Home » » ĐỒNG ĐỨC BỐN

ĐỒNG ĐỨC BỐN

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011 | 22:26

Đồng Đức Bốn bắc cầu lục bát
(Toquoc)- Nói đến Đồng Đức Bốn là người ta nghĩ ngay đến thơ lục bát. Là bởi có mấy người nổi tiếng theo nhau phong đai phong đẳng lục bát cho anh. Cũng có thể là chính thơ anh tự tấn phong cho anh? Tôi nghĩ: cả hai.

Ngược lại, có người vẫn coi Đồng Đức Bốn là cây bút có tài, nhưng thơ Bốn thì họ chỉ coi là “thơ vàng mạ”, “thơ rỗng ruột”. Nguyễn Hòa nhận định: “Phải chăng sự dông dài của những câu thơ “rỗng ruột” là một trong những đặc điểm làm nên phong cách thơ Đồng Đức Bốn, và nếu trên đời có cái gọi là “y bát thơ lục bát” thì dường như nó đã bị trao nhầm chỗ”. Còn thần đồng Trần Đăng Khoa trong một bài viết chưa/không công bố thì cho rằng: “Chỉ óng ánh trang kim, nhưng nhẹ tếch chẳng có gì. Gạt cái vỏ mạ vàng ra, bên trong chỉ luễnh loãng một chút sương khói”.
Vậy là thơ Đồng Đức Bốn được khen được chê rất khác nhau, thậm chí là hai thái cực, không cực nào chịu cực nào. Điều đó cũng làm khó cho Đồng Đức Bốn khi xin vào Hội Nhà văn Việt Nam. Cả 3 lần bỏ phiếu cho Bốn ở Hội đồng Thơ chỉ đạt được tỉ lệ 4/9 phiếu. Tôi cũng ngồi trong Hội đồng Thơ mấy lần bỏ phiếu cho Bốn, phải an ủi anh qua điện thoại: Tại vì cái tên cậu là Bốn cho nên nó mới ám vào 4 phiếu, hay là đổi tên thành Đồng Đức Chín cho nó hên?
Là nói thế cho vui, chứ đọc thơ Đồng Đức Bốn thấy nhiều câu hay, mà chỉ hay ở lục bát. Lục bát là một thể thơ dân gian mà không học cũng làm được. Ai là người Việt Nam mà chả biết thơ lục bát nó thế, nó thế. Nó ngấm vào tâm hồn người Việt đến nỗi xuất khẩu cũng thành thơ lục bát. Ca dao hò vè diễn ca trường thiên hay hát dân ca và chèo đều sử dụng thể loại thế mạnh này. Và Đồng Đức Bốn thấm đẫm cái thể lục bát từ trong bụng mẹ, nên anh làm lục bát dễ như thò tay vào túi. Nhưng tại sao lục bát của Bốn có nhiều câu hay? Trước hết, anh có một khả năng thơ trời cho, nhưng không chỉ có vậy, Bốn cũng là người say thơ, mê thơ, và học tập được cái hay cái dở ở trong thơ người khác. Anh phân biệt được thơ dân gian với thơ bác học. Nghĩa là, anh có học (dù tự học), anh có tư duy thơ, mà tư duy thơ của anh cũng có cái sự độc đáo riêng. Đó là sự trống trải, dày vò, đau đớn của riêng anh. Đó là bi kịch của tinh thần lãng mạn trong tâm hồn anh. Đó là sự lắng lại sau ồn ào ảo tưởng của người thi sĩ trước miếng cơm manh áo, hiện thực hay phù phiếm trước cuộc đời. Và thơ đã cứu thoát anh vượt ra khỏi biển đắng cay và mộng mị. Nói là vượt ra, bởi anh đã đứng ra ngoài câu thơ để đọc lại đắng cay của đời mình:
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành than.
Câu lục bát này hay bởi nó chứa đựng triết lý “được-mất” một cách ngơ ngác và đau đớn. Tuy câu lục chỉ là tiền đề với một ngôn ngữ phẳng (đơn nghĩa) nhưng câu bát lại gợi lên được nhiều cảm giác của mất mát và tiếc nuối với những thi ảnh trùng điệp: củ khoai, nướng, (buổi) chiều, (tro) than… Nhưng cái hay của câu lục bát này càng có giá hơn khi nó được cộng hưởng với cái không gian đồng quê mùa đông có vẻ như bất an của câu lục bát mở ra bài thơ đầy gợi cảm: “Chăn trâu cắt cỏ trên đồng/ Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều”. Bài thơ lục bát này gieo được ấn tượng khó quên cho người đọc chính là nhờ cái tâm trạng bất an được mất đó. Tuy vậy, câu thơ Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều khiến tôi nhớ đến một câu thơ của Hữu Thỉnh trước đó viết về người mẹ gánh rạ ngoài đồng. Cũng rạ, cũng gió đặt cạnh nhau mà câu thơ trở nên hay: Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió. Nếu không biết câu thơ của Hữu Thỉnh thì chắc câu của Bốn sẽ là một bất ngờ thú vị nhờ một tiểu đối hơi bị chênh chao.
Tôi từng nghĩ, nghệ thuật khởi đầu từ bắt chước. Điều đó không sai. Trẻ em vẽ con ngựa là bắt chước con ngựa, nhưng vì nó thích quá cái móng thiếc dưới chân ngựa nên nó có thể vẽ cái móng thiếc to hơn bình thường. Khi nó vẽ cái sở thích độc đáo của nó, đó là nghệ thuật ấn tượng của riêng nó. Đồng Đức Bốn cũng như mọi người làm thơ lục bát, đều bắt chước thể lục bát. Không biết ai là người đầu tiên làm ra câu lục bát để cho Truyện Kiều làm nên đại thi hào Nguyễn Du? Ấy là Truyện Kiều đã nâng lục bát dân giã lên tầm bác học. Khi Nguyễn Bính viết: “Anh đi đấy, anh về đâu?/ Cánh buồm nâu/ cánh buồm nâu/ cánh buồm...” và Bùi Giáng viết: Hỏi quê… rằng biển xanh dâu/ Hỏi tên… rằng mộng ban đầu đã xa” là họ đã tạo nên thi pháp mới cho lục bát. Đồng Đức Bốn cũng tiếp thu được cả tính dân giã và bác học của lục bát, nhưng tính dân giã trong anh thường lấn lướt tính bác học, bởi thế những bài thơ “tầm tầm” chiếm đa số. Cấu tứ bài thơ của anh lại thường bị cảm tính chi phối nên thường luễnh loãng (như Trần Đăng Khoa nhận xét), ít tạo nên những tứ thơ mạnh mẽ, cô đúc hay độc đáo. Điều này không thể so với Nguyễn Bính được, vì thơ Nguyễn Bính đậm hồn Việt nhưng cấu tứ lại hơi hướng phương Tây, rất chặt chẽ và bất ngờ. Chỉ với mấy con số chín trong Giấc mơ anh lái đò cũng đủ khiến ta sửng sốt khi tác giả buông ra câu lục bát: “Lang thang tôi dạm bán thuyền/ Có người trả chín quan tiền, lại thôi!”. Vì thế mà tôi khẳng định tài thơ của Bốn chính là nằm ở trong những câu lục bát tiêu biểu của anh, đó là những câu lục bát hay bất ngờ:
- Đời tôi mưa nắng ở đâu
Bây giờ vuốt gió trên đầu tóc rơi.
- Đừng buông giọt mắt xuống sông
Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm
- Câu thơ nấp ở sân đình
Nhuộm trăng trăng sáng, nhuộm tình tình đau
- Không em ra ngõ kéo diều
Nào ngờ được mảnh trăng chiều trên tay,
Luồn kim vào nhớ để may
Chỉ yêu cứ đứt trên tay mình cầm.
- Không em từ bấy đến giờ
Bàn tay vẫn héo như cờ chịu tang.
- Cầm lòng bán cái vàng đi
Để mua những cái nhiều khi không vàng
- Xong rồi chả biết đi đâu
Xích-lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương!
Từ những câu lục bát hay đó, có thể nhận ra một Đồng Đức Bốn đa cảm, giàu yêu thương và cũng lắm đau buồn. Có người trách thơ anh kém vui, nhưng tôi thấy nỗi buồn của anh dẫu cay đắng đến đâu cũng đều là nỗi buồn đẹp. Cái đẹp của thiên nhiên quê kiểng như ăn sâu vào anh, chìm đắm và anh không trôi đi được, không dứt ra được. Đối tượng thiên nhiên trong thơ anh quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vầng trăng, cánh đồng, dòng sông, con đò, nhưng sao mà đẹp thế! Đẹp vì thiên nhiên ấy gắn với tình người. Hơn nữa, đó là tình người thi sĩ.
Tuy vậy, Đồng Đức Bốn cũng có những bài lục bát hay. Không nhiều, nhưng hay. Đó là bài Chăn trâu đốt lửa (tôi đã dẫn ở trên), bài Trở về với mẹ ta thôi và bài Vào chùa.
Hầu như nhà thơ nào cũng làm thơ về mẹ, vì con ở trong mẹ từ khi còn là hạt bụi, một gắn bó đặc biệt hơn cả vô thức. Bài thơ của Đồng Đức Bốn viết về mẹ lại cũng trong một trạng huống đặc biệt, đó là khi mẹ bỗng trở về cát bụi. Nhưng sự gắn bó và tình yêu thương mẹ của Bốn thật là day dứt. Lời thơ viết về mẹ không thể làm dáng làm điệu mà chân thành mộc mạc đến tận cùng. Ba đoạn thơ đầu là viết về mẹ khi còn sống tảo tần cay đắng nuôi con, hai đoạn thơ sau là tâm trạng của con mất mẹ. Sự bùng nổ tình cảm của nhà thơ mất mẹ trong một cảnh ngộ thật đau lòng:
Con vừa vượt núi băng ngàn
Về nhà chỉ kịp đội tang ra đồng
Trời hôm ấy chửa hết giông
Đất hôm ấy chẳng còn bông lúa vàng
Đưa mẹ lần cuối qua làng
Ba hồn bảy vía con mang vào mồ
Mẹ nằm như lúc còn thơ
Mà con trước mẹ già nua thế này.
Và tâm trạng nhà thơ lúc đó thật lạ lùng:
Mẹ không còn nữa để gầy
Gió không còn nữa để say tóc buồn
Người không còn dại để khôn
Nhớ thương rồi cũng vùi chôn đất mềm
Đến câu kết thì thật bất ngờ và táo bạo:
Trở về với mẹ ta thôi
Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ.
Quan niệm “sống gửi chết về” bỗng dưng hiện lên trong câu thơ cuối như một cầu mong đươc về với mẹ, mãi làm lay động lòng người. Một bài thơ toàn bích.
Bài thơ Vào chùa chỉ bốn câu mà treo lên trước cuộc đời cả một câu hỏi lớn về tình thương đồng loại. Hai nhân vật sư và ăn mày, hai hướng đời và đạo. Nhưng cả hai đều sống bằng của bố thí. Vì thế mà cái cảnh diễn ra trước cửa chùa như báo trước một điều gì thật đáng lo ngại:
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Sư không sẻ chia cơm áo mà lại cho ăn mày “một lá bùa” rồi bỏ đi. Sao mà dửng dưng, sao mà chua chát thế. Ngòi bút Đồng Đức Bốn ở đây thật lạnh, nhưng rồi anh bỗng hiểu ra:
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.
Cái triết lý “con ông sãi chùa lại quét lá đa” như thấp thoáng hiện lên trong bài thơ như một bất lực, hay là một câu hỏi về tình đồng loại không dễ trả lời. Cái tưng tửng “chết người” của nhà thơ chính là ở chỗ đó. Đó là cách nói tài hoa của Đồng Đức Bốn.
Có người cho đó là một bài thơ thiền. Tôi nghĩ không phải. Đâu phải cứ có sư thì ở đó có thơ thiền. Đồng Đức Bốn càng không phải là một nhà thơ mang tư tưởng thiền, anh chính là một nhà thơ hiện thực mang bi kịch lãng mạn. Vì vậy mà nhiều khi anh ngơ ngác trước những nghịch lý trớ trêu của cuộc đời. Và anh đã làm thơ, đặc biệt là thơ lục bát, gây được ấn tượng trong lòng bạn đọc. Có thể nói, Đồng Đức Bốn đã “bắc cầu lục bát” để đến với cuộc đời này.
Hà Nội, 4.5.2011
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
Đồng Đức Bốn, Nguyễn Huy Thiệp,
Trần Thùy Mai
Vẫn biết hàng gì cũng cần có quảng cáo, nhưng hàng thơ (tôi gọi hàng thơ vì có ông nhà thơ lớn Nadim Hitmet khẳng định: Làm thơ là cái nghề gay lắm - có nghề thì có hàng) lại càng cần có những “con mắt xanh” của nhà phê bình nhìn tới. Vì làm thơ đã gay lắm, khó lắm thì chắc đọc thơ cũng không phải dễ. Thế mới cần “con mắt xanh”. Cho nên nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mới rọi “con mắt xanh” của mình vào lục bát Đồng Đức Bốn mà quả quyết rằng: có 4 người gữ “y bát” thơ lục bát đó là Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, Đồng Đức Bốn. Khi đọc được sự dàn xếp quả quyết đó của Nguyễn Huy Thiệp, tôi giật mình tưởng mình nhầm (hay in nhầm), phải đọc lại lục bát của Bốn. Và tôi nghĩ: “Quảng cáo cho thơ cũng chẳng sao”. Nhưng sau đó thấy Thiệp viết một bài khác về thơ Đồng Đức Bốn, ký một bút danh khác, và tìm cớ để phê phán Nguyễn Huy Thiệp như sau: “Trong tập thơ Trở về với mẹ ta thôi ngoài ý kiến đánh giá của Vương Trí Nhàn (ý kiến này có phần cán bộ tổ chức của Hội Nhà văn hơn là ý kiến một nhà phê bình văn học) còn có bài viết có phần nào thái quá của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp”. Thì ra Nguyễn Huy Thiệp cũng tự thấy mình thẩm thơ không phải lúc nào cũng đúng chuẩn.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved