PHỎNG VẤN NGUYỄN TUÂN
[…]
HỎI : […]
ĐÁP : Có lần tôi đã nói với chị là tôi không có tuổi thô ấu. Trong xã hội cũ, tôi chưa thấy được sống thời tuổi trẻ thì đã thành ông cụ non. Tôi viết Vang bóng một thời lúc 29 tuổi mà Vang bóng đúng là một ông già hoài cổ. Có lẽ lúc nhỏ tôi chịu ảnh hướng sự bắt đắc chí của cha tôi. Lớn lên đi học, tôi lại bất mãn với bọn thầy giáo Tây dám khinh miệt mình.Tôi chơi bời cũng là một cách tự phá phách để lẩn trốn mình, chứ có thích thú gì đâu. Sau mỗi cuộc chơi bời, phá phách về, mình lại tự chán mình, tự xỉ vả mình, nhưng sau đó lại lao vào con đường cũ. Vào kháng chiến, đi bộ đội, tôi như trẻ lại, tôi tìm thấy mình, nên tôi thật lạc quan. […]
HỎI : Ảnh hưởng của gia đình đối với bác ? Bác đã viết nhiều kỉ niệm về cụ thân sinh. Xin bác kể cho nghe đôi mẫu chuyện về ảnh hưởng của cụ đối với cuộc đời và tác phẩm của bác ?
ĐÁP : Phải nói rằng họ nhà tôi có cái gien giang hồ. Chị có tin vào cái gien di truyền không ? Nó là khoa học đấy ! Không hiểu cụ tổ tôi thế nào chứ từ ông nội tôi, bố tôi cho đến tôi thì cái gien giang hồ ấy như ngày càng mạnh lên. Ông tôi và bố tôi là những người thích chu du đây đó, ra Bắc vào Nam. Phải nói rằng tôi mê bố tôi chứ không phải chỉ là chịu ảnh hưởng mà thôi đâu.Tất nhiên là tôi tiêm nhiễm cái tốt lẫn cái xấu của ông cụ. Bà cụ thường lo sợ thay cho tôi và nhiều lúc phản ứng ra mặt. Bố tôi nghiện thuốc phiện rồi vợ bé con thêm chơi bời phóng túng, việc nhà phó thác một tay mẹ tôi. Bố tôi làm việc viên chức nhà nước nhưng kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào bà cụ. Có lần tôi hỏi xin bà cụ tiền, cụ hất hàm chỉ lên nhà trên, nơi ông cụ nằm hút và bảo : – Anh lên mà xin “nhà nước” ấy. Bố tôi có các bà vợ bé ở Quảng Nam, – ở Huế, ông cụ thường vào ra thăm các bà và mỗi lúc đi cứ kéo tôi đi theo. Từ hồi trẻ tôi đã thích đi lang thang theo ông cụ như vậy. Bà cụ cản nhiều lần nhưng không được đành bỏ mặc. Nhưng có một nguyên tắc mà cụ kiên quyết không từ bỏ làm nhiều lúc tôi thật đến khổ : Bố tôi đi đâu thì đi, nhưng ngày Tết bà cụ buộc tôi nhất thiết phải có mặt ở nhà. Nhiều lúc bố tôi mải rong chơi, sắp đến Tết cũng không nghĩ đến chuyện đưa tôi về, thế là bà cụ quyết lặn lội vào tận nơi bắt tôi, đưa về nhà ăn Tết cho bằng được. Những lúc tôi được lang thang theo ông cụ như vậy, cụ kể cho tôi đến lắm thứ chuyện. Những truyện trong Vang bóng một thời là dư âm của cuộc đời ông cụ và những chuyện kể của cụ đấy.
HỎI : Như vậy hoá ra ông cụ lại quá nuông chiều, dễ dãi với bác, còn bà cụ thì nghiêm khắc hơn có phải không ?
ĐÁP : Nói thế này thì đúng hơn : tôi và bố tôi đã làm khổ bà cụ quá lắm. Về sự tần tảo, tháo vát, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam thì bà cụ tôi thuộc loại số một. Tất nhiên là bà cụ không thể kham nổi với các thói tật của bố tôi trước kia rồi đến tôi sau này. Và ngược lại, đã là kẻ giang hồ, phóng túng, tôi như có mệnh xung khắc với lề tói nề nếp của bà cụ. Bà cụ càng chăm lo, càng cố sức trói giữ chân tôi lại, thì tôi càng cố tình chuồi ra khỏi vòng tay níu giữ đó.
HỎI : Xin bác kể một vài kỉ niệm về thời thơ ấu, kỉ niệm học đường ?
ĐÁP : Tôi không có kỉ niệm đẹp về thời thơ ấu và tuổi thanh xuân. Tôi chưa có tuổi trẻ đã trở thành ông cụ non rồi. Tôi viết Vang bống một thời và Thiếu quê hương từ những năm 29 – 30 tuổi, như vậy làm gì có tuổi trẻ.
Hồi đi học tôi rất lười và nghịch, chuyên ngồi ở cuối lớp để dễ bề trốn học và bày trò nghịch. Học với cô giáo đầm, bày đủ trò để phá cô giáo. Học đến giữa năm đệ tứ ở Collềg Carreau tham gia bãi khoá để chống lại các thầy cô giáo đầm xúc phạm đén tinh thần dân tộc của học sinh, bị đuổi học, về Thanh Hoá mở hàng sách (…)
HỎI : Hồi đó bác định sang Xiêm để làm gì ?
ĐÁP : Hồi ấy, những thanh niên trí thức có lòng tự trọng ai cũng muốn tìm đường đi Tàu, đi Nhật …, đi bất cứ đâu, miễn là không ở trong cái nước An Nam nô lệ mà bất cứ lúc nào, ở đâu mình cũng có thể bị thằng Tây nó xà – lù, mẹc và đá đít. Cái tính mình thích phiêu lưu, lại gặp bạn rủ rê, thế là đi thôi. Mình sang Xiêm là tính đưòng đi tiếp nữa, nhưng vừa chân ướt chân ráo đến Băng Cốc là bị tóm ngay. Cũng chẳng phải vì lí do chính trị gì ráo rọi, mà vì tội trốn ra nước ngoài không có hộ chiếu. Vậy mà nó cũng giam giữ mình một năm trời. Sau khi nó thả về ở Cầu Mới, nó còn bắt quản thúc tại địa phương, tháng tháng phải ra trình diện với Sở cẩm. (…)
(Tác phẩm mới, số 6, tháng 8 – 1990)