Home » » DƯƠNG QUẢNG HÀM

DƯƠNG QUẢNG HÀM

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011 | 22:19

Vài nét về Dương Quảng Hàm
(Toquoc)- Dương Quảng Hàm, nhà trí thức yêu nước, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học xuất sắc, bằng những bộ sách nghiên cứu - phê bình văn học bất hủ, đã ghi dấu thành tựu mở đầu khả quan, góp phần định hướng dân tộc - hiện đại cho khoa nghiên cứu văn học sử ở Việt Nam.

Ở bậc tiểu học, ông biên soạn các cuốn Quốc văn trích diễm (1925) và Việt văn giáo khoa thư (1940). Tuy còn sơ giản, nhưng đây là bộ sách giáo khoa Việt văn được biên soạn công phu, cẩn trọng, giúp cho học sinh có được  những kiến thức tối giản, cần thiết về các tác phẩm, tác gia của nền văn học dân tộc từ xa xưa đến thời hiện đại.
Song, công trình tâm huyết để đời, kết tinh sự chín mùi trong tư duy học thuật và kiến văn về lịch sử văn học Việt Nam được ông dồn sức hoàn thành, xuất bản trọn bộ vào năm 1943, là bộ sách gồm hai quyển:
Quyển thứ nhất: Việt Nam văn học sử  yếu;
Quyển thứ hai: Việt Nam thi văn hợp tuyển;
Hai quyển nói trên hợp thành bộ sách hoàn chỉnh, hỗ trợ cho nhau trong quá trình nghiên cứu, học tập về văn học Việt Nam cả trên hai bình diện: sáng tác phẩm và nhận thức diện mạo, tiến trình và các quy luật của văn học sử Việt Nam.
Việt Nam thi văn hợp tuyển bao gồm những trích đoạn tinh tuyển thơ văn tiếng Việt từ kho tàng văn học dân gian truyền miệng và kho tàng  tác phẩm viết bằng chữ Nôm, sau là chữ quốc ngữ, kể từ đời Trần đến thời cận kim - nửa đầu thế kỷ XX. Trong khi tinh tuyển văn bản tác phẩm, soạn giả          chú trọng tóm lược nội dung toàn tác phẩm và chú giải các từ ngữ cổ và khó trong văn trích. Trong buổi đầu biên soạn sách giáo khoa ở ta, bộ sách được biên soạn công phu tỉ mỉ như vậy đã có được sự tin cậy cao trong giới học đường.
Việt Nam văn học sử yếu mới thực sự là đỉnh cao trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học về văn học của Dương Quảng Hàm.
Công trình có một bố cục gọn gàng, sáng sủa và khá hoàn hảo. Tiếp thu thành tựu của khoa nghiên cứu văn học sử phương Tây, vận dụng vào việc nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam, bằng tư duy khoa học thực chứng và phương pháp văn học  so sánh, soạn giả phác họa toàn cảnh bức tranh của văn học Việt Nam. Trong đó nổi lên các nhân tố bên trong, các nguồn ảnh hưởng bên ngoài (văn chương Tàu, văn chương Tây) đã tác động vào sự hình thành và phát triển của văn học Việt Nam qua các chặng đường của đời sống xã hội và lịch sử dân tộc. Soạn giả là người lần đầu tiên ghi nhận các bộ phận cấu thành của văn học Việt Nam bao gồm văn chương truyền khẩu dân gian và văn học viết (bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ); tiến hành phân kỳ văn học theo các triều đại trong lịch sử. Tác giả cũng khẳng định nội lực tiềm tàng và những sáng tạo, giá trị đích thực qua các tác phẩm xuất sắc thuộc các thể loại của văn học Việt Nam được tạo nên bởi những tài năng nghệ thuật độc đáo.
Với bộ sách này, Dương Quảng Hàm đã đặt được những cơ sở khoa học vững chắc cho việc hình thành và phát triển của khoa học chuyên ngành về văn học sử ở Việt Nam. Cho đến nay, bộ sách vẫn chứng tỏ giá trị lâu bền của nó về tư duy khoa học , phương pháp luận, kiến văn và cách trình bày, biện giải về tiến trình văn học Việt Nam theo lịch sử.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, Dương Quảng Hàm được cử làm Thanh tra Trung học vụ rồi Hiệu trưởng trường Chu Văn An (tức trường Bưởi cũ). Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tháng 12/1946, ông hi sinh trên đường từ nội thành Hà Nội ra ngoài.
Dương Quảng Hàm, nhà trí thức yêu nước, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học xuất sắc, bằng những bộ sách nghiên cứu - phê bình văn học bất hủ, đã ghi dấu thành tựu mở đầu khả quan, góp phần định hướng dân tộc - hiện đại cho khoa nghiên cứu văn học sử ở Việt Nam./.
Nguyễn Ngọc Thiện

Dương Quảng Hàm (1898-1946)
Tên thật và cũng là bút danh chính: Dương Quảng Hàm. Bút danh khác: Uyên Toàn, hiệu: Hải Lượng. Sinh ngày 14/7/1898, quê quán: làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu (nay là huyện Văn Giang) tỉnh Hưng Yên.
Xuất thân trong một gia đình Nho học, yêu nước, từ nhỏ ông theo học chữ Nho, sau chuyển sang Tây học. Năm 1920, tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Từ đó đến Cách mạng tháng 8/1945, ông chủ yếu dạy học ở trường Bảo hộ (trường Bưởi), Hà Nội. Lúc đầu dạy ở bậc Cao đẳng tiểu học các môn tiếng Pháp, tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý. Sau được chuyển lên dạy Việt văn bậc trung học.
Dương Quảng Hàm (ảnh Internet)
Là một nhà giáo chuyên tâm với nghề, say mê nghiên cứu văn học, văn hóa nước nhà, ông tự hoàn thiện vốn Hán học, học thêm chữ Nôm rồi trực tiếp đảm đương biên soạn sách giáo khoa để giảng dạy theo chương trình chính khóa. Ông soạn gần mười cuốn sách giáo khoa cả bằng tiếng Việt và bằng tiếng Pháp về các môn học lịch sử, tiếng Pháp, văn học - ở cả hai bậc tiểu học và trung học, trong đó có những bộ sách được xem là tài liệu chính thức trong dạy và học.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved