Home » » Nhìn lại về Sĩ Nhiếp (137-226)

Nhìn lại về Sĩ Nhiếp (137-226)

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011 | 00:27

Sân đền Lũng Khê thờ Sĩ Nhiếp, khuất phía sau bên trái là lăng mộ (photos ©2008 Đông Tỉnh).
Không lâu trước đây, mỗi khi nghe ai nói “Sĩ vương” hay “Nam Giao học tổ”, trong tôi lại dội lên sự bức bối rất lạ. Lúc đó tôi như nổi khùng, tự cãi với người vô hình nào đó: “Ông ta làm vua bao giờ mà gọi là vương? Nước Việt ta phải mãi tới lúc đó mới có sự học sao mà ông ta lại là học tổ?” Tâm thức tự tôn lịch sử ấy được củng cố thêm khi đọc trong sách sử: Cương mục (phàm lệ) có nhận xét: “Sĩ Nhiếp theo lệnh triều đình Trung Quốc phái sang làm Thái thú, không từng xưng vương bao giờ, thế mà sử cũ cũng chép riêng thành một kỷ, nay tước bỏ đi, chỉ chép thẳng công việc thời ấy để ghi lấy sự thực…” ( Đại Việt sử ký toàn thư. NXB Văn hoá Thông tin năm 2000, tr. 222).
Cổng vào lăng Sĩ Nhiếp ở Thuận Thành, Bắc Ninh
Rồi: “Nhưng đối với Sĩ Nhiếp thì nguyên tắc trên đã bị lu mờ trước ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo. Sĩ Nhiếp là viên quan đô hộ của nhà Hán đã cai trị lâu năm ở nước ta và đã truyền bá Nho giáo, lập trường dạy chữ Hán… Vì vậy các môn đệ Nho giáo ở nước ta đã suy tôn Sĩ Nhiếp là "Sĩ Vương", coi là “Nam giao học tổ”. Cũng trong tinh thần đó, Đại Việt sử ký toàn thư đã viết thành “kỷ Sĩ Vương” và cả Lê Văn Hưu lẫn Ngô Sĩ Liên đều hết lời ca ngợi!” (sđd, tr. 105-106).
Nhưng rồi không biết từ bao giờ, tôi chợt ngộ ra: chuyện đời không đơn giản vậy!
Đúng, Sĩ Nhiếp là viên quan do nhà Hán đưa sang nhưng ông không phải người Hán mà là người Việt (tổ là người nước Lỗ sang Giao Chỉ, tới ông đã 6 đời). Ông sang Bắc Kinh du học, được làm quan rồi bổ về nhậm chức ở quê quán. Suốt trong 40 năm ông giữ chức là thời kỳ Trung Quốc tao loạn. Ông đã khéo lèo lái, tránh cho Giao Châu khỏi lâm vào vòng tranh chấp giữa các thế lực Nguỵ- Ngô. Trong bàn cờ thế cuộc lúc đó, Giao Châu tồn tại như một quốc gia tự quản, phụ thuộc lỏng lẻo các thế lực phương Bắc: khi thì nộp cống cho Hán, khi thì nộp cống cho Ngô. Nhờ thế Sĩ Nhiếp đã giữ cho Giao Châu sự ổn định, hoà bình, thịnh vượng gần nửa thế kỷ. Không chỉ nhiều người phương Bắc chạy loạn tới sinh sống mà còn là nơi dung thân của hơn trăm kẻ sĩ người Hán. Trên thực tế, Sĩ Nhiếp giữ vai trò của ông vua không ngai trong vương quốc của mình.
Một câu hỏi đặt ra: Vì sao Sĩ Nhiếp không xưng vương?
Trong hoàn cảnh lúc đó, việc xưng vương không khó, không cần người thật bản lĩnh cũng làm được, giống như dựng một vở tuồng. Nhưng việc không xưng vương hình như cần bản lĩnh cao hơn! Và may mắn mà Sĩ Nhiếp là người có bản lĩnh đó. Ông hiểu rằng, Giao Châu quá nhỏ so với phương Bắc. Sở dĩ ông tồn tại được là nhờ các thế lực phương Bắc chia rẽ đánh lẫn nhau. Trong bối cảnh đó, ông đã khôn khéo làm cho cả 3 đều không coi ông là kẻ thù cần đối phó mà là phiên thần cần “nuôi nấng bảo vệ”. Một khi ông xưng vương, thì tự nhiên Giao Châu thành quốc gia ly khai, trở nên thù địch với cả Thục, cả Ngô, cả Nguỵ Cái tiểu quốc của ông trở thành bãi chiến trường, dân bị đẩy vào vòng chém giết và nước cũng mất trong một sớm một chiều! Hình như việc không xưng vương của Sĩ Nhiếp tỏ ra ông có bản lĩnh hơn con người gian hùng nhiều tham vọng Hồ Quý Ly. Nếu có bản lĩnh như Tào Tháo giữ Hiến đế hay như họ Trịnh giữ vua Lê thì họ Hồ cứ việc kê cao gối mà ngủ, còn đất nước cũng tránh được hoạ xâm lăng! Không xưng vương là Sĩ Nhiếp đã thực sự biết mình biết người vậy!
Một câu hỏi cũng tự nhiên nảy sinh: vì sao dân Việt tôn ông là Vương? Nói rằng các nho sĩ vì muốn nâng uy tín của thầy mà tôn xưng cũng có lý. Nhưng nho sĩ là gì? Đó chẳng phải là tầng lớp biểu trưng cho lương tri cho trí tuệ của dân tộc sao? Như vậy là lương tri và trí tuệ dân tộc Việt đã tôn xưng Sĩ Nhiếp.
Tượng cừu đá bị vẹt lưng ở chùa Dâu Tượng cừu đá bị vẹt lưng ở chùa Dâu, cách lăng 1km
Nhưng có thể cũng còn vì lý do khác: dân tôn ông làm Vương để tự đề cao mình. Bởi lẽ có vương tất phải có quốc! Đất thì vẫn có đấy, chính là đất Nam Việt của Triệu Võ đế xưa. Nhưng trăm năm rồi dưới sự cai quản của những thái thú ngoại bang. Đến bây giờ, đất được tự quản, gần như độc lập, lại do một minh chúa “người mình” thống lĩnh. Vậy dại gì không tôn ông ta làm vua để trên danh tiếng có một quốc gia, được là dân của một nước độc lập? Làm sao mà biết tâm trạng người xưa nhưng ai dám bảo không có ý như vậy? Dân tôn Sĩ Nhiếp làm vua cũng chính vì mình! Viết điều đó vào chính sử là điều không phải hạng thợ chép sử tầm thường có thể làm!
Nghĩ vậy, tôi một lần nữa đem sách sử ra đọc:
Viên Huy nhà Hán gửi thư cho Thượng thư lệnh là Tuân Úc rằng: “Giao Châu Sĩ phủ quân đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị, trong thời buổi đại loạn, giữ vẹn được một quận hơn 20 năm, bờ cõi không xảy ra việc gì, dân không mất nghiệp, những bọn khách xa đến trú chân đều được nhờ ơn… Khi việc quan có chút nhàn rỗi thì chăm xem các sách thư truyện. Phàm những chỗ ghi chép không rõ ràng trong sách Xuân Thu tả thị truyện (tôi đã hỏi), đều được ông giảng giải cho những chỗ nghi ngờ, đều có kiến giải của bậc thầy… Lại như sách Thượng thư, cả cổ văn và kim văn, những ý nghĩa to lớn, ông đều hiểu biết tường tận, đầy đủ. Anh em ông làm quan coi quận, hùng trưởng một châu, ở lánh ngoài muôn dặm, uy tín không ai hơn. Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường có mấy mươi người; vợ cả vợ lẽ đi xe che kín, bọn con em cưỡi ngựa dẫn quân theo hầu, người đương thời ai cũng quý trọng, các man di đều sợ phục, dẫu Uý Đà cũng không hơn được.”
Qua lời của một kẻ sĩ Bắc quốc hiện lên chân dung lồ lộ con người và phẩm cách của Sĩ Nhiếp. Ngoài đức và trí ra thì cuộc sống thực của ông có khác gì một ông vua? Dân gọi ông là Vương không phải là không có lý.
Và đây là lời sử gia Lê Văn Hưu:
“Sĩ Vương biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ, được người thân yêu mà đạt đến thịnh một thời. Lại hiểu nghĩa, thức thời, tuy tài và dũng không bằng Triệu Võ đế, nhưng chịu nhín mà thờ nước lớn, để giữ vẹn bờ cõi, có thể gọi là người trí…”
Còn đây là nhận xét của sử gia Ngô Sĩ Liên:
“Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không ngừng chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao?”
Tôi từng nghiên cứu về cội nguồn văn hoá Việt, nền văn hoá phát triển sớm và rực rỡ, cũng từng biết, thời Triệu Đà chữ Hán được truyền sang… Nhưng cái sự học trở nên quy củ phải nói là từ Sĩ Nhiếp. Nếu không phải ông thì ai là người đặt nền móng cho việc học ở nước ta? Vậy gọi ông là học tổ đâu phải chuyện hoang đường?
Chép những lời trên vào chính sử, cả họ Lê cả họ Ngô đều chẳng phải tự mình nghĩ được mà là lắng nghe từ sâu thẳm lòng người từ nghìn xưa vọng lại… Ngẫm ra mới biết trí tuệ của dân muôn đời sáng láng thay!
Sài Gòn, tháng Tư Bính Tuất (2006)
Hà.V. Thuỳ
Xem THĂM LUY LÂU, BÁI SĨ VƯƠNG
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved