Dương Thanh và Vô Ngôn Thông
The Birth of Vietnam (chương 6, phần 2)
Thứ Tư 15, Tháng Mười Hai 2010, BTV:
(Xem mục lục ở sau Lời mở đầu Việt Nam khai quốc)
Tượng thiền sư Vô Ngôn Thông
Sự phục hồi của nhà Đường từ sau loạn An Lộc Sơn chỉ được một thời gian ngắn ngủi và Trung Hoa bước vào đêm dài của một đế chế lụi tàn. Chiều hướng này còn diễn ra nhanh hơn do thái độ chống đối ngày càng lộ liễu hơn của các thủ lãnh bộ lạc miền núi phe cánh với vương quốc Nam Chiếu đang lớn mạnh ở Vân Nam. Từ khi Triệu Xương ký một hòa ước với Nam Chiếu vào năm 794 thì các bộ lạc vùng núi vẫn đuợc yên ổn; và các xích mích chỉ xuất hiện từ lúc Bùi Thái đến nhậm chức ở Giao Châu vào năm 802-803. Kể từ đó, các tộc "Man Hoàng Động" cứ lâu lâu lại kéo xuống phá phách vùng thung lũng nơi bây giờ là phía Tây tỉnh Quảng Tây (16).
Khoảng cuối năm 817 và đầu năm 818, Bùi Hành Lập được thuyên chuyển về Quế Châu, nơi ông bàn tính với các quan chức trong vùng để xin lệnh tấn công bọn "Man Hoàng Động". Tiết độ sứ Quảng Châu lúc đó là Khổng Quỳ không đồng ý vì cho “chuyện này chưa được bàn thảo kỹ càng”. Dù thế chiến dịch vẫn được triển khai bất chấp lời can ngăn của Khổng Quỳ với việc Bùi Hành Lập và bộ hạ dẫn đầu một đạo quân lớn tiến vào vùng núi. Nhưng chiến dịch này bị sa lầy ngay từ những ngày đầu vì quân sĩ yếu kém và vì bệnh sốt rét hoành hành (17). Tìm mọi cách níu kéo chiến dịch vắn số ấy Bùi Hành Lập và bộ hạ đã phải cắn răng mất trắng quyền kiểm soát lãnh thổ đồng thời phải thường xuyên gánh chịu những điều kiện ngặt nghèo từ các cuộc tấn công vào hậu cứ đang bị bao vây cũng như việc tái xuất hiện những mầm mống nổi dậy ở An Nam.
Kế vị Bùi Hành Lập ở An Nam là một tông thất nhà Đường tên là Lý Tượng Cổ. Lý Tượng Cổ là một tên tham túng, bất kể luật pháp nên mọi ngưòi bất mãn và chỉ chực chờ cơ hội nổi loạn. Ngược lại, phụ tá của Lý Tượng Cổ là Dương Thanh lại là một thủ lĩnh người Việt, dòng dõi hào trưởng lâu đời, có nhiều thế lực, tổ tiên từng làm Thứ Sử châu Hoan từ thời Khai Nguyên (713-741). Lo sợ bị danh tiếng của Dương Thanh lấn át nên Lý Tượng Cổ, thay vì để Dương Thanh giữ chức Thứ Sử Hoan Châu, chỉ cho làm “Nha môn tướng”, một cấp chỉ huy không có thực quyền trong Giao Châu phủ.
Thất vọng và buồn phiền nên Dương Thanh càng để ý đến lòng căm phẫn của dân chúng đối với sự cai trị hống hách của Lý Tượng Cố. Trong khi đó vì muốn tống khứ Dương Thanh cho khuất mắt nên một hôm Lý Tượng Cổ hạ lệnh cho họ Dương đem 3.000 lính lên trợ giúp Bùi Hành Lập đang bị chôn chân trên rừng núi phiá Bắc. Biết rằng không thể nấn ná thêm nữa nên đêm đó Dương Thanh quyết định làm phản, đột nhập vào thành giết chết Lý Tượng Cổ cùng trên một ngàn người vừa vợ con, gia nhân và tùy tùng bộ hạ của Lý Tượng Cổ (18).
Sau cuộc nổi loạn này Dương Thanh yên trí rằng đế quốc Đường đã cáo chung và sẽ không còn nhòm ngó An Nam nữa. Lẽ ra, Dương Thanh đã có cơ hội đưa toàn bộ Giao Châu phủ về một mối, nhưng ông không phải là nhà lãnh đạo được lòng dân. Sách chép rằng vì bản tính dễ nổi nóng nên Dương Thanh có những hành động hà khắc gần như tàn bạo khiến mọi người xa lánh.
Biết rằng không thể trừng phạt quân sự ngay được đối với Dương Thanh nên nhà Đường tìm cách đánh lạc hướng những tham vọng của ông ở Giao Châu bằng việc khoan hồng và bổ nhiệm ông làm Thứ Sử trên đảo Hải Nam. Dĩ nhiên Dương Thanh không chịu đi và ra lệnh đóng cửa biên giới khi viên tân Đô Hộ là Quế Trọng Vũ sắp đến.
Khi đến nơi, Quế Trọng Vũ cho hạ trại ở biên giới và tìm cách bí mật điều đình với các thuộc hạ của Dương Thanh. Sau vài tháng điều đình, sứ giả của Trọng Vũ đã tạo được hậu thuẫn ngày càng nhiều từ các quan chức dưới trướng của Dương Thanh, kể cả các cấp chỉ huy có tới bảy nghìn quân. Tuy nhiên, triều đình nhà Đường lại cho rằng Quế Trọng Vũ hành động quá chậm chạp nên đầu năm 820 lại bổ nhiệm Bùi Hành Lập thay thế. Nhưng trước khi Bùi Hành Lập đến nơi, những nỗ lực của Quế Trọng Vũ đã có kết quả. Một nhóm tướng quân của Dương Thanh làm phản, chiếm thành Đại La, và mở cửa đón Quế Trọng Vũ vào thành. Dương Thanh và gia đình đều bị giết chết. Trước đó Bùi Hành Lập đã qua đời tại Hải Môn và thế là Quế Trọng Vũ lại được tái bổ nhiệm vào cương vị cũ. (19)
Việc Quế Trọng Vũ vận động được một số lãnh đạo địa phương Việt Nam chống Dương Thanh có lẽ là nhờ sự hỗ trợ của các phần tử trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam. Sự trợ giúp này được thể hiện qua việc thành lập một hệ phái Thiền mới do một nhà sư từ Trung Quốc đến vào năm 820, có lẽ theo sự sắp đặt của Quế Trọng Vũ. Nhà sư này gốc ở châu Quảng, mang họ Trịnh, nhưng sau này được nhớ đến qua tên tiếng Việt của dòng Thiền mà ông sáng lập: Vô Ngôn Thông. Ông xuất gia tại chùa Song lâm thuộc Chiết Giang ngày nay, và sau đó tu tập với Mã Tổ Đạo Nhất ở Giang Tây. Sư phụ và cũng là người tiền nhiệm của Mã Tổ là đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng, người được coi là sơ tổ của dòng Thiền “Nam tông” Trung Quốc. Huệ Năng được tính là thế hệ truyền thừa thứ ba kể từ đời Tăng Sán, vị chưởng môn đã phái nhà sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi xuống miền Nam vào thế kỷ 6.
Sau khi Mã Chưởng môn viên tịch, Vô Ngôn Thông tiếp tục tu tập với đệ tử danh tiếng của Mã Tổ là Bách Trượng Hoài Hải, người đã có công đem sinh khí mới lại cho Phật Giáo Trung Quốc. Sau khi Thiền sư Hoài Hải mất năm 814, Võ Ngôn Thông tiếp tục tu tập với các đệ tử của Hoài Hải và đã truyền tâm ấn cho sư Huệ Tịch, người về sau sáng lập phái Thiền Quy Ngưỡng, một trong năm Thiền phái nổi tiếng ở Trung Hoa, nhưng nhỏ và chẳng tồn tại đến hết thời Đường.
Năm 820, khi tới Việt Nam, Vô Ngôn Thông đã cao tuổi. Ông được thiền sư Cảm Thành (pháp danh Lập Đức) đón tiếp ở chùa Kiến Sơ, xã Phù Đổng (trước 1961 thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, ngày nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Vô Ngôn Thông cư trú tại chùa này, ngoài hai bữa cơm cháo thì dành hết thì giờ vào việc thiền tọa, xoay mặt vào vách, không nói năng gì. Vô Ngôn Thông viên tịch vào năm 826, sau khi truyền hết sở học mà ông đã thọ giáo từ Bách Trượng Hoài Hải cho Cảm Thành. Sư Cảm Thành mất năm 860 và giáo phái Vô Ngôn Thông cũng như phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi còn tồn tại mãi sang đến thế kỷ 13 (20).
Chùa Kiến Sơ ở Gia Lâm, Hà Nội (nguồn: Phật tử Việt Nam)
Việc sáng lập giáo phái Vô Ngôn Thông lúc đó chắc chắn có dính líu đến chính trị Giao Châu. Trong khi các phe kình chống nhau tìm cách chiếm quyền cai trị Đại La và các tay sai của nhà Đường ra vào Đô Hộ Phủ như thoi đưa thì việc Vô Ngôn Thông đến Việt Nam không thể là chuyện ngẫu nhiên. Đã nhiều tuổi, Vô Ngôn Thông đến An Nam không phải để tầm sư học đạo hay để tìm nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi. Có thể suy diễn một cách hợp lý rằng hệ phái Vô Ngôn Thông đã lôi kéo được những cộng đồng tăng lữ ở Giao Châu ngả về phe thân nhà Đường. Các cộng đồng thiền viện này có những liên hệ văn hóa mật thiết với Trung Quốc và có lẽ vì thế nên họ luôn nghi ngờ các mưu toan thay đổi của Dương Thanh.
Giáo phái Vô Ngôn Thông dường như cũng là đáp ứng của những vùng nông nghiệp đối với những tham vọng chính trị nhất thời của những người có trách nhiệm phòng thủ vùng núi non nơi biên cương. Cuộc nổi loạn của Dương Thanh thoạt kỳ thủy, nói không có chút nào thì không đúng, nhưng phải nói là dựa rất ít vào các quan chức dân sự đang cai quản các vùng nông thôn ở Giao Châu. Nhiều người trong số này chắc chắn có quan điểm gần gũi với những quan lại Trung Quốc hơn là xã hội ít học ở các huyện vùng biên giới nơi các võ quan làm nên sự nghiệp. Vụ trừ khử Dương Thanh hầu như được sự hậu thuẫn của các quan chức dân sự trong vùng đất Phật Giáo tại trung tâm Giao Châu khi họ đã quá ngán ngẩm với những điều mà họ cho là cực đoan vô lối. Nhờ mối đe dọa cực đoan này, họ sẽ được hưởng lợi khi điều đình với Thiên triều, chừng nào nhà Đường vẫn tiếp tục để họ nắm quyền kiểm soát ở đây.
Dương Thanh rõ ràng là một người nóng nảy. Ông khởi dựng sự nghiệp từ châu Hoan, nơi biên cương, an ninh vốn lỏng lẻo và phần lớn cư dân thuộc các bộ lạc luôn gây căng thẳng triền miên. Ra lệnh tàn sát trên một ngàn người để trả thù Lý Tượng Cổ, rồi sau đó lại phong tỏa biên giới là cách để Dương Thanh chứng tỏ rằng ông có thể chống lại được nhà Đường. Nhiều người lại cho rằng Dương Thanh là một kẻ tàn bạo và ngu xuẩn.
Nói thế không phải là coi thường giá trị to lớn trong cuộc nổi dậy của ông khi biết dựa vào bối cảnh đầy căm phẫn của mọi người trước lề lối cai trị độc đoán và sai lầm; và lòng căm phẫn ấy chắc đã lan sang cả đám quan chức dân sự ở Giao Châu rồi. Mặc dù những quan chức này có thể đã tán thành việc Đô Hộ Phủ cai trị một cách mềm dẻo linh động trong quyền lực vừa mới tái lập được, nhưng nhất định họ không muốn để quyền lực ấy rơi vào bàn tay hung bạo của giới quân nhân giống như những thủ lãnh bộ lạc vùng núi, những người đã thâu tóm được nhiều quyền hành hơn thực lực của bản thân họ, trong khi tầm nhìn của họ bị giới hạn bởi nông nghiệp, hành chính và học vấn.
Trong thời gian quyền lực của nhà Đường được phục hồi, một lớp quan chức mới đã mọc lên để thoả mãn nhu cầu hành chánh địa phương. Chúng ta biết rằng, trước đó dưới thời Trương Chu, việc quân đội địa phương được tăng cường cùng với việc xây dựng công binh xưởng, kho võ khí, sửa sang thành quách, canh tân thủy quân, có thể đã không thực hiện được nếu không có những nỗ lực lớn để kiểm tra dân số, thu thuế, thực thi luật lệ.
Việc mở rộng guồng máy hành chánh trong thời kỳ ấy đã làm thay đổi rất nhiều mối tương quan giữa cư dân nông nghiệp vốn chiếm đa số ở Giao Châu với dân chúng sống ở vùng biên thùy lân cận. Từ đó những tiêu chuẩn của một đời sống nông nghiệp rõ nét đã được thực hiện chính xác hơn, quyền uy hơn và không khoan nhượng. Mặc dù cách thức lãnh đạo của Dương Thanh đã thu phục được những thành phần bất kham nơi biên cương cũng như những tầng lớp quan chức bất mãn nhưng lại không thể thu phục nhóm quan chức có học và biết phối hợp nhịp nhàng những thủ tục hành chánh; chính nhờ những khả năng này mà nhân lực và lương thực đã được cung cấp đủ cho quân đội của nhà cầm quyền.
Sức mạnh của phe nổi loạn là ở chỗ họ có thể rút về vùng biên giới nơi dân chúng ít bị trưng binh để dễ dàng chiêu mộ quân cho các cuộc phiêu lưu chính trị khác. Các nhóm nổi dậy bị nhà Đường đánh bật khỏi Giao Châu vào năm 820 dường như đều làm như thế. Những bất ổn chính trị, là đặc điểm của cả bốn thập kỷ tiếp theo và cũng là nguyên do của cuộc chiến tranh với Nam Chiếu, đều bắt nguồn từ những quan điểm đối kháng, phát sinh do việc mở rộng bộ máy hành chính trong vài chục năm trước đó ─ tạo được thái độ hợp tác ở vùng đồng bằng, nhưng lại gây ra thái độ kháng cự, chống đối nơi biên cương.
Chống lại sự thống trị của nhà Đường có lẽ không hoàn toàn chỉ là chuyện đơn lẻ ở địa phương mà còn trong tất cả các thành phần xã hội Việt Nam vì sự kiên trì kháng cự trong suốt thế kỷ 9 đã được sự hậu thuẫn ngấm ngầm của toàn thể xã hội nói chung. Tuy thế, rõ ràng vùng biên vẫn là nơi cung cấp nhiều cơ hội lớn lao hơn để triển khai những cuộc kháng chiến, còn những người quyết định ở lại Giao Châu dưới sự kiểm soát của nhà Đường thì lại có quan điểm thụ động hơn.
Xã hội Việt Nam lúc đó vẫn còn nhiều người không biết đọc và biết viết chữ Hán. Dư luận công chúng phần nhiều được biểu đạt nhờ thiểu số các sư sãi, quan chức dân sự và quân sự là những người ít ra cũng biết đọc, biết viết chữ và hiểu văn hoá Hán để làm những công việc thực tế hàng ngày. Không ít quan chức quân sự chỉ biết dăm ba chữ nhưng các thương nhân nhất định phải biết một số chữ chuyên môn để giao dịch buôn bán.
Vì quá trình đào tạo chính thức nhất định là phải nhồi nhét những quan điểm của Thiên triều nên cũng không sai nếu nghĩ rằng nhóm người có trình độ học thức uyên thâm nhất cũng là thành phần ngả về phía Trung Quốc nhiều nhất. Nhưng không phải vì thế mà không có một luồng tư tưởng khác đối với giới trí thức Việt Nam có học. Chúng ta đã thấy chữ Hán được dùng như thế nào để diễn tả danh từ thuần Việt như "bố" và "cái," qua nguồn gốc chữ "Nôm" còn truyền lại đến ngày hôm nay.
Nhiều người Việt Nam, mặc dù có hiểu biết Hán học, đã không tự cô lập với xã hội mà họ đã sinh ra và lớn lên. Chúng ta có thể cho rằng nhiều người trong số họ vẫn quyến luyến với nền văn hoá bản địa từ thuở chữ Hán chưa được du nhập. Một số người Việt Nam đã bầy tỏ sự quyến luyến này bằng việc cố gắng diễn đạt các câu ca dao tục ngữ bản địa bằng chữ "Nôm". Một số khác lại bày tỏ sự quyến luyến ấy qua những nỗ lực chống lại tầng lớp cai trị nhà Đường.
Tính từ năm 820 cho đến khi kết thúc chiến tranh Nam Chiếu, gần một nửa thế kỷ sau đó, chính sách của nhà Đường đối với Đô Hộ Phủ là luôn luôn phải một bên là xét đến khả năng, một bên là đo lường lòng trung thành của tầng lớp quan lại người Việt. Nửa thế kỷ, với hết các cuộc nổi dậy này đến cuộc nổi dậy khác, đã đưa Việt Nam dưới ách thống trị của nhà Đường từ chỗ bị chinh phục đến chỗ đối đầu. Dương Thanh có thể chưa là một lãnh tụ tầm cỡ, nhưng việc làm của ông là điềm báo trước cho những sự kiện trọng đại sắp diễn ra đối với vận mệnh nước Việt Nam.
Tác giả: Keith Weller Taylor
Chuyển ngữ: Lê Hồng Chương, Chiêu Ly (damau.org)
Ghi chú
(16) Man Thư, 267-268.
(17) Tư Trị Thông Giám (TTTG), 239, quyển 13, 125, và 241, q. 13, 187. Ngày tháng Bùi Hành Lập được bổ nhiệm làm Đô Đốc Quế Châu cũng gần trùng với ngày tháng Khổng Quỳ được bổ làm Tiết Độ Sứ Quảng Châu vào mùa thu năm 817 (Cựu Đường Thư, 15, 12b).
(18) Thông tin về tổ tiên Dương Thanh đã từng là Thứ Sử Hoan Châu từ đầu thời Khai Nguyên thì chỉ riêng Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) có (5, 7a-b). Chi tiết đầy đủ về cuộc khởi nghĩa Dương Thanh nằm trong phần tiểu sử Lý Tượng Cổ (Tân Đường Thư, 80, 12a), sau đó được chép lại trong TTTG, 241, quyển 13, 187, và ĐVSKTT, 5, 7a-b; trong An Nam Chí Lược (ANCL), 100, cũng có một đoạn thuật lại ngắn hơn. Những ghi nhận giản đơn về cái chết của Lý Tượng Cổ có trong Cựu Đường Thư (CĐT), 15, 19a, Tân Đường Thư (TĐT), 7, 166, và Việt Sử Lược (VSL), 1, 10b. CĐT chép quân An Nam nổi loạn; TĐT viết Tượng Cổ chết bởi tay “tướng quân An Nam Dương Thanh”; VSL thì chỉ ghi Dương Thanh là “quan”.
(19) Tiểu sử Lý Tượng Cổ (TĐT, 80, 12a) đã thuật lại sự kiện này và được TTTG chép lại, 241, q.13, 195, có thêm chi tiết về 7000 lính. Những sự kiện này cũng được ghi lại trong Bản Kỷ của CĐT: tháng 6 trong năm, Quế Trọng Vũ dâng tấu về triều rằng đã chém Dương Thanh và khôi phục An Nam Đô hộ phủ (16, 3a); tháng 8 trong năm Trọng Vũ gửi đầu Dương Thanh về kinh (10, 4a). ANCL, 100, chỉ nói vắn tắt rằng Trọng Vũ đã bình định cuộc nổi loạn của Dương Thanh. ĐVSKTT, 5, 7b-8a, lại chép khác, rằng Dương Thanh không những đã chống lại được Trọng Vũ mà cả hai viên Đô Hộ sau đó trong thời gian họ đang còn tại vị cho đến tận 828. Như chúng ta sẽ thấy, tình trạng khởi nghĩa liên tiếp là đặc điểm nổi bật trong cả thập kỷ sau đó, cũng chính là di sản từ cuộc nổi dậy của Dương Thanh và rõ ràng được tấm gương của ông cổ võ. Dẫu sao bằng chứng cũng cho thấy là Dương Thanh đã bị chém đầu vào năm 820. Theo CĐT, 16, 2a, Bùi Hành Lập được tái bổ nhiệm xuống An Nam vào tháng 2 năm 820. Triều đình nhận được tin Hành Lập chết vào tháng 7 trong năm (CĐT, 16, 4a).
(20) Về việc sáng lập hệ phái Vô Ngôn Thông, xem Trần Văn Giáp “Phật giáo ở An Nam từ khởi thủy đến thế kỷ 13”, trang 243-244 (“Le Bouddhisme en Annam des origins au XIII siècle”).
Tượng thiền sư Vô Ngôn Thông
Sự phục hồi của nhà Đường từ sau loạn An Lộc Sơn chỉ được một thời gian ngắn ngủi và Trung Hoa bước vào đêm dài của một đế chế lụi tàn. Chiều hướng này còn diễn ra nhanh hơn do thái độ chống đối ngày càng lộ liễu hơn của các thủ lãnh bộ lạc miền núi phe cánh với vương quốc Nam Chiếu đang lớn mạnh ở Vân Nam. Từ khi Triệu Xương ký một hòa ước với Nam Chiếu vào năm 794 thì các bộ lạc vùng núi vẫn đuợc yên ổn; và các xích mích chỉ xuất hiện từ lúc Bùi Thái đến nhậm chức ở Giao Châu vào năm 802-803. Kể từ đó, các tộc "Man Hoàng Động" cứ lâu lâu lại kéo xuống phá phách vùng thung lũng nơi bây giờ là phía Tây tỉnh Quảng Tây (16).
Khoảng cuối năm 817 và đầu năm 818, Bùi Hành Lập được thuyên chuyển về Quế Châu, nơi ông bàn tính với các quan chức trong vùng để xin lệnh tấn công bọn "Man Hoàng Động". Tiết độ sứ Quảng Châu lúc đó là Khổng Quỳ không đồng ý vì cho “chuyện này chưa được bàn thảo kỹ càng”. Dù thế chiến dịch vẫn được triển khai bất chấp lời can ngăn của Khổng Quỳ với việc Bùi Hành Lập và bộ hạ dẫn đầu một đạo quân lớn tiến vào vùng núi. Nhưng chiến dịch này bị sa lầy ngay từ những ngày đầu vì quân sĩ yếu kém và vì bệnh sốt rét hoành hành (17). Tìm mọi cách níu kéo chiến dịch vắn số ấy Bùi Hành Lập và bộ hạ đã phải cắn răng mất trắng quyền kiểm soát lãnh thổ đồng thời phải thường xuyên gánh chịu những điều kiện ngặt nghèo từ các cuộc tấn công vào hậu cứ đang bị bao vây cũng như việc tái xuất hiện những mầm mống nổi dậy ở An Nam.
Kế vị Bùi Hành Lập ở An Nam là một tông thất nhà Đường tên là Lý Tượng Cổ. Lý Tượng Cổ là một tên tham túng, bất kể luật pháp nên mọi ngưòi bất mãn và chỉ chực chờ cơ hội nổi loạn. Ngược lại, phụ tá của Lý Tượng Cổ là Dương Thanh lại là một thủ lĩnh người Việt, dòng dõi hào trưởng lâu đời, có nhiều thế lực, tổ tiên từng làm Thứ Sử châu Hoan từ thời Khai Nguyên (713-741). Lo sợ bị danh tiếng của Dương Thanh lấn át nên Lý Tượng Cổ, thay vì để Dương Thanh giữ chức Thứ Sử Hoan Châu, chỉ cho làm “Nha môn tướng”, một cấp chỉ huy không có thực quyền trong Giao Châu phủ.
Thất vọng và buồn phiền nên Dương Thanh càng để ý đến lòng căm phẫn của dân chúng đối với sự cai trị hống hách của Lý Tượng Cố. Trong khi đó vì muốn tống khứ Dương Thanh cho khuất mắt nên một hôm Lý Tượng Cổ hạ lệnh cho họ Dương đem 3.000 lính lên trợ giúp Bùi Hành Lập đang bị chôn chân trên rừng núi phiá Bắc. Biết rằng không thể nấn ná thêm nữa nên đêm đó Dương Thanh quyết định làm phản, đột nhập vào thành giết chết Lý Tượng Cổ cùng trên một ngàn người vừa vợ con, gia nhân và tùy tùng bộ hạ của Lý Tượng Cổ (18).
Sau cuộc nổi loạn này Dương Thanh yên trí rằng đế quốc Đường đã cáo chung và sẽ không còn nhòm ngó An Nam nữa. Lẽ ra, Dương Thanh đã có cơ hội đưa toàn bộ Giao Châu phủ về một mối, nhưng ông không phải là nhà lãnh đạo được lòng dân. Sách chép rằng vì bản tính dễ nổi nóng nên Dương Thanh có những hành động hà khắc gần như tàn bạo khiến mọi người xa lánh.
Biết rằng không thể trừng phạt quân sự ngay được đối với Dương Thanh nên nhà Đường tìm cách đánh lạc hướng những tham vọng của ông ở Giao Châu bằng việc khoan hồng và bổ nhiệm ông làm Thứ Sử trên đảo Hải Nam. Dĩ nhiên Dương Thanh không chịu đi và ra lệnh đóng cửa biên giới khi viên tân Đô Hộ là Quế Trọng Vũ sắp đến.
Khi đến nơi, Quế Trọng Vũ cho hạ trại ở biên giới và tìm cách bí mật điều đình với các thuộc hạ của Dương Thanh. Sau vài tháng điều đình, sứ giả của Trọng Vũ đã tạo được hậu thuẫn ngày càng nhiều từ các quan chức dưới trướng của Dương Thanh, kể cả các cấp chỉ huy có tới bảy nghìn quân. Tuy nhiên, triều đình nhà Đường lại cho rằng Quế Trọng Vũ hành động quá chậm chạp nên đầu năm 820 lại bổ nhiệm Bùi Hành Lập thay thế. Nhưng trước khi Bùi Hành Lập đến nơi, những nỗ lực của Quế Trọng Vũ đã có kết quả. Một nhóm tướng quân của Dương Thanh làm phản, chiếm thành Đại La, và mở cửa đón Quế Trọng Vũ vào thành. Dương Thanh và gia đình đều bị giết chết. Trước đó Bùi Hành Lập đã qua đời tại Hải Môn và thế là Quế Trọng Vũ lại được tái bổ nhiệm vào cương vị cũ. (19)
Việc Quế Trọng Vũ vận động được một số lãnh đạo địa phương Việt Nam chống Dương Thanh có lẽ là nhờ sự hỗ trợ của các phần tử trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam. Sự trợ giúp này được thể hiện qua việc thành lập một hệ phái Thiền mới do một nhà sư từ Trung Quốc đến vào năm 820, có lẽ theo sự sắp đặt của Quế Trọng Vũ. Nhà sư này gốc ở châu Quảng, mang họ Trịnh, nhưng sau này được nhớ đến qua tên tiếng Việt của dòng Thiền mà ông sáng lập: Vô Ngôn Thông. Ông xuất gia tại chùa Song lâm thuộc Chiết Giang ngày nay, và sau đó tu tập với Mã Tổ Đạo Nhất ở Giang Tây. Sư phụ và cũng là người tiền nhiệm của Mã Tổ là đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng, người được coi là sơ tổ của dòng Thiền “Nam tông” Trung Quốc. Huệ Năng được tính là thế hệ truyền thừa thứ ba kể từ đời Tăng Sán, vị chưởng môn đã phái nhà sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi xuống miền Nam vào thế kỷ 6.
Sau khi Mã Chưởng môn viên tịch, Vô Ngôn Thông tiếp tục tu tập với đệ tử danh tiếng của Mã Tổ là Bách Trượng Hoài Hải, người đã có công đem sinh khí mới lại cho Phật Giáo Trung Quốc. Sau khi Thiền sư Hoài Hải mất năm 814, Võ Ngôn Thông tiếp tục tu tập với các đệ tử của Hoài Hải và đã truyền tâm ấn cho sư Huệ Tịch, người về sau sáng lập phái Thiền Quy Ngưỡng, một trong năm Thiền phái nổi tiếng ở Trung Hoa, nhưng nhỏ và chẳng tồn tại đến hết thời Đường.
Năm 820, khi tới Việt Nam, Vô Ngôn Thông đã cao tuổi. Ông được thiền sư Cảm Thành (pháp danh Lập Đức) đón tiếp ở chùa Kiến Sơ, xã Phù Đổng (trước 1961 thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, ngày nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Vô Ngôn Thông cư trú tại chùa này, ngoài hai bữa cơm cháo thì dành hết thì giờ vào việc thiền tọa, xoay mặt vào vách, không nói năng gì. Vô Ngôn Thông viên tịch vào năm 826, sau khi truyền hết sở học mà ông đã thọ giáo từ Bách Trượng Hoài Hải cho Cảm Thành. Sư Cảm Thành mất năm 860 và giáo phái Vô Ngôn Thông cũng như phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi còn tồn tại mãi sang đến thế kỷ 13 (20).
Chùa Kiến Sơ ở Gia Lâm, Hà Nội (nguồn: Phật tử Việt Nam)
Việc sáng lập giáo phái Vô Ngôn Thông lúc đó chắc chắn có dính líu đến chính trị Giao Châu. Trong khi các phe kình chống nhau tìm cách chiếm quyền cai trị Đại La và các tay sai của nhà Đường ra vào Đô Hộ Phủ như thoi đưa thì việc Vô Ngôn Thông đến Việt Nam không thể là chuyện ngẫu nhiên. Đã nhiều tuổi, Vô Ngôn Thông đến An Nam không phải để tầm sư học đạo hay để tìm nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi. Có thể suy diễn một cách hợp lý rằng hệ phái Vô Ngôn Thông đã lôi kéo được những cộng đồng tăng lữ ở Giao Châu ngả về phe thân nhà Đường. Các cộng đồng thiền viện này có những liên hệ văn hóa mật thiết với Trung Quốc và có lẽ vì thế nên họ luôn nghi ngờ các mưu toan thay đổi của Dương Thanh.
Giáo phái Vô Ngôn Thông dường như cũng là đáp ứng của những vùng nông nghiệp đối với những tham vọng chính trị nhất thời của những người có trách nhiệm phòng thủ vùng núi non nơi biên cương. Cuộc nổi loạn của Dương Thanh thoạt kỳ thủy, nói không có chút nào thì không đúng, nhưng phải nói là dựa rất ít vào các quan chức dân sự đang cai quản các vùng nông thôn ở Giao Châu. Nhiều người trong số này chắc chắn có quan điểm gần gũi với những quan lại Trung Quốc hơn là xã hội ít học ở các huyện vùng biên giới nơi các võ quan làm nên sự nghiệp. Vụ trừ khử Dương Thanh hầu như được sự hậu thuẫn của các quan chức dân sự trong vùng đất Phật Giáo tại trung tâm Giao Châu khi họ đã quá ngán ngẩm với những điều mà họ cho là cực đoan vô lối. Nhờ mối đe dọa cực đoan này, họ sẽ được hưởng lợi khi điều đình với Thiên triều, chừng nào nhà Đường vẫn tiếp tục để họ nắm quyền kiểm soát ở đây.
Dương Thanh rõ ràng là một người nóng nảy. Ông khởi dựng sự nghiệp từ châu Hoan, nơi biên cương, an ninh vốn lỏng lẻo và phần lớn cư dân thuộc các bộ lạc luôn gây căng thẳng triền miên. Ra lệnh tàn sát trên một ngàn người để trả thù Lý Tượng Cổ, rồi sau đó lại phong tỏa biên giới là cách để Dương Thanh chứng tỏ rằng ông có thể chống lại được nhà Đường. Nhiều người lại cho rằng Dương Thanh là một kẻ tàn bạo và ngu xuẩn.
Nói thế không phải là coi thường giá trị to lớn trong cuộc nổi dậy của ông khi biết dựa vào bối cảnh đầy căm phẫn của mọi người trước lề lối cai trị độc đoán và sai lầm; và lòng căm phẫn ấy chắc đã lan sang cả đám quan chức dân sự ở Giao Châu rồi. Mặc dù những quan chức này có thể đã tán thành việc Đô Hộ Phủ cai trị một cách mềm dẻo linh động trong quyền lực vừa mới tái lập được, nhưng nhất định họ không muốn để quyền lực ấy rơi vào bàn tay hung bạo của giới quân nhân giống như những thủ lãnh bộ lạc vùng núi, những người đã thâu tóm được nhiều quyền hành hơn thực lực của bản thân họ, trong khi tầm nhìn của họ bị giới hạn bởi nông nghiệp, hành chính và học vấn.
Trong thời gian quyền lực của nhà Đường được phục hồi, một lớp quan chức mới đã mọc lên để thoả mãn nhu cầu hành chánh địa phương. Chúng ta biết rằng, trước đó dưới thời Trương Chu, việc quân đội địa phương được tăng cường cùng với việc xây dựng công binh xưởng, kho võ khí, sửa sang thành quách, canh tân thủy quân, có thể đã không thực hiện được nếu không có những nỗ lực lớn để kiểm tra dân số, thu thuế, thực thi luật lệ.
Việc mở rộng guồng máy hành chánh trong thời kỳ ấy đã làm thay đổi rất nhiều mối tương quan giữa cư dân nông nghiệp vốn chiếm đa số ở Giao Châu với dân chúng sống ở vùng biên thùy lân cận. Từ đó những tiêu chuẩn của một đời sống nông nghiệp rõ nét đã được thực hiện chính xác hơn, quyền uy hơn và không khoan nhượng. Mặc dù cách thức lãnh đạo của Dương Thanh đã thu phục được những thành phần bất kham nơi biên cương cũng như những tầng lớp quan chức bất mãn nhưng lại không thể thu phục nhóm quan chức có học và biết phối hợp nhịp nhàng những thủ tục hành chánh; chính nhờ những khả năng này mà nhân lực và lương thực đã được cung cấp đủ cho quân đội của nhà cầm quyền.
Sức mạnh của phe nổi loạn là ở chỗ họ có thể rút về vùng biên giới nơi dân chúng ít bị trưng binh để dễ dàng chiêu mộ quân cho các cuộc phiêu lưu chính trị khác. Các nhóm nổi dậy bị nhà Đường đánh bật khỏi Giao Châu vào năm 820 dường như đều làm như thế. Những bất ổn chính trị, là đặc điểm của cả bốn thập kỷ tiếp theo và cũng là nguyên do của cuộc chiến tranh với Nam Chiếu, đều bắt nguồn từ những quan điểm đối kháng, phát sinh do việc mở rộng bộ máy hành chính trong vài chục năm trước đó ─ tạo được thái độ hợp tác ở vùng đồng bằng, nhưng lại gây ra thái độ kháng cự, chống đối nơi biên cương.
Chống lại sự thống trị của nhà Đường có lẽ không hoàn toàn chỉ là chuyện đơn lẻ ở địa phương mà còn trong tất cả các thành phần xã hội Việt Nam vì sự kiên trì kháng cự trong suốt thế kỷ 9 đã được sự hậu thuẫn ngấm ngầm của toàn thể xã hội nói chung. Tuy thế, rõ ràng vùng biên vẫn là nơi cung cấp nhiều cơ hội lớn lao hơn để triển khai những cuộc kháng chiến, còn những người quyết định ở lại Giao Châu dưới sự kiểm soát của nhà Đường thì lại có quan điểm thụ động hơn.
Xã hội Việt Nam lúc đó vẫn còn nhiều người không biết đọc và biết viết chữ Hán. Dư luận công chúng phần nhiều được biểu đạt nhờ thiểu số các sư sãi, quan chức dân sự và quân sự là những người ít ra cũng biết đọc, biết viết chữ và hiểu văn hoá Hán để làm những công việc thực tế hàng ngày. Không ít quan chức quân sự chỉ biết dăm ba chữ nhưng các thương nhân nhất định phải biết một số chữ chuyên môn để giao dịch buôn bán.
Vì quá trình đào tạo chính thức nhất định là phải nhồi nhét những quan điểm của Thiên triều nên cũng không sai nếu nghĩ rằng nhóm người có trình độ học thức uyên thâm nhất cũng là thành phần ngả về phía Trung Quốc nhiều nhất. Nhưng không phải vì thế mà không có một luồng tư tưởng khác đối với giới trí thức Việt Nam có học. Chúng ta đã thấy chữ Hán được dùng như thế nào để diễn tả danh từ thuần Việt như "bố" và "cái," qua nguồn gốc chữ "Nôm" còn truyền lại đến ngày hôm nay.
Nhiều người Việt Nam, mặc dù có hiểu biết Hán học, đã không tự cô lập với xã hội mà họ đã sinh ra và lớn lên. Chúng ta có thể cho rằng nhiều người trong số họ vẫn quyến luyến với nền văn hoá bản địa từ thuở chữ Hán chưa được du nhập. Một số người Việt Nam đã bầy tỏ sự quyến luyến này bằng việc cố gắng diễn đạt các câu ca dao tục ngữ bản địa bằng chữ "Nôm". Một số khác lại bày tỏ sự quyến luyến ấy qua những nỗ lực chống lại tầng lớp cai trị nhà Đường.
Tính từ năm 820 cho đến khi kết thúc chiến tranh Nam Chiếu, gần một nửa thế kỷ sau đó, chính sách của nhà Đường đối với Đô Hộ Phủ là luôn luôn phải một bên là xét đến khả năng, một bên là đo lường lòng trung thành của tầng lớp quan lại người Việt. Nửa thế kỷ, với hết các cuộc nổi dậy này đến cuộc nổi dậy khác, đã đưa Việt Nam dưới ách thống trị của nhà Đường từ chỗ bị chinh phục đến chỗ đối đầu. Dương Thanh có thể chưa là một lãnh tụ tầm cỡ, nhưng việc làm của ông là điềm báo trước cho những sự kiện trọng đại sắp diễn ra đối với vận mệnh nước Việt Nam.
Tác giả: Keith Weller Taylor
Chuyển ngữ: Lê Hồng Chương, Chiêu Ly (damau.org)
Ghi chú
(16) Man Thư, 267-268.
(17) Tư Trị Thông Giám (TTTG), 239, quyển 13, 125, và 241, q. 13, 187. Ngày tháng Bùi Hành Lập được bổ nhiệm làm Đô Đốc Quế Châu cũng gần trùng với ngày tháng Khổng Quỳ được bổ làm Tiết Độ Sứ Quảng Châu vào mùa thu năm 817 (Cựu Đường Thư, 15, 12b).
(18) Thông tin về tổ tiên Dương Thanh đã từng là Thứ Sử Hoan Châu từ đầu thời Khai Nguyên thì chỉ riêng Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) có (5, 7a-b). Chi tiết đầy đủ về cuộc khởi nghĩa Dương Thanh nằm trong phần tiểu sử Lý Tượng Cổ (Tân Đường Thư, 80, 12a), sau đó được chép lại trong TTTG, 241, quyển 13, 187, và ĐVSKTT, 5, 7a-b; trong An Nam Chí Lược (ANCL), 100, cũng có một đoạn thuật lại ngắn hơn. Những ghi nhận giản đơn về cái chết của Lý Tượng Cổ có trong Cựu Đường Thư (CĐT), 15, 19a, Tân Đường Thư (TĐT), 7, 166, và Việt Sử Lược (VSL), 1, 10b. CĐT chép quân An Nam nổi loạn; TĐT viết Tượng Cổ chết bởi tay “tướng quân An Nam Dương Thanh”; VSL thì chỉ ghi Dương Thanh là “quan”.
(19) Tiểu sử Lý Tượng Cổ (TĐT, 80, 12a) đã thuật lại sự kiện này và được TTTG chép lại, 241, q.13, 195, có thêm chi tiết về 7000 lính. Những sự kiện này cũng được ghi lại trong Bản Kỷ của CĐT: tháng 6 trong năm, Quế Trọng Vũ dâng tấu về triều rằng đã chém Dương Thanh và khôi phục An Nam Đô hộ phủ (16, 3a); tháng 8 trong năm Trọng Vũ gửi đầu Dương Thanh về kinh (10, 4a). ANCL, 100, chỉ nói vắn tắt rằng Trọng Vũ đã bình định cuộc nổi loạn của Dương Thanh. ĐVSKTT, 5, 7b-8a, lại chép khác, rằng Dương Thanh không những đã chống lại được Trọng Vũ mà cả hai viên Đô Hộ sau đó trong thời gian họ đang còn tại vị cho đến tận 828. Như chúng ta sẽ thấy, tình trạng khởi nghĩa liên tiếp là đặc điểm nổi bật trong cả thập kỷ sau đó, cũng chính là di sản từ cuộc nổi dậy của Dương Thanh và rõ ràng được tấm gương của ông cổ võ. Dẫu sao bằng chứng cũng cho thấy là Dương Thanh đã bị chém đầu vào năm 820. Theo CĐT, 16, 2a, Bùi Hành Lập được tái bổ nhiệm xuống An Nam vào tháng 2 năm 820. Triều đình nhận được tin Hành Lập chết vào tháng 7 trong năm (CĐT, 16, 4a).
(20) Về việc sáng lập hệ phái Vô Ngôn Thông, xem Trần Văn Giáp “Phật giáo ở An Nam từ khởi thủy đến thế kỷ 13”, trang 243-244 (“Le Bouddhisme en Annam des origins au XIII siècle”).
Xem online : Kỳ trước