Home » » MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI VÀ DÂN SINH Ở VIỆT NAM TỪ ĐỔI MỚI ĐẾN NAY (Tiếp theo)

MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI VÀ DÂN SINH Ở VIỆT NAM TỪ ĐỔI MỚI ĐẾN NAY (Tiếp theo)

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011 | 03:37

NGUYỄN TÀI ĐÔNG (*)

3.    Vấn đề người yếm thế trong xã hội: nông dân và người dân tộc thiểu số
Công việc bức thiết nhất, cũng là nổi cộm nhất trong quá trình thực hiện an sinh xã hội nói chung, giải quyết các nhu cầu cho nhóm yếm thế trong xã hội nói riêng chính là xóa đói, giảm nghèo. Sau đổi mới, sản lượng lương thực năm 1995 tăng lên 25 triệu tấn, so với năm 1987 đã tăng 65% hay khoảng 40% tính theo đầu người. Sự nhảy vọt về hiệu quả sản xuất nông nghiệp và tính linh hoạt trong dịch chuyển lao động đã giúp giảm mạnh tỷ lệ nghèo đói. Tỷ lệ hộ nghèo đói theo chuẩn quốc tế tại Việt Nam giảm mạnh từ 75% xuống chỉ còn 25% trong 20 năm (từ 1986 đến 2005). Nếu dùng tiêu chuẩn lương thực của Việt Nam (2.100 calorie mỗi người một ngày), thì tỷ lệ hộ nghèo đói là khoảng 15% năm 1998 và khoảng 13% năm 2000, phần lớn tập trung vào các vùng thôn quê và miền núi(19). Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam đã hoàn thành sớm hơn mục tiêu xoá đói, giảm nghèo trong việc thực hiện “Mục tiêu thiên niên kỷ” mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Do đó, Việt Nam được coi là một trong những nước đã xoá bỏ tình trạng đói nghèo nhanh nhất thế giới hiện nay(20).
Đại hội X đã ghi nhận thành quả xã hội, dân sinh của 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, trong đó có công tác xóa đói, giảm nghèo : “Việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội có những chuyển biến tốt. 5 năm qua đã tạo việc làm cho 7,5 triệu lao động. Công tác xóa đói, giảm nghèo thu được kết quả tốt, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2005 giảm còn 7%, vượt mục tiêu đề ra là 10% (theo chuẩn cũ). Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được nhiều kết quả, hầu hết các xã, phường trong cả nước đều có trạm y tế, trong đó 15% đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, hoạt động y tế dự phòng được đẩy mạnh; khống chế và đẩy lùi được một số dịch bệnh nguy hiểm; tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng từ 67,8 (năm 2000) lên 71,5 (năm 2005)”(21). Bên cạnh việc xóa đói, giảm nghèo thì các tiêu chí về giáo dục, như xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, các tiêu chí về chăm sóc sức khỏe nhân dân như chỉ số phát triển con người của nhóm người yếm thế trong xã hội cũng tăng lên rõ rệt.
Cùng với sự phát triển kinh tế, những thành quả về mặt giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là vấn đề xoá đói, giảm nghèo của Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao của các nhà quan sát quốc tế. Nếu chúng ta chú ý đến hai nhóm cộng đồng dễ rơi vào đối tượng người yếm thế trong xã hội là nông dân và người dân tộc thiểu số thì có thể thấy, Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam có quyền tự hào về chính sách phát triển hai nhóm cộng đồng này. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, một trong những mâu thuẫn xã hội gay gắt nhất trong tương lai mà các học giả đề cập đến chính là mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn do sự cách biệt về khoảng cách giàu nghèo gây ra(22). Vấn đề khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa nông dân và các giai tầng khác trong xã hội đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc giải quyết ổn thỏa các vấn đề xã hội nhằm đạt được sự ổn định, công bằng và tiến bộ xã hội.(23)
Mặc dù kinh tế phát triển kéo theo luồng người đổ từ nông thôn vào các thành thị, song cho đến nay, nông dân Việt Nam vẫn chiếm tới 70% dân số cả nước, giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển xã hội. Nông thôn Việt Nam có trình độ công nghiệp hóa thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao. So với khu vực đô thị, khu vực nông thôn không chỉ kém hơn về hạ tầng cơ sở, mà còn kém hơn cả về điện, nước vệ sinh, dịch vụ y tế, giáo dục và văn hóa. Thu nhập của nông dân chỉ bằng một phần ba mức bình quân của cả nước và bằng một phần tư mức bình quân ở thành thị, chính vì vậy mà tình trạng đói nghèo cũng tập trung chủ yếu ở nông thôn với 90% hộ nghèo được thống kê là ở vùng nông thôn. Vốn ngân sách nhà nước dành cho nông nghiệp, nông thôn, cũng như vốn đầu tư FDI cho nông nghiệp vẫn rất thấp, nhiều gia đình nông dân trồng lúa mà không đủ gạo ăn cho cả nhà(23). Nông dân là bộ phận ít được hưởng phúc lợi xã hội nhất, đặc biệt là về giáo dục và y tế. Nông dân là những người khi xướng đổi mới và tham gia tích cực vào quá trình đổi mới, nhưng nay lại là những người ít được hưởng lợi của đổi mới nhất. Theo đánh giá của một số chuyên gia hàng đầu về kinh tế nông nghiệp Việt Nam thì nông dân vẫn đang còn rất nghèo và luôn trong tình trạng mấp mé bên bờ vực của tái nghèo do việc giải quyết giảm nghèo chưa gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn(24). Hàng triệu nông dân đã phải bỏ thôn quê để đi tìm việc tại thành thị, sự di cư của họ tạo ra một sự nghèo khổ mới ở thành thị, sự nghèo khổ này đã bị đánh giá thấp xa so với thực tế(25).
Đánh giá về những yếu kém của nền kinh tế Việt Nam sau 20 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: Nền kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với khả năng; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn kém; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Trong lĩnh vực xã hội, những yếu kém biểu hiện tập trung ở chỗ: Nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt; kết quả xoá đói, giảm nghèo chưa thật vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn lớn; khoảng cách chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng có xu hướng doãng rộng...(26).
Về khía cạnh dân tộc của tình trạng nghèo đói, một số ý kiến cho rằng, tỷ lệ nghèo đói trong nhóm dân tộc thiểu số đã giảm chậm hơn nhóm người Hoa và người Kinh. Theo Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2004, số người nghèo thuộc các nhóm dân tộc thiểu số có thể chiếm tới 40% tổng số người nghèo ở Việt Nam vào năm 2010. Tuy nhiên, nhìn chung thì các dân tộc thiểu số rõ ràng được hưởng lợi từ việc mở rộng cơ sở hạ tầng xã hội, đặc biệt khi sự mở rộng được đo bằng khả năng tiếp cận vật chất. Ví dụ, hầu hết các xã đều có trường tiểu học và trạm xá xã, mức độ bao phủ mạng lưới điện trong các vùng hộ gia đình dân tộc thiểu số chiếm số đông đã được cải thiện, từ 7% năm 1993 đến 43% năm 2004(27).
Từ trước đến nay, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam vẫn liên tục có chính sách ưu tiên và dành một phần đáng kể nguồn vốn cho sự phát triển của các dân tộc thiểu số. Có thời điểm, vốn đầu tư cho các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 30% tổng số vốn đầu tư phát triển của cả nước. Một loạt các chương trình, dự án lớn được tiến hành đồng bộ để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, đáng chú ý là Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi); Chương trình 132 (đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ dân làm mới và sửa chữa nhà ở); Chương trình 134 (Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn), v.v.. Ngoài ra, Chính phủ còn có nhiều chỉ thị, quyết định và biện pháp cụ thể đối với một số vùng đặc thù có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống(28).
Các chương trình, dự án này đã mang lại kết quả khả quan rõ rệt cho đồng bào dân tộc thiểu số, giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong cả nước. Cơ sở hạ tầng ngày càng được đảm bảo, tỷ lệ thôn, bản có điện, đường, lớp học, nhà văn hoá, công trình thuỷ lợi tăng đều so với trước. Mức độ tăng trưởng kinh tế khu vực đồng bào dân tộc thiểu số tăng cao, thậm chí cao hơn mức tăng trưởng toàn quốc, số hộ đói nghèo giảm mạnh. Ước tính đến năm 2010, không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn dưới 30%; trên 70% số hộ đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 3,5 triệu đồng(29). Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số định canh, định cư để ổn định đời sống cũng được quan tâm. Bên cạnh đó, việc nâng cao, mở rộng giáo dục và y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng được hiện thực hóa thông qua các nghị định và chương trình của Chính phủ cũng như rất nhiều các dự án quốc tế.
Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam còn đang bắt đầu phát triển, bối cảnh kinh tế thế giới liên tục biến động, việc duy trì chính sách đúng đắn để ổn định, phát triển xã hội và dân sinh ở nước ta là hoàn toàn không dễ dàng, việc vượt qua các thách thức để gặt hái một số thành công cơ bản lại càng khó khăn hơn nữa. Đã có nhiều đánh giá ghi nhận một cách tương đối khách quan những thành công này, đặc biệt là khi so sánh với các điều kiện kinh tế khác: Thành tích xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam cũng là một trong những kỷ lục khó vượt qua. Những thành tựu này là vô cùng ấn tượng”; “về phương diện phát triển con người, Việt Nam đã đạt được những thành công vô cùng ấn tượng trong hai thập kỷ trở lại đây. Nếu căn cứ vào các chỉ số phát triển chủ yếu thì Việt Nam thậm chí còn vượt lên trên nhiều nước giàu có hơn(30). Những thành công này không chỉ là sự ghi nhận công sức của cả nước trong suốt quá trình đổi mới, mà còn là cột mốc đánh dấu quá trình phát triển đúng hướng của Việt Nam hiện tại và tương lai./. 

(*) Tiến sĩ, Phó trưởng phòng Tổ chức, đào tạo và quản lý khoa học, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
([1]) Tham khảo David Dapice. Ngại bay: Tại sao duy trì cải cách ở Việt Nam khó như vậy. Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội. “Kỷ yếu Hội thảo cấp cao lần thứ tư về tổng kết 20 năm đổi mới”. Hà Nội, ngày 15-16 tháng 6 năm 2006.
(2) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.5. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.689.
(3) Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.572.
(4) Hồ Chí Minh. Sđd., t.10, tr.591.
(5) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.395.
(6) Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.226.
(7) Hồ Chí Minh. Sđd., t.4, tr.161.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.17-18.
(9) Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương. Tài liệu học tập Nghị quyết Đại hội X của Đảng (Dành cho cán bộ, đảng viên cơ sở). Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.27.
(10) Tham khảo các chính sách được phân tích trong: Phạm Xuân Nam. Công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường và kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Tạp chí Triết học, số 2 (201) năm 2008.
(11) Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương. Sđd., tr.49.
(12) Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương. Sđd., tr.50–51.
(13) Vũ Quang Việt. Quan hệ lao động và doanh nghiệp thời mở cửa làm thành viên WTO. Diễn Đàn, 13 March 2007.
(15) Hồ Chí Minh. Sđd., t.12, tr.185.
(16) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.88. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 1 năm 2006, khi bàn về vấn đề công bằng xã hội cũng khẳng định tương tự: “Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội” (Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.77-78.)
(17) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.424.
(18) Tham khảo ý kiến của tác giả Võ Đại Lược và ý kiến phản hồi của học giả Jomo trong: Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội, “Kỷ yếu hội thảo cấp cao lần thứ tư về tổng kết 20 năm đổi mới”, Hà Nội, ngày 15-16 tháng 6 năm 2006.
(19) Tham khảo: Trần Nam Bình. Vai trò của bất bình đẳng kinh tế, ghen tị và thiếu thốn tương đối, trong phát triển bền vững tại Việt Nam. Thời đại mới – Tạp chí Nghiên cứu và thảo luận, số 14 - tháng 7/2008.
(20) Tham khảo: PGS, TS. Phạm Thị Ngọc Trầm. Kết hợp mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội nhân văn trong thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam. Trong : Phạm Văn Đức, Đặng Hữu Toàn, Trần Văn Đoàn, Ubrich Dornberg (Đồng chủ biên).Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008, tr.125.
(21) Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương. Tài liệu học tập Nghị quyết Đại hội X của Đảng (Dành cho cán bộ, đảng viên cơ sở). Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.16.
(22) Có một số ý kiến khác cho rằng, mâu thuẫn trong nội bộ thành thị và nông thôn ngày càng trở nên chủ yếu hơn: “ở Việt Nam, mức độ bất bình đẳng quan sát được trong giai đoạn 1993 - 1998 là do sự chênh lệch ngày càng lớn giữa khu vực nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1998 - 2002, bất bình đẳng trong nội bộ khu vực thành thị và trong nội bộ khu vực nông thôn lại là yếu tố chính giải thích cho sự gia tăng bất bình đẳng”. Tham khảo: Báo cáo về bất bình đẳng của Việt Nam 2005: Đánh giá và những lựa chọn chính sách (Báo cáo tổng hợp của Mekong Economics Ltd. về dự án “Các nhân tố gây ra bất bình đẳng ở Việt Nam” do DFID tài trợ Bản thảo lần hai – 3.6.2005).
(23) Đỗ Tuyết Khanh. Khủng hoảng lương thực thế giới và nông nghiệp Việt Nam. Hội thảo “Nhìn lại Việt Nam năm 2008”, Paris, 8-2009.
(24) Tham khảo: GS.VS. Đào Thế Tuấn. Vấn đề xã hội ở nông thôn Việt Nam. Trong: Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường”, Hải Phòng, 12-15 tháng 2 năm 2009.
(25) Ý kiến của Giáo sư Lương Văn Hy. Trong: “Kỷ yếu Hội nghị bàn tròn cấp cao lần thứ nhất về tổng kết 20 năm đổi mới”. Viện Khoa học xã hội Việt Nam và UNDP, Hà Nội, ngày 12 tháng 1 năm 2005.
(26) Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.61-63.
(27)  Xem: Báo cáo về bất bình đẳng của Việt Nam 2005: Đánh giá và những lựa chọn chính sách (Báo cáo tổng hợp của Mekong Economics Ltd. về dự án “Các nhân tố gây ra bất bình đẳng ở Việt Nam” do DFID tài trợ Bản thảo lần hai – 3.6.2005).
(28) Tham khảo: TS. Vương Xuân Tình. Chu cấp hay hội nhập? Về trách nhiệm của Nhà nước với các dân tộc thiểu số ở miền núi Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường”, Hải Phòng, 12 – 15 tháng 2 năm 2009.
(29) Tham khảo: TVT. “Một số suy nghĩ về Chương trình 135 giai đoạn II sau 3 năm thực hiện”, http://cema.gov.vn/modules.php?name=News&op=detailsnews&mid=1738 , 16/1/2009.
(30) Chương trình châu Á, Harvard University, John F.Kennedy, School of Government. “Lựa chọn thành công - Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam. Một khuôn khổ chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam  trong giai đoạn 2011-2020”, 1 – 2008.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved