Vài nét về nhà văn Nguyễn Hiến Lê
(Toquoc)- Là một học giả vốn trí thức uyên bác, bách khoa, Nguyễn Hiến Lê nổi bật trong nỗ lực không mệt mỏi phổ cập tri thức về lịch sử, triết học, văn minh, văn học và dịch thuật. Ông xứng đáng là một tập đại thành, người chuyên chở cần mẫn các giá trị tinh hoa của tư tưởng, văn hoá, nhân kiệt thuộc cổ kim đông tây trên thế giới vào Việt Nam.
Ông khởi nghiệp cầm bút từ năm 1935, lúc đầu là nghiêp dư, các bài viết trên các thể tài: du kí, kí sự, tiểu luận, dịch thuật. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông thôi làm công chức, chuyển sang nghề dạy học ở tỉnh lẻ. Từ năm 1952, ông chuyển lên Sài Gòn, chuyên sống bằng nghề cầm bút và xuất bản sách. Ông mở nhà xuất bản tư nhân mang tên ông, chủ yếu xuất bản những tác phẩm của mình.
Tính từ tác phẩm văn học đầu tay Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười (viết giữa những năm 40 của thế kỉ trước, mất bản thảo, năm 1954 viết lại và in lần đầu) cho đến khi mất, trong 50 năm cầm bút, sinh thời ông đã viết và cho in hơn 100 đầu sách với hơn 30.000 trang in. Trong số đó, có hơn chục cuốn đuợc xuất bản sau khi ông mất; một số cuốn bản thảo đã xong nhưng còn là lai cảo. Sách của ông bao quát nhiều lĩnh vực phong phú của khoa học xã hội, khoa học nhân văn, tư tưởng - đạo đức: triết học, chính trị, kinh tế, sử học, văn học, ngôn ngữ học, đạo đức học, luân lí, cách trí, dịch thuật, biên khảo về danh nhân, luyện đức trí v.v… Ngoài ra, ông đã viết hơn 300 bài khảo luận, điểm sách, nghiên cứu in trên báo chí Sài Gòn đương thời trước 1975 cùng mấy chục bài Tựa cho sách của đồng nghiệp, văn hữu.
Những trước tác chính về văn học của ông là:
- Con đường thiên lí (tiểu thuyết, chưa rõ năm xuất bản)
- Luyện văn I (1953), II, III (1957)
- Nghề viết văn (1956)
- Đại cương văn học sử Trung Quốc, 3 tập (1955)
- Văn học Trung Quốc hiện đại, 2 tập (1959)
- Cổ văn Trung Quốc (1966)
- Hương sắc trong vườn văn, quyển I và quyển II (1962)
- Mười câu chuyện văn chương (1975)
- Hồi kí Nguyễn Hiến Lê (1943)
- Đời viết văn của tôi (1996)
Là một học giả vốn trí thức uyên bác, bách khoa, Nguyễn Hiến Lê nổi bật trong nỗ lực không mệt mỏi phổ cập tri thức về lịch sử, triết học, văn minh, văn học và dịch thuật. Ông xứng đáng là một tập đại thành, người chuyên chở cần mẫn các giá trị tinh hoa của tư tưởng, văn hoá, nhân kiệt thuộc cổ kim đông tây trên thế giới vào Việt Nam . Ông chủ trương nêu những tấm gương sáng, tự lực gắng công trong đời hoạt động và sự nghiệp thành tài của các danh nhân, để người đương thời soi vào mà noi theo, học tập, làm những điều có ích cho tiến bộ xã hội.
Ông thể hiện một tư duy hiền minh trong một văn phong giản dị, lão thực. Những sự việc của quá khứ xa xưa, những khái niệm khoa học trừu tượng và khúc mắc đến mấy cũng đều được ông kể lại, trình bày một cách sáng sủa, sinh động và hấp dẫn. Chúng kích thích sự đối thoại của người đọc, bởi ông luôn luôn cập nhật, gắn chúng với việc giải quyết những vấn đề của đời sống và xã hội hôm nay. Ông chủ trương một nhân sinh quan lành mạnh, yêu đời, ham sống, ham làm điều có ích, biết sống vui, sống khoẻ, sống khoa học. “Học xưa vì nay”, “Sống hữu ích và sống đẹp”, có thể nói đó là phương châm hành xử của con người văn minh, hiện đại, mà ông chủ trương truyền bá. Nó thấm nhuần trong toàn bộ các trước tác học thuật của ông.
Đương thời cũng như sau khi ông mất, nhiều trước tác của ông được tái bản lưu hành rộng rãi, vẫn không ngừng lôi cuốn và hấp dẫn công chúng nhiều thế hệ tìm đọc.
Nguyễn Hiến Lê có thể xem là nhà khai sáng, một Lê Quý Đôn của thời hiện đại.
Nguyễn Hiến Lê sinh ngày 08/01/1912 tại Hà Nội, quê làng Phương Khê, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Ông mất năm 1984. Xuất thân trong một gia đình Nho học, năm 1934, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng công chính Hà Nội, được bổ vào Nam Bộ làm việc, từ đó định cư luôn ở miền Nam cho đến khi qua đời. |
Nguyễn Ngọc Thiện