HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG NGHỆ THUẬT – TRẦN ĐỨC THẢO
(nhan đề do H.P.T đặt)
Vấn đề hình thức và nội dung. Cái hình thức ngày nay là ở nội dung trước kia của nó còn để lại. Vấn đề đặt ra là: nội dung dĩ vãng sao lại qui định hình thức ngày nay được?
Lấy nghệ thuật nói chung làm ví dụ, ta thấy: nó có nội dung nhưng phải có hình thức cảm tính đặc biệt, khác với triết lý, v. v… Nghệ thuật là một ngành riêng có vốn cũ của nó. Một nội dung nào đấy được diễn tả bằng nghệ thuật thì được diễn tả qua hình tượng chứ không qua khái niệm tổng quát như triết học, qua chủ trương chính sách như chính trị, qua luật lệ như pháp lý. Nghệ thuật có một tính cách tương đối độc lập, vì nó có một nội dung dĩ vãng qui định một cái vốn hình tượng bây giờ. Hình tượng nghệ thuật mà ngày nay ta dùng không những chỉ là hình tượng thu lượm được trong một thời gian ngắn dựa vào những kinh nghiệm thực tế trước mắt, mà còn là di sản của toàn bộ gia tài nghệ thuật xưa. Ví dụ một chữ dùng của nhà văn, một nét vẽ của họa sĩ ngày nay… có cả một nội dung dĩ vãng, trong đó những chữ, những nét ấy đã được dùng để diễn tả một số điển hình của dĩ vãng, nên nó có một nội dung tiềm tàng phong phú.
Nội dung ấy có hai mặt: tiến bộ và lạc hậu. Trong bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào của dĩ vãng để lại cũng đều có hai mặt ấy: mặt tiến bộ phản ánh quá trình tiến bộ của lịch sử, công trình đấu tranh lao động sản xuất của nhân dân; mặt lạc hậu lại biện chính, củng cố uy quyền bóc lột của giai cấp thống trị, củng cố tính chất hẹp hòi của những cơ cấu xã hội cũ. Từ những tác phẩm đầu tiên của nghệ thuật nguyên thủy đã có những hình tượng phản ánh hiện thực với tính chất tiến bộ của hiện tượng ấy. Ví dụ: những bức tranh, chạm… đầu tiên đã có giá trị hiện thực, nó diễn tả công trình lao động đấu tranh của nhân dân trong những nét điển hình hóa những cảnh tượng của người đi săn, hoặc đến giai đoạn thị tộc trung kỳ – nhất là hạ kỳ – có những hình tượng yêu tinh, quỉ ác.. nhưng cũng có giá trị nghệ thuật, vì nó tượng trưng cho các cuộc chiến tranh lúc đó, có giá trị lịch sử, vì qua chiến tranh này mới phá vỡ được những ràng buộc hẹp hòi của chế độ thị tộc. Qua nghệ thuật Cổ đại Đông phương và Hy Lạp, ta thấy những nét tượng thần, những nét của công trình kiến trúc càng ngày càng được hợp lý hóa, có tính chất điều hòa và thăng bằng, phản ánh công trình tổ chức sản xuất trên một qui mô ngày một rộng lớn và hợp lý trong kinh tế hàng hóa thời cổ đại. Sau cổ đại, nghệ thuật bỏ hướng duy lý trừu tượng, theo hướng nội tâm, vì quá trình đấu tranh của nhân dân đánh đổ chế độ nô lệ, dần dần xây dựng quyền sống của con người qua thời phong kiến. Và đến thời kỳ tư sản thì cái được thể hiện trong cố gắng của nghệ thuật là làm nổi bật cá tính của mỗi nhân vật hay mỗi sự vật. Ở thời Trung cổ, hướng nghệ thuật là tìm được giá trị phổ cập trong cá thể, do đó mọi nhân vật có một giá trị phổ cập trong bản thân nó. Nội dung ấy xuất phát từ công trình đấu tranh của nhân dân, từ quá trình phát triển sức sản xuất, mở rộng quan hệ sản xuất. Nội dung ấy là nội dung còn lại trong gia tài nghệ thuật, làm cho hình thức nghệ thuật cũ còn giá trị để ta thưởng thức, và dựa vào đó xây dựng nền nghệ thuật hiện đại phong phú. Hình thức nghệ thuật cũ có nội dung nhân dân nhưng bị hạn chế; bên cạnh nó lại có nội dung thống trị, thường là qua tôn giáo. Ngày nay ta giữ lại và sử dụng không phải vì nội dung tôn giáo phản ánh quyền lợi của giai cấp thống trị, mà là giữ lại phần nghệ thuật chân chính với tính chất nhân dân của nó. Trong những tượng cũ có hai mặt: vừa là thần thánh (công cụ tinh thần củng cố quyền thống trị), vừa là nghệ thuật chân chính (lý tưởng đấu tranh của nhân dân, bước đầu là đấu tranh hợp lý hóa điều hòa sự vật và sự việc, sau đi sâu vào cá thể vì xây dựng những giá trị phổ cập trong từng cá thể). Có thể trong dĩ vãng hình thức ấy khác hình thức bây giờ. Nó là nghệ thuật tôn giáo, nhưng ta chỉ thưởng thức nó với tính chất nghệ thuật thôi, vì nội dung nhân dân là ở nghệ thuật chứ không phải là ở tôn giáo. Đây là một vấn đề chung đặt ra trong công tác khai thác vốn nghệ thuật cũ. Có hai nội dung song song. Nhưng phần chủ yếu bây giờ là phần của nhân dân.
Trần Đức Thảo
(Lịch sử Tư tưởng trước Marx, tr. 17-34)