Những ranh giới văn học và văn học thế giới
Daniel Henri Pageaux
Người dịch: Huỳnh Như Phương
Phải thừa nhận là từ khởi điểm, nhà văn học so sánh quan tâm đến việc nghiên cứu tất cả những gì diễn ra từ một nền văn học này đến một nền văn học khác; nhưng đồng thời cũng phải thừa nhận mục đích sâu xa của văn học so sánh là vượt “lên trên” những ranh giới và có tham vọng trở thành một ngành nghiên cứu, một khoa học “liên quốc gia”, thậm chí “siêu quốc gia”, như một số sách giáo khoa đã nói (chẳng hạn công trình của Hugo Dyserinck và của Claudio Guillén). Những khái niệm này đã gây ra tranh cãi, nhất là khi người ta đưa ra một định hướng cho tinh thần so sánh như Robert Escarpit đã đề nghị ngay trong cuộc hội thảo đầu tiên của Hội Văn học so sánh Pháp, tổ chức ở Bordeaux năm 1956, mà cho đến nay vẫn chưa mất đi tính thời sự của nó. Robert Escarpit đã định nghĩa môn văn học so sánh như là một “ khoa học về sự khác biệt”.
Ca tụng sự khác biệt
Ở thời điểm mới xuất hiện, một tính “siêu dân tộc” nào đó đã gặp thuận lợi nhờ uy tín lớn lao của Gœthe. Vào cuối đời, trong một cuộc trò chuyện với Eckermann ngày 31 – 01 – 1827, Gœthe đã gợi ý về một nền văn học thế giới, một Weltliteratur. Từ đó, khái niệm này được sử dụng luôn mà không cần phiên dịch. Người ta thường dẫn nó ra trong ngữ cảnh thích hợp. Gœthe đã suy nghĩ về một nền thi ca càng ngày càng trở thành “ di sản chung của toàn nhân loại”. Ông kết luận: “Nếu chúng ta cũng như những người Đức khác, không biết phóng tầm nhìn của mình vượt ra khỏi những gì gần gũi vây quanh, thì chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào thói tự phụ có tính chất thông thái rởm. Vì thế tôi muốn học tập những nền văn hoá nước ngoài và tôi khuyên mỗi người đến lượt mình, cũng hãy làm như vậy. Ngày hôm nay khái niệm Văn học dân tộc không còn ý nghĩa bao nhiêu; chúng ta đang tiến bước về thời đại của văn học thế giới và mỗi người phải ra sức tìm mọi cách thúc đẩy để ngày đăng quang của nó nhanh tới. Nhưng trong khi đánh giá cao những gì tiếp thu từ nước ngoài, chúng ta không nên theo đuôi nó và cũng không lấy nó làm kiểu mẫu(…)Khi chúng ta cần một mô hình kiểu mẫu, chúng ta luôn luôn phải trở về với các nhà cổ điển Hy Lạp qua những tác phẩm đã thể hiện con người trong vẻ đẹp cao nhất”.
Chúng ta đang bước đi dựa trên cái đà phóng của tinh thần khát khao một nền văn học thế giới nhưng lại vẫn bám lấy cái mô hình Hy Lạp như là giá trị duy nhất: đó là trào lưu tư tưởng kỳ lạ chứa đựng mâu thuẫn giữa tính năng động của một lời tuyên bố tao nhã và sự cứng nhắc của một hệ quy chiếu thẩm mỹ và đạo đức. Tốt hơn là chúng ta hãy xem cái lý tưởng này ẩn khuất đằng sau một trào lưu tư tưởng chú tâm đến thời hiện tại và đến những vấn đề thời sự của lĩnh vực sáng tạo thơ ca: thừa nhận tính cấp thiết của việc mở cửa ra nước ngoài, nhưng đồng thời vẫn không ngừng quay trở về với mô hình thời cổ đại.
Dù có đồng ý rằng khái niệm “văn học thế giới” này không thể được hiểu như là một làng văn toàn cầu, một thứ điện Panthéon về văn học, một bản danh sách những tác phẩm best – sellers được trao vòng nguyệt quế trên toàn thế giới, hay là những kiệt tác của nhân loại, thì dường như cũng rất khó có thể làm cho cái tư tưởng phóng khoáng có tính chất duy tâm của Gœthe trở thành đối tượng hay mục tiêu của nghiên cứu so sánh. Toàn bộ các nền văn học này tất yếu khiến người ta suy nghĩ về nền văn minh thế giới, điều mà Claude Lévi – Strauss đã gợi ra trong tác phẩm Chủng tộc và lịch sử, một nền văn minh mà ông xem là một “hình thức rỗng tuếch” và nó đã gợi ra cho ông những suy nghĩ sau đây: “Nền văn minh thế giới không thể là cái gì khác hơn ngoài sự liên minh ở quy mô toàn thế giới những nền văn hoá vẫn giữ lại tính độc đáo của nó”.
Cũng cần lưu ý một nhận xét phóng khoáng và tinh tường của Pedro Henriquez Ureňa, nhà tiên phong của lý thuyết so sánh ở Mỹ la-tinh, trong một hội nghị năm 1921: “Lý tưởng của nền văn minh không phải là sự hợp nhất toàn thể nhân loaị ở mọi xứ sở mà là bảo tồn tất cả những sự khác biệt trong lòng một tổng thể hài hoà”.
Cần xác định rằng khảo sát sự khác biệt không bao giờ loại trừ khả năng ghi nhận, trong viễn cảnh nghiên cứu hay suy tưởng, cái lý tưởng cao quý của Gœthe hay đúng hơn cái lý tưởng về một tính phổ quát thế giới nào đó. Nhưng dường như sẽ có ích nếu chúng ta nhắc lại rằng nhà nghiên cứu so sánh làm việc đồng thời trong “cái ở giữa” (l’entre) cũng như “cái bên trên” (l’au-dessus); “cái siêu” (le supra) cũng có ích như “ cái liên” (l’inter) hay cái “liên diện” (l’interface), theo cách nói bây giờ.
Hai trào lưu tư tưởng: “cái liên” (l’ inter) và “cái siêu” (le supra)
Trong một cuốn cẩm nang về mỹ học nhan đề Giữa cái đơn nhất và cái đa dạng (Entre l’un et le divers), Claudio Guillén đã xác lập sự liên tục của tư tưởng giữa “ tính siêu dân tộc” và “ lý luận văn học”. Ông đề xuất ba “mô hình’’ nghiên cứu làm nổi bật hệ vấn đề “ siêu dân tộc” và bắt đầu bằng cách hình dung những hiện tượng hay toàn thể “giả định một mối quan hệ phát sinh”, do vậy những biểu hiện văn học vượt qua các biên giới (đang tồn tại) như tiểu thuyết bợm nghịch (roman picaresque) đã biết đến những hình thức có thể so sánh với những hình thức khai sinh ở Tây Ban Nha. Ngành nghiên cứu này được gợi ý từ một loại “lịch sử văn học tổng quát ” và nó kêu gọi sự phân tích văn bản, cách đọc theo thi pháp học so sánh là những phương cách có thể làm nổi rõ những tương đồng về hình thức với cái giá là phải chấp nhận một vài sơ suất hoặc sự suy diễn. Kế đó, nó tiếp cận những hiện tượng “trong tiến trình độc lập về mặt phát sinh”, thuộc về những nền văn minh khác nhau nhưng hàm chứa những điều kiện xã hội – lịch sử giống nhau (ví dụ tiểu thuyết phương Tây thế kỷ 18 và tiểu thuyết Nhật Bản thế kỷ 17). Cuối cùng, nó nhấn mạnh những hiện tượng “độc lập về mặt phát sinh”, bao gồm những “tập hợp siêu dân tộc” trong mối tương hợp với các nguyên lý và các luận điểm của lý luận văn học. Vấn đề là làm cách nào để ưu tiên cho việc nghiên cứu các mối liên hệ văn học Đông – Tây, những mối quan hệ “phi thực chứng”; bởi vì ở đây không có “những trao đổi”, “những giao lưu”, nhưng ta có thể hình dung như là những tập hợp vừa khác nhau lai vừa có thể so sánh với nhau trong thế song song (như văn bản, thể loại, hình thức v..v..). Phạm trù cuối cùng này khiến người ta suy nghĩ về những công việc mà Etiemble khuyên làm, nhằm giúp nhà nghiên cứu so sánh thoát khỏi những mẫu hình văn học châu Au và đưa ông ta tới những nghiên cứu về thi pháp học so sánh.
Một viễn cảnh chung: những hằng thể
Ngay từ năm 1957, trong một giáo trình khai giảng ở Đại học Sorbonne, Étiemble đã đề nghị một giả thuyết nghiên cứu dưới cái tên “ các hằng thể” (les invariants). Đó là khởi điểm để Adrian Marino, người Rumani, môn đệ xuất sắc nhất của Etiemble xây dựng thành một lý thuyết trong các công trình Etiemble hay là thuyết so sánh chiến đấu ( Gallimard, 1982) và Thuyết so sánh và lý luận văn học ( PUF, 1988 ). Trước khi giảng một giáo trình về “trào lưu tiền lãng mạn ở châu Au cuối thế kỷ 18”, trong đó ông điểm qua những chủ đề khác nhau ( thiên nhiên, cảnh vật, trạng thái tâm hồn, tình yêu, đam mê, định mệnh, cảm xúc, sự nhạy cảm, thời gian trôi chảy, những tàn phai…), Etiemble đã trích dẫn rất nhiều những câu thơ của các nhà thơ Trung Hoa vào thời kỳ trước Công nguyên cho đến đời Tống. Và rồi ông kết luận trong sách Không phải cứ so sánh được là hợp lý (Comparaison n’est pas raison): “Nếu tôi có thể làm sáng tỏ tất cả các chủ đề của trào lưu tiền lãng mạn châu Au thế kỷ 18 bằng những trích dẫn từ thơ ca Trung Hoa trước Công nguyên và 12 thế kỷ sau Công nguyên, thì rõ ràng là đã tồn tại những hình thức, những thể loại, những hằng thể …”.
Giữa lúc chủ nghĩa lịch sử ca khúc khải hoàn, có thể là thú vị khi đi tìm những “tương đồng độc lập của các mối quan hệ trực tiếp” hay còn gọi là những quan hệ thực tế. Nhưng cái hằng thể – “yếu tố chung và phổ quát của văn học hay của tư tưởng văn học” lại không thoát khỏi sự biện bạch bằng …những so sánh không phải là… hợp lý ấy.
Ở đây các yếu tố làm điểm xuất phát để thực hiện sự so sánh đã được tập hợp bởi ý chí của riêng nhà nghiên cứu. Vả chăng, vấn đề là ít có những trường hợp so sánh hơn là những trường hợp lặp lại, tái diễn trong văn học. Không có sự tái xuất hiện trong những văn cảnh khác nhau (của những biến thể) thì sẽ không thể có những hằng thể.Vì vậy cho nên những yếu tố này hay yếu tố khác bị cô lập nhân danh sự trùng khít hay sự tương hợp trong không gian và thời gian, nghĩa là nhân danh sự tương đồng, sẽ càng trở thành dữ kiện mơ hồ trong khi vấn đề là miêu tả các yếu tố đó, tức là phân tích những đặc điểm thi pháp về hình thức và chất liệu. Giả sử rằng những hình thức được nghiên cứu đều như nhau dưới con mắt của nhà khoa học, thì những hình thức đó cũng hướng về các tầng lớp công chúng khác nhau, chúng phát triển trong những nền văn hoá và những hệ thống văn học khác nhau. Thật khó mà chấp nhận rằng một hình thức sử thi (hay là điều mà nhà nghiên cứu châu Au gọi là sử thi) lại có thể có cùng chức năng khi nó còn được thể hiện ở châu Phi hay được đọc ở châu Au, như với Iliade hay Henriade…
Chúng ta sẽ tìm thấy một vấn đề khá cũ kỹ được minh hoạ bởi một thí dụ cụ thể. Người ta có thể thừa nhận rằng bánh xe ngựa La Mã có gì đó tương tự với bánh xe hơi, nhưng thật khó mà so sánh chúng với nhau, trừ khi ta nói rằng chúng dùng để di chuyển. Phải chăng di chuyển trên con đường La Mã cổ xưa cũng giống như trên con đường ô tô ngày nay? Xin trích dẫn “xuất xư” của nhận xét này: “ Từ thời cổ xưa, xe cộ cũng dựa trên một công thức duy nhất và giống nhau: những trục xe, những bánh xe, một khung xe. Tuy thế, chiếc xe ngựa của nhà quý tộc cổ La Mã thì phù hợp với sở thích và nhu cầu của ông ta, cũng như chiếc xe ngựa của bá tước Orlov. Còn chiếc xe ngựa của người mu-gich thì thích hợp với nhu cầu hoạt động kinh tế của anh ta. Xe hơi là một sản phẩm của kỹ thuật hiện đại, nhưng nó cũng thể hiện cùng một công thức: bốn bánh xe đặt trên hai trục xe, tuy thế mỗi khi đêm về, trên các nẻo đường của nước Nga, con ngựa của người mu-gich lại hoảng sợ né tránh những chiếc đèn pha của xe hơi; cảnh ấy phản ánh mối xung đột của hai nền văn hoá”.
Ở đây chính L. Trotski đã tranh luận với quan điểm hình thức chủ nghĩa của Victor Chklovski và bài học về thuyết so sánh (sự xung đột giữa hai nền văn hoá) cũng là bài học lý luận văn học đầy đủ và trọn vẹn: “hằng thể” của cái bánh xe vận hành một cách khác nhau trong những bối cảnh khác nhau.
Những ranh giới ngôn ngữ, văn hoá và văn học
Văn học tổng quát và so sánh, trong khi chú ý đến chiều kích bên ngoài, đã biến những đường ranh giới thành một trong những đối tượng để khảo sát và suy nghĩ. Khái niệm “văn học dân tộc” chắc chắn là có tính thực tại (còn hơn cả khái niệm văn học “thế giới”). Tuy thế, cần phải lưu ý rằng chiều kích dân tộc vẫn còn mơ hồ, thậm chí còn bị nghi ngờ ở châu Phi và châu Mỹ la-tinh. Nhìn chung, những dữ kiện ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá thường dẫn đến việc xem xét lại những không gian thống nhất: một hệ thống chính trị (Nhà nước), một thực tế lịch sử, chính trị, xã hội, đạo đức (quốc gia), một thực tế ngôn ngữ và văn hoá (văn học) không thể đồng nhất mà cũng không thể áp đặt lên nhau.
°Thuyết so sánh “bên trong”: Chúng ta nên suy nghĩ về khái niệm thuyết so sánh “bên trong” hay còn gọi là “thuyết so sánh liên dân tộc”, hoặc trong những trường hợp như nước Pháp, “thuyết so sánh khu vực”. Basil Munteano đã tỏ ra quan tâm đến vấn đề trên ngay từ Đại hội lần thứ nhất hội Văn học so sánh Pháp tổ chức ở Bordeaux(Văn học tổng quát và lịch sử tư tưởng- Littérature générale et histoire des idées, Didier, 1956, p.22). Ông đưa ra những thí dụ, như Racine được giải thích bởi những nhà lãng mạn Pháp, Marivaux qua lăng kính của Anouilh hay thơ ca của Mistral trong toàn cảnh văn học Pháp. Một vài năm trước đó, các công trình của Robert Lafont, chuyên gia về các nền văn hoá địa phương ở miền Nam nước Pháp, đã gợi ra những chủ đề tương đối quan trọng khi dựa trên những so sánh có tính chất “khu vực” (chẳng hạn so sánh Jocelyn của Lamartine với Mireille của Mistral). Những so sánh này chưa thành những quy chế chính xác trong môi trường so sánh luận, vốn có thể biến những mảnh vụn ngôn ngữ và văn hoá thành đối tượng nghiên cứu. Với những thí dụ như trên, nên chăng có thể có một phác thảo về “văn học tổng quát và so sánh” chung cho các nhà Pháp học và các nhà so sánh, một lĩnh vực nghiên cứu chung, một mảnh đất của những cuộc gặp gỡ hơn là những cuộc tranh cãi.
Ngày nay thuyết so sánh “bên trong” được nhiều người ủng hộ, như nhà so sánh Achentina Nicolas Dornheim, người nhấn mạnh tầm quan trọng của một so sánh đích thực theo chiều kích “dân tộc” đối với các nước thuộc châu My (RLC, 1992/1, số đặc biệt về “châu Mỹ latinh và ngành so sánh văn học”). Do tác động của sự lai tạp về văn hoá, chẳng hạn tác động của các nền văn hoá truyền thống đối với Braxin hay các ảnh hưởng ngoại lai đối với Braxin và Achentina,tự bản thân những xứ sở này đã là những địa bàn nghiên cứu và khảo sát độc đáo. Ở đây vấn đề không phải là giải thích thuyết so sánh này bằng phạm vi không gian của đất nước được xem xét. Một không gian văn hoá- đảo giản lược như Puerto Rico ( nơi biết nhiều về sự tiếp biến văn hoá Bắc Mỹ) cũng có thể minh chứng cho một cách tiếp cận tương tự, nếu người ta nghĩ đến cái định nghĩa đầy hình tượng mà Rosé Louis Dominguez đã nói : “Đó là một đất nước có 4 tầng”.
