Buổi sáng cuối cùng của một trung đội TNXP
Vào một buổi sáng của hơn 30 năm trước, một trận chiến không cân sức đã nổ ra giữa một trung đội thanh niên xung phong (TNXP) và một tiểu đoàn quân Pol Pot. 24 TNXP ngã xuống, viết nên một trong những chiến tích bi tráng nhất của TNXP trên chiến trường biên giới Tây Nam.
... Họ chỉ vừa chuyển đến chốt mới ở phía nam phum Ô Đô Menchay (tỉnh Soài Riêng) một ngày, với nhiệm vụ là chống lầy cho con đường đất để xe bộ đội luôn thông tuyến. Và ngay trong đêm đầu tiên, vào khoảng 4g ngày 22-7-1978, khi cả trung đội 3 đang ngủ thì quân Pol Pot tấn công.
Anh Nguyễn Văn Tuấn bên cánh đồng mà hơn 30 năm trước đã diễn ra trận đánh đẫm máu
Ban mai đẫm máu
26 TNXP, trong đó có tám nữ ở trong một chiếc lán trơ trọi trên cánh đồng hoang vu với chỉ vài khẩu súng tự vệ, còn lại là cuốc, xẻng, dao, trở nên quá bé nhỏ trước một tiểu đoàn quân Pol Pot. Một vài người đã thức dậy chuẩn bị tập thể dục. Anh Nguyễn Văn Đủ là người đầu tiên phát hiện địch tấn công. Anh kêu to: “Mấy đồng chí nữ ơi, chạy xuống hầm đi”. Và anh cũng là người đầu tiên bị địch bắn chết. Cảnh tượng thật kinh hoàng khi trên cánh đồng hiện ra một lũ người mình trần, mặc xà rông, đầu chít khăn, lăm lăm súng và gào lên bằng tiếng Campuchia: “Chặt đầu! Chặt đầu chúng!”.
Trấn tĩnh lại sau giây lát bất ngờ, những khẩu súng của TNXP bắt đầu đáp trả yếu ớt để yểm trợ những đồng đội không có vũ khí chạy xuống hầm tránh đạn. Hơn 100 tên địch xông đến từ tứ phía, bao vây chiếc chòi lá trống huơ trống hoác mới được cất lên ngày hôm qua. Khi các cô gái vừa trườn được xuống hầm thì những tiếng súng đáp trả của TNXP cũng dần thưa thớt vì đạn không còn nữa.
Nhiều người đã hi sinh. Máu đổ nhuộm đỏ tươi mấy tấm ván mà trước đó chỉ ít phút họ vẫn còn yên giấc ngủ. Anh Ngô Đức Minh - người canh giữ kho gạo của trung đội ở cách đó mấy mét - đã chết cháy khi bị địch phóng lửa. Nhưng man rợ nhất là khi quân Khơme Đỏ xông vào lán lôi những người còn sống sót ra ngoài. Những nữ TNXP bị chúng xé hết quần áo, bị tra tấn, bị hãm hiếp. Và rồi trên cánh đồng hoang ngập nước ấy, chúng lôi các chiến sĩ TNXP xếp thành một hàng và thảm sát họ...
Đến 7g sáng hôm đó các chiến sĩ của Sư đoàn 7 quân tình nguyện VN đóng ở Ô Đô Menchay đã tấn công và tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn Pol Pot này. Khi đến được nơi đóng quân của trung đội 3 TNXP, những hình ảnh bày ra trước mắt khiến các anh bộ đội không cầm lòng nổi.
Trung tướng Đào Văn Lợi - nguyên sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 lúc ấy còn là một đại úy - nhớ lại: “Cảnh tượng thật hết sức thương tâm. Thật khó hình dung một trận chiến không cân sức như thế khi hơn 20 người không có vũ khí đầy đủ đương đầu với cả một tiểu đoàn Pol Pot. Nhờ sự cầm cự chiến đấu của họ mà sở chỉ huy Sư đoàn 7 đã không bị địch đánh bất ngờ và điều động được lực lượng bao vây tiêu diệt chúng”.
Chị Nguyễn Thị Lý |
Người sống sót
Cho đến bây giờ, hai chiến sĩ TNXP Nguyễn Thị Lý và Nguyễn Văn Tuấn của trung đội 3 vẫn không thể nào tin được mình sống sót qua buổi sáng tàn khốc ấy, để hôm nay họ là chứng nhân lịch sử kể lại câu chuyện về chính những người đồng đội của mình. Anh Nguyễn Văn Tuấn kể: “Khi địch bắn những loạt đạn đầu tiên thì tôi bị thương ngay bàn chân trái, máu chảy xối xả. Một người trong trung đội trúng đạn ngã xuống đè lên người tôi. Trời tối om nên tôi không nhìn rõ mặt anh nào.
Lúc ấy tôi bị kẹt lại giữa mấy tấm ván sàn, nằm úp mặt xuống đất. Khi quân Pol Pot xông vào lán để lôi những người còn sống ra ngoài, chúng đạp lên người tôi và tưởng tôi đã chết. Chúng còn lia thêm mấy phát đạn nhưng thật may mắn không phát nào trúng tôi. Mấy giờ sau, khi nghe thấy những giọng nói bằng tiếng Việt, tôi vẫn nằm im vì nghĩ có thể quân Pol Pot lừa mình. Cho đến khi biết chắc là bộ đội VN tôi mới thật sự nghĩ mình được cứu thoát”.
Còn chị Lý sau khi bị địch hành hạ man rợ, chị lả đi, mắt chỉ còn thấy mờ mờ vì bị địch dùng dây điện quất vào mặt nhiều lần. Hai tay bị trói sau lưng, chị Lý với các chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, Vũ Thị Ngọc Mai và hai anh TNXP nữa bị quân Pol Pot kéo lê lại một chỗ trên cánh đồng. Cả năm người bị chúng bắt quỳ thành một hàng trên ruộng nước sâu đến đầu gối. Chúng nói xì xồ câu gì đó và giơ súng lên.
“Lúc đó không hiểu sao tôi nghĩ là mình phải sống - chị Lý kể - Khi tụi nó giơ súng lên và bắn phát đầu tiên, tôi liền bật ngửa ra sau. Té xuống rồi, tôi phải uống nước dữ lắm. Máu me đầy người nên tụi nó tưởng tôi đã chết. Rồi cứ thế tôi nằm, đầu hếch lên để nước khỏi vào mũi. Cứ thế rất lâu, mặt trời lên chói chang. Tôi lịm đi. Rồi tôi nghe tiếng gió thổi, tiếng chim kêu. Mở mắt ra mới biết hình như đã buổi chiều. Rồi tôi nghe thấy giọng người miền Bắc: Các đồng chí ơi, có năm TNXP nằm đây. Rồi các anh bộ đội ẵm tôi lên, bỏ vào võng tải về cứ. Rồi sáng hôm sau đưa tôi về VN”.
Hài cốt của 24 liệt sĩ này hiện nằm tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Còn chị Nguyễn Thị Lý và anh Nguyễn Văn Tuấn là thương binh, đang sống tại TP.HCM. Thành đoàn, Lực lượng TNXP TP.HCM đang xây dựng bia tưởng niệm 24 liệt sĩ tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu, Tây Ninh (ảnh). |
Cuộc chiến của một thế hệ
Những đồng đội của anh Tuấn và chị Lý đã hi sinh khi còn quá trẻ. Cả hai chị Ngọc Mai đều 19 tuổi, anh Lý Anh Dũng mới 17 tuổi. 23 người trong số ấy đều là dân TP.HCM, riêng chị Nguyễn Thị Em hiện giờ vẫn chưa rõ thân nhân là ai, quê ở đâu. Họ đã ngã xuống trong một ban mai đẫm máu, để có được mặt trời bình yên mọc lên cho Tổ quốc.
Các anh chị đều vào TNXP những năm 1976, 1977. Có những người như anh Bùi Văn Hoàng, anh Lý Anh Dũng, anh Nguyễn Đức Huy... trở thành TNXP vào đúng ngày 26-3-1977, ngày kỷ niệm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Sau một thời gian đi khai hoang, đào kênh, cùng xây công trình thủy lợi Trần Quang Cơ, tuyến kênh lửa Tam Tân..., họ lên đường ra biên giới ngày 14-6-1978 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
“Họ là những người chiến sĩ thực thụ - trung tướng Đào Văn Lợi xúc động nói - Bộ đội và TNXP luôn là đồng đội, đồng chí. Chính sự hi sinh cao cả của họ đã thôi thúc bộ đội thêm vững niềm tin chiến đấu”.
Gương mặt của chị Lý, anh Tuấn bừng lên khi nhớ lại lúc xung phong ra chiến trường: “Chúng tôi không thể nào quên lúc còn ở Nông trường Lê Minh Xuân. Khi một chính trị viên đến kể chuyện về chiến trường cho các TNXP nghe, anh không hề giấu giếm những hi sinh gian khổ. Chúng tôi được biết cuộc chiến đấu ở biên giới Tây Nam bấy giờ giống như một chảo lửa, ra đấy cũng như là nhảy vào chảo lửa vậy. Thế nhưng khi người chính trị viên đề nghị ai xung phong ra chiến trường thì đứng sang một bên, tất cả TNXP chúng tôi đều không ai bảo ai cùng đứng về một phía, đồng lòng ra trận”.
VŨ THANH BÌNH