Duyên thơ Nguyễn Tường Vĩnh
Thế giới thơ của ông phong phú, bởi một cuộc đời không suôn sẻ, nhưng tâm hồn luôn lạc quan, tấm lòng rộng mở. Trước bao ngang trái được mất một đời ông không có tâm thế yếm thế, buông trôi thường thấy. Riêng tôi rất mừng, bởi thần tượng về người lính mẫu mực buổi đầu bước chân vào quân ngũ của chúng tôi, sau gần nửa thế kỷ vẫn đẹp như thuở nào.
“Vẫn còn rõ nét trong tôi hình ảnh mùa đông 1965. Đó là mùa diễn tập đầu tiên của tôi trong đời bộ đội. Dạo đó, tôi ở một đơn vị cối 120 ly, pháo khênh vác. Đợt hợp luyện dài ngày. Cơ động liên miên, tập dượt cho một cuộc hành quân qua những miền núi non trùng điệp ra mặt trận. Là lính trinh sát, nhưng khi cơ động xa, chúng tôi vẫn chung vai chung tay với pháo thủ. Ba lô gạch trên vai. Bốn người khênh một bộ phận pháo xấp xỉ trăm ki-lô vượt những địa hình đồi núi của miền rừng Việt Bắc. Những lần trinh sát đo gấp nối liền đội hình chiến đấu, khi tuyến núi Con Trâu- Thanh Lanh- Ngọc Bộn, khi tuyến Cầu Bâm- Gia Cát- Phan Lương. Những đêm đẩy pháo từ Phù Ninh lên Việt Trì, Lâm Thao qua Trung Hà về chân Ba Vì bắn đạn thật. Rồi những ngày mưa khênh cối vượt dốc cao, đèo dài lên mãi Tây Thiên, Thác Bạc, suối Giải Oan tận đỉnh Tam Đảo. Đầu mùa trú ở Bảo Đường, Khuân Dậu (Phú Thọ), cuối mùa sang tận Làng Nàng, Hữu Vu (Tuyên Quang). Suốt mùa đông buốt giá ấy, mảnh chăn đơn, tấm ni lông vừa che mưa, vừa lợp lán, manh chiếu gấp nhiều đã gãy thành hai mảnh- dạo đó đã làm gì được cấp tăng võng- lót chỗ ngủ trong rừng vầu Phan Lương, rừng trúc Cầu Chi, rừng ổi núi Thắm, rừng nứa Tràng Dương- Đại Từ. Nặng về tập đêm. Những đêm đông dài hun hút, sâu thăm thẳm, bọn trinh sát chúng tôi lên chiếm lĩnh tài quan sát trên những đỉnh cao lộng gió, hướng ống kính tìm bắt một ánh đèn le lói; và những đêm mưa hành quân, qua một xóm nhỏ, một phố vắng, thèm da diết một mái nhà tranh, một manh áo khô, một bếp lửa ấm, một giấc ngủ thật đầy.
Trong những ngày ấy, bọn lính học trò chúng tôi cứ bảo nhau: Gian khổ là như thế đấy. Chẳng thể nào vượt hơn. Hãy nhớ lấy để có lúc còn dùng… Quãng đời người chiến sĩ ngoài mặt trận như một tấm gương soi, một thứ thuốc thử đời sống hiện tại về chí tiến thủ, ý chí vươn lên, lòng say lý tưởng, sức xông xáo, xốc vác, về đức hy sinh quên mình. Cả về lòng ngay thẳng, sự trong sáng, và tình nghĩa giữa những con người. Với đa số những người lính chúng ta, thì những tháng năm gian khổ, chung sức làm nên những thắng lợi vẻ vang là một kỷ niệm vô giá. Mọi chúng ta đã lớn lên trong gian khổ, thử thách qua gian khổ. Vả lại, đời lính đâu chỉ có gian khổ. Còn là bao nhiêu niềm vui lớn. Bao nhiêu tình cảm mặn nồng, suốt đời khó mà quên được”.
Đó là phần mở đầu bài viết của tôi về Những kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội đã in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1975, sau đó in trong tập Từ cuộc đời Chiến sĩ (1978). Một trong những người trực tiếp dẫn dắt chúng tôi từ thuở ban đầu tân binh không thể nào quên ấy chính là tác giả tập thơ mà tôi được vinh dự viết lời giới thiệu này.
Dạo đó, ông là Chủ nhiệm Trinh sát Tiểu đoàn 12 Trung đoàn 38 pháo binh thuộc Sư đoàn Quân Tiên phong 308. Do có chút học vấn- mấy đứa bọn tôi đã tốt nghiệp Đại học ra đi làm- nên được đưa về tiểu đội Trinh sát. Những bài học nghiệp vụ đầu tiên là các thao tác đo đạc nối liền đội hình chiến đấu và tính toán chuẩn bị phần tử bắn. Chẳng đơn giản như anh súng bắn thẳng là nhằm thẳng mục tiêu bóp cò, lính cối 120 bắn cầu vồng tới cự ly cách trận địa cả chục cây số, cần rất nhiều thao tác phức tạp: Sau khi đo đạc xác định được cự ly từ Trận địa đến mục tiêu còn phải tính đến độ chênh về cao độ 2 địa điểm, nhiệt độ không khí; tốc độ gió, hướng gió… để xác định số liều phóng cho chuẩn xác. Mà hàng trăm phép tính rối rắm đó chỉ được tính trong một phút! Nghe ông lên lớp mà chúng tôi hoa cả mắt, và lòng đầy khâm phục.
Đó là một sĩ quan trẻ, người cao ráo, nước da trắng, mắt to, gương mặt thật sáng. Đối với lũ tân binh xuất thân nhà quê miền Trung do đất nước tao loạn mà lạc vào đội hình Sư đoàn chủ lực mang dáng cách Thủ đô- Sư đoàn có Trung đoàn Thủ đô 102- Ông đúng là người mẫu lý tưởng của anh bộ đội Cụ Hồ mà chúng tôi thường hình dung qua sách vở: phong thái chững chạc, đẹp trai, hào hoa.
Sau này, gần gũi hơn, chúng tôi mới biết, quê ông ở Nghĩa Lâm, Nghĩa Hưng, Nam Định. Không hơn lớp tôi bao nhiêu tuổi nhưng ông đã hơn chúng tôi cả một cuộc kháng chiến chống Pháp. Do được học từ bé, đầu kháng chiến ở quê ông đã tham gia dạy văn hoá, ban ngày cho trẻ em, ban đêm cho người lớn, rồi tham gia công tác với công an, du kích.
Năm 1953, mới 16 tuổi ông đã được nhập ngũ vào Sư đoàn 308, đơn vị từng truy kích giặc chiến dịch Thượng Lào II, rồi đánh Điện Biên Phủ, các trận ở Cầu Lồ, Bắc Giang. Chàng trai 17 tuổi có mặt trong đội hình đơn vị về tiếp quân Thủ đô. Vừa công tác vừa học tập để đủ trình độ vào học khoá II Trường sĩ quan pháo binh, được tham gia lễ duyệt binh ở Quảng Trường Ba Đình trong lễ Quốc Khánh 1960. Ai từng làm lính mới hiểu được niềm vinh dự lớn lao này. Cuối năm 1962, ra trường ông về làm Trung đội trưởng Trinh sát rồi Chủ nhiệm Trinh sát tiểu đoàn 12, đơn vị chúng tôi nhập ngũ.
Chỉ hai năm đầu đời lính làm chiến sĩ của ông mà gần 40 năm xa cách tôi còn nhớ mãi những kỷ niệm đẹp.
Mươi năm gần đây, được gặp lại ông trong các dịp gặp gỡ bạn chiến đấu E38F308, thấy bước chân ông đi không bình thường, tôi được biết rõ hơn quãng đời từ ngày xa đơn vị cũ: Khi đơn vị tôi chuyển sang pháo Đ74 bảo vệ bờ biển ở Quảng Xương- Thanh Hoá 1967 rồi đầu 1968, hành quân theo đội hình tiểu đoàn pháo Đ74 độc lập vào chiến trường B4 Trị Thiên, thì sư đoàn của ông chiến đấu ở B5: Mặt trận Khe Sanh rồi Chiến dịch Đường 9- Nam Lào cuối năm 1971. Đang là Tiểu đoàn trưởng (cấp bậc Trung uý?) với những trận đánh xuất sắc, xông xáo, khi dẫn một đại đội vào diệt cụm pháo cối 160 và pháo 175 vua chiến trường ở chốt 500, Cứ điểm Tà Púc, bị phẩn pháo, một mảnh đạn găm vào đầu, gãy chân, nhiều vết thương trên người, chiếc mũ sắt hộ mệnh chỉ giữ cho viên đạn không vào sâu hơn. Trong trận địa bom đạn đầy trời, ông đã được đồng đội phá vòng vây, đưa về cấp cứu. Hy vọng sống thật mong manh. Nhưng rồi, với tình đồng đội, ý chí chiến đấu, nghị lực và rèn luyện của bản thân, sau thời gian ngắn điều trị, tháng 10/1973, ông đã trở lại công tác trên cương vị Hiệu trưởng Trường Bổ túc Văn hoá Thương binh miền Nam ở Hà Tây.
Thật khó tưởng tượng một thương binh sọ não đặc biệt, chỉ duy trì sự sống đã là khó, thế mà vẫn kiên trì, miệt mài, quyết chí học tập, mà lại học giỏi, hết lớp bổ túc Hiệu trưởng và Giám đốc, được giữ lại Trường Quốc gia Hành Chính làm giảng viên, lại học tiếp lớp lý luận Chính trị cao cấp ở Học viện Chính Trị Quốc Gia, rồi được điều về làm chuyên viên ở Bộ Lao động- Thương Binh- Xã Hội.
Cuối 1990 đến 4/1997, ông về làm phó Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ trường Lao động- xã hội.
Từ tháng 5/1997, ông về hưu, nhưng vẫn tiếp tục được mời tham gia nghiên cứu và giảng dạy ở các trường Đại học, các lớp tại chức ở nhiều nơi trong nước.
Con người làm việc trí óc bền bỉ, dẻo dai, nhiều sáng tạo, năng suất cao liên tục gần 40 năm với một hộp sọ bị khuyết và hưởng chế độ thương binh đặc biệt Nguyễn Tường Vĩnh phải chăng là một bí ẩn đối với khoa học?
Chỉ biết, đối với đồng đội, với lớp chiến sĩ chúng tôi, ông là một người lính, một anh bộ đội cụ Hồ mẫu mực và phi thường.
*
Nhưng ông còn là một nhà thơ.
Tác giả các tập thơ: Người về từ Tà púc (2004), Tình khúc chiều (2006), Còn lại với thơ (2007), Tiếng gọi thời gian (2008) và đây là Một chút duyên thơ (2009).
Thơ ông có mặt trên nhiều sách báo cả nước. Ông được tín nhiệm trong nhiều Câu lạc bộ Thơ.
Người thương binh đặt biệt ấy ở tuổi 75 vẫn trẻ trung, nhanh nhẹn, yêu đời, có lẽ ngoài nghị lực, thuốc thang (nếu có), ông còn có một phép dưỡng sinh độc đáo và đặc biệt: LÀM THƠ.
Tuổi già thường mắc bệnh thời tiết. Vết thương của ông càng nhạy cảm với mưa nắng thất thường. Và bấy giờ ông lấy thơ làm TIÊN DƯỢC:
Riêng thơ đối với tôi
Quí như là tiên dược
Khi thay đổi thời tiết
Làm dịu vết thương đau.
Thơ ông là tiếng nói mộc mạc, chân tình của một tâm hồn người lính chuẩn mực. Mỗi bài thơ là một câu chuyện, một kỷ niệm, một lời tâm tình, dệt nên cuốn nhật ký đời sống tinh thần tình cảm của chính tác giả. Nơi đó thể hiện rõ một lý tưởng sống cao đẹp, những tình cảm thiết tha và mặn nồng với Tổ quốc, quê hương, các bậc sinh thành, đồng chí và đồng đội người còn sống trở về và bao người đã hi sinh, với vợ con, bạn bè, học trò, nghĩa cũ, tình xưa. Giọng điệu có nhiều tìm tòi, không thiếu những lời nói dí dỏm, tự trào để làm nhẹ bớt những suy nghĩ của Một đời nếm trải gian truân. Nhà văn Nga I.Êrenbua từng viết: Ngoài mặt trận, hai tiếng ĐỒNG CHÍ nhầy nhụa máu tươi. Câu đó đúng với tác giả không chỉ trong lần bị thương ở Tà púc nơi ông cách cái chết một sợi tóc mà thấm đẫm trong nhiều bài thơ tác giả viết về đồng đội, đồng chí cả còn và mất. Nhưng không chỉ có thế, thế giới thơ của ông phong phú, bởi một cuộc đời không suôn sẻ, nhưng tâm hồn luôn lạc quan, tấm lòng rộng mở. Trước bao ngang trái được mất một đời ông không có tâm thế yếm thế, buông trôi thường thấy.
Riêng tôi rất mừng, bởi thần tượng về người lính mẫu mực buổi đầu bước chân vào quân ngũ của chúng tôi, sau gần nửa thế kỷ vẫn đẹp như thuở nào.
*
Thơ là tiên dược với riêng tôi
Làm dịu vết đau lúc trở trời.
Chắc chắn Một chút duyên thơ không chỉ làm dịu vết đau, mà còn mang lại niềm tin yêu cuộc sống cho nhiều người.
Nhà văn Ngô Thảo