°Từ cái địa phương đến cái thế giới: Như thế, những quan niệm mới về so sánh hay những cấp độ nghiên cứu văn học so sánh có thể được hình thành từ quy mô địa phương , nghĩa là quy mô của những truyền thống văn học địa phương, văn học truyền khẩu, các ngôn ngữ bản xứ ( đối với một lục địa như châu Phi và trong một kích thước nhỏ nhất là tiểu lục địa thuộc châu Mỹ), cho đến quy mô toàn châu lục, thậm chí liên lục địa, vượt qua quy mô quốc gia, vốn được sắp xếp lại một cách mạnh mẽ từ thế kỷ thứ 19 ở châu Mỹ ( trường hợp những thay đổi về biên giới, thực tế các “vùng” văn hoá hay các trung tâm đô thị tách biệt các vùng nông thôn) , cũng như ở châu Phi, nơi mà “tình cảm dân tộc”, tình cảm của “ quốc gia nhiều tầng” còn rất mơ hồ. Vì vậy, cần phác hoạ những chiều kích mới có tính chất “quốctế” và chính xác là chiều kích thế giới hơn những chiều kích vốn là kết quả của những công trình trừu tượng hay lý thuyết. Để định nghĩa phạm vi của thuyết so sánh mới này, chúng ta có thể tìm thấy một công thức sáng tỏ của nhà văn Bồ Đào Nha Miguel Torga: “Cái thế giới, đó chính là cái địa phương không có những bức tường”.
Những biên giới khác có thể được phác họa vào cùng một thời gian và giữa một không gian được gọi là “quốc gia” trong một số trường hợp hoặc có tính chất tưởng tượng, hoặc lắp ghép vào những không gian khác: nền văn học được gọi là lục địa ( như văn học Mỹ Latinh), văn học thế giới thứ ba, văn học liên dân tộc chủ nghĩa, bao gồm cả những cả những tập hợp về hình thức có tính chất đơn ngữ ( như văn học các nước nói tiếng Pháp, văn học các nước nói tiếng Tây Ban Nha..), trên thực tế, cung cấp những lịch sử khác nhau, những tầng văn hoá khác nhau. Cuối cùng, tuy chúng ta không chơi chữ ở đây, nhưng cũng có thể nói đó chính là những ranh giới của văn bản văn học có thể được đem ra nghiên cứu ( chẳng hạn khái niệm cận văn bản – paratexte – là khái niệm quan trọng cho việc tiếp nhận một tác phẩm), hay như người ta thấy, với khái niệm tính liên văn bản, đã xuất hiện một thuyết so sánh mới ở ngoài văn bản.
Văn học tổng quát và so sánh sẽ không biết tự giới hạn ở những so sánh hay là những trò chơi có hay không có ranh giới. Nó đã được xác định từ đầu thế kỷ 20 bởi một loạt các công trình nghiên cứu chuyên biệt, từ những nghiên cứu truyền thống về các mối tương quan văn học quốc tế cho đến những vấn đề thi pháp văn học so sánh. Một cách thận trọng, nó cũng có tham vọng khai phá các viễn cảnh lý luận.
Từ so sánh đến lý luận
Mở đầu cuốn Văn học so sánh giản yếu ( PUF, 1989), Pierre Brunel đã đề nghị ba quy luật từ đó có thể định nghĩa một phương pháp so sánh:
1. Quy luật xuất hiện ( La loi d’émergence): Mối quan tâm của nhà so sánh dường như “được đánh thức” bởi “sự xuất hiện của một từ lạ”, bởi một yếu tố huyền thoại trong văn học hay nghệ thuật, bởi sự tồn tại của những ám chỉ hàm ngôn hay hiển ngôn, bởi những điểm khởi đầu cho các quá trình nghiên cứu khác nhau, từ hình tượng cho đến hệ chủ đề và việc nghiên cứu những huyền thoại.
2. Quy luật linh hoạt ( La loi de flexibilité): Vấn đề là “sự mềm dẻo và sự kháng cự của yếu tố lạ trong văn bản”. Vừa thích nghi, lại vừa kháng cự, yếu tố đó nhạy cảm với mọi biến động. Trong khi trích dẫn câu nói của Roland Barthes: “ Mọi văn bản là một tấm vải mới được dệt bằng những câu văn cũ”, P. Brunel đã đưa người nghiên cứu hướng tới việc khảo sát tính liên văn bản, trong đó ông ta theo đuổi những mô thức sát nhập một yếu tố thuộc văn bản này vào một văn bản mới hay một văn cảnh mới.
3. Quy luật lan toả ( La loi d’irradiation) : Yếu tố lạ trong văn bản có thể được xem như một điểm lan toả – khi thì rõ ràng như trong trường hợp các văn bia, khi thì bí mật và ẩn chìm dưới một hậu cảnh của văn bản và nó chỉ có thể được khảo sát nhờ vào việc nghiên cứu một yếu tố lạ, trong khi đó chúng ta không quên rằng sự vay mượn luôn luôn là một mối đe doạ và có thể làm giản lược tính độc đáo của nguyên bản .
Trên đây là những đề nghị có tính chất gợi ý cho việc nghiên cứu so sánh. Trong khi vươn tới những viễn cảnh chung, văn học tổng quát và so sánh đã hoàn tất một chặng đường có ý nghĩa: là một bộ phận của nghiên cứu lịch sử, nó đã bị vượt qua bởi sự phân tích thi pháp học và nó hướng về một suy tưởng lý thuyết. Vì vậy, người ta có thể nhớ lại rằng Roland Barthes trong cuốn sách Bài học ( Le Seuil, 1977) đã giới thiệu ba “sức mạnh” của văn học mà ông gọi là mathésis, mimesis và semiosis , ba khái niệm không phải là không liên quan với chặng đường vừa được kể ra.
Người ta hiểu rằng vấn đề không phải là những trạng thái kế tục, phản ánh những bước tiến của nhận thức như chúng ta có thể lấy thí dụ từ Lời phi lộ Từ điển bách khoa của Alembert, người đã muốn tính đến những bước đi của trí tuệ con người bằng cách phân biệt trước hết là học vấn rồi đến văn chương và cuối cùng là triết lý. Đúng hơn, vấn đề là những cấp độ của suy tưởng khi xác định những giai đoạn, những thời kỳ của một công trình nghiên cứu.
Một môn học đa dạng
Trên thực tế, không có “ một” lý thuyết so sánh văn học: bởi vì có biết bao nhiêu xứ sở mà ở đó lý thuyết này có thể tự khẳng định. Thật vậy, bởi vì văn học tổng quát và so sánh không thể hoàn toàn tách rời với việc nghiên cứu văn học thực tiễn , do các chuyên gia của nền văn học dân tộc tiến hành, cho nên điều dễ hiểu là ở Pháp, môn học này không phát triển giống như ở một đất nước khác, nơi mà việc nghiên cứu văn học “dân tộc” diễn ra trong một hoàn cảnh khác.Tính đến những điểm xuất phát đa dạng và do vậy những quỹ đạo khác nhau, văn học tổng quát và so sánh không thể có cùng một phương diện đồng dạng, cũng như không có sự thực hành tương tự từ nước này đến nước khác, mặc dù có sự quan tâm chung giống nhau. Nó là sự minh hoạ tốt nhất cho những vấn đề của chính nó. Nhân danh bản chất và sự phát triển đa dạng của nó, nhân danh những tên gọi hoặc kế tục, hoặc khác nhau của nó, văn học tổng quát và so sánh là một điều không tưởng thực sự về mặt phương pháp luận. Trong khi xây dựng một hệ vấn đề không thuộc về bất kỳ một văn bản nghiên cứu nào mà là thuộc về mối quan hệ riêng với từng văn bản, văn học tổng quát và so sánh giống với cái không tưởng được nhà ký hiệu học Louis Marin định nghĩa như là cái trung tính, không giống cái, cũng không giống đực mà đồng thời là cả hai (Những kẻ không tưởng : trò chơi của các không gian, Minuit, 1973). Được xây dựng từ giao điểm của những tập hợp mà ở đó mỗi bộ phận đều có đặc trưng riêng, văn học so sánh được nuôi dưỡng bởi những cuộc hội thảo, giao lưu, gặp gỡ và trao đổi không ngừng…
Dịch từ La littérature générale et comparée
của Daniel – Henri Pageaux,
Armand Colin xuất bản, 1994
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn