Trịnh Công Sơn - Để lại trong thiên thu một "hình dáng nụ cười"
Đã 10 năm trôi qua, kể từ ngày Trịnh Công Sơn từ giã chúng ta để đi vào cõi vô thường. Nhưng âm nhạc của ông thì vẫn ở lại trong lòng công chúng. Như một dòng suối không biết cạn, nó thì thầm, an ủi nhiều thế hệ người nghe lúc buồn, lúc vui, lúc hoang mang vô định. Dường như đời sống càng ồn ào, khốc liệt, người ta càng có nhu cầu muốn được quay về "ngồi yên dưới mái nhà" để nghỉ ngơi trong chính tâm hồn mình.
Và người ta nghe Trịnh. Nhân 10 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn (1/4/2001 - 1/4/2011), hãy nghe những chia sẻ từ một người đã từng gặp Trịnh, nghe Trịnh hát, uống rượu với Trịnh, nhưng không dám nhận mình là bạn, là anh em, thậm chí "chả dám nhận mình là gì cả", vì "Trịnh lớn quá". Đó là nhà thơ Mai Linh.
+ Năm 1977 tôi gặp Trịnh Công Sơn tại Hội nghị phân hội Văn học Bình Trị Thiên. Lúc đó tôi là hạ sĩ trong quân đội. Khi tôi đến trụ sở Hội số 5 Lê Lợi (Huế) thì tôi gặp một người đeo kính, đội mũ lưỡi trai, trên vai là một chiếc túi chứa rất nhiều bản thảo. Anh lái chiếc ôtô cũ đưa tôi về nhà khách tỉnh ủy, trên đường đi rất kiệm lời, chỉ hỏi một câu rằng có phải tôi ở binh đoàn Hương Giang hay không.
Tôi thấy con người này có một điều gì đó rất lạ, rất khác biệt. Ông làm công việc hành chính rất cần mẫn và chu đáo. Ông đưa tôi lên phòng, trao cho tôi chìa khóa và một tập phiếu ăn. Khi ông đi rồi, tôi nghe tiếng nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường dưới sân đang hỏi nhà thơ Tô Nhuận Vỹ: "Này, Trịnh Công Sơn đã đón Mai Linh về đây chưa?", thì tôi giật mình. Hóa ra tôi đã được Trịnh Công Sơn đưa đón, thật là ngạc nhiên và hạnh phúc.
Tôi nhớ một buổi trưa nắng trên ghế đá gần cầu Trường Tiền ở Huế, Sơn ngồi hát cho bạn bè mình nghe. Sơn hát một cách say mê. Tôi cảm nhận rằng, Sơn chính là người hát hay nhất âm nhạc của mình. Và dù Sơn hát giữa rất đông khán giả hay với chỉ một người thôi thì lúc nào cũng là đắm đuối như vậy.
Bởi vì khi cất tiếng hát lên chính là lúc Sơn "soi gương" mình, nhìn sâu vào chính mình. Ấn tượng của tôi về Sơn luôn là một con người nhỏ nhẹ. Khi ngồi với bạn bè Sơn ăn rất ít, nói rất ít. Những lời nói của Sơn giữa cuộc vui cũng nhẹ như gió thoảng. Sơn im lặng phần nhiều. Và hình như đó chính là những quãng lặng của âm nhạc.
- Theo thiển ý của tôi, trong đời sống văn học nghệ thuật từ xưa đến nay, những tác phẩm được người ta nhớ tới phần nhiều đều nói về thân phận con người. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn cũng thể hiện rất rõ điều này. Dù ông viết về điều gì, tình yêu, tình anh em, tình quê hương đi chăng nữa…thì thực ra cũng là viết về thân phận con người. Theo ông, đây có phải là một trong những yếu tố khiến người nghe nhiều thế hệ "nghiện" nhạc Trịnh đến vậy?
+ Chúng ta có thể cảm nhận, con đường đến tình yêu và số phận của Trịnh Công Sơn cắm đầy "biển chỉ dẫn". Nói như nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường thì trên bàn tay của Sơn có một đường dẫn đến tình yêu. Bài hát nào của Trịnh cũng là diễm tình cả. Sơn là một cuốn bách khoa thư về tình yêu, là cuốn từ điển nhấp nháy những ký tự về tình yêu.
Cố nhiên, khái niệm tình yêu trong nhạc Trịnh Công Sơn tồn tại ở một nghĩa lớn hơn, rộng hơn, triết học hơn khái niệm tình yêu thông thường mà ta hiểu. Sơn là người bắt được "kinh mạch" của ái tình và mỗi bài hát của Sơn giống như một cơn mưa của tâm hồn. Nó an ủi, sẻ chia mà không bi lụy. Bằng âm nhạc, Trịnh Công Sơn có khả năng mã hóa được thân phận của con người, của dân tộc, của quê hương đất nước, qua thân phận của tình yêu.
Vì sao Sơn viết về tình yêu? Vì tình yêu chính là liều thuốc an thần của nhân loại. Và những vui buồn, thân phận thì con người ở nơi nào cũng giống nhau. Sơn đã nói những tiếng thì thầm ấy với khả năng biến cảm mãnh liệt của mình. Và Sơn đã gặp được người nghe nhiều thế hệ.
- Trịnh Công Sơn sử dụng một hệ ngôn ngữ rất riêng, đậm chất thiền và tinh thần Phật giáo trong âm nhạc của mình. Trịnh thực sự là người cầu kinh bằng âm nhạc. Nhưng nhạc Trịnh lại cũng rất đại chúng. Vậy, ông cắt nghĩa như thế nào về điều này?
+ Chúng ta thấy âm nhạc của Trịnh Công Sơn có tiết tấu chậm. Chậm mà không đơn điệu. Vì Trịnh Công Sơn trước hết là nhà thơ. Và tôi nghĩ, chỉ có nhà thơ mới có khả năng kể những câu chuyện về kiếp người, về phận người. Trước tiên, ca từ trong nhạc Trịnh thực sự là những bài thơ hoàn chỉnh. Nó có thi điệu và thi ảnh.
Âm nhạc của Sơn không mang cấu trúc của âm nhạc phương Tây. Sơn cũng không chịu ảnh hưởng của bất cứ dòng nhạc nào. Sơn đã khấn vái thần linh một cách hồn nhiên nhất. Những triết lý của nhà Phật đã được Sơn hát lên một cách giản đơn, nguyên khiết, khiến cho mỗi người nghe đều có thể cảm nhận được và "ngộ" ra mình trong đó. Điều này giải thích vì sao Trịnh Công Sơn lại có nhiều công chúng đến vậy. Cứ để ý mà xem, phàm âm nhạc được đưa vào danh mục hát karaoke không dễ.
Vì nó phải là phổ cập. Trong khi đó, list những bài hát của Trịnh là rất dài. Công chúng nhiều thế hệ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau đều có thể tìm thấy sự vỗ về, yên ủi trong nhạc Trịnh. Sinh thời, Trịnh Công Sơn là người lúc nào cũng ung dung, an nhiên, tự tại. Nhưng tôi chắc rằng trong đời sống nội tâm của Sơn phải là nhiều vật vã lắm, phải "li-mi-ti" lắm, trắc ẩn lắm thì mới có được những ca khúc như vậy. Mỗi bài hát của Sơn là một ngọn lửa nhỏ, nó âm ỉ cháy, nhưng cháy chân thành và mãnh liệt, đến mức cay đắng nên mới có được một đời sống lâu bền.
Ngày hôm nay đời sống có rất nhiều thứ âm nhạc "phô phang", nó làm phiền và gây nhiễu người nghe hơn là sẻ chia, an ủi. Một khi người viết không minh ngữ thì tác phẩm của anh ta không bao giờ có cơ may trở thành bầu bạn với công chúng được. Trịnh Công Sơn là người giỏi ngoại ngữ. Sơn am hiểu, thẩm thấu âm nhạc thế giới để biết mình phải khác những gì đã có. Để đi con đường của riêng mình. Sơn là một con suối có "passport" chảy đi trong lòng thế giới. Một con suối có cội rễ, có "bờ vùng, bờ thửa". Và riêng biệt.
- Tôi rất lấy làm thú vị khi ông so sánh sự tương đồng về cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh Công Sơn với nhạc sĩ thiên tài người Nga Vladimir Vysotski. Ông có thể nói kỹ hơn về điều này?
+ Vladimir Vysotsky là nhạc sĩ, nhà thơ người Nga. Ông sinh trước Trịnh Công Sơn 1 năm (năm 1938) và chết ở tuổi 42, là nghệ sĩ được yêu mến vô cùng ở Nga và trên thế giới. Vysotsky và Trịnh giống nhau ở điểm họ đều là những nghệ sĩ hát hay các tác phẩm của mình với cây đàn ghi ta, đều có gia tài 600 bài hát, là nghệ sĩ phản chiến và viết nhiều về thân phận tình yêu. Họ đều là những người cất tiếng nói về hòa bình cho nhân loại và đến ngồi trên cỏ của ái ân. Ca khúc của họ, ngay cả ở những bài có tiết tấu nhanh, vẫn phủ một "tấm khăn voan" của nỗi buồn thân phận, sự trắc ẩn về kiếp người. Họ giống nhau cả cái chết. Trong đám tang của cả hai người, hàng ngàn người yêu âm nhạc đã tiễn đưa và hát bài hát của họ.
- Trịnh Công Sơn từ giã chúng ta để về cõi thiên thu đã tròn 10 năm. Một thập kỷ với biết bao đổi thay, biến động. Và cũng đủ để chúng ta cảm nhận sức sống của nhạc Trịnh xuyên qua thời gian, không gian. Với riêng ông, ông tri ngộ những gì từ âm nhạc của Trịnh?
+ Tôi thấy rằng, âm nhạc Trịnh Công Sơn xóa bỏ đi mọi sự ngộ nhận của mỗi người về chính mình. Đời sống của Sơn, cả phần xác và phần hồn, đều có thể răn dạy chúng ta một điều gì đó về cuộc đời, về kiếp người. Trong không ít bài hát của mình, Sơn nói về cõi tạm. Rằng đời sống con người là hữu hạn. Vì hữu hạn nên phải biết sống cho thật đẹp, rồi "để gió cuốn đi". Tổng hòa những vui buồn của kiếp người là "xích-ma" cát bụi. Với âm nhạc, Sơn dường như đã thay lời đức Phật để báo hiệu một đáp số cuối cùng của đời sống là tình yêu thương con người còn lại.
Giống như con hồng hạc đi trên tuyết và để lại những dấu chân của mình. Giống như những bài hát của Trịnh thường không nhắc đến các địa danh. Vì địa danh cuối cùng mà Trịnh muốn "cắm mốc" trong âm nhạc, chính là trái tim và tình yêu thương của con người. Bởi thế, trong âm nhạc, Trịnh Công Sơn hay nhắc về cái chết, như nhắc về một phần của đời sống. Rằng: "Cái chết là sự đùa cợt cuối cùng của đời sống con người". Và dù đã hòa bóng dáng mình vào cây cỏ, Trịnh Công Sơn vẫn còn "để lại trong cõi thiên thu một nụ cười"- như câu hát của ông.
- Xin cảm ơn nhà thơ Mai Linh!
(Công an Nhân dân)
Nhà thơ Mai Linh bên mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Gò Dưa, TP.HCM |
- Thưa nhà thơ Mai Linh, ông gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu vào năm nào và ông có những kỷ niệm gì đáng nhớ với Trịnh?