữa, cây kim của điện lưu biểu sẽ nhích thêm lên. Như vậy, sự giả dối của cô đồng sẽ bị bại lộ ».
Nhưng kết quả như thế nào? Khi cô Katie King hiện hình thì cây kim của điện lưu biểu cứ từ từ hạ xuống, vì chất hóa học thấm trong tờ giấy chậm bay hơi đi. Như thế mới đúng với nguyên tắc.
Không có sự gian lận nào cả. Cô Katie King khác hẳn với cô đồng Cook.
B.–Kỳ sau ông Warley vắng mặt. Ông Crookes điều khiển sự thí nghiệm. Chuyến nầy ông để những sợi dây đồng cột cô đồng dài từ ghế cô ngồi cho tới cái màn mà thôi. Cô đồng không thể nào ra khỏi phòng, dù cô muốn cũng không được.
Khi cô Katie King hiện hình rồi, cô từ trong phòng đi ra phía ngoài, khỏi phòng từ 1, 70m cho tới 2m. Không có sợi dây nào dính theo mình cô, xem điện lưu biểu thì thấy không có chi thay đổi.
Chấp thuận lời yêu cầu của ông Crookes, cô Katie King nhúng hai bàn tay vào một cái chậu đựng chất Iodure de Potassium, cây kim của điện lưu biểu không hề nhúc nhích. Nếu quả cô đồng trá hình thì cây kim của điện lưu biểu sẽ nhích mạnh, vì trong mình của cô đồng có một sợi dây dẫn điện.
C.–Cực âm và cực dương của một bình phát điện nối liền với hai cái chậu đựng thủy ngân. Điện lưu biểu và cô đồng thì được nối vào dòng điện. Khi cô Katie King nhúng tay vào hai chậu đó thì điện trở không giảm và cường độ của dòng điện cũng không tăng.
Nhưng khi cô đồng Cook ra khỏi phòng và nhúng tay vào thủy ngân thì cây kim của điện lưu biểu liền nhích qua một độ lớn. Katie King đối với dòng điện thì có một điện trở 5 lần lớn hơn điện trở của cô đồng Cook.
D.–BẮT MẠCH HỒN MA
Ông William Crookes nói: «Bữa tối đó, tôi bắt mạch cô Katie King, nó nhảy đều đều 75. Một chặp sau tôi cũng bắt mạch cô đồng Cook, nó lên tới 90, đó là số bình thường.
Khi tôi kê lỗ tai trên ngực cô Katie King thì tôi nghe trái tim cô nhảy điều hòa. Tôi cũng thí nghiệm với cô đồng Cook sau cuộc chiêu hồn thì thấy trái tim của cô đồng đập mau hơn. Bộ phổi của Katie King cũng tốt hơn bộ phổi của cô đồng. Tối bữa đó cô đồng bị cảm, ho ».
E.– CHỤP HÌNH HỒN MA
Nhiều người cho sự hiện hình như thế là do ảo tưởng của chư nhu. Ông William Crookes trả lời với họ bằng cách chụp hình cô Katie King với năm máy ảnh một lượt. Mặc dù hồi 86 năm trước, máy ảnh chưa được tinh xảo như ngày nay, ông William Crookes cũng còn giữ được 44 âm bản (négatif) để làm kỷ niệm quý báu. Ông nói: «Có vài cái xấu, có vài cái không tốt cũng không xấu, còn mấy cái khác thì tốt lắm. Một cái hình mà tôi quý hơn hết là tấm tôi chụp chung với Katie King, tôi đứng một bên nàng.»Ông Crookes nói tiếp: «Cô Katie King để chân trên mặt ván. Tôi cho cô Cook ăn mặc giống như cô Katie King. Chúng tôi đứng chung nhau và được chụp với những máy ảnh để một cách với nhau như kỳ thí nghiệm trước và cũng dùng một thứ ánh sáng.
Khi tôi để hai tấm ảnh chồng lên thì hai cái hình của tôi đều bằng nhau, còn hình cô Katie King cao hơn cô Cook nữa cái đầu. Gương mặt và vóc vạc cô Katie King lớn hơn cô đồng Cook, hình của hai người có nhiều điểm không giống nhau ».
F.–ÔNG WILLIAM CROOKES CẶP TAY CÔ KATIE KING
Ông William Crookes nói: «Nghĩ rằng người đứng gần tôi, nếu không phải hồn ma, thì cũng là một người đàn bà. Tôi bèn xin phép cô Katie King cho tôi cặp tay cô để chắc chắn sự quan sát của tôi không sai lầm. Cô Katie King vui lòng nhận lời. Tôi hành động với tư cách một người có giáo dục đứng đắn. Tôi chứng thật cô Katie King là một người thật, cũng tóc tai, xương thịt như cô đồng Cook ».
G.–ÔNG WILLIAM VÔ PHÒNG ĐỂ XEM XÉT CÔ ĐỒNG
Ông nói: «Tôi vô phòng cẩn thận, vì trong đó tối thui. Tôi mò kiếm cô đồng thì gặp cô ngồi chồm hổm trên ván. Tôi quỳ xuống, để cho gió vô cây đèn nó phực cháy lên, tôi thấy cô đồng mặc áo nhung đen như lúc bắt đầu chiêu hồn. Dường như cô mê mang. Cô không nhúc nhích khi tôi cầm tay cô và đưa đèn gần mặt cô, nhưng cô thở điều hòa. Dở đèn lên cao, tôi bèn nhìn chung quanh, tôi thấy cô Katie King đứng khít bên cô đồng. Cô mặc đồ trắng dài phất phơ in như lúc cô hiện ra khi nãy. Tôi cầm tay cô Cook, tôi quỳ xuống nữa, đưa cây đèn lên xuống, để chói sáng trọn vẹn mặt cô Katie King. Như thế, mới tin chắc rằng tôi thấy rõ mặt cô Katie King, người mà tôi mới cặp tay vài phút trước đây, chớ không phải một cái óc bịnh hoạn thấy bóng ma.
Cô Katie King không nói mà gật đầu tỏ dấu nhận biết. Ba lần khác nhau, tôi xem xét kỹ lưỡng cô đồng để chắc chắn tay mà tôi đang cầm đây quả thật là tay của một cô gái còn sống và ba lần tôi day cây đèn qua phía cô Katie King đứng, hết sức chú ý vào sự quan sát cho đến khi tôi không còn ngờ vực nữa. Quả thật cô Katie King đứng trước mặt tôi đây. Bỗng chút cô Cook cựa mình, cô Katie King ra dấu cho tôi đi. Tôi bèn bước lại một góc trong phòng, không thấy cô Katie King nữa. Tôi chờ khi cô đồng tỉnh dậy và chư nhu cầm đèn bước vô phòng, mới ra ngoài ».
H.–Ông Crookes xin Katie King nhúng 10 đầu ngón tay vô chất Anilline với ông. Mấy đầu ngón tay của cô không dính chi cả, còn những đầu ngón tay của ông Crookes đến mấy tuần lễ sau cũng chưa phai màu.
Ông Crookes có chế một cái cân đặc biệt có máy ghi. Lúc bình thường cô đồng Cook cân nặng 80 livres, tức là hơn 36 kí một chút. Người ta để cô đồng trên cân. Khi cô Katie King hiện ra, người ta xem máy ghi, thấy cô đồng nặng gần 40 livres mà thôi, tức là không tới 18 kí. Cô đồng mất phân nửa sức nặng.
J.–LỜI CHỨNG THẬT CỦA ÔNG WILLIAM CROOKES
«Mới đây tôi thấy rõ cô Katie King, khi nàng hiện ra dưới ánh sáng đèn điện. Các ngài đã thấy sự hiện hình tiến bộ, từ lúc người ta chỉ thấy một phần mặt cô Katie King và phải đốt diêm quẹt lên mới thấy được. Bây giờ tôi có thể thêm vài điều trong bài tôi đã viết ra, nói về sự sai biệt giữa cô đồng và Katie King. Tôi dám quả quyết cô đồng và Katie King là hai cá nhân khác nhau, ít nữa là về thân thể. Nhiều điểm nhỏ ở trên mặt cô Cook không có trên mặt cô Katie King. Tóc cô Cook thì đen huyền, còn tóc của cô Katie King thì hung hung đỏ rất đẹp. Tóc nầy cô Katie King cho phép tôi cắt ở chính giữa gióc bín của cô. Chính tay tôi lấy ngay trên đầu cô và hiện giờ nó ở trước mặt tôi. Tôi đã rờ trên đầu cô để xem quả thật có phải là tóc mọc hay không.
Hôm chiêu hồn tại nhà tôi, tôi thấy cô Katie king cao hơn cô đồng 1, 4 tấc. Tối hôm qua cô Katie King đi chân không, chẳng nhón gót, cô cao hơn cô đồng 1 tấc. Cổ của cô Katie King rờ tới rất mịn màng, còn cổ của cô đồng có cái thẹo và da hơi sần. Cô Katie King không xỏ lỗ tai, còn cô đồng đeo bông. Nước da của cô Katie King thì trắng, còn nước da của cô đồng thì sậm. Mấy ngón tay của cô Katie King thì dài hơn mấy ngón tay của cô Cook, gương mặt cũng lớn hơn. Điệu bộ và ngôn ngữ của hai người cũng không giống nhau.
Sợ trí nhớ của tôi lâu ngày phai lợt, tôi mới nhờ một người bạn thân có tài tốc ký ghi chép tất cả những sự quan sát của tôi ở trong phòng và điều cần thiết hơn hết là những cảm giác đầu tiên ».
NHỮNG LỜI CHỨNG NHẬN CỦA CÁC QUAN SÁT VIÊN KHÁC
I.–LỜI CHỨNG NHẬN CỦA BÁC SĨ GULLY
Cuộc chiêu hồn tối bữa 28-11-1873 tại nhà ông Luxmoore. Chuyến nầy cô Katie King hiện nguyên hình, mặc áo dài trắng và phất phơ hơn mọi khi. Cánh tay áo phủ xuống tới cườm tay, thắt ngang lại. Đầu và mặt choàng một cái khăn mỏng trong ngần làm tăng thêm vẻ đẹp đẽ và thanh cao của cô, không có danh từ nào để miêu tả cho đúng.
Cô Katie King thùy mị, dung nhan kiều diễm cho đến đỗi các người có mặt buổi đó đều phải trầm trồ khen ngợi. Nhà văn hào Pháp Anatole France cũng có nói và đưa ra những bằng cớ để chứng minh ông William Crookes say đắm cô Katie King.
Katie King đi đi lại lại chính giữa chư nhu, trong lúc đó cô đồng bị trói ở trên ghế trong buồng tối. Người ta chất vấn cô, song rất tiếc toàn là những câu hỏi riêng tư, làm cho cô phải lặp đi lặp lại mãi câu nầy: «Quý vị hãy hỏi tôi những câu có ý nghĩa chín chắn.» Phần đông chư nhu ưa giễu cợt với cô hơn là làm theo ý cô muốn.
Tôi mới hỏi cô: «Cô có thể nào chỉ cho chúng tôi biết cô dùng những lực gì để hiện hình ra hoặc làm cho nó tan rã chăng?»
Cô đáp: «Không thể nói được ».
- Có phải là điển khí không hay một lực gì tương tợ?
- Không, người ta nói sai, không phải điển khí. Cô nói thêm, ấy là sức mạnh của ý chí đúng hơn. Kỳ thật, ý chí là căn bản của quyền năng tôi dùng.
- Sau khi cô biến mất, cô đi đâu?
- Tôi nhập vô mình cô đồng để trả lại sinh lực mà tôi đã lấy của cô. Khi tôi mượn sức mạnh của cô thì cô kiệt sức. Nếu có vị nào ôm ngang lưng cô để dở lên, cô sẽ chết tức tốc.
Đó là điều ông Volkmann đã lầm lỗi, suýt làm thiệt mạng cô đồng. Tôi không có nhập một với cô đồng hay hiện hình ra ngoài thân cô một cách dễ dàng, nhưng các ngài nên hiểu: Tôi không phải là cô đồng, cũng không phải là thể vía của cô. Luôn luôn tôi vẫn là tôi.
Bác sĩ Gully nói tiếp: «Tôi tưởng người ta có thể nhờ cô cho biết những sự bí mật bên kia cửa tử, nhưng luôn luôn chư nhu thích trêu ghẹo. Họ ca tụng cô Katie King, rốt lại buổi chiêu hồn là một cuộc nói chuyện riêng tư không ích lợi gì cả. Tôi rất bất mãn về sự lôi thôi ấy. Tôi muốn hỏi những vấn đề mà các nhà thần linh học chân chính rất thích nghe giải quyết ».
II. –LỜI CHỨNG NHẬN CỦA BÁC SĨ SEXTON
Cuộc chiêu hồn tối bữa 25-9-1873.
Đã 15 năm rồi, bác sĩ Sexton là kẻ thù nghịch không đội trời chung với phái thần linh học. Ông được phép đến dự các cuộc chiêu hồn và rốt cuộc ông cũng phải nhìn nhận rằng hồn ma hiện hình là việc có thật.
Ông nói rằng: «Sau những cuộc đề phòng thường lệ, như xem xét cả góc kẹt, hốc, niêm phong cửa nẻo, người ta cột cô đồng vào ghế để làm vừa lòng những người ngờ vực.
Mở đầu, người ta ca hát như mọi lần. Ánh sáng hạ bớt xuống, song đủ thấy những việc xảy ra trong phòng.
Bỗng chút màn rẽ ra, Katie King hiện hình trọn vẹn, mặc toàn đồ trắng, mọi người đều thấy nàng, Katie King yêu cầu tôi chất vấn cô. Tôi liền hỏi cô trong nửa giờ. Những câu hỏi của tôi thuộc về triết học. Tôi muốn biết do những luật và những điều kiện nào mà hồn ma hiện hình ra được. Dám chắc một người trẻ tuổi như cô đồng không thể nào trả lời nổi.
Katie ra khỏi phòng nhiều lần và đi qua lại giữa chúng tôi. Cô chỉ cho chúng tôi xem cô đi chân không. Cô giậm chân để cho chúng tôi biết cô không nhón gót. Chi tiết nầy rất quan trọng, vì trong buổi chiêu hồn nầy, Katie cao hơn cô đồng bốn phân.
Katie đi ngang qua phòng, lại gần tôi, rờ đầu tôi và dang ra xa liền. Tới khi gần mãn cuộc, Katie xin tôi đi xem cô đồng còn bị cột ở ghế hay không? Ông Luxmoore mở cửa ra rồi nói: «Cô còn đó, nằm trong góc bên kia ». Ông Luxmoore đóng cửa lại. Tôi đi vô phòng, thấy cô đồng Cook nằm trên ghế ngủ mê mang, mấy gút dây trói cô và khăn còn y nguyên. Cuộc chiêu hồn còn kéo dài một giờ nữa.
Katie viết nhiều bức thơ ngắn. Có một bức thơ riêng cho tôi như vầy:
«Bác sĩ Sexton thân mến của tôi. Tôi rất hài lòng về mấy câu hỏi của ông. Chúc ông vạn hạnh ».
Ký tên
Annie Morgan
Cô Katie King quả quyết rằng, lúc còn sanh tiền, cô ở Ấn Độ, tên thật là Owen Morgan ».
III. –LỜI CHỨNG THẬT CỦA ÔNG GEORGES TAPP
Ngoài hai bác sĩ Gully và Sexton, mấy vị kia không được đứng đắn.
Có một ông tên Georges Tapp giễu cợt lả lơi với cô, tức thì bị cổ thoi một thoi ngay ngực. Bị đánh thình lình đau quá, ông Georges Tapp liền chụp cườm tay mặt của cô. Ông nói: «Cườm tay của cô bị tôi nắm chặt, nó xẹp xuống như một miếng giấy mỏng, mấy ngón tay của tôi đụng nhau. Cánh tay tiêu mất. Tôi buông tay ra và rất hối hận, vì quên mất những điều kiện của chúng tôi đã giao kết. Tôi rất lo sợ cô đồng bị hại, vì sự bất cẩn của tôi ».
Katie an ủi tôi. Cô nói: «Không sao, việc làm của ông vô ý thức, tôi không để có hại đến sức khỏe của cô đồng ».
IV. –LỜI CHỨNG NHẬN CỦA ÔNG HOÀNG SAYN WITTGENSTEIN
Ông hoàng Sayn Wittgenstein, hộ vệ quân của Nga hoàng, là một nhà thần linh học có tiếng tăm, đã có dịp thấy cô Katie King nhiều lần và quan sát cô rất kỹ lưỡng, luôn luôn với óc phê bình. Dưới đây là đoạn rất quan trọng trong lời chứng nhận của ông:
Nàng đẹp hơn hình chụp cả ngàn lần. Trước mắt tôi hiện ra một người đàn bà còn trẻ, xinh đẹp lạ thường, yểu nhiễu và đầy vẻ phong lưu. Đầu choàng khăn mỏng trắng phủ lên những cuộn tóc hung hung đỏ, áo dài trắng phết gót, hai cườm tay mảnh mai, trắng nỏn thấy tới cùi chỏ. Cổ tay, cổ chân xinh xắn. Bàn tay hơi to, ngón tay mũi viết dài, đầu ngón tay màu hường, gương mặt tròn hơn là dài, hơi mét mét, miệng cười chúm chím, răng rất đẹp, mũi quặm. Tôi lạnh lùng ngắm hình dung nàng, phân tách từ chút, ấy là một người sống, khăn choàng cũng bằng vải thật.
Khi quan sát kỹ lưỡng hơn nữa, tôi thấy chỉ có con mắt làm cho người ta biết nàng là hồn ma. Nó đẹp thật, nhưng có mòi hung hăng, ngó chăm bẳm và lạnh lùng. Mặc dù như thế, miệng nàng vẫn cười chúm chím, ngực nàng phồng lên. Nàng muốn nói: «Tôi rất sung sướng sống lại một lúc với người thế ».
Hai lần tôi xin nàng cho xem chân của nàng. Nàng vén áo lên, lộ gót chân ra; tôi nài nỉ nàng cho xem tới mắt cá. Chân nàng mịn màng như chân của một pho tượng đời xưa, trắng, uốn cong, mập mạp, đẹp đẽ, mấy ngón chân nhỏ rất xinh xắn. Nhưng bàn chân cử động như một cái máy, không có vẻ thật của người sống. Katie cười, giễu cợt với mọi người, ra bộ tịch như người đàn bà phương đông, ngón và cườm tay dịu oặt.
Nàng viết cho tôi mấy hàng nầy:
«Tôi hứa sẽ đến nước Đức, tôi sẽ gặp lại ông một ngày gần đây. Tôi không quên lời hứa của tôi.»
Chào thân ái
Annie Morgan
Tôi viết cho Katie một cái thơ gắn khằn kỹ lưỡng. Tôi mượn cô đồng Cook để thơ đó trên bàn cô trong lúc ban đêm, kế bên một tờ giấy trắng và những cây viết chì. Ông William Crookes cũng dự vào cuộc thí nghiệm nầy. Ông lấy thơ của tôi bỏ vô một bao khác gắn khằn và đóng dấu nhiều chỗ để chắc rằng không thể nào đọc lá thơ đó được mà không đập bể khằn ra. Trong dịp nầy cô Katie dùng thần nhãn. Nàng gởi trả thơ đó lại cho tôi, tôi xem thì những dấu của ông William Crookes và của tôi vẫn còn y nguyên. Nàng lấy một tờ giấy khác chép trọn lá thơ của tôi ra từng chữ, không lầm lộn và thiếu sót một nét nào. Dưới chữ tái bút, nàng viết:
«Nầy bạn thân mến, tôi chép lại thơ của bạn để chứng tỏ quả thật tôi đã đọc nó. Nếu có những chỗ lầm lạc, xin nhờ lòng tốt của bạn tha thứ. Từ đó đến giờ, tôi chưa từng làm một việc như thế ».
Annie Morgan hay là Katie King
V. –LỜI CHỨNG NHẬN CỦA NHÀ BÁC HỌC NGA AKSAKOP
Nay 1873, ông William Crookes cho đăng báo những bài viết về Katie King. Sau khi ông mời các bác học đến chứng kiến, yêu cầu nhà bác học Nga Aksakop đến kiểm soát những sự thí nghiệm của ông.
Ông Aksakop nói rằng: «Căn phòng nhờ một cái đèn để phía sau một quyển sách rọi sáng. Chưa đầy 15 phút, màn vén lên lẹ làng. Một hình người đứng sau tấm màn hiện ra, mặc toàn đồ trắng, đầu choàng một khăn mỏng trắng, để lộ ra hai cánh tay, ấy là Katie King.
Tôi mới hỏi: «Cô có thể chỉ cô đồng cho tôi xem chăng?» Cô đáp: «Được. Ông hãy đi cho mau và xem liền ». Tức thì tôi vén màn lên, lúc ấy tôi đứng cách đó năm bước, cô Katie King biến mất. Trước mặt tôi, ở trong góc tối, tôi thấy cô đồng vẫn ngồi trên ghế. Cô mặc áo lụa đen, nên tôi không thấy rõ cô. Khi tôi trở về chỗ ngồi, Katie King hiện ra dựa bên màn và hỏi: «Ông thấy rõ không?» Tôi trả lời: «Không rõ lắm, sau bức màn thì tối ». Cô bảo: «Vậy ông hãy cầm đèn đi cho mau». Tôi liền cầm đèn bước vô. Katie King mất dạng. Tôi thấy cô đồng ngồi trên ghế ngủ ngon lành, hai bàn tay bị cột ra đàng sau lưng, ánh sáng của đèn làm cô thức dậy. Cô rên, rán mở mắt. Một cuộc cãi vã xảy ra giữa Katie King và cô đồng. Cô đồng muốn thức dậy luôn, còn Katie King muốn cô ngủ nữa. Thành thử, cuộc chiêu hồn phải ngưng ngay lúc đó.
CÔ KATIE KING TỪ BIỆT
Khi hiện hình ra lần đầu tiên ngày 22-4-1872, Katie King có báo trước: «Tôi ở với quí bạn có ba năm mà thôi.»
Cuộc chiêu hồn lần chót là đêm 21-5-1874 tại thư viện của ông William Crookes; lúc 7 giờ 23 phút, ông Crookes dắt cô đồng Cook vô phòng tối để cô nằm dưới đất, đầu kê gối; đúng 7 giờ 28 phút Katie King hiện ra và 7 giờ 30 cô ra khỏi màn. Cô mặc đồ trắng, áo tay cụt, tóc quăn màu hung hung đỏ xoã xuống, mặt choàng khăn mỏng.
Cô đồng mặc áo nỉ xanh dợt. Từ đầu tới cuối, màn vén lên, tất cả mọi người đều thấy cô đồng nằm ngủ, mặt che khăn đỏ để cản ánh đèn sáng trưng.
Katie King đứng trước mặt anh em và cho biết rằng cô sắp từ biệt vĩnh viễn. Ông Crookes và Tapp, mỗi người tặng cô một bó hoa. Cô nhận lãnh, tháo ra và phân phát cho mỗi người một cái bông; cô xin mấy anh em xúm lại ngồi gần cô, viết vài bức thơ từ giã các bạn thân, nhất là cô đồng, rồi ký tên Annie Morgan; cô lấy kéo hớt một mớ tóc của cô chia cho mỗi người; cô cặp tay ông Crookes đi dạo chung quanh phòng, bắt tay từ người; cô ngồi lại, lấy kéo cắt khăn choàng và áo của cô nhiều chỗ và phát cho chư nhu. Khi thấy áo cô lủng lỗ lớn quá, chư nhu mới hỏi: «Có thể nào cô làm cho cái áo lành lẽ lại như mấy lần trước không?» Lúc đó cô ngồi chính giữa ông Crookes và Tapp. Cô nắm cái áo, giũ một cái thì mấy chỗ lũng lỗ đều lành trơn. Cô cho những người ngồi gần rờ xem, không thấy dấu vết chi cả.
Xong rồi cô từ giã mỗi người, lời nói rất dễ thương, chư nhu đồng cảm ơn cô trót ba năm nay đã cho tất cả thấy phép huyền diệu về sự hiện hình.
Một lần nữa, cô ngó mọi người với vẻ yêu thương, rồi gương mặt buồn buồn, cô bỏ màn xuống.
Người ta nghe cô gọi cô đồng thức dậy. Cô đồng khóc và xin cô ở lại một thời gian nữa. Cô nói: «Em ơi! Điều đó không thể nào được, sứ mạng của chị tới đây đã chấm dứt. Cầu xin Thượng Đế phò hộ em ».
Cô Katie King đã trở về với thế giới vô hình và không bao giờ hiện ra nữa.
Tới năm 1943, ông Leymarie chủ nhà sách thần linh học Leymarie, số 42 đường St. Jacques Paris, còn giữ một mớ tóc và một mảnh áo của Katie King và ông để trưng bày trong tủ kiếng, nhưng bây giờ đây không rõ những di tích đó còn hay không? [3]
MỘT ĐOẠN TRONG BÀI DIỄN VĂN CỦA ÔNG WILLIAM CROOKES ĐỌC GIỮA ĐẠI HỘI NGHỊ ANH QUỐC VỀ SỰ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC MỞ RA TẠI BRISTOL NĂM 1898 (đại ý).
«Trong chức nghiệp khoa học của tôi, có một việc xảy ra mà cả thế giới đều biết là chuyện tôi dự vào việc khảo cứu về tâm linh.
Ba mươi năm đã qua, từ khi tôi cho đăng báo những bài tường thuật các cuộc thí nghiệm cốt ý để chứng minh có một lực mà các bực cao minh đã dùng, mấy vị nầy khác hẳn người thường.
Các bạn có nhã ý mời tôi đến chủ tọa cuộc đại hội hôm nay đều biết rõ đoạn đời đó của tôi. Không chừng trong các thính giả có vài vị có ý tọc mạch tự hỏi: Tôi sẽ nói cái thời dĩ vãng ấy chăng? Hay là tôi nín lặng. Tôi sẽ nói, mặc dù một cách vắn tắt.
Ở đây tôi không có quyền nhấn mạnh về một vấn đề còn có thể tranh biện được, vấn đề mà quí ông như Wallace, Lodge và Barrett đã trình bày, nó không làm cho phần đông các nhà bác học, mấy bạn đồng nghiệp của tôi, quan tâm đến, dẫu rằng câu chuyện đó đem ra bàn cãi giữa một đại hội như đại hội nầy chẳng hạn, không phải là một việc không xứng đáng chút nào.
Không đem vấn đề đó ra nói, giữ thái độ im lặng tức là khiếp nhược, tôi không hề muốn phạm lỗi đó. Tôi không bao giờ đính chánh cái chi cả. Tôi giữ y những điều tôi đã đăng báo. Tôi còn có thể thêm nhiều nữa ».
Ông William Crookes còn nói tiếp: «Tôi rất thích đảo ngược câu châm ngôn của cổ nhân và nói: «Trong sự sống, tôi thấy quyền năng sanh hóa những hình dạng của vật chất và chắc chắn quyền năng đó đã thực hiện ».
Hồi thời cổ Ai Cập, trên ngạch cửa của đền thờ Nữ Thần Isis có khắc câu này: «Ta là tất cả cái gì đã có ở thời dĩ vãng, đang có ở thời hiện tại và sẽ có ở thời tương lai. Chưa có một phàm phu tục tử nào đã vén được bức màn che Ta ».
Tạo vật không hiện ra cho những người đời nay đang tìm chân lý như thế nầy. Tôi dùng chữ tạo vật để ám chỉ tất cả những sự bí mật, kinh ngạc của vũ trụ. Cương quyết và không nao núng, chúng ta cứ cố gắng đi sâu vào trong tâm của vũ trụ để hiểu biết hồi xưa nó ra sao và dự liệu ngày sau nó sẽ ra thế nào. Chúng ta đã vén nhiều bức màn và mỗi lần một bức màn rớt xuống thì mỗi lần gương mặt của nó hiện ra đẹp đẽ, uy nghiêm và huyền diệu hơn …»
LỜI GIẢI
Tôi xin giải 10 điểm sau đây:
1. – Cô Katie King là người nước nào?
2. – Cô Katie King ở đâu hiện ra?
3. – Tại sao cô Katie King hiện ra, còn những người khác không hiện hồn về thăm vợ con, gia quyến?
4. – Tại sao cô Katie King không chịu ánh sáng?
5. – Cô Katie King không giải thích phương pháp hiện hình.
6. – Tại sao lúc cô Katie King hiện ra, cô đồng Cook mất hết phân nửa sức nặng?
7. – Tại sao cô Katie King nói: Tôi không phải là cô đồng, cũng không phải là thể vía của cô, luôn luôn tôi vẫn là tôi?
8. – Kỷ niệm của cô Katie King để lại cho chư nhu.
9. – Sứ mạng của cô là gì?
10. – Dụng ý của tôi.
1. CÔ KATIE KING LÀ NGƯỜI THẾ NÀO ?
Theo bài diễn văn của ông P. Laflèche đọc tại hội quán Thông Thiên Học Pháp, ngày Chúa Nhựt 29-12-1929, cô Katie King nói: Lúc sanh tiền cô ở Ấn Độ, tên thật là Annie Owen Morgan. Cô là người đàn bà Anh, hay là Ấn lai Anh? Chẳng rõ. Nhưng không hiểu ông G.L Brahy lấy tài liệu nào mà trong quyển «Lueurs sur l’Inconnaissable», trang 106, xuất bản tại Bruxelles (kinh đô Bỉ quốc), năm 1943, ông nói rằng cô Katie King là một người đàn bà Pháp sống hồi thế kỷ XVI.
Tuy nhiên, sự hiện hình chứng tỏ xác thân cô Annie Owen Morgan chết, chớ cô là linh hồn, vẫn sống như chúng ta.
2. CÔ KATIE KING Ở ĐÂU HIỆN RA ?
Cô ở cõi trung giới hiện ra, vì tất cả những hồn người chết đều phải qua cõi trung giới để gội rửa lòng phàm trong một thời gian từ vài phút, vài giờ cho tới cả chục năm, trăm năm, tùy theo sự tiến hóa về đường tinh thần của mỗi người.
Rồi đúng ngày giờ, lên cõi thiên đàng cũng ở một thời gian để đồng hóa những sự học hỏi và kinh nghiệm của mình. Xong rồi, trở xuống trần đầu thai lại một lần nữa để tiếp tục sự tiến hóa đã bỏ dở.
3. TẠI SAO CÔ KATIE KING HIỆN RA, CÒN NHỮNG NGƯỜI KHÁC KHÔNG HIỆN HỒN VỀ THĂM VỢ CON, GIA QUYẾN ?
Có lẽ quí bạn thắc mắc và tự hỏi: Tại sai cô Katie King lại hiện ra được? Còn những người khác sao không hiện hồn về để thăm vợ con, gia quyến?
Tôi xin kể hai lý do chánh sau đây:
Lý do thứ nhứt: Con người chết rồi, sự liên lạc về nhân quả gia đình đã chấm dứt. Khi qua cõi trung giới, có những thiên thần hoặc vị phò trợ vô hình đến chỉ bảo cách sanh hoạt tại cõi nầy. Nó khác hẳn đời sống hồng trần.
Người chết ở trong thể vía và dùng nó như ta dùng xác thân lúc còn sanh tiền.
Thể vía không cần dùng thực phẩm làm bằng vật chất trần gian, nên con người không biết đói, khát, mà cũng không ngủ. Cứ thức mãi, không biết mệt mỏi, không có triệu chứng già nua. Ở cõi trung giới không có ngày đêm, chất khí làm cõi nầy sáng rỡ như các vì sao [4]. Con người không cần hàng vải để may y phục, vì y phục do tư tưởng hóa ra. Không có nắng lửa, lạnh đồng như ở thế gian.
Con người muốn tới viếng chỗ nào, thấy tới chỗ đó liền, đi mau như chớp nháng.
Con người muốn học hỏi môn nào, có người sẵn sàng dạy. Những môn học đều đầy đủ hơn ở cõi trần nhiều lắm. Nhưng tiếc thay, trừ ra một số rất ít những người siêng năng lo mở mang trí thức, thì hầu hết những người còn lại, vì khỏi bận lòng lo làm lụng như lúc còn sống mới có đủ ăn, đủ mặc và cũng vì những sự vui ở trên cõi nầy gắp trăm lần hơn ở thế, nên hồn ma mới ham vui chơi, thong thả, hơn là học hỏi những điều mới mẻ, hữu ích cho sự tiến hóa sau nầy.
Tại cõi trung giới, hồn ma còn dùng tiếng mẹ đẻ, người Anh nói tiếng Anh, người Pháp nói tiếng Pháp, người Việt nói tiếng Việt và những người cùng một nước thường ở chung hay ở gần nhau.
Vì thế, lúc còn sanh tiền, biết nhiều thứ tiếng chừng nào, khi lên cõi trung giới giao thiệp dễ dàng với những người nước khác chừng nấy.
Nói tóm lại, người mới chết lên cõi trung giới thấy tư bề lạ hoắc. Dưới chân không có đất cát mà đi đứng được, không té. Phải học tập cho quen nếp sống ở cõi nầy.
Vì mấy lẽ trên đây mà người chết, ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt, không bao giờ muốn trở lại cõi trần mang xác phàm nặng trịu nầy, chịu muôn ngàn khổ não, không được tự do, nhẹ nhàng, thong thả, trái lại vẫn bị trói buộc đủ thứ lo âu, phiền muộn, đi đứng nhọc nhằn, đau ốm, bịnh hoạn.
Lý do thứ nhì: Còn lý do thứ nhì thuộc về huyền bí học.
Có ba cách hiện hình:
1. – Làm cho thể vía đặc lại. Thể vía giống hệt con người như lúc còn sanh tiền.
2. – Lấy bốn chất dĩ thái hồng trần làm một xác giả.
3. – Lấy chất dĩ thái trong thể phách của đồng cốt làm đặc lại thành hình người.
Ba cách nầy phải học với một vị thiên thần, hoặc một vị cao đồ của Chơn Sư, hay một nhà huyền bí học ở cõi trung giới (ở bên chánh đạo hay tà đạo).
Cô Katie King dùng trường hợp thứ ba.
Thế thì sự hiện hình đâu phải là một việc dễ dàng như ta tưởng. Nó thuộc về trường hợp đặc biệt, lâu lâu mới xảy ra một đôi lần.
4. TẠI SAO CÔ KATIE KING KHÔNG CHỊU ÁNH SÁNG ?
Thường muốn hiện hình, phải chờ đến lúc chiều tối, ban đêm hay lúc sớm mai mặt trời chưa mọc, vì hình giả không chịu nổi ánh sáng mặt trời hay ánh sáng của ngọn đèn. Nên biết ánh sáng là một cách rung động rất mạnh, làm cho hình giả mau tan rã.
Vì thế khi chư nhu đốt ba ngọn đèn khí đá lên, thân hình cô Katie King tiêu tan như một búp bế bằng sáp để trước lò lửa.
Nhưng lần lần cô học được phương pháp giữ thân hình được bền lâu hơn, không còn sợ ánh sáng nữa.
Hiểu được lý do trên đây mới biết tại sao ma chỉ hiện ra ban đêm hay trong bóng tối, chớ ban ngày đèn đuốc sáng trưng không thể thấy bóng dáng người chết.
Dù hồn ma học được phép hiện ra ban ngày đi nữa thì cũng nội trong một, hai giờ là lâu lắm, rồi biến mất liền.
5. CÔ KATIE KING KHÔNG GIẢI THÍCH
PHƯƠNG PHÁP HIỆN HÌNH
Khi bác sĩ Gully xin cô chỉ cho chư nhu biết cô dùng những lực gì để hiện hình, làm cho nó tan rã, cô trả lời:
«Không thể nói được », vì người học đạo không được phép tiết lộ phương pháp bí truyền.
Cô nói: «Không phải là điều khí, ấy là sức mạnh của ý chí. Ý chí là căn bản quyền năng của tôi ».
Đúng vậy. Khi hiện hình, phải dùng ý chí giữ cái hình không cho nó tan đi. Nếu lơi một phút đồng hồ, hình đó sẽ tan rã liền. Đừng tưởng hiện hình là việc dễ làm.
Bác sĩ Gully hỏi cô: «Sau khi cô biến mất rồi cô đi đâu?»
Cô trả lời: «Tôi nhập vô mình cô đồng để trả lại sanh lực mà tôi đã lấy của cô. Khi tôi mượn sức mạnh của cô đồng, cô đồng gần kiệt sức. Nếu lúc đó có một vị nào ôm ngang lưng cô đồng nâng lên, cô sẽ chết tức tốc ».
Đây là điều ông Volkmann đã lầm lỗi, suýt làm thiệt mạng cô đồng.
Trong câu trả lời của cô có hai điều phải giải:
Một là: Sanh lực là sức mạnh.
Hai là: Tại sao lúc đó ôm ngang lưng cô Katie King mà cô đồng suýt chết?
Cô Katie King không nói sau khi cô biến mất, cô trở về cõi trung giới.
Cô nói cô nhập vô mình cô đồng để trả lại sanh lực mà cô đã lấy của cô đồng.
SANH LỰC LÀ GÌ ?
Sanh lực là một thứ lực từ mặt trời tuôn xuống để nuôi dưỡng sự sống của các loài vật. Tiếng Phạn gọi sanh lực là Prana.
Ở cõi nào cũng có sanh khí hay sanh lực. Sanh lực lưu thông trong mình các loài vật, từ sắt đá, cây cỏ, cầm thú cho tới con người. Trong thực phẩm, thuốc men đều có sanh lực.
Ta không thấy sanh lực, nhưng có thể thấy những sanh khí cầu chứa đựng sanh lực.
SANH KHÍ CẦU (GLOBULES DE VITALITÉ)
Quí bạn hãy thí nghiệm điều nầy:
Bữa nào trời tốt, lối 9 hay 10 giờ sớm mai, quí bạn đứng day lưng về phía mặt trời mọc, nhìn lên trên không, sẽ thấy những đốm trắng nhỏ xíu xẹt lên, xẹt xuống, xẹt qua, xẹt lại rất mau, ấy là những sanh khí cầu.
SANH KHÍ CẦU VÔ TRONG MÌNH CÁCH NÀO ?
Luân xa của thể phách ở tại trái thăng (Chakra splénique) rút những sanh khí cầu vô mình để nuôi dưỡng thể phách và xác thân.
Sanh khí cầu cũng theo hơi thở vô mình nữa.
Về những luân xa thì rất khó, quí bạn muốn rõ thêm xin đọc những quyển sách Thông Thiên Học giải về thể phách và vía [5].
TẠI SAO ÔNG VOLKMANN ÔM NGANG MÌNH CÔ KATIE KING MÀ CÔ ĐỒNG SUÝT CHẾT ?
Thể phách và vía đều liên quan mật thiết với xác thân của con người.
Khi thể phách và vía xuất ra khỏi xác, đặc lại thành hình người, ta đánh thể phách hay vía chỗ nào thì trong thân mình con người có vết thương tại chỗ đó, vì ba thể: phách, vía, xác thân đều rung động đồng bộ với nhau. Hễ động tới một trong hai thể nầy thì truyền tới thể kia là xác thân.
Cô Katie King lấy phân nửa thể phách của cô đồng Cook làm cho đặc lại, rồi mới hiện ra có hình dạng được. Ta có thể nói:
Hồn là cô Katie King.
Còn xác là thể phách của cô Cook đặc lại.
Thể phách của cô đồng vẫn có sự liên lạc với thể xác của chính cô.
Vì vậy, khi ông Volkmann ôm chặt cô Katie King, tức là ôm chặt thể phách của cô đồng.
Vì thế cô đồng mới bị nghẹt thở.
Nếu người ta gỡ tay ông Volkmann không kịp, cô đồng Cook chết liền không phương cứu chữa. Chừng đó sẽ sanh ra vụ án mạng lớn lao và còn rắc rối thêm nữa.
6. TẠI SAO LÚC CÔ KATIE KING HIỆN RA
THÌ CÔ ĐỒNG COOK MẤT HẾT PHÂN NỬA SỨC NẶNG ?
Người ta cân cô đồng Cook khi cô Katie King hiện ra, thấy cô đồng Cook mất phân nửa sức nặng. Tại sao vậy?
Ấy tại cô Katie King đã mượn phân nửa thể phách của cô đồng Cook, sanh lực vô mình cô đồng Cook ít lắm, chất nước trong mình cô đồng Cook cũng mất đi rất nhiều.
Nếu cô Katie King không trả lại phân nửa thể phách cho cô đồng Cook, thì e cho cô đồng Cook không sống lâu.
Trong lúc cầu cơ người khuất mặt phải mượn thể phách của cánh tay đồng tử làm ra một bàn tay giả mới cầm cơ viết ra chữ được.
Hồn ma nào không trả lại đủ sanh lực cho cốt đồng thì thân mình cốt đồng thường bị lạnh. Nhiều cốt đồng phải uống rượu mới ấm. Uống rượu quá thì hư bộ thần kinh. Có khi còn xảy ra nhiều tai hại khác nữa, dù biết cũng không nên nói ra.
Tôi biết một người cốt đồng hiện giờ khùng khùng và ốm lắm, cả chục năm trước anh cho một hồn ma mượn xác, nhập vô xưng Cậu Hai. Ngày nay anh thành người bất lực. Thật là tội nghiệp.
Vậy chớ nên để cho người khuất mặt nhập vô mình trong khi ta chưa rõ họ thuộc về hạng người nào. Thường họ vẫn dối trá, xưng mình là Tiên Thánh để cho người ta tin họ.
7. TẠI SAO CÔ KATIE KING NÓI: ‘NHƯNG CÁC NGÀI NÊN HIỂU: TÔI KHÔNG PHẢI LÀ CÔ ĐỒNG, CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ THỂ VÍA CỦA CÔ, LUÔN LUÔN TÔI VẪN LÀ TÔI ?’
Cô Katie King nói như thế, vì người ta nghi ngờ cô đồng Cook giả mạo ra cô Katie King. Thể vía của người nào thì giống hệt xác thân của người đó. Nếu hình hiện ra là thể vía của cô đồng Cook, phải giống cô đồng Cook như khuôn đúc. Sự thật không phải thế, hai hình chụp chung thấy khác nhau rõ ràng.
Câu «Luôn luôn tôi vẫn là tôi» có nghĩa là: Tôi không phải là cô đồng Cook, cô đồng Cook không có lừa gạt mấy ông đâu. Lúc nào tôi cũng vẫn là Katie King.
8. KỶ NIỆM CỦA CÔ KATIE KING ĐỂ LẠI CHO CHƯ NHU
Kỷ niệm của cô Katie King để lại cho chư nhu là một mớ tóc, những mảnh khăn choàng và những mảnh áo của cô.
69 năm sau, một mớ tóc và một mảnh áo của cô còn y nguyên và để trưng bày trong tủ kiếng tại nhà sách thần linh học Leymarie, số 42 đường St Jacques tại Paris.
Ông G.L.Brahy có thuật chuyện nầy trong quyển «Lueurs sur l’Inconnaissable» của ông, trang 113, xuất bản tại Bruxelles (Bỉ), năm 1943.
69 năm mà mớ tóc và mảnh áo không mục nát, quyền năng nầy thật là phi thường. Đừng nói hồn ma, một nhà huyền bí học tầm thường cũng không làm nổi việc nầy nữa. Phải lấy bốn chất dĩ thái kết hợp lại rồi mới biến chúng nó thành ra tóc và khăn, áo. Nói thì nghe rất dễ, sự thật là việc cực kỳ khó khăn.
Không biết tới ngày nay tóc và mảnh áo đó còn hay không?
9. SỨ MẠNG CỦA CÔ LÀ GÌ ?
Khi cô đồng Cook năn nỉ cô Katie King ở lại, cô Katie King nói rằng: «Em ơi! Điều đó không thể nào được. Sứ mạng của chị tới đây đã chấm dứt. Cầu xin Thượng Đế phò trợ em ».
Đọc đoạn nầy ta thấy cô Katie King vâng mạng lịnh của một vị chắc chắn là Sư Phụ của cô trở lại cõi trần hiện hình ra trong một thời gian là ba năm thôi.
Đúng ngày giờ thì phải trở về cảnh cũ ở cõi trung giới. Cô có vẻ luyến tiếc hồng trần, song không dám cãi lời Sư Phụ, sau khi đã hoàn thành sứ mạng.
Sứ mạng của cô là gì?
Phải chăng sứ mạng đó là thức tỉnh các nhà bác học ở thế kỷ thứ 19 đừng lầm tưởng vật chất có quyền năng sanh hóa. Ngoài cõi trần nầy còn có nhiều cõi vô hình khác thâm nhập nó. Không phải cái chi không thấy, cân, đo, lường được, là không có thật.
Luật nhân quả, luân hồi ngày đêm không giờ phút nào mà không hành động, mặc dù người ta không thấy nó ra sao.
Vật chất là một lớp áo của tinh thần mặc để hiện ra tại cõi trần nầy, rất hữu ích cho con người trong một thời gian thôi, song phải biết cách sử dụng nó.
Xác thân không khác một con ngựa của con người cỡi để đi qua một khoảng đường đời.
Khi nó già yếu hay không còn dùng được nữa thì phải bỏ, lấy một con ngựa mới mạnh mẽ hơn để tiếp tục cuộc hành trình, cho đến khi nào đi tới mục đích đã nhắm.
Xác thân nầy không phải thật là con người. Sau khi nó tan rã rồi, con người vẫn sống, hoạt động, hiểu biết như trước; lúc còn sanh tiền họ như thế nào, bây giờ cũng như thế.
Sanh ra cõi trần, con người có bổn phận làm chủ vật chất, chớ không phải để cho vật chất sai khiến lại và làm nô lệ nó như nếp sống của con người ngày nay.
Nếu các nhà bác học sửa đổi thái độ hiểu biết của họ về phương diện vật chất và chú trọng đến tinh thần, sẽ có sự thay đổi lớn lao trong đời sống xã hội hiện thời. Cảnh thái bình sẽ lần lần hiện ra, vì nhân loại tin tưởng khoa học hơn đạo đức.
10. DỤNG Ý CỦA TÔI
Tôi vẫn biết quí bạn thích khoa học, nên đem chuyện hồn ma cô Katie King với nhà bác học William Crookes thuật lại cho quí bạn nghe.
Quí bạn thấy những vị dự vào cuộc chiêu hồn là những nhà bác học trứ danh thuở đó như quí ông: William Crookes, Warley, bác sĩ Gully, Sexton, Luxmoore, Tapp, W. Harrison, ông hoàng Sayn Wittgenstein, Akaskop. Có những sự thí nghiệm như: chụp hình, cặp tay, bắt mạch, nhúng 10 đầu ngón tay vào chất Anilline, v.v. . . Không ai nói sự hiện hình của hồn ma cô Katie King là chuyện bịa đặt, láo khoét. Ấy là chuyện có thật một trăm phần trăm.
Thấy như vậy quí bạn mới có thể tin rằng người chết không mất, họ vẫn sống, hoạt động, hiểu biết. Lúc còn sanh tiền họ thế nào, sau khi bỏ xác rồì họ cũng như thế. Họ chỉ mất xác thân phàm tục nầy.
Tôi xin nhấn mạnh chỗ linh hồn bất diệt và con người không phải là xác thân nầy để nhắc nhở quí bạn rằng:
Con người xuống trần để học hỏi cơ tiến hóa. Phải đi từ chỗ giả đến chỗ chân, từ chỗ tối tăm đến chỗ sáng suốt, từ cõi tử đến cõi trường sanh bất tử.
Quí bạn hiểu được quí bạn là linh hồn ở trong xác thân, thì những thói xa hoa phóng túng, kiêu sa dâm dật, không còn ám ảnh được quí bạn như trước nữa.
Quí bạn sẽ không còn chạy theo ảo ảnh, lo mở mang trí tuệ cho rộng sâu, trau giồi hạnh kiểm cho thật tốt, để học hỏi luật tiến hóa rồi đem áp dụng vào đời sống hằng ngày. Dù quí bạn chưa có thể trở nên những vị siêu phàm trong kiếp nầy được, quí bạn cũng vẫn sáng suốt trong việc xử thế và chọn đúng đường lối phải đi. Nếu kinh thành Paris hoa lệ không thể xây dựng một ngày một bữa mà xong, chúng ta đây cũng vậy, phải cố gắng tu hành nhiều kiếp mới mong trở nên trọn sáng, trọn lành.
Chính bước đầu tiên mới thật là quan trọng hơn hết. Quí bạn hãy suy nghĩ một chút thì thấy tất cả những sự đau khổ trên thế gian hiện thời đều do hai lý do chánh sau nầy mà ra.
Lý do thứ nhứt: Con người chưa tự biết mình và cũng không biết sanh ra cõi trần có những nhiệm vụ nào.
Lý do thứ nhì: Tánh ích kỷ chia rẽ. Chỉ biết có mình, gia đình mình mà không biết có người và gia đình người.
Vì vậy mới sanh ra những sự xâu xé, bốc lột, đánh đập, hà hiếp, chém giết lẫn nhau để tranh giành đất đai, vườn ruộng, thế lực, uy quyền để chung qui cũng nắm hai tay trắng mà xuống mồ; kiếp sau phải đầu thai lại để thanh toán những mối nợ nần đã gây ra.
Cho hay cõi đời là một bàn cờ lớn, các nước là những con cờ. Người sắp đặt nước cờ và cho những con cờ đi cho đúng phép là đức Thượng Đế, chớ không phải là con người.
Thử hỏi từ xưa đến nay có quốc gia dân tộc nào tồn tại và hùng cường trong suốt cả thời gian một muôn hay một triệu năm trên bản đồ thế giới chăng? Hay là luôn luôn có những sự thay đổi mới, dâu bể tang thương, hưng vong, suy thịnh nối tiếp nhau mãi chẳng dứt từ đời nầy qua đời kia, rồi lần lần tiến lên cho đến chỗ toàn thiện.
Vậy quí bạn hãy tự tỉnh sớm chừng nào tốt chừng nấy và xin nhắc lại một lần nữa là chúng ta còn nhiều kiếp lắm, kiếp nầy là kết quả kiếp trước, kiếp sau là kết quả kiếp nầy. Nếu kiếp nầy quí bạn không gieo trồng, kiếp sau có chi mà gặt hái.
(Trong đạo đức có nhiều đoạn phải lặp đi lặp lại, người chí nguyện mới nhớ để thực hành. Gặp những đoạn đó, xin quí bạn lượng thứ. Đa tạ.)
Lời dạy của Chơn Sư:
«Tại sao lại có tánh ích kỷ? Nếu có những điều có thể học, thấy được và cần ích cho tương lai của con người, tại sao không cho kẻ khác có dịp may như con?»
Chơn Sư M.
Đường dài sá quản chân kỳ ký,
Gió ngược đâu nao cánh hộc hồng.
[1]Thuở xưa, người ta dạy khoa học cao siêu trong các tu viện, đạo viện.
[2]Tôi lấy những tài liệu trong bài diễn văn nhan đề «Katie King et William Crookes» của ông P. Laflèche đọc tại Hội quán Hội Thông Thiên Học Pháp ngày Chúa Nhựt 29-12-1929 và đăng vào Thanh Liên Tạp Chí (Lotus bleu) số 1, tháng 3 năm 1930 và tái đăng cũng trong Thanh Liên Tạp Chí số 5, Juin – juillet 1970 và những đoạn nói về Katie King trong quyển «Lueurs sur l’Inconnaissable» của ông G, L. Brahy, xuất bản năm 1943 tại Bruxelles, kinh đô Bỉ quốc, rồi sắp đặt lại để viết bài nầy.
[3]Trong quyển «Lueurs sur l’Inconnaissable», trang 113, của ông G.L. Brahy, xuất bản tại Bruxelles (Bỉ quốc) năm 1943.