- Thiên Cẩu (Giả Bình Ao):
Thiên Cẩu là một nông dân khoẻ mạnh chân chất, hiền lành và có ý chí cầu tiến. Tuy phần nào còn thiếu hiểu biết nhưng anh đã sống và lao động bằng cả sự nhiệt huyết, bằng cả trái tim chân thành, chí tình chí nghĩa. Cái tên Thiên Cẩu cũng gắn với quá khứ phần nào lạ lùng của anh. Ba mươi sáu năm về trước, một người đàn ông ở thành này phải đi trốn bắt phu. Đúng vào đêm 12 tháng 9 – đêm nguyệt thực “thiên cẩu nuốt trăng”, những người đàn bà trong thành theo tập tục đem gậy cán mì ra sông khuấy nước, ca hát cho mãi đến khi trăng sáng lại để phá bỏ điềm gở là nếu “thiên cẩu nuốt trăng” thì những người xa quê sẽ gặp điều bất hạnh. Vợ người trốn phu cũng ra theo nhưng vừa đến bờ sông thì đau bụng dữ dội, đẻ đứa trẻ ngay trên bãi cát. Đứa trẻ ấy là Thiên Cẩu bây giờ.
Lớn lên một chút anh mồ côi cả cha lẫn mẹ nên phải tự mình làm lụng nuôi thân. Anh làm đủ mọi việc mà người ta cần một cách rất chăm chỉ và siêng năng lại tốt bụng giúp đỡ mọi người nên ai cũng quí mến. Trong thành lúc bấy giờ có bác thợ đào giếng tên Lý Chính nổi tiếng thạo nghề nhưng cũng là người khó tính và keo kiệt vào bậc nhất. Ông ăn nên làm ra từ nghề gia truyền của mình và không chịu nhận ai làm học trò cả. Kén cá chọn canh mãi Lý Chính mới chọn Thiên Cẩu học việc với mình. Thiên Cẩu một lòng theo thầy làm ăn, anh luôn là người phải gánh phần công việc nặng nhất trong khi Lý Chính thì nhẩn nha hưởng thụ, nhưng anh tuyệt nhiên không có một lời than vãn mà vẫn siêng năng làm việc. Thấy Thiên Cẩu ngày càng thạo việc, Lý Chính lo sợ anh sẽ giành đất làm ăn của mình nên đuổi Thiên Cẩu không cho anh theo học nữa. Thiên Cẩu buồn lắm nhưng vẫn ra đi tìm kế khác sinh nhai.
Trái ngược với Lý Chính, vợ ông là một người vừa đẹp người lại đẹp nết, phúc hậu và đoan trang. Vợ Lý Chính rất mến tình tình của Thiên Cẩu nên đối xử với anh rất tốt, bà là người đã đem lại cho Thiên Cẩu tình thương ấm áp trìu mến mà từ sau khi cha mẹ qua đời anh chưa từng được cảm nhận. Thiên Cẩu coi bà như nữ Bồ Tát trong lòng của mình, hết lòng giúp đỡ bà và gia đình không nệ chi gian lao. Con của Lý Chính là Ngũ Hưng rất nghịch ngợm nhưng cũng rất quí chú Thiên Cẩu vui tính của mình.
Thiên Cẩu nghe theo lời khuyên của vợ thầy ra thành phố tìm việc làm ăn. Trải qua bao gian khó, thử thách nơi phố thị anh đã tìm được cách kiếm tiền kha khá: đó là bán búi rửa chén làm từ rễ cỏ hoàng mạch. Giờ đây, cuộc sống của Thiên Cẩu có phần thoải mái hơn nhưng anh vẫn tất bật với công việc. Anh vẫn không quên ơn nghĩa của người thầy Lý Chính, nên rảnh cứ ba, bốn ngày là lại qua nhà thầy thăm hỏi và giúp đỡ khi cần thiết. Lý Chính giờ đây thấy Thiên Cẩu khá giả nên cũng tay bắt mặt mừng.
Nhưng càng ngày, Lý Chính càng tỏ ra là một người độc đoán và keo kiệt. Ông bắt Ngũ Hưng phải nghỉ học làm việc giúp đỡ gia đình, vợ ông lên tiếng khuyên can thì bị ông mắng chửi đủ điều. Vì vậy, vợ Lý Chình tìm đến Thiên Cẩu nhờ anh khuyên giúp thầy nhưng chẳng ăn thua gì. Thiên Cẩu tuy buồn nhưng vẫn lặng lẽ giúp gia đình thầy khi thầy nhờ vả và luôn lo lắng, an ủi mẹ con Ngũ Hưng. Một hôm, khi đang cắt cỏ hoàng mạch trên sườn núi, Thiên Cẩu thấy vợ Lý Chính chạy lên báo tin dữ: Khi Lý Chính đang đào giếng thì giếng sập, Lý Chính bị đá đè lên người hiện giờ đang nguy cấp. Thiên Cẩu chạy như bay về thành. Anh nhảy xuống giếng ra sức cứu thầy, khó khăn lắm mới lôi thầy lên được, toàn thân thầy đầy máu. Qua mấy ngày đêm cấp cứu, tuy cứu sống được nhưng thầy anh đã bị liệt nửa người từ thắt lưng trở xuống và từ đó trở thành người tàn phế phải nằm liệt trên giường. Gia đình Lý Chính từ đó suy sụp và lụn bại. Vợ Lý Chính phải làm việc và lo toan cho chồng và cho cả gia đình đến hao mòn cả thân xác, suy sụp về tinh thần. Thiên Cẩu thì trước sau vẫn một lòng dốc tiền dốc sức hi sinh cả hạnh phúc của mình để lo cho gia đình thầy. Vợ thầy hết lời cảm kích và biết ơn nhưng vẫn khuyên anh đừng chỉ lo cho gia đình bà mà hi sinh hạnh phúc của chính mình. Thiên Cẩu không nghe một mực đòi giúp đỡ chu toàn cho thầy và gia đình. Anh bỏ ra về sau khi đã nói rõ lòng mình. Vợ thầy nước mắt lưng tròng nhìn theo.
Về phần Lý Chính, từ khi bị tai nạn tính tình ông thay đổi hẳn, khi nằm liệt trên giường, ông cảm thấy không có gì quan trọng cả ngoài những người thân yêu đang quan tâm hết lòng cho mình nên đã hiền hậu, độ lượng hơn trước rất nhiều. Lý Chính cùng vợ rất biết ơn Thiên Cẩu và rất xúc động trước tấm chân tình và sự chí tình chí nghĩa của anh. Hai người nói chuyện rất lâu sau khi Thiên Cẩu ra về, họ khóc rất nhiều và cuối cùng trong nước mắt người chồng ấy đã nói với vợ ý định của mình “tìm chồng để nuôi chồng”, người vợ sợ hãi nghe lời chồng nói và đau đớn vô ngần, bà chồm tới ôm chồng và cả hai người lại chìm ngập trong nước mắt.
Hôm sau, Lý Chính đem tâm sự của vợ chồng mình nói rõ với Thiên Cẩu khi vợ đã đi lên núi cắt cỏ. Thiên Cẩu nghe xong không nén khỏi đau và thầm nghĩ mà thương thầy, đưa ra một quyết định như thế không biết lòng thầy đã chảy bao nhiêu máu. Anh kiên quyết lắc đầu. Tuy sâu thẳm trong lòng, Thiên Cẩu đã yêu vợ thầy từ lâu, đó là một vị Bồ Tát thánh thiện nhân từ, nhưng đối với anh đó là một tình yêu trong sáng mang màu sắc tôn thờ, anh yêu ngây ngất nhưng biết chừng mực không bao giờ vượt qua khuôn phép. Anh tưởng sẽ chôn chặt tình cảm đó trong lòng nhưng giờ anh lại đang phải đấu tranh với chính mình. Anh đi lang thang và suy nghĩ dằn dặt, cho dù anh chết cũng không sao nhưng không thể lấy vợ của thầy được. Anh nghĩ và ghê tởm cho chính bản thân mình …
Vợ chồng Lý Chính giờ đã quyết tâm không gây phiền phức lo toan cho Thiên Cẩu nữa nên đã tự làm lụng nuôi thân. Nhưng Thiên Cẩu nhìn mà ứa nước mắt: vợ thầy thì đổ bệnh, Ngũ Hưng thì còn bé phải ra đời bươn chải. Anh đau đớn và sau một đêm suy nghĩ thật nhiều, anh đã đồng ý làm theo lời thầy. Họ làm một buổi tiệc nhỏ chiêu đãi và làm giấy tờ chính thức thành vợ chồng. Gia đình họ giờ đây có bốn người: hai người chồng, một người vợ và một đứa con nhỏ. Cuộc sống bắt đầu một cách ngượng ngùng nhưng bốn người họ yêu thương và hi sinh cho nhau bằng cả tấm lòng. Cả gia đình ngày một khá lên khi tình cờ họ phát hiện ra nghề nuôi và nhân giống bò cạp. Nhờ chăm chỉ và chịu khó nên cuộc sống gia đình họ rất sung túc và nổi tiếng trong làng. Nhưng Thiên Cẩu dù là bây giờ mang chức danh mới thì anh đã luôn tự đưa mình vào một khuôn phép, không tùy tiện và khi làm hết công việc trong nhà anh lặng lẽ đi ra ngoài và ngủ trong một cái lều quạnh quẽ – đó như một cách anh tự trừng phạt bản thân mình. Người đàn bà rất buồn đôi lúc quay quắt mong mỏi khát khao nhưng nói thế nào Thiên Cẩu cũng vẫn lạnh lùng như thế nên bà cũng đành chấp nhận xót đau. Người chồng bại liệt đã chứng kiến tình cảnh lẻ loi của ba người từ đầu đến cuối, bác cũng đau khổ vật vã khi thấy mình là gánh nặng cho gia đình, là chướng ngại cản trở đôi bạn tình không thể đến với nhau. Thế là trong một đêm giá lạnh, bác thợ bại liệt ấy đã lợi dụng sợi dây buộc vào ang bò cạp để treo cổ tự sát. Một cái chết đáng thương của một con người đáng quí. Gia đình có bốn người, bác thợ đã dành đường cho Thiên Cẩu, giao nghề cho Thiên Cẩu, giao nhà cho Thiên Cẩu. Bác đã tìm cách mở nút cho tất cả tấn bi kịch tình cảm của cả ba con người. Thiên Cẩu đau lòng than khóc như chết lịm đi, anh khóc như chưa từng được khóc, lòng thì vô cùng ăn năn. Những người trong thành vô cùng xúc động. Gia đình anh luôn tưởng nhớ về người quá cố và luôn cố gắng xây dựng gia đình ngày càng hạnh phúc. Họ phát triển nghề nuôi bọ cạp rộng khắp cho mọi người trong thành để những người dân cũng cải thiện đời sống của mình, làm cho cái thành đẹp mà không giàu này trở thành giàu và đẹp…