Huyền thoại hay sự thật cội nguồn cha Rồng mẹ Tiên
Cách đây 8 năm, dư luận đã một lần kinh ngạc khi thấy cuốn sách Huyền thoại hay sự thật cội nguồn cha Rồng mẹ Tiên của Võ Trọng Thái ra mắt tại NXB Văn hóa dân tộc. Dư luận kinh ngạc vì từ mấy nghiên cứu hết sức kỳ quái, Võ Trọng Thái đã đi tới một số kết luận hết sức kỳ quặc, như khẳng định kinh đô nước Xích Qủy là ở làng Vân Nội (xã Phú Lương, Thanh Oai, Hà Tây), xã Phú Lương cũng là nơi có lăng mộ các Vua Hùng; Hai Bà Trưng vốn thuộc dòng họ Lê Đĩnh (Thục Phán) nên Trưng Trắc tên thật là Lê Thị Hồng Hưng, Trưng Nhị tên thật là Lê Thị Hồng Hà (!)… Những tưởng cùng với thời gian, các sản phẩm “nghiên cứu” như của Võ Trọng Thái sẽ không còn đất dung thân trong sinh hoạt học thuật, vậy mà vừa qua, dư luận lại một lần nữa xôn xao về cuốn Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta của Lê Mạnh Thát - một cuốn sách mà tôi rất nghi ngờ về phẩm chất khoa học. Và điều đáng nói là, dù đã xuất bản từ năm 1972, gần đây là năm 2006, song Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta của Lê Mạnh Thát vẫn không một tiếng vang trong sinh hoạt khoa học, ấy rồi nó lại được chú ý sau khi bài Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động của Hoàng Hải Vân được đăng tải trên báo Thanh Niên.
Theo tôi, việc cuốn sách của Lê Mạnh Thát không có tiếng vang trong sinh hoạt khoa học chỉ nên giải thích từ giá trị của nó, không nên cho rằng bạn đọc và giới nghiên cứu không có khả năng tiếp nhận hay lảng tránh “phát hiện” của ông. Hơn nữa, vấn đề còn là trước khi đồng tình hay bác bỏ, mỗi người cần tiếp nhận trực tiếp từ cuốn sách của Lê Mạnh Thát, chứ không chỉ tiếp nhận qua bài viết của Hoàng Hải Vân. Bởi dù thế nào thì “phát hiện” của Lê Mạnh Thát cũng đã đi qua “lăng kính” của Hoàng Hải Vân với tất cả niềm hứng khởi của tác giả này (?). Đáng tiếc là hầu như các ý kiến đã công bố để đánh giá “phát hiện” của Lê Mạnh Thát đều chủ yếu dựa trên bài viết của Hoàng Hải Vân và theo xét đoán của tôi, ngoài Trương Thái Du, có lẽ chưa có tác giả nào đã trực tiếp đọc Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta. Phải chăng vì thế, không tính đến một vài ý kiến ca ngợi, dù là ý kiến phản bác thì tác giả vẫn phải “gài” vào phát biểu của mình một số ngôn từ để thể hiện thái độ trân trọng (thận trọng?) và ý niệm “phát hiện” vẫn được trình bày như là muốn đảm bảo cho tinh thần khách quan. Bên cạnh đó, đọc các ý kiến, tôi nhận thấy hầu hết đều bị cuốn theo xu hướng tranh biện với những dẫn liệu sử học, văn học, Phật học do ông Lê Mạnh Thát đưa ra mà chưa chú ý tới một điều cực kỳ quan thiết là khi đánh giá một công trình nghiên cứu phải xem xét tiền đề khoa học của nó - tức là xem xét điểm xuất phát để từ đó tác giả tiến hành công trình. Nói cách khác, muốn khảo sát và đánh giá một công trình nghiên cứu, trước hết phải bắt đầu từ giả thuyết khoa học chứ không chỉ bắt đầu từ các kết luận mà nó đưa lại. Bởi, nếu giả thuyết chỉ là ý tưởng “giả khoa học” thì dẫn liệu dù phong phú đến đâu, tác giả dù thông thái, uyên thâm đến mức độ nào thì kết quả nghiên cứu của anh ta vẫn chỉ là một (các) hư cấu chủ quan, nếu không nói là vô nghĩa.
Do không có trong tay bản in cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam (tập 1) của Lê Mạnh Thát, tôi đành bằng lòng với việc đọc cuốn sách này qua bản điện tử của website quangduc.com (1). Đọc Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát, đối chiếu với Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta rất dễ nhận ra Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta chỉ là “dị bản”, chính xác hơn chỉ là bản “thu nhỏ” những nội dung tương tự đã được trình bày trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Các ý tưởng, tài liệu Lê Mạnh Thát sử dụng trong Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta đều có mặt trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tình huống ấy làm cho tôi muốn đặt câu hỏi: Dù Lê Mạnh Thát đã cố gắng trình bày trong hai cuốn sách khác nhau về cùng một vấn đề nhưng vẫn không được chú ý, và Hoàng Hải Vân đã “có công lao” làm cho các ý tưởng của Lê Mạnh Thát trở thành tâm điểm của dư luận trong thời gian gần đây? Về phần mình, tuy đã đọc Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát, song để bài viết này tập trung vào vấn đề muốn đề cập, nên tôi chỉ bàn tới Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta, bài báo của Hoàng Hải Vân cùng một hai ý kiến có liên quan. Hy vọng vào một ngày đẹp trời nào đó, tôi sẽ trở lại với Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát để phân tích kỹ hơn các lập luận ông đã trình bày.
2. Dựa trên các tiền đề sách vở do ông “phát hiện”, gồm: truyền thuyết trăm trứng liên quan tới Lạc Long Quân - Âu Cơ từng được ghi lại trong Lục độ tập kinh - một bộ kinh Phật; truyền thuyết về An Dương Vương chỉ là dị bản mô phỏng trận đánh giữa anh em Pandu và Duryodhana đã được kể lại trong Mahabharata - một sử thi Ấn Độ, Lê Mạnh Thát đã triển khai suy luận và truy lùng văn bản vừa để chứng minh, vừa để đưa ra các kết luận đại loại như: văn bản Lục độ thập kinh mà Khương Tăng Hội sử dụng để dịch sang tiếng Hán vốn là bản tiếng Việt chứ không phải một bản tiếng Phạn; Triệu Đà chưa từng xâm lược Việt Nam nên thời đại của An Dương Vương chỉ là hư cấu lịch sử; triều đại Hùng Vương kéo dài tới năm 43 sau công nguyên, triều đại này rất phát triển, có chữ viết riêng, có luật pháp riêng, và sự nghiệp của Hai Bà Trưng là vương triều cuối cùng của triều đại Hùng Vương chứ không phải là một cuộc khởi nghĩa…
Vậy là từ một hai chi tiết, Lê Mạnh Thát đã phóng đại chúng lên làm mẫu nghiên cứu theo kiểu “chọn giầy”, rồi chứng minh theo lối “gọt chân”, cái gì phù hợp với suy đoán thì ông OK, cái gì không phù hợp với suy đoán thì ông gạt phắt ra ngoài hoặc chụp cho cái mũ… “không đáng tin cậy”! Theo tôi, đây chính là điều cần phê phán nhất trong “nghiên cứu” của Lê Mạnh Thát, bởi từ một chi tiết có vai trò dẫn truyện trong Lục độ tập kinh, ông không chỉ suy đoán, mà còn dựa vào đó để đưa ra một loạt khẳng định với tâm thế rất tự tin. Thiển nghĩ, hoặc là Lê Mạnh Thát không nắm được các nguyên tắc của nghiên cứu khoa học, hoặc là ông có điều bất thường về tư duy, hoặc là mấy nghìn năm nay Phật giới Việt Nam và Trung Hoa đã “vô minh” đến mức tin tưởng, chấp nhận, rồi đề cao một tập kinh Phật mà trong đó “chứa đựng “một lượng bất bình thường” các tư tưởng, quan điểm và đạo lý mang sắc thái chính trị và lịch sử Việt Nam”(2).
Theo xét đoán của ông Lê Mạnh Thát: “không phải Khương Tăng Hội đã viết Lục độ tập kinh, mà do Hội đã dịch nó theo một bản tiếng Việt” (3) và “Khương Tăng Hội, khi tiến hành phiên dịch Lục độ tập kinh tiếng Trung Quốc, đã chịu không những tác động của tiếng mẹ đẻ, mà còn chịu tác động trực tiếp của nguyên bản Lục độ tập kinh tiếng Việt…” (4), thì ngược về thời gian và hoàn cảnh lịch sử để truy nguyên văn bản, sẽ xuất hiện ba khả năng trực tiếp liên quan tới kết luận của ông mà tôi đồ rằng, dẫu Lê Mạnh Thát có “ba đầu sáu tay” cũng không thể giải quyết được:
- Một: Nếu bản Lục độ tập kinh bằng tiếng Việt mà Khương Tăng Hội sử dụng vốn được dịch từ một bản tiếng Phạn thì phải chăng mấy nghìn năm trước ở bên Ấn Độ xa xôi lại có người tỷ mẩn ghi chép giúp tổ tiên chúng ta một cuốn lịch sử về nguồn gốc dân tộc bằng tiếng Phạn, rồi ai đó đã dịch từ bản tiếng Phạn sang tiếng Việt, và Khương Tăng Hội dựa vào bản tiếng Việt này để dịch sang tiếng Hán hay sao? Vì sự lòng vòng ấy chưa từng thấy có tiền lệ, nên tôi đặt câu hỏi và xin trả lời luôn: đây là điều bất khả. Không chỉ về khoảng cách địa lý, mà cả về các quan hệ kinh tế - văn hóa, liệu cách đây hơn 2000 năm, giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có quan hệ văn hóa mật thiết đến mức một sự kiện quan trọng như trên lại có thể xảy ra, và liệu Lê Mạnh Thát có thể chứng minh? Nếu không chứng minh được, “phát hiện” của ông, rốt cục sẽ chỉ là sự võ đoán tùy tiện, không thể hiện diện trong nghiên cứu khoa học.
- Hai: Nếu tình huống trên không xảy ra thì chẳng lẽ khi dịch Lục độ thập kinh sang tiếng Hán từ một bản tiếng Việt nào đó, Khương Tăng Hội đã tranh thủ thêm thắt một số ghi chép về lịch sử dân tộc Việt Nam, để rồi bao nhiêu đời cao tăng, học giả Việt Nam và Trung Quốc mấy nghìn năm qua đã không phát hiện ra? Đây là vấn đề Lê Mạnh Thát cần lý giải, một câu hỏi Lê Mạnh Thát cần trả lời nếu ông muốn chứng minh “phát hiện” của ông là chính xác. Xin nói luôn đây cũng là một điều bất khả, vì một cuốn kinh sách và lịch sử của một dân tộc có thể có mối liên hệ nào đó, song không thể đồng nhất, vì sự ra đời của kinh sách trước hết, không phải là để viết lịch sử.
- Ba: Như là hệ quả của vấn đề thứ hai tôi đưa ra ở trên, nếu bản gốc Lục độ tập kinh do người Việt viết bằng chữ của người Việt thì chí ít Lê Mạnh Thát cũng phải minh định được chữ viết của người Việt vào thời đó ra sao, phải chứng minh được rằng trước và sau công nguyên Phật giáo Việt Nam đã rất phát triển, vì phải đạt tới một trình độ nào đó, các cao tăng Việt Nam mới có thể viết được kinh sách. Và nếu đó là sự thật thì các cao tăng Việt Nam xưa kia xứng đáng phải được lưu danh vào lịch sử Phật giáo, bởi họ đã viết được một tập kinh trứ danh đến mức Phật giáo phải đưa vào Đại tạng tập kinh, vậy mà đến nay tên tuổi của họ vẫn vắng bóng, chẳng lẽ Phật giới Việt Nam và Trung Quốc đã vội lãng quên họ? Tôi đặt ra khả năng thứ ba nhằm hài hước hóa vấn đề, nên không đề nghị Lê Mạnh Thát trả lời. Bởi riêng chuyện gán cho Lục độ tập kinh có quan hệ với lịch sử Việt Nam thôi, cũng đã là một điều kỳ dị không nên bắt bẻ.
Tôi tin là các câu hỏi về nguồn gốc văn bản tôi đặt ra trên đây hoàn toàn không có mặt trong thao tác nghiên cứu của ông Lê Mạnh Thát khi euréka ra các “phát hiện lịch sử chấn động”. Và dưới đây, tôi sẽ chứng minh ông đã sai lầm như thế nào.
3. Đọc câu chuyện trong Lục độ tập kinh (3 ĐTK 251 tờ 14a26-c18) do Lê Mạnh Thát dẫn lại, dù không phải là người làm công việc nghiên cứu Phật học, tôi cũng nhận ra đó là một dẫn dụ về “đốn ngộ” mà cái bọc trăm trứng có vai trò dựng truyện. Ấy là sau khi một trăm người con sinh ra từ một trăm quả trứng kéo quân về đánh chiếm kinh thành của vua cha mà họ không biết đó là vua cha, bà mẹ của họ đứng trên chòi nói với những đứa con của bà: “Rằng đại nghịch tội đó, gồm có ba: Không xa bọn tà, chuốc tội đời sau, đấy là tội thứ nhất. Sinh ra mà không biết cha mẹ, lại đi ngược lại hiếu hạnh, đấy là tội thứ hai. Ỷ sức mà giết cha mẹ, làm hại Tam bảo, đấy là tội thứ ba. Giữ ba điều đại nghịch ấy, ác không lấy gì che được. Chúng mày hãy hả miệng thì chứng cứ hiện ngay”. Bà mẹ liền lấy vú mình ra, trời khiến nó bắn sữa khắp cả miệng một trăm đứa con. Cảm thấy sự tinh thành, chúng uống sữa, lòng buồn, nên đồng thanh nói: “Đây là cha mẹ ta”. Nước mắt chảy lan cả hai má, chúng chắp tay đi tới, cúi đầu hối lỗi…” (5). Giọt sữa của bà mẹ đã đưa các con bà ra khỏi chốn “vô minh”, giúp họ tỉnh ngộ, nhận ra điều trái với đạo hiếu không được làm. So sánh chuyện này với truyền thuyết về Lạc Long Quân - Âu Cơ thì ngoài cái bọc trăm trứng, giữa chúng không có bất cứ liên hệ nào. Một bên là minh chứng cho khả năng “đốn ngộ”, một bên là truyền thuyết về nòi giống và quá trình xây dựng cộng đồng, mở mang bờ cõi, tính mục đích hoàn toàn khác nhau. “Vớ” được sự gần gũi trong chi tiết một trăm quả trứng nở ra một trăm chàng trai, Lê Mạnh Thát vội vàng quả quyết: “Và chính đây là chi tiết mà nó giúp ta xác định thời gian xuất hiện và nguồn gốc khai sinh truyền thuyết về lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta” (6) thì ông đã lộ ra điểm yếu cốt tử mà tôi sẽ chứng minh tiếp ở phần sau. Ở đây chỉ xin nói rằng, chỉ vì câu chuyện trong Lục độ thập kinh và truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ cùng đề cập tới cái bọc trăm trứng mà đã vội coi cái này chính là nguyên gốc của cái kia thì trí tưởng tượng đúng là… “hơi bị phi phàm”. Cứ xét đoán khơi khơi như Lê Mạnh Thát thì trên đời này sẽ có vô khối chuyện khôi hài!
Tương tự như thế, việc Lê Mạnh Thát tìm ra mối liên hệ giữa Mahabharata với truyền thuyết An Dương Vương theo tôi cũng là khảo chứng tư biện, nếu không nói ông đã tùy tiện xác lập một quan hệ. Tôi lại tự hỏi: liệu Lê Mạnh Thát có thể chứng minh quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã mật thiết từ đầu công nguyên hay không? Vì để một tác phẩm thấm đẫm tinh thần Ấn Độ giáo, được coi là Đại bách khoa toàn thư về văn hóa truyền thống, về các truyền thuyết và thể chế chính trị - xã hội của Ấn Độ cổ xưa như sử thi Mahabharata có thể thấm sâu vào đời sống tinh thần của người Việt Nam, để người Việt Nam có thể vay mượn từ đó một câu chuyện rồi xây dựng nên một truyền thuyết, hẳn là Mahabharata phải được du nhập, được dịch và được phổ biến ngay từ trước hoặc sau công nguyên. Cũng là điều lạ lùng, trong Mahabharata có bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu truyền thuyết mà tại sao người Việt không vay mượn một cách phổ biến, mà chỉ nhè vào chuyện Duryodhana để xây dựng truyền thuyết An Dương Vương, liệu Lê Mạnh Thát có thể giải thích được không. Cũng xin lưu ý, Mahabharata không chỉ là một sử thi, nó còn quan hệ mật thiết với Ấn Độ giáo, vì trong đó chứa đựng Bhagavad Gita (một kinh văn quan trọng của Ấn Độ giáo), nếu ông cho rằng Mahabharata đã có mặt trên dưới 2000 năm ở Việt Nam, ông có thể lý giải tại sao trong văn hóa Việt Nam cả nghìn năm nay, yếu tố Ấn Độ giáo lại rất mờ nhạt? Hỏi thì hỏi vậy, chứ thật tình tôi cũng tin đây là tình huống bất khả. Với cái nhìn phổ quát và thấu đáo, người sáng suốt sẽ không bao giờ chăm chăm dựa vào một chi tiết giống nhau “An Dương Vương cưỡi con tê sống vằn vào nước chạy, nước vì thế rẽ ra” (7) với chi tiết “Với kiếm chùy trong tay, đấng ấy (Duryodhana - NH) đã nhanh bỏ chiến trường và đi vào một cái hồ, sau khi làm cho nước rẽ ra nhờ vào huyễn thuật của mình” (8) để quả quyết: “Việc Duryodhana có thể làm cho nước rẽ ra để ông đi vào này đương nhiên ám chỉ một cách khá chắc chắn nguồn gốc đi vào nước của An Dương Vương” (9). Nhưng biết làm sao được, khi mà ông Lê Mạnh Thát dường như đã định hình phong cách suy đoán tư biện rồi kết luận khơi khơi trong thực hành “nghiên cứu”!
Tóm lại, khi nghiên cứu một vấn đề lịch sử nào đó, bao giờ người ta cũng cần tới các chứng cứ lịch sử (trong đó, ngoài các văn bản xác thực đã được truy nguyên đến rốt ráo, còn có các bằng chứng khảo cổ…), vì thế người nghiên cứu không thể nuôi dưỡng vấn đề bằng trí tưởng tượng. Mặt khác, thao tác lấy chi tiết thay cho toàn thể, lấy cá biệt thay cho phổ biến… là thao tác hết sức nguy hiểm trong nghiên cứu, vì sẽ đẩy người ta đến các ngộ nhận làm nhiễu loạn sinh hoạt khoa học, tạo ra hiện trường giả làm rối trí người đọc. Vì thế tôi cho rằng, hai tiền đề giúp Lê Mạnh Thát “nghiên cứu” đích thực là hai giả tiền đề, phi thực tế. Nên tôi tin các câu hỏi tôi đặt ra ở trên là các câu hỏi Lê Mạnh Thát không thể trả lời, đó là lý do để tôi kết luận “phát hiện” của ông chỉ là kết quả của sự võ đoán.
4. Sai lầm cơ bản của ông Lê Mạnh Thát khi đưa ra “phát hiện” của mình, theo tôi có nguồn gốc từ việc ông không cần quan tâm (hay bất chấp?) một trong các đặc điểm quan trọng của văn hóa dân gian là tính phổ biến của nhiều mô-tip văn chương trong văn hóa dân gian của các cộng đồng, cùng như quá trình “dân gian hóa” một số truyền thuyết vốn được trình bày trong kinh sách của các tôn giáo. Văn hóa dân gian của các cộng đồng có thể nảy sinh sớm - muộn khác nhau, các cộng đồng có thể rất xa nhau về địa lý, chưa bao giờ tiếp xúc, không có bất kỳ một mối liên hệ nào, thì trong hoàn cảnh tương tự của quá trình phát sinh và phát triển nhận thức, các cộng đồng đã nảy sinh các ý tưởng rất gần gũi nhau để đáp ứng nhu cầu giải thích về thế giới, xã hội, con người. Như huyền thoại về quả bầu chẳng hạn, theo thống kê của GS Đặng Nghiêm Vạn (10), ở Đông Nam Á, trong số 95 dị bản về hồng thủy, có tới 65 dị bản liên quan tới quả bầu với ý nghĩa là phương tiện cứu giúp con người khỏi họa diệt chủng. Sự gần gũi về nhận thức, sự gần gũi khi suy tư về thế giới - xã hội - con người, sự giao lưu văn hóa trong điều kiện cụ thể… đã đưa tới sự ra đời các mô-tip văn chương dân gian, điều đó làm cho việc truy nguyên một “mẫu gốc” là bất khả. Tỷ như chúng ta thấy mô-tip quan hệ dì ghẻ - con chồng xuất hiện trong văn chương dân gian của nhiều cộng đồng khác nhau, như: Tấm cám của người Việt, Cô bé lọ lem của người Đức, Cô chị - Cô em (Ý Ưởi - Ý Nọng) của người Thái, Nàng Chăn Tha của người Lào… (Ngay ở thời hiện đại, một sự kiện như vậy vẫn có thể xảy ra, như sự giống nhau đến kỳ lạ giữa tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng với tiểu thuyết Đường công danh của Nikôđem Đizma của Tadeusz Dolega Mostowicz - nhà văn người Ba Lan). Không nắm được đặc điểm này, Lê Mạnh Thát mới đi làm cái việc “vơ” câu chuyện trăm trứng về cho người Việt Nam, dẫu rằng khi khảo sát, chính ông cũng đã thấy mô-tip người sinh ra từ trứng, người sinh ra từ bọc thịt là khá phổ biến!
Để hợp thức hóa những suy biện chủ quan của mình trong xử lý tài liệu, ông Lê Mạnh Thát khẳng định xanh rờn: “chúng ta không còn bàn cãi một cách tùy tiện không có cơ sở về nền văn học “dân gian” chung chung phi thời gian, phi lịch sử” (11). Như vậy theo Lê Mạnh Thát, mọi sản phẩm văn hóa dân gian đều có thể “cụ thể hóa”, đều có thể truy nguyên thời gian lịch sử chăng? Mong sao vào một ngày rảnh rỗi nào đó, Lê Mạnh Thát sẽ truy nguyên toàn bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam do cụ Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, đặng giúp một người đọc ngu ngơ như tôi nắm bắt được thời gian ra đời của từng truyện một cách thật cụ thể nhỉ! Rồi nữa, bằng vào marketing của Hoàng Hải Vân, thì Lê Mạnh Thát công bố ông đã tìm thấy trong Đại tạng kinh sáu lá thư trao đổi giữa pháp sư Đạo Cao và pháp sư Pháp Minh với một “sứ quân” Giao Châu tên là Lý Miễu. Truy lùng tài liệu từ Trung Quốc, Việt Nam sang Triều Tiên và Nhật Bản, thậm chí lùng sục trong tàng thư các nước Anh, Pháp, Liên Xô mà không tìm thấy nhân vật nào có tên là Đạo Cao, cuối cùng Lê Mạnh Thát kết luận… Đạo Cao là người Việt Nam. Tương tự như thế với “sứ quân” Lý Miễu, do không tìm được văn bản nào đề cập tới nhân vật này, rút cục Lê Mạnh Thát cũng đi tới kết luận… “Lý Miễu chính là một vị vua của Việt Nam”! Vấn đề này trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam được Lê Mạnh Thát trình bày khá dài dòng và rối rắm, để thuận tiện theo dõi, xin được dẫn lại theo Hoàng Hải Vân, song tôi vẫn muốn dẫn ra một đoạn từ Lịch sử Phật giáo Việt Nam để bạn đọc được bổ sung thêm tài liệu về cách thức suy đoán của Lê Mạnh Thát. Chẳng là, để chứng minh Lý Miễu đích thị là một ông vua của Việt Nam, sau khi đặt ra hai giả thuyết và tự bác bỏ, Lê Mạnh Thát đưa ra giả thuyết thứ ba và biện luận: “đấy là giả thiết sự thêm thắt của Tăng Hựu hay một người có ý thức chính trị Trung Quốc nào đó, và nó có thể xảy ra như sau. Từ nguyên ủy những lá thư của Đạo Cao và Pháp minh rất có thể chỉ xưng Lý Miễu như “quân” hay “quân vương”. Đến khi chúng lọt vào tay những người Trung Quốc, họ liền thên vào chữ “sứ” trước chữ “quân” và lặt chữ “vương” đi, đưa đến sự xuất hiện cái anh hiệu “sứ quân”, trong khi lá thư vẫn tiếp tục nói đến chuyện “cư đại bảo chi địa” và “thổ ác dư hà” của Lý Miễu. Nói cách thứ ba này là tương đối thoả mãn nhất, bởi vì nó không cho phép hiểu câu “cư đại bảo chi địa” và tình hình chính trị nước ta ở thế kỷ V một cách dễ dàng, mà còn để lộ ra một phần nào thái độ chính trị và cảm thức chính trị của dân ta trong thế kỷ ấy. Đấy là tiếp tục gọi lãnh tụ của mình là thiên tử, dù ông chỉ là thứ sử hay thái thú trong các sử sách Trung Quốc, và từ đó để lộ thêm nguồn gốc Việt Nam của những lá thư” (12). Xét đoán như thế xong, Lê Mạnh Thát dùng phép loại suy để đi đến kết luận 6 bức thư qua lại giữa Đạo Cao và Pháp Minh với Lý Miễu được viết vào “khoảng năm 435”. Rồi từ đó suy đoán tiếp: vào khoảng năm 435 mà nước Việt Nam vẫn có một ông vua thì cũng có nghĩa là không có thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất. Ô hay, chẳng nhẽ mọi sự lại đơn giản đến như vậy hay sao?
5. Lại nhớ trên Tạp chí Văn học (số 5 năm 2002), PGS TS Nguyễn Hữu Sơn đã công bố bài viết có nhan đề Mấy vấn đề đặt ra từ Nghiên cứu về “Thiền uyển tập anh”, bài viết có nội dung giới thiệu cuốn sách Nghiên cứu về Thiền uyển Thiền uyển tập anh của Lê Mạnh Thát. Đọc bài này tôi nhận ra, dù trân trọng nghiên cứu của ông Lê Mạnh Thát về Thiền uyển tập anh, dù dành cho công trình một số nhận xét ưu ái, nhưng hẳn là PGS TS Nguyễn Hữu Sơn cũng đặng chẳng đừng khi phải sòng phẳng nhận xét về các suy biện chủ quan mà Lê Mạnh Thát thể hiện trong công trình:
- “Ở đây, theo chúng tôi, trong tình hình chưa thể truy tìm được văn bản nguồn gốc thì tất cả những lập luận, suy luận, suy diễn, nói khác đi, nếu không đi nữa, dẫu sao (chữ dùng của LMT)... trước sau cũng mới chỉ là những đoán định đặt trong chiều hướng, xu thế, khả năng, đòi hỏi cần được tìm hiểu thêm”.
- “Tuy nhiên, với trường hợp “truyền bản đời Lê sơ”, trên cơ sở cứ liệu việc biên soạn lại Việt điện u linh tập và Lĩnh Nam chích quái, tác giả đi đến kết luận: “Điều này chứng tỏ Thiền uyển tập anh lưu truyền khá phổ biến vào đời Lê sơ, tức khoảng trong những năm 1448 - 1466...” (tr.32), song thực chất cũng chỉ là kết luận ngoại suy. Nó chỉ chứng tỏ kiến văn uyên bác và khả năng suy tưởng sâu sắc nơi người viết, nhưng do điều kiện tư liệu và bản thân tính phức tạp của đối tượng nghiên cứu qui định nên các kết luận trên vẫn chỉ là ngoại suy (tất nhiên là ngoại suy của một học giả trình độ bậc thầy), chứ chưa phải đã đưa lại kết quả học thuật minh chứng hiển nhiên”.
- “Để đi tới những kết luận giả định này, người viết đã vận dụng vốn kiến thức vô cùng sâu rộng, từ đó góp phần khơi mở những định hướng nghiên cứu mới mẻ (đơn cử như việc đề xuất việc khảo sát thực địa xã Nguyệt Áng - nơi có tháp Kim Sơn - vốn thuộc tổng Phù Lưu, huyện An Lão, phủ Kim Môn, tỉnh Hải Dương cũ). Có điều, những suy đoán dù thông tuệ chặt chẽ bao nhiêu cũng đành dừng lại ở mức độ có khả năng, chưa thể là kết luận cuối cùng”…
Xem ra nhận xét của Nguyễn Hữu Sơn đối với cung cách làm việc của Lê Mạnh Thát trong Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh cũng không khác với nhận xét của tôi về cung cách làm việc của Lê Mạnh Thát trong Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta. Đọc cuốn sách, có thể tiếp cận với vô số suy đoán kỳ khôi, vô số biện giải kỳ tài. Tỷ như, để hoàn chỉnh kết luận của ông rằng truyền thuyết An Dương Vương chỉ là vay mượn từ Mahabharata, từ góc độ ngôn ngữ, Lê Mạnh Thát giải thích nguồn gốc tên gọi Thục Phán như sau: “Chữ Pandu này, nếu cứ vào thông lệ phát âm của người nước ta, có thể phát thành “phan thu”… Cái tên Phán của con vua Thục chắc chắn đã phải là phiên âm chữ Pandu, tên người cha của Yudhisthira” (13)! Hay Lê Mạnh Thát coi Cao Lỗ - tương truyền là người giúp An Dương Vương làm ra “nỏ thần”, chính là nhân vật Krsna trong sử thi Mahabharata, và ông diễn giải: “Tiếng Phạn viết nó như Krsna, mà nếu phát âm, sẽ đọc như Kà rớt sờ na. Chỉ cần nhìn phát âm ấy, ta tất có thể thấy tên Cao Lỗ đã xuất phát từ đâu. Nó chắc hẳn là phiên âm hai ngữ phận đầu Krsna của người nước ta” (14), tức là Kà rớt được đọc thành Cao Lỗ! Suy đoán theo lối của Lê Mạnh Thát thì có khác gì bảo rằng tên nhân vật thống lý Pá Tra trong Vợ chồng A Phủ chính là do Tô Hoài đã vay mượn từ tên gọi của thành phố Pápa tận bên Hungari; hay Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân đến… Nguyễn Hòa - kẻ viết bài này, là có cùng một trực hệ!
Từ giả thuyết đến chứng minh, cuối cùng rút ra kết luận có giá trị về lý luận và thực tiễn, đó là tiến trình mang tính nguyên tắc đòi hỏi mọi người nghiên cứu phải luôn luôn tuân thủ. Lê Mạnh Thát cũng đi theo tiến trình này, song đó là một tiến trình hư vô vì ông đã đi từ giả thuyết hời hợt đến khảo chứng theo lối tư biện, chủ quan và kết luận một cách cực đoan. Tuy nhiên, việc Lê Mạnh Thát huy động một lượng tri thức phong phú từ nhiều nguồn khác nhau vào công trình đi kèm với những lời xác quyết như phát ngôn của một học giả có thẩm quyền đã che lấp điểm yếu cốt tử trong “nghiên cứu” của ông, và làm cho một số người như bị choáng ngợp khi tiếp xúc với một lượng tri thức rối rắm nhưng đem lại cảm giác về sự thông tuệ, uyên bác, công phu!
6. Với sự phát triển của trình độ nhận thức khoa học, của khả năng khám phá, của các phương tiện hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu… con người đã có được, cho đến nay, nhiều bí ẩn lịch sử đã được “giải mã”, giúp chúng ta có thêm cái nhìn mới về lịch sử. Song điều đó lại đặt công việc nghiên cứu trước những đòi hỏi khắt khe hơn, làm cho việc phát hiện ra cái mới trở thành một thách thức không dễ vượt qua nếu người nghiên cứu thiếu vắng năng lực khoa học, không có khả năng nắm bắt và sử dụng các phương pháp nghiên cứu, không có nhãn quan khoa học sáng suốt, không xuất phát từ các tiền đề khoa học đúng đắn… Có thể trong Lê Mạnh Thát luôn thường trực một tình yêu dân tộc, nhưng dù tình yêu ấy tràn đầy đến thế nào thì ông mới chỉ có động cơ nghiên cứu, vì tình yêu dân tộc không thể thay thế các yêu cầu, các nguyên tắc của hoạt động nghiên cứu. Đừng vì Lê Mạnh Thát có tình yêu dân tộc mà gán cho kết quả “nghiên cứu” của ông nhãn hiệu “cái mới”. Trong sinh hoạt văn hóa - xã hội nói chung, trong nghiên cứu khoa học nói riêng, để được thừa nhận và khẳng định, cái mới bao giờ cũng phải là kết quả của sự tìm tòi, sáng tạo phù hợp với quy luật phát triển, mang tính tích cực xã hội,-góp phần làm sáng tỏ, nâng cao nhận thức của con người… Trong nghiên cứu khoa học, cái mới bao giờ cũng phải là phát hiện ra một (hoặc nhiều) điều khác với những gì cùng lĩnh vực đã có từ trước, nhưng hiển nhiên, không phải bất kỳ cái gì khác trước cũng đều được coi là “mới”. Mặt khác, cái mới ít nhiều còn mang tính lịch sử, cái mới của ngày hôm qua có thể là bình thường (thậm chí là cái “cũ”) của ngày hôm nay. Như khi PGS Phan Ngọc đưa ra quan niệm về sự “khúc xạ” của nhiều giá trị văn hóa nước ngoài sau khi du nhập vào Việt Nam chẳng hạn. Phát hiện của Phan Ngọc là cái mới ở thời điểm tác giả đưa ra, còn lâu nay, nó đã trở thành điều bình thường trong quan niệm của nhiều nhà nghiên cứu khi bàn về tiếp biến văn hóa ở Việt nam. Từ lịch sử vấn đề, tôi không coi “phát hiện” của Lê Mạnh Thát có gì mới mẻ, tôi coi đó chỉ là vệt kéo dài của xu hướng nghiên cứu lấy “Việt Nam làm trung tâm”, cố gắng quy nạp nhiều thành tựu văn hóa - văn minh châu Á cổ đại về với Việt Nam, đưa tới cảm giác dường như Việt Nam đã từng là “cái nôi” khai sinh của nhiều giá trị văn hóa - văn minh phương Đông!
Thêm nữa, từ góc nhìn thức nhận và có tính biện chứng, đối với một công trình nghiên cứu, không thể chỉ đánh giá từ kết quả mà công trình có được, hay xem xét trong đó tác giả sử dụng tư liệu gì, quan niệm của tác giả khi xử lý tư liệu ra sao,… bản chất hơn là phải xem xét điểm xuất phát, xem xét điều gì đã tạo nên tiền đề để tác giả tiến hành công trình. Từ góc nhìn ấy, tôi xin khẳng định: Nghiên cứu của ông Lê Mạnh Thát chỉ là một phán đoán chủ quan, ông đi từ giả định đến khẳng định mà bỏ qua một vấn đề then chốt trong nghiên cứu là chỉ có giả định đúng mới có thể (xin nhấn mạnh - NH) đi tới kết luận đúng. Nói cách khác, ông Lê Mạnh Thát mới đưa ra một giả thuyết, mà giả thuyết ấy như tôi đã chứng minh, vừa sai lầm về phương pháp vừa hư vô về tiếp cận và xử lý tư liệu, chúng chưa hội đủ các điều kiện cần thiết để ông phăm phăm đi tới kết luận cuối cùng. Vì thế theo tôi, “phát hiện” của Lê Mạnh Thát hoàn toàn không mang ý nghĩa là “cái mới” như một số tác giả đã lớn tiếng ca ngợi.
7. Theo lẽ thông thường, lẽ ra cuốn sách Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta cùng các kết luận Lê Mạnh Thát trong đó cần được khảo chứng cẩn trọng dưới nhãn quan khoa học thì thật đáng tiếc, vấn đề lại trở nên ầm ĩ qua sự tung hô của một nhà báo mà tôi tin là tác giả này còn thiếu năng lực đánh giá một công trình nghiên cứu, cũng như thiếu năng lực thẩm định các luận điểm của một công trình nghiên cứu. Bằng việc gán cho Lê Mạnh Thát và Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta “những phát hiện lịch sử chấn động”, qua các câu chữ đã sử dụng (“phát hiện cực kỳ quan trọng… đưa ra một loạt những kết luận với các chứng cứ không thể phản bác… chứng cứ đanh thép… khám phá một sự thật lịch sử thú vị… Với những khám phá của ông, chúng ta có đủ tài liệu để dựng lại lịch sử vẻ vang của dân tộc ta từ hai ngàn năm trước…”), Hoàng Hải Vân vừa bỏ qua thái độ khách quan cần có khi đề cập tới một vấn đề học thuật, vừa bộc lộ sự vội vàng trong tiếp nhận và xử lý thông tin, vừa tỏ ra thiếu trách nhiệm trước bạn đọc. Với bài viết từ tâm thế của một xác tín hồn nhiên như thế, lẽ ra nên cẩn trọng thẩm định trước khi công bố, bởi đây là đề tài liên quan tới một số vấn đề hệ trọng, hàng nghìn năm nay đã in dấu ấn trong trong niềm tin, trong tâm thức dân tộc, đồng thời còn là nỗi đau đáu của nhiều học giả đương thời. Song, không rõ do thiếu khả năng thẩm định hay vì muốn đưa ra thông tin “giật gân” mà người ta đã tỏ ra thiếu thận trọng?
Đáng tiếc hơn, trong “dàn đồng ca do Hoàng Hải Vân lĩnh xướng”, lại có một vài tác giả mượn danh “cái mới” để cổ vũ cho một hướng nghiên cứu tùy tiện. Tôi thật sự thất vọng khi đọc các dòng chữ do một vị tiến sĩ viết: “Dù không thể tránh khỏi sai sót, những ý kiến của thiền sư Lê Mạnh Thát là cực kỳ ấn tượng và nhất là, mang tính dự báo cho bước đột phá quan trọng đối với việc dựng lại những trang sử của dân tộc trong các thời kỳ không có hoặc thiếu sử liệu… tôi nghĩ đóng góp to lớn và nhiều ý nghĩa nhất của thiền sư Lê Mạnh Thát là ở chỗ ông đã bổ nhát cuốc đầu tiên để khai phá rồi ươm trồng những hạt giống nhận thức mới về lịch sử… Cái đáng quý và cần được ghi nhận một cách trân trọng là ở chỗ, thiền sư Lê Mạnh Thát đã buộc tất cả những nhà nghiên cứu lịch sử nước ta và cả những ai quan tâm đến lịch sử phải có một thay đổi thật sự trong cách tiếp cận, cách hiểu và diễn giải lịch sử”. Đọc xong ý kiến này, ấn tượng sâu sắc mà ông tiến sĩ đem tới cho tôi chỉ là sự sững sờ. Vì tôi đồ rằng đến thời điểm đưa ra phát ngôn, ông tiến sĩ vẫn chưa đọc cuốn sách của Lê Mạnh Thát, mà chỉ nói dựa theo bài báo của Hoàng Hải Vân. Vậy tôi có thể nghi ngờ phát ngôn của một vị tiến sĩ khả kính và có thể đặt câu hỏi: phải chăng học vị tiến sĩ ở xứ An Nam ta cũng có năm bảy đường? Tôi còn thất vọng hơn khi thấy một nhà thơ nói rằng: “Với cảm nhận của bản thân, tôi cho rằng những giả thiết mà thiền sư đặt ra là rất đáng trân trọng. Trước hết phải ghi nhận là thiền sư đã có một tinh thần dân tộc, luôn mong muốn làm sáng tỏ lịch sử nước nhà. Thiền sư đã cất công tìm tòi, dò sâu vào lịch sử, đọc những tài liệu, những công trình khoa học từ nhiều nguồn, nhiều quốc gia, nhất là trong các tạng kinh Phật. Đây là một cơ duyên mà không phải ai cũng có được. Trong bối cảnh mà nhiều nguồn tài liệu khác đã bị tiêu hủy, thì việc phát hiện những vấn đề lịch sử tiềm tàng trong kinh Phật là điều rất quý”. Với một vấn đề khoa học, người ta không thể đánh giá bằng sự “cảm nhận” (bởi đó không phải là một bài thơ!), nên tôi nghĩ nhà thơ cũng khó có thể phân biệt được sự khác nhau giữa sử liệu với “vấn đề tiềm tàng trong kinh Phật”, vì lẽ: sử liệu là sử liệu và luôn luôn cần phải được thực chứng; còn kinh Phật là kinh Phật và trong đó còn bao chứa các tín điều, các huyền thoại để thần thánh hóa các tín điều. Cho dù sử liệu và kinh Phật có quan hệ mật thiết đến mức nào thì vẫn không thể nhầm lẫn, do vậy để bảo đảm cho sự nghiêm cẩn của ý kiến, lẽ ra trước khi phát biểu “cảm nhận”, nhà thơ cần tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn như GS Phan Huy Lê, TS Nguyễn Việt mà báo chí đã đăng tải. Cũng xin thưa, dù nhà thơ đã đọc Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta thì cũng không có nghĩa ông có thể lĩnh hội nó trong tư cách một công trình khoa học, ấy là chưa nói có thể ông đã không đọc cuốn sách với tâm thế phản biện, mà bị thuyết phục bởi những điều mà chưa chắc ông có khả năng lý giải.
Không bàn tới các cuốn sách khác của Lê Mạnh Thát, không đánh giá ông đã có đóng góp như thế nào, từ các phân tích trên đây tôi thiết nghĩ, ngoài một số tư liệu cho thấy tác giả là người đọc rất nhiều, cuốn Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta của Lê Mạnh Thát rất thiếu vắng giá trị khoa học. Nếu kết luận của Lê Mạnh Thát là “phát hiện chấn động” thì nó chỉ có ý nghĩa duy nhất là làm nhiễu loạn nhận thức của công chúng về lịch sử, về các vấn đề có liên quan với nguồn gốc dân tộc. Tôi luôn kính trọng những tác giả có chí hướng nghiêm túc khi cố gắng đi tìm nguồn gốc của dân tộc, song tôi không đặt niềm tin vào động cơ khoa học của một tác giả khi chưa biết ý kiến của mình đúng - sai ra sao đã cao ngạo mạt sát tiền nhân “nhắm mắt nói càn… khốn nạn hết chỗ nói!” (Nhận xét này, dù bị nhiều người phê phán nhưng vẫn ưu ái cho rằng đó không phải là nhận xét của một người say mê Phật học, đến nay vẫn chưa thấy Lê Mạnh Thát đính chính? Tương tự như vậy, việc Lê Mạnh Thát có phải là Giáo sư, Thiền sư hay không xem ra vẫn còn rất mù mờ, vì ngày nay, chức danh Giáo sư là do Nhà nước quyết định, danh hiệu Thiền sư cũng phải được Tăng đoàn công nhận, chứ không phải cứ khoái lên là có thể tặng phứa cho nhau). Vì thế đề nghị các vị học giả, các nhà nghiên cứu không nên tổ chức hội thảo về cuốn sách làm gì, công việc ấy chỉ làm tốn kém thêm tiền bạc của nhân dân mà thôi./.
Home »
CÂU CHUYỆN KHOA HỌC
» Huyền thoại hay sự thật cội nguồn cha Rồng mẹ Tiên