Trần Hoàng Phố |
Hốt nhiên, Ông xanh hay người ta còn gọi là một thứ Định mệnh bí ẩn, trớ trêu và cay nghiệt nào đó đột ngột đành đoạn ra tay nỡ bẻ gãy sự sống một con người tài hoa, đầy tâm huyết với cuộc đời và đất nước, một trong những người con ưu tú của xứ Huế: Họa sĩ Bửu Chỉ ở cái tuổi 54. Lúc mà tài năng của anh đang độ phát sáng, viên thành sung mãn hứa hẹn dự phóng cho một loạt các tác phẩm chín muồi vẻ đẹp lộng lẫy chạy đua với thời gian, hư không và vĩnh cửu.Hiến dâng trọn đời cho hội họa như một thứ nghiệp chướng và như một cách thế chọn lựa để tồn tại hiện hữu giữa cõi Đời, cũng là một cách thế để suy tưởng, phát biểu với nó bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt của đường nét, màu sắc, và cũng để có thể mưu sinh, sống độc lập, tự tại để bảo vệ quyền tự do sáng tác của mình trước các nhãn quan hẹp hòi về nghệ thuật. Đam mê và miệt mài mãnh liệt, sống chết để vẽ và vẽ trong cô đơn như một gã tù khổ sai đi tìm vẻ đẹp vĩnh hằng: Thế giới tranh của Bửu Chỉ (gần 300 bức như anh đã tổng kết với tôi, tháng Năm rồi) đa dạng và độc đáo, u ám và rực rỡ. Đôi khi yên bình và thanh thản như một lời kêu gọi bằng an, đôi khi kinh khủng như một cơn ác mộng, đôi khi lại có vẻ như giễu cợt về trò chơi lớn của cuộc đời (trong các tranh "Mặt nạ" và "Xiếc"). Đôi khi bị hút vào vực thẳm của những ám ảnh về thời gian qua mau và hủy diệt sự tồn tại của kiếp người. Đôi khi như một nỗi khát vọng đớn đau, bất lực. Đôi khi như một tiếng kêu thảng thốt về tấn bi kịch của con người: về nỗi buồn và quyền được hy vọng của nó.Tranh của anh đi tới tận cùng bản thể sâu thẳm của chính anh và đi tới nó cũng là chạm tới cái cội rễ uyên nguyên u uẩn của con người với thân phận kiếp người giữa vũ trụ vô hạn vô cùng và sự mong manh, phù du, hữu hạn của số phận chính nó.Mỗi bức tranh của anh, dù vẽ gì, bố cục ra sao, sử dụng gam màu gì cũng đều toát lên một ngụ ý đầy chất suy tưởng về một cảnh ngộ sống của thân phận người giữa cuộc thế (trong chiến tranh, bạo lực, nhỏ nhen, thù hận, nghi kỵ...) và giữa vũ trụ với những ám ảnh và khát vọng về sự sống và cái chết, hạnh phúc và khổ đau, hữu hạn và vô cùng.Chất thơ và chất triết lý hòa quyện thành một, nhuần nhuyễn trong tranh anh.Có thể nói mỗi bức tranh của anh là một bài thơ, dù nhỏ hay lớn cũng chất chứa các sắc màu của tâm trạng đầy bị kịch đớn đau của chính anh và kiếp người, nhưng cũng lại tràn đầy vẻ đẹp u hoài, mơ mộng, hy vọng.Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời sáng tác (10 năm cuối) anh vẽ bằng một thứ linh giác, một thứ huyễn tưởng tâm linh phóng vọt từ vô thức sâu thẳm của bản thể anh. Và vẽ như xuất thần, như được nhập cảm từ một cõi chiêm bao nào đó.Tranh của anh lúc này có vẻ như một bài thơ siêu thực, nhưng chính trong cách thế chọn lựa hình thức lạ lùng độc đáo đó để thể hiện, nó lại gợi biết bao nhiêu ý nghĩa chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời và phận người.***Bửu Chỉ thường nêu một thắc mắc với tôi về một nhận xét trực cảm lạ lùng của Trịnh Công Sơn: "Bửu Chỉ nằng nặng. Hình như là rất nặng nữa. Sự nặng nhẹ của cuộc đời này biết lấy một tình huống nào để đo lường đây." (Viết về Bửu Chỉ, SH số 159, tháng 5/2002).Tôi đã nói với anh rằng TCS viết trong lúc so sánh với cảm quan nghệ thuật của Văn Cao và của chính TCS. Thanh thoát và nhẹ nhàng phiêu bồng như không là chính Văn Cao, đi xiếc trên dây giữa nặng với đời và kiếp người và lãng đãng sương khói với cõi thiên thai vĩnh cửu là TCS. Còn anh, Bửu Chỉ, cảm quan nghệ thuật của anh rất nặng với tấn bi kịch phận người và cõi trần gian rợn bóng mênh mông này. BC hình như gật gù. Nhưng nói thế, cả ba đều nặng với kiếp nhân sinh, có điều là BC nặng hơn mà thôi.***Thế giới tranh Bửu Chỉ đẹp ở chính vẻ độc đáo của cách thể hiện các hình thể, hình tượng rất riêng mà chính anh chiêm nghiệm, khám phá ra. Anh có các "tứ" hình thể độc đáo: Một con ngựa đá trổ hoa, một hình người dang tay như tượng Chúa Giê su bị đóng đinh trong một quả trứng hay là trái đất giữa một màu xanh thẳm của vũ trụ mênh mông, chấm điểm bởi nhật nguyệt đỏ, vàng nhỏ nhoi. Một ám dụ về kiếp người giữa không gian và thời gian vô cùng tận. Đôi bàn tay vươn dài, xương xẩu che con mắt với một khuôn mặt kinh hoàng ló ra đàng sau: con mắt ngước nhìn cõi nhân gian thảng thốt của anh.Vẻ đẹp của tranh anh chính là vẻ đẹp "tạo hình". Các hình thể này được vẽ bằng những nét dứt khoát, chắc, rõ. Xem bức tranh "Con mắt nhân gian" của anh mới vẽ, hay các bức "Níu lấy thời gian", "Mong manh và bình yên", các bức tranh về nhạc sĩ TCS, bức về nhạc sĩ Phạm Duy... đều có thể khẳng định trực cảm đó.Các hình thể này gắn bó trọn vẹn và nổi bật nhờ cách sử dụng và phối màu rất riêng thuộc cá tính "nặng và nóng" của anh. Anh thường dùng các gam màu nóng trong thế tương phản, đối lập để làm nổi bật các hình thể và để thể hiện các sắc thái tâm trạng. Thành thử tranh anh có vẻ đẹp rực rỡ của cuộc truy hoan các sắc màu, qua đó, dựng nên hình tượng triết lý tranh. Tuy nhiên cái vẻ u hoài, đau đớn cứ toát ra qua trò chơi của ngôn ngữ sắc màu lộng lẫy đó. Bố cục của tranh anh thường rất chặt, hài hòa nhưng thoáng. Các hình thể được chạm khắc vào một không gian rộng hoặc cao. Anh có trực cảm nhạy bén về một trật tự kết cấu hài hòa theo kiểu anh.Xem anh vẽ tranh, khi có độ chênh vênh hoặc hụt hẫng nào đó về phối màu hoặc tương quan giữa hình thể và không gian tranh, anh thường nghĩ ngợi trăn trở để cho thêm một vệt màu, một hình ảnh nhỏ, thế là tất cả các yếu tố xộc xệch đó lại đi vào thế giới trật tự của cái đẹp - không thừa, không thêm được nữa.Phong cách anh có ưu thế sử dụng các mảng, khối, vệt màu nặng, dầy. Có lẽ kỹ thuật sử dụng màu này của Cézanne đã đi vào vô thức sáng tạo của anh từ thời trẻ. Do đó, tranh của anh không có vẻ đẹp lung linh bằng nghệ thuật "chấm điểm" (pointillisme) sử dụng gam xanh lơ chủ đạo của Hoàng Đăng Nhuận, hoặc vẻ đẹp mơ màng sương khói kiểu Chagall với các vết màu thoáng, mỏng, nhẹ và các hình thể thanh thoát, mờ ảo của tranh Đinh Cường, là những bạn họa sĩ thường cùng triển lãm với anh. Nhưng tranh anh có vẻ đẹp khác, vẻ đẹp rực rỡ của sắc màu và hình thể đập mạnh đầy chất suy tưởng triết lý, linh giác, ám tượng mà lại rất nên thơ.* * *Ám ảnh mãnh liệt và đau đớn trong tranh của anh, và cũng là linh cảm của anh trước phận số của chính mình là khuôn mặt khắc nghiệt và tàn bạo của thời gian đối với thân phận hữu hạn mong manh của kiếp người và kiếp nghệ sĩ: mà cái chết là dấu chấm hết to lớn, bí ẩn, uy nghi.Hình tượng chiếc đồng hồ nhiều dáng vẻ với các con số La Mã cứng cỏi đứng thì thầm kinh khủng của nó về cõi hư không về sự trôi chảy vô tình lấy đi, làm mất mát, tiêu hao sự sống, trở thành một mô típ chủ đạo trong một loạt các bức tranh anh.Cái góc quán cà phê Thiên Đường heo hút và trơ trọi bên cạnh giòng sông Hương thầm lặng chảy trôi, nơi anh hay ngồi trong các buổi sớm trầm tư cho một ý tưởng, một cách thể hiện ở các bức tranh, hay sôi nổi trò chuyện, tâm sự, tranh luận với bạn bè về cuộc sống, nghệ thuật và thời cuộc, giờ đã mãi mãi vĩnh biệt anh.Không gian vô cùng tận của vũ trụ, nơi nhật nguyệt mang mang soi tỏ, ở trong đó con người vừa nhỏ bé, vừa kỳ vĩ, nhỏ bé trong thân phận và kỳ vĩ trong khát vọng và suy tưởng muốn ôm choàng tất cả sự sống và nỗi đau - nỗi sầu muộn và niềm hy vọng kiếp nhân sinh, hóa thân thành sự đam mê sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật như là sự chống trả với bước đi tàn bạo của thời gian, giờ chính con người trong không gian đó là hình ảnh của chính anh trong chiếc nôi lớn của vũ trụ và cũng là nấm mồ cho một kiếp nghệ sĩ tài hoa.Chỉ còn sức sống và vẻ đẹp, buồn vui, và hy vọng trong những bức tranh đầy suy tưởng triết lý và linh giác của anh là còn sống mãi với thời gian.Âu đó cũng là cách thế tồn tại của người nghệ sĩ trong trò chơi lớn của cuộc đời mà có lẽ với độ lùi của thời gian sau cái chết của anh càng dài bao nhiêu thì người ta mới có thể đánh giá đầy đủ hơn vóc dáng kỳ vĩ của một kiếp nghệ sĩ tài hoa.Trần Hoàng Phố
(Viết trong những ngày tang BC)
Huế, 17/12/2002