người mới trăm năm Lê Minh Hà |
Trưa ấy,Hà Nội,phố Mã Mây.Tôi đi lang thang trong phòng tranh Bửu Chỉ. Tôi, một cô giáo vừa rời đại học. Lũ học trò kém cô bảy tám tuổi túm tụm bên ngoài phòng tranh, dưới nắng thì thầm những chuyện gỉ chuyện gì của tuổi mười bảy mười tám, cái tuổi mà tôi vừa xa đi. Nhưng luôn có cảm giác là xa, xa lắm.Hà Nội trưa ấy vẫn thỉnh thoảng ran lên mệt mỏi một tiếng ve dài. Nhưng phố đã chơm chớm những ngón chân thu nắng.Hà Nội nhọc nhằn và dịu dàng.Thư của bạn bè Bửu Chỉ bay mười phương. Những dòng buồn. Bàng hoàng.Bửu Chỉ trăm năm ở tuổi năm tư.Vậy là khi đó Bửu Chỉ mới ba chín. Tôi bây giờ.Nhưng lúc đó tôi gọi Bửu Chỉ là chú. Không phải vì thói đỏng đảnh hay rụt rè của một tuổi con gái. Cũng không phải vì Bửu Chỉ nổi tiếng và gọi chú là để phân cấp tiếng tăm.Tôi có cảm giác nhỏ bé, qúa đỗi nhỏ bé, buồn vì nhỏ bé đến thế trước người đàn ông nhỏ bé đó.Mà nắng ngoài kia thì mênh mang, không lời.Có cái duyên gì không mà khi đó giữa bao nhiêu người Hà Nội đang im lặng di chuyển giữa phòng tranh Bửu Chỉ lại dừng bước bên tôi. Và chúng tôi đã nói bao nhiêu là chuyện. Cái giọng Huế bình thản về những ngày Thừa Phủ của Bửu Chỉ giữa trưa Hà Nội ấn tượng đến bây giờ, nơi này, đang lạnh và buồn như đâm như cắt. Và những ấp iu trong một cánh diều Bửu Chỉ thả lên bầu trời khố tải. Và tình yêu bụng tròn giống loài. Rực mà đạm, mà bền trên nền nâu nghèo cực.Bạn thân Bửu Chỉ, anh Đặng Tiến hôm qua hỏi tôi từ Paris: Bao tải thật ấy à? Vâng anh ạ. Bao tải thật. Khố tải, đúng chữ của Nguyễn Tuân. Những ngày Hà Nội thiếu, khắp nơi thiếu. Những ngày mà cửa hàng gạo thông báo gạo về, bán cữ, bán cữ thôi. Những ngày mà, nếu có tin ấy, thì dù có đam mê đến mấy, ý thức trách nhiệm cao đến mấy cũng phải xung phong đi xếp hàng mua gạo nếu người nhà công việc thúc bách hơn mình. Những sợi đay nâu, thô, xen vài ba sợi trắng nhờ và tự dưng dù khác thế lại gợi nhớ điệp Đông Hồ. Bửu Chỉ và Hoàng Đăng Nhuận đã nhấn vào cái nền dân tộc một thời ấy bao nhiêu đam mê và táo bạo. Vành trăng non mấp máy, cái gạt tàn im hơi Hoàng Đăng Nhuận. Bàn tay vươn trong lao Thừa Phủ, cánh diều mang khát vọng trẻ thơ bay, những bụng tròn ấp ủ chuẩn bị hoài thai tình yêu Bửu Chỉ. Và phòng tranh: trụ sở của Hội Văn học nghệ thuật Hà nội, âm âm nắng sáng bên ngoài, khẽ khàng những tiếng chân đi.Hà Nội thiếu mà vẫn đủ.Bửu Chỉ chấp nhận hết sức thoải mái cái cách xưng hô có lẽ là kì quặc nếu ở miền trong của tôi. Tôi di động theo Bửu Chỉ. Vũ điệu chậm của một câu chuyện nhiều khoảng ngừng, xen Trịnh Công Sơn. Bửu Chỉ kể tôi nghe đã vẽ thế nào giữa khám Chí Hòa, đã hát nỗi tuyệt vọng và khao khát của bạn mình thế nào trên những ngày tháng đó. Không một lời về những gian nan để từ đó đột hiện cái ý tưởng biến khố tải thành toan. Tôi biết vì sao tôi thấy mình bé nhỏ trước Bửu Chỉ. Dù một tuổi thơ không dễ dàng, dù một đời sinh viên vất vả, dù những cọ xát bất lực với đời thường cực nhọc, tôi, chúng tôi, đến tuổi ấy rồi vẫn chưa bao giờ tự quyết cuộc đời mình, chưa bao giờ thật sống, chưa bao giờ dấn mình cho những quyết định dứt khoát và quyết liệt. Nhưng khao khát vẫn ngời lên giữa những ngày đang sống mờ mờ nhạt nhạt. Như cánh diều Bửu Chỉ vẩy vào trời.Khi ấy, Bửu Chỉ bằng tuổi tôi bây giờ. Nhưng cô gái ngoài hai mươi là tôi lúc đó sững sờ vì những ngày tháng đã qua của Bửu Chỉ, vì những trăn trở có tên của anh khác với chúng tôi biết bao nhiêu, vì những khao khát của anh cũng khác với chúng tôi bao nhiêu. Liệu có ai không một lần khao khát trong đời? Liệu có mấy ai không để cho khao khát của mình sống chết mặc xác? Chưa nói gì đến sự làm thăng hoa được những khát khao riêng.Những khoảng ngừng trong câu chuyện của Bửu Chỉ là những khoảng hiện Trịnh Công Sơn. ít nhất là khi ấy tôi chưa từng nghe ai hát Trịnh Công Sơn như thế. Giọng Huế, nhỏ, thỉnh thoảng mất hút đâu giữa chừng câu chuyện. Với tôi, Trịnh Công Sơn là những ngày tháng đó, là Khánh Ly nghe đi nghe lại bao lần, là Bửu Chỉ một lần không bao giờ gặp lại. Tôi có một Hà Nội để yêu, Trịnh Công Sơn và Bửu Chỉ là một phần của Hà Nội ấy.Bửu Chỉ nói tôi ghi cảm tưởng. Tôi đã từ chối và đã hứa về viết thư kể cảm tưởng của tôi sau khi rời phòng tranh, và sẽ gửi qua nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm mà Bửu Chỉ bảo là cháu gọi bằng cậu. Tôi đã thất hứa.Thay vào thư là một bài viết dài, một bài thơ. Không bao giờ tôi gửi. Bảo thảo vẫn nằm đâu đó trong bao nhiêu giấy tờ sách vở tôi để lại. ' Tranh khố tải lung linh màu sắc - Bụng tròn giống loài - Trăn trở đất và nước - Tình yêu hoài thai...' Tại sao tôi không gửi? Vâng, có lẽ vẫn là vì như thế. Vì cảm giác mình không thể hiểu hết được anh. Mà nghệ thuật cần biết bao sự tri âm. '...Hoạ sĩ lang thang trong phòng tranh - Tôi không biết anh bằng bước chậm của đời mình - Đã qua bao tình yêu và nỗi khổ.'Và cũng lại còn một ngần ngại: Liệu anh có nhớ một trưa HàNội ấy, liệu anh có nhớ một người con gái Hà Nội còn rất trẻ mà đã ngạc nhiên thấy mình thôi không còn hăm hở, nên đã kinh ngạc dừng chân trước những cánh diều anh, đã nghe anh thầm thì nhạc Trịnh. Đã nghe tiếng anh cười rất nhẹ về những ngày tù ngục. Bao nhiêu đổi thay từ bấy đến giờ. Nhà tôi không còn ở nơi cũ. Bao nhiêu trang viết không bao giờ gửi của tôi ngày ấy liệu có còn sau những mùa mưa phùn ẩm ướt? Mà thôi. Giấy sẽ mục. Chữ sẽ mòn. Sống trên đời cần có một thôi. Tấm lòng. Cho gió cuốn.Chú Bửu Chỉ! Bây giờ chúng cháu xin gọi chú là anh.19.12.2002
Limburg (Đức)
Lê Minh Hà