PHAN NGỌC NGƯỜI ĐI TÌM NỘI DUNG CỦA HÌNH THỨC VĂN HỌC – TRẦN ĐÌNH SỬ
Tác giả: Trần Đình Sử Chủ nhật, 31 Tháng 1 2010 15:40
Phan Ngọc là nhà nghiên cứu, phê bình thuộc lớp đàn anh chúng tôi, sinh năm 1925. Ông bắt đầu nghiên cứu văn học từ cuối những năm 50 đầu những năm 60 của thế kỉ trước, nhưng vì hoàn cảnh lịch sử, nên ông chưa có dịp công bố tác phẩm của mình. Mãi đến đầu những năm 80, trong không khí ngày càng cởi mở về tư tưởng và văn nghệ của đất nước, ông mới dần dần cho ra mắt bạn đọc nhiều công trình khoa học, trong đó có cuốn Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”(1985), gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng bạn đọc. Tiếp sau đó , ông cho xuất bản nhiều công trình khác, thể hiện một cách tiếp cận văn học mới mẽ, độc đáo, trở thành một hiện tượng không thể bỏ qua trong phê bình văn học thời kí Đổi mới.
Là một nhà nghiên cứu bắt đầu từ ngôn ngữ học, đề tài nghiên cứu, phê bình văn học của Phan Ngọc thường là các thể loại văn học như câu đố, thể song thất lục bát, cấu trúc của thơ Đường, phong cách thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm, phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, phong cách báo chí Nguyễn ái Quốc, cách tư duy của Nguyễn Trãi…Có thể nói đối tượng nghiên cứu chủ yếu của Phan Ngọc là các phương diện của hình thức nghệ thuật. Đó là một đối tượng trước đó gần như bị coi là cấm kị, bởi nó rất dễ đem lại cho người nghiên cứu tội “hình thức chủ nghĩa”. Phương pháp nghiên cứu của ông lại càng bị cấm kị hơn, bởi đó là phương pháp cấu trúc, được coi là “thù địch” với chủ nghĩa duy vật biện chứng, một phương pháp mà theo nhận thức chung hồi đó là chỉ biết đồng đại, không biết lịch sử; chỉ biết hình thức, không biết nội dung! Cơ sở của các cấm kị đó là lối tư duy nhị phân rất thịnh hành. May thay đến những năm 80 lối tư duy ấy đã dần dần bị vượt qua, và chủ nghĩa cấu trúc được thừa nhận như là một phương pháp khoa học nghiêm chỉnh.
Cái gọi là “thao tác luận” của ông Phan Ngọc, theo tôi, chỉ là cách nói kị huý của phương pháp cấu trúc mà thôi. Có lẽ từ đây, mọi người nên gọi Phan Ngọc là nhà cấu trúc luận văn học.
Thật vậy, trong các công trình của mình Phan Ngọc đều xem các thể loại, các hình thức, các phong cách như là những ngôn ngữ. Theo F. Saussure, ngôn ngữ là một hệ thống của những khu biệt, cơ sở của ý nghĩa là khu biệt, cho nên thao tác hàng đầu của Phan Ngọc là đi tìm khu biệt, tìm các kiểu lựa chọn, tìm kiểu đối lập, tìm quan hệ, từ khu biệt, quan hệ mà tìm ra ý nghĩa. Phương pháp nghiên cứu của Phan Ngọc do vậy, rõ ràng là có cội nguồn từ chủ nghĩa cấu trúc của Phương Tây, bắt đầu từ F. Saussure cho đến các nhà cấu trúc khác. Có điều đáng tiếc cho Phan Ngọc là, khi ông bắt đầu nghiên cứu cấu trúc vào đầu những năm 60, chính là lúc chủ nghĩa cấu trúc phương Tây đang lên, lúc đó ông là nhà nhà thực hành cấu trúc luận thực thụ, theo đánh giá của tôi, không thua kém bất cứ đồng nghiệp nào trong tính hiện đại. Kịp đến khi ông công bố các công trình vào những năm 80, 90, thì phương pháp cấu trúc trên thế giới đã bị vượt qua, đã chuyển sang hậu cấu trúc, tức là giải cấu trúc và kí hiệu học. Do đó các công trình của Phan Ngọc nhìn chung đều có các ưu điểm và khó tránh khỏi nhược điểm của phương pháp mà ông theo đuổi.
Tuy nhiên các công trình nghiên cứu, phê bình của Phan Ngọc vẫn giữ nguyên giá trị đối với phê bình văn học Việt Nam, bởi vì chúng góp phần nghiên cứu phương diện thức nhận của văn học, một phương diện không hề lỗi thời. Thông thường khi tiếp cận một hiện tượng văn học người ta chỉ quan tâm nắm bắt nội dung tư tưởng và nội dung cuộc sống, mà ít khi chú ý đến nội dung của hình thức, cái nội dung đã định hướng cách sử dụng hình thức và hiệu quả biểu đạt của nó. Nhưng trong nghệ thuật, chính cái nội dung đặc thù ấy cho phép người ta hiểu được giá trị nghệ thuật và thưởng thức được các giá trị ấy. Trong thời đại ngày nay, khi văn học đã bắt đầu trở về với văn học, văn học không chỉ là phản ánh hiện thực, mà trước hết phải là một nghệ thuật, nhu cầu thưởng thức văn học lên cao, thì lối nghiên cứu văn học của Phan Ngọc đáp ứng nhu cầu của người đọc. Đó là lí do người đọc thích đọc công trình của ông.
Mặt khác, vận dụng thao tác cấu trúc vào nghiên cứu văn học Phan Ngọc đã thể hiện một tài năng hơn người. Ông không nghiên cứu hình thức thuần tuý như những con cờ trên bàn cờ văn học, mà đi sâu khám phá, lí giải sức tác động, độ khúc xạ của những quan hệ hiện thực, lịch sử vào sự tạo thành của hình thức văn học. Vì thế công trình của ông thường có nội dung văn hoá, lịch sử phong phú. ở đây thể hiện sự uyên bác, lịch lãm và tài hoa của người nghiên cứu.
Điều đặc biệt là các công trình nghiên cứu của Phan Ngọc không hề khô khan. Ông là người có lối viết độc đáo , hấp dẫn. Đọc văn ông người ta có cái thú được trò chuyện với một người sẵn sàng bộc lộ niềm say mê khoa học, cởi mở xẻ chia những tìm tòi thức nhận của mình. Ông thường tự cho mình là người hay nói những điều khó nghe, nghịch nhĩ người đọc. Đó là cảm giác của những năm sáu mươi của thế kỉ trước, song bây gìơ chưa hẳn đã hết nghịch nhĩ đối với một số người. Điều ấy cho thấy Phan Ngọc là người thích thách thức và đối thoại.
Không phải tất cả mọi người đều yêu mến và đồng cảm hết với những gì ông viết, thậm chí khó chịu với điều này điều nọ trong các công trình của ông. Đó là điều bình thường, không phải vì thế mà phủ nhận các giá trị của chúng. Ông Phan Ngọc thường nói với chúng tôi, điều chủ yếu là cách đặt vấn đề và phương pháp làm việc, còn trong sự thể hiện khó tránh khỏi có một số chi tiết thiếu chính xác, gây tranh cãi. Vả lại đây là công trình của một người, quan điểm của một người, đâu phải là chân lí duy nhất. Là một người đi theo hướng thức nhận, Phan Ngọc không hề e ngại sự thẩm tra của độc giả, và không phải bao giờ ông cũng hài lòng với mọi việc mình làm. Đó là nhân cách của nhà khoa học.
Chúng tôi tin chắc rằng các công trình tuyển chọn trong tập sách này sẽ giúp người đọc nhận diện chân dung của một nhà phê bình văn học phi truyền thống với những thao tác làm việc thú vị của ông.